Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Ngôn ngữ thơ hôm nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (141.54 KB, 8 trang )

NGÔN NGỮ THƠ HÔM NAY
GS.TS. Mã Giang Lân
Trường Đại học Khoa học xã hội- nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
Chúng ta đã từng quen với hình thức ngâm thơ, bây giờ chúng ta lại trình diễn thơ để thơ
sống và đến với người đọc trong một tư thế mới hơn. Lối trình diễn với sự hỗ trợ của múa,
nhạc, màu sắc lời thơ như hòa vào, chìm lấp trong những thứ hỗn hợp ấy. Lời không rõ,
không nghe được lời thơ và như vậy thơ hay cũng như thơ dở. Nghệ thuật nguyên hợp thơ,
múa, nhạc thời nguyên thủy sống lại ở mức cao hơn, có ý thức hơn, hiện đại hơn. Thơ sống
nhờ vào các nghệ thuật khác, cũng như thơ ẩn cư trong ngôi nhà ngôn ngữ của văn xuôi.
Dù sao thì trình diễn thơ cũng chỉ tồn tại ở những đám đông, trong những lễ hội, những
lúc bốc đồng, lên đồng. Qua đi, thơ phải trở về với mình cả phần hồn và phần xác, không thể
cứ phải nhập hồn vào thân xác kẻ khác “hồn Trương Ba da hàng thịt”, rồi sẽ có bao nhiêu hệ
lụy, trớ trêu dở cười dở khóc. Muốn nói thế nào thì thơ (văn chương) vẫn là nghệ thuật ngôn
từ, một nghệ thuật dùng ngôn từ để khám phá và biểu hiện. Vậy thì muốn hiểu được, cảm thụ
được nghệ thuật đó phải bắt đầu từ ngôn từ. Ngôn từ sẽ làm hiện lên vẻ đẹp hình thức, tư
tưởng, tâm sự mà nhà thơ muốn gửi gắm vào đứa con tinh thần do chính họ tạo tác. “Các nghệ
thuật khác tuyệt đại bộ phận thường lấy chất liệu biểu đạt trong khách thể (màu sắc, đường nét,
âm thanh, hình khối, các loại vật liệu được gia công ). Văn chương có cái khác, chất liệu ngôn
ngữ nằm trong chủ thể (người nói) bởi vậy, việc sử dụng cái chất liệu đó có mối quan hệ rất
đặc biệt với sở biểu của sản phẩm. Người sáng tác, trực tiếp thể hiện khả năng tri nhận và khả
năng tái tạo thế giới trong ngôn ngữ riêng của chính mình. Họ không “lấy cái của thế giới để
mô tả thế giới” mà lấy ngay ở cái vốn riêng của bản thân mình. Đó là ngôn ngữ, ngôn ngữ
nghệ thuật”
(1)
.
Nhưng từ đây lại nẩy sinh ý định và quyết tâm đẩy ngôn ngữ thơ lên bình diện trung tâm,
giữ ưu thế tối cao, xem sáng tạo thơ là sáng tạo ngôn ngữ, kết cấu ngôn ngữ thơ là nội dung
thơ. Nhà thơ vượt ra ngoài chức năng giao tiếp bình thường của ngôn ngữ để thức tỉnh, giải
phóng độc giả khỏi cách diễn đạt khuôn mẫu tạo ra sự cảm nhận mới thì lại cần minh định một
vấn đề: giữa làm thơ và làm chữ. Làm thơ tức là ghi lại những rung động tâm hồn và chữ chỉ


là những ký hiệu ghi lại những rung động thẩm mỹ đó để lưu giữ hoặc lưu truyền chia sẻ với
đối tượng khác. Làm chữ là vật lộn với chữ, nhào nặn sáng tạo chữ để có chữ mới, không mòn
sáo, có nhiều nghĩa theo lối tu từ. Vậy cái thao tác làm chữ là thao tác sau, con người làm chữ
đi theo con người làm thơ. Dù kỳ công đến mấy lao động chữ thể hiện tài chứ không thể hiện
tình. Và quan niệm chữ làm nên nhà thơ đã thay đổi quan niệm về thơ. Dựa vào chữ, đánh vật
với chữ, tìm ra cách đi riêng cho thơ, là một sáng tạo, nhưng không phải là điểm chung, lại
càng không phải là cái đích cho mọi nhà thơ hướng tới.
Trong thơ Việt có một hiện tượng độc đáo và không dễ dàng cho những ai muốn tìm hiểu,
tất nhiên, ngôn ngữ thơ là đối tượng phải chú ý đến trước tiên: thơ Bùi Giáng. Thơ Bùi Giáng
kết hợp cả hai trạng thái: tỉnh và điên, hai tính cách: tài hoa và mê cuồng. Ông từng là bệnh
nhân của bệnh viện Biên Hòa. Vậy có bệnh lý về tâm thần, mất năng lực tự chủ và năng lực
kiềm chế hành vi thể hiện trong những cử chỉ ứng xử hàng ngày và rối loạn tư duy ngôn ngữ
1
khi hình thành văn bản. Từ văn bản thơ Bùi Giáng, chúng ta nên/ phải phân thành hai: Những
bài thơ, câu thơ tuyệt bút, ngôn ngữ phóng túng, tài hoa. Những bài thơ, câu thơ mê cuồng,
điên đảo, ngôn ngữ rối loạn, đúng hơn là siêu ngôn ngữ.
Ở dạng thứ nhất, tiếng Việt trong sáng, tinh tế, tài tình:
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con
(Mắt buồn)
Rất gần với từ vựng của Thơ mới lãng mạn 1932-1945: “Một phút nữa thôi - Và màu sẽ
mất - Suối sẽ xa đồi - Như mây xa đất” (Màu thanh thiên nở). Có lúc siêu thoát: “Nghe một
lần vĩnh viễn gặp hư không” (Hư vô và vĩnh viễn). Có khi lãng đãng phong sương: “Khuya
thôi về lạnh phố phường - Ôi buồn khổ lại như càng theo nhau - Một bờ dương liễu bến sau -
Nước cằn cỗi đục như đau lá vườn” (Thiếu phụ trở về). Sáng tạo thơ nhiều khi diễn ra huyền
bí: cái vô thức tiềm thức vận hành quá trình nối liền mơ và thực, chiêm bao kéo dài cái mênh

mông mờ ảo về với cuộc đời, liên thông thiên đường với địa ngục, cái siêu thực dẫn vào hiện
thực, bất ngờ tạo ra những kết cấu lạ mà ở đấy lý trí rơi vào thân phận “con hầu”, lép vế. Thế
nhưng rất tài hoa, sáng tạo.
Ở dạng thứ hai, tiếng Việt biến hóa trong tay nhà ảo thuật:
- Các từ không tuân theo một trật tự lôgic thông thường. Đứng cạnh nhau mà các từ không
có liên quan về ngữ nghĩa, cứ ngơ ngác vô hồn:
Em từ đọ mặt mốt mai
Từ em thánh nữ ra ngoài tiên nương
Em đi nhảy vọt phi trường
Tầm sương sái diện đoạn trường chào em
(Em từ)
- Các từ nằm trong trò chơi đảo chữ, nói lái, vô nghĩa:
Một hôm gầu guộc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Bôm ha? Đạn hả? Bao gồm
Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen
(Ngẫu hứng)
- Các từ “lơ lớ” của người ngọng:
Âm u ô úc ôn tù niệm
Yếm ố ư uyên uyển tội từ
(Hán hương u hương)
Tất cả đều không có nghĩa. Thế nên thơ Bùi Giáng, ở dạng thứ hai này, chúng ta không
thể/ không nên để công vào khảo sát. Đây là ngôn ngữ của bệnh nhân tâm thần. Nói thế nhưng
chúng ta lại cần lưu ý đến hiện tượng có nhà thơ như bị thôi miên, bị “tâm thần hóa”, “điên
hóa” trong những khoảnh khắc sáng tạo và xuất thần có được những câu thơ bài thơ trác tuyệt,
2
lung linh, ám ảnh, khó mà lý giải. Muốn lý giải phần nào hiện tượng này, theo tôi, phải dựa
vào/ vận dụng tư duy hệ thống. Tư duy hệ thống đòi hỏi cách nhìn nhận vũ trụ cũng như từng
vấn đề (trong tự nhiên cũng như trong xã hội) là một toàn thể thống nhất, không tách rời các bộ
phận cấu thành, các hiện tượng đều tác động qua lại nhau, không độc lập mà liên thuộc hữu cơ

với nhau trong cái toàn thể. Đổi mới tư duy nghiên cứu với tư duy hệ thống phải trên cơ sở
khoa học hiện đại, tiếp thu những tri thức truyền thống, kết hợp tri thức khoa học với các tri
thức thu được bằng trực cảm, bằng kinh nghiệm, kết hợp các khả năng lý luận khoa học và
cảm thụ nghệ thuật, thấu hiểu bằng lý lẽ và cả bằng xúc động tâm hồn
(2)
.
Sang thế kỷ XXI, có nhiều điều cần phải đặt ra và suy nghĩ lại trong ý thức tư duy mới
nhằm hình thành và phát triển một cách nhìn mới, một cách hiểu mới. Xã hội có nhiều biến
đổi, mọi suy nghĩ được giải phóng, mọi sản phẩm vật chất tinh thần được tăng cường với
tốc độ lớn. Sáng tác thơ xét về kết quả thành tựu là phải có nhiều sản phẩm, nhiều tác
phẩm. Quan niệm, châm ngôn “quý hồ tinh bất quý hồ đa” đã bị những tư duy năng động
vượt qua. Ý nghĩ về thơ thay đổi, “nàng thơ” bây giờ hiện ra trong những “bộ cánh” có khi
lộng lẫy, có lúc bình thường, lam lũ trong cuộc sống trần tục. Và vì vậy ngôn ngữ trước
đây không thể phù hợp nữa. “Cuộc sống đích thực và chân lý thơ ca không phải luôn đồng
nhất với các mệnh đề ngôn ngữ phổ biến. Nhiều khi do nó mang những chiều kích lớn hơn,
tinh vi hơn, bí ẩn hơn ngôn ngữ nên nó phải phá tung bộ áo ngôn ngữ thô cứng, chật chội
để hiện ra trong sinh thể quyến rũ và vạm vỡ của sự sống và nhiều khi của chính lịch sử.
Đó chính là cuộc sống đang tuôn chảy trong tiềm thức, vô thức của nhà thơ, cuốn trôi đi
các bờ đê ngôn ngữ tạo nên một thác lũ, một phù sa mới” (Đỗ Minh Tuấn). Từ trước tới
nay các nhà lý luận phê bình vẫn thường phân biệt khi nói đến ngôn ngữ văn xuôi và ngôn
ngữ thơ, quan niệm ngôn ngữ thơ thuộc đẳng cấp khác, từ tốn, lịch thiệp cho hợp với “nàng
thơ”. Các ý kiến ấy đều xuất phát trên cơ sở thực tế thơ ca từ khởi nguyên cho tới tận sau
này, chí ít thì cũng đến thơ những năm đầu thế kỷ XX. Ở Việt Nam có thể là những nhận
xét dựa vào cứ liệu thơ trước năm 1975. Thực ra, trước 1975 ngôn ngữ thơ Việt lẻ tẻ đã có
những bước đi “phá rào”, lóe rạng những quan niệm mới về ngôn ngữ thơ. Trong chừng
mực nhất định, chữ Việt, văn Việt đã có những biến đổi và cùng với chúng là thay đổi cách
cảm nhận, cách tư duy về mọi vấn đề. Peter Mahlhaler cũng cho rằng: “Người sử dụng
ngôn ngữ nào thì có cách tri nhận thế giới theo ngôn ngữ đó”
(3)
. Tức là tiếng nói, chữ viết

và những quy tắc diễn đạt tạo ra cách tư duy, tạo ra những mô thức văn chương. Vậy thì,
tôi đọc văn chương Việt, hiểu thơ Việt từ chiếc chìa khóa tiếng Việt để “giải mã” những gì
đã “mã hóa”. Ai cũng biết, tiếng Việt khác với tiếng Nga, tiếng Pháp, các ngôn ngữ
phương Tây, nói chung. Khác về ngữ âm, ngữ pháp, về hình thái cấu trúc từ Và như thế
cách tư duy của họ khác với cách tư duy của người Việt. Họ sáng tác nghệ thuật theo
những mô thức khác với chúng ta. Họ làm thơ không giống với tâm thế làm thơ của người
Việt.
Mặt khác, mỗi thời đại có thể loại riêng của nó và quan niệm về từng thể loại cũng có
những chuyển dịch. Xã hội thay đổi, biệt tính thể loại thay đổi dẫn đến những thay đổi về quan
niệm (bao gồm quan niệm về ngôn ngữ thơ) trong tư duy người sáng tạo và cả phía tiếp nhận.
Đến nay, cần chú ý thêm, trên cơ sở/ cái nền của thành tựu sáng tạo thơ, quan niệm về thơ,
quan niệm về ngôn ngữ thơ đã trở nên hết sức phong phú.
3
Nhiều nhà nghiên cứu đã tốn công sức để phân biệt ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi.
Sự thực thì sự phân chia đã có khi/ có thời đúng và mặc nhiên kết luận đã được công nhận
trong nhiều trường hợp. Nhiều nghệ sĩ ngôn từ cũng từng quan niệm như thế: Thơ và văn xuôi
cảm nhận cuộc sống khác nhau, ngôn ngữ thơ khác ngôn ngữ văn xuôi. Người viết văn xuôi có
thể tách mình ra khỏi ngôn ngữ tác phẩm của mình và ngôn ngữ trở nên một khách thể thẩm
mỹ. Nhà thơ thì không thể đứng ngoài, phải làm chủ toàn bộ ngôn ngữ tác phẩm và chịu trách
nhiệm về mọi thành tố của ngôn ngữ khiến nó phục vụ theo ý tưởng của mình. Trong công
trình Ngôn ngữ thơ
(4)
, nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Cảnh nêu lên nguyên lý của văn xuôi:
“nhằm vào việc miêu tả bức tranh hiện thực, văn xuôi làm việc trước hết bằng thao tác kết
hợp”, các đơn vị từ không được lặp lại. “Chính cái điều văn xuôi rất kỵ ấy lại là thủ pháp làm
việc của thơ: trong thơ tính tương đồng của các đơn vị ngôn ngữ lại được dùng để xây dựng
các thông báo”. “Sự tương đương của các đơn vị ngôn ngữ làm nên chiết đoạn tạo thành thông
báo bao giờ cũng bao hàm một sự tương đương về ý nghĩa. Nghĩa là, sức mạnh của cơ cấu lặp
lại, của kiến trúc song song chính là ở chỗ đã tạo ra được một sự láy lại, song song trong tư
tưởng”. Ông chú ý và đặt trọng tâm vào tính tương đồng, trùng điệp (điệp từ, điệp ngữ, điệp

câu ) của ngôn ngữ thơ. Và ông cũng thống nhất: ngôn ngữ nghệ thuật (văn, thơ) “không phải
là gì xa lạ mà chính là lời ăn tiếng nói của nhân dân được nâng cao”. Nhà nghiên cứu Phan Cự
Đệ, trong bài viết Ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi
(5)
quan niệm các loại hình nghệ thuật
chia làm hai: nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật biểu cảm. Nghệ thuật tạo hình có hội họa, điêu
khắc, điện ảnh, sử thi, văn xuôi tự sự Nghệ thuật biểu cảm có âm nhạc, múa, thơ trữ tình, văn
xuôi trữ tình Dựa vào/ đồng ý với Hégel, xếp thơ trữ tình vào nghệ thuật biểu cảm, ông cũng
nói thêm: “Mặc dầu thơ về cơ bản được xếp vào nghệ thuật biểu cảm, văn xuôi được xếp vào
nghệ thuật tạo hình nhưng vẫn có sự giống nhau trong một số đặc điểm của thơ tự sự và văn
xuôi tự sự, thơ trữ tình và văn xuôi trữ tình”. Cái nhìn nhị nguyên ấy không làm mất đi định
hướng khoa học, ngôn ngữ thơ khác ngôn ngữ văn xuôi: “Nếu như trong thơ, ngôn ngữ trước
hết cần phải đẹp và thi vị, cao cả và trang trọng, thì trong văn xuôi, ngôn ngữ trước hết cần
phải chính xác và cá thể hóa. Như thế mới có khả năng tái hiện các đối tượng trong hình thái
độc đáo không lặp lại của nó”.
Thế nhưng cuộc sống, lối sống đã có những thay đổi lớn lao. Nghệ thuật cũng đã có thay
đổi. Thơ đã sống chung với văn xuôi. Văn xuôi có khi ngắn gọn hàm súc như thơ và thơ bớt đi
vẻ cao sang gần với đời thường. Những quan niệm cũ về thơ có những điều không còn thích
hợp. Cả thơ và văn xuôi đều được tổ chức từ những chất liệu, những thanh điệu, ngữ điệu, từ
ngữ như nhau và tất nhiên chung cả bảng chữ cái alphabet. Nhưng qua tư duy, rung động của
người nghệ sĩ, những chất liệu kia biến thành hai thể loại với hai tâm tính khác nhau. Khác
nhau nhưng nhiều khi xâm nhập vào nhau, ở trường hợp này tiếng nói thơ ca không có gì phân
biệt với tiếng nói văn xuôi trong quá trình thể hiện tư tưởng. Gần hai trăm năm trước, nhà thơ
Anh Shelley (1792-1822) đã nói: “Phân biệt nhà thơ với nhà văn là một lầm lẫn thô tục. Phân
biệt triết gia với thi sĩ là một thành kiến. Platon, từ bản chất là một nhà thơ. Chúng ta khó mà
quan niệm được gì mãnh liệt hơn sự chân thực và rực rỡ của những hình ảnh cùng ngôn từ du
dương của ông”. Platon là một triết gia, trước tác của ông thấm đẫm chất thơ, cốt cách thơ từ
câu chữ. Với ý nghĩa đó, ngôn ngữ văn xuôi và ngôn ngữ thơ là không thể tách biệt, cũng như
không thể tách biệt ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ thông thường. Nhìn chung cả thơ và văn đều sử
4

dụng ngôn ngữ một cách nghệ thuật. Văn chương hướng tới một mục đích: giúp con người tri
nhận cá nhân mình trong quá trình tri nhận/ đối chiếu với thế giới xung quanh thông qua ngôn
ngữ.
Ở đây tôi dẫn ba văn bản:
1. “Con kênh nhỏ nằm vắt qua một cách đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại,
mùa hạn hung hãn dường như cũng góp hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non
trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn” (Cánh
đồng bất tận - Văn nghệ 2005).
2. “Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông”
(Những người đàn bà xuống gánh nước sông - Nxb. Văn học 1995)
3. “Thế là con đã tự mình kiếm được miếng ăn thay vì ở thời ấu thơ, đôi mắt con phải
trông chờ bàn tay mẹ cha từng bữa
Thế là trên nẻo đường thực phẩm chúng ta đã bắt đầu chia tay nhau
Giờ đây, dù mâm cơm của con đặt ở nơi xa cha cũng còn mang tới cho con vài món ăn
mà cổ nhân gọi là kinh nghiệm”
(Nghĩ về con vừa kiếm được việc làm - Văn nghệ 2006)
Đấy là ba đoạn mở đầu truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư và thơ của Nguyễn Quang Thiều,
Lê Văn Ngăn. Theo ngữ dạng học thì thế nào? Chúng ta phải phát hiện ra những gì mà người
viết có trong ý thức, tìm ra những mối quan hệ giữa các hình thức ngôn ngữ trên và các nhà văn
nhà thơ đã sử dụng các hình thức ấy. Từ đó chỉ ra cái được thông báo lớn hơn cái được nói trên
văn bản. Cái phổ biến, phổ quát ở đây là cuộc đời thật giản dị gần gũi, không xa lạ mà thân
thương đến cảm động. Tất cả được “ghi lại” bằng một thứ ngôn ngữ bình thường, đời thường,
không “mỹ lệ hóa” mà tạo hiệu ứng tối đa, diễn đạt đúng những ý tưởng cần thiết. Căn cứ vào
chức năng từ loại, thống kê, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện các danh từ, tính từ, động từ và những
cấu tạo phức hợp của chúng dựa trên những từ loại gốc, đã nói lên nhiều ý nghĩa:
- Văn bản 1 có 23 từ và tần số danh từ, tính từ, động từ là 10/23, 5/23, 8/23.
- Văn bản 2 có 17 từ và tỉ lệ trên là 11/17, 3/17, 3/17.
- Văn bản 3 có 22 từ và tỉ lệ trên là 17/22, 0/22, 5/22.

Vậy là tần số cao thuộc về danh từ. Tính từ xuất hiện rất ít, thậm chí không xuất hiện ở
văn bản 3. Danh từ xuất hiện nhiều nói lên các văn bản chủ yếu là miêu tả, liệt kê sự việc, đưa
ra trước mắt người đọc một “bức tranh”, trong khi đó tính từ bị giảm thiểu, tức là hạn chế sức
biểu cảm. Cả ba văn bản đều không có một tính từ chỉ màu sắc hoặc cường độ. Các động từ
“khiêm tốn”, nhỏ nhẹ: nằm, dừng, góp, rụng, nắm, kiếm, trông chờ, đặt, mang. Thế nhưng tất
cả đều gây hứng thú cho người đọc. Chính cái chất thực đời sống thuyết phục trái tim người
đọc. Không có đảo từ, chơi chữ, vẫn nằm trong cấu trúc cú pháp bền vững quen thuộc và được
bảo đảm bằng một nội lực văn hóa cộng đồng: con kênh, cánh đồng, cây lúa, tàn nhang, bàn
tay, ngón chân, người đàn bà, miệng ăn, đôi mắt, mâm cơm, cổ nhân, kinh nghiệm nhỏ,
rộng, khô cong, nát vụn, xương xẩu, dài và đen Văn bản thơ, ngôn ngữ thơ không còn “đẹp
và thi vị, cao cả và sang trọng” mà thực sự nhọc nhằn trên những “nẻo đường thực phẩm”. Các
biện pháp nghệ thuật tu từ vốn là đặc sản của thơ như bị triệt tiêu, ngữ điệu, nhịp điệu không
5
còn vai trò ý nghĩa và dàn hàng ngang trên mặt phẳng.
Những năm gần đây, thơ đã đi/ chạy trên những nẻo đường không thể lường được: đổi
mới từ vựng, cú pháp. Ngôn ngữ thơ vừa là phương tiện chuyển tải, vừa là đối tượng sáng tạo.
Từ đó kéo theo những đổi mới trong cách xây dựng hình ảnh, liên tưởng, chuyển “thơ tâm
tình” sang “thơ cảm giác”. Nhiều người làm thơ muốn tìm kiếm lại ngôn ngữ trong một hình
thức mới, có khi phá vỡ cấu trúc diễn đạt.
“Bến từng quãng, những đứa trẻ nghịch bơi tung tóe nước. Như mình vậy chiều hè bao
năm trước
Tôi đang dọc sông quê tha thẩn. Bỗng từ ngõ sâu hiện dần ra mái tóc bạc. Một bà cụ lưng
còng gần rạp đất
Có phải bà từng hai tay hai lọ nước, bến sông lên từng bậc
Vẫn bà ư ngày xưa ấy về đây?”
(Lát sông quê - Trúc Thông)
“Hơn năm mươi năm trước, các anh treo mình bên vách núi, bàn tay bỏng rộp đục đá mở
đường
Để có một kỳ quan mấy chục cây số mang tên Mã Pí Lèng, ngạo nghễ góc trời Tổ quốc
thẳm xa. Nhiều anh chị tôi phải đổi cả thời tuổi trẻ”

(Trên Mã Pí Lèng - Cao Xuân Thái)
“Những con đường tối sẫm và bóng ướt (vì luôn được phun nước lúc hai mươi hai giờ)
như cái cống ngầm, nổi trên mặt đất? Không biết kết thúc ở đâu với những người đàn ông
như cá vừa mắc lưới những người đàn bà như con mèo giả bộ hiền lành”
(Mùa đông cuối cùng - Vi Thùy Linh)
Ở đây những từ vựng diễn tả xuất hiện liên tiếp, sự vật này lấn sang sự vật khác, hành
động này nối với hành động kia, kéo dài, đều đều, mệt mỏi. Và người đọc nhận ra cấu trúc câu
thơ giống cấu trúc câu văn. Câu thơ của Vi Thùy Linh kéo dài như một đoạn văn, các biện
pháp nghệ thuật tu từ giảm thiểu, ngữ điệu như bị triệt tiêu, nhịp điệu văn xuôi/ nhịp điệu nói
chi phối toàn bộ.
*
Từ một phía khác, góc nhìn rộng hơn, ngôn ngữ thơ đa số áp đảo là quen thuộc, ở quan
niệm và cách thể hiện. Điều đó chứng tỏ thị hiếu, trình độ thẩm mỹ của nhà thơ, của người đọc
của thời đại là bền vững và cách tân cũng cần phải kiên trì. Ngôn ngữ thơ chung sống với ngôn
ngữ văn xuôi, nhịp điệu văn xuôi lấn át, thực sự chỉ có tính chất tình thế, trong những trường
hợp, những tác phẩm có sự giao thoa thể loại: thơ - văn xuôi. Cũng cần lưu ý, không phải cách
tân bao giờ cũng tạo ra chuẩn mực, cũng đồng nghĩa với thành công. Và trong nghệ thuật cũng
không hẳn sáng tạo sau bao giờ cũng hơn sáng tạo trước. Bằng chứng là nhiều tìm tòi đổi mới
không tồn tại với thời gian, mới xuất hiện đã biệt tăm tích.
Gần với ngôn ngữ văn xuôi là ngôn ngữ thơ thô tháp, lấm lem, bụi đất. Khẩu ngữ, lời ăn
tiếng nói hàng ngày giúp cho thơ gần cuộc sống hơn trong cách ứng xử thân tình, bỗ bã, dí
dỏm, phóng túng và tạo nên một nét đậm trong phong cách thơ Nguyễn Duy:
Giọt rơi hơi bị trong veo
Mắt đi hơi vị vòng vèo lôi thôi
Chân mây hơi bị cuối trời
6
Em hơi bị đẹp, anh hơi bị nhàu
(Chạnh lòng 1)
Rủ nhau cơm bụi giá bèo
Yêu nhau theo mốt nhà nghèo vô tư

(Cơm bụi ca)
Ở trên, tôi đã nói đến những câu thơ sử dụng danh từ dày đặc theo nguyên lý của văn xuôi
“nhằm vào việc miêu tả bức tranh hiện thực”. Ở đây tính văn xuôi nằm ở khẩu ngữ (từ, cú
pháp ). Tất nhiên, một thứ khẩu ngữ nghệ thuật ở trình độ cao, tạo nên thơ khẩu ngữ với
những sáng tạo độc đáo. Các từ được đặt ở vị trí đắc địa. Câu thơ sử dụng nhiều từ đưa đẩy (ối
giới ơi!, đôi khi, tự dưng, giá mà “Vịt giời phơi cái giời ơi - giá mà rũ ruột ra phơi cái buồn” -
Paris mùa phơi) nhiều liên từ, trợ từ, phụ từ và tạo một cú pháp đột ngột bất ngờ, thú vị. Hơi,
hơi, hơi (làm duyên) một chút, một phần nào thôi, còn bị là chủ thể không được chủ động,
đối tượng chịu sự tác động của việc không hay, hành vi, động tác không có lợi: “bị vòng vèo”,
“bị nhàu” là cú pháp thuận, nhưng “bị cuối trời”, “bị trong veo”, “bị đẹp” thì “lạ” mà lại tài
tình. Cũng như “cơm bụi giá bèo”, giá rẻ (rẻ như bèo), nhưng “giá bèo” là một kết hợp từ mới.
Và “yêu nhau theo mốt nhà nghèo vô tư” là một cú pháp “gây xốc”, gây cười hồn nhiên.
Hiện tượng lạ hóa ngôn từ bằng những kết hợp sáng tạo, cấp giá trị mới cho những từ
vựng quen thuộc là một tìm tòi đúng hướng. Tiếng Việt giữ nguyên ngữ âm, ngữ pháp, chính
tả dù trình bày dưới hình thức nào (kể cả dạng thơ hình vẽ, hình học). Sử dụng cách nói lái,
tách chữ, tách âm, sắp xếp lại thành chữ, âm mới, tạo từ mới (kể cả vay mượn tiếng nước
ngoài) nhưng tiếng Việt vẫn nằm trong những quy luật (nổi, ngầm) những quy định cho phép
tức là những chuẩn mực ít nhiều có sự chấp nhận. Chúng ta có thể khảo sát, đọc những bài thơ
hình vẽ của thế giới mà tiêu biểu là thơ Apollinaire những năm đầu thế kỷ XX thì tiếng Pháp
vẫn không bị biến dạng, phá phách tí nào trong những uốn lượn hình vẽ. Những suy nghĩ chủ
quan, cực đoan không bao giờ đưa lại kết quả. Quan niệm “Người ta làm thơ không bằng ý mà
bằng chữ. Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “tiêu dùng” nghĩa tự vị của nó mà ở
diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ,
bài thơ”
(6)
đã thành một tuyên ngôn và được thực thi bằng sự lao động chữ cực nhọc: phu chữ.
Nhưng sẽ sa đà, đơn giản, đơn điệu khi chỉ tập trung vào chữ. Và nhiều khi thơ chỉ còn là
những câu, những chữ thiếu sức sống, sức sinh sản, thiếu sự phong phú đa dạng. Ngoài thơ
ngôn ngữ, thơ tu từ cũng cần có thơ tạo hình, biểu tượng, thơ nhạc, thơ trí tuệ (đặt trọng tâm
vào tứ thơ) Sáng tạo thơ cần dựa trên cảm hứng không phải chỉ dựa vào lao động chữ nghĩa.

Chúng ta khó mà quên những bài thơ như những bài ca của tâm hồn. Verlaine, Apollinaire
phổ nhạc vào nhịp điệu nhờ sự trợ giúp của hình ảnh. Thơ Aragon, Éluard, Néruda và thơ
kháng chiến của chúng ta dùng những nhịp mạnh, những hình ảnh gây ấn tượng, gây hưng
phấn thúc đẩy người ta hành động. Đó là thơ chủ động tích cực. Một vài người chơi chữ, lắp
ghép, lai tạo chữ thì được và cần nhưng đua nhau tung hô câu, chữ thì sẽ làm nghèo thơ, thơ
mất đi cái đa diện, đa sắc vốn có của nó.
5 - 2008
______________
7
Ghi chú:
(1) Đinh Văn Đức: Các bài giảng về lịch sử tiếng Việt (thế kỷ XX). Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội,
2005, tr.146.
(2) Xem Phan Đình Diệu: Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy. Sách Một góc nhìn của trí thức, tập II.
Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2002.
(3) Người đưa tin, tạp chí của UNESCO tháng 2-1994.
(4) Nxb. Đại học và GDCN, H, 1987, tr.47-48, 54-55, 62.
(5) Sách Một số vấn đề về lý luận và lịch sử văn học. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
(6) Lê Đạt: Bóng chữ. Nxb. Hội Nhà văn, H, 1994, tr.50.
8

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×