Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

TUỲ BÚT NGUYỄN TUÂN SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (52.56 KB, 4 trang )

TUỲ BÚT NGUYỄN TUÂN SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
(Một số đặc điểm thể loại)
Hà Văn Dức
« …Tuỳ bút Nguyễn Tuân hấp dẫn người đọc trước hết bởi những trang
viết chân thực với lượng thông tin phong phú, đa dạng, chính xác. Ông vốn
xuất thân là một nhà báo, có vốn sống, vốn hiểu biết khá sâu rộng. Qua
những trang tùy bút của Nguyễn Tuân, có thể thấy ông có mặt ở nhiều nơi,
quan tâm tới nhiều mặt của đời sống, đã quan tâm tới cái gì thì tìm hiểu đến
từng chi tiết nhỏ. Chính vì vậy mà tùy bút của Nguyễn Tuân có lượng thông tin
rất cao. Nhiều bài tùy bút của ông đã cung cấp cho người đọc những kiến thức
đa dạng, nhiều mặt cả về lịch sử, địa lý, địa chất, hội họa, âm nhạc v.v…
Trong một lần đề cập đến nghề viết của mình, Nguyễn Tuân cho rằng: “Có hai
lối viết, tôi gọi là lối nóng và lối lạnh. Cũng như tạng người, có tạng hàn, tạng
nhiệt. Tôi thích lối viết lạnh. Chém treo ngành (còn có tên Bữa rượu máu) là
lối viết lạnh, có anh không hiểu quy cho tôi là ca ngợi tên đao phủ chém đầu
người. Tôi cho tác phẩm phải tạo được không khí cho câu chuyện của mình,
không thì không có giá trị gì. Kinh nghiệm tạo không khí là phải có tri thức lịch
sử, địa lý, tri thức về thiên nhiên rồi dùng sức tưởng tượng mà dựng lên”. Sự
hiểu biết sâu sắc cặn kẽ của Nguyễn Tuân về một sự vật, hiện tượng nào đó
nhiều lúc đưa lại cho người đọc những trang viết đầy hấp dẫn, thú vị. Viết về
cây cầu Hiền Lương – thời kỳ đất nước còn bị chia cắt, tác giả say sưa kể về
lịch sử cây cầu một cách khá cặn kẽ: “Cầu Hiền Lương bắc vào năm 1950. Có
bảy nhịp kháp vào nhau. Sắt cầu của Anh “Made in England”, ván cầu Mỹ “us-
Vigira”, nhân công cầu là đám công bình trong quân đội viễn chinh Pháp cộng
với số nhân lực PMT… Cầu có bảy nhịp, cộng lại chỉ có 178 mét, và ván cầu
tổng cộng chỉ có 894 miếng ván. Chiều dài cầu, miền Bắc miền Nam mỗi bên
giữ 89 thước nhưng ván cầu thì 450 tấn thuộc về Bắc, và như thế ta hơn mấy
tấm” (Cầu ma – Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập II, tr.183). Đọc tùy bút Sông
Đà, người đọc không chỉ được đắm mình trong một cảnh sắc thiên nhiên vừa
dữ dội, hoang sơ, vừa trữ tình thơ mộng mà còn có thêm nhiều hiểu biết về
lịch sử một vùng đất đầy đau thương đang chuyển mình đi lên với cuộc sống


mới.
Tùy bút Nguyễn Tuân không chỉ giàu chất hiện thực, mang tính thời sự
cao, mà còn đậm đà chất trữ tình, thơ mộng. Chất tình cảm trong tùy bút
Nguyễn Tuân trước Cách mạng thường là buồn, phản ánh cái tâm trạng bức
bối, chán chường của tác giả trước một cuộc đời tù túng, tẻ nhạt (Thiếu quê
hương). Sau Cách mạng Tháng Tám, cảm xúc và suy nghĩ của Nguyễn Tuân
có nhiều thay đổi: say mê, nhiệt tình và lạc quan hơn, nhiều thiên tùy bút
trong Sông Đà là những áng thơ trữ tình bằng văn xuôi ca ngợi thiên nhiên và
con người Tây Bắc.
Ở tùy bút của Nguyễn Tuân, chất trữ tình đậm đà được kết hợp với chất
trí tuệ sắc sảo, với những liên tưởng phong phú, táo bạo bất ngờ đã làm nên
nét độc đáo riêng biệt của Nguyễn Tuân. Qua các thiên tùy bút, Nguyễn Tuân
trò chuyện với bạn đọc không chỉ bằng trái tim nghệ sĩ giàu cảm xúc mà còn
bằng trí tuệ sáng suốt của một con người từng trải, lịch lãm, có học vấn rộng
về nhiều lĩnh vực, có tác phong nghiên cứu điều tra tường tận, tỉ mỉ. Ông luôn
giữ được cảm tình cũng như sự tin yêu mến mộ của bạn đọc. Có được kết quả
đó một phần không nhỏ là nhờ vào cái “duyên tài tử”, cũng như lối hành văn,
cách dẫn truyện hết sức tự nhiên của Nguyễn Tuân.
Tính chất đa nghĩa của những thiên tùy bút Nguyễn Tuân cũng là một
mặt mạnh trong phong cách nghệ thuật của ông. Đọc tùy bút Nguyễn Tuân,
người đọc phải nghiền ngẫm, suy nghĩ, phải có cùng một tư duy nghệ thuật
với nhà văn thì mới cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của nó. Nói một cách
hình ảnh, thì tùy bút Nguyễn Tuân giống như một khối ru-bi, mà nhìn ở mặt
nào, khía cạnh nào người đọc cũng nhìn thấy sự toả sáng cả.
Vốn sống phong phú, cộng với sự nhạy cảm của các giác quan đã giúp
cho ngôn ngữ và bút pháp miêu tả của Nguyễn Tuân có một khả năng đặc biệt
trong việc tạo hình, tạo cảnh, tạo không khí. Chúng ta có thể dẫn ra những
trang đặc sắc tả cảnh thiên nhiên của Lai Châu từ thân đèo Khâu Ma Hồng
“nhìn xuống thung lũn choé vàng mây trắng giống như những cánh hoa thuê
nổi trên tấm lụa chín”. Nhưng trang tả trận đánh dữ dội giữa con thuyền đuôi

én do những người lái đò dũng cảm dày dạn kinh nghiệm và tài trí chỉ huy với
hàng mấy chục cái thác dữ trên sông Đà như dàn thành thế trận trên sông,
chực sẵn để vồ lấy chiếc thuyền đơn độc và liều lĩnh (Người lái đò Sông Đà).
Văn xuôi của Nguyễn Tuân giàu hình tượng, giàu nhạc điệu và đầy chất thơ.
Đặc biệt, ông đã cho biết sử dụng mặt mạnh của nhiều ngành nghệ thuật khác
nhau: âm nhạc, hội họa, điện ảnh… để làm tăng thêm khả năng biểu hiện của
văn chương. Chẳng hạn thủ pháp motage vốn được coi là đặc thù riêng của
nghệ thuật điện ảnh cũng được Nguyễn Tuân sử dụng để tạo nên một khung
cảnh mới trong đó lắp ghép nhiều sự kiện, con người vốn xa cách nhau trong
không gian và thời gian (Xòe). Ngay cả thủ pháp quay phim cận cảnh, viễn
cảnh, trung cảnh, toàn cảnh cũng giỏi, khi miêu tả những tù binh Mỹ bị giải
qua các phố Hà Nội, sự quan sát của Nguyễn Tuân có lúc như một ống kính
điện ảnh quay từ xa để thu toàn cảnh “một xê ri đặc tả” từ những góc độ khác
nhau như “trông nghiêng, trông chếch ba phần tư goc” để làm hiện rõ bộ mặt
thảm hại của những tên tù binh Mỹ.
Ngoài điện ảnh ra, Nguyễn Tuân còn thể hiện một sự hiểu biết sâu sắc,
thấu đáo về nhiều lĩnh vực khác. Khi đề cập tới hội họa, âm nhạc ông cũng có
những nhận xét sâu sắc, tinh tế. Nguyễn Tuân từng viết bài về tranh của họa
sĩ Bùi Xuân Phái. Ông thấu đáo từng gam màu đậm nhạt, từng đường nét
uyển chuyển, táo bạo trong hội họa. Nhiều khái niệm của hội họa, điêu khắc,
nhiều trường phái nghệ thuật cổ điển, hiện đại được Nguyễn Tuân đề cập, bàn
bạc với sự hiểu biết thấu đáo như một họa sĩ thực thụ. Trong một lần trao đổi
vơi nhà phê bình Ngọc Trai, Nguyễn Tuân nói: “Có một nhà văn nước ngoài
viết: “Nghe mưa rơi không cần phiên dịch”. Hội họa là vậy đó. Có một thứ
ngôn ngữ mà bất cứ người nước ngoài nào cũng hiểu được mình, giao hoà cảm
thông với mình thì còn gì quý bằng. Tôi ghen với mấy ông họa sĩ đó”.
Nhờ khả năng hiểu biết sâu sắc về hội họa mà trong tùy bút Nguyễn
Tuân, chúng ta thấy ông sử dụng các gam màu, sắc độ rất bạo, rất tài hoa
“Trăng ngàn láng thủy ngân… Sông Đà như một áng tóc mun dài ngàn vạn
vạn sải… Đàn cá dầm xạnh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi

thoi…”. Đặc biệt, thủ pháp nghệ thuật tương phản trong hội họa và điện ảnh,
đã được Nguyễn Tuân sử dụng rất thành công trong tác phẩm của ông. Trước
Cách mạng Nguyễn Tuân hay dùng thủ pháp tương phản chỉ để làm nổi bật cái
“tôi” cá nhân của mình, để đối lập với cái xã hội ô trọc, để tách mình ra khỏi
đám chúng nhân tầm thường, tẻ nhạt và không có bản lĩnh. Những năm sau
này, Nguyễn Tuân cũng hay dùng nghệ thuật tương phản, nhưng là để chiêm
ngưỡng, so sánh quá khứ với hiện tại và tương lai, giữa cái cũ với cái mới,
giữa bọn đế quốc và bè lũ tay sai – hung thần của bóng tối và ánh sáng của
nhân dân, của Cách mạng. Tuy nhiên, việc sử dụng thủ phap nghệ thuật này
không phải lúc nào nhà văn cũng thành công một cách mỹ mãn.
Trong Sông Đà, có những trường hợp nhà văn quá sa đà vào quá khứ,
thậm chí có khi bóng đen của quá khứ còn đè nặng lên cuộc sống hiện tại.
Trong Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, thông qua cái nền đen tội ác của đế quốc Mỹ,
nhà văn đã làm nổi bật những nét đẹp đẽ, tươi sáng, cao cả của Hà Nội,
nhưng bên cạnh đó nhà văn chưa làm nổi rõ các khó khăn gian khổ, sự mất
mát hy sinh cho nên sức thuyết phục của tùy bút Nguyễn Tuân chưa phải đã
đạt đến một hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Tuân cũng là người rất say mê âm nhạc, ông rất sành các loại
đàn sáo dân tộc, các loại hình sân khấu như hát bội, hát chèo, ca Huế, ca cải
lương, v.v… có lẽ cũng vì vậy mà trong một số tùy bút của ông đôi khi ta gặp
những điệu hò ơ ngân dài, thân thiết như vọng ra từ chính tâm hồn của tác
giả. Thật thú vị khi đọc những trang viết Nguyễn Tuân, miêu tả những lời hát
đối đáp của trai gái, những điệu hò trên sông nước hay làn điệu dân ca quan
họ Bắc Ninh đầy chất tạo hình: “mềm mại như những đường cong các mái
đình cổ tỉnh Bắc”. Ông thấy được: “Ca nhạc và màu sắc quần áo tươi chói
trong những buổi thu thanh vốn dân tộc và đĩa hát, càng gợi nhắc đến những
nét dịu dàng của tranh Tố nữ yếm đào làng Hồ” (Bến Hồ và làng tranh).
Đặc sắc trong tùy bút Nguyễn Tuân còn ở cái tài kể chuyện rất vui, rất
hóm và có duyên của ông. Văn Nguyễn Tuân viết tự nhiên như người nói
chuyện: Ông trò chuyện với bạn đọc một cách thoải mái, chân tình, có khi

điềm đạm, thẳng thắn, nghiêm trang, nhưng nhiều khi vui nhộn, linh hoạt
kiểu tán gẫu, nói trạng, đưa lại cho người đọc những trang viết không kém
phần thú vị. Giọng văn của ông luôn chuyển đổi, đang trang nghiêm cổ kính
bỗng chuyển sang bông đùa, bốc tếu, có khi đang nói giọng Bắc lại chuyển
sang giọng Trung, giọng Nam. Nhiều khi ông nhìn cuộc sống với con mắt rất
nhộn, rất nghịch. Đoạn văn ông tả miếng đòn hiểm của thác nước sông Đà
quật ngã người lái đò với những hình ảnh, liên tưởng nghịch ngợm và bạo
miệng khiến người đọc không khỏi bật cười: “Sóng thác đã đánh đến miếng
đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở chỉ bóp chặt lấy hạ bộ người lái
đò, hột sinh dục muốn vọt lên cổ” (Người lái đò sông Đà). Viết về thằng phi
công Mỹ Míchkên – con tên đô đốc chỉ huy hạm đội 6 bị ta bắt sống, ông
tưởng tượng cảnh thằng đô đốc chết, thằng con không về đưa ma được, chiếc
kỳ hạm đô đốc “phải treo mũ rơm, gậy tre lên đòn trục cầu tàu Hoa Kỳ để
thay cho thằng con bất hiếu” (Đèn điện phố Phường Hà Nội vui sáng hơn bất
cứ lúc nào). Đây là một cách nói khôi hài rất Nguyễn Tuân để chửi, để rủa bọn
hiếu chiến Hoa Kỳ cho bõ ghét.
Văn tuỳ bút của Nguyễn Tuân biến đổi rất linh hoạt. Mạch văn tuôn chảy
theo dòng cảm xúc hết sức thoải mái, chuyện này chồng chéo lên chuyện kia
không theo một trình tự nào, và cũng không bị ràng buộc hạn chế bởi không
gian, thời gian. Văn của ông khi thì lướt rất nhanh, chỉ điểm một vài nét chấm
phá, khi thì dừng lại rất lâu ở một cảnh, một sự việc, rồi xoay ngang, xoay
dọc, tỉa tót, chạm trổ tỉ mỉ, công phu như một nghệ nhân tài ba. Có những lúc
tác giả như vận dụng hết mọi giác quan của mình để miêu tả: mắt nhìn, tai
nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, trí óc liên tưởng… chẳng hạn như đoạn văn miêu tả
thứ mắm đặc sản Thạch Hà, Cẩm Phả rất gợi cảm khiến ta đọc lên như cảm
nhận thấy cả hương vị, màu sắc của nó: “Chà, vui mắt quá, cái sân chế biến
nước mắm, hàng ngang chum kiệu màu da lươn thẫm dựng đứng theo hàng
lối từng khu, mỗi khu xếp theo tuổi của nước mắm. Có những chum nước
mắm cá nục đã hàng chục niên tuổi, mở nắp ngửi thơm lừng như hương quý
bốc lên từ một thứ rượu mặn. Uống một chén suông, chặc lưỡi một cái thấy

ngọt lừ và không nghi ngờ gì nữa, đấy là cái vị ngọt chân chất của hoa quả
đem từ lòng vườn bách thảo về mà chế biến ngay trên bờ. Lại thấy nhơ nhớ
cái thơm lừng sảng khoái của nước mắm Hòn Năm xưa ghe bầu đem từ hòn
đảo Phú Quốc về” (Huyện đảo).
Văn tùy bút Nguyễn Tuân quả có nhiều nét đặc biệt dễ nhận thấy khiến
người đọc có thể dễ dàng phân biệt ông với những cây bút khác. Ông đã kế
thừa được những thành tựu từ nhiều nguồn phương Đông và phương Tây, từ
dòng dân gian, cổ điển đến hiện đại, nhưng đồng thời có sự sáng tạo đặc sắc
mang dấu ấn riêng của Nguyễn Tuân. Với thể loại tùy bút, Nguyễn Tuân đã
đạt được những thành công rực rỡ, cả ở giai đoạn trước và sau Cách mạng
tháng Tám….”.

×