Tải bản đầy đủ (.doc) (19 trang)

Thế nào là ô nhiễm môi trường đất doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (202.89 KB, 19 trang )

Thế nào là ô nhiễm môi trường đất?
"Ô nhiễm môi trường đất được xem là tất cả các hiện tượng làm nhiễm bẩn môi
trường đất bởi các chất ô nhiễm".
Người ta có thể phân loại đất bị ô nhiễm theo các nguồn gốc phát sinh hoặc
theo các tác nhân gây ô nhiễm. Nếu theo nguồn gốc phát sinh có:
• Ô nhiễm đất do các chất thải sinh hoạt.
• Ô nhiễm đất do chất thải công nghiệp.
• Ô nhiễm đất do hoạt động nông nghiệp.
Tuy nhiên, môi trường đất có những đặc thù và một số tác nhân gây ô nhiễm có
thể cùng một nguồn gốc nhưng lại gây tác động bất lợi rất khác biệt. Do đó,
người ta còn phân loại ô nhiễm đất theo các tác nhân gây ô nhiễm:
• Ô nhiễm đất do tác nhân hoá học: Bao gồm phân bón N, P (dư lượng phân
bón trong đất), thuốc trừ sâu (clo hữu cơ, DDT, lindan, aldrin, photpho hữu cơ
v.v.), chất thải công nghiệp và sinh hoạt (kim loại nặng, độ kiềm, độ axit v.v ).
• Ô nhiễm đất do tác nhân sinh học: Trực khuẩn lỵ, thương hàn, các loại ký sinh
trùng (giun, sán v.v ).
• Ô nhiễm đất do tác nhân vật lý: Nhiệt độ (ảnh hưởng đến tốc độ phân huỷ
chất thải của sinh vật), chất phóng xạ (U ran, Thori, Sr90, I131, Cs137).
Chất ô nhiễm đến với đất qua nhiều đầu vào, nhưng đầu ra thì rất ít. Đầu vào có
nhiều vì chất ô nhiễm có thể từ trên trời rơi xuống, từ nước chảy vào, do con
người trực tiếp "tặng" cho đất, mà cũng có thể không mời mà đến.
Đầu ra rất ít vì nhiều chất ô nhiễm sau khi thấm vào đất sẽ lưu lại trong đó.
Hiện tượng này khác xa với hiện tượng ô nhiễm nước sông, ở đây chỉ cần chất
ô nhiễm ngừng xâm nhập thì khả năng tự vận động của không khí và nước sẽ
nhanh chóng tống khứ chất ô nhiễm ra khỏi chúng. Đất không có khả năng này,
nếu thành phần chất ô nhiễm quá nhiều, con người muốn khử ô nhiễm cho đất
sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn nhiều công sức.
Các hệ thống sản xuất tác động đến môi trường đất như thế nào?
Dân số trên trái đất tăng lên, đòi hỏi lượng lương thực, thực phẩm ngày càng
nhiều và con người phải áp dụng những phương pháp để tăng mức sản xuất và
cường độ khai thác độ phì của đất. Những biện pháp phổ biến nhất là:


• Tăng cường sử dụng các chất hoá học trong nông, lâm nghiệp như phân bón,
thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
• Sử dụng các chất tăng cường sinh trưởng để có lợi cho việc thu hoạch.
• Sử dụng công cụ và kỹ thuật hiện đại.
• Mở rộng mạng lưới tưới tiêu.
Tất cả các biện pháp này đều tác động mạnh đến hệ sinh thái và môi trường đất:
• Làm đảo lộn cân bằng sinh thái do sử dụng thuốc trừ sâu.
• Làm ô nhiễm môi trường đất do sử dụng thuốc trừ sâu.
• Làm mất cân bằng dinh dưỡng.
• Làm xói mòn và thoái hoá đất.
• Phá huỷ cấu trúc của đất và các tổ chức sinh học của chúng do sử dụng các
thiết bị, máy móc nặng.
• Làm mặn hoá hay chua phèn do chế độ tưới tiêu không hợp lý.
Đất ở các khu vực công nghiệp và đô thị bị ô nhiễm như thế nào?
Quá trình phát triển công nghiệp và đô thị cũng ảnh hưởng đến các tính chất vật
lý và hoá học của đất. Những tác động về vật lý như xói mòn, nén chặt đất và
phá huỷ cấu trúc đất do các hoạt động xây dựng, sản xuất và khai thác mỏ. Các
chất thải rắn, lỏng và khí đều có tác động đến đất. Các chất thải có thể được
tích luỹ trong đất trong thời gian dài gây ra nguy cơ tiềm tàng đối với môi
trường.
Người ta phân chia các chất thải gây ô nhiễm đất làm 4 nhóm: Chất thải xây
dựng, chất thải kim loại, chất thải khí, chất thải hoá học và hữu cơ.
• Chất thải xây dựng như gạch, ngói, thuỷ tinh, ống nhựa, dây cáp, bê tông,
trong đất rất khó bị phân huỷ.
• Chất thải kim loại, đặc biệt là các kim loại nặng như Chì, Kẽm, Đồng, Ni ken,
Cadimi thường có nhiều ở các khu khai thác mỏ, các khu công nghiệp. Các
kim loại này tích luỹ trong đất và thâm nhập vào cơ thể theo chuỗi thức ăn và
nước uống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
• Các chất thải khí và phóng xạ phát ra chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện, các
khu vực khai thác than, các khu vực nhà máy điện nguyên tử, có khả năng tích

luỹ cao trong các loại đất giàu khoáng sét và chất mùn.
• Các chất thải gây ô nhiễm đất ở mức độ lớn là các chất tẩy rửa, phân bón,
thuốc bảo vệ thực vật, thuốc nhuộm, mầu vẽ, công nghiệp sản xuất pin, thuộc
da, công nghiệp sản xuất hoá chất. Nhiều loại chất hữu cơ đến từ nước cống,
rãnh thành phố, nước thải công nghiệp được sử dụng làm nguồn nước tưới
trong sản xuất cũng là tác nhân gây ô nhiễm đất.
nhiễm đất đô thị - Nguy cơ từ TP.HCM(13:33 20/09/2006)
Tài nguyên đất ở TP.HCM đa dạng và phong phú với nhiều nhóm đất chủ yếu: đất cát biển, đất
mặn (ở Cần Giờ); đất phèn phân bố chủ yếu ở vùng trũng: nam Bình Chánh, Nhà Bè, ven sông
Đồng Nai, bắc Cần Giờ; đất phù sa, đất xám và đất đỏ (ở Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức). Từ trước
đến nay, người ta thường quan tâm nhiều đến khía cạnh KT – XH của tài nguyên đất mà ít đề
cập hơn đến khía cạnh ô nhiễm và suy thoái đất, cũng như một số ảnh hưởng có thể của đất
hoang hóa.
Ô nhiễm đất chính là việc đưa vào môi trường đất các thành phần có hại đối với sự sống của
cộng đồng và hệ sinh vật. Trong đó, có hai nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là tự nhiên và nhân tạo.
Đối với nguồn ô nhiễm tự nhiên đa số là do xâm nhập mặn chủ yếu từ nước biển và nhiễm phèn
hoặc là do nước mưa lôi kéo các chất bẩn bề mặt thấm qua lớp đất Còn nguồn ô nhiễm nhân
tạo chủ yếu do hoạt động của con người đang là vấn đề đáng được quan tâm. Thành phố hầu
như chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên được thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận, kênh
rạch và sông ngòi, từ đó gây ô nhiễm nước, đồng thời cùng tác động đến ô nhiễm đất. Thời gian
qua, thành phố cũng quan tâm nhiều đến vấn đề ô nhiễm công nghiệp, đã có những chỉ đạo cụ
thể triển khai công trình sản xuất sạch hơn, xử lý các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng
và xử lý cuối đường ống; đồng thời, đưa ra chính sách khuyến khích và ưu đãi DN vay vốn để
triển khai. Tuy nhiên, vấn đề cải thiện môi trường do hoạt động công nghiệp còn hạn chế nên vẫn
có tác động lớn đến ô nhiễm môi trường nước và đất. Ngoài ra, ô nhiễm đất còn do các chất thải
nông nghiệp, nhất là việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; do khai thác nước
ngầm thiếu quy hoạch, không kiểm soát, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, lún sụt
đất; do khai thác đất, cát trái phép và không kiểm soát nổi, gây sạt lở đất và ảnh hưởng lớn đến
dòng chảy; do sự cố tràn dầu có khả năng gây ô nhiễm nước, đất trầm trọng, đáng lưu ý vụ chìm
tàu Gemini (1996) 72 tấn dầu thô Ngoài ra, ô nhiễm đất còn do bụi và khí thải sinh ra từ quá

trình đốt nhiên liệu trong công nghiệp, bay trong không khí sau đó ngưng tụ và quay trở lại mặt
đất; do nước thải các chất hữu cơ, chất tẩy rửa, nước thải bệnh viện, các kim loại nặng, hóa chất
nguy hại, dầu mỡ; do chất thải rắn, nhất là nước rỉ của các bãi rác chôn lấp ở ngoại thành
Việc bảo vệ đất chưa sử dụng như thế nào cũng là một vần đề rất đáng được quan tâm. Năm
2006, toàn thành phố có 1.806,15 ha đất chưa sử dụng theo kế hoạch sử dụng đất giai đoạn
2006 - 2010 thì diện tích đất chưa sử dụng sẽ giảm dần và đến năm 2010 còn 930 ha. Như vậy,
thành phố cố gắng hết sức để đất chưa sử dụng không trở thành hoang hóa. Bởi cũng như ô
nhiễm đất, đất hoang hóa cũng đưa đến các hậu quả môi trường đáng ngại như gây tác hại lớn
cho môi trường sinh thái; suy thoái về chất lượng đất, mất mát dinh dưỡng trong đất; tăng ô
nhiễm do người dân không có ý thức coi đó là bãi đổ chất thải, phát sinh nhiều sinh vật có hại:
chuột, ruồi, muỗi và gây phức tạp về mặt xã hội.
Do đó, việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất hợp lý trong khu vực đô thị hóa của
TP.HCM có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá đối với TP.HCM
nói riêng và cả nước nói chung, nhất là khi dân số có xu hướng tăng cao mà quỹ đất lại có hạn.
Bài toán đặt ra là quản lý và sử dụng đất có hiệu quả thiết thực, không để đất bị ô nhiễm, suy
thoái và tác động xấu đến môi trường cần được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, vấn đề nâng
cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước cũng góp phần đáng
kể để chống ô nhiễm và suy thoái đất TP.HCM.
Ô nhiễm đất
Gs. Huỳnh Thu Hòa - Võ Văn Bé


I. Ô NHIỄM ÐẤT BỞI NÔNG NGHIỆP HIỆN ÐẠI.
II. VẤN ÐỀ PHÂN BÓN.
1. Các loại phân bón.
2. Ô nhiễm do phân bón.
III. Ô NHIỄM ÐẤT DO NÔNG DƯỢC.
1. Các loại nông dược ( Pesticides).
2. Tính chất sinh thái học của nông dược.
IV. RÁC THẢI.

V. HẬU QUẢ CỦA Ô NHIỄM.
1. Do phân bón.
2. Ảnh hưởng của việc dùng nông dược.
VI. ÐẤU TRANH SINH HỌC.
1. Phương pháp ảnh hưởng tử suất.
2. Phương pháp ảnh hưởng đến sinh suất.
3. Quản lý tổng hợp các loài dịch hại (IPM).

Ô nhiễm đất là do người ta sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp và do người ta
thải vào môi trường đất các chất thải đa dạng khác. Trong các chất thải này, có những
chất khó hay không thể phân hủy sinh học và đặc biệt là những chất phóng xạ. Ðất cũng
nhận những kim loại nặng từ khí quyển dưới dạng bụi (Pb, Hg, Cd, Mo ) và các chất
phóng xạ. Rác từ đô thị, việc sử dụng phân tươi bón ruộng rẫy cũng góp phần làm ô
nhiễm đất.
Ðặc biệt đất là trung gian của khí quyển và thủy quyển, là vị trí chiến lược trong trao đổi
với các môi trường khác.
Ô nhiễm đất phần lớn là do sản xuất nông nghiệp hiện đại và các hoạt động khác của
người. Các nhóm quốc gia khác nhau có các loại rác thải khác nhau (rác nhà giàu khác
với rác nhà nghèo). Nhưng tất cả đều góp phần làm ô nhiễm đất trước tiên, nơi sinh sống
của con người và của các sinh vật sống ở cạn khác. Sau đó lượng rác thải ngày càng tăng
này còn gây ô nhiễm môi trường nước và không khí.
I. Ô NHIỄM ÐẤT BỞI NÔNG NGHIỆP HIỆN ÐẠI
Ô nhiễm đất xảy ra chủ yếu ở nông thôn. Trước hết là do sự bành trướng của kỹ thuật
canh tác hiện đại. Nông nghiệp hiện nay phải sản xuất một lượng lớn thức ăn trong khi
đất trồng trọt tính theo đầu người ngày càng giảm vì dân số gia tăng và cũng vì sự phát
triển thành phố, kỹ nghệ và những sử dụng phi nông nghiệp. Người ta cần phải thâm
canh mạnh hơn, dẫn tới việc làm xáo trộn dòng năng lượng và chu trình vật chất trong hệ
sinh thái nông nghiệp.
Phân bón hóa học chắc chắn đã gia tăng năng suất, nhưng việc sử dụng lặp lại, với liều
rất cao gây ra sự ô nhiễm đất do các tạp chất lẫn vào. Hơn nữa Nitrat và Phosphat rải một

cách dư thừa sẽ chảy theo nước mặt và làm ô nhiễm các mực thủy cấp. Cũng thế, nông
dược vô cơ hay hữu cơ cũng có thể làm ô nhiễm đất và sinh khối.
Trong nhiều hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, người ta có thể phân biệt các chất
khoáng (vô cơ) và các chất hữu cơ tổng hợp. Chúng là các chất gây ô nhiễm thượng
nguồn của đất trồng. Nhưng sự gián đoạn của chu trình vật chất trong các hệ sinh thái
nông nghiệp hiện đại còn gây một ô nhiễm ở hạ nguồn nơi một số đất đai. Thật vậy, các
núi rác khổng lồ có nguồn gốc nông nghiệp, sản phẩm do sự khai thác hay sự tiêu thụ sản
lượng động vật và thực vật thì được thấy ở tất cả các nước công nghiệp hóa. Các chất này
không quay trở lại ruộng đồng, khác với lối canh tác cổ truyền. Chúng không bị tái sinh
nhưng chất đống ở bãi rác với sự lên men hiếm khí tạo ra các hợp chất S và N độc, làm
cho ô nhiễm đất gia tăng.
Thâm canh không ngừng của nông nghiệp, sử dụng ngày càng nhiều các chất nhân tạo
(phân hóa học, nông dược ) làm cho đất ô nhiễm tuy chậm nhưng chắc, không hoàn lại
(irreversible), đất sẽ kém phì nhiêu đi.
II. VẤN ÐỀ PHÂN BÓN
1. Các loại phân bón
Phân hóa học được rãi trong đất nhằm gia tăng năng suất cây trồng. Nguyên tắc là khi
người ta lấy đi của đất các chất cần thiết cho cây thì người ta sẽ trả lại đất qua hình thức
bón phân.
Trong các phân hóa học sử dụng nhiều nhất, ta có thể kể phân đạm, phân lân và phân
kali. Trong một số đất phèn người ta còn bón vôi, thạch cao.
Do đó một số lượng lớn phân bón (chủ yếu là N, P, K) được rãi lên đất trồng. Sự tiêu thụ
phân bón của thế giới gia tăng 16 lần từ năm 1964 - 1986 .
2. Ô nhiễm do phân bón
Vì lý do lợi nhuận, các chất trên không được tinh khiết. Do đó chúng chứa nhiều tạp chất
kim loại và á kim độc và ít di động trong đất (bảng 1). Chúng có thể tích tụ ở các tầng
mặt của đất nơi có rễ cây.
Bảng 1. Các tạp chất trong phân superphosphate (Theo Barrows, 1996)
Arsenic 2,2 - 12 ppm
Cadmium 50 - 170

Chlomium 66 - 243
Cobalt 0 - 9
Ðồng 4 - 79
Chì 7 - 92
Nicken 7 - 32
Selenium 0 - 4,5
Vanadium 20 - 180
Kẽm 50 - 1490
Ði tìm năng suất tối đa trong khai thác công nghiệp ở những diện tích rộng lớn là nhờ vào
sự gia tăng tối đa lượng phân hóa học. Ðó là một nhân tố ô nhiễm mới cho đồng quê.
Ðịnh luật về năng xuất giảm dần (Loi de rendements décroissants), dường như là không
được biết bởi các nhà khai thác nông nghiệp, nhưng chúng được không biết một cách tự
giác bởi những buôn bán phân bón là kẻ thường khuyên bảo nông dân.
III. Ô NHIỄM ÐẤT DO NÔNG DƯỢC
Sự sử dụng có hệ thống một lượng nông dược ngày càng tăng ở nông thôn là một dẫn
chứng cho một thảm họa sinh thái từ việc sử dụng thiếu suy nghĩ của một kỹ thuật mới.
Nông dược chiếm một vị trí nổi bật trong các ô nhiễm môi trường. Khác với các chất ô
nhiễm khác, nông dược được rải một cách tự nguyện vào môi trường tự nhiên nhằm tiêu
diệt các ký sinh của động vật nuôi và con người hay vào nông thôn để triệt hạ các loài
phá hại mùa màng.
Các diện tích có sử dụng thuốc (phun xịt) rất lớn. 5% lãnh thổ Hoa Kỳ có phun xịt. Ở
Pháp, 18 triệu ha có sử dụng nông dược một lần một năm, chiếm 39% lãnh thổ.
1. Các loại nông dược ( Pesticides)
Các nông dược hiện đại đa số là chất hữu cơ tổng hợp. Thuật ngữ pesticides là do từ tiếng
Anh pest là loài gây hại, nên pesticides còn gọi là chất diệt dịch hay diệt họa.
Ta phân biệt:
- Thuốc trừ sâu (insectides)
- Thuốc trừ nấm (fongicides)
- Thuốc trừ cỏ (herbicides)
- Thuốc trừ chuột (gặm nhấm = rodenticides)

- Thuốc trừ tuyến trùng (nématocides)
Số lượng nông dược gia tăng mạnh trong vài thập kỷ nay. Ở Pháp, có hơn 300 hợp chất,
Mỹ hơn 900 và được thương mãi hóa dưới 60.000 tên gọi khác nhau.
a. Thuốc trừ sâu (insecticides)
Thuốc trừ sâu được chia ra làm 3 nhóm chính: Chất vô cơ, chất có gốc thực vật và chất
hữu cơ tổng hợp. Thuốc trừ sâu hữu cơ tổng hợp được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Chúng được chia làm 4 nhóm lớn:
- Clor hữu cơ
- Lân hữu cơ
- Carbamates
- Pyrethroides
· Thuốc trừ sâu clor hữu cơ
Ðây là một nhóm tương đối lớn của thuốc trừ sâu với sự đa dạng về cấu trúc, tính chất và
công dụng. Ba loại chánh được kể ở đây. Ðó là DDT và các hợp chất tương cận, thuốc
trừ sâu clor vòng (aldrin và dieldrin) và hexachlorohexane (HCHs) như lindane.
Thuốc trừ sâu clor hữu cơ là chất rắn bền, ít tan trong nước và có ái lực mạnh với lipid
(liphophilicity). Vài chất rất bền bỉ trong thể ban đầu hay như là chất biến dưỡng bền. Tất
cả đều là chất độc thần kinh.
DDT thương mại chứa 70 - 80% đồng phân sát trùng của ppDDT. Thuốc trừ sâu tương
cận bao gồm rhotane (DDD) và methoxychlor. Tính chất sát trùng của DDT được khám
phá bởi Paul Muller của công ty Ciba-Geigy năm 1939. DDT đã được dùng với qui mô
nhỏ (trừ côn trùng mang mầm bịnh, vectors) trong thế chiến 2, nhưng sau đó được dùng
rất rộng rải để trừ dịch hại nông nghiệp, sinh vật mang mầm bệnh (như muỗi gây sốt rét),
ngoại ký sinh của gia súc, và côn trùng trong nhà và cơ sở kỹ nghệ. Do ít tan trong nước
(< 1 mg/l), DDT được pha chế dưới dạng nhũ tương, tức là dung dịch của thuốc trong
dung môi hữu cơ, dùng để phun xịt. DDT có LD50 là 113 - 450 mg/kg ở chuột và được
cho là độc vừa phải.
Hình 1. Các nông dược chính (I): thuốc trừ sâu; (H) thuốc diệt cơ; (F) thuốc trừ nấm
Aldrin, dieldrin và heptachlor là các thuốc trừ sâu có vòng. Chúng giống DDT ở chổ là
chất rắn bền, ưa lipid, ít tan trong nước, nhưng khác ở cách tác động. Chúng rất độc với

hữu nhũ (LD50 là 40 - 60 mg/kg). Chúng được dùng từ những năm 1965 để chống lại các
côn trùng, như là chất bảo vệ hạt giống và thuốc trừ sâu của đất.
HCH được tiếp thị như là hỗn hợp thô của đồng phân BHC , nhưng rộng rải hơn ở dạng
tinh chế có chứa chủ yếu đồng phân gamma, như (HCH, (BHC hay lindane. (HCH có
cùng các đặc tính với các thuốc trừ sâu clor hữu cơ khác, nhưng nó phân cực hơn và tan
trong nước nhiều hơn (7mg/l). Nhũ tương của HCH được dùng để trừ các dịch hại nông
nghiệp và các ký sinh trùng của gia súc. Chúng cũng được dùng bảo vệ hạt giống. HCH
chỉ độc vừa phải đối với chuột (LD50 là 60 - 250mg/kg) (Walker và CSV, 1996).
· Thuốc trừ sâu lân hữu cơ
Trong thế chiến lần thứ hai, hợp chất lân hữu cơ được dùng làm chất độc thần kinh
(neurotoxin), vì chúng có khả năng ngăn trở enzim acetylcholinesteraz (AchE). Chúng
được sản xuất vì hai công dụng chánh, là thuốc trừ sâu và vũ khí hóa học. Chúng là
những ester hữu cơ của acid phosphoric.
Ngày nay một số lượng lớn hợp chất lân hữu cơ được tiếp thị như là thuốc trừ sâu. Ða số
thuốc trừ sâu lân hữu cơ là chất lỏng ưa lipid, vài loại bay hơi, một ít là chất rắn. Chúng ít
bền vững hơn thuốc trừ sâu clor hữu cơ và bị phân hủy dễ hơn bởi các tác nhân hóa học
hay sinh hóa học. Do đó, chúng phân hủy nhanh trong môi trường, nhưng độc tính cấp
thời là đáng kể. Chúng phân cực và tan trong nước nhiều hơn thuốc trừ sâu clor hữu cơ.
Các hoạt hóa của vài thứ thuốc trừ sâu lân hữu cơ hòa tan trong nước đủ để đạt đến nồng
độ cao trong mô dẫn nhựa (phloem) của cây, gây độc cho côn trùng ăn phải (chất độc lưu
dẫn ?).
Dạng thức chế tạo của các hợp chất lân hữu cơ thì quan trọng trong ô nhiễm môi trường
do chúng gây ra. Nhiều thứ được chế biến dưới dạng nhũ tương để phun xịt. Nhiều loại
khác là chất bao bọc hạt giống hay dạng viên nhỏ. Dạng viên cần cho các thuốc trừ sâu
lân hữu cơ độc tính cao, vì dạng này an toàn hơn dạng nhũ tương khi thao tác. Thuốc bị
cầm giữ trong viên, và chỉ thoát từ từ ra môi trường.
Trong nhiều quốc gia, thuốc trừ sâu lân hữu cơ hiện vẫn còn được sử dụng cho hoa màu
dưới nhiều dạng thức khác nhau. Chúng được dùng để kiểm soát ngoại ký sinh của gia
súc và cả nội ký sinh, cào cào, dịch hại các kho chứa, muỗi, ký sinh của cá
· Thuốc trừ sâu carbamate

Ðây là các dẫn xuất của acid carbamic và phát triển gần đây hơn 2 nhóm thuốc trừ sâu
nói trên. Giống như thuốc trừ sâu lân hữu cơ, chúng có tác động ngăn trở enzym
acetylcholinesterase (AchE). Carbamate thường là thể rắn, vài thứ ở thể lỏng. Sự hòa tan
vào nước thay đổi đáng kể. Giống như thuốc trừ sâu lân hữu cơ, chúng dễ bị phân hủy
bởi các tác nhân hóa học hay sinh hóa học và thường không có vấn đề lưu tồn lâu dài.
Ðộc tính cấp thời của chúng là điều đáng nói. Vài loại (aldicarb và carbofuran) tác động
như thuốc lưu dẫn. Một ít (methiocarb) dùng diệt ốc sên. Cần phân biệt carbamate trừ sâu
và carbamate trừ cỏ (propham, chlopropham) ít độc với động vật.
Thuốc trừ sâu carbamate được chế biến như cách của thuốc trừ sâu lân hữu cơ, như các
thứ cực độc (aldcarb và carbofuran) chỉ chế tạo ở dạng viên. Chúng được dùng để kiểm
soát côn trùng trong nông nghiệp và hoa màu, trừ tuyến trùng (nematocides) và thân mềm
(molluscides).
· Thuốc trừ sâu pyrethroid
Thuốc trừ sâu pyrethroid thiên nhiên được tìm thấy trong hoa đầu các cây cúc
Chrysanthemum, từ đó gợi ý cho người ta làm các thuốc trừ sâu pyrethroid tổng hợp.
Pyrethroid tổng hợp thì bền hơn pyrethroid thiên nhiên. Pyrethroid là chất rắn, ít tan
trong nước, và là chất độc thần kinh như DDT. Chúng là các ester được tạo bởi một acid
hữu cơ (thường là acid chrysanthemic) và một baz hữu cơ. Mặc dù pyrethroid bền hơn
pyrethrin, nhưng chúng dễ bị phân hủy sinh học và không gây vấn đề thời gian bán hủy
sinh học. Tuy nhiên, chúng có thể kết chặt với các hạt mịn của đất và chất trầm tích, và ở
đó chúng sẽ lưu tồn lâu dài. Chúng chủ yếu gây độc tính cấp thời, có chọn lọc trong số
các côn trùng, thú và chim. Vấn đề môi trường của chúng là độc tính đối với cá và các
ÐVKXS không là đối tượng phòng trừ.
Pyrethroids được chế tác chủ yếu thành nhũ tương để phun xịt. Chúng được dùng để
kiểm soát một phổ rộng các côn trùng gây họa trong nông nghiệp và hoa màu, và được
dùng phổ biến để trừ côn trùng mầm bịnh (muỗi tsetse ở Châu Phi).
b. Thuốc trừ cỏ tổng hợp
Các thuốc trừ cỏ phát triển mạnh vài chục năm nay. Các dẫn xuất của acid phenoxyacetic
là những hợp chất đầu tiên được thương mại hóa. Chúng tác dụng giống như auxine thực
vật và gây sự rối loạn tăng trưởng của song tử diệp. Ngoài ra còn có nhóm Triazine,

Simazine (ngăn chặn quang hợp bằng cách chặn đứng chu trình Calvin, cây không thể cố
định CO2). Pichloram là chất độc và rất ổn định trong môi trường.
Các dẫn xuất của acid phenoxyacetic là nhóm thuốc trừ cỏ quan trọng nhất. Các thí dụ
quen thuộc là 2,4-D, 2,4-DB, 2,4,5-T, MCPA và CMPP. Chúng tác động bằng cách rối
loạn quá trình tăng trưởng theo cách của chất điều hòa tăng trưởng tự nhiên Indole acetic
acid (IAA). Chúng là các dẫn xuất của các acid carboxylic phenoxyankal. Khi chế tạo
dưới dạng muối kiềm, chúng rất hòa tan vào nước, nhưng khi chế tạo dưới dạng ester đơn
thì chúng lại ưa lipid và ít hòa tan vào nước.
Ða số thuốc trừ cỏ phenoxy dễ bị phân hủy sinh học và không lưu tồn trong cơ thể sinh
vật hay trong đất. Chúng tác dụng có chọn lọc, như chọn lọc giữa đơn tử diệp và song tử
diệp, chúng được sử dụng chủ yếu để trừ hạt đơn tử diệp trong đất trồng song tử diệp
(ngũ cốc và đồng cỏ). Vấn đề môi trường có hai loại. Thứ nhất là vấn đề độc tính thực vật
(phytotoxycity) do phun xịt hay phun sương. Thứ hai là vài loại có chứa hợp chất cực
độc là dioxin (TCDD = tetrachlorodibenzodioxin), tác nhân màu da cam của 2,4-D và
2,4,5-T dùng như thuốc làm rụng lá cây ở Việt Nam. Ðây là chất cực độc cho hữu nhũ
(LD50 là 10 - 200 (g/kg ở chuột).
c. Thuốc chống đông máu trừ gậm nhấm
Hợp chất Warfarin đã được dùng từ nhiều năm qua như thuốc trừ gậm nhấm. Nó là phân
tử ưa lipid, ít tan trong nước và tác động như chất đối kháng của vitamin K. Gần đây, khi
các gậm nhấm hoang dã kháng được Warfarin, thì thế hệ thứ hai của thuốc này đã được
tiếp thị, cũng có công thức tương cận qua Wafarin. Chúng bao gồm diphenacoum,
bromadiolone, brodiphacoum và flocoumafen. Chúng giống với Wafarin ở tính chất tổng
quát nhưng độc hơn cho thú và chim nhưng lại lưu tồn lâu trong gan của ÐVCXS. Do đó
chúng có thể được chuyển từ gậm nhấm sang các động vật ăn thịt và các loài ăn xác chết
của các gậm nhấm này. Như chim cú ở Anh quốc chẳng hạn, có chứa một lượng thuốc
trừ gậm nhấm nói trên. Thuốc trừ gậm nhấm thường được trộn vào bã mồi, đặt trong nhà
hay ngoài cửa, chúng sẽ được các gậm nhấm hoang dã ăn.
2. Tính chất sinh thái học của nông dược
Dù nông dược có nhiều lợi ích nhưng một số bất lợi xuất hiện dần và trở nên trầm trọng.
Vì nông dược tác động lên cả hệ sinh thái chứ không chỉ loài gây hại. Thực vật, bất kỳ

một nông dược nào cũng gây một biến đổi sâu xa đến hệ sinh thái có sử dụng nó, vì có
tính chất sinh thái học sau đây:
- Có phổ độc tính rộng cho động vật và thực vật.
- Ðộc tính cho động vật máu nóng và máu lạnh.
- Người sử dụng nông dược chỉ để diệt khoảng 0,5% số loài, trong khi nông dược sử
dụng có thể tác động lên toàn thể sinh vật.
- Người ta sử dụng nông dược để luôn luôn chống lại các quần thể.
- Tác dụng của chúng độc lập với mật độ nhưng người ta dùng khi mật độ lên đến mức
gây hại (nên dùng thuốc lại lệ thuộc mật độ).
- Lượng dùng thường cao hơn lượng cần thiết vì để cho chắc ăn.
- Diện tích phun xịt khá lớn. Ở Châu Âu là hàng chục triệu ha.
- Nhiều nông dược tồn lưu lâu dài trong môi trường.
Sự ô nhiễm do nông dược hiện là hiện tượng toàn cầu, nhất là thuốc lân hữu cơ.
IV. RÁC THẢI
Tất cả sinh vật đều thải rác, nhưng không có sinh vật nào thải rác có thành phần đa dạng
như con người. Rác thải do từ các hoạt động khác nhau. Phần này đề cập đến rác thải rắn
của đô thị, bao gồm rác từ văn phòng, bệnh viện, trường học, kho chứa, nhà dân.
Ở Hoa Kỳ, mỗi năm có hơn 145 triệu tấn rác, tức khoảng 580 kg/người. Trung bình mỗi
người, đàn ông, đàn bà, trẻ con, tạo ra 1,6 kg rác mỗi ngày (Chiras, 1991). Thành phố 1
triệu dân mỗi năm thải một lượng rác đủ để lấp đầy một sân đá banh. Số lượng rác đô thị
gia tăng hàng năm từ 2-4%. Khối lượng rác thải này gây ra vấn đề lớn cho các đô thị, nơi
đất dùng đổ rác ngày càng hiếm.
Mỗi người dân thành phố trung bình ở Việt Nam, như ở thành phố Cần thơ chẳng hạn,
thải 0,6 kg rác mỗi ngày. Số rác này được thu gom một phần, đem đổ ở bãi rác Châu
thành (Cái răng), gây ô nhiễm một vùng ngoại ô.
Các bãi rác làm ô nhiễm đất , nước và không khí, tiêu tốn năng lượng, chiếm một diện
tích đất lớn. Sự đốt rác tạo ra khí độc theo gió đi rất xa, tro có thể còn chứa chất độc lại
dùng để lấp các nơi trũng hay trồng cây.
Ngoài các vật liệu thông thường, rác còn chứa các chất không bị phân hủy sinh học và
các chất phóng xạ. Ngoài mục đích sử dụng cho quân sự, các chất phóng xạ còn được sử

dụng khá phổ biến cho dân dụng và y học. Nhưng việc tích lũy các chất thải phóng xạ
ngày càng nhiều đã và đang gây nên một vấn nạn không chỉ riêng cho các quốc gia đang
sử dụng chúng. Ở Hoa kỳ, hàng năm có hơn 250 triệu tấn chất thải độc hại, tức trung bình
mỗi người dân một tấn. Các nước Châu âu cũng không kém. Chỉ một phần của số rác trên
được xử lý, còn phần lớn được tập trung ở bãi rác hay thải ra sông hồ, biển và đại dương.
Một vấn đề môi trường khác là việc các nước công nghiệp xuất khẩu rác thải độc hại
sang các nước nghèo. Ðây là cách làm ít tốn kém cho các quốc gia sản xuất khác, lại còn
có thể giúp đỡ các nước có được nguồn ngoại tệ để trả nợ và chi tiêu khác. Các loại rác
này hoặc được bán với giá rẻ làm vật liệu tái chế, hoặc được phép đổ ở một xứ nghèo nào
đó ở châu Phi hay châu Á để đổi lại một số dollar cho chánh quyền sở tại.
V. HẬU QUẢ CỦA Ô NHIỄM
1. Do phân bón
Ngoài việc ô nhiễm nước do dư lượng Nitrat và Phosphat, các phân bón còn làm ô nhiễm
thức ăn. Thật vậy, những liều cao của phân dùng trong đất trồng làm gia tăng lượng
Nitrat trong mô thực vật mọc ở đây. Nên xà lách trồng trên đất bình thường, chứa 0,1%
đạm Nitrit so với trọng lượng khô. Con số này lên đến 0,6% đất bón 600 kg Nitrat/ha.
Mồng tơi (épinard) có thể chứa một lượng đạm Nitrit rất cao. Người ta cho thấy là Mồng
tơi ở Mỹ chứa 1,37 g/kg và ở Ðức là 3,5 g/kg Nitrat trong mô thực vật này (Schupan,
1965). Lượng đạm cao vậy là có tác hại cho sức khỏe vì chúng gây chứng
methemoglobinemie, thể hiện qua việc ion NO2 kết hợp với Hemoglobin, làm cho hô
hấp (tiếp nhận O2) khó khăn. Khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, khi trữ trong tủ lạnh hay do
hoạt động của vi khuẩn đường ruột, Nitrat biến thành Nitrit rất độc. Nhưng nguy hại hơn,
Nitrit được thành lập trong ống tiêu hóa có thể biến thành Nitrosamine, là một chất gây
ung thư mạnh.
Nhưng lạm dụng phân bón không chỉ đe dọa sức khỏe con người, mà còn làm mất ổn
định hệ sinh thái nông nghiệp. Kiểu canh tác dùng nhiều phân vô cơ, kết hợp với việc
ngưng quay vòng của chất hữu cơ trong đất trồng, tạo nên một đe dọa nghiêm trọng trong
việc giữ phì nhiêu của đất. Là do sự tích lũy liên tục các chất tạp (kim loại, á kim) có
trong phân hóa học và sự biến đổi cấu trúc của đất. Thành phần chất hữu cơ của đất bị
giảm nhanh và khả năng giữ nước và thoát nước của đất bị thay đổi.

Chất mùn không còn quay về đất. Sự nghèo mùn làm phá hủy cấu trúc của đất, giảm
phức hợp hấp thụ sét mùn (complexe absorbant argilo humique) nên giảm độ phì của đất.
Phân động vật và thực vật không quay về với đất mà chất đống sẽ ô nhiễm mực thủy cấp
sau khi lên men amoniac. Hoặc chúng bị đem thiêu đốt bỏ, không về đất được. Sự đốt rác
có nghĩa là thay đổi ô nhiễm điạ phương của đất bằng sự ô nhiễm không khí ở diện rộng
hơn nhiều.
2. Ảnh hưởng của việc dùng nông dược
a. Ảnh hưởng lên các quần thể
Dùng thuốc diệt cỏ sẽ làm thay đổi thảm thực vật của hệ sinh thái nông nghiệp. Vì ảnh
hưởng của chúng ở đồng ruộng và ở các vùng phụ cận, vì cây 2 lá mầm rất nhạy cảm với
thuốc trừ cỏ trong gieo trồng ngũ cốc. Ở Việt Nam, trong chiến tranh chống Mỹ, một
lượng lớn thuốc trừ cỏ đã được sử dụng gây nhiều thảm họa cho môi trường. Dù chỉ một
lần phun nhưng các thuốc khai quang này đã làm chết các cây đại mộc nhiệt đới, đặc biệt
ở rừng Sát: Mấm, Ðước, Vẹt Hay Dầu, Thao lao và các cây mộc họ Caesalpiniaceae ở
các rừng vùng núi (Westing, 1984). Các dẫn xuất của acid phenoxyacetic cũng độc đối
với các động vật thủy sinh. Ngoài ra chúng cũng có thể gây đột biến ở người. Như ở Việt
Nam, sự biến dạng thai nhi đã được thấy cao hơn mức bình thường nơi các bà mẹ bị
nhiễm nặng bởi việc phun xịt thuốc khai quang trong thời gian chiến tranh chống Mỹ.
Dùng thuốc trừ sâu gây chết các quần xã động vật ở trong hay quanh vùng xử lý. Phun xịt
thuốc trừ sâu trên rừng gây chết nhiều chim và thú. Cuối những năm 50, ở Hoa kỳ chiến
dịch diệt Kiến lửa (Solenosis soevissina), trên 110.000 km2 bằng máy bay, sử dụng các
hạt Heptachlore và dieldrine với liều 2,5 kg/ha ở năm đầu; 1,4 kg/ha vào 2 năm tiếp theo.
Chiến dịch này có lợi cho các nhà kinh doanh nông nghiệp, nhưng gây nhiều thảm họa
cho động vật ở đây. Sáo, Sơn ca và các chim bộ Sẻ khác bị ảnh hưởng mạnh. Bò sát, côn
trùng sống trong đất bị giảm số lượng mạnh.
Thuốc trừ nấm mặc dù không quá độc đối với cây xanh và động vật, nhưng hậu quả sinh
thái học của chúng vẫn có. Như chúng tỏ ra độc đối với trùn đất là sinh vật đóng vai trò
quan trọng trong sinh thái học đất, nhất là việc giữ độ phi nhiêu cho đất. Hạt giống trộn
với thuốc diệt nấm gây hại cho chim. Một số chất có thể được tích lũy trong mô của động
vật.

b. Ảnh hưởng lên các quần xã
Ða số các hậu quả của sinh thái học của việc dùng nông dược là ảnh hưởng gián tiếp thể
hiện sớm hay muộn. Aính hưởng của sự nhiễm độc mãn tính là do hấp thụ liên tục các
nông dược cùng với thức ăn. Nó gây chết cho các độ tuổi và làm giảm tiềm năng sinh
học, nên làm giảm sự gia tăng của các quần thể bị nhiễm, dẫn đến sự diệt chủng của loài.
Aính hưởng của nông dược do sự chuyển vận qua sinh khối, với sự tích tụ nông dược
trong mỗi nấc dinh dưỡng, làm cho nồng độ nông dược trong các vật ăn thịt luôn rất cao.
Trường hợp nặng gặp ở các nông dược ít hay không bị phân hủy sinh học. Cho nên thực
vật có thể tích tụ nông dược trong mô. Ðến phiên chúng làm thức ăn cho những bậc dinh
dưỡng cao hơn, sẽ làm nông dược chuyển đến cuối chuỗi thức ăn:
Ðiều này làm nhiễm độc mãn tính các động vật, dễ thấy là rối loạn chức năng sinh sản
(chậm trưởng thành sinh dục, số trứng ít, trứng có vỏ mỏng). Các chlor hữu cơ như DDT,
dieldrine, heptachlor và PCB, cũng như các thuốc diệt cỏ đều ảnh hưởng đến sinh sản của
chim.
Các ảnh hưởng trên còn có thể dẫn đến các hậu quả sau đây:
- Giảm lượng thức ăn. Một trong những xáo trộn do nông dược gây cho quần xã là làm
giảm lượng thức ăn động vật và thực vật cần thiết cho các loài ở các bậc dinh dưỡng khác
nhau trong hệ sinh thái nông nghiệp (Pimentel và Edwards, 1982). Sự biến mất dần các
thực vật hoang dại do sử dụng thuốc trừ cỏ trong các vùng đất canh tác làm thay đổi sâu
xa nguồn thức ăn và nơi ở của nhiều loài chim định cư sống trong vùng hay xung quanh
đó. Tương tợ, việc sử dụng các thuốc trừ sâu phân hủy nhanh (lân hữu cơ, carbamate và
pyrethroid) tuy không gây độc lâu dài như nhóm chlor hữu cơ, nhưng cũng gây hại cho
các loài chim ăn côn trùng vì chúng và con chúng sẽ không có thức ăn.
- Làm thay đổi cân bằng trong tự nhiên. Nông dược có thể gây ra sự phát triển quá đáng
của một loài thực vật hay động vật nào đó. Khi sử dụng thuốc diệt cỏ ở các nơi trồng ngũ
cốc thì hạt song tử diệp bị loại trừ, khi đó các cỏ họ hòa bản khó ưa sẽ phát triển mạnh vì
vắng các loài cạnh tranh. Sử dụng nông dược có thể loại trừ các kẻ thù tự nhiên của
những loài gây hại. Như ở Hoa kỳ chẳng hạn, việc sử dụng quá đáng azodrin, thuốc trừ
sâu lân hữu cơ, để trừ côn trùng gây hại cây bông vải cho thấy một tình huống tiếu lâm.
Thay vì làm giảm quần thể sâu Heliothis zea, thuốc azodrin lại diệt các thiên địch và ký

sinh của sâu này, làm cho vùng trồng bông có dùng thuốc bị thiệt hại nhiều hơn vùng
không dùng thuốc (Ramade, 1987).
- Ảnh hưởng lên diễn thế. Diễn thế của các quần thể động vật lệ thuộc chặt chẻ vào diễn
thế của các quần thể thực vật, nên thuốc diệt cỏ ảnh hưởng mạnh hơn thuốc trừ sâu trong
diễn thế của quần xã. Thuốc diệt cỏ ít chọn lọc tác động giống như lửa. Nó làm hệ sinh
thái trở lại giai đoạn đầu của giai đoạn chiếm cứ bởi các thực vật tiên phong. Trong vài
trường hợp, sự sử dụng có hệ thống của thuốc trừ cỏ có thể tạo ra giai đoạn cao đỉnh
nghẹn (dysclimax). Các khu rừng Việt Nam, nơi đã bị tàn phá hoàn toàn bởi thuốc khai
quang, thì đất trống được tre và đồng cỏ bao phủ, rừng không thể phục hồi trở lại được.
Rừng tre và đồng cỏ phát triển thành quần xã cao đỉnh nghẹn (tắc nghẹn, dysclimax).
VI. ÐẤU TRANH SINH HỌC
Dùng nông dược kéo theo nhiều bất lợi. Ngoài việc mất cân bằng sinh thái học còn là vấn
đề sức khoẻ công cộng. Sự độc của nông dược khiến người ta phải lập các mức độ chịu
đựng: ngưỡng tối đa chấp nhận được trong thức ăn của người.
Ngoài ra, nông dược không chỉ diệt loài có hại mà cả loài có lợi. Sau cùng vấn đề kháng
thuốc khá lớn. Số loài kháng tăng theo thời gian.
Cho nên người ta tìm cách giảm số loài gây hại bằng cách sử dụng biện pháp sinh học,
nhắm vào việc dùng sinh vật diệt các loài gây hại. Người ta tìm cách làm tăng tử suất và
giảm sinh suất của chúng.
1. Phương pháp ảnh hưởng tử suất
Nhằm làm tăng tử suất bằng cách dựa vào kẻ thù tự nhiên của loài gây hại, như thiên địch
hay ký sinh của nó.
Lịch sử mà nói thì từ năm 1888, nhà côn trùng học Riley đã giải quyết vấn đề sâu rầy
Icerya purchari bằng cách nhập vào California, một trong những kẻ thù tự nhiên của nó là
Bọ rùa Novius cardinalis.
Nhiều sự nhập nội như thế đã cho nhiều kết quả tích cực. Nhưng cũng có khi những loài
nhập nội không thích nghi: trường hợp nhập những kẻ thù của doryphore (phá hoại Khoai
tây) .
Phương pháp sử dụng các loài ăn côn trùng (entomophages) cho nhiều kết quả khả quan.
Người ta cũng chú ý các loài ăn trứng (oophages). Kế đến, người ta chú ý các vi sinh vật

gây bịnh cho loài gây hại (nấm ăn côn trùng và vi khuẩn diệt trùng).
Ngoài ra, người ta cò sử dụng cả siêu khuẩn, như trường hợp virus Sanarelli, gây bịnh
Myxomatose cho thỏ, đã tiêu diệt 99% số thỏ ở Pháp năm 1952. Chuyện cũng xảy ra như
vậy ở Úc.
2. Phương pháp ảnh hưởng đến sinh suất
Nhằm làm giảm sinh suất của những loài không muốn có. Lần đầu tiên, năm 1954,
Knippling đã thả những cá thể cái của Cochliomyia hominivorax làm bất thụ bởi Co60 ở
đảo Curacao, đã tiêu diệt hoàn toàn loài 2 cánh này, là tác nhân của bịnh myiases.
Kỹ thuật này dựa trên nguyên tắc theo đó thì một cá thể bị bất thụ sẽ bành trướng sự bất
thụ trong quần thể bởi vì nó gây cảm ứng (induction) cho bạn tình của nó. Trong trường
hợp của Cochliomyia, thành công dễ dàng là do các con cái chỉ giao phối một lần trong
đời.
Người ta còn sử dụng các chất gây bất thụ như tia bức xạ ion trong hóa học.
Hiện người ta sử dụng Phéromone và chất dẫn dụ. Năm 1960, Jacobson đã ly trích chất
Giplure, phéromon sinh dục của Lymantria dispar, có thể thu hút những con đực của loài
này ở nồng độ cực nhỏ (10 - 9 ug/lít không khí).
Chế tạo các bẩy có feromone (chất dẫn dụ) và chất bất thụ gốc hóa học là trong những
cách hay để dẫn dụ những loài gây hại.
3. Quản lý tổng hợp các loài dịch hại (IPM)
a. Vài ví dụ
Mục đích của IPM là làm tăng sản lượng nông nghiệp đồng thời giúp nông dân giảm chi
phí mua nông dược và giảm tác hại do nông dược. IPM sử dụng nhiều hình thức quản lý
đồng ruộng như là một hệ sinh thái.
Sự luân canh là cách canh tác làm cho đất chỉ có các cây trồng khác nhau trong mỗi mùa.
Ðiều này làm cho các dịch hại không có cơ may sinh sản liên tục. Chiến thuật này cần
thiết để hoa màu tránh được các loài phá hại.
Ở vài nơi chiến thuật tránh né này không thực hiện được, nên canh tác một vụ một năm là
có lợi hơn. Ðặc biệt, ruộng lúa nước ở Ðông nam á phải gieo cấy nhiều vụ một năm, và
không hoa màu nào khác có thể cho một lượng thực phẩm sánh bằng. Cuộc cách mạng
xanh đã dùng các giống thần kỳ, gia tăng sử dụng phân bón và nông dược. Trong những

năm 1960 đầu 70, cách làm này tỏ ra thành công nhưng tốn kém. Khi đó chánh phủ trợ
giá việc dùng phân bón và nông dược để thúc đẩy kỹ thuật mới. Hậu quả của việc trợ giá
là nông dược giảm giá và được dùng lung tung. Một tác động bất ngờ của việc dùng quá
nhiều nông dược là chúng tiêu diệt các thiên địch hữu ích. Ngay sau đó, các trận dịch,
như dịch rầy nâu xảy ra. Rầy nâu trở nên kháng thuốc, nhưng thiên địch của chúng thì
không. Rầy nâu bất trị phá hại ruộng lúa Indonesia, gây thiệt hại hơn một triệu tấn lúa
vào năm 1977. Cách sửa chữa ngắn hạn là trồng các giống lúa kháng rầy, nhưng trong ít
năm, rầy nâu lại thay đổi tính kháng một lần nữa và trở nên chiếm lợi thế trong ruộng lúa.
Năm 1986, Tổng thống Indonesia đã cấm 57 trong tổng số 66 loại nông dược sử dụng
cho lúa và không trợ giá các loại nông dược khác. Sự tiêu thụ nông dược ít đi và rầy nâu
cũng giảm đi. Các thiên địch của rầy nâu như ong (Wasps) và nhện, gia tăng đủ để hạn
chế rầy. Sau năm 1986, lượng nông dược giảm 60%, chánh phủ tiết kiệm được 120 triệu
USD cho việc trợ giá nông dược và sản lượng lúa gia tăng 15%. Trường hợp của
Indonesia cung cấp bằng chứng điển hình là IPM có thể là giải pháp về giá cả - hiệu quả
(cost-effective solution) cho vấn đề các loài dịch hại (Bush, 1997).
Một thí dụ về IPM áp dụng cho các đồn điền Dừa dầu ở Malaysia. Hàng ngàn mẫu rừng
nhiệt đới đã chuyển thành đồn điền Dừa trong vùng bình nguyên Malaysia. Dầu dừa dùng
trong gia đình và kỹ nghệ, và là nguồn thu nhập quan trọng. Thiệt hại sau thu hoạch do
chuột làm giảm thu nhập của người trồng dừa, trong khi thuốc diệt Chuột thì mắc và
không hữu hiệu. Người ta du nhập chim Cú mèo là thiên địch của chuột. Không bao lâu,
quần thể Chuột giảm thiểu và người ta tiết kiệm được tiền mua thuốc trừ Chuột.
b. Tóm lược phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp
Phương pháp này sử dụng tổng các biện pháp kiểm soát dịch hại: môi trường, di truyền,
hóa học và canh tác. Nhưng biện pháp này cần phải có sự tập huấn cho người áp dụng và
sự quan trắc các loài dịch hại (Chiras, 1991).
· Tập huấn (giáo dục) và theo dõi (quan trắc)
Khi có sâu rầy xuất hiện trên đồng ruộng, người nông dân nghĩ ngay tới việc dùng nông
dược để sớm tiêu diệt chúng. Nhưng họ cũng nghĩ cách làm sao có thể bảo vệ hoa màu
mà không cần dùng đến các chất độc này. Từ xa xưa người ta đã biết nuôi Kiến vàng
trong các vườn cam quít chẳng hạn. Các kinh nghiệm dân gian là rất cần nhưng chưa đủ.

Các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học có thể giúp nông dân hiểu biết nhiều hơn. Cần
phải nhận thấy rằng hiện nay nông dân nhận hằng khối lời khuyên của các nhà sản xuất
và những người bán nông dược. Cho nên có nhiều khúc mắc trong vấn đề này.
Nông dân cần được tập huấn nhiều điều để áp dụng IPM. Hiểu biết về sinh học côn trùng,
kỹ năng nhận biết côn trùng và cải thiện việc theo dõi quần thể côn trùng có thể giúp
nông dân quản lý đồng ruộng tốt hơn.
Tập huấn và theo dõi là những điều tiên quyết cho IPM. Nếu không, sự lệ thuộc nặng nề
vào nông dược sẽ vẫn cứ tiếp tục.
· Biện pháp môi trường
Biện pháp này nhằm làm cho các điều kiện môi trường (vô sinh và hữu sinh) trở nên bất
lợi cho các loài dịch hại. Vì biện pháp này dựa nhiều vào kiến thức hơn vào công nghệ,
nên đặc biệt phù hợp cho các nước nghèo. Nhưng biện pháp này vẫn hữu hiệu trong các
xã hội nông nghiệp hiện đại.
Tăng cường đa dạng hoa màu bằng cách đa canh và luân canh, nhằm làm giảm nguồn
thức ăn cho một loài dịch hại nào đó và giúp ngăn chận sự tăng trưởng nhanh của nó.
Thay đổi thời gian gieo trồng. Vài loài thực vật tránh dịch hại một cách tự nhiên bằng
cách mọc sớm hay trễ trong mùa tăng trưởng. Thí dụ ở các nước ôn đới, Cải hoang mọc
sớm trước khi có sự xuất hiện của Bướm cải. Nông dân có thể gieo trồng một hoa màu
nào đó sớm hoặc trễ hơn bình thường, lúc mà côn trùng chưa hay đã bộc phát rồi.
Thay đổi chất dinh dưỡng của cây và đất. Mức độ của vài chất dinh dưỡng trong đất và
cây trồng cũng có thể ảnh hưởng số lượng quần thể dịch hại. Nitơ là nguồn dinh dưỡng
quan trọng mà côn trùng và ký sinh nhận từ thực vật. Lượng Nitơ quá nhiều hay quá ít có
thể làm thay đổi số lượng cá thể của nhiều loài dịch hại. Thí dụ Rệp cây (Aphid) sinh sản
nhiều hơn trên các hạt chứa nhiều Nitơ. Các côn trùng khác, như Thrips và Mites lại sinh
sản ít hơn trên Mồng tơi (Spinach) và Cà tô-mát khi các rau quả này chứa nhiều Nitơ.
Cho nên biết được nhu cầu dinh dưỡng của dịch hại, mức độ chất dinh dưỡng của đất và
của thực vật có thể giúp kiểm soát dịch hại.
Kiểm soát hoa màu và cỏ dại lân cận. Hoa màu và cỏ dại có thể là nguồn thức ăn và nơi ở
của dịch hại, nhất là côn trùng. Cho nên cần kiểm soát hoa màu và cỏ dại lân cận là cần
thiết. Ðôi khi hoa màu kém giá trị lân cận được dùng làm bẫy (trap crop) để lôi kéo côn

trùng. Khi cây linh lăng (alfalga) trồng cạnh cây bông vải, sẽ thu hút rầy bông, làm giảm
thiệt hại cho bông vải.
Du nhập thiên địch, ký sinh và vật gây bịnh. Trong thiên nhiên hàng ngàn loài côn trùng
là dịch hại tiềm tàng, nhưng không trở thành dịch hại thật sự, bởi vì sự kiểm soát tự nhiên
do thiên địch, ký sinh và bịnh tật. Nông dân có thể sử dụng sự hiểu biết này của đấu tranh
sinh học hay kiểm soát chuỗi thức ăn để quản lý cỏ dại, côn trùng, gậm nhấm và các dịch
hại khác. Có rất nhiều thí dụ về việc kiểm soát dịch hại bằng thiên địch hay ký sinh. Thí
dụ cổ điển như côn trùng diệt xương rồng ở UÙc. Nông dân Việt Nam đã dùng kiến vàng
kiểm tra sâu rầy cho vườn tược. Trung quốc dùng vịt con thả vào ruộng lúa ăn bớt côn
trùng phá lúa. Siêu khuẩn và vi khuẩn cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng ở nhiều nơi.
· Biện pháp di truyền
Có hai chiến lược chủ yếu, là làm cho con đực trở nên bất thụ và tạo các cây trồng và vật
nuôi kháng bịnh về phương diện di truyền.
· Biện pháp hóa học
Bao gồm việc sử dụng nông dược khi thật cần thiết, pheromon, hormon và các chất trừ
sâu tự nhiên.
Việc sử dụng nông dược phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Sử dụng hạn chế
- Sử dụng đúng thời điểm để hạn chế số lần phun xịt
- Nông dược ít gây hại cho thiên địch và các sinh vật lan can (non target organisms)
- Không phun xịt gần nguồn nước uống
- Ðã thử nghiệm cẩn thận độc tính
- Tránh dùng nông dược bền vững và có thể tích tụ sinh học
- Tránh tối đa việc nông dân phải tiếp xúc nông dược (tránh hít phải khi thao tác)
- Sử dụng để làm giảm số cá thể dịch hại tới dưới ngưỡng gây hại, sau đó kết hợp với các
biện pháp khác để giữ cho quần thể này ở mức thấp.
· Biện pháp canh tác
Dùng nhiều biện pháp như trồng nhiều cây che không cho cỏ dại mọc; tiếng động và bù
nhìn đe dọa chim Gần đây người ta dùng vi ba (microwaving) trừ một số côn trùng
như dán, mối, con hai đuôi ăn giấy và hồ dán bìa sách (Chiras, 1991).

Phòng trừ dịch hại tổng hợp tỏ ra có nhiều lợi ích về nhiều mặt, nhưng để bảo đảm cho sự
thành công, cần sự nổ lực và đầu tư thích hợp. Ðiều quan trọng là chính nông dân, chớ
không phải ai khác, là người đóng vai trò quyết định ở đây

×