Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

1 B N TIN TU N 21/02-25/02/2011 NH N Đ NH TH TRƯ NG TIÊU ĐI M • • • Nh n đ nh th trư pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (401.9 KB, 8 trang )



1
BẢN TIN TUẦN
2 1 / 0 2 - 2 5 / 0 2 / 2 0 1 1
TIÊU ĐIỂM
• Nhận định thị trường
• Tin vĩ mô
• Câu chuyện kinh tế
trong tuần (1) Nhiều
cách chuyển lợi
nhuận ra ngoài (2)
Năm 2011, áp lực đè
nặng doanh nghiệp






NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG
VN-Index đã mất 14 điểm trong tuần giao dịch vừa qua, hầu hết các cổ phiếu lớn nhỏ
đều bị điều chỉnh khá mạnh. Lực bán ra không lớn nhưng đủ làm thị trường suy yếu.
Nhìn trên đồ thị của VN-Index, không có phiên nào có khối lượng khớp lệnh lớn. Điều đó
cho thấy, lực cầu đã giảm mạnh, dòng tiền đang rút dần khỏi thị trường, chuyển sang các
kênh vàng và ngoại tệ nhằm mục tiêu bảo toàn giá trị.
Điều đáng nói ở đây là khối nhà đầu tư nước ngoài đang từ bỏ xu hướng mua ròng và có
ý định thoái vốn một số mã bluechip, điểm hình là cổ phiếu FPT. Dường như quyết định
điều chỉnh tỷ giá mạnh tay đã làm lực lượng được kỳ vọng nhất trở nên dao động. Thiếu
vắng lực cầu từ khối ngoại, thị trường sẽ không còn nhiều hy vọng. Trong khi dòng tiền
ngoại có dấu hiệu lung lay thì dòng tiền nội, vốn cũng đã suy kiệt sau những đợt phát


hành ồ ạt trong năm 2010, vẫn đang phải chịu một mức lãi suất rất cao.
Trong bối cảnh kinh tế còn vấn đề, đầu tư lâu dài trong lúc này mang nhiều yếu tố rủi ro.
Chỉ những tổ chức cá nhân chấp nhận mạo hiểm với có thể tham gia thị trường một cách
thực sự trong giai đoạn này. Do vậy, sự phân hóa của dòng tiền, chủ yếu là dòng tiền
ngoại, do đó, sẽ làm cho thị trường biến động rất phức tạp.
Nhìn trên góc độ kỹ thuật, sự phân kỳ của chỉ báo RSI và đường giá của VN-Index mà
chúng tôi đề cập từ trước đang khẳng định, thị trường đã đi qua mức đỉnh. VN-Index
đang lùi về ngưỡng tâm lý 500 điểm, sẽ có sự giằng co nhưng nhiều khả năng giảm đến
mức hỗ trợ 486 điểm. Điều này là có thể khi tâm lý nhà đầu tư đang rất yếu, nhất là khi
giá điện, xăng được điều chỉnh tăng trong thời gian tới đây.


2

KINH TẾ VĨ MÔ
Kinh tế thế giới
CPI cơ bản tại Mỹ tháng 01/2011 tăng mạnh nhất trong một năm
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này tháng 01/2011 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm
ngoái, cao hơn so với mức 1,5% trong tháng 12/2010. So với tháng trước, CPI tăng 0,4% cao hơn so với dự báo
0,3% của các nhà kinh tế.
Nguyên nhân khiến CPI tăng cao là do giá xăng dầu cũng như thực phẩm leo thang mạnh và đóng góp tới 2/3 vào đà
tăng của chỉ số này. Trong đó, giá thực phẩm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ nhanh nhất kể từ năm
2009.
Tuy nhiên, CPI cơ bản tháng 01/2011 (trừ năng lượng và thực phẩm) chỉ tăng 1% so với cùng kỳ 2009, điều này cho
thấy áp lực giá cả nhìn chung vẫn còn thấp. So với tháng trước, CPI cơ bản tháng 01 tăng 0,2%, cao hơn mức 0,1%
trong tháng 12/2010, đồng thời là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2009.
Theo số liệu được công bố trước đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 01/2011 tăng 0,8% so với tháng trước, khớp với
dự báo 0,8%. So với cùng kỳ năm ngoái, PPI tăng 1,6%, cao hơn ước tính tăng 1,2% của các nhà kinh tế.
Tháng 1/2011, các quan chức kinh tế thuộc FED nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2011 lên mức từ 3,4 đến
3,9% từ dự báo 3 đến 3,6% trong tháng 11/2010; dự báo đối với tăng trưởng kinh tế năm 2012 và năm 2013 không

thay đổi; tuy nhiên FED không hài lòng với tốc độ phục hồi của thị trường việc làm.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế thuộc FED không thay đổi nhiều với dự báo về thất nghiệp và lạm phát.

Hội đồng vàng thế giới dự báo giá vàng trong năm 2011 sẽ tăng
Hội đồng vàng thế giới dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay sau khi lên mức cao nhất trong 10 năm
vào năm 2010. Nguyên nhân bởi nhu cầu đối với vàng, làm trang sức và để đầu tư, tăng vọt.
Tháng 11/2010, giá vàng lên mức 1.421USD/ounce bởi nhu cầu từ các công ty kinh doanh trang sức và sản xuất linh
kiện điện tử lên cao. Nhu cầu đầu tư đối với vàng cũng đồng thời tăng lên.
Lần đầu tiên trong 21 năm, Ngân hàng Trung ương các nước mua ròng vàng sau khi bán ròng trong nhiều năm trước
đó. Thị trường thiếu hụt một nguồn cung quan trọng vì thế giá vàng tăng mạnh.
Theo số liệu từ WGC, tổng nhu cầu vàng năm 2010 lên mức 3.812 tấn với trị giá khoảng 150 tỷ USD.
Nhu cầu vàng năm 2011 được dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng đặc biệt khi vàng ngày một được người châu Á
ưa chuộng trong vai trò công cụ đầu tư vật chất, và các quỹ ETFS cho phép nhà đầu tư giao dịch mạnh hơn, mô hình
quỹ này sẽ trở nên ngày một phổ biến hơn trong khu vực.

Kinh tế Việt Nam
NHNN thông báo một số mức lãi suất áp dụng từ ngày 17/02/2011
Ngày 17/02/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 271/QĐ-NHNN quy định lãi
suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong
thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng như sau:


3

Lãi suất tái cấp vốn là 11,0%/năm, trước đó là 9% được duy trì từ 05/12/2008; lãi suất tái cấp vốn được NHNN
áp dụng cao nhất từ trước đến nay là 15%/năm tại thời điểm tháng 6/2008 khi lạm phát của Việt Nam trong 6
tháng đầu năm 2008 lên tới 18,44%.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán
bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng: 11,0%.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Đồng thời, Quy định lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và
cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng tại Quyết định số 2620/QĐ-
NHNN ngày 05/11/2010 hết hiệu lực thi hành.
Hiện có 5 loại lãi suất chính sách, được Ngân hàng Nhà nước sử dụng để định hướng và điều tiết thị trường
tiền tệ: lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở và lãi suất
tiền gửi dự trữ bắt buộc. Trong đó, việc điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn phản ánh trạng thái nới lỏng hay thắt chặt
tiền tệ trong từng thời kỳ; và lần điều chỉnh này là tăng thêm 2%.
Trước đó, NHNN đã tăng thanh khoản cho thị trường liên ngân hàng khi cung ứng gần 132.000 tỷ VND đến hết
ngày 30/01/2011, chủ yếu để hỗ trợ vốn thanh toán cho các tổ chức tín dụng trong dịp Tết Nguyên đán (tuy
nhiên đây lại là một nhân tố kích thích lạm phát từ việc tăng cung tiền). Với quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn,
có thể thấy trước mắt mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là kiềm chế lạm phát khi chỉ số này đang được dự báo
ở mức cao trong 2 tháng đầu năm 2011, cũng đồng nghĩa với việc lãi suất chưa thể giảm ít nhất là trong ngắn
hạn. Hiện nay, mọi động thái của NHNN trở nên vô cùng nhạy cảm với thị trường tài chính nói riêng và nền kinh
tế nói chung.

Hoạt động ngân hàng tháng 1/2011
Ngân hàng Nhà Nước thông báo tình hình hoạt động ngân hàng tháng 1 năm 2011 với chi tiết như sau:
Huy động vốn
Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 21/01/2011 giảm 2,46% so với tháng
trước; trong đó, số dư tiền gửi VND giảm 4,12% và số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 4,43%.
Cho vay nền kinh tế
Đầu tư cho nền kinh tế tính đến ngày 21/01/2011 tăng 0,43% so với tháng trước; trong đó, đầu tư bằng VND
giảm 0,09% và đầu tư bằng ngoại tệ tăng 2,37%.
Tổng phương tiện thanh toán
Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 21/01/2011 giảm 0,33% so với tháng trước, trong đó tiền mặt lưu
thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 12,54%.
Tỷ giá
Trên thị trường chính thức, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 18.932 VND/USD, tỷ giá giao dịch của các
ngân hàng thương mại dao động trong khoảng 19.495-19.500 VND/USD. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do
dao động nhẹ, xoay quanh mức 20.980 – 21.050 VND/USD.

Sang tháng 2, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng tương đối linh hoạt, có thể
thay đổi theo ngày. Hiện tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 18/2 ở 20.678 VND/USD, với biên
độ giao dịch +/- 1%, tỷ giá trần áp dụng tại các ngân hàng thương mại là 20.885 VND/USD.


4

Lãi suất
Trong tháng, lãi suất huy động và cho vay VND ít biến động so với cuối năm 2010. Lãi suất huy động bình quân ở
mức 12,44%/năm và vẫn có sức ép tăng; lãi suất cho vay bình quân ở mức 15,74%/năm, trong đó lãi suất cho
vay ngắn hạn phổ biến ở mức 16-17%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất (kinh doanh bất động sản,
chứng khoán, tiêu dùng) ở mức 18-20%/năm, lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14-16%/
năm.
Lãi suất huy động USD tăng khoảng 0,5-1%/năm so với cuối tháng 12/2010, hiện lãi suất huy động bình quân ở
mức 4,17%/năm, lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,37%/năm.
Lãi suất thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định, lãi suất cho vay qua đêm ở mức 10-11%/năm, 1 tuần ở
mức 12%/năm.
Cũng theo thông báo của Ngân hàng Nhà Nước, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên
đán được duy trì ổn định.
Lãi suất thị trường tiền tệ không có biến động lớn so với cuối năm 2010 nhưng lãi suất huy động VND có sức ép
tăng và lãi suất liên ngân hàng ở mức khá cao (kỳ hạn qua đêm là 14-16%/năm và 1 tháng là 17-19%/năm), chủ
yếu do các ngân hàng thương mại phải duy trì khả năng chi trả ở mức cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Đến hết ngày 30/01/2011, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng gần 132.000 tỷ VND, chủ yếu để hỗ trợ vốn thanh
toán cho các tổ chức tín dụng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão.
Trong tháng 01/2011, trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã duy trì ở mức cân bằng hoặc dương. Tỷ giá
trên thị trường chính thức vẫn duy trì ổn định. Trong những ngày giáp Tết, doanh số giao dịch mua bán ngoại tệ
của ngân hàng thương mại với khách hàng ở mức cao, lượng ngoại tệ mua từ khách hàng nhìn chung lớn hơn
lượng bán ra.
Trong tháng, giá vàng thế giới có xu hướng giảm, kéo theo sự giảm giá của giá vàng trong nước. Tuy nhiên, do lo
ngại giá vàng thế giới sẽ tăng cao trở lại nên giá vàng trong nước tại một số thời điểm giảm chậm hơn giá thế

giới, tạo ra sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế. Mặc dù chênh lệch giữa giá vàng trong
nước và thế giới khá cao, nhưng giao dịch trên thị trường khá trầm lắng.

CPI tháng 2 có thể tăng cao
Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình giá cả thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão
2011, giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh trước Tết Nguyên đán nhưng sang những ngày đầu năm cơ bản đứng ở
mức giá ngày 30 Tết; tuy nhiên giá một số mặt hàng ở một số địa phương đang bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ
Với diễn biến này, có thể cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đứng trước khả năng sẽ tăng khá cao trong tháng 2.
Nhìn lại diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 các năm từ 2002 - 2010, biên độ dao động là khá lớn, từ mức
1,17% của năm thấp nhất 2009 đến cao nhất 3,56% của năm 2008. Tuy nhiên, các mức tăng quanh mốc 2%
chiếm đa số.
Một tham khảo là dự báo trước đó của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính). Cơ quan này cho rằng chỉ số giá tiêu
dùng tháng 2/2011 có thể tăng ở mức 1,8-2%, và khẳng định CPI tháng 2 sẽ không có đột biến.
CPI tháng 2 này được so sánh với tháng trước đó, cũng đã tăng 1,74% và là mức khá cao trong những năm gần
đây. Có thể những động thái tích trữ hàng hóa trước dịp Tết giúp phần nào hạ nhiệt tiêu dùng tháng này; tuy
nhiên, sức mua dịp Tết Tân Mão 2011 tăng khoảng 20% - 25% so với cùng kỳ Tết năm trước. Theo Bộ Tài chính,


5

lượng kiều hối về nhiều giai đoạn trước đó góp phần làm tăng khả năng chi tiêu của người dân. Ngoài ra, tiền
thưởng Tết của khu vực các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cao hơn năm trước cũng góp thêm vào sức mua
chung dịp này. Phản ánh vào thị trường, tại các siêu thị dịp Tết vừa qua, sức mua tăng khoảng 3-4 lần bình
thường, nhiều siêu thị trở nên quá tải. Nhu cầu mua sắm ở các chợ dân sinh cũng diễn ra tấp nập, theo đó giá cả
hàng hoá trên thị trường ở các chợ dân sinh cũng có những biến động tăng theo sức ép của nhu cầu tiêu dùng.
Ngược lại, thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc làm chết khoảng 50.500 con trâu,
bò, ngựa, dê, ước thiệt hại hơn 130 tỷ đồng; sản lượng rau, củ, quả giảm mạnh; hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng lớn
đã tác động làm suy giảm nguồn cung.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, nếu so sánh giá hàng hoá những ngày cận Tết (28, 29 tháng Chạp) với
khoảng trước Tết Ông Công, Ông Táo ở các chợ dân sinh thì giá các loại rau, củ, quả ở thị trường các tỉnh phía

Bắc tăng khoảng 20%- 40% tuỳ loại; ở thị trường các tỉnh phía Nam tăng khoảng 5%- 10%. Giá các loại thực
phẩm tăng khá cao, có loại tăng 50% so với bình thường.
Giá một số dịch vụ cũng tăng khá cao; cước vận tải hành khách bằng phương tiện ô tô được nhiều tỉnh, thành
phố thực hiện phụ thu thêm từ 40%-60% giá vé chiều đông khách để bù cho chiều ngược lại không có khách.
Ngành Đường sắt áp dụng giá vé ngồi ghế phụ bằng 80% giá vé ngồi chính
Thị trường những ngày đầu năm cơ bản đứng ở mức giá ngày 30 Tết.
Trước thông tin xăng dầu và điện sắp tăng giá, cho dù nguồn cung về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu nhưng
giá cá nhiều loại hàng hóa, thực phẩm cơ bản vẫn tăng dần từng ngày. Tâm lý lo ngại tiền đồng mất giá và giá cả
leo thang đang tác động lớn tới người dân.

CÂU CHUYỆN KINH TẾ TRONG TUẦN

Nhiều cách chuyển lợi nhuận ra ngoài
Tiền vốn đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài là bằng ngoại tệ nhưng doanh thu thì đa số lại tính
bằng tiền đồng Việt Nam. Do tiền đồng đang mất giá khá nhiều trên thị trường, nên để tiền đồng nằm trong tài
khoản của công ty con tại Việt Nam càng lâu bao nhiêu thì thiệt hại cho nhà đầu tư nước ngoài càng lớn bấy
nhiêu. Do đó, việc được phép chuyển lợi nhuận về nước càng sớm càng tốt (trừ một vài trường hợp có nhu cầu
tái đầu tư hay sử dụng tại Việt Nam) là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Dưới đây là một số cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
Tiền bản quyền
Một công ty mẹ ở nước ngoài có thể tính phí công ty con tại Việt Nam với tiền bản quyền cho việc sử dụng nhãn
hiệu và bản quyền của công ty mẹ với thời hạn tối đa đến 10 năm. Phần thuận lợi nhất của việc sử dụng biện
pháp này là việc thanh toán tiền bản quyền không được coi là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và do đó, nằm
ngoài phạm vi của các hạn chế về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của Việt Nam.
Theo quy định hiện hành thì tiền bản quyền phải chịu thuế nhà thầu với mức thuế nhà thầu hiện nay là 10% thuế
thu nhập doanh nghiệp trên tiền bản quyền theo hợp đồng. Các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam
ký với gần 60 nước trên thế giới có quy định thuế đánh trên tiền bản quyền trong các mức từ 5%, 7,5%, 10%
hoặc 15% tùy từng hiệp định.
Nếu đem so sánh với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam là 25% thì về lý thuyết, các nhà
đầu tư nước ngoài đã tiết kiệm được từ 10-20% tổng số lợi nhuận ròng của công ty con của họ tại Việt Nam khi

chuyển đổi hình thức từ việc trả tiền bản quyền thay vì cổ tức.


6

Lãi tiền vay
Một số nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét việc cho công ty con của họ tại Việt Nam vay tiền có tính lãi theo
mức lãi phù hợp với quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Luật Việt Nam hiện hành chỉ quy định việc các hợp đồng vay trung và dài hạn phải đăng ký khoản vay với Ngân
hàng Nhà nước (NHNN), và thủ tục cũng khá đơn giản. Còn đối với hợp đồng vay ngắn hạn (đáp ứng cho nhu
cầu vay vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh, theo đúng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp được quy định
trong giấy chứng nhận đầu tư) thì không cần phải đăng ký với NHNN.
Lãi tiền vay cũng sẽ chịu thuế nhà thầu nhưng chỉ ở mức thuế suất là 10% thuế thu nhập doanh nghiệp. Các
hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký có quy định mức thuế đánh trên lãi tiền vay trong các mức
10% hoặc 15% tùy từng hiệp định. Điều này nếu đem so sánh với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
của Việt Nam là 25% thì có thể thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã tiết kiệm được từ 10-15% tổng số lợi
nhuận ròng của công ty con tại Việt Nam.
Phí dịch vụ
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể cung cấp một số loại dịch vụ cho công ty con của họ tại Việt Nam (ví dụ
dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn kỹ thuật) và được trả phí dịch vụ theo thỏa thuận giữa hai bên. Hợp đồng dịch vụ
nói chung không phải thực hiện thủ tục đăng ký hoặc trình nộp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt
Nam. Việc chuyển tiền phí dịch vụ sẽ thực hiện các yêu cầu thủ tục giấy tờ về kiểm soát ngoại hối ít hơn so với
việc chuyển tiền phí bản quyền.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì phí dịch vụ sẽ chịu thuế nhà thầu nhưng mức thuế hiện hành chỉ là 5%
thuế thu nhập doanh nghiệp và 5% thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên tiền phí dịch vụ theo hợp đồng (trong đó 5%
thuế GTGT lại được cho phép xem là thuế GTGT đầu vào của công ty con tại Việt Nam để trừ với thuế GTGT
đầu ra của công ty này nên sẽ không coi là chi phí). Nếu đem so sánh với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện
hành của Việt Nam là 25% thì có thể nhận thấy là nhà đầu tư nước ngoài đã tiết kiệm được 20% tổng số lợi
nhuận ròng của công ty con ở Việt Nam, một con số không nhỏ.
Chuyển giá

Khi có hợp đồng mua bán được ký kết giữa công ty mẹ ở nước ngoài và công ty con ở Việt Nam liên quan đến
việc công ty mẹ bán cho công ty con tại Việt Nam một số hàng hóa hoặc dịch vụ, với điều khoản thương mại
(bao gồm giá cả và thời gian thanh toán) thuận lợi cho công ty mẹ, thì công ty con sẽ phải trả cho công ty mẹ
nhiều hơn và nhanh hơn thông qua nghiệp vụ chuyển giá. Phương pháp này hợp pháp chỉ khi giá chuyển
nhượng là hợp lý và chính đáng.
Mặc dù Việt Nam hiện đã có quy định về chống chuyển giá nhưng trong thực tế, các nhân viên thuế địa phương
còn lúng túng trong việc vận dụng các quy định này, nên trong một chừng mực nào đó chưa thể phát hiện được
hết việc chuyển giá nội bộ giữa các công ty trong cùng tập đoàn.
Nguồn: TBKTSG
Năm 2011, áp lực đè nặng doanh nghiệp
Áp lực tỷ giá, lãi suất
Đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất đã không giảm như kỳ vọng, mà nhiều ngân hàng còn đưa ra mức lãi vay
tới 19 - 20%, cao hơn 4 - 5% so với giữa năm 2010. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, với các dự án vay vốn trung
và dài hạn mà chưa triển khai có thể ngừng lại chờ lãi suất giảm. Tuy nhiên với doanh nghiệp có dự án đang
triển khai, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì không thể ngừng vay. Ở quý I, nhiều doanh nghiệp
sẽ ngừng để thăm dò hoặc sản xuất cầm chừng nên hậu quả chưa nhiều. Khả năng sang quý II, khi nguyên liệu


7

dự trữ cạn, hoặc buộc phải sản xuất chứ không thể đóng cửa nhà máy, họ buộc phải vay với lãi cao để tồn tại,
tất yếu giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm và người tiêu dùng sẽ phải mua hàng hóa với giá cao hơn. Mới đây,
ngày 17/2/2011 Ngân hàng Nhà Nước đã quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 11%, làm cho việc tiếp
cận vốn của doanh nghiệp càng khó khăn hơn.
Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá đồng USD so với đồng Việt Nam ở mức lớn nhất từ
trước đến nay, lên đến 9,3%, làm cho những doanh nghiệp nhập khẩu như ngồi trên “đống lửa”. Khó khăn nhất
là các doanh nghiệp ký hợp đồng với khách hàng nội. Khi ký hợp đồng với khách hàng nội, theo quy định quản lý
ngoại hối là không được ký bằng giá USD mà ký trên giá giá trong nước để xác định một mức giá cố định.
Nhưng khi điều chỉnh tỷ giá, dẫn đến tiền tính thuế và chi phí nhập khẩu gia tăng, khi trả hàng, doanh nghiệp bị
lỗ rất nhiều.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, với việc điều chỉnh tỷ giá đối họ cũng không mấy mặn mà. Được lợi giá đầu ra
nhưng đầu vào cũng tăng lên đáng kể, chênh lệch tỷ giá từ doanh thu xuất khẩu không bù được chi phí tăng
thêm mà doanh nghiệp phải gánh chịu, bởi phần lớn họ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào cho hàng chế
biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường nội địa cũng đối mặt với tình trạng “té nước theo
mưa” khi giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công tiếp tục tăng mạnh.
Tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng nếu giá điện, than, xăng dầu tiếp tục
tăng.
Áp lực giá điện, than, xăng dầu
Chưa có thông tin chính thức về việc tăng giá điện, than, xăng dầu nhưng nhiều doanh nghiệp không khỏi lo ngại
trước khả năng tăng giá của các nhiên liệu này. Và cùng với tăng các chi phí đầu vào khác như lãi suất, tỷ giá
buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá đầu ra của sản phẩm.
Mới đây nhất là các doanh nghiệp xi măng đã tăng giá bán khoảng 5 - 6%, với lý do chi phí nguyên liệu đầu vào
tăng khoảng 10%.
Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng chính thức kiến nghị Bộ Công thương về cơ chế tăng giá bán điện
cho hai ngành thép và xi măng theo hướng thị trường. Nếu đề xuất này được đồng ý, thì việc hai ngành này sẽ
phải điều chỉnh giá bán ở mức độ tương đối lớn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tương tự, đối với xăng, dầu, dù Bộ Tài chính vừa ra quyết định tiếp tục giữ ổn định giá và sử dụng quỹ bình ổn,
nhưng dư luận cũng không khỏi lo ngại. Bởi sau quyết định của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn
tiếp tục kiến nghị kiên quyết mục tiêu vận hành theo cơ chế thị trường, không nên sử dụng quỹ bình ổn để bù lỗ
như hiện nay. Do trong năm qua, giá xăng, dầu thế giới đã tăng tới 27%, khiến các doanh nghiệp thua lỗ nặng.
Một mặt bằng giá mới được dự đoán sẽ được xác lập trong thời gian tới khi hàng nhập khẩu lẫn hàng sản xuất
trong nước đều khó tránh khỏi việc tăng giá. Theo các doanh nghiệp, tỷ giá tăng, lãi suất lên cao, chi phí điện,
xăng dầu chuẩn bị điều chỉnh, giá hàng loạt nguyên liệu sản xuất như nhựa, giấy, bông, thức ăn chăn nuôi trên
thị trường thế giới tăng mạnh sẽ là những nguyên nhân trực tiếp đưa giá các sản phẩm nhập ngoại nguyên chiếc
lẫn hàng hóa sản xuất trong nước từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu lên giá. Một mặt bằng giá mới đang hình
thành và càng rõ rệt trong thời gian tới.
Năm 2011 này, DN còn phải tăng lương tối thiểu cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ nên sẽ càng
khốn khó hơn.
Nguồn: Tổng hợp





8
Khuyến cáo
Bản tin thị trường của Công ty Cổ phần Chứng khoán Artex (ART) chỉ để dùng cho mục đích
tham khảo. Quý khách không nên dựa vào những thông tin này cho bất kỳ mục đích gì, bao
gồm, nhưng không giới hạn, việc ra quyết định đầu tư. ART/đối tác/nhà cung cấp dịch vụ
của ART không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về những thiệt hại trực tiếp, gián tiếp, do bị xử
phạt, do ngẫu nhiên, do một tình huống đặc biệt hay mang tính hệ quả nào phát sinh từ,
hoặc do liên hệ theo một cách nào đó với việc sử dụng Bản tin thị trường của ART hay dựa
vào những thông tin được cung cấp trên đó.
Phòng Phân tích và Đầu tư
Công ty Cổ phần Chứng khoán Artex

Tầng 2, tòa nhà CEO, Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội

Tel: 84.4.39 368 368
Fax: 84.4.39 368 367

Website: www.artex.com.vn
Email:

×