Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Thiên nhiên trong Vội vàng và Thơ duyên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (95.09 KB, 3 trang )

Thiên nhiên trong hai bài thơ
"Vội vàng" và "Thơ duyên"
của Xuân Diệu
Xuân Diệu là một nhà thơ độc đáo. Quả thực là như vậy, dường như
hiếm có thi sĩ nào lại đưa vào thơ mình những cuống quýt đắm say, những
khát khao cháy bỏng trước tình đời, tình người nhiều đến như ông. Hầu như
thi phẩm nào của ông cũng đều có cái nhìn tình tứ trước vạn vật, trước con
người. Và hầu như bài thơ nào cũng vậy, Xuân Diệu cũng gởi gắm vào đó
những hình ảnh thiên nhiên đầy tâm trạng. "Vội vàng" và "Thơ duyên", hai
bài thơ trong chương trình THPT, cũng thể hiện nét đặc sắc này của thơ
Xuân Diệu.
Thiên nhiên, vốn dĩ không phải là hiện tượng mới mẻ trong thơ, nếu
không nói đã là thi liệu có từ rất lâu đời trong văn học. Các nhà thơ trung đại
cũng đã có thủ pháp tả cảnh ngụ tình, hoặc đều hướng lòng mình vào vạn vật
để soi rọi, để tỏ bày. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,
Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan , đều đã có nhiều bài thơ hay trong
đó mượn cảnh để nói tình rất đặc sắc. Tuy nhiên, đến với Thơ mới, bạn đọc
lại cảm nhận được thiên nhiên với những sắc màu tươi mới, những tâm trạng
với niềm vui và nỗi buồn đều mới. Với Xuân Diệu, thiên nhiên thật sự là hồn
người!
Ở "Vội vàng", ta dễ dàng nhận ra thiên nhiên trong cảm nhận của thi
nhân rất tình tứ, cảnh vật tràn ngập xuân tình. Với cách đảo trật tự các thành
phần trong câu, nhà thơ đã nhấn mạnh ong bướm, yến anh dường như cũng
mang dáng dấp tình nhân: "của ong bướm này đây tuần tháng mật, của yến
anh này đây khúc tình si". Và hơn vậy, cái nhìn của nhà thơ hướng tới muôn
vật là cái nhìn chiêm ngưỡng say sưa. Cảnh vật hiện lên đầy màu sắc tươi
non, đáng yêu: màu xanh rì của hoa đồng nội, màu của cành tơ phơ phất tươi
tắn, màu của buổi sớm mai tinh khôi với hình ảnh "thần Vui" gõ cửa. Rồi
độc đáo hơn cả là một so sánh đầy tính nhục thể mà lại vô cùng thanh khiết:
"tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Bỗng nhiên, tháng giêng về cùng
hình ảnh đôi môi mọng thiếu nữ trở nên tình tứ biết bao nhiêu!


Cũng vậy, ở "Thơ duyên", ta lại gặp cảnh chiều thu sinh động tràn
ngập âm thanh và sắc màu sự sống:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.
Dường như thi nhân không nhìn trời thu bằng mắt mà đang nhìn bằng hồn
vía say sưa, nên cảnh vật cứ lung linh trong vẻ duyên dáng đa tình mà lâng
lâng cảm xúc: "con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu; lả lả cành hoang, nắng
trở chiều", để từ "cái cớ" thiên nhiên ấy, nhà thơ dẫn người đọc vào câu
chuyện tình tứ rất duyên, dẫu chưa phải là chuyện tình yêu đôi lứa.
Nhưng, nói đến thiên nhiên trong "Vội vàng", phải thấy được sự cảm
nhận thời gian trong cái nhìn đầy triết lí của Xuân Diệu. Bởi ông đã hướng
tới đất trời bằng cái nhìn luyến tiếc, ngay khi vạn vật còn đang tồn tại. Thiên
nhiên của thi sĩ mang dấu ấn chia lìa: "mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt" và "con gió xinh thì thào trong lá
biếc , chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi". Còn ở "Thơ duyên", dường
như cũng có nỗi niềm bâng khuâng đầy tâm trạng như thế trước cảnh vật.
Trong cái bước chân duyên dáng của "cặp vần" anh với em, người đọc bỗng
nhận ra thi nhân đang ngập ngừng nhìn ngắm:
"Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần"
Như vậy, thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu đã là đối tượng để bày tỏ
quan niệm, bày tỏ tình cảm. Ở đó, thi sĩ gởi gắm một nét hồn mình đang
quay quắt nhớ thương và lo lắng. Cái lo lắng nhớ thương thật tinh tế và nhạy
cảm, bởi làm sao lại có thể nhìn trời đất đang độ xuân thì mà buồn nhớ vì đã
nghĩ đến lúc tất cả sẽ tàn phai?. Phải chăng, chỉ có tâm hồn thực sự lắng lại
trước cảnh vật, đất trời, trước cuộc đời thì mới có được những khúc ngân da

diết chừng ấy.
Và phải chăng, bởi một tâm trạng đầy bất ổn như vậy, thi nhân đã có
những khát khao vô cùng mãnh liệt, mà để bày tỏ những khao khát của
mình, ông lại mượn đến thiên nhiên. Khổ thơ cuối của bài thơ "Vội vàng" là
một khổ thơ độc đáo bởi ngay từ câu thơ ba chữ ngắt riêng thành một dòng;
"Ta muốn ôm". Rồi cái ước muốn ấy cùng với những từ chỉ hành động nối
tiếp "ôm, riết, say, thâu, cắn" ngay tức khắc đã hướng đến các đối tượng
thiên nhiên "sự sống mơn mởn, mây đưa gió lượn, cánh bướm tình yêu, non
nước, cây, cỏ rạng, mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc của thời tươi ". Thiên
nhiên trở thành đối tượng của niềm ước ao chinh phục, thể hiện một quan
niệm sống tận hưởng đến đủ đầy hạnh phúc nhân gian. Và cũng vậy, thiên
nhiên ấy giúp thi nhân trình bày được một cái tôi cá nhân hết sức nồng nàn,
say đắm trong một nhận thức sống tích cực. Điều này dường như đến Thơ
mới, văn học Việt nam mới có được, và đến Xuân Diệu, tất cả mới được
trình bày đến tận cùng và mãnh liệt như thế!
Nhìn chung, chỉ qua hai bài thơ, chúng ta chưa thể kết luận về một hệ
thống thi liệu của tác giả. Nhưng dẫu sao, người đọc cũng đã cảm nhận được
một phong cách thơ rất riêng, một tâm hồn thơ thể hiện qua một giọng thơ,
một cái nhìn đời sống cũng rất riêng. Ngay từ hình ảnh thiên nhiên trong hai
bài thơ trên, chúng ta đã hiểu được lời nhận định của Hoài Thanh trong "Thi
nhân Việt Nam": Xuân Diệu là nhà thơ "mới nhất trong các nhà Thơ mới".
Chắc hẳn là như vậy, bởi ở ông, ta đã thấy một tình yêu cuồng nhiệt với đời,
với người, một cõi lòng da diết nhớ thương! Ở ông, ta cảm nhận được niềm
khao khát cháy bỏng, khát khao yêu, khát khao sống, khát khao chiêm
ngưỡng, tận hưởng, chinh phục. Tâm trạng, xúc cảm, suy tư của thi nhân
luôn gắn bó hài hoà với thiên nhiên và con người. Thiên nhiên sẽ mãi mãi
tồn tại trong thơ ông như người bạn tâm giao, như tình nhân say đắm. Điều
này ta dễ dàng bắt gặp trong nhiều bài thơ tình của ông, điển hình như hình
ảnh biển và bờ cát trong bài thơ "Biển", đã trở thành hai hình tượng độc đáo
trong thơ tình yêu Việt nam hiện đại.

Yêu thơ Xuân Diệu, ta cũng yêu vô cùng thiên nhiên trong thơ ông!

×