1. 6 giải pháp ổn định thị trường bất động sản
(Dân trí) - Bộ Xây dựng dự kiến trình Chính phủ 6 giải pháp trước mắt nhằm
giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định sau khi rơi vào tình trạng sốt
giá liên tục vào năm ngoái và trầm lắng như hiện nay.
Điều chỉnh thuế nhà đất theo hướng hạn chế đầu cơ
Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh bổ sung Pháp lệnh thuế nhà đất (hoặc xây dựng
Luật thuế Bất động sản) theo hướng điều tiết đối với các hộ gia đình, cá nhân
(trước mắt ở đô thị) sở hữu nhiều tài sản nhà đất nhằm khuyến khích các hộ gia
đình, cá nhân đưa tài sản nhà đất vào sử dụng.
Trường hợp tài sản nhà đất được đưa vào kinh doanh đã nộp thuế kinh doanh hoặc
thuế thu nhập thì BĐS đó không bị đánh thuế luỹ tiến. Giảm mức thuế chuyển
nhượng xuống 1% và không thu thuế thu nhập cá nhân do bán nhà, hoặc gộp thuế
chuyển nhượng bất động sản với thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh
nghiệp.
Ngược lại, để hạn chế đầu cơ mua đi bán lại gây lộn xộn thị trường, cần đánh thuế
với thuế suất cao đối với các trường hợp bán nhà đất trong vòng 2 năm kể từ khi
mua. Thuế suất được tính như là kinh doanh bất động sản với thuế suất bằng 25-
28% chênh lệch giá mua bán
Phát triển nhà ở có quy mô, chất lượng và giá cả phù hợp
Quỹ đất để phát triển nhà ở cho thuê và nhà ở xã hội phải được triển khai chuẩn bị
ngay từ khi quy hoạch phát triển đô thị. Ngoài quy định dành 20% quỹ đất trong
các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha trở lên trong pháp luật về nhà ở,
khi quy hoạch phát triển đô thị, phải đảm bảo quỹ đất để xây dựng nhà ở cho thuê
và nhà ở xã hội chiếm ít nhất 10% tổng diện tích đất phát triển đô thị
Để khuyến khích có nhiều căn hộ diện trung bình và thấp phù hợp đa số nhu cầu
thị trường hiện nay, Bộ Xây dựng kiến nghị cần nghiên cứu điều tiết thông qua các
sắc thuế (chuyển nhượng, thu nhập ) đối với các căn hộ có diện tích lớn
Cải tiến trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án để rút ngắn thời
gian đầu tư
Điều chỉnh, bổ sung chính sách giải phóng mặt bằng để tháo gỡ khó khăn đẩy
nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhằm tăng cung hàng hoá cho thị trường bất động
sản theo hướng: chính quyền địa phương tổ chức giải phóng mặt bằng. Bỏ cơ chế
chủ đầu tư thoả thuận với dân gây mất bình đẳng và khiếu kiện và thực hiện đấu
thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án.
Đẩy mạnh công khai, minh bạch các thông tin để ổn định thị trường
Quy định rõ thời gian và địa điểm công khai quy hoạch, công khai dự án để tạo
điều kiện cho các nhà đầu tư bình đẳng và dễ dàng tiếp cận các dự án phát triển bất
động sản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm tăng cung cho thị trường.
Thực hiện nghiêm quy định bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải
bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại các dự án phải thông qua sàn giao dịch
BĐS để mọi đối tượng có nhu cầu tiếp cận trực tiếp các thông tin mua bán.
Hàng hoá của các tổ chức cá nhân kinh doanh BĐS không bán công khai qua sàn
giao dịch sẽ chế tài không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu.
Cho vay tín dụng đối với những người thực sự có nhu cầu
Chỉ nên hạn chế những người vay để mua đi bán lại bất động sản kiếm lời làm
méo mó thị trường, còn những người có nhu cầu nhà ở thực vẫn cần cho vay để
cải thiện nhà ở.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
luật kinh doanh BĐS. Đôn đốc triển khai các dự án, kiên quyết thu hồi các đất nền
mà người mua đầu cơ găm giữ không xây dựng chờ lên giá để chuyển nhượng
kiếm lời.
Tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản là một trong những giải pháp do Bộ
Xây dựng đề xuất để đối phó với những “cơn sốt” nhà, văn phòng và các mặt
bằng dành cho sản xuất.
Do đó, Bộ đã yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra lại và lên danh sách các dự
án đầu tư phát triển ưu tiên cho nhà, văn phòng cho thuê, các khu đô thị mới và
khu công nghiệp.
Bộ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình cải cách các thủ tục liên quan đến đầu tư,
cấp đất và giải toả mặt bằng cũng như xử phạt những tổ chức, cá nhân thi công dự
án trì trệ.
Với mục tiêu lâu dài, Bộ Xây dựng thúc đẩy chính quyền địa phương phát triển
chương trình xây dựng nhà xã hội như là một mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng,
với nỗ lực hỗ trợ nhà ở cho các quan chức Nhà nước, viên chức, lực lượng quân
đội và các công nhân ở khu công nghiệp.
Hơn thế nữa, Bộ nhắc nhở việc tiếp tục hoàn tất hệ thống luật và các chính sách
liên quan đến bất động sản, tuy nhiên Bộ nhấn mạnh rằng, chính sách tín dụng
phải phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thị trường bất động sản đã trải qua cơn sốt vào cuối 2007 và đầu 2008, đặc biệt là
ở Hà Nội và Tp.HCM, với giá căn hộ tăng 30-50% so với những năm trước.
Sau đó, thị trường đột xuất đình trệ laị khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban
hành hàng loạt các chính sách tiền tệ để kìm hãm lạm phát, bao gồm hạn chế cho
vay để đầu tư bất động sản, tăng tỉ lệ tãi suất cho vay và điều chỉnh thuế bất động
sản để ngăn chặn đầu cơ.
Theo Bộ Xây dựng, giá đất và nhà đã giảm 15-20%, và số người cung cấp bất
động sản tăng trong khi các hợp đồng chuyển nhượng thực tế thì rất hạn chế.
Thậm chí thị trường căn hộ cao cấp và biệt thự cũng dịu xuống.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Kinh tế Tp.HCM, ông Trần Du Lịch cho biết, đó là
một phản ứng tích cực của thị trường bất động sản khi giá đã “leo thang” một cách
bất hợp lý trong thời gian gần đây, và bây giờ đã đến lúc bắt đầu cho sự điều chỉnh
lại.
Các chuyên gia ở Hà Nội tin rằng, mặc dù giá bất động sản đã giảm, vẫn sẽ không
làm nóng thị trường lên lại như trước, vì những quy định của Nhà nước đã bắt đầu
có hiệu lực và nguồn cung nhà tại Thủ đô cũng đã gia tăng.
Năm nay, một số dự án cao ốc cao cấp ở Hà Nội sẽ đi vào hoạt động, với diện tích
sàn ít nhất 260.000m2, đó là chỉ tính riêng Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Nhà Hà
Nội cung cấp, trong khi đó, nhiều công ty khác cũng bắt đầu xây dựng dự án.