Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Đổi mới tư duy: Những nội dung cấp bách doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.73 KB, 14 trang )

Đổi mới tư duy: Những
nội dung cấp bách
1. Thang bảng giá trị và thước đo thành đạt
Thang bảng giá trị và thước đo thành đạt ở xã hội ta đang bị quá thiên
lệch theo các tiêu chí nặng vật chất và hình thức. Các tiêu chí về tinh
thần và giá trị xã hội đang bị xem nhẹ. Kết quả là, nhiều người lao vào
kiếm tiền bất chính với tâm niệm “hy sinh đời bố, củng cố đời con” mà
không nghĩ đến sự tổn hại về danh dự và phẩm chất, không chỉ của bản
thân mà cả của con cái mình; nhiều người chạy chọt kiếm học vị, chức
vụ mà không biết rằng sự chạy chọt này đã làm họ mất đi sự trân trọng
của xã hội; nhiều gia đình xâu xé nhau trong tranh chấp nhà cửa, quyền
lợi bất chấp sự tan nát của quan hệ họ hàng, ruột thịt.

Đổi mới tư duy theo nội dung này phải làm cho các tiêu chí giá trị tinh
thần, đặc biệt là các tiêu chí về sự chân chính, lòng nhân bản, và cống
hiến cho xã hội, trở nên có vai trò then chốt trong thang bảng giá trị và
thước đo thành đạt. Khi đó, đối với một cá nhân, sự trân trọng của xã hội
giá trị hơn chức vụ hay bằng cấp, đối với một gia đình, để lại cho con cái
niềm tự hào về sự trong sáng và tận tâm của bố mẹ quí hơn là của cải.

Điều đáng nhấn mạnh là, trong các nước tư bản phát triển, nơi mà nhiều
người tin là đồng tiền có vị trí thống trị, các tiêu chí tinh thần lại được xã
hội đặc biệt coi trọng. Con người ta có thể thất bại nhiều lần trong làm
ăn chứ khó có thể dối trá, thất nhân tâm, dù chỉ một lần, trong sự nghiệp.
Hơn thế nữa, hầu hết các doanh nhân giàu có và có tiếng tăm lừng lẫy
đều bắt đầu sự nghiệp của mình bằng say mê và tâm huyết tạo nên giá trị
mới đặc sắc cho xã hội chứ không phải tham vọng làm giàu bằng mọi
giá. Sự giàu có dường như là hệ quả chứ không phải là động lực chính
yếu cho nỗ lực vươn lên của họ.

Để thực sự khởi động quá trình đổi mới tư duy theo nội dung này, các cơ


quan nhà nước, các trường đại học, và các doanh nghiệp cần sử dụng các
tiêu chí giá trị tinh thần làm thước đo quan trọng cho việc tuyển dụng và
đề bạt của mình. Như vậy, các tiêu chí hình thức như điểm thi đại học,
bằng cấp, chứng chỉ sẽ không còn vị thế tuyệt đối như hiện nay.

2. Nâng cao ý chí và phẩm chất là phương cách nền tảng để vượt
qua thách thức và đi tới đỉnh cao
Yếu tố ý chí và phẩm chất được dân tộc ta coi trọng rất cao trong chiến
tranh giành đôc lập nhưng thường bị xem nhẹ trong thời bình. Lý do có
lẽ là, ước vọng đưa dân tộc đến vị thế phồn vinh trong cộng đồng thế
giới chưa trở thành thiêng liêng và bức xúc như ước mơ giành độc lập.

Giờ đây, từ cá nhân đến xã hội, chúng ta thường coi các biện pháp vật
chất như là phương cách căn bản cho mọi nỗ lực vươn lên.

Một gia đình muốn con mình học giỏi hơn thường không tiếc tiền và
công sức cho con học thêm và có thêm điều kiện vật chất nhưng dường
như không chú ý đến việc giúp con mình có được hoài bão lớn hơn,
nhân cách cao hơn. Mọi người đang xem nhẹ một nguyên tắc muôn thủa
là gia sản quí nhất mà một gia đình để lại cho con cái không đơn thuần
là học vấn, càng không phải là của cải, mà chính là hoài bão và nhân
cách.

Trong tăng cường đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta đã có nhiều cố
gắng: trừng phạt nghiêm khắc hơn một số kẻ tham nhũng, ban hành
thêm các qui định và chỉ thị nhằm hạn chế nạn tham nhũng, giảm cơ chế
xin cho Tuy nhiên, nạn tham nhũng dường như không giảm mà thậm
chí đang trở nên tinh vi hơn. Một lý do quan trọng là chúng ta dựa quá
nhiều vào các biện pháp hành chính - vật chất, trong khi coi nhẹ sức
mạnh cốt lõi của quốc gia trong đấu tranh chống tệ nạn này là hoài bão

và tinh thần dân tộc.

Chúng ta cần nghiêm khắc nhận thấy rằng, một bộ phận đáng kể trong
đội ngũ cán bộ quản lý của chúng ta đã mất đi cảm nhận thiêng liêng về
trách nhiệm đưa dân tộc đi tới phồn vinh và vị thế vẻ vang trong cộng
đồng thế giới. Những người này không thấu hiểu rằng, cái giá phải trả
cho sự tham nhũng không chỉ là số tiền bị chiếm đoạt, mà là sự giảm sút
niềm tin của thế hệ trẻ và sự mất đi lòng tự hào của một dân tộc đã chấp
nhận muôn vàn hy sinh để bảo vệ phẩm giá của mình. Chúng ta có khá
lên về mức sông vất chất, nhưng lòng tự hào của chúng ta như một dân
tộc có hoài bão lớn, nhân bản, và kiên cường, đang bị tổn thương
nghiêm trọng.

Bước ra thế giới, chúng ta bị coi là một đất nước có tệ nạn tham nhũng
nặng nề (được xếp ở mức nghiêm trọng nhất so với các nước Đông
Á)[1]; tỷ lệ người nhiễm HIV và nghiện hút ma tuý trong độ tuổi so sánh
của nước ta cao hơn hàng chục lần so với Nhật Bản và Hàn quốc, và hơn
ba lần so với Trung quốc[2]. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần thấm thía
rằng hoài bão và lòng tự hao dân tộc phải được viện đến để có được sức
mạnh kỳ diệu chống lại mọi các hư tật xấu của xã hội, trong đó có nạn
tham nhũng.

Công cuộc đổi mới của chúng ta đã đem lại những thành quả rất đang
trân trọng. Tuy nhiên trong công cuộc đổi mới này, thành công của
chúng ta dựa phần nhiều trên động lực “cởi trói” chứ chưa phải trên
động lực của “hoài bão và ước mơ dân tộc”; Thành công trong những
năm qua làm chúng ta say sưa với động lực “cởi trói” và nhiều người tin
rằng “thoáng” và “đầu tư nước ngoài” là động lực căn bản cho công
cuộc phát triển. Điều này rất nguy hiểm. Cũng như một con người, một
dân tộc với cách tư duy này chỉ có thể đủ ăn và có chút khấm khá (nhờ

vào vị thế địa lý và tài nguyên giàu có mà ông cha để lại) chứ không thể
trở thành một dân tộc cường phát, được cộng đồng thế giới trân trọng và
ngưỡng mộ.

Để sức mạnh tiềm tàng của dân tộc được thực sự khơi dậy, sự nghiệp
phát triển của nước ta trong những năm tới đây cần dựa trên động lực
mãnh liệt của “ý chí và phẩm chất dân tộc” chứ không còn chỉ là nỗ lực
“cởi trói”. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ “cởi trói” và hài lòng với
các thành quả đã đạt được thì tham nhũng và trì trệ vẫn có chỗ đứng và
dân tộc khó có thể làm nên những thành quả kỳ diệu trong tương lai.
Ngạn ngữ có câu “trở ngại lớn nhất trong thực hiện một ước mơ lớn
không phải là những khó khăn hay thách thức lớn mà là sự bằng lòng
với những ước mơ nhỏ”.
Một khi có ước mơ lớn, nâng cao phẩm chất dân tộc là vô cùng bức
thiết. Chuyện kể rằng, Tưởng Giới Thạch khi quyết tâm xây dựng Đài
Loan thành một hòn đảo phồn vinh đã hỏi các chuyên gia văn hoá về
những tính xấu khái quát nhất của người Trung quốc và nhận được câu
trả lời rằng hai tính xấu đó là: “coi mình là trung tâm, hiểu biết ít ỏi về
thế giới” và “ghen ghét với người có khả năng hơn mình”; Chính quyền
Tưởng rất thấm thía nhận xét đó nên trong cất nhắc quan chức vào các vị
trí trọng yếu đã rất ý thức chọn những người không bị hai khuyết tật này.
Tuyển dụng và đề bạt quan chức không chỉ đơn thuần là chọn người làm
việc mà là một thông điệp mạnh mẽ với xã hội, thúc đẩy mọi người đổi
thay cách nghĩ và nâng cao phẩm chất của mình.

Với Việt Nam ta, sẽ cần nhiều nghiên cứu và bàn luận để tìm ra những
khiếm khyết chung của dân tộc; nhưng có lẽ hai yếu điểm mà nhiều
người thường nhắc tới là “tầm nhìn không rộng” và “ý chí không cao, dễ
thoả mãn”; “tầm nhìn không rộng” làm mất đi khả năng nắm bắt những
thời cơ có ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc và huy động các nguồn lực

chiến lược cho phát triển; “ý chí không cao, dễ thoả mãn” làm người ta
dễ sa vào hưởng thụ cá nhân, thiếu tính hợp tác, thậm chí đi đến mâu
thuẫn và lục đục nội bộ. Để đất nước đi lên, chúng ta thực sự cần lựa
chọn và đề bạt những cán bộ trách được hai điểm yếu nguy hiểm này.

3. Tư duy hợp tác quốc tế và học hỏi tinh hoa
Tư duy hợp tác quốc tế và học hỏi tinh hoa của chúng ta hiện nay còn
nhiều khiếm khuyết.
Trong hợp tác quốc tế chúng ta thường bị những ức chế có từ quá khứ
cản trở khả năng nhận thức thấu đáo và kịp thời những cơ hội cho công
cuộc phát triển hiện tại và tương lai. Chúng ta dường như không thấy hết
sự may mắn về vị thế nằm sát cạnh và tiềm năng hợp tác đặc biệt với
Trung Quốc, một nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ vũ bão và sẽ
trở thành một cực kinh tế cực kỳ quan trọng trong vài thập kỷ tới; chúng
ta còn khai thác với hiệu quả rất thấp mối quan hệ với Mỹ, một quốc gia
có sự trân trọng và đồng cảm đặc biệt với dân tộc Việt Nam.
Chúng ta cần học người Nhật Bản trong quan hệ với Mỹ sau Chiến tranh
Thế giới thứ II; bom nguyên tử Mỹ giết hại hàng trăm ngàn người chỉ
làm tăng ý chí phát triển của dân tộc Nhật Bản và sự trân trọng của họ
với tình hữu nghị chân chính của dân tộc Mỹ. Chúng ta cần học người
Hàn Quốc trong quan hệ với Nhật Bản; sự đô hộ của Nhật Bản trong quá
khứ để lại những hiềm khích rất dễ bị kích động giữa hai dân tộc; thế
nhưng người Hàn Quốc coi sự vượt lên của dân tộc mình là điều tối
thượng và do vậy rất trân trọng và khai thác với hiệu quả cao nhất mối
quan hệ chiến lược với Nhật bản. Trung quốc trong nỗ lực vượt lên
thành cường quốc đã khai thác rất khéo léo và hiệu quả mối quan hệ với
Mỹ, một nước từng bị coi là kẻ thù số 1; kết quả là, đa số người Mỹ,
trong một cuộc phỏng vấn mới đây, coi Trung quốc là một trong những
đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, chỉ sau Anh, Nhật Bản và Israel[3].


Trong quan hệ học hỏi, chúng ta thường mất nhiều sức vào phát hiện
điểm yếu của đối tác để cảnh giác và phê phán, hơn là tìm ra điểm tinh
hoa để khai thác và học tập. Điều này xảy ra đặc biệt phổ biến ở các liên
doanh của ta với nước ngoài. Kết quả là, chất lượng hợp tác của chúng ta
với các đối tác nước ngoài thường ở tầm rất thấp.

Người Nhật, trong cải cách Minh Trị, nêu khẩu hiệu “Hòa thần, Dương
khí”, nghĩa là “Tinh thần Nhật Bản, Tinh hoa phương Tây” để dốc sức
học hỏi các nền văn minh mới. Người Mỹ thì cho rằng điểm yếu thì ai
cũng có, điều quan trọng cho giá trị của một con người là những điểm
mạnh của người đó; vì vậy họ phát hiện và sử dụng tài năng rất nhanh và
hiệu quả.

4. Thất bại và thách thức là tài sản quí, cần được trân trọng và khai
thác triệt để để làm nên một sự nghiệp vẻ vang
Theo cách tư duy thông thường hiện nay, chúng ta thường coi thất bại và
thách thức như những món nợ nặng nề. Cách nghĩ này dẫn tới hai thiệt
thòi lớn. Thứ nhất, chúng ta mất đi tính dám nghĩ-dám làm và trở nên
cẩn thủ. Thứ hai, chúng ta không khai thác được triệt để thất bại như một
tài sản quí mà chúng ta đã phải trả giá đắt mới có được.

Tầm vóc của một con người, một tổ chức, hay một quốc gia được đo
không đơn thuần bởi những thành công, mà quan trọng hơn, bằng khả
năng trưởng thành vượt bậc từ thất bại và thách thức. Khả năng này
(được gọi là “nhân tố phượng hoàng” trong lí thuyết phát triển[4]) rất
quan trọng cho nỗ lực làm nên một sự nghiệp vẻ vang, dù đó là một cá
nhân, một tổ chức, hay một quốc gia. Thành công kỳ vĩ của Nhật Bản,
Hàn Quốc, Đài loan, và Trung Quốc đều có động lực kỳ diệu của nhân
tố phượng hoàng.


Nước ta còn nghèo, thế và lực còn yếu, thất bại trên chặng đường đi lên
sẽ còn nhiều; vì vậy “nhân tố phượng hoàng” cần được đặc biệt khơi
dậy, trân trọng, và phát huy tới mức cao nhất. Theo cách tư duy hiện
nay, chúng ta chưa thực sự coi trọng nhân tố này. Thất bại của đội tuyển
Việt Nam ở Tiger Cup là một ví dụ. LĐBĐ Việt Nam đã xử lý rất quyết
liệt: đuổi huấn luyện viên, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, thay đổi tổ
chức; thế nhưng nhân tố phượng hoàng dường như vắng bóng. Điều này
báo hiệu sự sa sút, hơn là sự trưởng thành vượt bậc của bóng đá nước ta
sau thất bại này.

Nếu có nhân tố phượng hoàng, có lẽ LĐBĐ Việt Nam sẽ xử sự như sau:
thứ nhất, đề nghị với sự trân trọng ông huấn luyện lý giải kỹ càng mọi
nguyên nhân của thất bại và cho những gợi ý giá trị nhất mà ông ta có
thể có được cho chúng ta trước khi từ giã (hãy để cho ông ta ra đi với
niềm tin là dân tộc này sẽ chiến thắng chứ không phải với suy nghĩ “họ
thua là phải”); thứ hai, thảo luận sâu rộng trong giới hâm mộ bóng đã về
chiến lược tương lai cho bóng đá Việt Nam: đã có ý kiến rất hay cho
rằng, xây dựng nền tảng cho sự cường phát tiềm tàng của bóng đá quốc
gia quan trọng hơn thắng lợi ở một giải cụ thể; thứ ba, tìm kiếm khắp nơi
trong cả nước người thực sự xứng đáng, có khả năng thu hút mạnh mẽ
tài năng và nguồn lực tài trợ trong cả nước cho sự nghiệp phát triển bóng
đá nước nhà.

5. Vai trò mỗi cá nhân trong công cuộc đổi mới và cải cách
Trong cách nghĩ hiện nay, trước mỗi trì trệ ách tắc, chúng ta thường đổ
cho “cơ chế” mà ít ai thấy trách nhiệm của chính mình. Từ cải cách giáo
dục đến cải cách hành chính, chúng ta dường như ở tình trạng thụ động,
trông chờ vào những văn bản và qui định của chính phủ, hy vọng từ đó
dẫn đến những cải cách sâu rộng.


Thế nhưng, công cuộc đổi mới ở nước ta và kinh nghiệm cải cách trên
thế giới đã chỉ ra rằng, một cuộc cải cách thành công chỉ có thể diễn ra
nếu hội đủ ba yếu tố then chốt: (i) sự trăn trở và bức xúc cao độ của toàn
xã hội; (ii) tầm nhìn và í chí chiến lược của người lãnh đạo; và (iii)
những thử nghiệm năng động có tính đột phá ở cấp cơ sở.

Trong ba yếu tố nêu trên, yếu tố thứ ba có vai trò đặc biệt năng động, nó
thúc đẩy sự chín muồi của hai yếu tố đầu. Do đó, sức năng động và
những thử nghiệm có tính đột phá của cá nhân và cấp cơ sở có í nghĩa vô
cùng quan trọng trong đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới và cải cách ở nước
ta.

Thành công của sự nghiệp đổi mới thể chế kinh tế ở nước ta trong những
năm qua cũng bắt đầu từ sự đột phá năng động của cá nhân, tổ chức, và
địa phương. Tuy nhiên, sự năng động và đột phá của các nhân và cơ sở
trong giai đoạn mới của công cuộc đổi mới và cải cách hiện nay khó
khăn và thách thức hơn nhiều, vì nó không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm
trong nỗ lực cởi trói mà còn đòi hỏi kết tụ được tinh hoa của phẩm chất
dân tộc, với tầm nhìn, hoài bão, và khả năng tìm kiếm và hấp thụ tri thức
của nhân loại.

Mỗi cá nhân cần trở thành một nhân tố năng động và tích cực cho công
cuộc cải cách, khởi đầu bằng nỗ lực đổi mới tư duy, trên cơ sở đó, đóng
góp những sáng kiến và sinh lực mới cho sự nghiệp phát triển chung.
Thay lời kết
Đổi mới tư duy có sức mạnh kỳ diệu trong nâng cao năng lực và tầm vóc
đi lên của mỗi cá nhân, tổ chức, và xã hội. Thế nhưng đổi mới tư duy là
quá trình rất khó khởi động, nhất là khi mà tình thế còn dường như thuận
lợi. Chỉ rõ những nội dung cần đổi mới trong tư duy, thảo luận sâu sắc,
và có ý thức chấp nhận sự đổi mới là những bước đi bước đầu rất quan

trọng.
Đổi mới tư duy cần trở thành sự lựa chọn khảng khái và dũng cảm của
mỗi cá nhân, tổ chức, và toàn xã hội. Đổi mới tư duy sẽ tạo nên nền tảng
vững chắc và sức mạnh tiềm tàng cho dân tộc ta đi tới vị thế vẻ vang và
xứng đáng của mình trong cộng đồng thế giới.
Nguồn: chungta

×