MỤC LỤC
1
LỜI MỞ ĐẦU
Trong những năm gần đây, chính sách an sinh xã hội đã và đang được Đảng,
Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, nhất là những chương trình chính sách dành cho nhóm
đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo. Trong hơn 20 năm thực hiện công
cuộc đổi mới, công tác xoá đói giảm nghèo của ta đã đạt được nhiều thành tựu quan
trọng, được nhân dân ghi nhận và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Năm 2009, trong bối
cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới,
Nhà nước ta vẫn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp và chương trình xoá đói giảm
nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều mô hình, chính sách được đưa ra
nhằm giúp người dân vươn lên thoát nghèo và không bị tái nghèo; xây dựng Quỹ vì
người nghèo; hàng năm lấy ngày 31 tháng 12 là ngày Tết của người nghèo-ngày hội
Nối vòng tay lớn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của cả dân tộc. Đó là những
nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xóa
đói giảm nghèo.
Phát huy tinh thần đó, Ninh Bình tự hào là một trong những tỉnh hoàn thành
sớm chương trình “xóa nhà tranh tre nứa lá” và giúp người dân vươn lên làm kinh tế
để thoát nghèo của cả nước. Nằm ở vùng cực nam đồng bằng châu thổ sông Hồng với
diện tích tự nhiên trên 1400 km
2
và dân số là 898.459 người, Ninh Bình xuất phát
điểm là một tỉnh miền núi nghèo, đại bộ phận dân cư sống bằng nghề sản xuất nông
nghiệp, trồng lúa nước và một số nghề thủ công truyền thống (thêu ren, dệt cói…) nên
đời sống còn nhiều khó khăn với 23 xã nghèo, cụm xã nghèo trọng điểm trên tổng số
144 phường xã. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của tỉnh ủy, hội
đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành,
đoàn thể và tầng lớp nhân dân, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh đã gặt hái được
những thành công vượt bậc. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây nhiều chương trình, dự
án, chính sách đã được tỉnh đề ra và triển khai thực hiện góp phần tăng hiệu quả của
2
công tác xóa nghèo lên đáng kể, như là: ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TU ngày
15/10/2007 và Đề án số 15 của UBND tỉnh về “Tăng cường lãnh đạo đối với công tác
giảm nghèo đến năm 2010”, Đề án số 02 của HĐND tỉnh về việc “Hỗ trợ xây mới, cải
tạo và sửa chữa nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2009”, chính sách hỗ trợ
vốn…
Để làm rõ hơn về việc thực hiện những hoạt động này đã và đang được diễn ra
như thế nào, tôi đã thực hiện đề tài “Thanh tra việc thực hiện chính sách xóa đói
giảm nghèo của một số địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” nhằm ghi nhận
những kết quả đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại của Đảng bộ và nhân dân
Ninh Bình trong thực hiện chính sách xóa đói nghèo của Nhà nước ta, từ đó đưa ra
những kiến nghị và giải pháp phù hợp.
3
NỘI DUNG
I/ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1. Khái niệm Thanh tra:
Thanh tra là một trong những chức năng thiết yếu của quản lý Nhà nước do đội
ngũ chuyên biệt thực hiện quá trình kiểm tra, giám sát nhằm tìm ra những nhân tố tích
cực, phát hiện những sai phạm để xử lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân
dân.
Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục
do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện
chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra
nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách,
pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành
pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc
ngành, lĩnh vực đó.
Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân thông qua Ban thanh tra
nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có
trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập,
doanh nghiệp nhà nước.
4
2. Mục đích của hoạt động thanh tra:
Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính
sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc
phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ
chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp
phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà
nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Thanh tra lao động, thương binh và xã hội:
Thanh tra lao động, thương binh và xã hội là cơ quan thanh tra thuộc ngành lao
động, thương binh và xã hội; thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra
chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi và chức năng quản lý nhà nước của
Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, bao
gồm: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm
xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động,
người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng,
chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội)
trong phạm vi cả nước.
4. Thanh tra chính sách xã hội:
Thanh tra chính sách xã hội là một trong những hoạt động chuyên môn của
thanh tra ngành lao động thương binh xã hội.
Thanh tra chính sách xã hội nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối
với việc thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, đánh giá đúng
việc tổchức thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội ở mỗi cấp;
khẳng định những ưu điểm của địa phương, của cơ quan quản lý nhà nước; phát hiện
những khâu dễ nảy sinh tiêu cực dẫn đến sai phạm trong việc thực hiện chính sách;
5
các tồn tại cơ bản trong quy trình thẩm định, xét duyệt, chế độ trợ giúp và thực hiện
các chính sách theo quy định của pháp luật; phân định rõ trách nhiệm, chức năng của
các cơ quan, ban, ngành có liên quan đến việc xác nhận lập hồ sơ để giải quyết chế độ
cho các đối tượng; xử lý những người, những tổ chức làm sai dẫn đến sai phạm làm
thiệt hại cho đối tượng hoặc làm thất thoát ngân sách nhà nước; kiến nghị với Đảng,
Nhà nước, các bộ, ngành và các đối tác có liên quan sửa đổi và bổ sung chính sách và
pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đối tượng thanh tra việc thực hiện chính sách trợ giúp đối với các đối tượng
bảo trợ xã hội rất rộng, bao gồm: Các tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hộ
nghèo, hội đồng xét duyệt, xác nhận mức độ dị dạng, dị tật, khả năng tự lực trong sinh
hoạt, tình trạng đơn thân, trẻ em mồ côi v.v...; các cơ quan quản lý, thực hiện chế độ
trợ giúp; các cá nhân làm nhiệm vụ quản lý thực hiện chế độ; trung tâm bảo trợ xã hội,
cơ sở từ thiện, mái ấm, nhà mở, cơ sở trợ giúp v.v...; các cá nhân có liên quan đến việc
thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng hưởng
chính sách trợ giúp: gồm 17 đối tượng (9 nhóm đối tượng được hưởng trợ giúp thường
xuyên và 8 nhóm đối tượng được hưởng trợ giúp đột xuất) được quy định tại Nghị định
67/2007/NĐ-CP và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã mở rộng thêm một
số đối tượng (không yêu cầu phải là hộ gia đình nghèo) như người tàn tật và người mắc bệnh
tâm thần…
5. Hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động thanh tra:
Luật Thanh tra 2010
Nghị định 31/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra lao động
thương binh và xã hội
Nghị định 86/2011//NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra 2010
6
Nghị định 161/2007/NĐ-CP sửa đổi Điều 48 Nghị định 41 hướng dẫn Luật
thanh tra
Nghị định 100/2007/NĐ-CP ngày 13/06/2007 về Thanh tra viên và CTV thanh
tra
Quyết định 04/2008/QĐ-BNV ngày 17/11/2008 về tiêu chuẩn nghiệp vụ các
ngạch công chức ngành Thanh tra
Quyết định 2151/2006/QĐ-TTCP ngày 10/11/2006 về Quy chế hoạt động Đoàn
thanh tra
Thông tư 02/2010/TT-TTCP ngày 02/03/2010 quy định quy trình tiến hành một
cuộc thanh tra
Thông tư 05/2011/TT-TTCP Quy định về phòng, chống tham nhũng trong
ngành thanh tra
Thông tư 191/2006/TTLT-TTCP-BNV-BTC ngày 19/01/2006 hướng dẫn thực
hiện Quyết định 202
Quyết định 1657/2005/QĐ-TTCP ngày 06/09/2005 về Quy chế bảo vệ bí mật
nhà nước trong ngành Thanh tra
II/ THANH TRA VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO
CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
1. Tổng quan về công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Ninh Bình
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, từ năm
2005 đến năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 7,2% (tương đương 2250 hộ).
7
Đây là một con số rất đáng mừng cho thấy công tác giảm nghèo của tỉnh đã
thực sự đi vào đời sống với sự tham gia mạnh mẽ của các cấp, các ngành và toàn thể
nhân dân. Đặc biệt, năm 2008 là năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TU và
đề án số 15 của UBND tỉnh về “Tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo
đến năm 2010” với nhiều chương trình, dự án được thực thi, đem lại những kết quả
chuyển biến tích cực.
1.1. Việc thực hiện đề án số 02 của HĐND tỉnh về “Hỗ trợ xây mới, cải tạo
và sửa chữa nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2010”
Những năm qua ở Ninh Bình, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở
thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống
chính trị và nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là
chính sách “xóa nhà tranh tre, vách đất” kết hợp ưu đãi hỗ trợ cho hộ nghèo, vùng
nghèo như tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, giải quyết việc
làm…tạo điều kiện cho nhiều hộ chủ động vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ
8
hộ nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt trong những năm gần đây, do tình
hình thiên tai lũ lụt liên tiếp xảy ra, nhà ở của các hộ nghèo lại càng hư hỏng, xuống
cấp. Đến giữa năm 2008, toàn tỉnh có 1120 hộ khó khăn về nhà ở, trong đó 199 hộ
chưa có nhà ở, 757 hộ có nhà hư hỏng nặng, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng, tập
trung ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn…
Thông qua đề án này, các địa phương đã tích cực phối hợp với các ngành chức
năng trong việc hoàn thành các quy trình, thủ tục theo đúng quy định nhằm nhanh
chóng hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn được sửa chữa, xây mới nhà ở, sớm ổn
định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Kinh phí hỗ trợ đều dùng để mua vật
liệu, đối với nhà xây mới cấp 4 diện tích tối thiểu 18m
2
, mái nhà lợp ngói hoặc phi-
brô-xi măng là 25 triệu đồng/nhà; cải tạo, sửa chữa 12,5 triệu đồng/nhà. Tính đến hết
năm 2008, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 54 hộ, xây mới, sửa chữa 821 nhà (xây mới
422 nhà, sửa chữa 399 nhà) cho người nghèo và gia đình chính sách, đạt 225,5% kế
hoạch năm 2008. Nếu như trước đây ở nhiều vùng quê Ninh Bình cái đói, nghèo luôn
đi liền với những ngôi nhà tranh vách đất dột nát xiêu vẹo thì nay bộ mặt làng xóm đổi
thay nhiều bởi những ngôi nhà kiên cố, khang trang nồng ấm tình thương ngày một
nhiều lên. Ninh Bình là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước về công tác này.
Chủ tịch UBND xã Yên Thái, một trong những xã nghèo nhất huyện Yên Mô có
nhiều nhà dột nát, khó khăn về nhà ở cho biết: Đề án 02 giải quyết vấn đề trăn trở của
xã bấy lâu, giúp nhiều hộ dân bảo đảm nơi ăn ở, có bước chuyển cải thiện đời sống, từ
đó phấn khởi yên tâm làm ăn thoát nghèo.
1.2. Hỗ trợ vốn và kĩ thuật cho các hộ nghèo, giúp họ vươn lên làm kinh tế
Chính sách “ưu đãi cho vay” hướng tới những đối tượng khó khăn cũng là một
trong những giải pháp chiến lược trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Ninh
Bình. Năm 2008, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức giải ngân kịp thời
9
nguồn vốn do ngân sách tỉnh chuyển sang để tạo điều kiện cho hộ nghèo ở 23 xã có tỷ
lệ hộ nghèo cao vay vốn phát triển sản xuất.
Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để người dân các xã nghèo được đi xuất
khẩu lao động, Ngân hàng có chính sách hỗ trợ mức cho vay từ 30-50 triệu
đồng/người, trong đó có 13 hộ được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Hỗ trợ lãi suất cho các
hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền trên 456 triệu đồng.
Hầu hết nguồn vốn được giải ngân đều được ủy thác và lồng ghép vào các
chương trình, dự án của các cấp Hội, đoàn thể nên rất phù hợp với nhu cầu việc làm
của từng thành viên tham gia. Đồng thời thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn được
thành lập ở từng thôn, xã và được ban xóa đói giảm nghèo xã, phường trực tiếp kiểm
tra, quản lý thông qua các tổ trưởng nên tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích được
hạn chế đến mức thấp nhất. Nhiều hộ gia đình được vay vốn của Ngân hàng Chính
sách xã hội đã đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút và tạo việc làm cho nhiều
lao động, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Không chỉ được vay vốn, những đối tượng
này còn được tư vấn giúp đỡ về phương hướng, cách thức sản xuất nên đa số hộ nghèo
đã làm ăn có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo. Ở khắp mọi vùng miền, thôn bản,
vùng sâu, vùng xa đã và đang xuất hiện nhiều hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, vươn
lên hộ khá giả. Điển hình là anh Phùng Duy Ba, xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư). Trước
năm 2000, gia đình anh còn nằm trong diện hộ nghèo, chỉ trông vào mấy sào ruộng,
cuộc sống gặp không ít khó khăn. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã
hội, gia đình anh phát triển kinh tế trang trại và kinh doanh dịch vụ. Đến nay, gia đình
anh đã thoát nghèo, không những trả được nợ cho ngân hàng mà còn xây dựng được
cơ ngơi khang trang.
Theo báo cáo thống kê năm 2005 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh,
tổng nguồn vốn hỗ trợ cho vay ưu đãi là 260.000 triệu đồng, trong đó vốn Ngân hàng
10
phục vụ người nghèo là 238.500 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương là 4.500 triệu
đồng, vốn dự án Việt-Đức Fa III là 6.000 triệu đồng, vốn huy động cộng đồng là
11.000 triệu đồng. Cũng trong năm này, có 19.350 lượt hộ nghèo và cận nghèo được
vay với tổng số tiền 339.700 triệu đồng tạo điều kiện để các hộ vươn lên làm kinh tế.
1.3. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động
Bên cạnh các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo, tỉnh cũng rất chú
trọng đến công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao
động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động xóa đói giảm
nghèo. Cụ thể:
-Đầu tư mở rộng quy mô cũng như chất lượng đào tạo tại các cơ sở dạy nghề.
Toàn tỉnh đã thành lập và xây thêm 3 trường dạy nghề, nâng tổng số cơ sở đào tạo
nghề trên địa bàn lên 15 đơn vị. Chỉ tính riêng năm 2009 đã đào tạo nghề cho trên
33.000 lượt người, trong đó dạy nghề dài hạn là 9.000 lượt, dạy nghề ngắn hạn và
chuyển giao kĩ thuật tại các cơ sở dạy nghề là 18.000 người, dạy nghề cho lao động
nông thôn và người tàn tật là 6.000 lượt, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 26%.
-Hàng năm triển khai tổ chức nhiều buổi tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn
viên thanh niên; phối hợp với các cơ sở dạy nghề giới thiệu, hướng dẫn đoàn viên
đăng kí học nghề
-Tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, nhất là những lao động
thuộc diện nghèo bằng cách sử dụng những tiềm năng sẵn có, liên kết với các doanh
nghiệp tại địa phương trong sản xuất (các làng nghề, hợp tác xã, trang trại, vùng
chuyên canh…)
Mục tiêu của Ninh Bình là mỗi năm có từ 40-45 nghìn người lao động được đào
tạo nghề, đưa tỷ lệ lao động được qua đào tạo lên 50%, góp phần hoàn thành mục tiêu
giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8% năm 2010.
11
2. Thực trạng công tác xóa đói giảm nghèo ở thành phố Ninh Bình
Được công nhận là đô thị loại 3 vào đầu tháng 02-2007, Thành phố Ninh Bình
(trực thuộc tỉnh Ninh Bình) nới rộng diện tích thêm 6 xã (bao gồm Ninh Khánh, Ninh
Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong, Ninh Sơn, Ninh Phúc) nâng tổng số phường xã của
thành phố lên 9 xã và 11 phường, tổng diện tích tự nhiên 48,5 km
2
. Theo thống kê đến
ngày 25-11-2007, Thành phố có 27.908 hộ dân với 105.482 nhân khẩu, trong đó còn
545 hộ nghèo, 1.511 khẩu thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ 1,95% số dân, là đơn vị có tỷ
lệ hộ nghèo thấp nhất trong tỉnh.
Từ năm 2005 đến năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm đáng kể, tuy
nhiên các biện pháp giảm nghèo còn chưa thực sự sát với thực tế, các hộ thoát nghèo
thiếu bền vững. Việc huy động nguồn lực tại chỗ và trong dân chưa tương xứng với
khả năng của địa phương, trách nhiệm của cộng đồng đối với người nghèo chưa được
khơi dậy và phát huy đầy đủ. Mặt khác, cán bộ làm công tác lao động việc làm ở các cấp
do phải kiêm nhiệm nên quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế.
Với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 và Đề án số 15 của Tỉnh ủy,
Thành phố đã đầu tư xây dựng và chỉ đạo tập trung các mô hình, giải pháp giảm nghèo
hiệu quả, đem lại những chuyển biến tích cực.
2.1. Chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn,
nhất là người nghèo.
Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp rơi vào diện nghèo là do bị thất nghiệp
hoặc công việc không ổn định. Chính vì thế công tác giải quyết việc làm cho người
lao động luôn dành được rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố:
- UBND Thành phố Ninh Bình phối hợp với các ban ngành đoàn thể đã tiến
hành rà soát và phân loại nhóm đối tượng thiếu việc làm trên địa bàn. Theo đó, đối với
nhóm đã được đào tạo nghề, thành phố vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
12
phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức hội chợ việc làm, mục đích là để nhà doanh
nghiệp và người lao động trực tiếp trao đổi, tìm hiểu về nhu cầu, nguyện vọng mỗi
bên. Bên cạnh đó, Thành phố cho quy hoạch các cụm công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp, làng nghề để thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, góp phần nâng
cao mặt bằng kinh tế cho các khu vực có đông hộ nghèo. Cụ thể năm 2008, Thành phố
tổ chức giải phóng thêm mặt bằng ở khu công nghiệp Ninh Phúc, Phúc Sơn. Cụm tiểu-
thủ công nghiệp Ninh Phong, Phúc Trì (phường Nam Thành), cụm công nghiệp
phường Phúc Thành (22,4 ha), cụm công nghiệp Ninh Tiến (20 ha), cụm công nghiệp
khu vực Cầu Yên (55 ha), dự kiến mỗi năm sử dụng khoảng 3000 lao động.
- Đối với nhóm lao động chưa qua đào tạo, Thành phố bằng nhiều “kênh” tổ
chức lớp học, khóa học phù hợp đối tượng người học.
- Tổ chức công tác dạy nghề, đào tạo nghề tại trung tâm dạy nghề thành phố,
khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề và tiếp nhận lao động diện hộ
nghèo, có chính sách khuyến khích để người lao động đi xuất khẩu lao động.
- Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở lớp dạy nghề tạo điều kiện cho hàng
nghìn lao động nghèo được học nghề và sau đó, khi hết khóa học, chính doanh nghiệp
sẽ lo việc làm cho người lao động. Nhờ vậy kết quả đạt được là đã có trên 70% học
viên học nghề xong có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trung bình mỗi năm thành phố đã tạo việc
làm mới cho 3000-3300 lao động, giảm dần tỷ lệ thất nghiệp, qua đó nâng cao mức
sống cho người dân.
2.2. Trợ giúp, tạo điều kiện để hộ nghèo ổn định sản xuất
- Năm 2008 thành phố đã trích ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất cho các hộ nghèo
có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất trong thời gian 2 năm (2008-2009). Theo
13
đó, toàn thành phố đã có 108 hộ nghèo được vay với tổng số vốn là 806 triệu đồng, số
tiền được hỗ trợ lãi suất là trên 125 triệu đồng
- Thành phố cũng tích cực huy động các tổ chức xã hội tham gia ủng hộ quỹ vì
người nghèo; quỹ hỗ trợ sửa chữa và xây nhà mới cho các hộ nghèo, hộ chính sách
giai đoạn 2008-2009…Hai năm qua, toàn thành phố đã xây mới, sửa chữa 134 nhà dột
nát cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách với tổng kinh phí gần 6,1 tỷ đồng,
trong đó các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp trên 3,2 tỷ đồng và hơn 3000 ngày công.
Việc làm này đã giúp các hộ nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn an cư, lạc
nghiệp.
- Từ thực tế cho thấy, để giảm nghèo không chỉ cần đến đồng vốn mà người
nghèo còn rất cần hướng dẫn cách thức làm ăn sao cho hiệu quả. Chính vì thế thời
gian qua thành phố Ninh Bình đã mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông
dân; áp dụng các biện pháp xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo nhóm hộ như:
chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh… Các lớp tập huấn ngắn ngày, các lớp học
nghề đã giúp cho người nghèo chưa có việc làm trên địa bàn tiếp thu được những kiến
thức nhất định, những kinh nghiệm trong sản xuất, trong cuộc sống và cả những kiến
thức mà xã hội đang cần để người nghèo biết cách sử dụng đồng vốn cũng như sự
giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng một cách hiệu quả.
- Hỗ trợ trên 300 người nghèo kinh phí mua bảo hiểm y tế tự nguyện trong một
năm với số tiền 320 nghìn đồng/người, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo trong
khám chữa bệnh. Bên cạnh đó các hoạt động miễn giảm học phí, tặng quà cho học
sinh nghèo, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn…được tổ chức
thường xuyên.
Phường Thanh Bình là đơn vị đầu tiên của thành phố và cũng là của tỉnh không
còn hộ nghèo. Có được kết quả này là nhờ thành phố đã có những quyết sách tập
trung, đồng bộ và phù hợp với từng đối tượng. Đảng ủy và chính quyền thành phố xác
14
định, đối với những hộ neo đơn, các đối tượng xã hội ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, thành
phố sẽ trợ cấp để đảm bảo cuộc sống, thu nhập ổn định vượt tiêu chí hộ nghèo.
Hiện nay một số phường như: Vân Giang, Đông Thành…số hộ nghèo cũng chỉ
còn “đếm trên đầu ngón tay”
3. Thực trạng việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo
ở huyện Nho Quan
Huyện Nho Quan nằm phía Tây Bắc tỉnh Ninh Bình với diện tích tự nhiên
475km
2
và dân số là 147.514 người. Toàn huyện có 1 thị trấn và 26 xã, trong đó có 9
xã nghèo nhất (nằm trong tổng số 23 xã nghèo trọng điểm của tỉnh) là: Gia Sơn,
Thạch Bình, Kì Phú, Phú Long, Văn Phong, Văn Phương, Quảng Lạc, Thanh Lạc,
Thượng Hòa.
Là huyện miền núi có số xã nghèo và tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất của tỉnh Ninh
Bình, 2 năm qua huyện Nho Quan đã huy động tổng lực vào chiến dịch xóa nghèo
theo Nghị quyết số 10 của tỉnh ủy. Với nhiều mô hình xóa nghèo đa dạng, sáng tạo,
Nho Quan đã khích lệ nhiều hộ nghèo phấn khởi vượt qua khó khăn, vươn lên làm ăn
khá giả. Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, cuối năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo của
huyện ở mức 17,1%, cao nhất tỉnh. Trong đó 9 xã miền núi đông đồng bào dân tộc
sinh sống với tập quán canh tác lạc hậu, thu nhập thấp có tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ
30%-40% tổng số hộ. Những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện là Thạch Bình, Cúc
Phương, Phú Long, Quảng Lạc, Quỳnh Lưu với tỷ lệ từ 32-42% số hộ nghèo. Tuy
nhiên chỉ sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án số 15 của UBND tỉnh cùng với nỗ lực
không mệt mỏi của toàn hệ thống chính trị trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đến
nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 13,1%, tỷ lệ hộ nghèo của 9 xã đặc
biệt khó khăn giảm còn 18,3%, đã có hơn 4700 hộ thoát nghèo.
15
3.1. Hỗ trợ khoa học-kĩ thuật vào trong sản xuất cho người dân xã Quảng
Lạc:
Bao đời nay người dân Quảng Lạc chủ yếu sống bằng nghề nông, trình độ sản
xuất, phong tục tập quán còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Tuy diện tích
canh tác rộng nhưng năng suất và hiệu quả thu lại chưa cao. Chính vì vậy Đảng bộ xã
xác định phải chủ động khơi dậy tiềm năng đất đai và nội lực sẵn có để tập trung xóa
đói, giảm nghèo.
Trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xã đã tích cực nâng cao vai trò của đội
ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào thực tiễn; gắn kết
các mô hình sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp
tác xã nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách
làm, mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh.
Toàn bộ diện tích đồi bỏ hoang trước đây đã được người dân phục hóa để trồng
cấy hoa màu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cây mía, cây dứa, cây lạc…
Không ít hộ thoát nghèo từ mô hình trang trại đồi rừng này. Sự tác động của khoa học
kĩ thuật đã làm cho năng suất, sản lượng cây trồng luôn ổn định, tăng giá trị bình quân
lên gấp 2-3 lần so với trước đây.
Chăn nuôi cũng từng bước được đầu tư phát triển. Nhiều chương trình khoa học
như: “Sind hóa đàn bò”, “Nạc hóa đàn lợn”… đã được các hộ nông dân tích cực triển
khai áp dụng đem lại hiệu quả cao.
Có thể nói đây là cách làm rất hay của lãnh đạo xã khi đã tạo điều kiện cho
người dân tự vươn lên thoát nghèo bằng cách cung cấp “cần câu” và “con cá” cho bà
con, hướng dẫn bà con cách “câu” sao cho hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng
giảm nghèo và chống tái nghèo.
16
3.2. Chuyển đổi mô hình kinh tế, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và giải
quyết việc làm.
Qua việc điều tra, khảo sát thực trạng và hoàn cảnh dẫn đến đói nghèo của từng
hộ, Ban giảm nghèo của huyện đã đề ra nhiều giải pháp như: hỗ trợ các đối tượng
nghèo chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất; các mô hình chuyển diện
tích vùng trũng từ trồng lúa bấp bênh sang mô hình lúa, cá; hỗ trợ giống, vốn, phân
bón cho các hộ nghèo trọng điểm; xây dựng các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản,
phù hợp với điều kiện đất đai, gia cảnh của hộ nghèo.Trong 2 năm 2007 và 2008,
huyện đã cấp hơn 2,1 tỷ đồng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hơn
2800 hộ; hỗ trợ giống lúa lai, ngô lai, lạc, giống gia cầm, phân đạm với mức bình quân
hơn 600.000 đồng/hộ. Mặt khác, huyện chỉ đạo các xã miền núi có diện tích rừng
phòng hộ ít xung yếu chuyển sang trồng rừng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người
trồng rừng tại Thạch Bình, Quảng Lạc, Kì Phú, Phú Long, Gia Lâm với diện tích 200
ha, khiến nhân dân yên tâm phấn khởi bám đất, bám rừng.
Cùng với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhiều mô hình kinh tế như phát triển
ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho người lao động được triển khai ở tất cả các
địa bàn từ vùng núi rừng đến xã vùng chiêm trũng. Điển hình là hơn 100 hộ đã đưa
nghề trồng nấm vào sản xuất, bước đầu sản lượng đạt hơn 10 tấn nấm khô được công
ty nấm Hồng Ngọc bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt giá trị hơn 120 triệu đồng, bình
quân thu nhập trên 1 triệu đồng/hộ.
Bên cạnh đó các cơ sở dạy nghề của huyện phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội
phụ nữ, Hội nông dân, phòng Nông nghiệp & PTNT tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề,
chuyển giao khoa học kĩ thuật cho 3000 lao động với các nghề: may công nghiệp, mây
tre đan, làm chiếu trúc, đan cói xuất khẩu, hàn điện, nuôi thỏ…với kinh phí hơn 300
triệu đồng, học viên được đào tạo miễn phí.
17
Ngoài ra công tác xuất khẩu lao động cũng rất được chú trọng trong việc giải
quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người nghèo. Hội nông dân, Hội phụ
nữ có vai trò lớn trong lựa chọn địa chỉ xuất khẩu tin cậy để tư vấn, giới thiệu cho
người lao động và huy động hỗ trợ vốn cho người nghèo vay xuất khẩu lao động.
Trong năm 2008 toàn huyện đã tổ chức cho 74 người đi lao động ở thị trường các
nước Malaixia, Đubai, Quata, bước đầu có thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu
đồng/người/tháng.
3.3. Hỗ trợ cho vay ưu đãi, đảm bảo chính sách xã hội:
Năm 2007 Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho hơn 11.000 hộ nghèo vay 51 tỷ
đồng, trong đó có hơn 3.600 hộ nghèo trọng điểm thuộc 9 xã nghèo nhất huyện được
vay hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra tỉnh, huyện cũng hỗ trợ ngân sách cho vay không tính
lãi suất 6 tỷ đồng cho hơn 1.200 hộ đặc biệt khó khăn theo phương án sản xuất, kinh
doanh đã đăng ký. Hiệu quả đạt được là các hộ nghèo đã tập trung phát triển chăn nuôi
được hơn 240 con trâu, bò, 160 con lợn nái, hàng ngàn con dê. Một số hộ mua máy
tuốt lúa, máy kéo nhỏ để làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho thu nhập ổn định, đời
sống ngày càng phát triển.
Để xóa đói nghèo bền vững, huyện Nho Quan không quên chú trọng việc thực
hiện chính sách bảo trợ xã hội như: chi trả thường xuyên cho hơn 3.100 đối tượng là
người cao tuổi, trẻ mồ côi, người tàn tật với số tiền hàng năm hơn 5,7 tỷ đồng; trợ cấp
khó khăn đột xuất cho các gia đình neo đơn, khó khăn, miễn giảm học phí cho gần
2.000 học sinh nghèo; cấp thẻ BHYT cho hơn 6.070 hộ nghèo, đảm bảo phát triển
vững chắc hệ thống an sinh xã hội.
III/ ĐÁNH GIÁ, ĐỀ XUẤT
1. Một số mặt tồn tại, hạn chế:
18
Những kết quả trong công tác giảm nghèo mà các địa phương trong tỉnh, nhất là
đối với 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đã đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận.
Song nhìn chung hộ nghèo trong toàn tỉnh đã giảm nhưng chưa thực sự bền vững,
nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo còn cao.
Công tác giảm nghèo cũng bộc lộ những tồn tại nhất định cần sớm được khắc
phục, như là:
- Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của các xã nghèo còn
thiếu. Chẳng hạn một số địa phương chưa có đường giao thông đến xã, song Nhà nước
lại đầu tư từ xã đến thôn bằng nguồn vốn chương trình 135 (tiêu biểu là xã Kim Hải-
Kim Sơn).
- Các công trình: điện, đường, trường, trạm, nhà máy nước của 3 xã Gia Lạc,
Gia Minh, Gia Phong (Gia Viễn) được xây dựng từ nguồn dự án phân lũ nhưng tiến độ
triển khai còn chậm. Do vậy một số công trình ở các xã này đều đang thi công dang
dở.
- Việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội với chương trình
giảm nghèo còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều mô hình, cách làm hay về
giảm nghèo chưa được kịp thời tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng. Bên
cạnh đó vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa có ý thức phấn đấu vươn lên tự thoát
nghèo, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
2. Định hướng giải pháp:
- Xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách, dự án về giảm nghèo; lồng
ghép có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo với các chính sách kinh tế-xã hội
khác của tỉnh. Phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cấp, các ngành trong việc xây
dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo.
19
- Tạo bước đột phá mới trong chỉ đạo, phát huy sức mạnh và sự tham gia tích
cực của các tầng lớp nhân dân, gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể để đạt và vượt mục tiêu xóa đói giảm nghèo đã đề ra; đẩy mạnh
phong trào “Ngày vì người nghèo” đến mọi tổ chức kinh tế, xã hội, các tầng lớp dân
cư.
- Gắn xóa đói giảm nghèo với giải quyết việc làm. Đối với khu vực nông thôn
thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn về chuyển
dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất, cung ứng và quản lý giống, kiên cố
hóa kênh mương, phát triển ngành, nghề ở nông thôn…Đối với khu vực thành thị thực
hiện có hiệu quả đề án phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và ngành tiểu
thủ công nghiệp, phát triển thương mại, du lịch. Có cơ chế, chính sách khuyến khích
việc thành lập, mở rộng phát triển các cơ sở sản xuất với quy mô ngành, nghề đa dạng,
thu hút được nhiều lao động.
- Sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông, lâm nghiệp, mặt nước và cơ sở vật chất
phục vụ sản xuất; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công
nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
- Cùng với phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phong trào
thi đua sản xuất công nghiệp bằng việc tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng,
khuyến khích và có chính sách thu hút đối với các doanh nghiệp về đầu tư tại các xã
khó khăn theo phương châm các doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn, tổ chức cách sản
xuất cho bà con. Tập trung vào phương thức sản xuất hàng hóa, xóa bỏ dần thói quen
sản xuất manh mún của một bộ phận nông dân.
- Đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo có
hiệu quả, nhất là mô hình xóa đói giảm nghèo ở các vùng đặc thù, khó khăn như vùng
đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào theo đạo Thiên
Chúa; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo phương châm: cộng đồng, dòng họ, bản thân hộ
20
nghèo và nhà nước cùng lo. Tăng cường công tác đào tạo nghề, nhất là dạy nghề cho
nông dân, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo ở vùng nông thôn, vùng đô thị
hóa, khu công nghiệp.
- Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cho
cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là ở cơ sở. Gắn kết chặt chẽ giữa
Chương trình xóa đói, giảm nghèo và việc làm; gắn chương trình 135 với các chương
trình dự án khác trên địa bàn, bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội đồng thời cụ thể hóa
các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch đến cơ sở xã, phường, thôn, bản để mọi người dân
nắm được và tích cực tham gia thực hiện.
-Chú trọng khai thác và phát triển những tiềm năng sẵn có, đặc biệt là tiềm năng
du lịch. Ninh Bình hiện có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng (chùa Bái Đính,
rừng Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, Tam Cốc-Bích Động…), tận dụng được lợi
thế này sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó cũng giảm bớt đói
nghèo.
21
KẾT LUẬN
Thành phố Ninh Bình và huyện Nho Quan chỉ là hai trong số những điểm sáng
về công tác xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Có được những chuyển
biến tích cực như trên là nhờ sự đoàn kết quyết tâm cao của lãnh đạo các cấp chính
quyền, các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân, đồng thời cũng không thể
không nhắc đến việc thanh tra, kiểm tra những hoạt động này đã được thực hiện một
cách nghiêm túc, thể hiện sự quan tâm sát sao, góp phần đẩy mạnh công cuộc xóa đói
giảm nghèo của tỉnh.
Mảnh đất cố đô xưa đang ngày càng “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân
đang từng bước được cải thiện và không ngừng nâng lên. Đó là những kết quả đáng
ghi nhận và đáng tự hào. Vẫn biết rằng cuộc chiến chống đói nghèo là một cuộc chiến
lâu dài với nhiều thách thức và khó khăn, song tin rằng với tinh thần đoàn kết và sự nỗ
lực cố gắng không ngừng, Đảng bộ,quân và dân Ninh Bình sẽ sớm hoàn thành những
mục tiêu đề ra trong chiến lược xoá đói giảm nghèo những giai đoạn tiếp theo.
Trên đây là bài viết của tôi về công tác thanh tra việc thực hiện chính sách xoá
đói giảm nghèo của một số địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Dù rất cố gắng
nhưng bài viết sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy tôi rất mong nhận được sự
quan tâm nhận xét của thầy cô và các bạn.
Xin chân thành cảm ơn./.
22
Tài liệu tham khảo
1. Luật Thanh tra năm 2010
2. Tạp chí Thanh tra
3. Website: thanhtravietnam.vn
4. Báo điện tử Ninh Bình
5. Nguồn số liệu: Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Ninh Bình
23