Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

PHÂN LẬP, TUYỂN CHỌN VÀ NGHIÊN CỨU CÁC CHỦNG NẤM MEN CÓ KHẢ NĂNG PHÂN GIẢI docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (86.26 KB, 6 trang )

PHÂN LẬP, TUYỂN CHỌN VÀ NGHIÊN CỨU CÁC CHỦNG NẤM MEN CÓ KHẢ
NĂNG PHÂN GIẢI XENLULOZ NHẰM ỨNG DỤNG TRONG XỬ LÝ BÃ THẢI
HOA QUẢ LÀM THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Chu Thị Thanh Bình, Nguyễn Lân Dũng, Lương Thuỳ Dương
Trung tâm Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
I. MỞ ĐẦU

Từ lâu con người đã biết đến nấm men và ứng dụng của chúng trong nhiều lĩnh vực đặc
biệt là trong công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu tập trung vào
nấm men phân giải xenluloz, nguyên nhân có thể do trong tự nhiên có nhiều nhóm vi sinh
vật tỏ ra ưu thế hơn so với nấm men về khả năng sinh enzym xenlulaza. Nhưng nếu xét
về khả năng chống chịu pH thì nấm men lại tỏ ra ưu thế hơn các nhóm vi sinh vật này.

Hàng năm công nghiệp chế biến hoa quả nước ta thải ra hàng trăm ngàn tấn bã thải.
Lượng bã thải này hiện nay vẫn chưa được xử lý riêng rẽ mà vẫn được đổ chung với
nguồn rác thải thành phố vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Nếu lượng bã thải
này được xử lý làm thức ăn gia súc hoặc phân bón thì sẽ là một nguồn lợi lớn. Một khó
khăn của việc xử lý bã thải hoa quả đó là pH của chúng rất thấp (3-5) [4,6]. Lấy ví dụ bã
thải dứa trong công nghiệp sản xuất rượu vang, đồ hộp, bã thải này vừa có pH thấp vừa
chứa một lượng lớn xenluloz. Ở pH này thông thường nhóm vi khuẩn và xạ khuẩn không
hoặc kém sinh trưởng và phát triển nhưng nhóm nấm men lại hoàn toàn có thể. Đã có một
số nghiên cứu sử dụng nấm sợi trong xử lý bã thải hoa quả làm thức ăn gia súc với mục
đích bổ sung protein đơn bào [1,2]. Nhóm nấm sợi cũng có khả năng chịu pH nhưng với
đặc tính dễ tạo thành bào tử nếu chúng được dùng trong chế biến thức ăn gia súc có thể sẽ
gây ra các bệnh về đường hô hấp. Nấm men phân giải xenluloz khi phát triển trên nguồn
cơ chất bã thải dứa có pH thấp và giàu xenluloz sẽ chuyển hoá xenluloz thành nguồn
protein đơn bào, nếu được dùng làm thức ăn gia súc sẽ rất tốt. Tuy nhiên trong thực tế, số
lượng các loài nấm men phân giải xenluloz lại ít hơn nhiều so với nấm sợi, vi khuẩn, xạ
khuẩn có cùng chức năng. Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào phân lập, tuyển chọn
các chủng nấm men có khả năng phân giải xenluloz với hy vọng các chủng được lựa chọn


sẽ có triển vọng ứng dụng trong việc xử lý bã thải hoa quả làm thức ăn gia súc.

II. NGUYÊN LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Vi sinh vật: 343 chủng nấm men bao gồm các chủng phân lập được từ các mẫu bún,
gỗ đang phân huỷ, từ bánh men rượu ở xung quanh Hà nội và bộ nấm men phân lập từ
trước thuộc Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật.

2.2. Hoá chất và dụng cụ cần thiết: các hoá chất và thiết bị cần thiết cho nuôi cấy và xác
định hoạt tính phân giải xenluloz của vi sinh vật

2.3. Các phương pháp nghiên cứu: [5]
- Phương pháp xác định khả năng phân giải một số nguồn cacbon bằng phương pháp
khuếch tán trên thạch

- Các phương pháp xác định đặc tính nuôi cấy của các chủng nấm men

- Phương pháp lên men xốp xác định hoạt tính phân giải xenluloz của các chủng nấm
men

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tuyển chọn các chủng nấm men phân giải xenluloz:

Các chủng nấm men phân lập được từ các mẫu bún, gỗ đang phân huỷ, từ bánh men rượu
ở xung quanh Hà nội và bộ giống nấm men thuộc Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật được
phân lập từ trước và sơ tuyển bằng phương pháp cấy vạch trên môi trường Hansen với
nguồn cacbon là CMC (carboxymethylcellulose) (10g/l). Hoạt tính phân giải CMC của
các chủng được dựa vào khả năng tạo vòng phân giải xung quanh vạch sau 2 ngày nuôi
cấy khi thử với Lugol. Kết quả sơ tuyển được trình bày ở bảng sau:

Bảng 1. Sơ tuyển các chủng nấm men có khả năng phân giải CMC.



32 chủng nấm men có vòng phân giải CMC tiếp tục được kiểm tra khả năng phân giải
CMC. Trong thí nghiệm này chúng tôi tiến hành đồng thời nuôi cấy các chủng nấm men
trên môi trường Hansen có nguồn đường sacaroz và trên môi trường nguồn đường được
thay thế bằng CMC để chiết dịch enzym xenlulaza. Một số công trình nghiên cứu đã cho
thấy xenlulaza là một enzym cảm ứng, một số nguồn cacbon như glucoz, sacaroz, axetat,
xuccinat lại chính là tác nhân ức chế quá trình tổng hợp enzym này [3]. Mục tiêu tuyển
chọn tiếp của chúng tôi là chọn ra các chủng vừa sinh trưởng trên nguồn đường sacaroz
vừa có khả năng sinh enzym phân giải xenluloz. Điều này gắn liền với mục tiêu chọn ra
các chủng vừa có khả năng sinh trưởng trên bã thải hoa quả với hàm lượng đường còn
khá cao vừa có khả năng phân giải xenluloz chứa trong các bã thải này. Hoạt tính
xenlulaza được xác định bằng phương pháp đục lỗ, khuếch tán trên thạch. Bảng 2 thể
hiện kết quả của thí nghiệm này:
Bảng 2. Hoạt tính xenlulaza của các chủng nấm men được chọn



Kết quả cho thấy rõ ràng có những chủng có hoạt tính xenlulaza cao khi nuôi cấy trên
môi trường có chứa CMC nhưng hoạt tính này lại rất thấp hoặc thậm chí không có hoạt
tính khi nuôi trên môi trường có chứa sacaroz. Điều này phù hợp với một số kết quả
nghiên cứu trước đây [3].

11 chủng có hoạt tính xenlulaza khi nuôi cấy trên 2 loại môi trường trên và 7 chủng khác
không có hoạt tính xenlulaza khi nuôi trên môi trường có chứa sacaroza nhưng lại có hoạt
tính cao khi nuôi trên môi trường có chứa CMC tiếp tục được thử khả năng phân giải một
số nguồn cacbon khác: Avicel, xenluloz. Kết quả được thể hiện trên bảng 3.
Bảng 3. Hoạt tính phân giải một số nguồn cacbon của các chủng nấm men được chọn.




5 chủng nấm men 9B1, 30B1, 97m, VTCC 2.0243, 4B2 có hoạt tính phân giải Avicel và
xenluloz cao nhất được chọn để tiếp tục các thử nghiệm sau này.

3.2. Nghiên cứu một số đặc điểm nuôi cấy của các chủng nấm men được lựa chọn

Các thí nghiệm này phục vụ cho mục đích nghiên cứu tạo dạng “giống khởi động”
(starter culture) cho quá trình xử lý bã thải hoa quả giàu xenluloz từ các chủng nấm men
được lựa chọn

3.2.1. Ảnh hưởng của pH nuôi cấy ban đầu

5 chủng nấm men được nuôi cấy trên môi trường chứa CMC với các thang pH từ 3 đến 6.
Nuôi cấy lắc 220 vòng/phút, ở 300C. Sau 3 ngày nuôi cấy, xác định hoạt tính CMC-aza
của các chủng nấm men. Kết quả được thể hiện trên hình 1.

Hình 1. Ảnh hưởng của pH ban đầu tới hoạt tính xenlulaza của nấm men


Kết quả cho thấy tất cả 5 chủng đều có khả năng tổng hợp enzym xenlulaza trong dải pH
môi trường nuôi cấy là 4,0 - 6,0 nhưng pH tối ưu nhất là 5,0. Chủng 97m có hoạt tính cao
nhất trong số 5 chủng. Chủng VTCC 2.0243 và 4B2 tuy có hoạt tính không cao bằng các
chủng khác nhưng nó lại có thể phát triển trên môi trường có pH ban đầu 3,0 và 3,5. Như
vậy chúng có thể phát huy được vai trò khi xử lý các bã thải có pH thấp (3-3,5).

3.2.2. Ảnh hưởng của nhiệt độ nuôi cấy

Các chủng nấm men được nuôi cấy lắc trong môi trường chứa CMC, pH 5,0; 220

vòng/phút ở các thang nhiệt độ từ 200C - 450C. Sau 3 ngày xác định hoạt tính CMC-aza.
Kết quả được ghi ở hình 2.

Hình 2. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến hoạt tính enzym của các chủng nấm men.


Kết quả cho thấy các chủng nấm men được chọn để nghiên cứu đều không phải là các
chủng nấm men ưa nhiệt. Chúng phát triển thích hợp nhất ở nhiệt độ 30 - 350C tùy từng
chủng. Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp của các chủng 9B1, 97m, 30B1 là 300C; còn của
các chủng 4B2, VTTC 2.0243 là 350C. Ở nhiệt độ cao (40 - 450C), hoạt tính của các
chủng đều giảm, thậm chí có chủng mất hoạt tính hoàn toàn như các chủng 97m và 30B1.

3.2.3. Ảnh hưởng của thời gian nuôi cấy

Hình 3. Ảnh hưởng của thời gian đến khả năng tổng hợp enzym của nấm men


Các chủng 9B1, 97m, 30B1 được nuôi cấy lắc ở 300C còn chủng 4B2 và VTCC 2.0243
được nuôi ở 350C; pH 5,0. Sau mỗi ngày xác định hoạt tính phân giải CMC, đồng thời
xác định sinh khối tế bào thông qua hàm lượng protein. Kết quả được thể hiện trên hình 3
và hình 4.

Hình 4. Sự thay đổi hàm lượng protein của các chủng nấm men theo thời gian


Như vậy thời gian nuôi cấy có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng tổng hợp enzym xenlulaza.
Sau ngày nuôi cấy đầu tiên, chủng VTCC 2.0243 đã đạt được hoạt tính lớn nhất. Chủng
4B2 đạt được hoạt tính cao nhất bắt đầu từ ngày nuôi cấy thứ hai. Các chủng còn lại đều
đạt hoạt tính cao nhất vào ngày nuôi cấy thứ ba. Qua ngày thứ ba, hoạt tính của tất cả các
chủng đều giảm dần có thể do sinh trưởng của nấm men giảm dần, nguồn dinh dưỡng cạn

dần hoặc do xenlulaza bị thủy phân Riêng chủng 97m có hoạt tính CMC-aza cao nhất
vào ngày thứ ba nhưng hàm lượng protein lại đạt giá trị lớn nhất vào ngày thứ tư, có thể
do nguồn dinh dưỡng trong môi trường vẫn còn nhưng chất cảm ứng tổng hợp xenlulaza
lại hết.

Các kết quả nghiên cứu trên đây đã lần lượt trả lời được các câu hỏi: ở điều kiện nhiệt độ,
pH nào, thời gian nuôi cấy bao lâu để hoạt tính phân giải xenluloz của các chủng nấm
men cao nhất đồng thời đạt được sinh khối tế bào cao nhất. Các kết quả này rất quan
trọng trong việc sản xuất “giống khởi động”, là tập hợp của các chủng nấm men được
tuyển chọn, dùng trong chế biến thức ăn gia súc từ phế thải của các nhà máy chế biến hoa
quả, đặc biệt là nhà máy chế biến dứa.

3.3. Khả năng phân giải xenluloz tự nhiên

3.3.1. Thăm dò khả năng phân giải xenluloz trong bã thải dứa của các chủng nấm men

Các chủng nấm men được nuôi cấy trên môi trường có nguồn xenluloz tự nhiên là bã thải
dứa. Sau 3 ngày nuôi cấy, kết quả thu được như sau:
Bảng 4. Hoạt tính phân giải nguồn xenluloz tự nhiên của các chủng nấm men



Trong thực tế, rất nhiều chủng vi sinh vật có hoạt tính phân giải xenluloz hòa tan (CMC)
nhưng lại không có khả năng phân giải nguồn xenluloz tự nhiên hoặc phân giải rất kém
nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy cả 5 chủng nấm men được tuyển chọn đều có khả
năng phân giải nguồn cơ chất tự nhiên là bã dứa tuy hoạt tính không cao như khi nuôi cấy
trên môi trường có chứa xenluloz hòa tan. Mặc dù vậy, đây là một kết quả có ý nghĩa bởi
nó giúp khẳng định rằng các chủng nấm men được tuyển chọn có thể được ứng dụng
trong xử lý bã thải dứa giàu xenluloz làm thức ăn chăn nuôi.


3.3.2. Khả năng tích lũy sinh khối và hoạt tính xenlulaza của các chủng nấm men khi
nuôi trên nguồn cơ chất bã dứa

“Giống khởi động” là hỗn hợp của các chủng nấm men trên được tạo ra dưới dạng bột
khô. Sử dụng dạng bột khô này cấy vào bã thải dứa với các tỷ lệ 1/100, 1/1000, 1/10.000
nhằm tìm ra tỷ lệ giống cấy thích hợp sao cho vừa đạt được sinh khối tế bào lớn nhất vừa
có hoạt tính phân giải xenluloz trong bã dứa cao nhất.

Kết quả sự biến đổi sinh khối tế bào theo thời gian được thể hiện trên bảng 5 và thể hiện
rõ hơn trên hình 5
Bảng 5. Số lượng tế bào biến đổi theo ngày trong các mẫu bã dứa được cấy “giống khởi
động” với các tỷ lệ khác nhau



Hình 5. Sự biến đổi sinh khối tế bào theo thời gian với các tỷ lệ giống cấy khác nhau

Có thể thấy sinh khối tế bào lớn nhất ở ngày thứ 8 ở cả 3 tỷ lệ giống cấy. Với tỷ lệ cấy
1/100, số lượng tế bào đạt lớn nhất.

Song song với việc theo dõi sự thay đổi của sinh khối tế bào chúng tôi còn xác định sự
thay đổi của hoạt tính phân giải xenluloz ở các mẫu. Kết quả được trình bày ở bảng 6
Bảng 6. Hoạt tính phân giải xenluloz của nấm men với các mẫu bã dứa



Bảng 6 cho thấy trong 2 ngày đầu, các chủng nấm men chưa phát huy được hoạt tính
phân giải xenluloz mà chúng cần phải có thời gian sinh trưởng và thích nghi. Hoạt tính
này tăng dần từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8 và giảm ở ngày thứ 10. Kết quả này cũng phù
hợp với nghiên cứu về sự biến dổi của sinh khối tế bào. Ở đây ta cũng thấy với tỷ lệ

giống cấy 1/100 thì hoạt tính phân giải xenluloz là lớn nhất, nhưng chỉ lớn hơn một chút
so với mẫu có tỷ lệ giống cấy 1/1000. Tuy nhiên khi ra thực tế sản xuất thì cần phải cân
nhắc về khía cạnh kinh tế nên phải chọn tỷ lệ giống như thế nào để vừa đảm bảo được
chất lượng sản phẩm mà cụ thể là sinh khối tế bào (hay chính là hàm lượng protein chứa
trong sản phẩm), giảm hàm lượng xenluloz trong thức ăn, vừa tiết kiệm được chi phí đầu
vào cho sản xuất. Vì vậy cần phải cân nhắc giữa tỷ lệ giống cấy 1/100 hay 1/1000 xem tỷ
lệ nào là phù hợp với mục tiêu sản xuất.
Để ứng dụng các chủng nấm men này trong thực tế xử lý bã thải dứa làm thức ăn chăn
nuôi còn cần tiến hành rất nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa ở quy mô trong và ngoài phòng
thí nghiệm.

IV. KẾT LUẬN

1. Từ 343 chủng nấm men phân lập được kết hợp với bộ giống nấm men của Bảo tàng
giống chuẩn vi sinh vật, 5 chủng nấm men có hoạt tính phân giải xenluloz cao nhất với ký
hiệu 9B1, 30B1, 97m, VTCC 2.0243, 4B2 đã được tuyển chọn.

2. Đã xác định được các điều kiện nuôi cấy thích hợp như pH, nhiệt độ, thời gian nuôi
cấy cho các chủng nấm men được tuyển chọn

3. Bước đầu thử nghiệm nuôi các chủng nấm men trên nguồn cơ chất tự nhiên là bã dứa
cho thấy các chủng đều có hoạt tính xenlulaza và sinh trưởng mạnh trên nguồn cơ chất
này tạo ra lượng sinh khối tế bào đáng kể. Kết quả này mở ra một hướng nghiên cứu tiếp,
đó là ứng dụng các chủng nấm men trong chế biến bã thải hoa quả giàu xenluloz làm thức
ăn chăn nuôi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Berk Z. Production of feed as an objective for bioconversion systems. In:
Bioconversion of organic residues for rural communities. Tokyo, Japan: United Nations

University, p:23-25. 1979.
2. Guerra NB, Stamford TLM, de Medeiros RB, de Freitas CP, Maia SR, Cavalcante ML.
Protein enrichment of pineapple waste for animal feeds. Food Nutr. Bull.;8(1):77-80.
1986.
3. Izuka, M. et al. Screening for microorganisms producing cellulose-degrading enzyme
and producing oligosaccharides from cellulose. Annul.Reports I.C.Biotechnol, 14: 350.
1991.
4. Morton, J and Miami, F.L. Pineapple. In: Fruits of warm climates. p. 18–28. 1987.
5. Nguyễn Lân Dũng, Đoàn Văn Mượu, Nguyễn Phùng Tiến, Đặng Đức Trạch, Phạm
Văn Ty. Một số phương pháp nghiên cứu vi sinh vật học. Nhà xuất bản Khoa học kỹ
thuật, p. 325-378. 1972.
6. Stanton R. Bioconversion of fruit and vegetable wastes. In: Bioconversion of organic
residues for rural communities. Tokyo, Japan: UN University, p: 120-121. 1979.

×