Động vật không xương sống ( phần 5 )
Tầm quan trọng của Da gai
Hải sâm và cầu gai được dùng làm thực phẩm, chúng được khai thác tự
nhiên hay gây nuôi. Nhiều nước đã xem hải sâm phơi khô bỏ ruột là
nguồn thực phẩm quý giá (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, các nước
Đông Nam Á và Đông Phi). Cầu gai được sử dụng tuyến trứng là chủ
yếu. Sản lượng da gai được khai thác hàng năm trên thế giới là 60 -
70.000 tấn, trong đó cầu gai chiếm 60%.
Một số động vật da gai còn được khai thác để dùng làm dược liệu, một số
khác do có mật độ lớn nên được sử dụng làm phân bón. Bộ xương của
động vật da gai hoá thạch là vật chỉ thị địa tầng rất quan trọng.
Trong hệ sinh thái, động vật da gai là thức ăn của cá và nhiều loài thuỷ
sinh vật khác. Mặt khác chúng là vật gây hại lớn cho nghề nuôi trồng
thuỷ sản như hàu, vẹm, trai
Đặc điểm cấu tạo Lớp Sao biển
Đặc điểm cấu tạo: Là nhóm động vật có cấu tạo điển hình của động vật da
gai. Hình dạng của động vật sao biển là hình sao, có đối xứng toả tròn bậc
5, gồm có 1 đĩa trung tâm và 5 hay nhiều cánh (tới 45 cánh) xếp xung
quanh.
Trên cơ thể có thể phân biệt được các đường phóng xạ là những đường đi
từ tâm đĩa ra tới tận đầu cánh tay, còn các đường gian phóng xạ là những
đường xuất phát từ tâm đĩa đi tới rìa đĩa và nằm giữa 2 cánh tay. Khi bò
trên giá thể, lỗ miệng nằm ở phía dưới, còn hậu môn ở về phía đối diện.
Sao biển di chuyển nhờ vào hệ chân ống nằm phía dưới của mỗi cánh tay.
Thành cơ thể có lớp biểu mô có tiêm mao ở ngoài cùng. Lớp mô liên kết
ở phía dưới và trong cùng là lớp biểu mô thành thể xoang. Trong lớp mô
liên kết có các tấm xương đá vôi phát triển, lúc đầu là các thể nhỏ,
sau đó là thành các tấm lớn. Bộ xương phát triển và phân vùng như
sau: Trên mỗi cánh có 2 dãy tấm chân ống ở mặt bụng xếp 2 bên rãnh
giữa của cánh. Ngoài ra còn có 2 dãy tấm kề chân ống và 2 bên mỗi tay
có các tấm bờ trên và dưới. Các tấm chân ống gắn với nhau từng đôi một
và cặp này khớp động với nhau nhờ các cơ chằng. Ở trên mặt đối miệng,
bộ xương chỉ một số tấm gắn với nhau, trong số đó có tấm sàng lớn hơn
và có màu sắc sáng hơn các tấm khác. Trên tấm sàng có các lỗ nhỏ. Trên
bề mặt của các tấm đá vôi có các gai toả ra xung quanh. Các tấm trên mặt
đối miệng sắp xếp theo kiểu mái ngói, kiểu lưới hay lát gạch tùy từng
nhóm.
Sao biển di chuyển được là nhờ hệ thống ống dẫn nước chứa đầy dịch
lỏng. Nước qua lỗ tấm sàng tập trung vào ống đá có thành là đá vôi và đổ
vào ống dẫn nước quanh miệng. Sau đó nước từ ống dẫn nước quanh
miệng toả ra 5 ống dẫn nước phóng xạ trong 5 cánh. Từ ống dẫn
nước phóng xạ này, nước lại vào các ampun và chân ống, sau đó
xuyên qua tấm chân ống để ra ngoài. Trong khi di chuyển thì Sao biển sẽ
dồn nước từ ống dẫn nước vào chân ống làm chân ống kéo dài ra, bám
vào giá thể rồi co lại để kéo cơ thể nhờ dồn nước vào ampun. Tiếp tục
chân ống rời giá thể để thực hiện một bước mới. Sao biển di chuyển rất
chậm, một phút chỉ đạt được khoảng 5 - 8cm.
Hệ tuần hoàn và xoang máu giả (gọi chung là hệ tuần hoàn giả) là một hệ
thống kín nằm ngoài hệ thống ống dẫn nước. Xoang của hệ tuần hoàn giả
là một phần của thể xoang, chứa dịch giống dịch thể xoang, có vách ngăn
thẳng đứng chạy dọc, ở giữa là hệ khe hổng làm nhiệm vụ của hệ tuần
hoàn. Vòng máu quanh miệng và vòng máu đối miệng liên hệ với nhau
nhờ vào cơ quan trục. Máu có nhiều bạch cầu và nhận chất dinh dưỡng từ
ruột đi nuôi cơ thể.
Hệ tiêu hoá: Lỗ miệng của sao biển nằm giữa mặt miệng, có môi bé và
mềm. Không có cơ quan chuyên hoá để bắt mồi hay nghiền mồi. Tiếp
theo lỗ miệng là thực quản ngắn, sau đó là dạ dày hình túi, phình to và có
nhiều nếp gấp. Sau dạ dày là ruột thẳng nối với hậu môn nằm ở mặt đối
miệng. Một số sao biển không có hậu môn nên ống tiêu hoá bịt kín tận
cùng. Sao biển còn có 5 đôi tuyến lớn nằm trong 5 cánh tiết dịch tiêu hoá
đổ vào dạ dày. Sao biển là nhóm ăn thịt, thức ăn của chúng là cá, trai, ốc.
Nếu con mồi lớn chúng sẽ lộn dạ dày ra ngoài và tiêu hoá ngoài cơ thể.
Ngoài tự nhiên, sao biển thường tập trung ở các bãi nuôi thuỷ sản nên gây
hại lớn.
Cơ quan hô hấp là mang da, là các phần lồi của da có chứa một phần thể
xoang bên trong, thường nằm trên cực đối miệng hay ở 2 bên rãnh chân
ống. Ngoài ra thành chân ống cũng là nơi trao đổi khí.
Sao biển không có hệ bài tiết riêng, các tế bào nằm trong thể xoang làm
nhiệm vụ bài tiết. Khi có thể lạ xâm nhập vào cơ thể (ví dụ khi tiêm mực
tàu vào thể xoang sao biển) thì các tế bào này bắt lấy thể lạ, sau đó
chuyển ra ngoài cơ thể qua các phần biểu mô mỏng. Cũng có khi các tế
bào này bắt thể lạ, tích lũy chúng dưới da hay nội quan, tạo thành các
vùng hạt có màu vàng. Các tế bào amip luôn được đổi mới nhờ cơ quan
trục và tuyến tideman sinh ra chúng.
Phức hợp cơ quan trục nằm giữa trục cơ thể gồm có các phần chính sau:
1) Ống đá và tấm sàng của hệ thống ống dẫn nước; 2) Cơ quan trụ trong
có mạch máu; 3) Khe hổng trụ trái và khe hổng phải của trục là các phần
của thể xoang. Khe hổng trụ trái xuất phát từ vòng quanh miệng, còn khe
hổng trụ phải có khả năng co bóp vận chuyển máu trong mạch; 4) Khe
hổng sinh dục chứa dải sinh dục, từ dải này hình thành tế bào sinh dục.
Dải sinh dục bắt đầu từ hệ trục trên cực đối miệng và mầm của tuyến sinh
dục được hình thành từ đây. Tế bào sinh dục trên dải sinh dục không phát
triển đến tận cùng.
Hệ thần kinh rất điển hình cho ngành động vật da gai, có 3 mạng thần
kinh là hệ ngoài, hệ dưới da và hệ trong. Giác quan của sao biển phát
triển kém. Cơ quan xúc giác là chân ống với 5 tua ngắn ở tận cùng 5
cánh. Ở gốc tua có mắt, cấu tạo đơn giản theo kiểu hố mắt nên chỉ có thể
phân biệt được sáng và tối. Có thể sao biển cũng nhận biết được mùi vị.
Trong thí nghiệm phá huỷ mắt, sao biển vẫn có thể bò về phía có miếng
thịt bỏ trong bể nuôi.
Sao biển phân tính, có 5 đôi tuyến sinh dục chia nhánh ở gốc tay và ống
dẫn sinh dục ngắn đổ ra giữa tay.
Sinh sản và phát triển của Huệ biển
Thụ tinh ngoài. Trứng phát triển thành ấu trùng đặc trưng là doliolaria
dạng thuỳ có 5 vành tiêm mao. Sau khi bám vào giá thể, ấu trùng
phân hoá thành dạng ấu trùng cystoid gồm có đĩa trung tâm và cuống.
Tiếp theo hình thành dạng ấu trùng pentacrinus có đối xứng toả tròn. Giai
đoạn tiếp theo ở huệ biển có cuống thì kéo dài và sống bám, còn ở huệ
biển sống tự do, tự cắt rời cuống, chuyển sang sống tự do.
Các loài huệ biển hiện sống có khoảng hơn 600 loài, trong đó có khoảng
75 loài huệ biển có cuống và 540 loài huệ biển không có cuống.
Các loài hoá thạch tới 5.000 loài, xuất hiện từ đầu kỷ Cambri và thịnh
hành đến cuối Cacbon. Một số loài có kích thước lớn, cuống dài tới 2
mét. Huệ biển có cuống xuất hiện trước, còn huệ biển không có cuống
xuất hiện muộn hơn (đầu kỷ Jura).
Ở vùng biển Việt Nam có khoảng 60 loài huệ biển. Các họ có số lượng
loài nhiều hơn là Comasteridae, Himerometridae, Mariometridae. Các
loài thường gặp là Comatula pectinata, Comathus parvicira và
Zygometra comma.
Cấu tạo cơ thể Huệ biển
Huệ biển là nhóm động vật da gai cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay, có
khoảng 5000 loài hoá thạch và hơn 600 loài hiện sống. Phần lớn
huệ biển sống bám với cuống dài, một số ít sống tự do.
Ở nhóm huệ biển sống bám thì cơ thể được chia thành 3 phần là
đế bám, cuống và cánh (gồm có đài hình đĩa và các tua dài). Đế là phần
rễ bám chắc vào giá thể. Cuống gồm có nhiều đốt khớp lại với nhau, nhờ
có hệ cơ điều khiển nên có thể cử động được. Phần đài hình đĩa, ở giữa
đáy là tấm lưng (đĩa trung tâm) từ đó xuất phát các tay. Huệ biển có 5
cánh tay phóng xạ, mỗi cánh có chia đôi nhiều lần để cho số lượng cánh
tay là bội số của 5 (10, 20, 40 ). Các tay này khớp động với đĩa trung
tâm và có thể cắt rời dễ dàng và khả năng tái sinh cao. Trên cánh tay có 2
dãy gai, giữa các cánh tay về phía trên là mặt miệng. Trên mặt miệng có
lỗ miệng, lỗ hậu môn và các rãnh phóng xạ tới các cánh tay. Ở nhóm huệ
biển sống tự do thì cấu trúc cơ thể bị mất cuống, quanh tấm lưng có nhiều
cành cong xếp phóng xạ, thoạt nhìn giống như rễ chung của cây. Hình
thái và số lượng của gai cánh, đặc điểm các tấm xương dùng để phân loại
huệ biển.
Hệ thống ống dẫn nước gồm có vòng quanh miệng và 5 ống dẫn nước
phóng xạ có nhánh tới các gai cánh. Từ vòng ống dẫn nước quanh miệng
có nhiều (hoặc 5) ống đá mảnh treo trong thể xoang. Thể xoang cũng liên
hệ với nước xung quanh nhờ vào hàng trăm lỗ nhỏ quanh miệng. Phần
này tương đương với tấm sàng của các nhóm động vật da gai khác. Di
chuyển của huệ biển chủ yếu là hoạt động của các cánh tay.
Ống tiêu hoá bắt đầu từ lỗ miệng, tới thực quản, tiếp theo là ruột
uốn cong, cuộn khúc rồi đổ ra hậu môn nằm cùng phía với miệng. Đổ vào
ruột có các tuyến phụ đó là gan. Thức ăn của huệ biển là các động vật bé,
được tập trung nhờ vào dòng nước theo các rãnh hướng về lỗ miệng. Các
gai miệng cũng góp phần vào việc bắt mồi.
Hệ tuần hoàn có vòng quanh miệng là nơi tập trung nhiều máu được gọi
là cơ quan xốp. Trên đĩa thân và thành ruột có mạch máu phát triển.
Không có hệ máu giả, thể xoang tiêu giảm chỉ còn lại một khoang 5 ngăn
xếp phóng xạ ở phía đối miệng. Thiếu hệ hô hấp và bài tiết.
Hệ thần kinh có 2 phần xếp đối xứng nhau là phần miệng (hệ ngoài) và
phần đối miệng. Phần miệng có vòng thần kinh quanh miệng, có 5 dây
phóng xạ nằm trong lớp biểu mô dưới rãnh chân ống. Dây thần kinh
phóng xạ có các nhánh đi tới các gai cánh. Chú ý vị trí của hệ thần kinh
ở biểu mô là thể hiện tính chất nguyên thuỷ của Huệ biển. Hệ thần kinh
đối miệng rất phát triển, có một khối thần kinh nằm trong xoang 5 ngăn,
từ đó có 5 dây thần kinh phóng xạ có nhánh đi tới gai cánh. Huệ biển
không có giác quan chuyên hoá.
Hệ sinh dục có cấu tạo rất đặc trưng, phân tính. Từ xoang 5 ngăn có cơ
quan trụ hướng về phía miệng và tận cùng là dải sinh dục. Tiếp theo là 5
dải tế bào của tuyến sinh dục hướng về 5 cánh. Các dải tế bào này phân
nhánh theo cánh tay và kết thúc bằng các túi trong gai cánh. Các túi này
có lớp tế bào trong hình thành nên tế bào sinh dục nên người ta coi mỗi
túi là một tuyến sinh dục. Sản phẩm sinh dục trong túi được chuyển vào
trong nước nhờ các vết nứt ở vị trí ổn định của gai cánh.