Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Động vật không xương sống ( phần 15 ) Đặc điểm cấu tạo hệ tuần hoàn docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (343.87 KB, 7 trang )

Động vật không xương sống ( phần 15 )
Đặc điểm cấu tạo hệ tuần hoàn, hệ bài tiết của giáp xác
1. Hệ tuần hoàn
Có mức độ tổ chức như sơ đồ chung của chân khớp, tuy nhiên có mối
quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của hệ hô hấp. Bộ phận chủ yếu là một
ống lưng, có phần phình có khả năng co bóp, được gọi là tim. Tim có lỗ
tim và xoang tim. Máu sau khi chảy ra khỏi tim thì chảy vào trong các
xoang hở ở các nội quan của cơ thể (hệ tuần hoàn hở).
Ở giáp xác thấp thì hệ tuần hoàn kém phát triển. Ví dụ như ở giống
Daphnia không có mang, chỉ có tim, bộ Copepoda không có hệ tuần
hoàn. Ở giáp xác cao hệ tuần hoàn phát triển, nhất là bọn Mười chân
(Decapoda). Tim của chúng hình ống hay hình túi nằm ở mặt lưng, có
xoang bao tim (đây là phần còn lại của thể xoang. Ngoài ra còn có hệ
mạch máu phức tạp chuyển máu từ tim về các cơ quan của cơ thể, về
mang rồi từ mang theo khe hổng về xoang bao tim. Máu giáp xác có thể
đông, ở giáp xác cao thì có sắc tố hemocyanin có nhân kim loại là đồng
(Cu) còn ở giáp xác thấp thì chứa hemoglobin có nhân sắt (Fe).

2. Hệ bài tiết
Là sự biến đổi của hậu đơn thận được gọi là tuyến râu và tuyến hàm, lỗ
bài tiết đổ ra ở gốc râu hay gốc hàm dưới. Ở giai đoạn ấu trùng thì có cả 2
loại tuyến, còn giai đoạn trưởng thành có thể thay đổi. Ví dụ như ở giáp
xác Nebalia và Cypridina ở giai đoạn trưởng thành có cả tuyến râu và
tuyến hàm. Nhóm Chân mang tuyến râu hoạt động ở giai đoạn ấu trùng
còn tuyến hàm lại hoạt động ở giai đoạn trưởng thành. Giáp xác cao thì
trưởng thành chỉ có tuyến râu. Mỗi tuyến cơ bản gồm một túi thể xoang
và một ống dẫn, tuy nhiên có thể phân hoá phức tạp như ở nhóm Mười
chân (có khúc cuộn, có bóng đái, có phễu thận ). Chất bài tiết là
amoniac và muối của axit uric. Giáp xác có nhiều tuyến nội tiết tham gia
vào quá trình lột xác, thay đổi màu sắc, sinh sản, điều khiển giới tính. Các
tuyến nội tiết gồm có tuyến lột xác (cơ quan Y), tuyến xoang và tuyến


sinh tinh. Tuyến lột xác điều khiển quá trình lột xác, tái sinh và sinh
trưởng. Tuyến xoang nằm ở cuống mắt cũng tham gia vào quá trình điều
khiển sự lột xác (cơ quan X), kìm hãm quá trình sinh trưởng, sinh trứng
hay thay đổi màu sắc .

Đặc điểm cấu tạo vỏ, hệ hô hấp, hệ tiêu hoá của Giáp xác
1. Vỏ cơ thể
Vỏ ngoài của giáp xác có hàm lượng chất kitin cao và tỷ lệ protein không
hoà tan cao so với prôtein hoà tan (actropodin). Do lớp epicuticun không
có lớp sáp đặc trưng nên có thể thấm nước dễ dàng. Lớp này có thể ngấm
thêm các muối can xi (cácbônat hay phốtphat) ở trạng thái không định
hình hay tinh thể nên vỏ rất cứng (tôm, cua).
Vỏ giáp của giáp xác sống nổi còn có thêm nhiều lông, gai để tăng diện
tiếp xúc với nước. Các mấu lồi trong (apoderma) của vỏ sẽ hình thành
nên bộ xương trong làm chỗ bám cho cơ điều khiển các hoạt động của
phần phụ. Giáp xác có màu sắc do các sắc tố tạo nên. Lớp sắc tố này có
thể nằm trong lớp cuticun hay trong các tế bào mang sắc tố
(chromatophore). Sắc tố chủ yếu là một hỗn hợp caroten gọi là
zooerythrin. Ở giáp xác cao còn có guanin (monôaminô –
mônôxypurin) coi như sắc tố trắng. Sắc tố cyanocristalin quyết định màu
lơ của tôm hùm, khi bị đun nóng cyanocristalin sẽ biến thành zooerythrin
có màu đỏ do vậy khi luộc hay rang của, tôm thì chúng chuyển sang màu
đỏ tươi .

2. Hệ hô hấp
Mang nằm ở các đôi chân ngực hay chân bụng, có dạng tấm hay
dạng sợi. Hoạt động hô hấp nhờ dòng nước chảy liên tục qua
mang. Ở giáp xác thấp (Copepoda, Ostracoda ) thì không có cơ quan
hô hấp riêng biệt. Do cơ thể nhỏ bé, lớp cuticun mỏng nên có thể thực
hiện trao đổi khí qua bề mặt cơ thể.

3. Hệ tiêu hoá
Hệ tiêu hoá của giáp xác phát triển và phân hoá nhiều hơn so với giun
đốt, có sự dịch chuyển của lỗ miệng về phía sau và râu I, râu II về phía
trước. Hệ tiêu hoá là một ống thẳng hay hơi cong về phía bụng, có 3 phần
là ruột trước, ruột giữa và ruột sau. Hậu môn ở mặt bụng của đốt cuối.

Phần trước của ống tiêu hoá có lát 1 lớp cuticun khá dày để nghiền thức
ăn, ở nhóm Mười chân (Decapoda) thì phát triển thành cối xay vị như ở
Tôm càng thì có 3 gờ cuticun dọc, gờ giữa lớn hơn. Ruột giữa thường đơn
giản và có tuyến gan - tụỵ. Gan có hình dạng khác nhau như hình ống ở
nhóm Copepoda và Amphipoda, dạng khối như ở nhiều nhóm khác. Chất
tiết của gan giáp xác không chỉ biến lipit thành nhũ tương (như tác dụng
của mật) mà còn biến protit thành pepton và biến tinh bột thành đường. Ở
một số giáp xác thấp ruột giữa còn có màng lót cuticun bảo vệ ruột như ở
Có móc. Ruột sau là một ống thẳng, không có tuyến phụ, một số loài như
thuộc giáp xác Bơi nghiêng (Amphipoda) ranh giới giữa ruột giữa và ruột
sau có thêm một đôi ống bịt đầu làm nhiệm vụ bài tiết (được gọi là ống
malpighi). Ruột của một số loài giáp xác ký sinh như Sacculina tiêu
giảm.
Đặc điểm phân đốt và phần phụ của Giáp xác
Phân đốt dị hình, mức độ dị hình hoá khác nhau tùy nhóm. Cơ thể chia
làm 3 phần là đầu (cephalon), ngực (thorax) và bụng (abdomen). Ở
một số giáp xác có phần đầu nhập với phần ngực tạo thành phần
đầu ngực (cephalothorax). Xét về nguồn gốc thì tất cả các giáp xác đều
có một phần đầu nguyên thuỷ (procephalon) bao gồm đốt đầu (acron) có
mang đôi râu I và đốt thân thứ nhất mang đôi râu II.
Ở một số giáp xác phần đầu nguyên thuỷ tập trung thêm 3 đốt tiếp theo
của phần thân tạo thành phần đầu phức tạp (thường gọi là "Đầu") mang 5
đôi phần phụ là 2 đôi râu (râu I và râu II), đôi hàm trên và 2 đôi hàm dưới
I, hàm dưới II. Phần thân (chia làm phần ngực và bụng) có số đốt không

giống nhau ở các nhóm giáp xác như ở tôm, cua các phần này có số đốt
cố định như có 8 đốt ngực và 7 đốt bụng .

Phần phụ đầu của giáp xác có cấu tạo hai nhánh, ở giáp xác thấp
thì cấu tạo 2 nhánh điển hình, còn ở giáp xác cao thì nhánh ngoài tiêu
giảm. Cụ thể như sau: Đôi râu I (râu trong) là phần phụ của đốt acron,
thường có một nhánh. Tuy nhiên cũng có 2 nhánh hay 3 nhánh (tôm
càng). Râu I giữ nhiệm vụ xúc giác, khứu giác có liên hệ mật thiết với
não. Râu I tương đương với xúc biện của giun đốt. Đôi râu II
(râu ngoài): Do phần phụ của đốt thân thứ nhất biến đổi thành, thường có
2 nhánh, giữ nhiệm vụ xúc giác .
Đôi hàm trên: Thường có 2 nhánh hay tiêu giảm chỉ còn lại một khối
nghiền, có thể có 1 nhánh (xúc biện) hay tiêu giảm.
Đôi hàm dưới thứ nhất cấu tạo kiểu 2 nhánh, đôi hàm dưới thứ hai giống
như đôi thứ nhất.

Miệng ở sau 2 đôi râu, hàm trên có phần gốc cứng làm nhiệm vụ nghiền
mồi.
Ngoài ra đầu giáp xác còn có đôi mắt.
Ngực gồm 8 đốt. Ở một số giáp xác, ngực kết hợp với đầu thành phần đầu
ngực, các đôi phần phụ của chúng biến đổi thành chân - hàm (có
phần gốc làm nhiệm vụ giữ và xé mồi, nhánh trong và nhánh ngoài),
năm đôi chân bò (làm nhiệm vụ chuyển vận nên nhánh ngoài tiêu biến
hẳn). Một số bọn có chân bơi biến thành cơ quan tự vệ và tấn công, giáp
xác Mười chân có thêm nhánh bên dưới dạng lá mang ở gốc chân. Mặt
trên đầu ngực có một giáp cứng bảo vệ - giáp đầu ngực là một nếp gấp
của vỏ cơ thể, phía trước có chủy đầu. Bụng có 7 đốt (trừ nhóm
Leptostraca bụng gồm có 8 đốt), thay đổi ở các nhóm khác nhau. Phần
phụ bụng của của giáp xác cao phát triển mạnh hơn giáp xác thấp, làm
nhiệm vụ bơi lội và hô hấp nữa. Ở con đực một đôi phần phụ bụng còn

phân hoá thành cơ quan giao phối còn ở con cái thì phần phụ bụng đảm
nhận việc ôm trứng trong thời gian sinh sản. Phần phụ bụng thứ 6 thường
phối hợp với đốt telson làm nhiệm vụ bánh lái khi bơi.
Ở giáp xác thấp thiếu phần phụ bụng và cuối bụng thường có chạc đuôi
(furca).

×