BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC
“C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh bàn về giáo dục”
Kính thưa quý vị đại biểu!
Thưa các đồng chí!
“Giáo dục là quá trình thống nhất của sự hình thành tinh thần và thể chất của mỗi các nhân
trong xã hội. Giáo dục là một mặt không thể tách rời của cuộc sống con người, của xã hội, nó là
một hiện tượng đặc trưng của xã hội loài người. Trong quá trình tiến hoá của nhân loại, giáo dục
xuất hiện cùng với sự xuất hiện của loài người, khi con người có quan hệ với tự nhiên bằng công
cụ và phương tiện lao động thì nhu cầu về sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm của thế hệ trước
cho thế hệ sau mới xuất hiện. Giáo dục như là một phương thức của xã hội đảm bảo việc kế
thừa văn hoá, phát triển nhân cách”[1].
Từ thực tiễn lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, C.Mác và Ph.Ăngghen rồi sau này
đến V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định: Trong cuộc đấu tranh của nước vô sản,
công tác giáo dục giữ một vị trí rất quan trọng, nó đào tạo ra những con người phục vụ cho cuộc
đấu tranh của giai cấp vô sản nhằm lật đổ giai cấp tư sản, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định tầm quan trọng của giáo dục
trong việc xây dưng một xã hội mới, đó là: “muốn thay đổi những điều kiện xã hội phải có một
chế độ giáo dục thích hợp”[2]. Vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt
trong thời kỳ đổi mới Đảng ta đã hết sức coi trọng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo và
phát triển con người, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển và khẳng
định: “cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Trong mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng nước ta, đường lối, chính sách giáo dục –
đào tạo phải được vận dụng và phát triển quan điểm của các nhà kinh điển mácxít vào hoạt động
thực tiễn. Vì vậy, việc nghiên cứu các quan điểm của chủ nghĩa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là việc làm cấp thiết trong giai đoạn đổi mới và phát triển nước ta
hiện nay.
Nghiên cứu quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh về giáo dục còn
góp phần đáp ứng những yêu cầu mới của công tác tư tưởng, lý luận. Trong công tác xây dựng,
phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận
chính trị nói riêng, việc giáo dục lý luận chủ nghĩa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
cần phải được quan tâm thường xuyên và hiệu quả hơn.
Với tinh thần đó, Lớp Cán bộ trẻ - nguồn giảng viên, nghiên cứu viên cho hệ thống Học
viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh được sự cho phép và giúp đỡ của Ban Giám
đốc Học viện, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Quản lý khoa học, Vụ Quản lý đào tạo và một số Viện
chuyên ngành, hôm nay, tổ chức Hội thảo khoa học: “C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí
Minh bàn về giáo dục”, nhằm góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu lý luân, năng lực vận dụng
lý luận vào giải quyết vấn đề thực tiễn, cung cấp những luận cứ, luận chứng khoa học cho việc
hoàn thiện đường lối, chính sách giáo dục của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là hệ thống
những tri thức sâu sắc và toàn diện về giáo dục. Khai thác nguồn di sản quý giá này cần tập
trung đi sâu vào phân tích những khía cạnh cụ thể của chỉnh thể thống nhất ấy, đó là:
Thứ nhất: về mục đích, tính chất và vai trò của giáo dục.
C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên đã nghiên cứu giáo dục một cách khoa
học. Ph.Ăngghen khẳng định: “nền công nghiệp do toàn xã hội thực hiện một cách tập thể và có
kế hoạch lại càng cần có những con người có năng lực phát triển toàn diện, đủ sức tinh thông
toàn bộ hệ thống sản xuất”[3]. Như thế, mục đích của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là: “làm cho
những thành viên trong xã hội đó có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển
toàn diện của mình”[4]. Trên tinh thần đó, các nhà kinh điển mácxít đều khẳng định mục đích của
nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là đào tạo nên những con người xã hội chủ nghĩa, những người
lao động mới có ý thức và đạo đức xã hội chủ nghĩa, có trình độ văn hoá và khoa học tiên tiến,
có kỹ năng lao động cần thiết, có óc thẩm mỹ, có sức khoẻ tốt – những con người phát triển toàn
diện.
Cùng với đó, tính chất giáo dục được quy định bởi các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội.
Tính chất giáo dục bao giờ cũng phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và các
quan sản xuất vốn có của hình thái kinh tế - xã hội. C.Mác, Ph.Ăngghen và sau này V.I.Lênin và
Hồ Chí Minh đều khẳng định tính giai cấp của nền giáo dục. Trong xã hội có giai cấp, giáo dục
trở thành công cụ quan trọng của giai cấp cầm quyền, phục vụ cho mục đích chính trị của nó: “về
giáo dục, chế độ khác thì giáo dục cũng khác”[5]. Ngoài ra, giáo dục còn mang tính phổ biến,
vĩnh hằng. Các ông cho rằng, giáo dục chỉ có ở xã hội loài người, nó là một phần không thể tách
rời của đời sống xã hội loài người, giáo dục có ở mọi thời đại, mọi thiết chế xã hội khác nhau. Do
đó, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nước ta phải thể hiện được bản chất của chế độ xã hội chủ
nghĩa, đó là tính công bằng xã hội, dân chủ, tiến bộ và khoa học trong giáo dục và đồng thời hội
nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Thông qua mục đích, tính chất của mình, giáo dục thể hiện vai trò rất quan trọng đối với sự
phát triển của xã hội loài người nói chung và đối với quốc gia dân tộc nói riêng. Các nhà sáng lập
ra chủ nghĩa Mác đều thừa nhận rằng giáo dục có vai trò quan trọng trong việc hình thành và
phát triển nhân cách cá nhân, thông qua đó giáo dục góp phần quyết định sự vận động và phát
triển xã hội. Các ông đều khẳng định: tri thức là vũ khí kỳ diệu để quần chúng tự giải phóng mình
và phát triển toàn diện mọi khả năng của mình; hơn thế nữa, tương lai của loài người hoàn toàn
phụ thuộc vào nền giáo dục thế hệ công dân đang lớn lên: “Công tác giáo dục sẽ làm cho những
người trẻ tuổi có khả năng nắm vững nhanh chóng toàn bộ hệ thống sản xuất trong thực tiễn,
làm cho họ có thể lần lượt chuyển từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất nọ tuỳ theo nhu
cầu của xã hội hoặc tuỳ theo sở thích của bản thân thân họ. Do đó, công tác giáo dục sẽ làm cho
họ thoát khỏi tình trạng một chiều mà sự phân công lao động hiện nay đang buộc mỗi một người
phải theo”[6].
Nắm bắt tinh thần của chủ nghĩa chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn
giáo dục Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nêu bật tính công bằng, dân chủ và khoa học của nền giáo
dục mới. Theo đó nền giáo dục mới này phải là nền giáo dục của nhân dân, do nhân dân và vì
nhân dân; nền giáo dục mới này phải thật sự khoa học, cách mạng và triệt để. Hơn nữa, Người
khẳng định giáo dục có vai trò to lớn cho sự vận động và phát triển của các lĩnh vực trọng yếu
trong đời sống xã hội, trong quá trình xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa: “Công cuộc
xây dựng chủ nghĩa xã hội … đòi hỏi mỗi đảng viên đều phải cố gắng học tập văn hoá, học tập
khoa học kỹ thuật”[7].
Thứ hai: về nguyên lý, phương pháp, hình thức và nội dung giáo dục.
Các nhà kinh điển mácxít thống nhất với nhau khi đề ra những nguyên lý, phương pháp,
hình thức và nội dung giáo dục. Theo đó, các ông đều khẳng định dạy học phải lấy người học
làm trung tâm; dạy học phải phát huy tối đa tính độc lập, sáng tạo và tích cực của người học;
giáo dục phải kết hợp với tự giáo dục; đa dạng hoá các hình thức trong giáo dục; học tập thường
xuyên và học tập suốt đời.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, các nhà mácxít chỉ rõ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa phải
đảm bảo học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục gắn liền với lao động, sản
xuất. Hơn nữa, nền giáo dục này phải đảm bảo sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội
trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục.
Trong đó, phương pháp giáo dục phải tổng hợp các phương pháp dạy và học. Dạy phải
đảm bảo đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp; kết hợp giữa học tập với vui chơi. Và
theo đó, phương pháp dạy học trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa phải linh động cho từng đối
tượng của người học dựa theo lứa tuổi, cấp học, bậc học của từng học sinh. Phương pháp dạy
học này hoàn trái ngược với phương pháp “nhồi sọ” của nền giáo dục phong kiến, nền giáo dục
tư bản chủ nghĩa.
Để đạt được những yêu cầu của nền giáo dục mới này, hình thức giáo dục phải được thay
đổi tương xứng. Việc dạy và học phải kết học nhuần nhuyễn cả hình thức truyền thống lẫn hình
thức hiện đại, theo đó dạy và học không chỉ diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi: học ở trường, học ở sách
vở, học tập lẫn nhau, học tập ở nhân dân, trong lao động, v.v
Trên tinh thần đó, nội dung giáo dục phải được bổ sung và hoàn thiện. Các nhà sáng lập
chủ nghĩa Mác đã đưa ra nội dung của nền giáo dục toàn diện là phải bao gồm: đức dục, trí dục,
thể dục và mỹ dục. Các ông đặc biệt quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đạo đức cách
mạng và giáo dục lý luận chính trị cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát
triển các quan điểm của chủ nghĩa Chủ nghĩa Mác - Lênin về giáo dục vào điều kiện thực tiễn
Việt Nam. Với tinh thần đó, Người khẳng định: “muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có con người
xã hội chủ nghĩa”. Muốn đạt được mục tiêu này, nội dung giáo dục phải đảm bảo tính dân tộc,
tính quần chúng và tính hiện đại. Trong đó Người đặc biệt chú trọng đến giáo dục - đào tạo cán
bộ trên cả hai mặt “đức” và “tài”, lấy “đức” làm cơ sở vững chắc cho tài năng phát triển.
Thứ ba: việc vận dụng các quan điểm của chủ nghĩa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ lãnh đạo sự nghiệp giáo dục Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam không
ngừng khai thác, vận dụng và phát triển các quan điểm của chủ nghĩa chủ nghĩa Mác - Lênin và
tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Đảng ta khẳng định “cùng với khoa học và công nghệ, giáo
dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân
tài”[8] tạo cơ sở vật chất cho nước ta phát triển nhanh và bền vững. Nhằm đáp ứng yều cầu của
sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta
chủ trương phát triển nền giáo dục khoa học, đại chúng, hướng đến xây dựng một xã hội học tập
thực thụ: “tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời”[9], đó là sự phát triển mới
trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Trên đây là một số nội dung chủ yếu mà Hội thảo tập trung khai thác từ di sản của chủ
nghĩa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Một số nội dung khác, như:
mục tiêu, bản chất của nền giáo dục xã hội xã hội chủ nghĩa; giữ vững bản chất xã hội chủ nghĩa
trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay; Hội nhập giáo dục Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện
nay như thế nào? v.v… rất mong được Hội thảo bàn luận sâu rộng trên tinh thần dân chủ, hiệu
quả.
Rất mong sự quan tâm, đóng góp ý kiến của quý vị đạo biểu. Chúc quý vị đại biểu sức
khoẻ, hạnh phúc; chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin chân thành cảm ơn!
[1] Giáo trình Giáo dục học, Nxb. Đại học sư phạm, HN. 2005, trang.14.
[2] C.Mác và Ăngghen toàn tập, tập 16, Nxb. Chính trị quốc gia, HN. 1995, trang. 771.
[3] C.Mác và Ăngghen toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, HN. 1995, trang. 474.
[4] C.Mác và Ăngghen toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, HN. 1995, trang. 475.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, HN. 2000, trang. 183.
[6] C.Mác và Ăngghen toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, HN. 1995, trang. 475.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, HN. 2000, trang. 21.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN. 1996, trang
107.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN. 2006, trang 206
- 207.