QUAN HỆ HỢP TÁC SONG PHƯƠNG VIỆT NAM – NHẬT BẢN TRONG
LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
1. Hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước:
Trong khuôn khổ hợp tác cấp nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối
hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của Nhật Bản, gồm Bộ Nội chính và Truyền
thông; Bộ Kinh tế, Thương mại Công nghiệp và Bộ trưởng Nội các Chính phủ phụ trách
về Công nghệ thông tin triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thông tin và
truyền thông, cụ thể:
Về quản lý nhà nước, Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành nhiều hoạt động trao
đổi kinh nghiệm, tham vấn hỗ trợ xây dựng chính sách như Quy hoạch phát triển ngành
công nghiệp điện tử, chế độ thuế đối với linh kiện điện - điện tử, nâng cao chất lượng
dịch vụ viễn thông, phát triển viễn thông nông thôn, phát triển dịch vụ băng rộng, triển
khai dự án Internet cộng đồng, sáng kiến Châu Á về ICT… Ngoài ra hai bên cũng đã
phối hợp tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy các hợp tác
trong lĩnh vực CNTT, phát triển Chính phủ điện tử (e-government), đẩy mạnh ứng dụng
phần mềm nguồn mở, an toàn mạng, an toàn thông tin và phát triển nguồn nhân lực…
Về hợp tác đa phương, Việt Nam và Nhật Bản luôn chia sẻ quan điểm và ủng hộ
nhau trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức quốc tế như Liên minh Viễn thông quốc
tế ( ITU), Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Liên minh Viễn thông Châu Á – Thái
dình dương (APT)… Nhật Bản cũng đã phối hợp với các nước ASEAN tổ chức nhiều
hoạt động hỗ trợ cho Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam trong công tác tổ chức Hội
nghị ASEAN TELMIN 5 tiến hành thành công vào cuối năm 2005 và Hội nghị Bộ trưởng
CNTT ASEN vào tháng 12/2006.
Về các hoạt động hợp tác viễn thông và bưu chính với MIC, Nhật Bản hiện rất sôi
động. Tuy nhiên, hợp tác nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp CNTT giữa Bộ Thông tin
và Truyền thông và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Nhật Bản còn hạn chế chưa
tương xứng với tiềm năng của 2 nước trong lĩnh vực này
2. Viện trợ, thương mại và đầu tư:
Nhật Bản hiện là nước tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong lĩnh vực thông tin và
truyền thông với những dự án lớn có tính chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng
nguồn lực và cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội trong
thời gian tới ở Việt Nam. Trong thời gian qua, hai bên đã hợp tác triển khai một số dự án
chính như sau: dự án “Xây dựng cáp quang biển đường trục Bắc Nam” với tổng số vốn
ODA là 161 triệu USD triển khai từ năm 2003; dự án “Internet phục vụ cộng đồng” với
số vốn ODA là 104 triệu USD đang trong quá trình triển khai; Dự án “Thúc đẩy Phần
mềm nguồn mở tại Việt Nam” theo hình thức hợp tác Nhà nước – Tư nhân kinh phí
300,000 USD đã triển khai từ 08/2008 – 02/2009.
Nhật Bản hiện là nước đứng đầu thế giới về phát triển ngành Công nghiệp CNTT
bao gồm công nghiệp phần cứng và công nghiệp phần mềm. Hiện đã có rất nhiều tập
đoàn CNTT của Nhật Bản mở công ty và văn phòng đại diện tại Việt Nam như Fujitsu
Vietnam, Avasys Vietnam, Vietnam Image Partner System, CS Factory, AIT (Mitani),
Ichi Corporation, NEC Solutions Vietnam, Unisys Vietnam và JV-IT.
Trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của
Việt Nam. Trong thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã định
hướng vào thị trường gia công phần mềm của Nhật Bản và đã cùng nhau thành lập Câu
lạc bộ hợp tác CNTT Việt -Nhật ( VJC). Dưới sự bảo trợ của Bộ TTTT, VJC và VINASA
từ năm 2007 đã tổ chức Ngày hội CNTT Nhật Bản hàng năm nhằm tăng cường thương
mại trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và phần cứng với Nhật Bản. Năm nay, sự kiện
đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8/2009.
3. Đào tạo nguồn nhân lực:
Nhật Bản là đối tác có đóng góp đáng kể trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của
ngành thông qua việc hỗ trợ tổ chức nhiều khoá học tập nghiên cứu. Chương trình Đào
tạo nước thứ ba của Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA trong năm 2004 – 2007
đã đào tạo về chuyên ngành viễn thông và CNTT cho 60 học viên từ các nước như Lào,
Cam-pu-chia và Myanmar, giai đoạn 2 từ năm 2009-2011 cũng đã được chấp thuận từ
phía Nhật Bản và hiện đang trong quá trình lập và thẩm định dự án. Từ năm 2002, Hiệp
hội Học bổng Kỹ thuật quốc tế (AOTS) đã tài trợ Chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối
ngắn hạn của Việt Nam tại Nhật Bản, đã có hơn 200 kỹ sư Việt Nam tham dự chương
trình này và trở thành nhân tố cầu nối cho hợp tác phần mềm giữa thị trường hai nước.
4. Triển vọng và tiềm năng hợp tác:
Nhằm phát huy quan hệ hợp tác đã đạt được trong thời gian qua và tăng cường
hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Việt
Nam và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong những nội dung sau:
- Tăng cường trao đổi chính sách quản lý về thông tin và truyền thông, cụ thể thăm
và học hỏi kinh nghiệp của Nhật Bản trong việc xây dựng Luật Bưu chính và Luật
Tần số vô tuyến điện.
- Tăng cường các hoạt động đào tạo ngắn hạn và dài hạn thông qua các chương
trình tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Đẩy mạnh hợp tác trong việc nâng cao nhận
thức và phổ cập tin học nhằm thu hẹp khoảng cách số.
- Tăng cường và tạo điều kiện hợp tác trong các dự án ODA nhằm xây dựng hạ
tầng thông tin phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Thúc
đẩy và hoàn thiện thủ tục về mô hình hợp tác Nhà nước – Tư nhân (PPP) nhằm
tận dụng nguồn lực của doanh nghiệp hai bên trong các hoạt động hợp tác giữa
hai chính phủ.
- Thúc đẩy việc thiết lập kênh thông tin giữa các tổ chức nhà nước, hiệp hội và
doanh nghiệp hai bên nhằm quảng bá hình ảnh đất nước con người, đưa các thông
tin tích cực về Việt Nam tới người dân Nhật và ngược lại.
- Duy trì mối quan hệ gần gũi và ủng hộ lẫn nhau trong các tổ chức quốc tế chuyên
ngành BCVT như ITU, APT, UPU cũng như các tổ chức kinh tế quốc tế khu vực
và thế giới như APEC, ASEM, ASEAN+3, ASEAN- Nhật Bản.