TRƯỜNG TIỂU HỌC THƯỢNG LỘ
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
ĐỀ TÀI: HIỆU TRƯỞNG VỚI CÔNG TÁC PHỐI HỢP
CÁC LỰC LƯỢNG GIÁO DỤC CỦA XÃ HỘI
PHẦN I : CƠ SỞ CHỌN ĐỀ TÀI
1/ LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI :
Trường học là một cơ quan , một tổ chức giáo dục chuyên biệt , là một môi trường rất
thuận lợi cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ em , nhưng nhà trường không phải là nơi duy
nhất đảm bảo đầy đủ quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ em . Vì ngoài tác động giáo dục của
nhà trường , trẻ còn chịu sự tác động giáo dục của gia đình và xã hội .
Vì vậy , việc phối hợp các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường trong quá trình giáo dục
trẻ là một việc làm cần thiết đối với các trường học .
Nhằm khắc phục những mâu thuẫn trong quá trình giáo dục , tạo môi trường giáo dục
đồng bộ và thống nhất giữa nhà trường – gia đình và xã hội là nguyên tắc cơ bản của công
tác giáo dục . Sự phối hợp với các lực lượng giáo dục của xã hội sẽ phát huy được thế mạnh
của giáo dục gia đình và xã hội , biến gia đình và các tổ chức xã hội thành môi trường , lực
lượng giáo dục có hiệu quả .
Với lý do đó , bước vào năm học 2008-2009 , tôi mạnh dạn đăng ký sáng kiến kinh
nghiệm của mình với đề tài “ Hiệu trưởng với công tác phối hợp các lực lượng giáo dục của
xã hội “ .
2/ CƠ SỞ LÝ LUẬN :
Phối hợp là sắp xếp công việc của từng người, từng đơn vị ăn hợp với nhau .
Phối hợp là xác lập và củng cố mối quan hệ lâu dài , thống nhất chương trình hành động
cùng thực hiện mục tiêu chung .
Các lực lượng giáo dục xã hội gồm có :
- Gia đình và hội phụ huynh.
- Các cơ quan hành pháp quản lý xã hội .
- Các đoàn thể chính trị xã hội .
- Các đơn vị , các tổ chức kinh tế xã hội .
- Các tổ chức và cá nhân tâm huyết và kinh nghiệm giáo dục trẻ .
* Gia đình luôn luôn là môi trường sống , môi trường giáo dục suốt đời của sự hình
thành , phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi người từ lúc lọt lòng cho đến lúc chết .
Gia đình tốt , thực sự là môi trường giáo dục sẽ tạo ra những dấu ấn tốt cho trẻ , tạo điều kiện
cho trẻ phát triển nhân cách tốt . Theo nhận định của UNESCO : “Gia đình là một lực lượng
giáo dục mà không có một lực lượng giáo dục nào thay thế được “ . Dù xã hội phát triển ở
hình thức nào , vai trò giáo dục của gia đình luôn luôn tồn tại .
* Hội cha mẹ học sinh là một tổ chức quần chúng , là một tổ chức xã hội có tính tự
nguyện nhằm bàn bạc thực hiện những nhiệm vụ do giáo viên chủ nhiệm , hiệu trưởng nhà
trường đặt ra . Hội giúp nhà trường , giáo viên chủ nhiệm giải quyết những khó khăn trong
quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh .
* Cơ quan hành pháp quản lý xã hội ở địa phương có các lực lượng chủ yếu là :
UBND , Công an , Xã đội v.v. . . Trong quá trình hoạt động của trường học cần phải có sự
liên kết phối hợp .
* Các đoàn thể chính trị xã hội :
+ Hội LHPN tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục ở gia đình như : Động viên hội
viên tích cực xây dựng gia đình văn hoá mới , nuôi con khoẻ dạy con ngoan , tuyên truyền
phổ biến rộng rãi nhữnh điển hình tốt của phụ nữ trong việc giáo dục con em , kế hoạch hoá
gia đình . Vì thế có vai trò vô cùng to lớn trong phong trào giáo dục , phát huy tác dụng lớn
lao trong sự nghiệp giáo dục .
+ Đoàn TNCSHCM gắn liền với sự chăm sóc giáo dục thiếu niên , nhi đồng , tạo điều
kiện cho thanh thiếu nhi học sinh trong các hoạt động thực tiển .
+ Hội CCB là những người đã trưởng thành trong công tác , trong chiến đấu , dạn dày
kinh nghiệm trong cuộc sống và rất quý mến thế hệ trẻ . Là chỗ dựa của nhà trường trong
việc vận động toàn dân tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục .
Các đơn vị , các tổ chức kinh tế - xã hội trong địa bàn xã gồm có : Các tập đoàn sản
xuất nông nghiệp , tiểu thủ công nghiệp v.v. . . có những điều kiện vật chất , tiềm năng liên
kết phối hợp với nhà trường trong một số mặt hoạt động .
Các cơ quan văn hoá , khoa học kỹ thuật , quân sự v.v… trên địa bàn gồm có : Nhà văn
hoá , Nhà truyền thống , Nhà hát , Câu lạc bộ , Thư viện , Các đơn vị quân đội , Trạm trại kỹ
thuật v.v. . . Cùng với nhà trường phối hợp , liên kết giáo dục , giúp nhà trường về tài chính ,
vật tư v.v. . . góp phần xây dựng cơ sở vật chất của trường
Các tổ chức khác như : Hội khuyến học , Hội đồng hương , Hội bảo trợ , với các tổ
chức và cá nhân có tâm huyết và kinh nghiệm giáo dục trẻ .
Tóm lại , trên cơ sở nhận thức đầy đủ những tiềm năng các lực lượng giáo dục của xã
hội , hiệu trưởng nhà trường cần chủ động liên kết với các cơ quan , đoàn thể , các tổ chức xã
hội v.v. . . nhằm phối hợp xây dựng được kế hoạch công tác , cùng chăm lo xây dựng sự
nghiệp giáo dục trên địa bàn . tuỳ theo tình hình cụ thể của địa phương mà mỗi trường học
có biện pháp thích hợp để huy động được các lực lượng tổng hợp trên toàn xã hội vào việc
cùng chăm lo công tác giáo dục trẻ .
3/ CƠ SỞ THỰC TIỂN :
Tình hình thực trạng công tác phối hợp với các lực lượng giáo dục của xã hội tại trường
tiểu học thượng lộ trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực , bước đầu đã huy
động được tiềm năng , nguồn lực của địa phương để tăng cường cơ sở vật chất . Mạng lưới
trường lớp phát triển khá , hệ thống giáo dục ngày càng hoàn chỉnh , xã đã được công nhận
đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập tiểu học từ năm 1996 , góp phần nâng cao chất
lượng giáo dục , nâng cao dân trí ở địa phương
Tuy nhiên , việc thực hiện đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng giáo dục của xã
hội còn chậm so với chỉ tiêu định hướng của nghị quyết 90 , mức độ nhận thức và khả năng
thực hiện không đồng đều giữa các lực lượng giáo dục của xã hội .
Nhìn chung , mạng lưới trường lớp , học sinh các xã định canh định cư nói chung và học
sinh trường tiểu học Thượng Lộ nói riêng có phát triển nhưng còn chậm so với yêu cầu
chung và đặc biệt so với các trường kinh tế mới , thực hiện về công tác phối hợp với các lực
lượng giáo dục của xã hội chưa được quan tâm đúng mức , cơ sở vật chất trang thiết bị chưa
đầy đủ để đảm bảo chất lượng dạy và học , ngôn ngữ bất đồng giữa giáo viên và học sinh
cũng dẫn đến chất lượng học tập của học sinh bị hạn chế .
Nguyên nhân của những hạn chế là do sự phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng xã
hội trong từng cộng đồng cụm dân cư chưa được tổ chức và phối hợp tốt để chủ động , tích
cực tham gia .
PHẦN II/ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN :
Các biện pháp cơ bản để thực hiện sự phối hợp giữa nhà trường và các lực lượng giáo
dục xã hội có hiệu quả :
1/ Nhà trường thể hiện được vai trò chủ đạo :
+Hiệu trưởng phải làm chủ đội ngũ CBGV , nhận thức được tầm quan trọng và vai trò
chủ đạo của trường trong công tác phối hợp giữa nhà trường và các lực lượng giáo dục của
xã hội .
+Xây dựng được một đội ngũ giáo viên có khả năng trang bị tri thức khoa học giáo dục
cho các lực lượng giáo dục .
Hình thức : Qua hội nghị , các cuộc họp phụ huynh , gặp gỡ tiếp xúc . . .
+Nhà trường là người đi đầu đề xuất các vấn đề phối hợp , liên kết với các lực lượng
giáo dục .
+Hiệu trưởng phải xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, mối quan hệ đồng chí, gần gũi, thân
ái giữa nhà trường với lãnh đạo địa phương là các lực lượng giáo dục .
2/ Hiệu trưởng và các thành viên cốt cán trong trường phải có khả năng tham mưu
tốt cho cấp uỷ , chính quyền địa phương .
+Phải làm cho cấp uỷ , chính quyền địa phương nhận thức được tầm quan trọng của
việc phối hợp các lực lượng giáo dục . Các lực lượng giáo dục của Nhà nước , các tổ chức xã
hội ở ngoài nhà trường cũng thuộc chức năng giáo dục của xã hội .
+Thông qua cấp uỷ , chính quyền mà thông suốt nhận thức trên đến các cơ quan ban
ngành trong phạm vi quản lý của địa phương .
+Tham mưu cho cấp uỷ , Chính quyền thành lập và điều hành hoạt động của Hội giáo dục xã
( Theo quyết định 1755/QĐ ngày 09/12/1981 ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội
giáo dục các cấp ) .
Theo quyết định 124/CP ngày 11/3/1981 của Hội đồng Bộ trưởng , nay là Chính phủ , Hội
đồng giáo dục các cấp đã được thành lập gồm đại diện Đảng , Chính quyền , ngành giáo
dục , Hội CMHS , đại diện các đoàn thể và một số nhà hoạt động xã hội trên toàn địa bàn có
quan tâm và am hiểu đến sự nghiệp giáo dục .
Hội đồng giáo dục góp ý với chính quyền ngang cấp về các chính sách , việc tổ chức hoạt
động giáo dục , việc huy động và sử dụng hợp lý các lực lượng xã hội để phát triển sự nghiệp
giáo dục địa phương và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục .
3/ Lập kế hoạch , chương trình phối hợp hoạt động :
Để có thể làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng xã hội trong giáo dục , mỗi trường
cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch , chương trình hoạt động .
Để lập kế hoạch hoạt động có kết quả , người hiệu trưởng cần phải nắm chắc và xử lý
các thông tin sau :
a/ Các mục tiêu , nhiệm vụ và kế hoạch công tác của toàn trường .
b/ Các đặc điểm của học sinh , những truyền thống tập thể đã có , những tiềm năng
thuận lợi , khó khăn .
c/ Điều kiện , đặc điểm của các lực lượng xã hội , khả năng của họ có thể huy động ,
chức năng nhiệm vụ lâu dài và trước mắt họ cần phải đạt .
d/ Đặc điểm của địa bàn dân cư , tình hình kinh tế xã hội ở địa phương .
4/ Phối hợp giữa nhà trường , gia đình , hội CMHS :
a/ Tuyên truyền phổ biến về kiến thức cho cha mẹ học sinh :
+Nội dung :
- Trách nhiệm và nghĩa vụ bậc cha mẹ .
- Những kiến thức về tâm lý lứa tuổi .
- Vai trò giáo dục của gia đình .
- Các phương pháp giáo dục đạo đức , kèm trẻ học ở nhà .
+ Hình thức tiến hành :
- Trong buổi họp phụ huynh .
- Khi tiếp xúc .
- Kết hợp với Hội LHPN trong các dịp 8/3 , ngày thành lập Hội . . .
- In ấn tài liệu phổ biến .
b/ Xây dựng BCH Hội CMHS hoạt động tốt theo Điều lệ của Hội và đặc điểm của
trường :
- Tổ chức tốt Đại hội phụ huynh các cấp từng năm .
- Tổ chức tốt các cuộc họp định kỳ: Thống nhất nội dung, phương thức hoạt động .
- Tổ chức cơ cấu BCH Hội gọn nhẹ , hoạt động có hiệu quả .
c/ Xây dựng cơ chế liên kết giữa nhà trường và Hội phụ huynh , cha mẹ học sinh:
- Giáo viên chủ nhiệm thăm hỏi trực tiếp gia đình học sinh .
- Cha mẹ học sinh đến trường theo định kỳ và đột xuất .
- Sử dụng tốt , có hiệu quả sổ liên lạc .
- BCH Hội CMHS tham gia một số hoạt động của trường .
5/ Phối hợp giáo dục giũa nhà trường và các lực lượng xã hội :
a/ Xây dựng bộ máy chỉ đạo phối hợp của mỗi bên :
- Hai bên , phía nhà trường và phía tổ chức của lực lượng xã hội phải phân công , bố trí
bộ phận , cá nhân phới hợp , theo dõi thực hiện kế hoạch . Trong quá trình phối hợp , hiệu
trưởng không thể đứng ra làm tất cả với cơ quan hữu quan , mà phải có sự phân công hợp lý .
Ví dụ : Chi đoàn trường có thể trực tiếp làm việc với Đoàn xã . Ban nữ công làm việc trực
tiếp với Hội phụ nữ xã . . .
- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên của các lực lượng xã hội với trường :
Yêu cầu của mạng lưới cộng tác viên :
+ Thường xuyên trao đổi với nhà trường về những thông tin liên quan đến giáo dục .
+ Nhiệt tình , sẵn sàng làm hậu thuẫn cho trường , biết cách vận động tổ chức của mình
tham gia giáo dục .
+ Có sự hiểu biết cần thiết về giáo dục , có uy tín đối với mọi người .
b/ Tổ chức ký hợp đồng trách nhiệm nếu cần thiết :
- Giữa trường và Đoàn xã về công tác chăm sóc thiếu nhi .
- Giữa trường và cơ sở sản xuất để tham gia quá trình giáo dục lao động hướng nghiệp . . .
c/ Có thể tổ chức kết nghĩa đỡ đầu nhà trường :
- Kết nghĩa số đơn vị quân đội , cơ quan xí nghiệp .
d/ Trường tham gia họp giao ban ở xã :
Đây là dịp để hiệu trưởng trình bày kế hoạch , tác động các đối tượng trong lực lượng xã
hội , kiến nghị các vấn đề giáo dục với UBND và các ban ngành ở địa phương .
e/ Thực hiện công khai dân chủ trong quan hệ tay đôi :
Quan hệ giữa hiệu trưởng , phó hiệu trưởng với các tổ chức , cơ quan phối hợp là quan hệ
trong sáng , vì lợi ích chung . Không được lợi dụng danh nghĩa tập thể để thực hiện lợi ích ,
ý đồ cá nhân .
PHẦN III : KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1/ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC :
Trường tiểu học Thượng Lộ là một trường thuộc xã định canh , định cư của huyện Nam
Đông , cách trung tâm huyện 06 km về phía Tây Nam , 100% đồng bào là dân tộc Cơ Tu .
Từ khi được thành lập đến nay , mặc dù gặp không ít khó khăn ở một xã kinh tế xã hội phát
triển chậm , song với sự quan tâm của cáp uỷ Đảng , Chính quyền địa phương , đặc biệt sự
chỉ đạo kịp thời , sát sao của PGD huyện , cùng với sự nỗ lực của cả thầy và trò . Trường tiểu
học Thượng Lộ dã đạt được những kết quả đáng ghi nhận , góp phần vào sự nghiệp giáo dục
của huyện nhà nói chung và xã Thượng Lộ nói riêng .
Trong những năm qua , cùng với thời gian , quy mô cũng như chất lượng giáo dục , đào
tạo của trường tiểu học Thượng Lộ được nâng lên không ngừng . Toàn xã đã đạt chuẩn quốc
gia về xáo mù chữ và phổ cập tiểu học . xã đã hoàn thành phổ cập THCS .
Đội ngũ giáo viên và CBQL luôn phát huy tinh thần đoàn kết , nhiệt tình hăng hái tham
gia tích cực các phong trào thi đua như như phong trào thi đua “ Dạy tốt - Học tốt “ , phong
trào thao giảng dự giờ , CBQL và giáo viên luôn được cũng cố , kiện toàn , tăng cường theo
hướng chuẩn hoá , đồng bộ hoá . Công tác bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên được thực hiện
thường xuyên . Đến nay trường có 13 CBGV , trong đó : 02 CBQL và 04 GV có trình độ Đại
học ; 04GV có trình độ Cao đẵng ; đang theo học Đại học từ xa 04 GV . 100% CBQL, GV
đạt chuẩn và 100% CBQL,GV của trường đều yêu nghề , có tinh thần trách nhiệm cao ,
không ngừng phấn đấu , thi đua dạy tốt , học tốt . Trong những năm qua trường có 02 GV
đạt GVGiỏi cấp tỉnh , 04 GV đạt GVGiỏi cấp huyện , 06 GV đạt GVGiỏi cấp trường . Trật tự
, kỷ cương trường học và môi trường sư phạm đảm bảo , đặc biệt không có các tệ nạn xã hội
xâm nhập vào trường học . Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học không ngừng được phát triển ,
hệ thống trường học được kiên cố hoá , hiện tại trường đang được xây dựng với 08 phòng
học , 2 tầng đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân . Hiện tại
trường có 129 học sinh với 05 lớp , có đủ phòng học , bàn ghế được trang bị đầy đủ . Chất
lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng cao . 80% lớp học 2 buổi / ngày .
98,7% học sinh được lên lớp hằng năm . 42% học sinh khá giỏi , 56,7% học sinh trung bình ,
100% học sinh có hạnh kiểm tốt . Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và hoàn thành chương trình tiểu
học hằng năm đạt 100% . Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện vừa qua có 03 học sinh được
công nhận học sinh giỏi cấp huyện . Không có học sinh bỏ học giữa chừng .
Bên cạnh đó , công tác phối hợp với các lực lượng giáo dục của xã hội trong quá trình
giáo dục trẻ là một việc làm cần thiết đối với trường học . Được các lực lượng giáo dục xã
hội của xã coi trọng và phối hợp chặt chẽ với nhà trường , phát huy được thế mạnh của giáo
dục gia đình và xã hội , biến gia đình và các tổ chức xã hội thành môi trường , lực lượng giáo
dục có hiệu quả .
Nhà trường đã phối hợp tích cực với gia đình , Hội CMHS , các đoàn thể chính trị xã hội
của xã . Đã huy động học sinh ra lớp đạt tỷ lệ 100% hằng năm . Huy động các nguồn lực cho
xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học , cụ thể : Mua bình lọc nước uống
cho học sinh , 145 ghế nhựa cho học sinh ngồi khi sơ kết , tổng kết ở sân trường . 10 cây
tùng bút , bồn hoa , 08 ghế đá để học sinh ngồi ôn bài , trao đổi kinh nghiệm học tập hoặc
ngồi đọc sách dưới những tán cây bóng mát ở sân trường .
Nhà trường cũng rất quan tâm trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền
thống của đồng bào dân tộc thiểu số như trang phục dân tộc cho học sinh mặc trong các ngày
chào cờ hằng tuần , khai giảng , sơ kết , tổng kết , các ngày lễ , thao giảng dự giờ v.v. . . hằng
năm của trường .
Hiện tại 100% học sinh có trang phục truyền thống CơTu đồng phục rất đẹp .
Trong học kỳ I năm học 2008-2009 này Hội CMHS đã vận động được phụ huynh mua
sắm 01 máy ảnh cho nhà trường trị giá 3,3 triệu đồng .
Nhờ tích cực chủ động , liên kết với Hội JASS của Nhật Bản . Trong năm học này đã
được Hội JASS tài trợ học bổng JENKIO CHIBA và KITAGAKI cho 100% học sinh toàn
trường với tổng số tiền là : 69.120.000 đồng . Tất cả sự đóng góp của các lực lượng giáo dục
của xã hội , nhà trường luôn thực hiện công khai dân chủ trong hội đồng sư phạm nhà trường
và Hội CMHS cùng Đảng uỷ , Chính quyền địa phương .
Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của thầy và trò . Liên tục từ năm 2004-2005 đến
nay 2008-2009 . Trường tiểu học Thượng Lộ đều đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp
huyện , được UBND huyện tặng giấy khen , có 01 GV được nhận bằng khen của BGD , có
02 GV được nhận bằng khen của UBND Tỉnh và SGD . Có 05 GV được nhận giấy khen của
UBND Huyện và PGD . Nhà trường đã tham gia tích cực các phong trào thi đua do PGD
huyện tổ chức phát động và từng đạt nhiều giải toàn đoàn .
Phát huy những thành tích đã đạt được , trong thời gian tới , thầy và trò trường tiểu học
Thượng Lộ đang nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng giáo dục
của xã hội . Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục , phấn đấu không có học sinh vi phạm các
tệ nạn xã hội . Hiện nay , thầy và trò trường tiểu học Thượng Lộ đang nỗ lực phấn đấu để
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2008-2009 , tạo tiền đề cho những năm học tiếp
theo , góp phần tích cực vì sự nghiệp trồng người của địa phương , góp phần xứng đáng
huyện anh hùng trong thời kỳ đổi mới .
2/ BÀI HỌC KINH NGHIỆM :
Xuất phát từ thực tiễn , trong quá trình thực hiện công tác phối hợp với các lực lượng
giáo dục của xã hội tại trường tiểu học Thượng Lộ trong những năm qua . Chúng ta có thể
rút ra những bài học kinh nghiệm như sau :
1/ Nhà trường phải thường xuyên quán triệt , vận dụng sáng tạo các chủ trương , Chính
sách của Đảng , Nhà nước về công tác phối hợp với các lực lượng giáo dục của xã hội vào
thực tiễn của trường , của địa phương . Luôn giữ gìn , phát huy đoàn kết , thống nhất trong
CBQL , GV và trong nhân dân về nhận thức , đồng thuận trong hành động . Đó là bài học
của cả quá trình phấn đấu vượt qua thử thách , phát huy sức mạnh đoàn kết trong nội bộ
CBQL ,GV sẽ lan toả trong các lực lượng giáo dục của xã hội , phát huy dân chủ trong bàn
bạc , công khai minh bạch trong đầu tư .
2/ Nâng cao vai trò lãnh đạo của Chi bộ , của Công đoàn nhà trường , BGH . Thường
xuyên đổi mới nội dung , phương thức hoạt động , đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền
về công tác phối hợp với các lực lượng giáo dục của xã hội , thực hiện đầy đủ quy chế dân
chủ ở nhà trường , dựa vào Cấp uỷ Đảng , Chính quyền và Hội CMHS ở địa phương , đồng
thời phát huy vai trò chủ động sáng tạo của CBQL nhà trường . Phải xuất phát từ thực tiễn
của trường để tham mưu đề xuất với Chính quyền địa phương . Đó là cơ sở để làm tốt công
tác phối hợp với các lực lượng giáo dục của xã hội của trường tiểu học Thượng Lộ .
3/ Phải thực hiện phương thức lãnh đạo , quản lý và phong cách làm việc sâu sát , cụ
thể , đồng bộ , kiên quyết theo phương châm “ Nói đi đôi với làm “ . Trong chỉ đạo tuyên
truyền đối với người dân phải kiên trì , nhẫn nại , thuyết phục thấu tình đạt lý để cho người
dân hiểu về chủ trương của Đảng , Nhà nước trong việc thực hiện công tác phối hợp với các
lực lượng giáo dục của xã hội . Mọi CBQL , GV của trường phải luôn gần gũi , xây dựng
mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các lực lượng giáo dục của xã hội ở địa phương . Quan hệ
giữa hiệu trưởng , phó hiệu trưởng với các tổ chức , cơ quan phối hợp là quan hệ trong sáng ,
vì lợi ích chung chung , không được lợi dụng danh nghĩa tập thể để thực hiện lợi ích , ý đồ cá
nhân .
PHẦN IV: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.
1/ KẾT LUẬN:
Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các lực lượng xã hội nhằm thực hiện
mục tiêu giáo dục là vấn đề thuộc về đường lối , về khoa học giáo dục , khoa học quản lý , là
một vấn đề cơ bản nhưng rất khó khăn phức tạp .
Vì thế , muốn tiến hành tốt việc liên kết phối hợp nhà trường phải giữ vai trò chủ đạo ,
điều khiễn những mối quan hệ này . Những biện pháp có tính đơn phương của nhà trường ,
hoặc hành chính đơn thuần sẽ không tạo được sự liên kết phối hợp giáo dục . Nhà quản lý
giáo dục phải bằng phương pháp kiên trì thuyết phục và sự khéo léo sư phạm mới mang lại
hiệu quả trong công tác này .
2/ KIẾN NGHỊ:
Để công tác giáo dục ngày càng đi vào thực chất hơn . Cần phải có sự quan tâm chỉ đạo
của cấp uỷ Đảng , Chính quyền địa phương và mặt trận đoàn thể , Hội CMHS trong việc vận
động , tuyên truyền , tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học sinh .
Đề nghị các chi bộ , các thôn trưởng và cha mẹ học sinh cần quan tâm xây dựng góc
học tập của các em học sinh tại nhà .
Đề nghị PGD&ĐT huyện hằng năm nên tổ chức cho giáo viên , cán bộ quản lý được
giao lưu trao đổi học tập kinh nghiệm ở những trường làm tốt ./.
Thượng Lộ , ngày tháng năm 2009.
Người viết
Nhận xét xếp loại của BGH :
Phạm Thị Sen
Nhận xét xếp loại của PGD :