CA TRÙ
(DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ)
Ca trù có nhiều tên gọi, tuỳ từng địa phương, từng thời điểm mà hát ca trù còn
gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò
và hát ca công. Đây là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý
nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục,
tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.
Ca trù đã được Hội đồng thẩm định di sản của UNESCO đánh giá như sau:
Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay, được biểu
diễn trong không gian văn hóa đa dạng gắn liền, ở nhiều giai đoạn lịch sử khác
nhau. Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc và sự kế tục trong nghệ thuật biểu
diễn, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông
qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng
có quan hệ mật thiết, tạo nên nét đặc trưng cho ca trù. Mặc dù trải qua nhiều
biến động lịch sử, xã hội nhưng ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị nghệ
thuật của nó đối với văn hóa Việt Nam.
Ca trù độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt.
Theo các nghệ nhân dân gian, ca trù có 56 thể thức hoặc giai điệu khác nhau,
mỗi loại này được gọi là thể cách. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu như thể ca sĩ
nắn nót, trau chuốt từng chữ. Nhạc cụ được tinh giản với sự tương phản âm sắc
đã làm tôn vẻ đẹp của từng thành phần tham gia hoà tấu.
Tham gia biểu diễn ca trù có ít nhất 3 người:
- Một ca sĩ luôn là nữ (gọi là "đào" hay "ca nương") hát theo lối nói và gõ phách
lấy nhịp (phách là một nhạc cụ làm bằng gỗ hoặc tre, được gõ bằng 2 que).
- Một nhạc công nam giới (gọi là "kép") đệm đàn đáy cho người hát. Đán đáy là
một loại đàn cổ, dài, với 3 sợi dây tơ và 10 phím đàn.
- Ngoài ra, còn có một người chơi trống hoặc đánh trống chầu (gọi là "quan
viên", thường là tác giả bài hát). Sự tán thưởng mà "quan viên" dành cho người
hát, hoặc bài hát được biểu lộ qua cách đánh trống. "Quan viên" đánh vào thành
trống nhiều lần biểu lộ chỗ đắc ý. Nếu không hài lòng với người hát, "quan viên"
đánh hai nhịp trống.
Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên.
Không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ và sự tham gia từ phía
khán giả là rất cần thiết.
Hát ca trù là nghệ thuật hát thơ, có một hệ bài bản phong phú quy định cho từng
lối hát thờ, hát chơi và hát thi. Lời lẽ, ca từ của ca trù mang tính uyên bác, ít lời
mà nhiều nghĩa, giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc, trầm ngâm, sâu lắng. Ca
trù có đủ các thể loại từ trữ tình lãng mạn đến sử thi anh hùng, triết lý giáo
huấn… đã thu hút sự tham gia sáng tác, thể nghiệm tài năng của nhiều văn sĩ và
trí thức. Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự
biểu hiện tinh tế của các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ
phách mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, đến giữa năm 2009 có 63 câu lạc bộ với
khoảng 769 người (bao gồm 513 đào nương và 256 kép đàn và người đánh
trống chầu) ở 14 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải
Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà
Tĩnh, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh) trên cả nước có hoạt động thường xuyên
và có kế hoạch luyện tập truyền nghề ca trù. Tuy nhiên, số nghệ nhân có thể hát
được từ 10 làn điệu trở lên là rất hiếm. Tại Viện Âm nhạc hiện đã lưu trữ được 7
điệu múa ca trù và 42 bài bản ca trù. Các văn bản Hán Nôm về ca trù là 26 bản
và khoảng 25 cuốn sách về ca trù.
Ca trù được công nhận là đã có đóng góp lớn vào văn hóa Việt Nam. Từ ca trù,
một thể thơ độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá trong dòng văn học chữ
Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ hát nói, được ưa chuộng qua nhiều thế kỷ. Ngoài
ra, đàn Đáy và Phách đã trở thành những nhạc khí đặc trưng của ca trù, góp
phần đưa ca trù trở nên một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam. Với bề
dày của lịch sử, chiều sâu của nghệ thuật và mang bản sắc dân tộc rõ rệt ca trù
đã khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.
Với sự đồng thuận, tự nguyện và hiểu biết đầy đủ của các cộng đồng hát ca trù,
cùng với các kế hoạch hành động, trách nhiệm, cam kết, ủng hộ và hỗ trợ của
các cơ quan nhà nước đối với việc bảo vệ di sản đã góp phần đảm bảo sức
sống của ca trù. Và với những đặc tính ưu việt, sau bốn năm chờ đợi, kể từ khi
Chính phủ cho quyết định đệ trình UNESCO xét duyệt, ca trù của Việt Nam đã
được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn
cấp vào ngày 1/10/2009 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.
ĐỊA CHỈ THƯỞNG THỨC HÁT CA TRÙ:
Hà Nội:
- Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê (Địa chỉ: xã Liên Hà; Đông Anh, Hà Nội)
- CLB Ca trù Thăng Long (Địa chỉ: số 40 ngõ 32, Khương Trung, Thanh Xuân,
Hà Nội)
- CLB Ca trù thôn Chanh (Địa chỉ: xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội)
- CLB Ca trù Bích Câu (Địa chỉ: 14 phố Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội).
Ninh Bình:
- Câu lạc bộ Ca trù đền thờ Nguyễn Công Trứ
- CLB Ca trù Cố Viên Lầu
Hà Tĩnh:
- Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ
- CLB Ca trù Cổ Đạm