Chỉ số EQ và vấn đề giáo dục nhân cách
Trí tuệ có đại diện cho nhân cách? Cốt lõi của việc giáo dục
nhân cách?
Trong sự phát triển tâm lý học ở cả phương Tây và phương Đông,
một thời gian rất dài người ta đề cao trí tuệ đến mức xem tài trí
như là cốt lõi của nhân cách. Các nhà tuyển dụng trước đây chỉ
lấy IQ (Intelligece Quotient - chỉ số thông minh) làm thước đo giá
trị cá nhân. Với cách nhìn như thế, suốt hơn một thế kỷ vừa qua,
ngay các nước tự xưng là "văn minh" vẫn coi chỉ số IQ bậc cao là
ưu thế tuyệt đối, là yếu tố duy nhất để thành nhân và thành
công.
Sai lầm đó mãi đến cuối thế kỷ 20 mới được phản tỉnh, khi mà
các mạng tuyền thông Internet với những cấu trúc dữ liệu tối mật
của nhiều quốc gia bị đánh cắp hoặc bị quấy rối bởi những "tin
tặc" có chỉ số IQ siêu đẳng! Loài người còn phản tỉnh nhiều hơn
(dù muộn màng) khi người ta thấy mạng lưới tội phạm quốc tế
ngày càng đông, với những tên trùm mafia vừa cực kỳ thông
minh lại cũng cực kỳ gian ác! Thì ra nếu chỉ đo lường nhân cách
theo chỉ số IQ, ta không thể rạch ròi được hai loại người: thiện -
ác; tốt - xấu; hữu ích - có ích. Thật nguy hiểm nếu kẻ ác lại có
chỉ số IQ bậc cao!
Thực tế đã chứng minh: nhiều người rất thông minh mà thuộc
loại đục khoét, quấy nhiễu có hại cho cộng đồng và xã hội.
Ngạn ngữ Italia đã có câu: "Không phải đằng sau sự thông minh
bao giờ cũng có một nhân cách cao cả". Giá trị bản thân/ giá trị
cá nhân được xác định chủ yếu bằng một đại lượng khác, dùng
một thước đo khác căn bản hơn, nhân bản hơn. Có ích - không có
ích đối với công việc và đối với cộng đồng trước hết xuất phát từ
hệ thống cảm xúc của cá nhân trong mối quan hệ giữa lợi ích cá
nhân và lợi ích cộng đồng.
Chỉ số EQ & nhân cách
EQ là viết tắt của cụm từ "Emotional Quotient" - chỉ số cảm xúc.
Những người có công trong nghiên cứu chẩn đoán và đưa ra chỉ
số EQ là hai nhà tâm lý học: Peter Salovey ở ĐH Yale và John
Mayer ở ĐH New Hampshine (Mỹ) năm 1996. Nhưng trước đó
một năm (1995), trong cuốn sách của mình (với đề tựa
Emotional intelligence), nhà tâm lý học Daniel Goleman đã đề
cập đến chỉ số cảm xúc trong lĩnh vực trí tuệ, còn gọi là sự thông
minh của tâm hồn hoặc thông minh trong cảm xúc.
Trên thực tế, ta thấy có nhiều người không thông minh về chữ
nghĩa, về khoa học nhưng họ ứng xử rất nhân bản, rất được lòng
người. Họ không được rèn luyện nhiều về tư duy, nhưng họ đã tự
rèn luyện nhiều về cảm xúc theo hướng chân - thiện - mỹ. Nhờ
vậy họ vẫn thành công, ít nhất là thành công trong sự chinh phục
nhân tâm, đó lại là sự thành công cơ bản nhất. Một sự rèn luyện
mà được như thế có gốc gác từ giáo dục gia đình từ thuở ban sơ,
từ thời còn nhỏ.
Hai nhà tâm lý học Peter Salovey và John Mayer đã bỏ ra 15 năm
liên tục theo dõi một nhóm trẻ 10 em sống trong những môi
trường giáo dục khác nhau (đặc biệt là môi trường gia đình).
Thoạt đầu, lúc nhóm trẻ đó ở lứa tuổi lên 4, hai ông đưa từng em
vào một căn phòng hấp dẫn với nhiều hoa quả tươi ngon và dặn:
hãy ngồi chờ 20 phút sau mới cho ăn thả cửa, còn không thì sau
20 phút chỉ cho ăn một trái nhỏ mà thôi. Nói xong hai ông ra
ngoài, để các em được tự do.
Ngay sau khi rời khỏi phòng, nhờ hệ thống camera gắn sẵn ở mỗi
phòng, họ thấy 4/10 em luôn dán mắt vào trái cây, nuốt nước
miếng liên tục, chỉ sau hơn 5 phút đã vội lấy 2-3 trái ăn ngầu
nghiến. 3/10 em khác chỉ chờ được 10 phút cũng không nhịn nổi,
ăn luôn. 1/10 em chờ đến phút thứ 17 rồi cũng ăn. Còn lại 2/10
em hoặc ngó lơ (không nhìn vào trái cây) rồi nghêu ngao vài câu
hát, hoặc gục đầu xuống bàn rồi thiếp ngủ, không ăn.
Tiếp tục theo dõi sự lớn lên của 10 em đó sau 15 năm (đến tuổi
19), các nhà tâm lý học ấy thấy rằng chỉ có hai em nói trên trở
thành những công dân vững vàng và chín chắn trong cảm xúc, tự
tin và thành đạt trong học tâp. Những em khác, nhất là bốn em
đã không tự kiềm chế nổi cảm xúc ngay từ đầu, trở nên "có nhiều
khuyết tật" về tâm hồn: sống ích kỷ, giàu lòng tham, ngại thử
thách, cứng đầu, thích nổi loại, mau chán nản, khó tự tin đến
mức khó thích ứng với công việc và khó hoà nhập với cuộc sống.
Cuộc khảo sát trên đây cho thấy những biến đổi tâm lý của mỗi
cá nhân (và kéo theo là sự hình thành nhân cách) thường xoay
quanh "trục" cảm xúc. Và trên thực tế, trục cảm xúc ấy ảnh
hưởng trực tiếp và lâu dài đến nhân cách và chất lượng sống của
cá nhân đó. Nếu trục cảm xúc luôn được điều chỉnh và cải thiện
để liên tục được "nâng cấp" theo hướng nhân bản, thì mọi cơ chế
hoạt động của người đó sẽ được hoàn chỉnh dần trên con đường
thành nhân và thành công. Chính sự "nâng cấp ấy đã làm tăng
trưởng nhân cách, cũng góp phần tăng trưởng cả IQ và EQ.
Làm sao để nâng cao chỉ số EQ?
Khi đo (hay tự đo) chỉ số EQ, vấn đề đáng quan tâm không chỉ là
xác định được chỉ số EQ của ai đó đang ở vị trí cao hay thấp, mà
chủ yếu là tự bản thân mỗi người dần có một nhu cầu tự cải thiện
và nâng cao chỉ số đó lên.
Dưới đây là tóm tắt những giải pháp tâm lý được tổng hợp thành
"4 không":
1. Không chạy theo nhũng cảm xúc thấp kém.
2. Không lệ thuộc vào cảm xúc của người khác.
3. Không lấy nhận thức cảm tính làm cơ sở cho việc lựa chọn cảm
xúc.
4. Không lấy thành tích danh nghĩa làm thước đo cho sự đánh giá
cảm xúc.
Ở các nước phát triển cao, việc nghiên cứu chỉ số EQ cho phép
các công ty tuyển dụng được người có "căn bản" (hơn là chỉ có
tay nghề). Họ sẽ loại người có IQ cao mà EQ thấp, để giữ lại
người IQ và EQ đều cao. Việc đề bạt và tưởng thưởng cũng thế.
Họ quan niệm chỉ số EQ cao cũng là một dạng thông minh đặc
biệt. "Nếu IQ là chỉ số đặc trưng cho sự thông minh trí tuệ thì EQ
được coi là chỉ số đặc trưng cho sự thông minh tâm hồn" (Peter
Salovey).