Tải bản đầy đủ (.pdf) (202 trang)

Pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.66 MB, 202 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
LƯU NGỌC TỐ TÂM
PHÁP LUẬT
KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN
TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI Ở VIỆT NAM
CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ
MÃ SỐ: 62.38.01.07
(MÃ SỐ CŨ: 62.38.50.01)
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
TS. Vũ Thu Hạnh
PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao
HÀ NỘI - 2012
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên
cứu độc lập của cá nhân tôi. Nội dung cũng
như các số liệu trình bày trong luận án hoàn
toàn trung thực. Những kết luận khoa học của
luận án chưa từng được công bố trong bất kỳ
công trình nào khác.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
LƯU NGỌC TỐ TÂM
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT KIỂM SOÁT Ô
NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI 11
1.1. KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG
HÀNG HẢI 11
1.1.1. Khái niệm môi trường biển và ô nhiễm môi trường biển 11
1.1.2. Hoạt động hàng hải và ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải 17


1.1.3. Khái niệm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải 24
1.2. PHÁP LUẬT KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT
ĐỘNG HÀNG HẢI 30
1.2.1. Khái niệm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động
hàng hải 30
1.2.2. Các nguyên tắc của pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển
trong hoạt động hàng hải 35
1.2.3. Nội dung cơ bản của pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong
hoạt động hàng hải 38
1.2.4. Vai trò của pháp luật đối với việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển
trong hoạt động hàng hải 52
1.2.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển
trong hoạt động hàng hải 57
1.3. PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA
TRONG VIỆC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI
TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI 60
1.3.1. Pháp luật quốc tế về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động
hàng hải 60
1.3.2. Kinh nghiệm xây dựng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển
trong hoạt động hàng hải của một số quốc gia có biển trên thế giới 66
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 72
Chương 2. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI
TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI Ở VIỆT NAM 73
2.1. ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
PHÁP LUẬT KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG
HÀNG HẢI Ở VIỆT NAM QUA CÁC GIAI ĐOẠN 73
2.1.1. Giai đoạn trước năm 1986 73
2.1.2. Giai đoạn từ 1986 đến nay 75
2.2. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ TÀU BIỂN VÀ THUYỀN BỘ 78
2.2.1. Các qui định pháp luật về tàu biển 78

2.2.2. Các qui định pháp luật về thuyền bộ 85
2.3. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
BIỂN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG CẢNG BIỂN 89
2.3.1. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển khi mở cảng biển 90
2.3.2. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển khi tàu cập cảng, rời cảng, quá cảnh.92
2.3.3 Trách nhiệm phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường
tại cảng biển 95
2.4. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
BIỂN TRONG MỘT SỐ HOẠT ĐỘNGGIAO THÔNG TRÊN BIỂN 98
2.4.1. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển theo đặc thù của các hoạt động giao
thông trên biển 98
2.4.2. Kiểm soát chất thải đối với các hoạt động giao thông trên biển 99
2.5. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG NGỪA VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ
MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI 104
2.5.1. Pháp luật về phòng ngừa sự cố môi trường trong hoạt động hàng hải 104
2.5.2. Pháp luật về khắc phục sự cố môi trường trong hoạt động hàng hải 112
2.6. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÍ ĐỐI VỚI KIỂM
SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI 124
2.6.1. Trách nhiệm hành chính 125
2.6.2. Trách nhiệm hình sự 131
2.6.3. Trách nhiệm dân sự 134
2.7. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CÁC CƠ QUAN QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC
KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI 138
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 145
Chương 3. NHỮNG GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT KIỂM SOÁT
Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI Ở
VIỆT NAM 146
3.1. CƠ SỞ CỦA VIỆC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT KIỂM SOÁT Ô NHIỄM
MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI 146
3.1.1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường nói

chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển nói riêng 146
3.1.2. Mục tiêu của việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động
hàng hải 148
3.1.3. Yêu cầu cơ bản của việc hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển trong hoạt động hàng hải 151
3.2. NHỮNG KIẾN NGHỊ CỤ THỂ NHẰM HOÀN THIỆN VÀ TĂNG CƯỜNG
HIỆU QUẢ CÁC QUI ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM
MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI 156
3.2.1. Hoàn thiện các qui định pháp luật thực định của Việt Nam về kiểm soát
ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải 156
3.2.2. Tăng cường sự tham gia, kí kết chuyển hóa các điều ước quốc tế vào pháp
luật Việt Nam về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải 167
3.2.3. Nâng cao hiệu quả của các cơ quan quản lí nhà nước về kiểm soát ô
nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải 171
3.2.4. Nâng cao hiệu quả các giải pháp kinh tế, khoa học kĩ thuật và tuyên truyền
giáo dục về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải 174
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 184
KẾT LUẬN 185
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
DANH MỤC CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Biển và đại dương chiếm 71% bề mặt của trái đất. Lịch sử tiến hóa của loài người
luôn gắn kết với biển. Nền văn minh nhân loại càng cao, nền kinh tế càng phát triển thì
giá trị của biển càng được tôn vinh. Biển mang lại cho con người những giá trị to lớn
về kinh tế, về môi sinh và về khoa học. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu ngày càng tăng về
các giá trị từ biển, con người đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho biển và

các nguồn tài nguyên biển từ các hoạt động trên biển, trong đó có hoạt động hàng hải.
Vùng biển Việt Nam rộng khoảng 1 triệu km
2
, án ngữ trên các tuyến hàng hải và
hàng không huyết mạch giữa ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Á, Trung
Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Bờ biển Việt Nam
dài 3260km, bao bọc lãnh thổ Việt Nam ở cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam, tính
trung bình cứ 100 km
2
đất liền có 1km bờ biển (tỉ lệ này cao gấp 6 lần tỉ lệ trung bình
của thế giới). Biển Việt Nam rất thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn
như dầu khí, hải sản, vận tải biển, cảng biển và kết cấu hạ tầng, công nghiệp tàu biển,
du lịch biển và các ngành dịch vụ biển khác… Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành
trung ương Đảng khóa X đã đưa ra Nghị quyết về Chiến lược Biển đến năm 2020,
“phấn đấu đưa kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP và 55 - 60% kim ngạch
xuất khẩu của cả nước”.
Với những đặc điểm đó, hoạt động hàng hải Việt Nam cũng rất thuận lợi để phát
triển nhằm các mục đích thương mại, an ninh quốc phòng, du lịch, dịch vụ, thăm dò
khai thác tài nguyên, khảo sát đo đạc biên vẽ hải đồ…, mang lại nhiều giá trị kinh tế
cho sự phát triển của đất nước. Theo quan điểm của Đảng về chiến lược Biển Việt
Nam, kinh tế hàng hải được sử dụng làm yếu tố đột phá để thúc đẩy phát triển nhanh,
bền vững kinh tế biển, góp phần bảo đảm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài
phán quốc gia về biển, đảo. Định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm
2020 đưa mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải đứng vị trí thứ hai sau khai thác chế biến
dầu khí và các loại khoáng sản; đến sau 2020 đứng vị trí thứ nhất cần ưu tiên phát
triển trong 5 ngành kinh tế biển. Có thể nói Đảng ta đã đánh giá đánh giá một cách
toàn diện về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển, của hoạt động hàng hải đối với sự
nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Vì vậy,
cũng chính từ các hoạt động hàng hải này, môi trường biển và các nguồn tài nguyên
biển đã và đang đứng trước các nguy cơ ô nhiễm và suy thoái. Hàng năm, biển Việt

Nam phải đối diện với tình trạng ô nhiễm nước biển trầm trọng do các sự cố từ giao
2
thông vận tải thủy, các nguồn tài nguyên biển đang bị giảm sút. Mặc dù có nhiều giải
pháp đang được tính đến nhưng hiệu quả thực sự không cao. Pháp luật về kiểm soát ô
nhiễm môi trường biển từ các hoạt động hàng hải còn nhiều hạn chế. Bộ luật Hàng Hải
2005 chỉ có 4 điều quy định về việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Luật bảo vệ môi
trường 2005 mới chỉ dừng lại ở các quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ môi
trường biển nói chung. Hệ thống các cơ quan quản lí nhà nước về kiểm soát ô nhiễm
môi trường biển ở Việt Nam nói chung còn nhiều bất cập. Mới đây, Tổng cục Biển và
Hải đảo (trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) được thành lập theo Nghị định số
25/2008/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 4/3/2008 Qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, nhiều điều ước
quốc tế về vấn đề này được ký kết mà Việt Nam là một quốc gia thành viên càng đòi
hỏi Việt Nam phải có một hệ thống pháp luật đủ mạnh, một hệ thống các cơ quan quản
lý nhà nước đủ tầm để giải quyết được các vấn đề thực tế đặt ra.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu các vấn đề thực trạng hệ thống pháp luật về
kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong các hoạt động hàng hải, tìm ra những bất
cập, hạn chế để từ đó tìm ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn
đề này là một đòi hỏi bức thiết cả về lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Môi trường biển nói chung luôn là một đề tài được quan tâm bởi những ưu thế
của biển về kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch, an ninh quốc phòng, môi trường…, mặt
khác nó lại liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia trên thế
giới. Hoạt động hàng hải đã và đang mang lại hiệu quả to lớn về nhiều mặt. Vì vậy, có
nhiều đề tài và công trình nghiên cứu được công bố có liên quan đến lĩnh vực này.
Trên thế giới, các đề tài nghiên cứu về bảo vệ môi trường biển nói chung và có
liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động hàng hải nói riêng
được thực hiện trong nhiều năm qua. Các công trình tiêu biểu là “Bảo vệ môi trường
biển ASEAN khỏi ô nhiễm dầu và những đóng góp của Nhật đối với khu vực” của tác
giả Chia Lin Sien, Viện Kinh tế phát triển Singapore năm 1994 (Chia Lin Sien:

Protecting the Marine Environment of ASEAN from Sip-generated Oil Pollution and
Japan’s Contribution to the Region, Institute of Developing Economies, Singapore,
1994); cuốn “Dầu khí trong bảo vệ môi trường biển” của Hoa Kì năm 1975 (National
Academy of Sciencies: Petroleum in the Marine Environment, Washington, DC, 1975);
cuốn “Sổ tay về ô nhiễm biển” do GARD xuất bản năm 1985 (Gold E.: Handbook
marine pollution, GARD, 1985); “Triển vọng của gas và dầu từ biển” xuất bản tại New
York/Canada năm 1983 (Mangone: The future of gas and oil from the sea, New
3
York/London, 1983); hay cuốn “Luật ô nhiễm biển của khu vực Australasian” (White
M.: Marine Pollution Laws of the Australasian Region, The Federation Press, 1994)
Tổ chức Hàng hải thế giới cũng xuất bản một số ấn phẩm như “Sổ tay Dịch vụ vận tải
biển” năm 1997 (IMO, 1997. Guidelines for Vessel Traffic Services. Resolution
A.857(20), adopted on 27 November 1997, London.); Sửa đổi hướng dẫn cho việc xác
định và chỉ định các vùng biển đặc biệt nhạy cảm (PSSSAs) năm 2005 (IMO, 2005.
Revised guidelines for the identification and disignation of particularly sensitive sea
areas (PSSAs). Resolution A.982(24), adopted on 1 December 2005, London)…
Các công trình nêu trên chủ yếu tập trung vào một số nội dung tiêu biểu là: (i)
bảo bệ môi trường biển nói chung trước các tác động tiêu cực kể cả do con người cũng
như do thiên nhiên; (ii) đánh giá những hậu quả xảy ra từ những tác động tiêu cực đó,
(iii) chỉ ra đặc thù về mặt sinh học, hóa học của từng vùng biển, (iv) nêu ra ưu thế của
các loại hình dịch vụ vận tải biển. Những công trình này đều đã đóng góp một phần
vào việc bảo vệ môi trường biển, tạo ưu thế cho hoạt động hàng hải phát triển. Tuy
nhiên, do giới hạn của từng công trình, chúng đã không đề cập tới việc kiểm soát ô
nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải cũng như phân tích hoạt động này
dưới góc độ luật học.
Ở Việt Nam, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển nói chung và từ hoạt động hàng
hải nói riêng nhìn chung ít được đề cập một cách trực tiếp. Tuy nhiên, tài nguyên biển
thì lại được nghiên cứu khá cụ thể. Có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước,
cấp Bộ hoặc các đề tài nghiên cứu như là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan
chuyên môn về vấn đề này được thực hiện khá công phu. Đó là đề tài cấp Nhà nước

KH-06-07 thực hiện năm 2000, “Nghiên cứu xây dựng giải pháp quản lý tổng hợp
vùng bờ biển Việt Nam, bảo đảm an toàn sinh thái và phát triển bền vững” (lưu trữ tại
Bộ KH&CN) Hà Nội; Đề tài KC.CB.01.10.TS “Nghiên cứu thiết kế loại tầu cá cỡ nhỏ
có khả năng hoạt động an toàn trên vùng biển xa bờ (khu vực Trường Sa - DK1)” do
Tổng Công ty Hải sản Biển Đông thực hiện năm 2003; Đề tài KC.CB.01.16 TS
“Nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải trong các vùng nuôi tôm tập trung” do Viện
nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 2 chủ trì thực hiện đề tài năm 2004; Đề tài “Nghiên
cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự suy thoái môi trường và đề xuất các giải pháp sử dụng
đất và nước ở các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đang giảm năng suất” do
Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 chủ trì thực hiện đề tài năm 2006, Đề tài nghiên
cứu khoa học cấp Nhà nước “Cơ sở khoa học về vấn đề khai thác chung trong các vùng
biển theo Luật Biển quốc tế và thực tiễn của Việt Nam” do Trung tâm Luật Biển và
Hàng hải quốc tế thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội thực hiện năm 2008…
4
Bên cạnh đó, một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã được thực hiện nhằm
bảo tồn tài nguyên biển, có liên quan tới kiểm soát ô nhiễm môi trường biển như: đề tài
“Cơ sở khoa học hình thành hệ thống quan trắc môi trường để cảnh báo môi trường,
dịch bệnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long” do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II
thực hiện năm 2002; Đề tài “Đánh giá môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản ven biển
Việt Nam và đề xuất các giải pháp quản lí” do Viện Kinh tế và Qui hoạch Thủy sản thực
hiện năm 2002; Đề tài “Chiến lược bảo vệ môi trường thuỷ sản Việt Nam giai đoạn
2001-2010; kế hoạch hành động bảo vệ môi trường ngành thuỷ sản đến năm 2005” do
Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện năm 2002; Đề tài “Nghiên cứu xây dựng chiến lược
khai thác hải sản Việt Nam đến năm 2010” do Viện Kinh tế và Qui hoạch Thủy sản thực
hiện năm 2003; Đề tài “Hoàn chỉnh qui hoạch và qui chế quản lí khu bảo tồn biển Việt
Nam đến năm 2010” do Viện Kinh tế và Qui hoạch Thủy sản thực hiện năm 2003…
Tại các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học cũng thực hiện những đề tài
nghiên cứu có liên quan như Đề tài “Xây dựng qui trình thực hiện công tác hải đồ phục
vụ yêu cầu dẫn tàu an toàn và thanh tra nhà nước về cảng biển” do trường Đại học
Hàng Hải thực hiện năm 2011, hay đề tài “Nghiên cứu xây dựng qui trình quản lí nước

ballast cho tàu” do trường Đại học Hàng hải thực hiện năm 2011 với mục tiêu nghiên
cứu và xây dựng qui trình quản lí nước dằn tàu cho các tàu phù hợp với các yêu cầu
của Tổ chức Hàng hải thế giới
Nhìn chung, những đề tài trong nước nêu trên đã nghiên cứu về các hoạt động liên
quan đến tài nguyên biển, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản, như khai thác thủy sản, bảo vệ
nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng nguồn lợi thủy sản, ngư cụ trong các hoạt động thủy sản
hoặc ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động thủy sản. Những đề tài này không đề
cập trực tiếp đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ hoạt động hàng hải mà liên quan
đến việc bảo vệ các nguồn tài nguyên biển, làm cơ sở cho phát triển bền vững môi trường
biển. Hoặc cũng có những đề tài thực hiện về lĩnh vực hàng hải nhưng chỉ là kiểm soát ô
nhiễm môi trường biển từ những góc độ tiếp cận hẹp, đưa ra các giải pháp về khoa học kĩ
thuật chứ không mang tính pháp lí. Những đề tài này ít nhiều có liên quan và làm cơ sở
cho việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải.
Bên cạnh các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ thì một số các
sách, tài liệu tham khảo, chuyên khảo có liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường
biển Việt Nam cũng đã được công bố. Đó là: tác phẩm Kinh tế biển và khoa học kỹ
thuật về biển của nước ta của tác giả Võ Nguyên Giáp, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà
Nội, năm 1987; Các văn bản pháp quy về biển và quản lý bờ biển của Việt Nam do
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản tại Hà Nội năm 1995; Môi trường biển và
5
quản lý vùng ven bờ biển của Việt Nam của tác giả Đỗ Đức Dương, Inforterra, Hà Nội
năm 1997; Những điều cần biết về Luật Biển của tác giả Nguyễn Hồng Thao, Nhà xuất
bản Công an nhân dân, Hà Nội năm 1997; Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam - luật
pháp và thực tiễn của TS. Nguyễn Hồng Thao, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội năm
2003; Cơ sở khoa học, pháp lý và tình hình thực thi các qui định của Công ước 1982
của Liên hiệp quốc về Luật biển trong lĩnh vực nghề cá Việt Nam của tác giả Nguyễn
Chu Hồi và Hồ Thu Minh năm 2003 (Báo cáo lưu trữ tại Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao,
Hà Nội); Cẩm nang tập huấn cấp tỉnh về quản lí tổng hợp vùng biển cho Việt Nam, của
tác giả Nguyễn Chu Hồi và những người khác năm 2004 (Tài liệu của MoFi-WorldFish
Centre).…

Pháp luật về bảo vệ môi trường biển, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và bảo vệ
tài nguyên biển cũng đã được nghiên cứu ở cấp độ các bài báo trên các tạp chí chuyên
ngành như Bức tranh ô nhiễm biển Việt Nam của tác giả Nguyễn Chu Hồi và những
người khác trong Tuyển tập nghiên cứu, tập 1 của Tạp chí Môi trường, NXB Khoa học
kỹ thuật Hà Nội năm 1997; Ô nhiễm dầu ở vùng biển ven bờ Việt Nam chưa rõ nguồn
gốc của tác giả Phạm Văn Ninh trong cuốn Môi trường - Các công trình nghiên cứu, tập
VI, Hà Nội năm 1998; Vụ Vedan và vấn đề ô nhiễm do nhận chìm của tác giả Nguyễn
Hồng Thao trong tập bài giảng tập huấn quản lý ven biển tại Hải Phòng 1997 - Nha
Trang 1998; Quá trình phân định biển Việt Nam - Thái Lan của tác giả Nguyễn Hồng
Thao trên tạp chí Nhà nước và Pháp luật 1 số 117 năm 1998; Hiệp định phân định vùng
lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam -
Trung Quốc của tác giả Nguyễn Hồng Thao trong tạp chí Quốc Phòng toàn dân số tháng
2/2001; Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam
của ThS Lưu Ngọc Tố Tâm trên tạp chí Tòa án nhân dân số 10, tháng 5/2006…
Nghiên cứu ở cấp độ Thạc sĩ Luật học, tác giả Đặng Hoàng Sơn đã hoàn thành
Luận văn với đề tài “Pháp luật về ô nhiễm môi trường trong hoạt động dầu khí ở Việt
Nam trong giai đoạn hiện nay”, Hà Nội 2004. Nghiên cứu ở cấp độ Tiến sĩ Luật học,
NCS. Nguyễn Thị Như Mai đã hoàn thành Luận án với đề tài “Những vấn đề lí luận
và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật Hàng hải Việt Nam”, Hà Nội 2004.
Ngoài ra, với chủ đề Chúng ta muốn biển và đại dương sống hay chết nhân Ngày
Môi trường thế giới 5/6 của Việt Nam năm 2004, Báo cáo Môi trường Quốc gia năm
2004 cũng đã được hoàn thành với chủ đề Ô nhiễm biển từ đất liền Việt Nam…
Có thể thấy, mặc dù đã có nhiều đề tài khoa học, sách, sách chuyên khảo, các bài
viết, công trình nghiên cứu, luận văn, luận án… nhưng những công trình này hoặc đi sâu
dưới góc độ quản lý tài nguyên biển, hoặc dưới góc độ các yếu tố kĩ thuật, nghiên cứu
6
về các hoạt động đối với tài nguyên biển, đặc biệt là nguồn lợi thuỷ sản. Nếu nghiên cứu
dưới góc độ khoa học pháp lí, các công trình này hoặc chỉ đề cập đến một mảng hẹp
trong hoạt động hàng hải nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hoặc lại quá chuyên
sâu về pháp luật hàng hải mà chưa tiếp cận dưới góc độ pháp luật môi trường.

Tóm lại, cho đến nay, chưa hề có một công trình nghiên cứu đầy đủ, toàn diện ở
cấp độ Tiến sĩ về những vấn đề lí luận, thực trạng về các khía cạnh pháp lí trong kiểm
soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải để đưa ra những giải pháp cho
việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong
hoạt động hàng hải ở Việt Nam. Đề tài luận án “Pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam” về cơ bản là đề tài mới, chưa
được nghiên cứu một cách toàn diện.
3. Mục đích, phạm vi, đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài
 Mục đích nghiên cứu: Mục đích của luận án là làm sáng tỏ cơ sở lí luận và
thực tiễn của việc xây dựng và hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật
về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam.
 Phạm vi nghiên cứu: Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển thuộc phạm vi
nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau như khoa học quản lí môi trường
biển, kinh tế môi trường biển, xã hội học môi trường biển… Kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển nói chung và trong hoạt động hàng hải nói riêng thuộc đối tượng điều
chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau như hệ thống pháp luật quốc tế, các điều
ước quốc tế có liên quan và hệ thống pháp luật của các quốc gia có biển nhằm điều
chỉnh các hoạt động xâm hại biển và tài nguyên biển. Dưới góc độ pháp lí, kiểm soát ô
nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải thuộc phạm vi nghiên cứu của nhiều
ngành luật như: Dân sự, Kinh tế, Hành chính, Quốc tế… Mỗi ngành luật lại nghiên
cứu vấn đề dưới các nội dung khác nhau.
Trong phạm vi luận án, chúng tôi tập trung nghiên cứu các qui định của pháp luật
Việt Nam về kiểm soát ô nhiễm biển nhằm điều chỉnh các hoạt động hàng hải trong
phạm vi xa nhất là tính từ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (khoảng cách 200 hải
lí tính từ Đường Cơ sở) trở vào phía biển Việt Nam, có phân tích các quy định trong
các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên, đồng
thời có tham khảo một số qui định pháp luật của các quốc gia có các điều kiện tương
đồng với Việt Nam về vấn đề này. Tuy nhiên, luận án tập trung nghiên cứu xem xét
các vấn đề nêu trên dưới góc độ pháp luật kinh tế. Điều này có nghĩa là trên cơ sở tiếp
cận toàn diện các nội dung liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển dưới các

7
góc độ khác nhau, luận án nhấn mạnh đến cách tiếp cận của pháp luật kinh tế được thể
hiện qua các định chế pháp lí, các công cụ, phương tiện, các cách tiếp cận việc kiểm
soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam mang nội dung
kinh tế, phản ánh các yêu cầu, qui luật kinh tế.
Trong khoa học pháp lí hiện đại, Luật Môi trường là lĩnh vực tương đối phức tạp
xét từ đối tượng điều chỉnh của chúng, nhất là đối với khoa học pháp lí Việt Nam vốn
nặng về việc phân chia pháp luật theo các ngành độc lập. Kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển trong hoạt động hàng hải cũng là một nội dung rộng và phức tạp, liên quan
đến nhiều ngành luật khác nhau như: Luật Quốc tế, Luật Kinh tế, Luật Hành chính…
Theo đó, luận án “Pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng
hải ở Việt Nam” được thực hiện trong phạm vi chuyên ngành Luật Kinh tế, lấy khía
cạnh pháp luật kinh tế làm trung tâm. Đây cũng là cách tiếp cận phù hợp với hướng
nghiên cứu của các ngành khoa học liên quan đến môi trường nói chung như khoa học
quản lí môi trường, kinh tế học môi trường, xã hội học môi trường…
 Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận án là:
- Hệ thống văn bản pháp luật thực định của Việt Nam về kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển trong hoạt động hàng hải
- Các Điều ước quốc tế liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong
hoạt động hàng hải mà Việt Nam là quốc gia thành viên
- Thực tiễn áp dụng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt
động hàng hải ở Việt Nam.
 Nhiệm vụ nghiên cứu: Để thực hiện được mục đích trên, luận án đề ra các
nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:
Thứ nhất, làm rõ sự cần thiết của việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt
động hàng hải bằng pháp luật, cách tiếp cận của pháp luật quốc tế về kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển trong hoạt động hàng hải, những quan điểm, nội dung cơ bản của pháp luật Việt
Nam về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam.
Thứ hai, nghiên cứu, làm rõ quá trình hình thành và nội dung từng bước hoàn
thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng

hải ở Việt Nam với tính chất là một bộ phận trong hệ thống pháp luật môi trường,
trong mối quan hệ tác động qua lại mật thiết với các đòi hỏi về phát triển kinh tế của
đất nước, đáp ứng các yêu cầu về an ninh chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng…
8
Thứ ba, nghiên cứu các quy định cùng loại trong pháp luật môi trường của một số
nước để rút ra những kinh nghiệm có thể vận dụng vào việc hoàn thiện pháp luật về
kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam.
Thứ tư, xác lập cơ sở lý luận và đề xuất những kiến nghị cụ thể về việc xây dựng
và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam
nhằm đáp ứng được những đòi của thực tiễn cả về trước mắt cũng như lâu dài.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ
nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền.
Các phương pháp nghiên cứu: phân tích, thống kê, so sánh, đối chiếu, lịch sử,
chứng minh, tổng hợp, quy nạp. Trong đó, phân tích, thống kê, so sánh và chứng minh
được xác định là những phương pháp nghiên cứu chủ yếu của luận án. Cụ thể như sau:
- Phương pháp phân tích được sử dụng ở tất cả các chương, mục của luận án để
thực hiện mục đích và nhiệm vụ của đề tài.
- Phương pháp thống kê được sử dụng ở cả 3 chương để tập hợp, xử lý các tài
liệu, số liệu phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu được sử dụng ở cả ba chương của luận án để
đối chiếu, đánh giá các qui định pháp luật khác nhau của một số quốc gia trên thế giới,
của các điều ước quốc tế về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng
hải với các qui định pháp luật của Việt Nam
- Phương pháp chứng minh được sử dụng để chứng minh các luận điểm tại
chương 1, các nhận định về thực trạng pháp luật và thi hành pháp luật kiểm soát ô
nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam tại chương 2 và các yêu
cầu, đề xuất phương án xây dựng, hoàn thiện pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường
biển trong hoạt động hàng hải tại chương 3 của luận án.
- Phương pháp tổng hợp, qui nạp được sử dụng chủ yếu trong việc đưa ra những

kết luận của từng chương và kết luận chung của luận án.
5. Kết quả nghiên cứu và những đóng góp mới của luận án
Luận án đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, Luận án nêu ra khái niệm hoàn chỉnh về môi trường biển, về ô nhiễm
môi trường biển, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải cũng
như khái niệm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải.
9
Những khái niệm này đã được phân tích, so sánh với những căn cứ khoa học và thực
tiễn, trên cơ sở phù hợp với những đặc trưng cơ bản của kiểm soát ô nhiễm môi trường
biển trong hoạt động hàng hải nên sẽ rất có giá trị về lí luận đối với khoa học pháp lí.
Thứ hai, Luận án đã phân tích các yếu tố cấu thành của pháp luật kiểm soát ô
nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải với những nội dung, vai trò, những
yếu tố ảnh hưởng đến việc ban hành pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển
trong hoạt động hàng hải. Nội dung này được phân tích một cách sâu sắc, có tham
khảo quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, và vì
vậy, nó có giá trị về mặt lí luận đối với khoa học pháp lí cũng như tính khả thi khi thực
hiện việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển hoạt động hàng hải bằng pháp luật.
Thứ ba, Luận án đã mô tả toàn diện, đầy đủ về pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam, chỉ ra những bất cập, những lỗ hổng
trong hệ thống pháp luật đã không tạo ra tác động tích cực đến việc kiểm soát ô nhiễm
môi trường biển trong thực tế. Mặt khác, Luận án cũng phân tích nguyên nhân của sự
yếu kém về năng lực thừa hành pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm
soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam. Những bất cập
này lần đầu tiên được phát hiện và phân tích, vì thế, luận án đã tạo ra được những luận
cứ khoa học và thực tiễn thuyết phục cho sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện các
quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải.
Thứ tư, Luận án đã xác định rõ những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng và hoàn
thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải. Từ đó,
luận án đã kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Đặc biệt, luận án kiến nghị việc Việt Nam cần gia nhập và kí kết các Điều ước quốc tế

có liên quan, hoàn thiện và tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan
quản lí nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải.
Thứ năm, với mục đích tăng cường hiệu quả của các qui định của pháp luật kiểm
soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải, luận án cũng chỉ ra những giải
pháp hỗ trợ khác như tăng cường tính hiệu quả của các công cụ kinh tế, các biện pháp
khoa học kĩ thuật cũng như giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa
công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải.
Về những điểm mới của luận án: Luận án có những điểm mới đóng góp cho sự
phát triển của khoa học chuyên ngành, bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng được hệ thống lí luận khoa học về pháp luật kiểm soát ô
nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam.
10
Thứ hai, mô tả một cách toàn diện, đầy đủ về pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam, chỉ ra những bất cập, những lỗ hổng
trong hệ thống pháp luật này; phân tích nguyên nhân của sự yếu kém về năng lực thừa
hành pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường
biển trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam.
Thứ ba, xây dựng hệ quan điểm khoa học cũng như đưa ra những giải pháp tiến
bộ, hiện đại cho việc hoàn thiện pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong
hoạt động hàng hải ở Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế và xu hướng quản lí
tổng hợp biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển và phát triển bền vững tài
nguyên môi trường biển hiện nay.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần bổ sung và phát triển những vấn đề lí
luận về pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải, tạo cơ
sở khoa học cho việc nghiên cứu nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô
nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của
luận án không chỉ là tài liệu có giá trị cho việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà còn
là tài liệu cho các cơ quan hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật
Việt Nam về bảo vệ, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải;

kiện toàn hệ thống các cơ quan quản lí nhà nước về vấn đề này.
Các ý kiến, kết luận được trình bày trong luận án có thể làm cơ sở cho việc xây dựng
chương trình tuyên truyền, phổ biến nội dung các Điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam
là thành viên, nội dung các qui định pháp luật Việt Nam về kiểm soát ô nhiễm môi trường
biển trong hoạt động hàng hải, qua đó góp phần bảo đảm và thúc đẩy phát triển kinh tế
biển đi đôi với bảo vệ các thành phần môi trường biển và các nguồn tài nguyên biển.
7. Kết cấu của luận án
Luận án gồm phần mở đầu, nội dung, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo. Nội
dung được bố cục thành ba chương. Tên của các chương cụ thể như sau:
Chương 1: Những vấn đề lí luận về pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển
trong hoạt động hàng hải
Chương 2: Thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trong hoạt
động hàng hải
Chương 3: Yêu cầu và giải pháp hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển trong hoạt động hàng hải.
11
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT KIỂM SOÁT Ô
NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI
1.1. KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI
1.1.1. Khái niệm môi trường biển và ô nhiễm môi trường biển
1.1.1.1. Khái niệm môi trường biển
“Môi trường biển” là một thuật ngữ chưa có bề dày lịch sử và cũng ít được định
nghĩa một cách đầy đủ, toàn diện. Nó mới chỉ hình thành vào nửa cuối của thế kỷ XX
và được nhận biết như một từ ghép giữa thuật ngữ “biển” và thuật ngữ “môi trường”.
Lịch sử phát triển loài người đã cho thấy rõ là cả một thời kỳ dài người ta chỉ đề cập
đến thuật ngữ “biển” hoặc “biển cả” mà không đề cập đến thuật ngữ “môi trường
biển”. Điều này được lí giải bởi từ xa xưa, con người chỉ biết đến vai trò to lớn của
biển, tiếp nhận biển cả như một món quà ban tặng của thiên nhiên mà không cần phải
thực hiện một nghĩa vụ nào, cũng như coi các nguồn tài nguyên sinh vật biển là vô

hạn. Hơn nữa, biển cả được hình dung là rộng lớn vô cùng, có thể hấp thụ và chuyển
hóa mọi loại chất thải mà con người đưa đến, nên thuật ngữ “môi trường biển” với vấn
đề bảo vệ môi trường biển chưa được đặt ra.
Sau những năm 1960, với sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng thế giới đến bảo
vệ môi trường, thuật ngữ môi trường biển cũng đã dần xuất hiện. Thời kỳ này, thuật
ngữ môi trường biển chưa được sử dụng một cách độc lập mà mới chỉ được đề cập
cùng với những vấn đề liên quan đến bảo tồn tài nguyên biển và kiểm soát ô nhiễm
biển. Phải đến Công ước Luật Biển UNCLOS 1982, bản công ước được cộng đồng
quốc tế coi là Tuyên ngôn về Biển, “môi trường biển” mới được đề cập một cách chính
thức, nhưng cũng chỉ tồn tại dưới dạng liệt kê một số yếu tố tự nhiên của môi trường
biển mà chưa xây dựng được một khái niệm hoàn chỉnh. Cụ thể là Điều 1, khoản 4
Công ước Luật Biển 1982 có quy định “môi trường biển” bao gồm “các cửa sông”,
“hệ động vật biển và hệ thực vật biển”, “chất lượng nước biển” và “giá trị mĩ cảm
của biển”. Rõ ràng định nghĩa trên chưa đạt được mức khái quát về môi trường biển
và vẫn còn ít nhiều phiến diện, vì môi trường biển không chỉ bao gồm những yếu tố
nêu trên mà còn gồm các thành tố khác tạo nên môi trường biển như lòng đất dưới đáy
biển, không khí, nước biển, các tài nguyên phi sinh vật biển…
12
Cùng với nhu cầu bảo vệ biển ngày càng tăng và sự quan tâm nhiều hơn của con
người đến môi trường biển, thuật ngữ môi trường biển đã được sử dụng một cách
chính thức trong Chương trình hành động 21 (Agenda 21). Đây là một văn kiện được
đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh trái đất về bảo vệ môi trường họp tại Rio De Janeiro
năm 1992, là chương trình hành động vì sự phát triển bền vững. Tại Chương 17 của
Agenda 21 định nghĩa “Môi trường biển là vùng bao gồm các đại dương và các biển
và các vùng ven biển tạo thành một tổng thể, một thành phần cơ bản của hệ thống duy
trì cuộc sống toàn cầu và là tài sản hữu ích tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững”.
Đây được coi là định nghĩa chính thức về môi trường biển. Thành công của định nghĩa
này là chỉ ra được giá trị cơ bản của môi trường biển, đó là “duy trì cuộc sống toàn
cầu” và là “tài sản hữu ích”. Định nghĩa đã nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển bền
vững, một hướng đi phù hợp với quan điểm bảo vệ môi trường toàn cầu hiện đại. Đồng

thời, giá trị của định nghĩa này còn ở chỗ nó được nêu ra trong một văn kiện có tầm
ảnh hưởng lớn, tại Hội nghị quốc tế về môi trường quan trọng và được kí kết bởi, gần
như là, toàn thể cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, chúng tôi cho
rằng định nghĩa này vẫn chưa mô tả hết được những yếu tố cấu thành của môi trường
biển. Điều đó được minh chứng qua những luận điểm sau đây:
Thứ nhất, môi trường biển được giới hạn bởi chiều ngang và chiều sâu. Định
nghĩa về môi trường biển tại Chương 17 Agenda 21 mới chỉ ra được giới hạn theo
chiều ngang của môi trường biển, bao gồm các đại dương, các biển và các vùng ven
biển. Môi trường biển còn được giới hạn bởi chiều sâu của nó, bao gồm cả vùng đất
dưới đáy biển. Xem xét dưới góc độ khoa học, môi trường biển bao gồm cả một vùng
nước mặn rộng lớn, nằm ở độ sâu trung bình khoảng 4000 mét tính từ mặt biển trở
xuống [30; tr.71]. Về vấn đề này, chúng tôi nhất trí với quan điểm của PGS. TS.
Nguyễn Hồng Thao, nếu chỉ xét đơn thuần về phương diện địa lí thì “môi trường biển
là toàn bộ vùng nước biển của trái đất với tất cả những gì chứa trong đó”, còn nếu xét
dưới góc độ môi trường thì “định nghĩa môi trường biển lại rộng lớn hơn rất nhiều”
[42; tr.13] Nghĩa là cần phải xem xét cả chiều ngang lẫn chiều sâu của môi trường biển
và những yếu tố cấu thành trong nó.
Thứ hai, môi trường biển được tạo nên bởi các thành phần môi trường. Môi
trường biển được hợp thành bởi nhiều yếu tố khác nhau như lòng đất dưới đáy biển,
nước biển, không khí, hệ động vật biển, hệ thực vật biển, tạo nên các đại dương, các
biển… Đây là các thành phần môi trường. Biển là thành phần chính của môi trường
biển, đồng thời cũng là một trong các thành phần của môi trường nói chung. Biển, đại
dương và các thành phần khác của môi trường biển không nên được xem là những
13
thực thể độc lập mà cần phải đặt chúng trong mối quan hệ với nhau và quan hệ với
những thành phần môi trường khác, như chúng tương tác với bầu khí quyển phía trên
mặt nước, dưới đáy biển và với lục địa , mà những thành phần môi trường đó lại chính
là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Tương tự, biển,
đại dương và các thành phần khác của môi trường biển cũng có mối tương tác quan
trọng đối với các hoạt động của con người, đặc biệt là các hoạt động của con người trên

biển. Những phân tích này cho thấy môi trường biển được tạo thành bởi các thành phần
môi trường và có mối liên hệ mật thiết qua lại lẫn nhau mà không thể tách rời chúng.
Thứ ba, môi trường biển có chứa nhiều loại tài nguyên. Tài nguyên thuộc môi
trường biển được gọi là tài nguyên biển, được hình thành và phân bố trong khối nước
biển và đại dương, trên bề mặt đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển. Tài nguyên
biển bao gồm tài nguyên sinh vật biển, gồm các dạng sống của thế giới hữu sinh như
tôm cá , và tài nguyên phi sinh vật biển, gồm các dạng vật chất của thế giới vô sinh
như quặng kim loại, đất đá Tài nguyên biển cũng có thể được chia ra thành tài
nguyên biển có thể tái tạo và tài nguyên biển không thể tái tạo, trong đó tài nguyên
biển có thể tái tạo là loại tài nguyên có thể được phục hồi sau một khoảng thời gian
trong điều kiện phù hợp, còn tài nguyên biển không thể tái tạo là các dạng tài nguyên
vô sinh, không thể phục hồi thành phần và khối lượng ban đầu sau khi bị khai thác.
Thứ tư, môi trường biển có nhiều giá trị kinh tế, khoa học và môi sinh. Môi
trường biển được các nhà khoa học đánh giá là cội nguồn của sự sống trên trái đất.
Điều này được thể hiện qua sự đa dạng của sinh học, với 18 vạn loài động vật và 2 vạn
loài thực vật đã được phát hiện, trong đó có 400 loài cá và hơn 100 loài hải sản có giá
trị kinh tế cao [42; tr.14]. Môi trường biển mang lại sự sống cho toàn bộ hệ sinh thái
dưới nước, cho tài nguyên sinh vật biển. Trên thế giới, con người đã khai thác tổng giá
trị kinh tế từ các nguồn tài nguyên biển ước tính khoảng 7000 tỷ USD mỗi năm [45;
tr.09]. Các nhà khoa học dự đoán rằng vào các thế kỉ tới, biển và đại dương sẽ là nơi
dự trữ cuối cùng của loài người về thực phẩm, năng lượng và nhiên liệu. Đồng thời,
biển cũng là nơi diễn ra các hoạt động thương mại du lịch, giao thông vận tải thuỷ, nơi
có thể khai thác giá trị kinh tế to lớn. Khoảng 60% dân số thế giới hiện đang sống tại
các vùng ven biển, và tỉ lệ này có thể tăng lên khoảng 75% vào năm 2020 [66].
Từ những phân tích trên, theo quan điểm của chúng tôi, môi trường biển nên
được định nghĩa “là một thể thống nhất, bao gồm các biển, đại dương, các vùng ven
biển, cửa sông, được giới hạn bởi toàn bộ vùng nước biển của trái đất với tất cả
những gì chứa trong đó như các loại tài nguyên sinh vật biển và tài nguyên phi sinh
14
vật biển, được tạo nên bởi các thành phần môi trường và sự tương tác giữa chúng, có

giá trị về kinh tế, về khoa học và về môi sinh”.
1.1.1.2. Khái niệm ô nhiễm môi trường biển
Trước tiên cần có sự phân biệt giữa ô nhiễm môi trường biển với nhiễm bẩn môi
trường biển. Đây là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất mặc dù giữa chúng có
mối liên hệ nhất định. Nhiễm bẩn môi trường biển ám chỉ sự hiện diện hay tích tụ các
chất bẩn hoặc các hóa chất độc hại có trong môi trường biển [42; tr.26]. Nhiễm bẩn
môi trường biển cho biết kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước mà không chỉ rõ
nguyên nhân của sự nhiễm bẩn từ đâu, thủ phạm làm nhiễm bẩn là ai. Nói khác đi,
nhiễm bẩn môi trường biển chỉ phản ánh một cách trực quan chất lượng nước biển.
Còn ô nhiễm môi trường biển, ngoài việc cho thấy sự thay đổi về chất lượng nước biển
còn cho thấy nguyên nhân gây ô nhiễm biển và hậu quả mà ô nhiễm môi trường biển
gây ra. Nghĩa là, ô nhiễm môi trường biển phản ánh mối quan hệ giữa tất cả các yếu tố
làm cho môi trường biển bị ô nhiễm.
Từ góc độ khoa học, vào năm 1981, Nhóm chuyên gia về các khía cạnh khoa học
của ô nhiễm biển (Joint Group of Experts on the Scientific Aspects of Marine
Pollution - GESAMP) đưa ra định nghĩa về ô nhiễm môi trường biển. Theo đó, “ô
nhiễm môi trường biển (Marine Pollution) là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp
đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, (bao gồm cả các cửa sông),
gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, gây nguy hiểm cho sức
khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản,
làm biến đổi chất lượng nước biển về phương tiện sử dụng nó và làm giảm sút các giá
trị mĩ cảm của biển” [60; tr.05]. Đây được xem là định nghĩa đầu tiên trên thế giới về
ô nhiễm môi trường biển. Nó đã trả lời được khá đầy đủ các câu hỏi về nguyên nhân
gây ô nhiễm môi trường và tác hại do ô nhiễm môi trường biển gây nên. Cụ thể là, thứ
nhất, ô nhiễm môi trường biển là do con người gây nên, thông qua việc con người đưa
vào môi trường biển các chất gây ô nhiễm (dưới dạng chất liệu và năng lượng) ở mức
vượt quá khả năng tự chuyển hóa (tự phân hủy, tự làm sạch) của môi trường biển. Thứ
hai, các chất gây ô nhiễm phát tán trong môi trường biển bằng nhiều chu trình khác
nhau, qua đó gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật sống, gây nguy hiểm cho sức khỏe con
người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển. Như vậy, ảnh hưởng từ các tác nhân gây

hại và nguy cơ ô nhiễm môi trường biển là câu hỏi cần phải được trả lời trước khi đưa
ra một quyết định có chấp nhận ô nhiễm đó hay không [67; tr.88]
Từ góc độ pháp luật quốc tế, thuật ngữ ô nhiễm môi trường biển được đề cập
chính thức tại Công ước Luật Biển 1982, mặc dù trước đó đã có nhiều văn bản pháp lí
15
về biển như Công ước Giơnevơ về biển cả 1958, Công ước về đánh cá và bảo tồn các
tài nguyên sinh vật của biển cả 1966 Theo khoản 4 Điều 1 Công ước Luật biển 1982,
“Ô nhiễm môi trường biển (Pullution du milieu marin) là việc con người trực tiếp hoặc
gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa
sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn
lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con
người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc
sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương
diện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị mĩ cảm của biển”.
Định nghĩa này có hai (02) điểm khác biệt so với định nghĩa của GESAMP. Một
là, định nghĩa ô nhiễm môi trường biển của GESAMP chỉ nhắc tới những tác hại đã và
đang xảy ra đối với hệ sinh thái biển, trong khi Công ước Luật Biển 1982 đề cập đến
cả những tác hại còn tiềm ẩn trong tương lai, thông qua cụm từ “khi việc đó có thể gây
ra những tác hại ”. Hai là, ngoài những tổn hại cụ thể được liệt kê trong cả hai định
nghĩa, như nguồn lợi sinh vật, sức khỏe con người, việc đánh bắt hải sản Công ước
Luật Biển 1982 còn đề cập đến "các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác". Đây
được xem là bước phát triển không chỉ từ phương diện học thuật mà còn là bước phát
triển về quan điểm lập pháp. Nó cho phép hiểu là pháp luật sẽ bảo vệ ngày một nhiều
hơn, rộng hơn các đối tượng phải chịu tổn thất từ ô nhiễm môi trường biển.
Tiếp theo hai định nghĩa nêu trên, thuật ngữ ô nhiễm môi trường biển còn được
giải nghĩa trong Tuyên bố Putrajaya về hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững các
biển Đông Á (một nội dung trong Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á
2003, triển khai ở cấp khu vực các yêu cầu của Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát
triển bền vững đối với các đại dương và các vùng ven biển, trong khuôn khổ chương
trình hợp tác khu vực các biển Đông Á, gọi tắt là PEMSEA do Tổ chức Hàng hải quốc

tế thuộc Liên Hiệp quốc IMO làm đầu mối thực hiện) “ô nhiễm môi trường biển là
việc con người trực tiếp hay gián tiếp đưa các chất hoặc năng lượng vào môi trường
biển, kể cả các cửa sông, dẫn đến những ảnh hưởng có hại cho các tài nguyên hữu
sinh, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, cản trở các hoạt động trên biển kể cả
khai thác thủy sản, suy giảm chất lượng và lợi ích của nước biển”.
Mặc dù được cho là có bước phát triển lớn về mặt học thuật, song các định nghĩa
về ô nhiễm môi trường biển trong cả ba (03) tài liệu nêu trên hiện vẫn đang nhận được
nhiều tranh luận. Cụ thể là:
Thứ nhất, các định nghĩa về ô nhiễm môi trường biển nêu trên mới chỉ ra được
nguyên nhân duy nhất gây ô nhiễm môi trường biển là do con người mà chưa chỉ ra
16
các nguyên nhân khác. Trên thực tế nguyên nhân gây ô nhiễm biển còn có thể do chính
động vật, thực vật biển gây nên, cũng như do sự vận động, sự biến đổi bất thường của
tự nhiên. Bên cạnh các nguồn ô nhiễm nhân sinh, biển còn có thể bị ô nhiễm từ các sự
cố, tai họa thiên nhiên như núi lửa phun, rò rỉ khoáng chất, bão lụt Ý nghĩa khoa học
của tranh luận này thể hiện ở tính bao quát, toàn diện khi xem xét các nguyên nhân gây
ô nhiễm môi trường biển, từ đó có cơ sở xác định chính xác các loại trách nhiệm pháp
lí có liên quan đến hành vi làm ô nhiễm môi trưởng biển. Ô nhiễm môi trường biển có
nguyên nhân từ những biến đổi bất thường của tự nhiên không làm phát sinh trách
nhiệm pháp lí đối với bất cứ chủ thể nào. Ngược lại, ô nhiễm môi trường biển từ các
hoạt động của con người luôn phát sinh trách nhiệm pháp lí đối với người gây ô
nhiễm. Trong trường hợp môi trường bị ô nhiễm do cả hai nguyên nhân, trách nhiệm
pháp lí đối với con người sẽ được giảm trừ tùy từng trường hợp cụ thể.
Thứ hai, mặc dù các định nghĩa đã liệt kê được khá đầy đủ những hậu quả từ ô
nhiễm môi trường biển, song chúng chưa được sắp xếp một cách thực sự khoa học.
Hậu quả "biến đổi chất lượng nước biển" lại được đặt sau các hậu quả về tài nguyên
sinh vật biển, về lợi ích kinh tế của con người, trong khi sự thay đổi chất lượng nước
biển, sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường biển mới là thiệt hại trực
tiếp, từ đó dẫn đến các thiệt hại khác, do vậy, chúng cần phải được xác định trước các
thiệt hại khác. Hậu quả về sức khỏe, tài sản của con người, các trở ngại từ hoạt động

biển chỉ nảy sinh sau khi chất lượng môi trường biển bị biến đổi. Những ảnh hưởng
xấu từ ô nhiễm môi trường biển gây nên hoàn toàn có thể được phân chia và sắp xếp
thành các nhóm theo thứ tự các yếu tố chịu sự tác động từ ô nhiễm môi trường biển.
Cụ thể là hậu quả đối với thành phần cơ bản của môi trường sống là đất, nước, không
khí; hậu quả đối với tài nguyên sinh vật biển, đa dạng sinh học ở biển; hậu quả đối với
tính mạng, sức khoẻ và tài sản, lợi ích của con người; và các hậu quả khác
Thứ ba, các định nghĩa về ô nhiễm môi trường biển nêu trên mới chỉ ra được khu
vực tiến hành các hoạt động gây ô nhiễm là ở biển và cửa sông. Tuy nhiên, trên thực tế có
rất nhiều khu vực mà ở đó tiến hành các hoạt động của con người có thể gây ô nhiễm môi
trường biển, như hoạt động từ đất liền, trên không trung hay dưới đáy biển
Như vậy, từ những phân tích trên có thể đưa ra một định nghĩa đầy đủ hơn về ô
nhiễm môi trường biển như sau: Ô nhiễm môi trường biển là sự biến đổi thành phần
môi trường biển, có nguyên nhân từ những biến đổi bất thường của tự nhiên hoặc/và
từ việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu và/hoặc năng lượng vào
môi trường biển, bao gồm từ các cửa sông, đất liền, trên không trung, đáy biển, từ đó
gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như suy giảm chức năng và tính hữu ích của
17
môi trường biển, gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật
biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển,
kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm
biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị
mĩ cảm của biển”.
Giá trị khoa học của định nghĩa này là cho phép mở rộng phạm vi nghiên cứu về
chủ thể, khách thể và đối tượng của hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển mà
luận án sẽ đề cập ở phần sau.
1.1.2. Hoạt động hàng hải và ô nhiễm môi trường biển trong hoạt động hàng hải
1.1.2.1. Khái niệm hoạt động hàng hải và những tác động tiêu cực của nó
Theo Đại từ điển Tiếng Việt, hàng hải là vận tải đường biển [50; tr.777], còn vận
tải là dùng phương tiện để chuyên chở người hoặc vật đi đường dài [50; tr.1802]. Từ
điển Tiếng Anh Oxford định nghĩa “hàng hải là có liên quan tới tàu thủy hoặc các

hoạt động thương mại bằng đường biển” (Marine: connected with ships or trade at
sea) [61; tr.549]. Tiếng Anh có nhiều thuật ngữ hàm chỉ hoạt động hàng hải như
marine activity, marine transportation hay marine working. Điểm chung của những
định nghĩa về hàng hải là đều chỉ sự lưu thông bằng đường biển hoặc các hoạt động trên
biển, có liên quan đến tàu thuyền. Như vậy, theo nghĩa thông thường, “hoạt động hàng
hải” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các hoạt động liên quan đến sự di chuyển bằng
đường biển, các hoạt động lưu thông trên biển bằng tàu thuyền hoặc các phương tiện
vận tải trên biển để chuyên chở người, hàng hóa hoặc nhằm các mục đích khác nhau.
Trên thực tế, ở Việt Nam, có thể khẳng định từ trước đến nay, thuật ngữ “hoạt
động hàng hải” chưa được định nghĩa trực tiếp trong bất kì một văn bản pháp luật nào,
cũng như trong bất kì công trình nghiên cứu nào, kể cả các công trình nghiên cứu
chuyên sâu trong lĩnh vực hàng hải, dịch vụ hàng hải hay các công trình có liên quan
đến môi trường biển, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Điều này được lí giải là do
“hoạt động hàng hải” là một thuật ngữ có nội hàm tương đối rộng, có thể xem xét dưới
nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà khoa học, có hai cách
tiếp cận về thuật ngữ hoạt động hàng hải, theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng, “hoạt động hàng hải” bao gồm các hoạt động trên biển, có liên
quan đến các hoạt động trên đất liền và các dịch vụ đi kèm. Cụ thể là: hoạt động vận
chuyển bằng đường biển, các hoạt động liên quan đến tàu biển như mua, bán, thuê tàu,
hoạt động của thuyền viên, trách nhiệm của chủ tàu, bảo hiểm đường biển, cảng biển,
18
giải quyết tai nạn hàng hải như cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, giải quyết các tranh
chấp hàng hải… Cách hiểu theo nghĩa rộng này có một số điểm đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, hoạt động hàng hải bao gồm cả các hoạt động thương mại (như vận
chuyển hàng hóa bằng đường biển) và hoạt động phi thương mại (như trục vớt tài sản,
tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, hoa tiêu hàng hải, lai dắt hàng hải)…
Thứ hai, hoạt động hàng hải bao gồm các hoạt động diễn ra bằng các phương tiện
chìm và nổi trên biển, các hoạt động có liên quan trên đất liền và cả các dịch vụ có liên
quan đến hoạt động hàng hải. Các hoạt động hàng hải diễn ra trên biển bao gồm các
hoạt động vận chuyển hàng hóa, chở người, du lịch biển, bảo đảm an toàn hàng hải,

thăm dò và khai thác tài nguyên như khoáng sản, dầu khí, nguồn lợi thủy sản; khảo sát,
đo đạc, biên vẽ hải đồ; các hoạt động tuần tra kiểm soát trên biển nhằm đảm bảo an
ninh, an toàn và bảo vệ môi trường như các mục đích an ninh quốc phòng, chống buôn
lậu trên biển, phòng chống tội phạm trên biển. Các hoạt động có liên quan đến hoạt
động hàng hải diễn ra trên đất liền bao gồm: các hoạt động tại cảng biển, các hoạt
động quản lí, theo dõi, cung cấp thông tin về tàu, hoạt động công nghiệp hàng hải, giải
quyết các tranh chấp hàng hải, bảo hiểm hàng hải… Các dịch vụ đi kèm hoạt động
hàng hải bao gồm dịch vụ logistic, dịch vụ vận tải đa phương thức, dịch vụ lai dắt tàu
biển, dịch vụ môi giới hàng hải…
Thứ ba, tiếp cận theo cách này, có nhiều nhóm quan hệ phát sinh từ hoạt động
hàng hải, đó là nhóm quan hệ của nhà nước, của các cơ quan công quyền của nhà nước
với các cá nhân, pháp nhân và cả các cơ quan công quyền khác của nhà nước; nhóm
quan hệ phát sinh giữa các quốc gia liên quan đến tàu và các phương tiện hoạt động
trên các vùng biển; nhóm quan hệ giữa các bên, bao gồm cả cá nhân và pháp nhân
tham gia hoạt động vận tải bằng đường biển.
Theo nghĩa hẹp, “hoạt động hàng hải” chỉ đơn thuần là hoạt động liên quan đến
việc sử dụng tàu biển, có liên quan đến việc di chuyển bằng đường biển. Với cách tiếp
cận này, hoạt động hàng hải được thực hiện trên các phương tiện vận tải biển, liên
quan trực tiếp đến việc sử dụng các loại tàu khác nhau như: tàu hàng rời, tàu kết hợp,
tàu container, tàu chở khí gas, tàu chở hàng tổng hợp, tàu Ro/Ro, tàu chở quặng, tàu
khách, tàu chở hóa chất, tàu chở dầu, phương tiện chìm nổi trên biển như tàu ngầm
chiến đấu, bông-tông… Hơn nữa, với đặc thù của hoạt động hàng hải là có phạm vi
rộng, vượt cả ra ngoài biên giới quốc gia (trên biển) nên tàu biển không chỉ hoạt động
trong vùng biển của một quốc gia mà còn hoạt động tại vùng biển hoặc cảng biển của
các quốc gia khác. Và vì vậy, hoạt động hàng hải theo nghĩa hẹp không đặt ra và giải
quyết các vấn đề liên quan đến quốc tịch của tàu biển, màu cờ của tàu biển mà tập
19
trung vào những hoạt động cụ thể của con tàu. Nói cách khác là hoạt động hàng hải
xem xét đến tất cả các vấn đề có liên quan đến hoạt động của mỗi con tàu, từ khi tàu
chuẩn bị xuất bến tại cảng, di chuyển trên biển, gặp tai nạn (nếu có) đến khi hoàn

thành hải trình, kết thúc chuyến đi bằng việc tàu cập cảng.
Cả hai cách tiếp cận nêu trên đều phản ánh đúng bản chất của hoạt động hàng hải.
Tuy nhiên, sử dụng thuật ngữ “hoạt động hàng hải” như thế nào, theo nghĩa rộng hay
hẹp lại tùy thuộc vào mục đích và đối tượng của hoạt động này. Tiếp cận theo nghĩa
rộng thường là để giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hàng
hải, liên quan đến tất cả mọi hoạt động thuộc về hàng hải. Còn tiếp cận theo nghĩa hẹp
là để giải quyết một vấn đề, một khía cạnh cụ thể mà pháp luật hàng hải điều chỉnh.
Tại Việt Nam, dưới góc độ pháp lí, trước đây, thuật ngữ “hoạt động hàng hải”
được định nghĩa gián tiếp trong các đạo luật về hàng hải, lần đầu tiên là được nêu ra
trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam 1990, và sau đó là Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005.
Cả hai đạo luật trên đều thông qua quy định về phạm vi điều chỉnh để giới hạn nội
dung của hoạt động hàng hải. Ví dụ, Điều 1 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 1990 qui định:
"Bộ luật hàng hải Việt nam được áp dụng đối với những quan hệ pháp luật phát sinh
từ các hoạt động liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào các mục đích kinh tế, nghiên
cứu khoa học - kỹ thuật, văn hoá, thể thao, xã hội và công vụ Nhà nước, sau đây gọi
chung là hoạt động hàng hải". Tiếp đến, Điều 1 khoản 1 Bộ luật Hàng hải Việt Nam
2005 đã thay thế qui định trên bằng một quy định đầy đủ, cụ thể hơn, đó là “Bộ luật
này qui định về hoạt động hàng hải, bao gồm các qui định về tàu biển, thuyền bộ, cảng
biển, luồng hàng hải, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô
nhiễm môi trường và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục
đích kinh tế, văn hoá, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học”. Như vậy, từ
phương diện pháp luật thực định thì việc chỉ rõ những nội dung chính của hoạt động
hàng hải trong phạm vi điều chỉnh của các đạo luật về hàng hải là hoàn toàn hợp lí, giúp
cho việc điều chỉnh pháp luật trên thực tế được thuận tiện hơn, song từ phương diện học
thuật thì lại cho thấy một thực tế là ngay cả trong các đạo luật chuyên ngành về hàng hải
thì thuật ngữ hoạt động hàng hải cũng chưa được giải thích một cách đầy đủ, rõ ràng.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy khó có thể đưa ra một định nghĩa đầy đủ,
chính xác của thuật ngữ “hoạt động hàng hải”. Tùy từng trường hợp, với mục đích và
cách tiếp cận khác nhau mà có thể giới hạn phạm vi, nội hàm và ngoại diên của thuật
ngữ. Trong khuôn khổ của của đề tài luận án này, chúng tôi giới hạn phạm vi của thuật

ngữ “hoạt động hàng hải” theo nghĩa hẹp, tiếp cận hoạt động hàng hải dưới góc độ đơn
giản nhất, đó là việc sử dụng con tàu và các phương tiện vận tải biển, các phương tiện
20
chìm và nổi trên biển (sau đây gọi chung là tàu biển) vì bất kì mục đích gì trong phạm
vi biên giới biển của Việt Nam. Theo nghĩa này, hoạt động hàng hải bao gồm những
nội dung chính sau đây:
Một là, hoạt động hàng hải liên quan đến tàu biển trong suốt hải trình, bao gồm
các hoạt động từ khi tàu xuất bến cho tới khi cập cảng cuối cùng, kết thúc hải trình.
Hai là, hoạt động hàng hải thực hiện với nhiều mục đích khác nhau như kinh tế,
chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo an toàn hàng hải, phòng chống tội phạm trên
biển hay bảo vệ môi trường… Cho dù với mục đích gì thì chúng cũng có chung bản
chất pháp lí là các mối quan hệ về tàu biển và việc sử dụng tàu biển.
Ba là, hoạt động hàng hải diễn ra trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Theo qui
định của pháp luật Việt Nam, đường biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam là ranh
giới phía ngoài của lãnh hải, có chiều rộng tối đa là mười hai (12) hải lí tính từ đường
cơ sở. Trong phạm vi biên giới biển của mình, Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn và
đầy đủ đối với mọi hoạt động của tàu thuyền trong nước cũng như nước ngoài. Vì vậy,
mọi hoạt động của tàu thuyền diễn ra trong phạm vi ranh giới phía ngoài của lãnh hải
trở vào đều thuộc giới hạn của thuật ngữ “hoạt động hàng hải” nêu trên.
Được thực hiện với các mục đích khác nhau, hoạt động hàng hải mang lại nhiều
giá trị to lớn cho sự phát triển của đất nước. Trong tiến trình giao lưu quan hệ kinh tế
quốc tế toàn cầu hiện nay, việc vận chuyển hàng hoá quốc tế bằng đường biển ngày
càng trở nên phổ biến và chiếm tỉ trọng lớn so với các loại phương tiện khác. Sự gia
tăng nhu cầu của xã hội đối với hoạt động hàng hải đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu
phát triển các hoạt động và ngành nghề khác có liên quan đến hoạt động hàng hải, như
dịch vụ hàng hải, công nghiệp sản xuất phương tiện vận chuyển, tàu thuyền, đội ngũ
thuyền viên cho tới các vấn đề thuộc về an toàn và an ninh hàng hải Không thể phủ
nhận được những giá trị to lớn về mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao mà các hoạt động
nêu trên mang lại cho quốc gia có biển như Việt Nam, song, như là tính hai mặt của
một vấn đề, hoạt động hàng hải nói riêng, hoạt động có liên quan đến hàng hải nói

chung đã và đang gây ra những hậu quả rất nặng nề cho con người và môi trường, đặc
biệt là môi trường biển. Điển hình nhất là các hoạt động giao thông trên biển, sự cố
môi trường trong hoạt động hàng hải, việc xả thải từ hoạt động hàng hải gây ô nhiễm
các thành phần môi trường biển và các nguồn tài nguyên biển. Cụ thể là:
Hoạt động giao thông trên biển đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với
môi trường biển. Theo báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2005, lượng chất
thải từ các cảng lớn là khoảng 6.800 tấn chất thải rắn/năm. Đặc biệt là trong những

×