Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Cái kẹo và 30 năm cải cách mở cửa ở trung quốc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (110.56 KB, 4 trang )

Cái kẹo và 30 năm cải cách mở cửa ở Trung Quốc
Nhiều sách TQ viết lại: Một hôm, Đặng Tiểu Bình dẫn cháu đến
thăm Mao Trạch Đông. Mao muốn đứa trẻ gọi mình là ông
nhưng nó không nghe. Mao bèn đưa ra một cái kẹo để “dụ”.
Đứa bé vội vã gọi Mao bằng “ông”. Đặng Tiểu Bình nhân cơ
hội đó nhắc khéo Mao Trạch Đông: “Đồng chí xem, ngay cả
đứa trẻ nhỏ cũng biết thế nào là kích thích vật chất…”
Khi có “kẹo” thì người ta mới làm, không “kẹo” thì không ai muốn làm gì cả. Nếu
coi cái “kẹo” kia là lợi ích thì ta sẽ nhận ra một quy luật hết sức cơ bản trong xã
hội: Con người luôn hành động vì lợi ích, xoay quanh trục lợi ích và định hướng
bởi lợi ích cá nhân.
Giới nghiên cứu tốn không ít giấy mực và neuron thần kinh để tìm cách giải thích
sự thành công của 30 năm cải cách ở Trung Quốc. Thực chất, quá trình cải cách
thành công bởi đã tuân theo những quy luật đơn giản của tự nhiên và xã hội,
trong đó quan trọng nhất là đã tôn trọng quy luật lợi ích.
Từ “nồi cơm to” sang “nồi cơm nhỏ”
Dưới thời Mao Trạch Đông, kích thích vật chất, tư hữu vật chất được xem là tiền
đề của bóc lột tư bản chủ nghĩa, là sự xấu xa của chủ nghĩa xét lại. Tính ưu việt
của CHXH là công hữu, là toàn dân “ăn nồi cơm to”. Xí nghiệp ăn nồi cơm to của
nhà nước, công nhân viên ăn nồi cơm to của xí nghiệp, nông dân ăn nồi cơm to
của công xã.
Lý thuyết “nồi cơm to” căn bản xuất phát từ quan niệm bình đẳng, chống bóc lột.
Từ nay, không còn người giàu kẻ nghèo, không còn địa chủ bóc lột nông dân, tư
sản bóc lột vô sản, tất cả ăn chung một nồi cơm to, có gì ăn nấy, không ai được
ăn hơn người khác. Hai mươi năm ăn nồi cơm to theo quan niệm “một bình
quân, hai điều phối” khiến Trung Quốc càng ăn càng đói, càng lao động càng
nghèo.
Về sau, Đặng Tiểu Bình đã chỉ ra: Nồi cơm to chỉ nuôi anh lười và nồi cơm to
càng ăn càng nghèo. Anh lười không làm gì, không lao động cũng được ăn như
người chăm chỉ, giỏi giang. Yếu tố lợi ích cá nhân bị xem nhẹ chính vì thế động
lực làm việc mất đi. Đó là nguồn gốc của chậm phát triển sức sản xuất.


Cải cách kinh tế đơn giản chỉ là chuyển từ “nồi cơm to” sang “nồi cơm nhỏ”, để
mỗi người ăn nồi cơm nhỏ của họ, tự lo cho nồi cơm nhỏ của họ. Quá trình
chuyển đổi nồi cơm diễn ra ở tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế từ nông
nghiệp tới công nghiệp đã làm sống dậy con sư tử Trung Quốc ngủ vùi suốt cả
trăm năm.
Hát vang bài ca “Khoán sản phẩm”
Trước cải cách nông nghiệp ở Trung Quốc, khoán sản phẩm được coi là vi phạm
nguyên tắc công hữu thiêng liêng, đi theo chủ nghĩa tư bản. Nông dân không tự
sản xuất được lương thực cho mình từ đó nảy sinh ba dựa: “Lương thực dựa
vào đi mua, sản xuất dựa vào vay vốn, đời sống dựa vào cứu tế”.
18 hộ nông dân nghèo nhất ở huyện Phượng Dương, tỉnh An Huy đã đi tiên
phong trong việc tự khoán chui mà không được phép của cấp trên. Họ cùng ký
tên vào bản thỏa thuận và cam chịu nếu không được sẽ bị “tù tội, chém đầu”.
Sự dũng cảm của họ ở thời kỳ đầu cải cách nông nghiệp đã mở đường cho quá
trình giải phóng nông nghiệp, tạo động lực lợi ích để kích thích sự sáng tạo và
nỗ lực sản xuất.
Chỉ sau một năm, hiệu quả nhìn thấy ở huyện Phương Dương rõ rệt, thu nhập
đầu người tăng gấp 7 lần và sản lượng lương thực bằng 7 năm trước cộng lại.
Thành quả đó là minh chứng thực tế khiến Trung ương thay đổi nhận thức, nhân
rộng mô hình này trên toàn Trung Quốc. Từ đó, nông dân Trung Quốc hát bài ca
của Phượng Dương: “Khoán sản phẩm, khoán sản phẩm, cứ thẳng đường đi
không quanh quẩn…”
Bản thỏa thuận của nông dân huyện Phượng Dương giờ vẫn được lưu trong nhà
Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc. Đó là một vật chứng lịch sử cho thấy tinh thần
đấu tranh giành lấy quyền tự chủ về vật chất của nhân dân. Đúng như Đặng Tiểu
Bình đã chỉ đạo ngay từ đầu cuộc cải cách: “Nếu chỉ nói về tinh thần hi sinh,
không nói lợi ích vật chất, thì đó là duy tâm…”.


Dỡ miếu tông thần

Quá trình cải cách công nghiệp ở Trung Quốc cũng tương tự. Trước cải cách,
hoạt động kinh doanh của các xí nghiệp không được quyết định bởi lợi ích của
bản thân xí nghiệp hay nhu cầu thị trường. Tất cả được quyết định bởi các “vị bồ
tát” ngồi trên với con dấu nắm chặt trong tay.
Nhưng càng nắm, càng không chặt, tưởng nắm lại không nắm gì. Công nghiệp
lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đặng Tiểu Bình chỉ đạo cuộc cải cách chỉ
bằng những lý luận hết sức đơn giản: dỡ miếu tông thần, không cần nhiều lãnh
đạo, nhiều con dấu, nhiều chỉ thị mà quan trọng nhất là quyền tự chủ.
Ông nói: “Mỗi đội sản xuất có quyền tự chủ kinh doanh thì một mảnh đất nhỏ
chưa được trồng trọt, một mặt nước nhỏ chưa được sử dụng, xã viên và cán bộ
cũng ngủ không yên, tìm mọi biện pháp để tận dụng. Toàn quốc có mấy chục
vạn xí nghiệp, mấy triệu đội sản xuất đều ra sức suy nghĩ, thì có thể làm ra biết
bao tiền của”.
Đó chính là đòn bẩy kinh tế, các doanh nghiệp được phép sử dụng lợi nhuận
sau khi nộp thuế, được trả lương cho nhân viên theo hiệu quả, lợi nhuận, được
tự chủ quyết định sản xuất cái gì để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường và đem
lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Động lực lợi ích được khơi thông thì tự nền kinh tế
phát triển mà không cần những lời hô hào, khẩu hiệu như giai đoạn trước đó.
Cũ nhưng không lỗi thời
Quy luật lợi ích hết sức đơn giản nhưng là yếu tố mang tính tiền đề, căn bản
nhất, đặt nền móng cho 30 năm cải cách thành công của Trung Quốc. Phát triển
là quá trình giải phóng những lợi ích cá nhân, tạo ra khuôn khổ cho các cá nhân,
doanh nghiệp hành động vì lợi ích của họ mà không ảnh hưởng gì tới lợi ích
chung của xã hội.
Khi các cá nhân được lợi, doanh nghiệp được lợi có nghĩa là toàn xã hội được
lợi. Đó là sự tương hợp về mặt lợi ích giữa các thành tố trong nền kinh tế.
Ngày nay, sẽ chẳng còn gì mới mẻ khi nhắc tới quy luật đó. Nhưng, quy luật đến
“trẻ con cũng biết” đó vẫn liên tục bị vi phạm, sự bất tương hợp về mặt lợi ích
vẫn liên tục diễn ra ở nhiều quốc gia nơi các doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng
vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Bài học lợi ích từ 30 năm cải cách của Trung

Quốc đã cũ nhưng vẫn không hề lỗi thời trong thế giới ngày nay.
Theo TuanVietnam.net

×