Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học: " ĐỌC LẠI HAI BÀI CA DAO DƯỚI GÓC NHÌN NGỮ DỤNG HỌC" docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (149.31 KB, 5 trang )

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(34).2009

115
ĐỌC LẠI HAI BÀI CA DAO DƯỚI GÓC NHÌN NGỮ DỤNG HỌC
RE-READING TWO FOLK VERSES IN PRAGMATIC PERSPECTIVE

Bùi Trọng Ngoãn
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

TÓM TẮT
Bài viết dưới đây là cách tiếp cận mới đối với một đối tượng cũ. Chúng tôi đã vận dụng,
ở mức độ có thể, các lí thuyết ngữ dụng học để khám phá về ngôn từ văn bản, tính chất hội
thoại, nội dung hình tượng và tâm tình của các nhân vật giao tiếp trong hai bài ca dao. Người
viết đã phân tích, xác định lại ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ và nội dung của hai bài ca dao.
Trong đó, người viết đã chứng minh rằng bài thứ nhất không phải là sự thể hiện của một cuộc
tỏ tình theo cách hiểu thông thường mà là lời kể về một cuộc cầu hôn, bài thứ hai là lời phân
trần của một đôi trai gái sau khi không lấy được nhau.

ABSTRACT
The paper presents a new approach to a familiar object. The pragmatic theories have
been resorted as much as possible to discover the language used in the text, the conversational
features, the characters’ images and feelings in the two folk verses. The author has analyzed
and re-determined the meaning of the linguistic units and the content of the two folk verses. The
writer has proved that the first folk verse is not the declaration of love expressed in the common
way of understanding but words of a proposal, and the second one is the apologetical
explanation of a couple after being unable to be married to each other.

1.
“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng …” và “Trèo lên cây bưởi hái hoa…” là hai bài
ca dao tình yêu, bài đầu kể về một cuộc đính ước, bài sau là lời tâm tình khi không
đến được với nhau. Tất nhiên chúng không phải là hai phần tiếp nối của một câu


chuyện tình nhưng lại có sự gần gũi về mặt biểu hiện và tâm tình của các nhân vật.
Chúng tôi lựa chọn phân tích hai bài này còn vì một lí do khác là tính chất hội thoại
của chúng, một đối tượng của ngữ dụng học.
2. Thoạt nghe, dễ tưởng rằng:
“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng được chăng
Đan sàng em cũng xin vâng
Tre non đủ lá nên chăng hỡi chàng?”
là một màn kịch, là một cuộc đối thoại giữa hai nhân vật. Hóa ra không phải vậy.
Cụm từ “anh mới hỏi nàng” xác định câu thứ nhất là lời dẫn chuyện, là lời kể
(Anh (anh chàng) – nàng (cô nàng) là ngôi ba khác với anh – em là ngôi 1- ngôi 2) và
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(34).2009

116
câu thơ thứ hai là bổ ngữ thuyết minh. Như thế “Tre non đủ lá đan sàng được chăng”
không phải là lời thoại trực tiếp mà chỉ là lời thoại được trích dẫn mang tính chất siêu
ngôn ngữ.
Hai câu sau kì thực cũng là một sự trích dẫn nguyên văn, tức là lời thoại nằm
trong lời kể. Thử chêm xen một vài yếu tố từ ngữ mang chức năng dẫn xuất ta càng thấy
rõ tính chất trích dẫn này:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
(Rằng) tre non đủ lá đan sàng được chăng
(Nàng rằng) đan sàng em cũng xin vâng
Tre non đủ lá nên chăng hỡi chàng?
Rõ ràng đây không phải là một màn kịch, một cuộc thoại trực tiếp mà chỉ là một
câu chuyện kể và lời thoại của các nhân vật được dẫn trực tiếp sống động đã làm cho
bài ca dao giàu tính tạo hình như thể một cuộc thoại, một cuộc tỏ tình đang diễn ra trước
mắt người đọc.
Trở lại với phần dành cho chàng trai. Khi nói “đêm trăng thanh anh mới hỏi
nàng” thì bản thân nó đã chứa đựng một tiền giả định l à trước đó họ đã có bao nhiêu

cuộc hẹn hò, gặp gỡ, từ những đêm trăng mờ, trăng tỏ… Lời yêu, lời thương dù chân
thành và sâu sắc đến mấy vẫn là lời khó nói, vẫn phải chờ đợi điều kiện chín muồi. Điều
kiện đó đã tới: hoàn cảnh thuận lợi (đêm trăng thanh), tình yêu đang độ trẻ trung (tre
non đủ lá). Ngoài khung cảnh nên thơ thanh tịnh tương ứng với chuyện tình yêu trong
trẻo, ở đây còn có một nhân vật thứ ba là trăng. Với người Việt, khi nói chuyện trọng
đại bao giờ cũng phải “ba mặt một lời”, “nói có ngọn đèn” hay “hai vầng nhật nguyệt”
chói lòa soi tỏ. Đêm tỏ tình, nhân vật linh thiêng thực thi quyền năng chứng giám ấy là
trăng.
Ngược lại, đã viện đến nhân vật tối thượng kia thì đây phải là chuyện đại sự của
đời người. Vậy mà chàng trai đã dùng lối nói ẩn dụ kín đáo lắm: “Tre non đủ lá đan
sàng được chăng” Các nhà ngữ pháp gọi câu thơ này là câu hỏi lựa chọn và hai tiếng
được chăng cuối câu đã thông báo nhường quyền quyết định cho người đối thoại, được
hay không được là ở người ấy! Như thế đây không phải là lời tỏ tình mà là lời cầu hôn.
Hơn nữa, đan sàng là sự kết nối các thanh, mảnh đơn lẻ thành một vật phẩm mới, khác
gì chuyện hôn nhân kết ước giữa đời!
Nhưng phải là “tre non đủ lá” chứ không thể là măng tơ non nớt, bồng bột, vội
vàng. Cũng không thể là tre già, quá muộn màng, đã qua hết tuổi xuân thì, xuân sắc.
Song song với lời cầu hôn, câu nói còn hé lộ thông tin về chàng trai: tha thiết với
làng quê từ trong sâu thẳm tâm thức và sự gắn bó với tự nhiên kia đã chuyển hóa vào lời
bằng những chi tiết, hình ảnh của đời sống thôn dã, thuần hậu. Về hình thức, cách nói
có vẻ bóng gió xa xôi nhưng nội dung thì rất cụ thể xác thực. Chất phác mà không thô
kệch, tình thực mà không sỗ sàng.
Chàng trai đã không chọn nhầm. Cô gái trong bài ca dao vừa khôn ngoan lại vừa
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(34).2009

117
tế nhị. Nhận lời ngay đấy nhưng vẫn khéo léo giữ gìn thể diện. Không đến mức phá vỡ
mọi khuôn phép ràng buộc theo kiểu “Ước gì sông rộng một gang – Bắc cầu dải yếm
cho chàng sang chơi” nhưng vẫn rất chủ động. Cô gái nhắc lại một phần câu hỏi “Đan
sàng (em cũng xin vâng)” phải chăng là để: (a) Khẳng định với người đối thoại rằng

mình đã hiểu được lời anh; (b) Buộc người đối thoại phải xác tín lại điều vừa nói ra; (c)
Thực hiện kế sách trì hoãn nhằm lựa chọn câu trả lời đắc dụng nhất? Dù hướng đến một
hay tất cả những cái đích giao tiếp trên thì điều đó cũng thể hiện sự khôn khéo của cô
gái này.
Trong lời cô ấy, từ “cũng” không phải là tiêu điểm thông tin nhưng lại có một
thông tin hàm ẩn, thông tin bổ sung thật thú vị, sâu sắc. Trước hết, “cũng” thể hiệ n sự
tương tự và đây đúng là chuyện đồng điệu, đồng tâm, đồng cảm của đôi lứa yêu nhau.
Mặt khác điều kiện dùng hay tiền giả định của “cũng” là tính chất lặp lại, tiếp diễn. Điều
này hàm ý cô gái chỉ là người đồng thuận với người đề xuất là chàng trai. Đún g là
chuyện trâu đi tìm cọc đấy nhé! Dẫu “em” có đồng ý ngay thì miệng lưỡi thế gian cũng
không cớ gì dị nghị đặt điều.
Trái với tiếng “xin vâng” nết na, gia giáo là một phát ngôn đáo để “Tre non đủ lá
nên chăng hỡi chàng?” Nếu chàng trai hỏi “được chăng” thì cô gái thay bằng “nên
chăng”. Trình tự 2 phát ngôn trong lời cô gái được sắp đặt có chủ ý: thuận tình trước rồi
mới hỏi thêm, như thể để chàng trai khỏi thất vọng chăng? Song phải thấy rằng người
con gái ấy hiểu ngay lời chàng trai và câu trả lời của cô hướng về hai tiêu điểm : Một là
đồng ý kết hôn (đan sàng), hai là băn khoăn về thời điểm (tre non đủ lá).
Cuối bài là một câu hỏi. Câu trả lời bỏ trống, tạo ra một kết thúc mở. Nếu chàng
trai khôn ngoan, chín chắn lựa chọn thời điểm chín muồi để tỏ bày thì cô gái lại trả lời
thật kín nhẽ, vừa đồng thuận lại vừa có chủ kiến riêng.

3. “Trèo lên cây bưởi hái hoa …” cũng là bài ca dao có hai phần trao đáp. Hai lời nhưng
lại thống nhất trong một chủ đề chung: đôi bên cùng nuối tiếc xót xa trước một hiện
thực đã rồi. Hai phía cùng một nỗi lòng: ở chàng trai là một niềm hối tiếc muộn màng, ở
cô gái là nỗi tức tưởi dằn lòng, vùi nén.
Trong phát ngôn của chàng trai, bao nhiêu tâm sự dồn vào câu cuối cùng: “Em
đã có chồng, anh tiếc lắm thay”. Cấu trúc câu ca hướng tới hai nội dung thông tin “em
đã có chồng” và “anh tiếc lắm thay”. Vế thứ nhất nhắc lại một thực tế khó đổi thay bởi
ván đã đóng thuyền, gạo đã thành cơm. Nếu n ói “em có chồng rồi” thì từ tình thái “rồi”
nằm ở phía cuối tổ hợp thông tin. Cách nói đó không có hiệu lực mạnh bằng “Em đã có

chồng” với phó từ “đã” đặt ở phía trước tiêu điểm “có chồng”. Vế thứ 2 là hệ quả, hệ
lụy của vế thứ nhất. “Tiếc lắm” đã là mức độ cao, đến “tiếc lắm thay” thì đã là mức độ
tột cùng.
Suy cho cùng, cả hai vế đều nói về “anh”. “Em đã có chồng” là cái lỡ làng của
tình anh, là cái thiệt thòi của đời anh và “anh tiếc lắm thay” là nỗi lưu luyến vấn vương
của anh. Vì sao, vì ai mà có nỗi lòng ấy? Ta hãy nghe chàng trai thổ lộ:
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(34).2009

118
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay”
Trong mối tương quan với mục đích phát ngôn của chàng trai là tâm sự hối tiếc
thì lời dẫn dắt ở ba câu đầu là thể hứng quen thuộc của ca dao.
Từ mối liên tưởng của các đơn vị ngôn ngữ “trèo lên- bước xuống”, “cây bưởi –
vườn cà – tầm xuân”, “hái hoa – hái nụ”, “nụ - nở” thì tất cả các yếu tố này đều trở
thành các tín hiệu thẩm mĩ.
Trên bình diện hiển ngôn, cả ba sự kiện trong ba dòng thơ đầu đều là hiện tượng
bất thường. Hoa bưởi không phải hoa để trưng bày mà chỉ để cho các chị, các cô gội
đầu, vậy chàng trai ấy hái cho ai. Lạ lùng hơn là xuống vườn cà mà hái nụ tầm xuân.
Khốn nỗi định hái nụ thì nụ đã thành hoa. Hoa tầm xuân vốn trắng hồng thì ở đây lại
biếc xanh. Phải chăng khu vườn trong lời ca cũng là hình ảnh vườn tình? Cảnh huống
cũng trớ trêu như sự ngang trái của cuộc tình này!
Ở bình diện hàm ẩn, hoa bưởi, hoa cà, hoa tầm xuân cũng chính là hoa cuối mùa
xuân, cũng là cái muộn màng chẳng khác gì cái trễ tràng của chàng trai. Té ra không
phải nói chuyện hái hoa hái nụ mà là chàng trai đang tự trách mình mải vui đâu đâu,
loay hoay nơi này nơi nọ để khi nhận ra tình yêu của mìn h đặt vào đâu thì đã muộn
màng mất rồi!
Phần còn lại của bài ca dao là lời cô gái:

“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?”
Dòng thơ thứ hai “Sao anh không hỏi những ngày còn không?” là hình thức nghi
vấn nhưng nội dung là lục vấn. Hai chữ “không” là tín hiệu thẩm mĩ đặc sắc. Chữ
“không” trước là phó từ, chữ “không” sau là tính từ. “Không” trong “còn không” là “ở
không” là chưa chồng, chưa bị ràng buộc. Chữ “không” này nhẹ như không mà nặng
như không thể dời chuyển.
“Sao anh không hỏi những ngày còn không” vừa là lời trách cứ vừa là lời
tự bạch: “Người ta đã có tình ý rồi, nếu anh dạm hỏi đã nên vợ nên chồng”. Hiểu theo
nghĩa hàm ẩn “Ba đồng một mớ trầu cay” là một điều kiện thuận lợi dễ dàng (mà chàng
trai đã bỏ qua cơ hội).
Đến lúc này ta hiểu trước ngày cô gái có chồng, họ đã có tình ý với nhau
rồi nhưng khốn nỗi chàng trai còn mê mải đâu đâu nên tình yêu của họ không có kết quả
như mong đợi. Cô gái đi lấy chồng. Vì vậy cả hai cùng tiếc nuối xót xa. Cô gái tiếc nuối
thực sự khi nhắc lại cái thực tế phũ phàng: “em đã có chồng”. Hoa đến thì hoa phải nở,
đó là một thực tế không ai chối bỏ được. Bởi lấy chồng không phải là người mình yêu
nên cô gái rơi vào tình cảnh “Như chim vào lồng như cá cắn câu”. “Chim vào lồng, cá
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(34).2009

119
cắn câu” là tình cảnh nhìn thấy nỗi đau trước mắt mà bất lực không tự giải thoát được
cho mình.
Thể thơ thay đổi, giọng điệu thay đổi: Lời cô gái như đay như nghiến, dằn
từng tiếng trong hai câu song thất, lặp cú pháp:
“Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra.”
Sau hai tiếng “biết” là những tiếng phủ định và cũng mang nghĩa không
xác định “đâu, nào” càng thể hiện sự mịt mù bế tắc của cô gái có chồng này.

4. Nhìn một cách toàn cục, cả hai bài ca dao đều thuộc dạng toàn bích trên cả hai

phương diện ý – lời. Để đi vào thế giới nghệ thuật của chúng, chúng tôi không có sự
chia tách rạch ròi các thao tác tiếp cận được áp dụng là đối chiếu – liên hội phong cách
học, trực quan – kinh nghiệm của người bản ngữ và các lí thuyết ngữ dụng học. Trong
đó, các bình diện như nhân vật giao tiếp, vai giao tiếp, tính thể diện, đích giao tiếp,
chiến lược giao tiếp, tiêu điểm thông tin, lời thoại, tiền giả định của phát ngôn, ngữ
nghĩa của câu… đã thật sự là những công cụ hữu hiệu cho phép khám phá đối tượng ở
những góc nhìn đáng tin cậy.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, tái bản 2006, Nxb Văn học, Hà Nội
[2] Đỗ Hữu Châu, 2001, Đại cương ngôn ngữ học, tập 2 - Ngữ dụng học, Nxb GD,
HN.
[3] Nguyễn Đức Dân, 1998, Ngữ dụng học, tập 1, Nxb GD, HN.
[4] M.B.Khrapchenko, 2002, Những vấn đề lí luận và phương pháp luận nghiên cứu
văn học, bản dịch tiếng Việt, Nxb ĐHQGHN.
[5] Nguyễn Tấn Long, Phan Canh, 1969 - 1970, Thi ca bình dân Việt Nam, tập 1, tập 2,
Nxb Sống Mới, Sài Gòn.
[6] Nhiều tác giả, 1997, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 1, Văn học dân gian, Nxb
Văn học, Hà Nội.

×