Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Truyện Kiều dân gian hoá trong tộc người Kinh ở Trung Quốc – Tiếp cận từ góc nhìn nhân loại học văn hoá pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (213.15 KB, 13 trang )

Truyện Kiều dân gian hoá trong
tộc người Kinh ở Trung Quốc – Tiếp
cận từ góc nhìn nhân loại học văn hoá
Người Kinh tức người Việt, hiện là một trong số 55 dân tộc thiểu số
của Trung Quốc. Người Kinh di cư sang đất Trung Quốc vào năm Lê Hồng
Thuận thứ 3 đời Lê Tương Dực, - tương đương niên hiệu Minh Vũ Tông,
Chính Đức thứ 6, tức năm 1511. Theo thống kê dân số năm 2000, thì tộc
người Kinh ở Trung Quốc hiện có 22.500 người, riêng ở Quảng Tây có
21.000 người, tập trung hầu hết ở ba làng đảo Vạn Vĩ, Sơn Tâm, Vu Đầu,
thường gọi chung là Tam Đảo (hoặc Kinh Đảo), nay thuộc trấn Giang Bình,
thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ba làng đảo này nằm
trong vịnh Bắc Bộ, thuộc biển Nam Trung Quốc, hiện đã trở thành vùng bán
đảo, do từ năm 1971-1975, nhân dân đã đắp đê chắn biển tạo thành con
đường nối liền vùng đảo với vùng nội địa. Khi di cư sang Trung Quốc,
người Kinh đã mang theo cả một số phong tục tập quán của người Việt, và
trong gần 500 năm cư trú bên ngoài biên giới tổ quốc, người Kinh vẫn còn
bảo lưu được một số hình thức văn hoá cổ hay nói theo thuật ngữ của
Unesco, đó là di sản văn hoá phi vật thể như: truyện kể dân gian, ca dao
tục ngữ, các tục lệ cổ truyền, hát đám cưới, ngôn ngữ song âm tiết (la thi/
quả thị, la na/quả na, la dưa/ quả dừa…), đặc biệt là hình thức diễn xướng
truyện Nôm ở kháp đình (đình hát) v.v… Đây là hiện tượng văn hoá - lịch
sử quý hiếm mà các nhà nhân loại học văn hoá gọi là hoá thạch ngoại biên
(fossilisation périphérique/ peripheral fossiligation), hoặc còn gọi là hoạt hoá
thạch như cách gọi của giới nhân loại học Trung Quốc. Có thể nói, vùng
Kinh Đảo chính là một cầu trường lý tưởng để nghiên cứu hiện tượng hoá
thạch ngoại biên trong văn hóa tộc người.
Trong số những truyện thơ Nôm, thường được gọi là truyện Nôm, thì
tất cả các truyện Nôm bình dân như Tống Trân và Trần Cúc Hoa (tức
truyện Tống Trân Cúc Hoa ở Việt Nam), nhưDương Lễ và Lưu Bình (tức
truyện Lưu Bình Dương Lễ ở Việt Nam) khi lưu truyền trong tộc người Kinh
đều có truyện kể văn xuôi, truyện cổ tÍch tương ứng, mà truyện nào cũng có


dị bản. Và, nếu so sánh với những truyện cùng kiểu loại ở Việt Nam thì sự
sai biệt là khá lớn.
Trong bối cảnh chung như vậy, truyện kể dân gian văn xuôi cũng như
truyện thơ Kim Trọng và A Kiều đã xuất hiện và lưu truyền trong tộc người
Kinh cùng với các truyện thơ Nôm bình dân khác. Đáng chú ý là dòng
truyện kể dân gian văn xuôi đã hình thành cả một nhóm dị bản. Một trong
số những dị bản đó kể rằng:
“Tài chủ họ Nguyễn sinh hạ được hai người con gái là A Kiều và A
Vân. Tên đẹp của hai nàng đồn đại khắp xa gần. Thường ngày A Kiều, A
Vân không cho các nàng ra khỏi cửa.
Năm đó gặp tiết thanh minh, hai chị em cố nài xin cha mẹ cho ra
ngoài đi trảy hội đạp thanh.
Hai chị em nàng chơi bời thoả thÍch ở một vùng núi hoang dã, vắng
vẻ. Khi hai chị em đi tới một ngôi mộ nằm trơ trọi bên sườn đồi, A Kiều xem
kỹ tấm bia đá, thì ra đó là mả nàng ca kỹ nổi tiếng Đạm Tiên. Nghĩ tới câu
chuyện mẹ kể về nàng Đạm Tiên lúc trẻ, biết bao kẻ theo đuổi nàng năm
xưa không còn thấy tăm hơi đâu cả, bất giác A Kiều ngậm ngùi rơi lệ, thắp
hương lạy trước mả Đạm Tiên mấy lạy. A Vân thấy thế bèn giục chị đi chỗ
khác chơi, song A Kiều thoái thác là mỏi mệt muốn về nhà. Lúc bấy giờ
chợt có chàng Bùi Kim Trọng là công tử con vị tài chủ ở làng bên dắt ngựa
đi tới, định đỡ A Kiều lên ngựa. Nhưng A Kiều từ chối khiến Kim Trọng tỏ ý
rất áy náy.
Từ đó, A Kiều về nhà luôn nhớ nhung Kim Trọng mà sinh bệnh. Biết
tin, Kim Trọng bèn mạo nhận là thầy thuốc đến nhà tài chủ họ Nguyễn thăm
bệnh cho nàng A Kiều. A Kiều vừa nhác thấy Kim Trọng thì bệnh đã đỡ vài
phần. Cha A Kiều liền mời Kim Trọng ở lại chữa trị tiếp cho A Kiều cho đến
khi khỏi bệnh.
Sau đó ít lâu A Kiều khỏi bệnh. Kim Trọng trở lại nhà mình. Cha
chàng Kim bắt chàng nhốt vào phòng đọc sách, bắt chàng phải chăm chỉ
gắng công học hành.

Đến ngày mồng 10 tháng 6 nông lịch là ngày hội hát đối đáp ở kháp
đình (đình làng) của tộc người Kinh, Kim Trọng mượn cớ đi lễ tổ để tới đình
làng dự hội. Song tại đình làng chàng Kim không tìm thấy A Kiều. Chàng
thẫn thờ như kẻ mất hồn, đi thất thểu ra ngoài làng, ngồi bệt dưới gốc cây
đa cổ thụ, bỗng chàng ngồi phải một cái thoa gài tóc bằng vàng, chàng cầm
lên xem thì nhận ra đó là cái thoa của A Kiều.
Lúc ấy A Kiều cũng đang cúi đầu bước tới để tìm cái thoa. Thế là hai
người có dịp gặp gỡ, cùng thề thốt kết làm vợ chồng. Kim Trọng về nhà, xin
cha đi cầu hôn. Cha chàng trách mắng chàng sớm nghĩ tới việc yêu
đương, lệnh cho chàng nếu không thi đỗ Trạng Nguyên thì suốt đời không
cho lấy vợ.
Kim Trọng vội vã lên đường đi thi, nhờ người mang thư cho A Kiều,
hẹn rằng sau khi thi đỗ sẽ về cưới nàng làm vợ.
Bấy giờ có một lái buôn ở trọ nhà A Kiều, hắn thấy A Kiều xinh đẹp
bèn xin cha nàng cho được kết hôn với nàng. Nhưng bị cự tuyệt. Hắn liền
hối lộ quan huyện, rồi tố cáo rằng cha A Kiều đã ăn cắp tơ lụa của hắn. Tên
quan huyện bèn sai lính tới khám xét và lấy hết của cải của nhà tài chủ họ
Nguyễn, lại đánh đập cha A Kiều rất dã man. A Kiều đành phải nhận lời lấy
tên lái buôn để cứu cha. Rồi nàng tháo đôi khuyên tai mà Kim Trọng đã
đính ước đưa cho A Vân, và dặn em phải thay chị chăm lo cho chàng Kim.
Người lái buôn đưa A Kiều đi theo, nàng tuyệt thực để tự tử. Người lái
buôn thấy vậy bèn bán A Kiều cho một quan viên ở Kinh thành để làm nàng
hầu.
Cha con tên quan viên nọ tranh nhau nhận A Kiều làm tỳ nữ riêng.
Còn các người vợ của hai cha con quan viên thì mượn cớ ấy đánh đập A
Kiều tơi tả. Nàng uất ức tìm con đường chết nhưng được mẹ lão quan viên
cứu thoát. Ông bố quan viên biết chuyện, trách mắng con trai, con dâu. Thế
là bọn vợ của hai cha con quan viên cùng thông đồng lập mưu đem bán A
Kiều cho lầu xanh. Mụ chủ lầu xanh dạy A Kiều các cách đưa đón khách
cùng kỹ thuật đàn hát, và ép nàng phải tiếp khách. Dần dần A Kiều trở

thành kỹ nữ nổi tiếng.
Khi ấy thượng tướng quân Từ Hải dẹp loạn xong bỏ nghiệp võ theo
nghề buôn, nghe tiếng danh kỹ A Kiều bèn tìm đến hỏi rõ thân thế rồi tỏ
lòng thương cảm, bỏ tiền ra chuộc nàng đem đi và hứa sẽ giúp nàng báo
thù. Sau khi Từ Hải thôi nắm giữ binh quyền thì bọn giặc ẩn nấp ở đâu đó
lại nổi dậy và áp sát kinh thành. Từ Hải nghe tin quá uất hận mà chết. Niềm
hi vọng của A Kiều thế là tan vỡ, nàng phải trốn đến một ngôi chùa mong
được xuất gia tu hành, nhưng nàng bị từ chối, rồi cuối cùng lại bị mụ chủ
lầu xanh bắt về.
Lại nói Kim Trọng khi ấy thi đỗ Trạng Nguyên, nhà vua muốn kén làm
phò mã. Kim Trọng tâu bày rõ nguyên do, nhà vua bèn ban cho chàng chức
quan tam phẩm và cho chàng về quê để kết hôn. Nhưng khi Kim Trọng về
đến nhà thì chỉ thấy nhà họ Nguyễn đã hoang phế, cỏ dại mọc đầy sân. Kim
Trọng tìm được ba người nhà họ Nguyễn, xét xử lại vụ án oan khuất, trừng
trị gã lái buôn. Chàng sai người đi tìm nàng A Kiều nhưng không thấy, nên
đành kết hôn với A Vân.
Sau 15 năm chia tay với A Kiều, một hôm Kim Trọng đến một ngôi
chùa cổ bên sông Tiền Đường, chợt thấy một thiếu phụ ngồi ở dưới đất,
đang chắp tay nhắm mắt giống như pho tượng Quan Âm. Chàng dụi mắt
nhìn kỹ, thì ra đó là A Kiều. Nguyên do là nàng bị mụ chủ lầu xanh bán cho
một kỹ viện khác, nàng liền bỏ trốn rồi nhảy xuống sông tự tử, sau được
một người đánh cá cứu sống và đưa nàng đến tu ở ngôi chùa này. Sau khi
gặp lại A Kiều, chàng Kim bèn đưa nàng về nhà cùng sum họp ”.
Truyện thơ Kim Trọng và A Kiều về cơ bản cũng cùng nội dung với
truyện kể văn xuôi, nhưng do đặc trưng thể loại là thơ ca diễn xướng dân
gian của tộc người Kinh, nên hình thức ngôn từ thường mang đậm tính chất
trữ tình và giàu sắc thái biểu cảm hơn. Theo GS. Qua Vĩ cho biết, thì vào
những năm 40 của thế kỷ trước, vào dịp lễ hội ở đình làng hàng năm,
truyện thơ dân gian này còn được các kháp ca (liền anh), kháp muội (liền
chị) diễn xướng. Song đáng tiếc là vào thời điểm GS. Qua Vĩ đi sưu tầm

(1984) thì đã không còn ai biết diễn xướng truyện thơ này nữa. Sau đây
chúng ta hãy xem xét một đoạn kể lại cảnh tượng chàng Kim Trọng đi tìm
nàng A Kiều trong dịp lễ hội ở đình làng:
“Mồng 10 tháng 6, mọi người náo nức tới đình làng tế lễ tổ tông. Kim
Trọng mượn cớ tới dự hội đình để mong gặp A Kiều. Nhưng khi tới nơi thì
chỉ thấy đông đặc những người là người mà chẳng thấy A Kiều đâu. Kim
Trọng ngó nghiêng khắp chốn mà vẫn chẳng thấy nàng, nghĩ rằng nàng
không muốn đến gặp chàng. Càng nghĩ Kim Trọng càng thấy đau lòng,
trong khi mọi người cười nói rộn ràng thì chàng đành ôm mối tình si thất
thểu đi ra khỏi làng. Kim Trọng tới một gốc đa cổ thụ, bèn ngồi xuống đó,
bất chợt chàng thấy đùi đau nhói, thì ra chàng ngồi phải chiếc thoa vàng.
Vừa nhặt lên, chàng nhận ra ngay đó là chiếc thoa của nàng A Kiều. Kim
Trọng vừa mừng vừa lo, đang định đi tìm thì ngay lúc đó, nàng A Kiều
đang cúi gầm đầu đi tìm thoa cũng vừa tới chỗ Kim Trọng. Thế là hai người
gặp nhau, Kim Trọng bèn cất tiếng ca rằng:
… Vô ý đánh rơi vàng xuống đất
Có lòng tìm vàng đến hỏi anh…
Nhận được thoa rồi chớ cài chặt tơ tình,
Tiếng ca của Kim Trọng vừa mới dứt thì A Kiều hát đáp lại ngay:
… Rơi vàng bấy lâu lòng bồn chồn
Gần đây tơ tình khó cài chặt
Nên nỗi ngẩn ngơ như mất hồn.
Chàng Kim nghe rồi mừng đến phát điên, vội vàng chạy tới gần A
Kiều. Thì ra A Kiều từ sau khi chia tay với Kim Trọng, nàng cũng rất nhớ
Kim Trọng, song vì gia pháp nghiêm ngặt, nên nàng không dám đi gặp Kim
Trọng. Do đó, lúc này nàng cũng phải mượn cớ đi dự hội đình để có dịp
gặp Kim Trọng. Nhưng vì không gặp được Kim Trọng, lại không tiện tìm
kiếm ở chỗ đông người, nên A Kiều đành âm thầm tới gốc đa ngồi khóc
than. Được một lát, A Kiều sợ người nhà đi tìm, nên nàng vội về nhà, chẳng
ngờ lúc đứng lên thì đánh rơi chiếc thoa vàng mà không biết, sau phát hiện

đã mất thoa mới quay lại đường cũ để tìm và không ngờ lại được gặp Kim
Trọng ở đây. Sau một hồi trò chuyện, Kim Trọng đưa cho A Kiều một bọc
lụa nhỏ, nói là chiếc thoa vàng ở trong đó. A Kiều có ý nghi ngại: làm sao
chàng đưa trả chiếc thoa lại còn phải bọc kín như thế? Nàng mở bọc lụa ra
xem, bất giác nóng bừng cả hai tai, thì ra ngoài chiếc thoa, trong gói lụa còn
có một đôi khuyên tai rất đẹp. Đó chính là vật đính ước của con trai trao cho
con gái. A Kiều cũng đưa chiếc nhẫn của mình cho chàng Kim làm vật đính
ước. Kim Trọng chợt nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của A Kiều không muốn
bỏ ra, hồi lâu sau lại ngỏ ý muốn A Kiều tự tay đeo nhẫn cho chàng, còn
chàng thì cũng tự tay cài trâm và đeo khuyên tai cho nàng A Kiều. Rồi cả
hai người cùng quỳ xuống vái trời làm lễ ăn thề, lấy gốc đa cổ thụ làm
chứng cho việc trăm năm của đôi lứa
Đoạn kể của câu chuỵên rất đậm đà có hậu: Kim Trọng đưa A Kiều về
nhà gặp mặt mọi người, nghĩ lại 15 năm lưu lạc lúc vui lúc buồn, cả nhà đều
bùi ngùi rơi nước mắt. Kim Trọng ngỏ ý muốn A Kiều cùng với em Vân và
chàng xum họp một nhà. Nhưng A Kiều lặng đi một hồi lâu rồi mới thưa
rằng:
Mười lăm năm gió gió mưa mưa,
Trăng kia đã khuyết hoa kia đã tàn
Kim Trọng nghe xong lại càng cảm kích sâu nặng, chàng nói:
Trăng khuyết thì trăng lại tròn
Hoa tàn lại nở tươi giòn hơn xưa!
Qua nội dung truyện dân gian Kim Trọng và A Kiều, cả truyện thơ và
truyện văn xuôi, chắc chúng ta ai cũng cảm thấy quen thuộc, bởi vì chúng
ta đều đã quá quen thuộc với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên,
truyện Kim Trọng và A Kiều đã được dân gian hoá từ Truyện Kiều của
Nguyễn Du, hay ngoài ra còn chịu ảnh hưởng phần nào Kim Vân Kiều
truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nữa hay không lại là vấn đề không đơn
giản, và cần phải được tìm hiểu, nghiên cứu một cách hết sức cẩn trọng.
Chúng ta đều biết rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du vốn được sáng tạo trên

cơ sở Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân; về cơ bản, nội dung
cốt truyện của hai tác phẩm là tương đồng. Vậy trước hết, chúng ta hãy thử
so sánh nội dung truyện dân gian Kim Trọng và A Kiều với nội dung Truyện
Kiều của Nguyễn Du.
Trong truyện Kim Trọng và A Kiều, tác giả dân gian đã lược bỏ hết
các tình tiết và các nhân vật có liên quan như: Vương Quan (em trai Thuý
Kiều), Mã Giám Sinh, Mã Kiều, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Khuyển
Ưng, Khuyển Phệ, Hồ Tôn Hiến, Giác Duyên Truyện dân gian đã bỏ hẳn
sự kiện Hồ Tôn Hiến dẹp giặc, và hầu như chỉ tập trung vào câu chuyện
tình ái bi hoan ly hợp giữa Kim Trọng và A Kiều. Về tên nhân vật, Kim
Trọng đã không còn là họ Kim, mà đã biến thành họ Bùi – Bùi Kim Trọng;
Thuý Kiều, Thuý Vân cũng không còn là họ Vương mà đã đổi sang họ
Nguyễn, và lại gọi A Kiều, A Vân theo cách gọi thân mật của người Hán.
Còn Bùi và Nguyễn đều là họ của tộc người Kinh. Về địa điểm, địa danh,
không gian truyện, không còn là Bắc Kinh, Lâm Tri, mà là kháp đình/đình
làng và hội hát đối đáp ở đình làng. Ngoại trừ kinh thành, sông Tiền Đường,
truyện không có địa danh nào cụ thể. Một số tình tiết khác cũng có những
thay đổi nhất định: A Kiều trao đổi tín vật với Kim Trọng không phải tại vườn
nhà mà tại dưới gốc cây đa cổ thụ. Kim Trọng chia tay Kiều đi xa không
phải vì lý do việc tang cho ông chú, mà là vì lên kinh để đi thi. Việc A Kiều
luân lạc vào kỹ viện không phải do cha bị người vu cáo hãm hại, rồi nàng
phải bán mình chuộc cha, mà là do tên lái buôn đến ở trọ hám nhan sắc
của nàng, cầu hôn không được, nên mới vu cáo cha nàng để ép nàng phải
lấy hắn mà cứu cha. Rồi sau đó, vì nàng tuyệt thực tìm cái chết, tên lái
buôn e “mất cả chì lẫn chài” nên đã bán nàng cho một quan viên ở kinh
thành. Tiếp đó, vì hai cha con tên quan viên tranh nhau lấy nàng, nên các
bà vợ của chúng đã đem bán nàng cho kỹ viện. ở truyện dân gian, chúng ta
thấy nhân vật Từ Hải cũng không còn là anh hùng riêng một góc trời, mà đã
biến thành một vị thượng tướng quân, sau khi thành công đã bỏ nghiệp võ
trở về nghiệp buôn. Rồi vì nghe tin giặc nổi lên, Từ Hải uất hận mà chết,

chứ không phải do bị Hồ Tôn Hiến lừa giết chết, và cũng không có cảnh
“chết đứng”.
Tóm lại, theo tài liệu sưu tầm của các nhà sưu tầm folklore Trung
Quốc cho thấy, thì nội dung truyện do lưu truyền bằng miệng qua nhiều đời,
nhiều địa phương, nên tình tiết cũng có nhiều biến dị. Chẳng hạn, có nơi kể
Kim Trọng là con nhà giàu có, cũng có chỗ lại kể Kim Trọng là con nhà
nghèo khổ. Có thuyết kể nàng Kiều bị danh kỹ Đàm Tiên (Đàm chứ không
phải Đạm như trong Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện) cảm hoá. Có
người lại kể rằng Đàm Tiên hoá thành luồng gió xuân bay đi để nàng Kiều
phải thay Đàm Tiên mà chịu dày vò ở cõi thế gian. Có người lại kể rằng cha
mẹ Kiều bị vu hãm phải vào ngục tù, nàng Kiều và em gái lên kinh tìm Kim
Trọng, rồi sa vào lầu xanh. Lại có người kể rằng nàng Kiều và Kim Trọng
gặp nhau ở hoàng cung. Lúc ấy chàng Kim Trọng đã đỗ Trạng Nguyên.
Nhà vua vời chàng vào cung làm phò mã, và trong bữa tiệc mừng đám cưới
Kim Trọng với công chúa, chàng đã nhận ra nàng ca nữ đang hát hầu tiệc
rượu chính là A Kiều. Thế là nhà vua bèn xoá bỏ hôn ước giữa công chúa
với Kim Trọng và thành toàn cho mối tình của chàng Kim với A Kiều, v.v
và v.v
Như vậy, qua so sánh bước đầu, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng Kim
Trọng và A Kiều có nhiều khả năng chắc chắn là đã được dân gian hoá
từ Truyện Kiều của Nguyễn Du – bởi tộc người Kinh cũng có một đợt di cư
sang Trung Quốc vào năm Tự Đức 28 (1875), tức là sau thời điểm Nguyễn
Du viết Truyện Kiều (hiện ở Kinh Đảo còn có bản hương ước ghi chép về
đợt di cư này). Thế nhưng với chi tiết Từ Hải đi buôn thì lại khiến chúng ta
không khỏi có phần băn khoăn, vì đó là tình tiết chỉ có trong Kim Vân Kiều
truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Hồi thứ mười bảy) mà không có
trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên, theo các học giả Trung Quốc
cho biết, thì truyện kể về Từ Hải không chỉ có trong tác phẩm Kim Vân Kiều
truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, mà còn thấy trong nhiều tác phẩm truyện
ngắn thể truyền kỳ như Vương Thuý Kiều truyện của Dư Hoài (trong Ngu sơ

tân chí của Trương Triều sao lục), hoặc Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt của
Mao Khôn, v.v Đây là những thiên truyện ngắn mang đậm màu sắc dân
gian, từng lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc thời Minh – Thanh mà ngay cả
Thanh Tâm Tài Nhân khi sáng tạo Kim Vân Kiều truyện cũng đã tiếp nhận
vào trong tác phẩm của mình. Do đó, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng loại
truyện truyền kỳ dân gian này phải chăng cũng đã phần nào ảnh hưởng đến
các tác giả tộc người Kinh khi dân gian hoá Truyện Kiều của Nguyễn Du,
nhất là trong môi cảnh văn hóa Hán mà họ đã sinh tồn trên dưới 500 năm.
Đó là thiển kiến của chúng tôi. Còn các học giả Trung Quốc thì cũng
đặt ra một số vấn đề khá lý thú xung quanh truyện dân gian Kim Trọng và A
Kiều của tộc người Kinh ở Quảng Tây. Chẳng hạn như GS. Phó Quang Vũ
(Đại học Vân Nam) thì đưa ra giả thuyết về những tác phẩm quá độ, có tính
chất bắc cầu, giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du với truyện dân gian Kim
Trọng và A Kiều của tộc người Kinh. Ông rất mong mỏi được các nhà khoa
học Việt Nam cho biết xem liệu ở Việt Nam có các truyện thơ dân gian và
truyện kể dân gian văn xuôi được sáng tạo từ Truyện Kiều của Nguyễn Du
hay không? Riêng đối với truyện dân gian Kim Trọng và A Kiều, ông tỏ ý lấy
làm tiếc rằng hiện nay trong tộc người Kinh ở Quảng Tây không còn ai biết
hát/ biết diễn xướng như những năm 40 của thế kỷ trước, rằng nếu có
người còn hát được truyện thơ dân gian Kim Trọng và A Kiều, rồi ghi chép
lại, để làm tài liệu so sánh với Truyện Kiều của Nguyễn Du và truyện dân
gian văn xuôi Kim Trọng và A Kiều thì thật là tuyệt vời. Cuối cùng, GS. Phó
Quang Vũ cho rằng truyện thơ của Nguyễn Du vốn dùng thể thơ lục bát
nguyên là lối thơ bình dân/dân gian rất thuận tiện cho việc diễn xướng; do
đó, xét về mặt dân gian hoá Truyện Kiều của Nguyễn Du trong tộc người
Kinh, thì rất có khả năng truyện dân gian bằng văn vần đã ra đời trước, rồi
sau đó mới xuất hiện truyện dân gian văn xuôi Kim Trọng và A Kiều, và tiếp
đó, các dị bản truyện dân gian văn xuôi sẽ xuất hiện muộn hơn nữa.
Còn GS. Trần Ích Nguyên (Đại học Trung Chính, Đài Loan) vốn là một
học giả đầy tâm huyết trong lĩnh vực nghiên cứu so sánh văn học chữ

Hán – Việt Nam với văn học chữ Hán – Trung Quốc (Năm 2000, Nxb. Văn
học Hà Nội đã xuất bản công trình Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại
và Truyền kỳ mạn lục của ông, do nhóm dịch giả Phạm Tú Châu chuyển
dịch ra tiếng Việt), đồng thời cũng là người say mê nghiên cứu Truyện
Kiều của Nguyễn Du trong nhiều năm nay, nên ông cũng tỏ ra hết sức nhiệt
tình với việc tìm hiểu truyện dân gian Kim Trọng và A Kiều của tộc người
Kinh ở Quảng Tây. Vào năm 1999, GS. Trần Ích Nguyên đã hai lần từ Đài
Loan đến tận vùng Kinh Đảo để thực hiện việc sưu tầm và thẩm định lại các
tài liệu ghi chép về truyện dân gian Kim Trọng và A Kiều do giới folklore
Trung Quốc lục địa thực hiện trước đây. GS. Trần Ích Nguyên đã tìm gặp
ba lão nghệ nhân đã cung cấp tư liệu về truyện dân gian Kim Trọng và A
Kiều của lần sưu tầm đầu tiên ở làng Vạn Vĩ, do GS. Qua Vĩ (Học viện Sư
phạm Quảng Tây) chủ trì vào tháng 7 năm 1984. Không biết vô tình hay
hữu ý, kể từ lần sưu tầm đầu tiên đến lần sưu tầm lần này về Kim Trọng và
A Kiều ở Kinh Đảo cũng đã qua đi 15 năm. “Mười lăm năm ấy bây giờ là
đây” là con số thời gian trầm luân, định mệnh của nàng Kiều thì cũng là con
số thời gian đã có những biến đổi trong cuộc sống của ba lão nghệ nhân
năm xưa: một đã qua đời, một đã suy giảm trí nhớ và nặng tai, chỉ còn một
người có thể đối đáp được với nhóm điều tra. Do đó GS. Trần Ích Nguyên
phải gom góp thêm một số nghệ nhân cao tuổi vào thời điểm bấy giờ để
phỏng vấn, theo phương pháp nhân loại học văn hoá như: phỏng vấn cá
nhân, phỏng vấn nhóm, phỏng vấn tham dự tại hội diễn “kháp đình” v.v
cùng với các cộng sự là các nhà khoa học ở đại lục.
Qua điều tra, tìm hiểu tại thực địa, GS. Trần Ích Nguyên đã sơ bộ đưa
ra một số kết luận sau: Đúng là truyện kể dân gian Kim Trọng và A Kiều đã
tồn tại một số bản kể, một số dị bản qua quá trình lưu truyền bằng miệng.
Truyện kể dân gian Kim Trọng và A Kiều là truyện kể đã Kinh hoá
hoàn toàn, nội dung truyện mang đậm sắc thái văn hoá của ngư dân ở Kinh
Đảo cùng những đặc trưng thẩm mỹ của tộc người Kinh.
Tại Kinh Đảo không thấy có những tác phẩm quá độ có tính chất bắc

cầu giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du với truyện dân gian Kim Trọng và A
Kiều như GS. Phó Quang Vũ ở Đại học Vân Nam phỏng đoán.
Qua một vài phiến đoạn truyện thơ dân gian Kim Trọng và A Kiều còn
ghi chép được, cho thấy rất gần gũi với nội dung Truyện Kiều của Nguyễn
Du. Điều này chứng tỏ truyện thơ dân gianKim Trọng và A Kiều đã được
dân gian hoá từ truyện thơ lục bát của Nguyễn Du.
(Để đi đến kết luận này, GS. Trần Ích Nguyên đã ghi âm một phiến
đoạn truyện thơ A Kiều do một lão nghệ nhân tộc người Kinh diễn xướng,
sau đó mang đoạn băng ghi âm qua Mỹ, tới Đại học Harvard, nhờ học giả
người Việt Nam là ông Nguyễn Nam khảo chứng, và ông Nam cũng đã xác
nhận ý kiến của GS. Trần Ích Nguyên).
Về tình tiết Từ Hải đi buôn trong trong bản kể Kim Trọng và A Kiều,
ghi chép năm 1984, do chúng tôi giả thiết là các tác giả dân gian ngoài việc
lấy nguồn chủ yếu từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể còn chịu ảnh
hưởng nào đó từ nguồn truyền thuyết dân gian ở người Hán chăng? GS.
Trần Ích Nguyên trong khi trao đổi lại, đã đưa ra hai lập luận: một là người
kể chuyện năm đó đã nhớ lầm, kể lầm – hai là có thể người cung cấp tư
liệu điền dã đã đem thân thế của nhân vật Thúc Sinh cũng là nhà buôn để
gán cho nhân vật Từ Hải, và vì không đọc được tiếng Việt cho nên GS.
Trần Ích Nguyên đã lấy câu thơ chữ Hán, theo bản dịch Truyện Kiều của
GS. Hoàng Dật Cầu để chứng minh: “Thường Châu hữu khách đáo tầm
phương/Danh thúc Kỳ Tâm doanh cự thương/Gia bản thư hương Vô TÍch
huyện/Tuỳ đường tác cổ tạm ly hương” (Khách du bỗng có một người/Kỳ
Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương/Vốn người huyện TÍch châu
Thường/Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri – câu 1275-1278,
Truyện Kiều).
Lập luận của GS. Trần Ích Nguyên có thể do chưa hiểu đúng ý của
chúng tôi. Xét trên bình diện folklore hoá (folklorisation) một kiệt tác văn
học, chúng tôi không hề phủ nhận Kim Trọng và A Kiều bắt nguồn
từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Song nếu lý giải tình tiết Từ Hải đi buôn chỉ

đơn giản là do người kể chuyện nhớ lầm, hoặc đã gán ghép thân thế của
Thúc Sinh cho Từ Hải thì e có phần khiên cưỡng, chưa thoả đáng. Theo
chúng tôi, đây là vấn đề còn cần được tiếp tục nghiên cứu thêm về nhiều
mặt, nhiều khía cạnh.
Cuối cùng, để đánh giá chung về Kim Trọng và A Kiều như một hiện
tượng văn hoá đặc thù, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận định của GS.
Qua Vĩ, GS. Trần Ích Nguyên rằng đây chính là một chứng tÍch rất đẹp của
quan hệ giao lưu văn hoá Trung – Việt, rằng đây cũng là một thành quả kỳ
vĩ về sự dung hợp văn hoá Kinh – Hán, và từ góc nhìn folklore, thì đây cũng
chính là một hiện tượng vô cùng đặc sắc để nghiên cứu về mối quan hệ
giữa văn học viết và văn học truyền miệng, cũng như mối quan hệ giữa văn
học cổ điển với văn học dân gian.
Đó là nói về giá trị của Kim Trọng và A Kiều. Còn nhìn ở một phía
khác, phía Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, thì qua hiện tượng Kim
Trọng và A Kiều, chúng ta lại càng thấy rõ hơn sức lan toả trường tồn
của Truyện Kiều quả là đã vượt mọi không gian, thời gian để trở thành một
di sản văn hoá ngoại biên hết sức kỳ thú và có sức hấp dẫn đặc biệt đối với
giới nghiên cứu nhân loại học văn hoá - văn học của cả hai nước Trung –
Việt./.

×