Cuộc gặp gỡ giữa Hồ Biểu
Chánh và Victor Hugo
Victor Hugo có mặt tại Việt Nam đã hàng trăm năm nay. Như chúng ta
đã biết, vào những năm đầu thế kỷ XX, cả một thế hệ học trò trường Tây đã
say sưa đọc tác phẩm của Hugo trực tiếp bằng tiếng Pháp. Trong bức thư
đầu tiên viết cho nhà văn André Gide năm 1928, Đỗ Đình, một độc giả yêu
mến văn chương Pháp đã kể cho nhà văn Pháp như sau: “Không phải là
chuyện hiếm hoi khi nghe thấy có những người nói về Victor Hugo hoặc
Lamartine một cách trân trọng và chính xác”(Il n’est pas rare d’entendre des
personnes parler de Victor Hugo ou Lamartine avec beaucoup de sérieux et
d’exactitude). Trong thực tế, những người quan tâm đến Hugo không chỉ có
những độc giả đọc trực tiếp bằng tiếng Pháp, bởi vào những năm đầu thế
kỷ XX đã xuất hiện những bản dịch tác phẩm của Hugo ra tiếng Việt. Về
văn xuôi có Những kẻ khốn nạn (do Nguyễn Văn Vĩnh dịch), Giết
mẹ (nguyên văn: Lucrèce Borgia, do Vũ Trọng Phụng dịch), Hernani (do
Nguyễn Giang dịch). Về thơ, chúng ta thấy nhiều bài của Hugo được dịch
đăng rải rác trên các báo và tạp chí: Nam phong (Vent du Sud), Phong hoá
(Les Moeurs), Phụ nữ tân văn (Nouvelles de la Femme), Thực nghiệp dân
báo (Revue des Métiers), Tân thanh tạp chí (La voix nouvelle), Trung lập
(L’Indépendant), Sài gòn( Saigon), Văn học tuần san (Bimensuel littéraire).
Dù đọc tác phẩm của Hugo bằng tiếng Pháp hay qua bản dịch tiếng
Việt, các độc giả Việt Nam cũng có chung một điểm gặp gỡ, đó là lòng yêu
mến, ngưỡng mộ nhà văn giàu lòng nhân ái, vị tha. Ông thực sự là người
bạn lớn của “những người khốn khổ”, người đã dũng cảm đứng lên bảo vệ
lẽ phải, bảo vệ những điều cao đẹp nhất trên đời.
Hồ Biểu Chánh thuộc thế hệ độc giả đọc văn học Pháp trực tiếp bàng
tiếng Pháp. Học chữ nho từ nhỏ ở trường làng, đến năm 11 tuổi (1869) Hồ
Biểu Chánh mới học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Đậu hạng nhì kỳ thi lấy
bằng Thành Chung vào tuổi 20 (1905), vì vậy vốn văn học Pháp của ông
khá phong phú. Mặt khác, ngay từ những năm tháng bắt đầu lập nghiệp,
ông đã thấy rằng, muốn giỏi tiếng Việt, phải biết tiếng Hán. Và thế là, cần
mẫn trong ba năm để học các sách Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh
tử, ông thử sức mình trong lĩnh vực dịch thuật. Chính vốn học vấn ấy là
bước chuẩn bị quan trọng cho quãng đời sáng tác mấy chục năm về sau
này. Điều đó sẽ dẫn đến một sự kế thừa và nâng cao, sự phát triển và hoàn
thiện những gì đã có.
Những năm đầu của thế kỷ XX,văn học Việt Nam bước vào giai đoạn
giao thời với những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều nhà văn đã trưởng
thành qua việc tiếp thu văn học nước ngoài (chủ yếu là qua văn học Pháp
và qua tiếng Pháp), trên cơ sở vốn văn chương dân tộc đã có bề dày từ
ngàn năm trước. Hồ Biểu Chánh là một người trong số các nhà văn tích
cực khai thác vốn văn học Pháp từ việc mô phỏng các tiểu thuyết Pháp.
Bản thân ông đã từng công nhận: “Đọc tiểu thuyết hay tuồng hát Pháp văn,
hễ tôi cảm thì tôi lấy chỗ tôi cảm đó mà làm đề, rồi phỏng theo ít nhiều hoặc
tách riêng ra mà sáng tác một tác phẩm hoàn toàn Việt Nam ( ) Tuy tôi nói
phỏng theo, song kỳ thiệt tôi lấy đại ý mà thôi, mà có khi tôi lật ngược tới
đại ý, làm cho cốt truyện trái hẳn, tâm lý khác xa với truyện Pháp”. Ông
khảng định rõ tên các tác phẩm đã gợi ý hoặc làm mẫu cho ông trong quá
trình sáng tác:
Chúa tàu Kim Quy Le Comte de Monte Cristo
(A. Dumas)
Cay đắng mùi đời Sans Famille (Hertor Malot)
Chút phận linh đinh En Famille (Hertor Malot)
Thầy thông ngôn Les Amours d’Estève (A.
Theuriet)
Ngọn cỏ gió đùa Les Mirérables (Victor
Hugo)
Kẻ làm người chịu Les deux gosses (P.
Decourcelle)
Vì nghĩa vì tình Fanfan et Claudinet (P.
Decourcelle)
Cha con nghĩa nặng Le Calvaire
Ở theo thời Topaze (Marcel Pagnol) v.v.
Sau khi đỗ bằng Thành chung, Hồ Biểu Chánh trở thành công chức
ăn lương của chính phủ Pháp. Thời gian bận rộn để làm tròn phận sự công
chức không thể ngăn cản ông trên con đường sáng tác. Ông đã thử sức
mình trên nhiều lĩnh vực: báo chí, dịch thuật, biên khảo, tuồng hát, thơ,
truyện ngắn, nhưng nổi bật nhất là tiểu thuyết với 64 đầu sách, một con số
không nhỏ.
Học chữ quốc ngữ và chữ Pháp cùng lúc, trong 10 năm học theo chế
độ trường thuộc địa, Hồ Biểu Chánh cũng như nhiều người cùng thế hệ ông
đã từng thuộc lòng thơ của Hugo, bản thân ông cũng đã từng dịch thơ
Hugo. Nhưng đặc biệt ông say mê bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ,
“cảm” nó để sáng tạo ra tác phẩm của mình.
Trong số 64 tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Ngọn cỏ gió đùa là một
trong những tác phẩm có giá trị nhất. Nếu hiểu cốt truyện theo nghĩa như
cái “lõi”, “sườn”, “bộ xương”, chúng ta sẽ thấy cốt truyện của Ngọn cỏ gió
đùa là được lấy từ tiểu thuyết Những người khốn khổ như chính nhà văn đã
thừa nhận. Mặc dù, để bố cục, sắp xếp lại theo kiểu của mình, Hồ Biểu
Chánh đã dùng đến 5 năm để gia công thiết kế, sau đó ông chỉ viết trong
hai tháng để hoàn thành tác phẩm. Để tiện theo dõi, chúng tôi xin nêu ra
đây những sự kiện chính đã làm nên cốt truyện của hai tác phẩm.
Những người khốn khổ Ngọn cỏ gió đùa
Jean Valjean nghèo khổ, ăn
cắp bánh mì để cho cháu, bị kết án
tù 5 năm khổ sai
Lê Văn Đó nghèo khổ, ăn
cắp nồi cám lợn cho mẹ già và
cháu, bị két án tù 5 năm
Jean Valjean gặp Giám mục
Myriel, lấy trộm bộ đồ bạc, rồi
được thả
Lê Văn Đó gặp Hoà thượng
Chánh Tâm, lấy trộm bộ ấm chén
bằng ngọc lựu, rồi được thả
Jean Valjean trở thành thị
trưởng Madeleine giàu có và làm
việc thiện
Lê Văn Đó thành Trần
Chánh Tâm giàu có và làm việc
thiện
Jean Valjean cứu Fantine
không được đã tìm cách cứu
Cosette về nuôi
Lê Văn Đó cứu ánh Nguyệt
không thành,đã đón con gái của ánh
Nguyệt là Thu Vân về nuôi
Jean Valjean cứu Marius trên
chiến luỹ, rồi gả Cosette cho
Marius và chết thanh thản
Lê Văn Đó cứu Thể Phụng,
cho Thu Vân lấy Thể Phụng và chết
thanh thản
Nếu chỉ xét những sự kiện mô phỏng vay mượn trên đây thì dường
như chẳng có gì đáng nói.Vấn đề ở đây là Hồ Biểu Chánh đã thực sự làm
việc trên cái khung vay mượn đó. Trước hết là vấn đề dung lượng của tác
phẩm. Nếu như bộ Những người khốn khổ dày hơn hai nghìn trang (bản
tiếng Việt) thì cuốn Ngọn cỏ gió đùa chỉ có 422 trang (tính theo bản in năm
1988 của Nxb Tiền Giang). Với số trang như vậy, Hồ Biểu Chánh phải sắp
xếp sao cho hợp lý. Trong thực tế ông đã dành năm năm cho việc sắp xếp
bố cục. Có một lý do có thể giải thích cho sự rút ngắn ấy. Những năm đầu
thế kỷ XX, một loại công chúng bạn đọc mới ra đời. Họ được thưởng thức
một trong những “món ăn” lạ, đó là tiểu thuyết. Họ đòi hỏi và thúc giục tác
giả. Và nhà văn phải làm việc trong sự thôi thúc đó. Nhà văn khó có thể tìm
được thời gian để chau truốt, để đầu tư dài hơi cho tác phẩm. Ngọn cỏ gió
đùa được viết trong hai tháng, cách dựng truyện và xây dựng nhân vật là
theo kiểu tiểu thuyết Pháp, nhưng nội dung lại hoàn toàn Việt Nam.
Tác phẩm của ông trong nhiều năm thuộc loại “ăn khách”. Một trong
những lý do chính là bởi ông đáp ứng được yêu cầu của độc giả, muốn
được nghe kể chuyện “xứ mình”. Và Hồ Biểu Chánh đã sáng tạo ra một câu
chuyện hoàn toàn của xứ Việt, cụ thể hơn nữa, của vùng quê Nam Bộ trên
cơ sở một “bộ xương” vay mượn. Chúng ta hãy đọc câu đầu tiên trong cuốn
tiểu thuyết: “Năm Mậu Thìn 1808, nhằm Gia Long thất niên, tại huyện Tân
Hoà, bây giờ là tỉnh Gò Công, trời hạn luôn trong hai tháng, là tháng bảy với
tháng tám, không nhiểu một giọt mưa.” Liên tục trong truyện, tên các niên
đại như năm Mậu Tí (1828), năm Mậu Ngọ (1846), năm Mậu Thân ( 1848),
năm Minh Mạng cửu niên, năm Nhâm Tuất Gia Long v.v.được nêu rải rác
trong truyện để hướng người đọc vào các sự kiện xảy ra từ thế kỷ trước.
Tên các địa điểm như Gia Định, Cần Giờ, Cần Đước, huyện Bình Dương,
huyện Tân Hoà tỉnh Gò Công, núi Thuỳ Vân, cánh đồng Rạch Kiến, rạch
Vĩnh Tường dẫn người đọc vào các vùng quê cụ thể. Càng theo dõi
chuyện, người đọc càng bị cuốn theo các sự kiện cũng như không khí của
một câu chuyện xảy ra ở Việt Nam, hoàn toàn mang tính chất Việt
Nam. Ngọn cỏ gió đùa có sức sống của riêng nó với hình ảnh làng quê
Nam Bộ cùng với những con người sống lam lũ vất vả nhưng đầy lòng vị
tha và hào hiệp. Sắc thái Nam Bộ với những địa danh, phong cảnh, con
người, lời ăn tiếng nói đặc trưng đã tạo nên giá trị của tác phẩm.
Cuộc gặp gỡ giữa Hồ Biểu Chánh và Hugo chỉ là một cuộc “không
hẹn mà gặp”. Sáng tác của nhà văn Pháp vĩ đại không chỉ gợi ý cho Hồ
Biểu Chánh những sự kiện chính của cốt truyện, mà còn cuốn hút nhà văn
nước Việt bởi tinh thần nhân đạo cao cả, bởi mối quan tâm ưu ái đặc biệt
đến những người cùng khổ. Ngoài ra, Hồ Biểu Chánh còn học được ở nhà
văn Pháp cách tái hiện lại cuộc sống, cách sử dụng ngôn ngữ đời thường
vào tác phẩm.
Đặt tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa cũng như nhiều tiểu thuyết của Hồ
Biểu Chánh sáng tác vào những năm 20 của thế kỷ XX chúng ta thấy
những đóng góp đáng kể của nhà văn đối với tiểu thuyết Việt Nam trong
giai đoạn giao thời.