GHE CHÈO - NÉT ĐẸP VĂN
HÓA VÙNG SÔNG NƯỚC
Có thể nói, bên cạnh dòng sông, chiếc ghe và cây chèo là những thứ
chưa bao giờ tách khỏi cuộc sống của người dân vùng sông nước Cửu
Long. Thực tế cho thấy, sự hiện hữu của nó giờ đây không đơn thuần là
một phương tiện giao thông mà còn là một đặc trưng văn hóa.
Như ta đã biết,chiếc ghe và cây chèo đã gắn bó với ông bà ta từ lúc khai
hoang mở cõi. Vì với đặc tính là một vùng sông, rạch chằng chịt thì không có
phương tiện đi lại nào lí tưởng hơn chiếc ghe. Chính nó là công cụ phục vụ đắc
lực cho quá trình tồn tại và chinh phục tự nhiên của những bậc tiền nhân.
Chèo ghe trên sông.
Ghe và chèo ở ĐBSCL khá đa dạng về hình dáng và kích cỡ. Tuy nhiên, để có
thể chèo được thì ghe phải không quá lớn mà cũng không quá nhỏ. Vì nếu lớn
quá mà gặp nước ngược hay chở hàng nhiều thì không chèo nổi. Còn ghe nhỏ
quá thì chèo phải khom lưng, ghe lại lắc nên với loại này người ta thường bơi
bằng cây dầm - cũng là một một dụng cụ bơi ghe nhưng chỉ dài bằng nửa cây
chèo.
Ngoài những yếu tố trên, giữa ghe và chèo còn phải tương xứng. Ghe phải
thon, vững và chèo không được quá dài hay quá ngắn, như thế mới tạo sự cân
bằng, ghe đi êm mà không bị đảo. Lưu ý, khi chèo ta có thể dùng hai cây hoặc
một tùy thích. Riêng ở ĐBSCL, người ta thường chèo hai cây và chỉ chèo bằng
tay, ít khi sử dụng một cây và dùng chân để chèo như các vùng khác. Còn việc
sử dụng dầm để bơi chỉ dùng khi đoạn đường ngắn hay với mấy người chuyên
câu tôm, đặt lờ, thả lưới,…mục đích là để cho khỏi vướng.
Một cuộc sống sôi động trên sông nước.
Có được ghe và chèo là một lẽ, nhưng việc chèo như thế nào thì đó là cả một
nghệ thuật. Vì nếu không biết chèo, ghe sẽ đảo qua đảo lại và đi rất chậm.
Những người chèo giỏi là những người biết điều tiết sao cho lực chèo được
cân bằng ở hai bên, mái chèo chậm, lướt đều trên mặt sông, đồng thời phải
biết chọn luồng nước sao cho không bị cản.
Có thể nói, những chiếc ghe chèo là một trong những nhân tố chính góp phần
vào cuộc sống sinh động ở vùng sông nước ở Miền Tây. Nó không những
mang hơi thở của châu thổ mà còn mang cả tính cách đặc trưng của người
dân nơi đây. Hay nói khác đi là nó đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của bà
con khi họ dùng nó để làm khá nhiều việc, từ chở hàng ra chợ, chở lúa, đi công
chuyện, đi chơi, đặt lờ, thăm lưới, thả câu, Có khi họ chèo đặt cả sông,
nhưng có lúc chỉ một chiếc cô đơn, chậm rãi thả mình theo hai con nước lớn -
ròng.
Thành thật mà nói, với riêng tôi, nhìn những chiếc ghe chèo trên sông thú vị
hơn nhiều khi nhìn những chiếc xe chạy vù vù trên quốc lộ. Bởi hình ảnh đó
cho ta cảm giác yên bình, con người như giao hòa với thiên nhiên. Vì ngồi trên
ghe ta như ở giữa dòng nước mát, được nhìn ngắm cảnh vật hai bên bờ sông
vừa mộc mạc, gần gũi nhưng cũng không kém hữu tình. Lúc này, ta cũng có
dịp cảm nhận hương vị phù sa, được lắng nghe tiếng cá vẫy, tiếng chim hót và
cả tiếng chèo đập nước bên tai.
Đặc biệt nhất là những khi chiều xuống, những chiếc ghe chở hàng đi bán xa
không về kịp hay những chiếc ghe câu, ghe đăng,… đậu chung lại với nhau.
Lúc này, người góp lít rượu, kẻ góp con khô,… vừa lai rai vừa hát vài vọng cổ.
Chỉ bình dị thế thôi nhưng thấy đời thanh thản và không còn gì sung sướng
bằng.
Không riêng gì hình ảnh đó, mà cho đến hôm nay, trong tôi vẫn nhớ mãi những
người chèo ghe bán sương sáo, khoai lang, bắp,… cất tiếng rao trong những
trưa Hè thanh vắng. Âm thanh đó mênh mang, không buồn, không vui nhưng
lại làm tôi thấy nao nao và cảm thương cho những con người đang tiềm kiếm
sự sống nhỏ nhoi trên sông nước.
Không chỉ thiên nhiên hiền hòa mà con người nơi đây cũng vô cùng tốt bụng.
Người Miền Tây có một tính cách rất hay là trong lúc chèo ghe, ai muốn quá
giang họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Đối với họ, việc từ chối cho người khác đi nhờ
là một hành vi xấu, một người ích kỉ. Do đó, bất kể lạ hay quen, nước chảy
ngược hay xuôi, trong khả năng có thể là họ sẵn sàng “đưa khách” sang sông.
Không những vậy, khi ngồi trên ghe, họ có thể kể đủ thứ chuyện trên đời, từ
chuyện nhà, chuyện đồng án, vườn tược, chuyện hàng xóm, chuyện bên Tây,
bên Tàu, Có khi đã đến chợ hay đã về đến nhà mà vẫn không hay, đôi lúc
còn thấy tiếc vì quãng đường quá ngắn. Nhưng cũng nhờ những lúc như vậy
mà biết bao trai gái đã nên duyên, biết bao người kết tình bằng hữu, sui gia,
biết bao tình cảm xóm giềng được chăm bồi, vun đắp.
Như vậy, từ những yếu tố trên ta có thể khẳng định rằng, ghe chèo không
những vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sông nước mà còn góp
phần tạo nên một nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân miền
Tây Nam Bộ. Nói cách khác, đó là một một trong những đặc trưng văn hóa mà
khi nhắc đến ta không thể nhầm lẫn với bất cứ nơi nào trên đất nước Việt
Nam.
Tiên Châu cổ tự và truyền
thuyết Bãi Tiên
Tốc độ đô thị hóa phần nào lấy đi vẻ vắng lặng, yên ắng của ngôi
chùa cổ 250 năm tuổi Tiên Châu (Vĩnh Long) nhưng không thể làm phai
nhòa nơi được coi là di tích cổ xưa, một trong những địa danh lịch sử -
Long Hồ dinh.
Chùa Tiên Châu tọa lạc trên một cù lao nhỏ, được ôm ấp bởi hai nhánh của
dòng Mê Kông hùng vĩ: Sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc ấp Bình Lương, xã
An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Tên chính thức của ngôi chùa này là Di Đà tự hay chùa Tô Châu. Sở dĩ gọi là
Di Đà tự vì chùa thờ Phật Di Đà, còn gọi là chùa Tô Châu là vì làng Bình
Lương (nay là ấp Bình Lương, nơi tọa lạc của ngôi chùa) trước kia có phong
cảnh đẹp và thơ mộng với những cây liễu rủ bóng xuống dòng sông phẳng
lặng trông rất giống Tô Châu của Trung Quốc nên được gọi là chùa Tô Châu.
Chùa cổ Tiên Châu (Vĩnh long).
Chùa do hòa thượng Đức Hội lập nên vào khoảng thế kỷ thứ 19, với kiến trúc
cổ gồm bốn khu: Tiền đường, Chính điện, Trung đường và Hậu tổ. Các gian
được bố trí theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo hai chiều ngang, dọc nhờ các
kèo dầm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương.
Nội điện chùa được bố trí rất đẹp, giữa tứ trụ là một khánh thờ tượng Phật Di
Đà rất lớn. Đấu lưng với khán thờ Phật Di Đà là Phật Di Lặc. Hai bên khán thờ
là nơi thờ các vị: Tiêu Diện Vương Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng
Thượng Đế, Thập Điện Minh Vương, Nam Tào Bắc Đẩu, Quan Thánh Đế
Quân, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát.
Trung đường là nơi thờ các vị: Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, Phật Thích Ca Mâu Ni,
Tam Tạng, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị Tổ sư tiền bối và thiện nam, Tín nữ đã
quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên được treo rất nhiều tranh khuyến
thiện và những câu đối mang đầy ý nghĩa thâm trầm của nhà Phật.
Qua thời gian, chùa Tiên Châu đã nhiều lần xuống cấp và cũng ngần ấy lần
được trùng tu, sửa chữa. Trận chiến Mậu Thân năm 1968 đã gây thiệt hại
không nhỏ cho chùa Tiên Châu. Súng đạn từ thị xã Vĩnh Long và từ các tàu
chiến đã gây cho chùa loang lổ vết đạn, mái ngói bị đổ sập nhiều nơi. Sau đó,
Ban hộ trì Tam Bảo kết hợp với Hội Phật giáo Việt Nam quyết định trùng tu lại
ngôi chùa. Theo đó, mặt tiền chùa được xây bằng bê tông, có ba giàn cửa sắt.
Trên nóc có năm ngọn tháp nhọn, một tháp lớn ở giữa, bốn tháp nhỏ xung
quanh, giữa tháp phía dưới là chữ “Tiên Châu tự”. Hai gian hai bên mặt tiền
được xây dựng theo kiểu cổ lầu, bên trong tôn trí tượng Thiện Hữu và Ác Hữu,
cũng có hoành phi, câu đối ca tụng. Bộ cửa sắt được thay mới bằng bộ cửa gỗ
được đặt đóng từ kinh đô Huế do các nghệ nhân chạm trổ, tạo hình theo điển
tích cổ xưa, đã được lắp ráp trang trí trong dịp tết Nhâm Ngọ (2002) tô điểm
thêm cho kỳ quan một tác phẩm chạm trổ độc đáo, tinh xảo.
Chùa Tiên Châu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn
hóa năm 1994. Là một ngôi chùa cổ không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long mà còn
nổi tiếng cả vùng đồng bằng châu thổ. Bên cạnh sự nổi tiếng về một di tích,
danh lam, kiến trúc…Tiên Châu Cổ Tự còn được biết đến nhiều bởi truyền
thuyết Bãi Tiên.
Theo truyền thuyết, làng Bình Lương ngày xưa phong cảnh hữu tình, khí hậu
thuận lợi nên nhiều người đến đây lập ấp. Họ rất lương thiện và có cuộc sống
cộng đồng rất hòa thuận, nên nơi đây được gọi là làng Bình Lương. Ở làng
Bình Lương, người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm là
chính.
Vào một đêm trăng sáng, trai tráng trong làng đều chèo thuyền ra sông đánh
bắt cá. Trên bãi cồn, trong một căn lều nhỏ dưới gốc bần, một cụ già nằm thao
thức. Từng cơn gió nhẹ thổi vào mát mẻ và se lạnh, mang theo mùi hương
thoang thoảng của hoa lá hòa quyện với những âm thanh của côn trùng trong
lòng đất tạo thành bản giao hưởng du dương trầm bổng. Cụ nhìn ra xa bãi cát
trắng xóa lắp lánh ánh trăng mờ. Ánh trăng bàng bạc cùng với luồng ánh chớp
lập lòe là những bóng trắng mờ ảo thướt tha uyển chuyển của bao nàng tiên
nữ giáng trần, vui chơi trên bãi cát. Câu chuyện được truyền miệng trong làng
và từ đó lan xa trong thiên hạ. Cũng từ đó, bãi cát trên khúc sông này được gọi
là Bãi Tiên.
Ngày nay, cù lao An Bình không còn bãi cát trắng xóa ngày nào. Quang cảnh
quanh chùa cũng không còn nên thơ như xưa vì nhà cửa của dân làng mọc lên
san sát. Tốc độ đô thị hóa và lối sống đô thị đã phần nào cướp đi vẻ vắng lặng
êm ắng của một ngôi cổ tự. Nhưng những gì mà ngày nay chùa Tiên Châu còn
giữ được chứng tỏ sự phát triển kinh tế không làm phai nhòa một nơi được coi
là di tích cổ xưa, góp phần làm nên địa danh lịch sử - Long Hồ dinh.