Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

TÌM HIỂU ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN CỦA VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (165.04 KB, 8 trang )

TÌM HIỂU ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN
CỦA VƯỜN QUỐC GIA CÚC
PHƯƠNG


Vườn Quốc gia Cúc Phương (hay rừng Cúc Phương) là một khu
bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới
3 khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ thuộc ba
tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Vườn quốc gia này có hệ động
thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới.
Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện
và bảo tồn tại đây. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.

Lịch sử - Địa lý

Vườn quốc gia Cúc Phương là một địa điểm khảo cổ. Các di vật của
người tiền sử có niên đại khoảng 12.000 năm đã được phát hiện như
mồ mả, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền
trong một số hang động ở đây chứng tỏ con người đã từng sinh sống
tại khu vực này từ 7.000 đến 12.000 năm trước. Năm 1960, rừng Cúc
Phương được công nhận là khu bảo tồn rừng và được thành lập theo
Quyết định 72/TTg ngày 7 tháng 7 năm 1962 với diện tích 20.000 ha
đánh dấu sự ra đời khu bảo vệ đầu tiên của Việt Nam. Quyết định số
18/QĐ-LN ngày 8 tháng 1 năm 1966 chuyển hạng lâm trường Cúc
Phương thành VQG Cúc Phương. Quyết định số 333/QĐ-LN ngày 23
tháng 5 năm 1966 quy định chức năng và trách nhiệm của Ban quản
lý rừng. Ngày 9 tháng 8 năm 1986, Cúc Phương được nêu trong danh
sách các khu rừng đặc dụng theo Quyết định số 194/CT của Chính
phủ Việt Nam với phân hạng quản lý là Vườn quốc gia diện tích
25.000 ha. Luận chứng kinh tế-kỹ thuật của vườn quốc gia được phê
duyệt ngày 9 tháng 5 năm 1988 theo Quyết định số 139/CT. Trong


đó, ranh giới của vườn được xác định lại với tổng diện tích là 22.200
ha, bao gồm 11.350 ha thuộc địa giới tỉnh Ninh Bình, 5.850 ha thuộc
địa giới tỉnh Thanh Hóa và 5.000 ha thuộc địa giới tỉnh Hòa Bình.
Toạ độ rừng: Từ 20°14' tới 20°24' vĩ bắc, 105°29' tới 105°44' kinh
đông.

Địa hình - Thủy văn

Cúc Phương nằm ở phía đông nam của dãy núi Tam Điệp, một dãy
núi đá vôi chạy từ tỉnh Sơn La ở hướng tây bắc. Dải núi đá vôi này
với ưu thế là kiểu karst tự nhiên, hình thành trong lòng đại dương
cách đây khoảng 200 triệu năm. Dãy núi này nhô lên đến độ cao 636
m tạo thành một nét địa hình nổi bật giữa một vùng đồng bằng. Phần
dãy núi đá vôi bao quanh vườn quốc gia có chiều dài khoảng 25 km
và rộng đến 10 km, ở giữa có một thung lũng chạy dọc gần hết chiều
dài của dãy núi. Địa hình karst ảnh hưởng rõ nét đến hệ thống thủy
văn của Cúc Phương. Phần lớn nước trong vườn quốc gia bị hệ thống
các mạch nước ngầm hút rất nhanh, nước sau đó thường chảy ra ở
những khe nhỏ ở bên hai sườn của vườn quốc gia. Do vậy, không có
các ao hồ tự nhiên hay các thủy vực tĩnh nằm trong vườn, mà chỉ có
một dòng chảy thường xuyên là sông Bưởi. Con sông này nằm ở phía
tây của vườn, chảy đổ vào sông Mã. Rừng Cúc Phương còn đóng vai
trò bảo vệ đầu nguồn hồ chứa nước Yên Quang. Hồ cung cấp nước
cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp các vùng lân cận.

Đa dạng sinh học

Thực vật

Thảm thực vật Cúc Phương với ưu thế là rừng trên núi đá vôi. Rừng

có thể hình thành nên nhiều tầng tán đến 5 tầng rõ rệt, trong đó tầng
vượt tán đạt đến độ cao trên 40 m. Do địa hình dốc, tầng tán thường
không liên tục và đôi khi sự phân tầng không rõ ràng. Nhiều cây rất
phát triển hệ rễ bạnh vè để đáp ứng với tầng đất mặt thường mỏng.
Vườn quốc gia hiện là nơi có nhiều loài cây gỗ lớn như chò xanh, chò
chỉ hay đăng [1], hiện đang được bảo vệ để thu hút du khách thăm
quan. Đây cũng là nơi phong phú về các cây gỗ và cây thuốc.

Cúc Phương có hệ thực vật phong phú. Hiện nay, các nhà khoa học
đã thống kê được gần 2.000 loài thực vật có mạch thuộc 887 chi
trong 221 họ thực vật. Các họ giàu loài nhất trong hệ thực vật Cúc
Phương là các họ Đại kích, Hòa thảo, Đậu, Thiến thảo, Cúc, Dâu tằm,
Nguyệt quế, Cói, Lan và Ô rô [2]. Khu hệ thực vật ở Cúc Phương là
tập hợp yếu tố địa lý thực vật bao gồm Trung Quốc-Himalaya, Ấn Độ-
Myanma và Malesia[1]. Đến nay, đã có 3 loài thực vật có mạch đặc
hữu được xác định cho hệ thực vật Cúc Phương là hồ trăn Cúc
Phương, mua Cúc Phương và cui Cúc Phương [3]. Vườn quốc gia Cúc
Phương cũng được xác định là 1 trong 7 trung tâm đa dạng thực vật
của Việt Nam[2].

Động vật

Rừng Cúc Phương có hệ sinh thái khá phong phú và đa dạng, gồm 97
loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 300 loài chim,
36 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng ngàn loài côn
trùng. Nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Cúc Phương là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về
mặt bảo tồn, trong đó có loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng
trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp là voọc quần đùi trắng

và loài sẽ bị nguy cấp trên toàn cầu là cầy vằn bắc [4], loài báo hoa
mai là loài bị đe dọa ở mức quốc gia. Cúc Phương cũng có hơn 40
loài dơi đã được ghi nhận tại đây.

Đến nay, đã có 313 loài chim được xác định ở Cúc Phương[5]. Cúc
Phương nằm tại vị trí tận cùng phía bắc của vùng chim đặc hữu vùng
đất thấp Trung Bộ[6], tuy nhiên, chỉ có một loài có vùng phân bố giới
hạn được ghi nhận tại đây là khướu mỏ dài [5]. Cúc Phương được
công nhận là một vùng chim quan trọng tại Việt Nam[7].

Nhiều nhóm sinh vật khác cũng đã được điều tra, nghiên cứu ở Cúc
Phương trong đó có ốc. Khoảng 111 loài ốc đã được ghi nhận trong
một chuyến điều tra gần đây trong đó có 27 loài đặc hữu[8]. Khu hệ
cá trong các hang động ngầm cũng đã được nghiên cứu, ít nhất đã có
một loài cá được ghi nhận tại đây là loài đặc hữu đối với vùng núi đá
vôi, đó là cá mèo Cúc Phương. Cúc Phương đã xác định được 280 loài
bướm, 7 loài trong số đó lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam tại
Cúc Phương vào năm 1998[9].

VQG Cúc Phương là một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút khoảng
vài trăm nghìn lượt khách hàng năm. Du khách đến đây để khám phá
hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên
đẹp, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa
trại, mạo hiểm, nghiên cứu và văn hóa lịch sử. Trong khuôn viên
rừng có một số điểm du lịch sau:

+ Vườn thực vật Cúc Phương: là khu vực được xây dựng nhằm sưu
tập gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, Việt Nam và
Thế giới. Đây là một trong ba vườn thực vật tầm cỡ của thế giới theo
danh sách được công bố năm 1997. Tuyến đường thăm vườn dễ

dàng, với quãng đường đi bộ là 3 km.

+ Trung tâm du khách Cúc Phương: được xây dựng do tổ chức
AusAid và FFI tài trợ và đây cũng là Trung tâm giáo dục du khách
đầu tiên được thành lập ở Đông Dương. Đây là điểm tham quan và
cũng là nơi làm thủ tục cần thiết trước khi vào thăm rừng.

+ Trung tâm cứu hộ thú Linh Trưởng Cúc Phương: có nhiệm vụ cứu
hộ từng cá thể các loài thú Linh Trưởng quý hiếm (Voọc mông trắng,
Voọc Hà Tình, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà, Voọc Chà vá
chân xám…) từ tịch thu bắt giữ; thả động vật về với tự nhiên; nghiên
cứu về thú Linh Trưởng như việc tìm kiếm thức ăn, tập tính sinh
hoạt, môi trường, không gian sống.

+ Động Người Xưa là một di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử,
là trang văn hoá độc đáo trong lịch sử phát triển của nhân loại và là
một di sản quý giá nằm trong đối tượng bảo vệ của VQG Cúc Phương.

+ Hang Con Moong: nằm gần sông suối, khu vực có hệ động vật, thực
vật phong phú, đa dạng vì vậy đã được người cổ chọn làm nơi cư trú
lâu dài. Hang rộng và dài, có 2 cửa thông nhau. Hang Con Moong có
địa tầng văn hoá khá dầy, có cấu tạo rất phức tạp, có sự đan xen kế
tiếp nhau của đất sét, vỏ nhuyễn thể và các vệt tro than.

+ Cây đăng cổ thụ: là một cây đại thụ cao 45m, đường kính tới 5m và
có bộ rễ nổi trên mặt đất chạy dài chừng 20m. Từ cổng theo đường ô
tô, qua động Người Xưa chừng 2 km, phía bên trái là đường dẫn đến
cây đăng cổ thụ dài 3 km. Vượt qua 5 dốc đá, với nhiều quần xã thực
vật. Đó là cây bẩy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa); là những dây
leo thân gỗ đường kính 20-30 cm dài khoảng 100m, chỉ có ở Cúc

Phương. Trên đường tới cây đăng có thể quan sát những loài chim
quý như nuốc bụng đỏ, gõ kiến đầu đỏ, gà lôi trắng hoặc thú như
đon, sóc đen, sóc bụng đỏ, voọc mông trắng

+ Cây chò ngàn năm: là cây đại thụ cao 45m, đường kính 5m và có
chu vi hơn 20 người ôm mới hết. Từ trung tâm theo một con đường
mòn trong rừng già để đến cây chò. Du khách sẽ gặp trên đường dây
leo bàm bàm khổng lồ với đường kính gốc 0,5m, chạy dài 1km vắt
ngang rừng và loài Đa bóp cổ. Hạt đa nảy mầm trên các hốc cây khác.
Khi rễ của chúng đã bám đất phát triển rất nhanh, dần bóp chết cây
chủ. Du khách còn được chiêm ngưỡng những cây Chò chỉ cao tới
70m, thân thẳng, tròn đều. Thời gian cả đi và về cho tuyến này hết
gần 3 tiếng.

+Cây sấu cổ thụ là cây đại thụ cao 45m, hệ thống rễ bạnh vè được
phân ra từ thân cây ở độ cao khoảng 10m rồi phát triển chạy dài tới
20m. Trên đường đến Cây sấu, du khách cũng được chiêm ngưỡng
những dây leo thân gỗ; những loài Đa góp cổ; những loài thực vật
phụ sinh như tầm gửi, tổ diều, phong lan; các loài chim như gõ kiến
đầu đỏ, đuôi cụt bụng vằn

+ Bản người Mường: Từ Trung tâm xuyên qua khu rừng già, thung
lũng, vượt đèo dốc với chiều dài chừng 16 km, du khách sẽ tới bản
Mường (bản Khanh thuộc tỉnh Hoà Bình). Bản Khanh nằm bên sông
Bưởi với những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang… Đường đến bản
Mường dài và phải qua nhiều dốc cao với thời gian từ 6-8 tiếng,
tuyến đi này phải có hướng dẫn viên của Vườn.

+ Đỉnh mây bạc: là đỉnh núi cao nhất trong rừng Cúc Phương với độ
cao 648m. Từ Trung tâm đi khoảng 3 km qua nhiều khu rừng già với

nhiều dốc đá . Lên đến đỉnh núi, giữa mây trời du khách có thể ngắm
nhìn toàn cảnh rừng và đồng bằng của 4 huyện thuộc 3 tỉnh Ninh
Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá. Tuyến đường đến Đỉnh mây bạc dài và
nhiều dôc đá. Tuyến đi này phải có hướng dẫn viên của Vườn đi
cùng. Thời gian đi về khoảng 4 tiếng.

+Hồ Yên Quang - động Phò Mã: hồ có một đảo nhỏ, trên đó có một
ngôi đền cổ. Mặt nước hồ là nơi hội tụ của nhiều loài chim nước. Mặt
hồ nước in bóng những vách núi, rừng cây. Chặng đường đi bộ vào
thăm động Phò Mã từ hồ số 3 dài khoảng 2 km, Du khách phải chuẩn
bị giầy đi rừng, nước uống và bắt buộc phải có hướng dẫn viên của
Vườn.

Ứng cử di sản thế giới

Vườn quốc gia Cúc Phương là 1 trong 4 đại diện đầu tiên của Việt
Nam ứng cử di sản thế giới năm 1991 (cùng với vịnh Hạ Long, chùa
Hương và Cố đô Hoa Lư). Hiện tại tỉnh Ninh Bình vẫn tiếp tục hoàn
thiện hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận rừng Cúc Phương là di
sản thiên nhiên thế giới. Trong hồ sơ đề cử hang Con Moong thuộc
rừng Cúc Phương là di sản văn hóa thế giới do tỉnh Thanh Hóa chủ
trì, các nhà khoa học cũng đề nghị xét mở rộng phạm vi đối tượng đề
cử khác trong bối cảnh tổng thể vườn Cúc Phương.

Các vấn đề về bảo tồn

Khi thành lập, khu vực Cúc Phương có khoảng 5.000 người sống
trong vùng lõi, hiện vẫn còn khoảng 2.000 người sống dọc theo bờ
sông Bưởi bên trong vườn. Khoảng trên 50.000 dân sống ở vùng
đệm của vườn, phần lớn sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên

bên trong vườn. Lâm sản bị khai thác mạnh nhất là gỗ và củi. Việc
thu hoạch ốc, nấm, măng làm thức ăn cũng như việc lấy đi thân chuối
làm thức ăn gia súc diễn ra thường xuyên. Hoạt động săn bắn và bán
động vật hoang dã làm giảm nghiêm trọng số lượng các loài thú,
chim và bò sát trong vườn. Một số loài thú lớn như hổ, vượn đen má
trắng đã tuyệt chủng ở Cúc Phương do sức ép từ các hoạt động săn
bắn và diện tích của vườn là quá nhỏ không đáp ứng được yêu cầu
bảo tồn các loài này.

Về khai thác du lịch, một lượng lớn du khách đến Cúc Phương cũng
tạo khó khăn với việc quản lý. Hoạt động của vườn lại quá tập trung
vào việc phát triển du lịch cũng làm giảm hiệu quả của công tác bảo
tồn đa dạng sinh học. Việc xây dựng các hồ nhân tạo trong vườn
cũng dẫn đến một số khoảnh rừng bị phát quang và làm thay đổi chế
độ thủy văn của vùng.

Hiệp hội động vật học Frankfurt cùng Bộ Lâm nghiệp Việt Nam đã
thành lập Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng nguy cấp (EPRC) ở Cúc
Phương năm 1993 nhằm nuôi nhốt, gây giống và nghiên cứu đối với
các loài vượn, cu li và voọc của Việt Nam. EPRC nhận linh trưởng từ
các cơ quan nhà nước tịch thu từ những đối tượng buôn bán trái
phép động vật hoang dã để chữa trị và chăm sóc tại Trung tâm. Cúc
Phương cũng là nơi triển khai dự án sinh sản, sinh thái của loài cầy
vằn bắc và chương trình sinh thái học và bảo tồn rùa. Tính đến năm
2004 trại nuôi cầy vằn đã có 28 cá thể, trong số đó 20 con đã ra đời
trong trại. Sáu cặp cầy vằn đã được gửi đi Anh để tạo quần thể gây
giống và sáu cặp nữa sẽ được gửi sang Mỹ với cùng một dụng ý.

Dự án bảo tồn Cúc Phương (CPCP) đã được Tổ chức Bảo tồn Động
Thực vật hoang dã Quốc tế thực hiện từ năm 1996 đến năm 2002.

Phối hợp với các tổ chức hữu quan tại Việt Nam, FFI chương trình
Việt Nam đã thực hiện dự án do World Bank và GEF tài trợ có tên gọi
là "Dự án bảo tồn cảnh quan núi đá vôi Pù Luông-Cúc Phương" đã
thực hiện trong giai đoạn 2002-2005 nhằm bảo vệ vùng núi đá vôi
cũng như các loài hoang dã sống thông qua việc thành lập một khu
bảo vệ mới, tăng cường năng lực cho các đơn vị liên quan. Dự án còn
tăng cường hiện trạng bảo tồn các loài voọc mông trắng và kêu gọi,
xây dựng sự ủng hộ từ cộng đồng trong công tác bảo tồn vùng núi đá
vôi.

×