Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hệ hình thi pháp Hậu hiện đại Phần 2 potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (255.1 KB, 12 trang )

Lịch sử trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của
hệ hình thi pháp Hậu hiện đại
Phần 2







Như thế, ranh giới tạo ra chuyển biến trong số phận nhân vật, tạo ra bước ngoặt trong
nhận thức về Nguyễn Ánh chính là khuôn khổ những trang nhật ký của Phăng. Chỉ trong
giới hạn này, vua Gia Long mới có cơ hội bộc lộ những suy nghĩ cá nhân, riêng tư, những
ẩn ức, bất lực và cả sự nhục nhã mà ông cảm thấy của kẻ đang ngồi trên ngai vàng. Cuộc
sống của ông trong cung đình với vô số mặt nạ được tạo ra nhằm đạt tới một mục đích tối
thượng: quyền lực. Sức hấp dẫn của quyền lực và những mặt nạ (sự giả tạo) như là một
phép trùng lặp nghiệt ngã và lạnh lùng. Trong chính trị, trách nhiệm, lòng tốt (nhân cách),
sự tàn bạo, ngộ nhận, nỗi đau khổ, quá khứ, vinh quang và cả sự đớn hèn được xếp ngang
hàng. Chúng có thể mâu thuẫn, đối lập với nhau nhưng không loại trừ. Sự đối lập khi đi đến
tận cùng không định hướng, xác lập những khái niệm đơn giản: tốt - xấu; đúng - sai; đen -
trắng; bụi bặm hay “nguyên liệu vô giá”, “quốc bảo”. Tất cả cùng xuất hiện trong vô vàn
những gam mầu đối lập. Chúng hiện hữu và tồn tại như một sự thật hiển nhiên, không bị
che đậy, khuất lấp. Khái niệm nền chính trị thế giới như “món nộm suồng sã” mà tác giả
đưa ra có lẽ chỉ là cái bóng của bức tranh hiện thực đó. Đó không phải là bóng tối, cũng
không phải là ánh sáng. Ở đây, chữ tâm không nằm trong sự đối lập với sự bất nhân trong
nhân tính (một môtip thường thấy trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp) mà nó được đánh
giá ở mức độ thoả hiệp.
Nhân tố thứ ba trong cấu trúc tổng thể của ba truyện ngắn này được nhìn nhận trong
sự quy chiếu của chữ Đẹp. Lấy cái Đẹp làm trung tâm của việc xác lập mô hình tự
sự, Phẩm tiết tạo ra thế đối lập kép mà nhân vật nữ Vinh Hoa vừa là nhân vật có chức năng


bảo tồn, duy trì phẩm giá vừa là điều kiện xác lập những đối kháng. Vinh Hoa chính là biểu
tượng của cái đẹp, cái thiện, sự thanh khiết, và với lớp ý nghĩa này nhân vật trở thành nhân
vật không hành động, chỉ là một tiêu chí, một phẩm chất nhằm xác lập một đối lập khác.
Tuy nhiên nếu đặt Vinh Hoa trong diễn tiến số phận của một con người, một đối tượng
ngang hàng với những lực lượng khác, nhân vật nữ này cũng là một nhân vật hành động,
tạo ra những biến cố trong sự phát triển cốt truyện. Ở đây chúng tôi xác lập mô hình tự sự
theo kiểu thứ hai, tức là khảo sát các biến cố trong cuộc đời Vinh Hoa: Vinh Hoa- Quang
Trung; Vinh Hoa- Gia Long; và sự khác biệt trong cách cư xử với cái đẹp của Quang
Trung- Gia Long.
Thực ra trong Phẩm tiết, Vinh Hoa chủ yếu là nhân vật mang chức năng lưu giữ,
bảo tồn. Số phận của nhân vật khá ngẫu nhiên và kỳ lạ. Từ một dân nữ bình thường mang
theo những tiền định huyền hoặc bước chân vào chốn cao sang, Vinh Hoa thoát ra khỏi tất
cả mọi sự ràng buộc, nàng không thuộc về ai. Đây là môtip khá quen thuộc trong tác
phẩm của Nguyễn Huy Thiệp khi nhân vật nữ luôn là biểu trưng của cái đẹp, “tín sứ” và
cái thiện. Đủ bản lĩnh và phẩm chất làm những việc mà không ai có thể làm, tội chết của
người cha là ranh giới buộc Vinh Hoa phải bước vào một không gian khác. Tuy nhiên ở
trong môi trường mới này, hành động trân trọng vẻ đẹp và tôn trọng ý muốn của Vinh
Hoa của vua Quang Trung vô tình đồng loã với sự khác người của nàng, tạo ra môi trường
phù hợp với tính cách và phẩm chất của nhân vật. Mọi hành động của Vinh Hoa đều
không gặp bất cứ cản trở nào. Cái chết của Quang Trung chính là ranh giới khép lại một
không gian lưu giữ và nuông chiều phẩm giá của cái đẹp. Từ khi vua Quang Trung mất,
nội bộ Tây Sơn rối ren. Gia Long vào thành Thăng Long. Vinh Hoa rơi vào tay viên
tướng của Gia Long và được cứu khỏi chốn thô tục, được yêu chiều trong cung vua. Hãy
làm một phép so sánh đơn giản về giây phút gặp Vinh Hoa của cả hai ông vua. Cả hai đều
biết đánh giá cái đẹp. Tuy nhiên cách cư xử với cái đẹp lại hoàn toàn khác nhau. Vua
Quang Trung “rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay ”, cho rằng: “được
Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người”; Còn đối với Gia Long,
vẻ đẹp của Vinh Hoa được cảm nhận trong không khí đầy nhục cảm, nó báo hiệu hành
động tiếp theo của vua Gia Long là muốn sở hữu nàng “như nuôi con gà, con vịt trong
nhà”. Trong một không gian đối lập với các giá trị đã được thừa nhận và lộ diện, hành

động của Gia Long chính là vật cản, là ranh giới buộc Vinh Hoa phải bước qua để bảo tồn
phẩm tiết.
Sự khác nhau trong cách cư xử đối với Vinh Hoa của Quang Trung và Gia Long có
thể lý giải ở sự ý thức về quyền lực của mỗi ông vua. Mối quan hệ giữa quyền lực và cái
Đẹp được Quang Trung và Gia Long giải mã khác nhau.
Nhìn trực tiếp, ba yếu tố: cái tài, cái tâm, cái đẹp xác lập ba phạm trù cơ bản của mỹ
học: Chân - Thiện - Mỹ. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn chúng ta có thể nhận ra bên dưới
của tầng ngữ nghĩa cấu trúc này những yếu tố xuyên suốt không chỉ mang chức năng tạo
dựng các giá trị mà còn là chất keo gắn kết. Đó chính là các bình diện, các cấp độ của
quyền lực, là cuộc đấu tranh dai dẳng của con người trước dục vọng của chính mình, là sự
đối lập giữa nhân tính và phi nhân tính. Sự chi phối của quyền lực lên mỗi cá nhân sẽ quy
định hành vi của mỗi con người, xác lập những lý giải tưởng như rất mâu thuẫn. Sự vận
động này không nhằm tạo ra một cấu trúc hài hoà với những khái niệm rạch ròi, giản đơn.
Thật khó có thể đưa ra một kết luận hay tóm lược về tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Giá
trị của các phạm trù bộc lộ trong những xoay chuyển và biến hoá khôn lường của đời sống.
Đó là những giá trị mở. Không có một khung vững chắc cho tất cả những khái niệm này.
Người đọc phải tự phân tích, cảm nhận và đánh giá.
Những dịch chuyển sang một hệ hình thi pháp mới
Có một điểm dễ nhận thấy là sự di chuyển của nhân vật qua những không gian đối
lập tạo ra biến cố và thúc đẩy cốt truyện phát triển. Tuy nhiên, trong mô hình tự sự này có
nhiều yếu tố nằm ngoài hệ thống, nhiều sự kiện không phải là biến cố song lại có khả năng
chi phối rất lớn đến việc giải mã văn bản tác phẩm. Vì thế sẽ là rất thiếu, thậm chí là đơn
điệu và cứng nhắc nếu như chỉ dựng lên mô hình tự sự của ba phạm trù: cái tài, cái tâm, cái
đẹp. Vậy sức hấp dẫn nằm ở đâu? Kỹ thuật dòng ý thức tỏ ra bất lực trong trường hợp này.
Truyện kể không liền mạch với những mảnh dán ghép, chắp vá. Mô hình cốt truyện không
đơn thuần là việc xác định các tuyến nhân vật hành động hay không hành động trong một
cấu trúc liên hoàn của ba phạm trù cái tài, cái tâm, cái đẹp. Có rất nhiều những phiến đoạn,
những “vật thể lạ” xuất hiện trên mô hình đó. Nó phá vỡ sự liền mạch, tạo ra rạn nứt, và
làm tăng sự nghi ngờ trước các dữ kiện.
Kỹ thuật nguỵ tạo lịch sử trong tâm thế chối bỏ “đại tự sự”.

Chủ nghĩa cấu trúc đặc biệt đề cao chủ âm (dominant) và tất yếu sẽ hướng người
đọc đến một trung tâm nào đó. Tất cả các yếu tố trong hệ thống ký hiệu ngôn ngữ văn bản
tác phẩm đều chịu sự chi phối của chủ âm. Tuy nhiên, trong Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm
tiết xuất hiện nhiều âm thanh lạc ra khỏi dòng chủ lưu đó. Ở đây, lịch sử không thuần nhất,
cố định và minh bạch trong tâm thế ngợi ca hay phê phán.
Với tư cách là truyện ngắn lịch sử, việc khảo sát lịch sử trong truyện không chỉ cho
chúng ta biết được nhà văn sử dụng lịch sử như thế nào mà còn có nhiều khả năng làm lộ
diện một vài khía cạnh nào đó trong tư tưởng và nghệ thuật của họ. Trước hết, có thể nhận
thấy danh tính thực hư của các nhân vật trong truyện lịch sử Nguyễn Huy Thiệp thực ra có
nhiều điểm khá thú vị. Ngoại trừ những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh,
Nguyễn Du hay những cái tên có thật trong lịch sử nhưng chỉ xuất hiện với chức năng tạo
dựng không gian như Nguyễn Khản, Nguyễn Nghiễm, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Vũ
Văn Dũng, Trần Văn Kỷ thì Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng một vài cái tên rải rác trong
lịch sử, song số phận của họ thì chỉ dính dáng ít nhiều, hoặc chỉ có thể tìm thấy bóng dáng
của họ trong chính sử. Đặng Phú Lân là “một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến”,
hoàn toàn có thể coi là sự hư cấu của Nguyễn. Tuy nhiên, khi lật lại những trang sử cuối thế
kỷ XVIII cái tên Lân được tìm thấy trong chính sử với một họ khác: Hồ Văn Lân - một
trong những người có công gây dựng cơ đồ cho Nguyễn Ánh. Nhưng số phận của nhân vật
trong truyện lại có vẻ gần hơn với Đỗ Thanh Nhân, vị tướng thân cận với Nguyễn Ánh,
từng được phong Ngoại hầu phụ chính Thượng tướng công. Vị tướng này sau bị giết vì
“cậy công lộng quyền”
(17)
. Như thế, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng vài chi tiết thực trong
cuộc đời hai vị tướng của Nguyễn Ánh, hư cấu nên nhân vật Đặng Phú Lân. Còn những cái
tên Khải, Sâm thật dễ khiến chúng ta liên tưởng tới hình ảnh chúa Trịnh Sâm vì say đắm
Đặng Thị Huệ mà bỏ con trưởng Trịnh Khải, lập con thứ Trịnh Cán, gây ra thù oán cha con,
huynh đệ tương tàn và nạn kiêu binh hoành hành, cho dù số phận của Khải và Sâm trong
truyện có vẻ chẳng liên quan gì đến sự kiện này trong sử. Tuy nhiên, trong Việt sử kỷ yếu,
khi viết về sự kiện Tây Sơn đánh ra Bắc Hà lần thứ nhất có một chi tiết: tướng nhà Lê là
Trịnh Khải bại trận và bị Nguyễn Trang đánh lừa, bắt nộp cho quân Tây Sơn: “Trên đuờng,

Trịnh Khải lấy gươm cắt cổ tự tận. Bấy giờ là tháng 6 âm lịch năm 1786. Nguyễn Huệ sai
lấy vương lễ tống táng, rồi vào thành yết kiến vua Lê”
(18)
. So với chi tiết “Khải hổ thẹn treo
cổ tự tử” và vua Quang Trung cho làm ma Khải rất hậu cũng là một sự trùng hợp.
Các chi tiết và những cái tên lịch sử đã được sử dụng có vẻ hết sức tuỳ tiện. Tác giả
đã nhặt nó từ vô vàn những chi tiết hỗn độn trong lịch sử Việt Nam giai đoạn khá rối ren và
phức tạp thế kỷ XVIII để tạo nên một lịch sử không trùng khít với chính sử.
Theo nhà sử học Đỗ Bang, có ít nhất 25 cuốn sách viết về tài thao lược và ca ngợi
phẩm chất của vua Quang Trung trên nhiều phương diện và khía cạnh khác nhau
(19)
, chưa kể
một loạt những cuốn sách lịch sử mang tính chính thống như Đại Nam chính biên liệt
truyện, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt Nam sử lược, và sau này là bộ Đại
cương lịch sử Việt Nam toàn tập Người anh hùng áo vải gần như đã trở thành một vị thánh
trong tâm thức của người Việt. Sau này, với phương pháp nghiên cứu sử hiện đại, các nhà
nghiên cứu đã có những nỗ lực nhằm đến gần hơn với hình ảnh thực của Quang Trung
Nguyễn Huệ, song có thể nói, chiến tích lẫy lừng của người anh hùng áo vải, bốn năm làm
vua, hai lần đại thắng quân xâm lược Xiêm la và Mãn Thanh khiến cho người ta dễ bỏ qua,
coi nhẹ những chi tiết đời thường khác. Nguyễn Huy Thiệp không xây dựng hình ảnh Quang
Trung ở tư thế bách chiến bách thắng với hình ảnh chiếc áo bào đen xạm khói thuốc súng.
Tác giả chọn thời điểm đen tối nhất của triều đình Tây Sơn (Kiếm sắc): ngay sau khi Nguyễn
Huệ mất, triều đình Tây Sơn trở lên hỗn loạn, chia bè kéo cánh, các đại thần giết hại lẫn nhau.
Vua mới Cảnh Thịnh lên 10 tuổi không lo nổi việc triều chính, chẳng bao lâu cơ nghiệp nhà
Tây Sơn đổ nát. Có lẽ đó chính là dụng ý của nhà văn. Ngay trong Phẩm tiết, lúc đó Quang
Trung đang ở tư thế là người chiến thắng, nhưng hình ảnh này cũng vụt qua rất nhanh. Và
Nguyễn Huy Thiệp khai thác những yếu tố chẳng liên quan gì đến tài thao lược hay việc
trọng dụng nhân tài rất nổi tiếng của Quang Trung. Đó là hành động đối diện với những gian
ngoan lọc lõi của người đời và sự thất bại ở khả năng sở hữu thể xác của một cô gái. Chi tiết
miêu tả thái độ nóng nẩy không kiềm chế với những lời lẽ lăng mạ kẻ khác của Quang Trung

trong truyện đã được giải mã theo nhiều cách khác nhau, và dù có yêu quý Nguyễn Huy
Thiệp đến đâu, nhiều người vẫn cảm thấy gợn gợn.
Trong Hoàng Lê nhất thống chí, nếu xét cho kỹ, tác giả Ngô gia văn phái cũng miêu
tả Nguyễn Huệ (Bình) với những ngôn ngữ hết sức bình dị, dân dã. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh
nói với Quang Trung ý muốn kết tình thông gia của vua Lê, ông đã từng đùa rằng: “Xưa
nay những kẻ chinh phu xa nhà, tình khuê phòng là rất cần thiết. Hoàng thượng cũng xét
đến chỗ ấy kia à!”
(20)
. Thậm chí, vua Quang Trung còn có nói: “Vì dẹp loạn mà ra, để rồi
lấy vợ mà về, bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết
con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không”
(21)
. Đó là thứ ngôn ngữ
bình dị, chân thực, không phải là thứ ngôn ngữ kiểu cách, cầu kỳ. Nó rất gần với ngôn ngữ
của Quang Trung trong Phẩm tiết. Điều đáng nói là hiện nay Hoàng Lê nhất thống chí đã
được Viện Sử học đưa vào danh sách các tác phẩm bắt buộc phải đọc khi tìm hiểu về thời
kỳ nội chiến ở Việt Nam thế kỷ XVIII.
Một nghiên cứu khác về vua Quang Trung trong cuốn Những khám phá về vua
Quang Trung, nhà sử học đã ghi lại chi tiết: “Do quá thương tiếc bà họ Phạm (Nam cung
hoàng hậu) nên vua Quang Trung nhiều lúc cuồng nộ làm một số giáo sĩ phương Tây lúc đó
có mặt ở Thuận Hoá phải khiếp sợ”
(22)
. Những chứng cứ này cho thấy, hình ảnh Quang
Trung trong Phẩm tiết không phải là một sự “bịa đặt trắng trợn”
(23)
và lịch sử trong truyện
của Nguyễn Huy Thiệp không phải “như cái đinh đã đóng vào tường; người viết tiểu thuyết
lịch sử có thể tuỳ thích “treo” vào đó những bức tranh của mình”
(24)
.

Nguyễn Huy Thiệp sử dụng những chi tiết rất nhỏ, gần như bị lãng quên trong cuộc
đời của Quang Trung và hư cấu trở thành một sự kiện quan trọng. Chính sử và tiểu thuyết
luôn tiềm ẩn những khả năng vênh nhau. Hành động của Quang Trung là biến cố của lịch
sử nhưng trong văn học thì chưa chắc. Đây chính là thủ pháp phá vỡ trật tự thời gian bằng
cách “làm cong” ý niệm về thời điểm trọng yếu. Hoàn toàn có thể gọi đây là một kiểu lịch
sử nguỵ tác, tuy nhiên nó không triệt để như các nhà hậu hiện đại Mỹ và Tây Âu khi lịch sử
hoàn toàn là những bản ghi chép giả mạo về những biến cố nổi tiếng nào đó (Chẳng hạn
như trong các tác phẩm: Những gì còn lại của ngày ấy của K. Ishiguro, 1989; Chuyến bay
đến Canada của I. Reed, 1976; Thuỷ quốc của G. Swift, 1983 ). Rõ ràng lựa chọn này đã
tạo ra một “cú sốc” văn hoá. Người Mỹ có thể xây dựng một bộ phim nói về tổng thống
đương nhiệm bị ám sát. Tất cả những vị anh hùng, chính khách, nhà văn hoá hay cả vĩ nhân
đều có thể được nhìn nhận dưới con mắt rất hài hước, ngớ ngẩn, thậm chí là lố bịch. Nó
không tạo ra tâm lý phản cảm. Tuy nhiên, người Việt lại không có thói quen như vậy. Vì
thế tác giả sẽ khiến người đọc phải “giận dữ”, phải “cãi lại”, và nghi ngờ. Sự nghi ngờ sẽ
buộc độc giả phải tìm hiểu, phải lý giải và lục tung những hiểu biết, những tri thức về các
lĩnh vực có liên quan để thẩm định.
Việc sử dụng những chi tiết có thực từ lịch sử xen kẽ với những chi tiết hoàn toàn giả
tưởng, ly kỳ hoặc huyền hoặc không phải là một thủ pháp mang tính đặc thù của văn học hậu
hiện đại. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa hai hệ thống mỹ học này được nhận ra ở chính cảm
quan và nhận thức mà nó tạo ra cho người đọc. Nếu như các nhà văn hiện đại luôn tìm cách
thuyết phục người đọc ở tính như thực của các tình tiết, sự kiện và hướng người đọc đến một
tư tưởng nào đó, một khuôn mẫu đã định hình thì các nhà văn hậu hiện đại lại tìm cách phá
vỡ những định hình ấy, tìm kiếm những lý giải khác nhau thậm chí là đối lập về tư tưởng.
Lịch sử trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp bề bộn các dữ kiện ở nhiều chiều kích, mức độ.
Tuy nhiên, nhà văn không hướng người đọc đến một chủ đích mà buộc người thưởng thức
phải tự chọn lựa, sắp xếp các cứ liệu có sẵn theo “tầm đón đợi” của chính mình. Hình ảnh
một vị anh hùng, một nhân vật lịch sử nhìn từ khía cạnh đời thường không phải là đặc quyền
của văn học hậu hiện đại, tuy nhiên cách xử lý dữ liệu, đập vỡ sự ngự trị của “tư tưởng trung
tâm” cho phép nhìn nhận lịch sử từ một khuôn mặt khác, phức tạp và chân thực hơn.
Nguyễn Huy Thiệp không tìm cách thuyết phục người đọc ở tính “như thực” của các

chi tiết trong truyện. Chúng ta không bị cuốn vào câu chuyện và cảm thấy mình đang chứng
kiến cái hiện thực ấy và khóc, cười với nó. Những tình tiết, sự kiện trong truyện thật sống
động nhưng không cho người đọc cảm giác tin cậy. Kỹ thuật ngụy tạo lịch sử trong truyện
ngắn của Nguyễn Huy Thiệp tuy không điển hình và triệt để nhưng cảm giác và tâm thế bất
tín thì hiện hữu ở khắp mọi nơi.
Nhìn chung, nhà viết tiểu thuyết thường phác hoạ những chỗ “ẩn khuất” trong cuộc
đời của một nhân vật lịch sử nào đó, song anh ta luôn phải cẩn thận để không tạo nên một
sự tương phản quá trớn với những gì chúng ta đã biết về họ. Chúng ta đã quen với tiểu
thuyết lịch sử mà những nhân vật lịch sử nổi tiếng trong quá khứ có những hành động
tương ứng với tài liệu công cộng khả tín. Vì thế việc khai thác một chi tiết nhỏ, dễ bị bỏ
qua, quên lãng khi nói đến Quang Trung, sau đó hư cấu trở thành một chi tiết chủ đạo quả
sẽ tạo ra những phản ứng. Ngược lại, ở các nhà văn hậu hiện đại lại rất năng nổ, rất triệt để
đối với thao tác này.
Đến đây sẽ có một câu hỏi được đặt ra: tại sao Nguyễn Huy Thiệp phải tạo ra những
chi tiết xa lạ với hiểu biết của cộng đồng về nhân vật? hoặc: Với những chi tiết như thế nhà
văn có thể chọn một nhân vật hoàn toàn hư cấu? Những câu hỏi này có thể hoàn toàn vô giá
trị bởi thực ra chọn viết về đề tài lịch sử với những nhân vật lịch sử nào đó tức là tác giả
đang nhằm củng cố hoặc bồi đắp, hoặc phá bỏ một “định kiến” có sẵn. Sẽ rất nhàm chán
nếu như người đọc lại chỉ thụ động chìm đắm vào một màn lịch sử tự sự hư nguỵ nào đó.
Anh ta đang “đánh mất chính mình trong một cuốn sách”. Đó là cách đọc thật thoải mái và
lười biếng.
Người kể chuyện không tin cậy và tâm thế bất tín nhận thức.
Có thể thấy rõ trong Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết hình tượng tác giả trở thành một
“trung tâm” của chỉnh thể tác phẩm có khả năng lôi kéo trực tiếp sự chú ý của độc giả. “Mặt
nạ tác giả” xuất hiện dưới dạng này hay dạng khác trên các trang tác phẩm, giữ vai trò quan
trọng trong việc kết nối và duy trì tính chỉnh thể của tác phẩm. Trước các sự kiện đứt đoạn,
các tình tiết hỗn độn vai trò của người kể (một phần hoặc toàn bộ hình tượng tác giả) trở
nên cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên người kể chuyện này là không đáng tin cậy do sự không
trùng hợp của các giá trị biểu đạt. Nhìn từ giác độ tiếp nhận thì rõ ràng hình tượng tác giả
bắt đầu hoài nghi chính mình. Với “anh ta” việc khách thể hoá ý đồ bằng kết cấu của tác

phẩm dường như chưa đủ và tác giả buộc phải lôi cuốn người đọc bằng những ngôn từ giao
tiếp trực tiếp, thậm chí là lý giải, giãi bày cả ý đồ của mình.
Một “thao tác” dễ nhận diện trong truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp là các biến
cố trong cuộc đời của nhân vật thường được tác giả kể bằng một giả thuyết thiếu chắc chắn
nhất. Có thể kể ra việc tác giả để cụm từ: “Nghe nói” trước sự kiện Nguyễn Phúc Ánh sai
đao phủ dùng kiếm gia truyền của Lân để chém đầu Lân, thậm chí người kể còn nói rõ là
mình đã can thiệp vào việc dựng truyện như thế nào: “Khi viết tôi có tự ý thay đổi một vài
chi tiết phụ và sắp xếp, chỉnh lý lại các tư liệu để hợp với việc kể chuyện”, hay ở phần kết
của Vàng lửa tác giả cũng nói rõ: “Không có tài liệu gì và cũng không ai biết gì về thung
lũng Quạ hoặc chuyện của những người châu Âu thời vua Gia Long Tôi xin hiến bạn đọc
ba đoạn kết cho câu chuyện này để bạn đọc tuỳ ý lựa chọn” Như thế, người kể đã cố gắng
sắp xếp, móc nối các tình tiết, sự kiện của truyện kể nhưng đó là chủ ý trong một tâm thế
bất định. Tác giả không cho người đọc có cơ hội chìm đắm vào những diễn biến xảy ra
trong truyện. Cảm giác bất khả tín buộc độc giả phải tiếp cận với văn bản một cách tỉnh táo
bằng tri thức tích cực thay vì cảm xúc thụ động. Là một tiểu thuyết lịch sử, nó buộc chúng
ta phải nghi ngờ: Lịch sử - đó là lịch sử của sự đa nghi hoang tưởng. Thực ra điều này dẫn
chúng ta đến những suy đoán khốn khổ hơn: Nếu tất cả những biến cố lớn trong lịch sử
chẳng qua chỉ là những màn phụ thực sự được tổ chức bởi những người điều khiển “gánh
xiếc vô hình” vì những mục đích nào đó (đen tối hoặc không đen tối) thì sao? Thực ra câu
trả lời luôn tiềm ẩn trong nhận thức của mỗi người và thủ pháp tạo sự “bất tín” của tiểu
thuyết gia sẽ cho độc giả cơ hội đến gần hơn với “sự thật”, cái sự thật luôn tương đối từ khi
có nhà sử học. Tất cả những dấu vết của quá khứ: những hiện vật, những biểu tượng, văn
tự, và cả những cái xác, những lăng mộ, cung điện, giai thoại, v.v sẽ cho chúng ta nhìn
quá khứ rõ hơn nhưng không bao giờ chính xác tuyệt đối. Cái chết của vua Quang Trung và
tình yêu của công chúa Ngọc Hân sau cuộc mai mối chớp nhoáng 3 ngày của Nguyễn Hữu
Chỉnh, và cuộc hôn phối chính trị long trọng ở Thăng Long chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy
mực của những người quan tâm
(25)
. Và việc Nguyễn Huy Thiệp hư cấu truyện tình giữa vua
Quang Trung và Vinh Hoa không thể nói là phủ nhận tình yêu tha thiết giữa Quang Trung

và công chúa Ngọc Hân
(26)
.
Phương thức đa kết phá vỡ kết cấu trung tâm của văn bản tác phẩm.
Trong cấu trúc văn bản nghệ thuật ngôn từ cốt truyện là một trong những yếu tố cơ
bản tạo nhằm xác lập mô hình tự sự. Mô hình cốt truyện cho chúng ta một hình dung tương
đối cụ thể về cấu trúc của tác phẩm cũng như nghệ thuật tự sự của tác giả. Tuy nhiên ở Vàng
lửa, mô hình cốt truyện đã bị phân tán, thậm chí gẫy vụn bởi sự bất lực của người kể chuyện
trong việc tìm kiếm tư liệu cổ. Tất cả những điều này có thể hoàn toàn chỉ là giả mạo. Chúng
ta nhìn thấy người kể chuyện “nhảy” vào truyện và nói toạc tất cả ý định viết, anh ta sử dụng
những mảnh nhật ký còn sót lại làm tư liệu cho câu chuyện. Ở đây anh ta chỉ có một nhiệm
vụ là dán các mẩu nhật ký lại với nhau và chua thêm một vài chú thích cho nhật ký đó, chẳng
hạn như: đó là nhật ký của ai, viết vào thời điểm nào, vì sao lại ngắt quãng như vậy, v.v
Những chú thích này có tác dụng gắn kết tất cả những trần thuật đứt đoạn, biến những chất
liệu rời rạc, tạp nham thành một chỉnh thể. Điều đáng nói là người kể đã làm cái công việc
“cắt dán” đó chẳng theo một trật tự hay quy luật nào cả. Anh ta cố tình tỏ ra khách quan và
trung thực trong việc tái hiện một thế giới lộn xộn, bị xé vụn và lạ hoá. Chính cái công việc
cắt dán tưởng như nhàm chán đó đã dựng lên trước mắt chúng ta một thế giới khác. Các đánh
giá, nhận xét, các ý kiến đan cài, chồng chất lên nhau và thậm chí là đối ngược nhau. Sự mâu
thuẫn trong các nhận định, đánh giá; sự bất đồng trong các ý kiến đã tạo ra một bầu không
khí bao trùm sự bất tín.
Liệu đây có phải một chiến thuật hay là sự đùa giỡn với lịch sử? Đưa ra ba kết thúc
như là một giải pháp cho sự bất lực trong việc tìm kiếm tư liệu của người kể chỉ càng làm
tăng cảm giác bất tín, nghi hoặc. Không phải chúng ta nghi ngờ sự trung thực của người
công bố tư liệu mà là nghi ngờ cái “sự thực lịch sử” được tái hiện trong mỗi tư liệu. Đó
không phải là chân lý mà cũng chưa chắc đã là một mặt, một khía cạnh nào đó của sự thực,
bởi thực chất thông tin đó chỉ là suy nghĩ đầy chủ quan của một con người. Hơn nữa, các
yếu tố hư cấu và phi hư cấu, hoang tưởng, kỳ ảo và các yếu tố thực được trộn lẫn, phát tán
càng tạo cảm giác nghi hoặc cực kỳ khó chịu. Những chi tiết nhuốm màu huyền hoặc như:
“khi chém đầu, máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau thì bết lại”

(Kiếm sắc); thân phận của Vinh Hoa được báo trước: “Khi đẻ Vinh Hoa, trên nóc nhà bỗng
có đám mây ngũ sắc bay đến, toả ra ánh sáng rực rỡ, khắp nơi hương thơm ngào ngạt. Trên
cổ Vinh Hoa có tràng hoa cuốn cổ, xoè lòng bàn tay thấy có viên ngọc ở trong, trên khắc
hai chữ thiên mệnh” (Phẩm tiết) gần như trở thành một điểm tựa tâm linh. Liệu có một câu
hỏi chính xác về “sự thật” của lịch sử, cái mà chúng ta vẫn coi là “sự thật” sẽ dừng lại ở
điểm nào trên nấc thang nhận thức của con người.
Như thế, với một nhà văn không hề có ý thức về hậu hiện đại và viết theo kiểu
hậu hiện đại song tất cả những yếu tố ngoài mô hình cấu trúc văn bản tự sự cho phép
người đọc nhìn nhận bằng một nhãn quan mới. Mẫu số chung cho tất cả các yếu tố khác
lạ trong cấu trúc tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp chính là tâm thế bất tín nhận thức
trong nỗ lực phá bỏ “đại tự sự”, tâm thế tiêu biểu nhất cho ý thức hậu hiện đại. Nó hiện
hữu trong từng tế bào tác phẩm, trong cách thức tạo dựng kết cấu và ngôn ngữ kể
chuyện. Nhìn trên tổng thể, các yếu tố “lạc điệu” đó phá vỡ cấu trúc tác phẩm, cho thấy
những hạn chế trong việc giải mã các yếu tố (tình tiết) trong tác phẩm. Tuy nhiên, sự
phá vỡ này không biến tác phẩm trở thành một “mớ hổ lốn”, tạp nham và vô nghĩa. Từ
những mảnh dán ghép đứt đoạn ấy người đọc buộc phải tự lựa chọn một điểm nhìn,
khám phá, xâu chuỗi và “hiểu” văn bản tác phẩm theo cách riêng của mình.
Tiếp cận Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết từ một nhãn quan khác chúng ta có cơ hội
tìm thấy nhiều thông điệp khác nhau ẩn chứa sau mỗi con chữ. Mỗi tín hiệu trong văn bản
văn chương nghệ thuật về cơ bản là không đơn nhất, song để thoát ra khỏi một định kiến,
một tư tưởng nào đó là một vấn đề không đơn giản. Mỗi người có thể nhận ra quan niệm về
con người và thế giới của tác giả, tìm thấy một ý nghĩa, rút ra một bài học, chiêm nghiệm về
nhân sinh , nhưng có một điều chắc chắn đó là sự xác lập của chính bạn - người đọc tích
cực. Những giá trị, những ý nghĩ, cảm xúc, khát vọng, trăn trở và có thể cả sự tuyệt vọng,
đau đớn sẽ được nhận diện trong sự tìm tòi và trải nghiệm của mỗi người. Và để làm được
điều đó Nguyễn Huy Thiệp đã phá vỡ những gì đang bền vững và dựng lên một thế giới đa
phương, nhiều chiều trong một bầu không khí bất tín đầy ma thuật. Đó là tài năng của nhà
văn. Và có lẽ hơn ai hết Nguyễn Huy Thiệp là kẻ biết tận dụng nhiều nhất quyền hư cấu của
nhà văn


×