Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Cái đương thời và cái lịch sử trong sáng tác của Gogol pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (202.4 KB, 7 trang )

Cái đương thời và cái
lịch sử trong sáng tác
của Gogol



*
Trong thế giới của Gogol, tự do được khẳng định như là một giá trị cao đẹp bậc nhất
của nhân sinh không trong thế biệt lập, mà trong quan hệ phức tạp, sâu kín với một loạt giá trị
khác. Một trong những giá trị tinh thần được nhà văn Nga hết sức đề cao và xem là không thể
thiếu được, nhưng trong cả lí thuyết lẫn thực tế tỏ ra rất khó dung hợp với tự do là sự thống
nhất và đoàn kết của xã hội loài người, sự cùng hướng tới những mục đích chung, sự đồng
tâm hiệp lực, chung lưng đấu cật phấn đấu vì sự nghiệp chung. Ta thấy tư tưởng này, như sợi
chỉ đỏ, xuyên suốt các trước tác nghị luận – phê bình của Gogol, từ những bài viết thời hoa
niên đến cuốn sách cuối đời Trích thư từ gửi bạn bè. Nghiên cứu lịch sử thế giới (Gogol một
thời vận động ráo riết để được bổ nhiệm làm giáo sư đại học theo chuyên ngành thông sử thế
giới), nhà văn của chúng ta đặc biệt quan tâm đến các cuộc thập tự chinh thời trung cổ, hâm
mộ cái nhiệt tình tôn giáo đã khiến hàng vạn con người từ khắp các nước châu Âu tự nguyện
rời bỏ quê hương, vượt biển cả đến miền đất xa lạ hiểm nguy để giải phóng mộ Chúa. Đã trở
thành nhà văn hiện thực lão luyện, ông tiếp tục mơ ước được chứng kiến những sự kiện
tương tự trong hiện tại lịch sử và đau khổ nhận thấy đâu đâu, nhất là ở các nước Tây Âu đi
trước nước ông về phát triển xã hội, cũng cảnh thống ngự của những lợi ích cá thể, cục bộ, sự
li tán nhân tâm, sự “phân tán khủng khiếp” của những khu vực hoạt động của con người
không biết đến nhau và trở nên tự thân tự mãn, sự thiếu vắng hay yếu đuối, què quặt của
những trung tâm tích hợp nhân quần. Trạng thái “phi sử thi” ấy của thế giới làm cho Gogol
bất mãn sâu sắc, từ đó mà nảy sinh nơi ông những khát vọng về sử thi mới, những kì vọng
sáng tạo nên một tác phẩm sử thi có sức mạnh cải hóa nhân tâm, hướng nó nhất tề tới những
lí tưởng chân chính, vĩnh hằng, và chúng ta biết Gogol đã trả giá như thế nào cho những kì
vọng ấy. Chúng hão huyền, không tưởng, điều ấy quá rõ, nhưng giả sử không có chúng, thì
lời của Gogol liệu có được sức lay động tâm não mà hôm nay, có thể hơn bao giờ hết, chúng
ta nhận thấy ở nó?


Nếu trở lại với những trước tác cụ thể của Gogol thì ta thấy trong Taras Bulba không
phải lần đầu tiên nhà văn này mô tả sự tan vỡ của khối thống nhất và đoàn kết cộng đồng, hay
là sự tan vỡ trạng thái sử thi của nhân thế. Như đã nói, trong sự tan vỡ ấy, như nó diễn ra cụ thể
trong Taras Bulba, ngòi bút Gogol ghi nhận nhiều nguyên ngân, không chỉ sự phân tán các lợi
ích, giá trị, mà còn sự xuất hiện những lợi ích mới, giá trị mới, cũng chính đáng và cần được
tôn trọng không kém những lợi ích, giá trị hiện hữu. Andri và tình yêu của chàng đối với một
thiếu nữ dị tộc dị giáo đại diện cho những lợi ích và giá trị mới ấy, tuy còn non yếu nhưng đã
phát huy sức hấp dẫn lớn, mà trước chúng ánh hào quang của những lợi ích, giá trị cũ lu mờ đi
một phần. Cuộc xung đột giá trị trong Taras Bulba có cái kết bi kịch, nhưng mọi kết cục bi
kịch đều gợi mở khả năng khắc phục, vượt qua bi kịch. Về phương diện này, cái chết của
những nhân vật anh hùng của Gogol là cái chết phát sáng, cái chết thai nghén sự phục sinh. Nó
tương phản với cái chết vô nghĩa của viên chưởng lý trong Những linh hồn chết, hay cái chết bi
lụy của nhân vậtChiếc áo khoác. Song trong di sản của Gogol có một tác phẩm cũng nói về đời
sống và cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của những người kôdắc Ukraina anh hùng y
như Taras Bulba, song cái chết của các nhân vật ở đấy lại để lại ấn tượng nặng nề khó chịu
đựng. Đó là truyện Cuộc báo thù khủng khiếp được viết trước Taras Bulba ba năm. Màu sắc
lịch sử cụ thể ở đây nhạt mờ hơn nhiều, âm hưởng sử thi cũng nhỏ yếu hơn, song yếu tố hoang
đường, giả tưởng thì rất đậm đặc. So với những tác phẩm giả tưởng khác của Gogol (mà trong
thể loại này, Gogol bộc lộ tài năng lớn đến nỗi Mikhail Bulgakov, tác giả của Nghệ nhân và
Margarita và Những trò ma quỷ cùng nhiều văn sĩ giả tưởng hậu sinh khác suốt đời tôn ông là
Thầy), cái giả tưởng trongCuộc báo thù khủng khiếp có một khác biệt nổi bật: vẫn là sản phẩm
của trí tưởng sáng tạo cá nhân, nó vay mượn y phục của sáng tác tập thể, dân gian. Mượn lời
những nghệ nhân diễn xướng folklore Ukraina, Gogol để một câu chuyện về hai người kôdắc
sống vào thế kỷ XVI-XVII, song ai ai nghe cũng có cảm tưởng rằng đây là một sự tích tối cổ,
một huyền thoại mẫu gốc có hằng hà sa số biến thể ở mọi thời đại và địa phương trên Trái Đất.
Hai người bạn chiến đấu kết nghĩa anh em, thề nguyện trọn đời kề vai sát cánh, đồng
cam cộng khổ, chia đôi từng miếng cơm manh áo. Và quả thật, họ đã sống như thế, khiến mọi
người mến phục. Thế nhưng trong một cuộc chiến, một người lập chiến công lớn, được tuyên
dương và ban thưởng rất hậu, trong khi ấy người thứ hai không làm nên công trạng gì và không
được thưởng gì. Thế là người ấy giết người anh em của mình cùng với đứa con duy nhất của

anh ta, chiếm đoạt toàn bộ tài sản và sống đề huề trọn kiếp. Sau khi cả hai người đã chết
Thượng Đế, không biết xử phạt người phạm tội thế nào cho xứng đáng, cho phép người anh
em bị sát hại chọn cho kẻ bội tín một hình phạt mà người ấy ưng ý. Thế là người ấy nghĩ ra một
cách trả thù thực sự khủng khiếp, được thi hành không chỉ đối với kẻ thù của cá nhân anh ta,
mà còn đối với toàn bộ gia tộc của y, cho đến người hậu duệ cuối cùng. Thiên truyện kể về
hành trạng và số phận kẻ hậu duệ ấy - một tên gian hùng mà tội ác không thể đếm hết, một kẻ
bán rẻ tổ quốc và chính đạo, một tên phù thủy bất lương dụ dỗ con gái mình phạm tội loạn luân
và cuối cùng giết cả con gái, con rể và đứa cháu nhỏ duy nhất của mình. Và đến khi kẻ ác ôn
trời không dung đất không tha phải đền tội, con người là nạn nhân của ông tổ gian ác của y
ném y từ đỉnh núi xuống vực, và tất cả họ hàng đã chết của y từ dưới đất chui lên xâu xé thịt
xương y
Đáng kinh ngạc năng lực của người viết truyện nhập hồn vào bên trong tên phù thủy -
quỷ sứ, cho người đọc thấy mồn một thế giới nội tâm của hắn: “Không một ai trên thế gian có
thể kể lại được, cái gì đang nổi dậy cuồn cuộn trong lòng tên phù thủy, và giả sử có ai nhìn vào
được thâm tâm hắn, thì người ấy sẽ không ngủ ngon một đêm nào và sẽ không mỉm cười bao
giờ nữa. Không một lời nào của con người có thể diễn tả được tâm trạng của hắn. Hắn cảm
thấy mình bị thiêu đốt, bị nướng trong lửa, hắn chỉ muốn bằng con ngựa của mình giẫm nát cả
địa cầu, bưng cả miền đất từ Kiev tới Galich với dân cư và mọi thứ và ném xuống Biển Đen”.
Và đây, thiên nhiên cũng lên án, phỉ báng kẻ phạm tội: “Hắn vừa định thúc ngựa nhảy qua
dòng sông hẹp chặn ngang đường thì con ngựa đương tung vó bỗng nhiên dừng chân, ngoảnh
mặt lại hắn và - kỳ lạ thay, há miệng cười, hai hàng răng trắng ghê sợ trong đêm tối”. Và đây
nữa, phút đền tội của kẻ đại gian đại ác: “ con ngựa hý man rợ, bờm dựng đứng, phi như bay
về phía người kỵ sĩ (vong hồn của người bị thủy tổ tên phù thủy sát hại - P.V.C). Tên phù thủy
lặng người trông thấy người kỵ sĩ bất động bỗng nhiên cử động, mở to đôi mắt, nhìn thấy tên
phù thủy đương phóng tới và cất tiếng cười. Như sấm sét, tiếng cười vang vọng khắp vùng núi
và đập vào trái tim tên phù thủy, lay động tất cả bên trong hắn. Hắn có cảm tưởng một ai đó rất
khỏe mạnh chui vào người hắn, đi đi lại lại trong đó và cầm búa đập gõ tim gan, gân cốt
hắn ”.
Như vậy, kẻ gieo gió đã gặt bão, nhưng kết cục ấy không làm thỏa lòng mát dạ người
đọc. Theo phán quyết của Thượng Đế (trong trường hợp này là Chúa Trời của đạo Kitô), kẻ

phạm tội cùng các hậu duệ phải mãi mãi chịu đựng hình phạt, không được giải thoát, còn người
đòi hỏi hình phạt thì mãi mãi phải chứng kiến hình phạt, không ngơi nghỉ. Quyết định này của
Chúa Trời toàn năng và chí thiện khiến không ít độc giả sùng đạo nghi ngờ đức tin tôn giáo ở
Gogol. Nhưng với những ai không quá câu nệ giáo điều thì thiên truyện của nhà văn Nga gây
ấn tượng khó quên và gợi những suy nghĩ sâu nặng, những thắc mắc day dứt. Vì sao Chúa sáng
thế lại tỏ ra bất lực, không trực tiếp xử tội kẻ có tội mà lại để cho nạn nhân thực hiện cuộc trả
thù khủng khiếp đến thế? Hay là Chúa đương phải đối đầu với cái ác bản thể, cái ác siêu hình
không thể xóa bỏ mà lại không xóa bỏ cả nhân loại cùng với toàn bộ thế giới thụ tạo? Quả thật,
cái ác như nó được Gogol phát lộ - cụ thể trong truyện này là lòng đố kỵ và tham lam vật chất -
không xuất phát từ bất cứ cái gì ở bên ngoài con người, nó tự sinh nở bên trong con người,
chuyển hóa thành tội ác, và tội ác này kéo theo tội ác khác Tội ác sản sinh ra mối thù và khát
vọng trả thù, nó cũng là một dạng của cái ác bản thể, nó “muôn đời muôn kiếp không tan”.
Thiên truyện kinh dị của Gogol trong suốt thế kỷ XIX không được để ý đến, không nhà
phê bình nào bình luận, diễn giải nó, và chính tác giả Gogol cũng không để lại lời giải thích nào
về nó, không bao giờ nhắc đến nó, cứ như nó không tồn tại trong văn nghiệp của ông. Chỉ sang
thế kỷ XIX, thế kỷ của những tội ác khủng khiếp nhất, những tai biến long trời lở đất nhất trong
lịch sử thế giới, thì con mắt của độc giả năm châu mới mở ra để nhìn thấy những chiều sâu
nhân học thăm thẳm trong truyện vừaCuộc báo thù khủng khiếp mà ngòi bút Gogol đã viết nên
khi nhà văn mới 22 tuổi.
Tác phẩm này giúp ta minh xác thêm một bước những quan điểm sử học, triết học cùng
toàn bộ thế giới quan, nhân sinh quan của Gogol. Trên kia chúng tôi đã nói rằng bố cục tập
truyện Mirgorod thể hiện quan niệm của nhà văn Nga về sự bành trướng, lấn át của cái ác, cái
xấu xa, cái tội lỗi theo quá trình dòng thời gian - lịch sử. Nhưng rõ ràng Gogol không theo
Rousseau hay Mạnh Tử mà tin rằng bản chất nguyên thủy của con người là lương hảo (“nhân
chi sơ tính bản thiện”) và chỉ văn minh, xã hội, nhà nước dần dần làm biến hỏng nó. Không,
theo Gogol, cái ác bắt rễ, làm tổ sâu thẳm trong bản tính con người, và xóa bỏ, triệt tiêu nó là
việc khó khăn không thể tưởng tượng. Nếu trong Taras Bulba ông cho thấy những giá trị tinh
thần gốc gác của xã hội con người - tình máu mủ, tình đồng tộc, tình đồng giáo, tình chiến hữu
- có thể tan vỡ do xung đột với những giá trị khác, mới hơn, thì bằng Cuộc báo thù khủng
khiếp ông chứng minh cho chúng ta: ngay những giá trị gốc ấy cũng mong manh thế nào, cũng

dễ nổ tung như thế nào bởi sức phá của những dục vọng ác độc nằm sẵn trong từng con người.
Trạng thái sử thi của nhân thế, mà Gogol suốt đời ước ao được chứng kiến, ông biết rõ nó chưa
có trọn vẹn và bền vững ở đâu và bao giờ. Sự ngây thơ, cả tin, tư duy một chiều, chủ nghĩa lạc
quan tếu, bất cứ nó hướng vào hiện tại, tương lai hay quá khứ, vắng mặt trong thế giới của
Gogol.
Trở lại với cái đương thời, như nó hiện ra trong cái tác phẩm của Gogol, ta thấy ở đấy đã
không còn chỗ cho cái anh hùng, cái cao cả, cái kỳ công, nhưng cũng không có cả cái ác quá
khổ, cái ác trắng trợn, quỷ quái. Tất cả đã trở nên bé nhỏ hơn, vừa tầm con người bình thường
hơn, và vì thế dễ dung nạp, dễ chấp nhận. Thay vì màu trắng chói lọi của ánh sáng thiên giới và
màu đen ngòm đen nghịt của bóng tối địa ngục là cái màu xám nhờ nhờ đùng đục bao trùm
nhân thế. Bảng màu của Gogol trongQuan thanh tra và Những linh hồn chết quá khác
trong Cuộc báo thù khủng khiếp hay Taras Bulba. Trong Quan thanh tra, Khlestakov sau khi
châm biếm tất cả các nhân vật khác của hài kịch, lại nói với anh bạn bồi bút T’riapichkin (Giẻ
lau): “Thực ra họ đều mến khách và tốt bụng cả”. Và ở bản thân nhân vật phản diện này tác giả
cũng cho thấy những nét nếu không dễ thương, thì dễ chấp nhận: hắn còn rất trẻ, hắn sống một
cách hồn nhiên, nghe theo bản chất tự nhiên của mình, và những khuyết điểm của hắn (lười
nhác, thích ăn chơi, đua đòi, khoác lác ) là rất thông thường trong mọi xã hội. (Chính vì thế
nhập vai thành công nhân vật này là việc không dễ tí nào, như lịch sử sân khấu của Quan thanh
tra cho thấy). Trong hài kịch này của Gogol, cái hài, cái hề không ít chỗ, và không chỉ trong
quan hệ với Khlestakov mấp mé với chất trữ tình. Chất trữ tình ấy còn nhiều hơn nữa trong một
hài kịch khác, cũng mang đậm chất hề hơn Quan thanh tra - Hôn sự (1834-1841).
Một viên chức (người anh em của Poprihin trong Nhật ký người điên), sau bao năm
mẫn cán và luồn cúi cấp trên (cái họ của hắn Podkdesin, nghĩa là “dưới bánh xe” tiết lộ điều
đó) mới ngoi lên được phẩm bậc thứ bảy và được phong tước quý tộc; nhưng là quý tộc hạng
bét, không bén mảng được nơi xã hội thượng lưu, y chỉ có thể toan tính kết hôn cho thật có lợi
với một phụ nữ thuộc giới thị dân, và bà mối cùng anh bạn năng nổ của y đã cầm tay y dắt đến
với một thiếu nữ như thế. Người thiếu nữ 27-28 tuổi ấy - Agafia Tikhonovna, đã mấy năm nay
sống trong tâm trạng “yêu đương”, tức là ước ao được lấy một người đàn ông vừa ý, cũng nhờ
mối lái, và đã chuẩn bị sẵn áo cưới để nếu gặp ý trung nhân là đi nhà thờ làm lễ kết hôn ngay.
Nhưng “ý trung nhân” Podkolesin, đầy mặc cảm và sợ phụ nữ, bị canh giữ ở cửa trước và cửa

sau, cuối cùng đã nhảy qua cửa sổ tẩu thoát.
Những linh hồn chết trong hài kịch này là những linh hồn không biết đến tình yêu và
thực ra không cần đến hôn nhân, nhưng không có đủ bản lĩnh để sống độc thân và sợ người đời
chê cười, cho nên phải miễn cưỡng tìm kiếm hôn nhân và cuối cùng thất bại ê chề. Gogol nhạo
báng họ một cách tàn nhẫn, như ông đã nhạo báng các nhân vật của Nhật ký người
điên và Chiếc áo khoác, bắt họ hành động như những người hề và sa vào những tình huống hề
kịch nhất, nhưng vừa ôm bụng cười, độc giả hay khán giả lại vừa bị xâm chiếm bởi lòng
thương xót những con người ấy, thương xót đến ứa nước mắt do sự liên hệ với đời mình, với
bóng ma tình yêu và cuộc hôn nhân đầy rẫy thất vọng của mình
Và linh hồn chết điển hình nhất và chính yếu trong Những linh hồn chết - Chichikov,
mà Nabokov gọi là “lãnh chúa của chúng ta”, ở hắn lại càng có nhiều nét dễ thương. Cái ước
mơ về cuộc sống sung túc đề huề, vợ hiền con thảo của hắn chẳng phải là ước mơ của hàng
triệu, hàng triệu con người trên đời? Và hắn suốt đời thắt lưng buộc bụng tìm đường thực
hiện ước mơ chính đáng ấy. Hắn quở trách cha mình (“đồ chó má”) đã không để lại cho hắn
một gia sản nào và quyết không để các con mình rơi vào cảnh ấy. Bị tố giác phạm pháp, hắn
nói xưa nay chỉ luồn lách pháp luật, chứ chưa hại ai bao giờ. Chichikov thậm chí biết thương
người. Khác hẳn tên điền chủ đểu cáng Perepenko (Ivan Ivanovich) nhạo báng những người
ăn mày khuyết tật, hắn không bao giờ đi qua một người như thế mà không bố thí. Tác giả rất
có dụng ý đưa ra những chi tiết ấy, song vẫn gọi Chichikov là “kẻ đốn mạt”. Một nữ nhân vật
của Những linh hồn chết - Korobochka - nhìn thấy ở y dáng dấp của một kẻ cướp và mô tả
việc Chichikov giữa đêm mưa gõ cổng xin vào nhà mụ ngủ nhờ như một cuộc đột nhập của
kẻ cướp. Còn những nhân vật khác thì lại thấy hắn hao hao giống Napoléon và lo sợ: hay hắn
đích thị là Napoléon đã vượt ngục và lẻn vào nước Nga, đem đến cho người Nga nhiều tai vạ
mới: Tại sao lại có sự phân hóa nội tại của một hình tượng rắn chắc, xác định đến thế? Tại
sao lại có những nét đáng sợ ở một con người bình thường đến thế? Có phải vì, như kinh
nghiệm lịch sử cho thấy, rất không khó biến những con người bình thường, hợp thời, có
không ít nét dễ thương ấy thành những quái vật, những đao phủ, những tên độc tài khát máu?
Hitler, Stalin, Pol Pot chẳng phải đã từng là những con người nhỏ bé, xuất thân từ tầng lớp
tiểu thị dân, không có gì đáng để mọi người xung quanh để ý hay sao? Và câu chuyện hư cấu
về hai người bạn chiến đấu kết nghĩa anh em, mà Gogol kể cho chúng ta, chẳng phải trong

thực tại luôn luôn diễn ra khắp nơi trên thế giới, với quy mô lớn hơn nhiều và tính tàn bạo
cũng lớn hơn nhiều?

×