Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Nhân cách Nguyễn Công Trứ, nhìn từ quan điểm bản thể luận _3 doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (189.4 KB, 5 trang )

Nhân cách Nguyễn
Công Trứ, nhìn từ quan
điểm bản thể luận




Nguyễn Công Trứ là một nhân vật lịch sử văn hóa khá độc đáo so với truyền thống Nho
gia Việt Nam. Từ rất sớm, giới nghiên cứu đã nhận ra điều mà họ gọi là “tương phản”, “mâu
thuẫn” ở Nguyễn Công Trứ và cố gắng tìm cách mô tả, cắt nghĩa, đánh giá. Tuy nhiên, phương
pháp nhận diện và đánh giá này hiện vẫn còn là vấn đề phải tiếp tục xem xét, thảo luận.
Phần lớn các mô tả về nhân cách Nguyễn Công Trứ cho đến nay thường lấy các học
thuyết triết học- đạo đức Nho- Đạo- Phật làm hệ qui chiếu để phân tích, lý giải. Nhìn từ bất cứ
một học thuyết nào, ta cũng dễ thấy Nguyễn Công Trứ không hề là đệ tử thuần thành. Kích
thước của tư tưởng và tâm hồn ông rất khó đo đạc bằng các khuôn học thuyết có sẵn, với việc
dẫn dụng các loại kinh điển. Trong khi không ít tác giả văn học cố gắng tạo cho mình một
khuôn mặt phù hợp với các khuôn mẫu kinh điển thì với Nguyễn Công Trứ, tất cả các khuôn
mẫu đều vừa rộng lại vừa hẹp. Dùng các khuôn khổ tư tưởng triết học đạo đức có sẵn để nhận
diện Nguyễn luôn khiến chúng ta ngạc nhiên, khó hiểu. Nhưng nếu chúng ta cố gắng sử dụng
các nguồn tài liệu thực tế, ví dụ nguồn thông tin đến từ Đại Nam thực lục để dựng lại chân
dung nhân cách Nguyễn Công Trứ, có thể kết quả lại khác đi.
Mặt khác, các mô tả xưa nay về Nguyễn Công Trứ thường chủ yếu dựa vào sáng tác
Nôm của ông, đặc biệt là thơ hát nói mà không có giới thuyết nào về kiểu tư liệu nghiên cứu
này. Nhưng ta phải lưu ý rằng, đối với người xưa, bộ phận sáng tác chữ Nôm và bộ phận sáng
tác chữ Hán có giá trị bộc lộ tư tưởng khác nhau. Những thể loại thơ ca chữ Nôm trong đó có
hát nói, chỉ là phần văn chơi, hay là tục văn học, khác với bộ phận thơ chữ Hán và thơ Đường
luật, kể cả Đường luật Nôm, được coi như phương tiện thể hiện tư tưởng có tính chính thức,
quan phương. Đối với Nguyễn Công Trứ, việc ông sáng tác chủ yếu bằng thể thơ hát nói có
tính cách như một kiểu đối phó với cấm kỵ, nằm ngoài vùng kiểm soát của tư tưởng đạo đức
thẩm mĩ chính thống. Do đó, phân tích các sáng tác thuộc mảng này cần hết sức chú ý đến vai
trò riêng của chúng. Nếu một sáng tác, như thơ Đường luật bằng chữ Hán (hay Nôm) - cách thể


hiện tư tưởng chính thống, lại có tính cách tuyên chiến với tư tưởng đạo đức thẩm mỹ Nho gia
thì sáng tác ấy hẳn phải được đánh giá khác so với một sáng tác để chơi, tức là một sáng tác đã
được khoác mặt nạ “văn chơi” có điều kiện phát biểu tư tưởng phi chính thống thuận lợi hơn
(không ai trách cứ hay “chấp” những sáng tác chơi, sáng tác để cho ả đào hát hoặc đòi hỏi
chúng phải nghiêm trang, đạo mạo như một bài thơ Đường luật). Nhưng mặt khác, việc sử
dụng một cách hệ thống, có ý thức các thể loại “văn chơi” lại cần được xem như là một chỉ báo
quan trọng về tư tưởng đạo đức- thẩm mỹ của tác giả.
*
Lê Thước là người đầu tiên (năm 1928) nhận thấy mâu thuẫn có vẻ khó hiểu của
Nguyễn Công Trứ. Theo ông, đây là nhân vật lịch sử thuộc hàng ngũ vĩ nhân, loại anh hùng
hào kiệt. Đã là người xuất chúng, siêu phàm thì hành vi, ngôn luận đều khác thường, nhìn họ
bằng con mắt thế tục không thể hiểu được. “Xưa nay những kẻ anh hùng hào kiệt đã có cái tài
“xuất chúng” thì thường hay có cái khí “siêu nhân”. Công đâu ăn lẫn với gà, rồng đâu ở vùng
nước cạn, đã là người hào kiệt thì quả không chịu lẩn quất trong cái khuôn sáo người thường.
Có lẽ cũng vì thế nên trong sự hành vi của cụ Nguyễn Công Trứ, nhiều khi hình như lạ mắt trái
tai, mà trong văn chương của cụ cũng lắm khi trái với cái tục kiến của người đời. Tức như ở
chùa mà có ả đầu đi theo, thân làm việc đời mà miệng lại thích ngâm vịnh cái cảnh nhàn, khiến
người đời sau, xem sử cụ, đọc văn cụ, không sao khám phá được cái tâm sự của cụ” (tr. 493)
(1)
.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư (1939) đã nêu rõ đặc điểm của Nguyễn Công Trứ như là người
có khả năng “điều hòa” những nhân tố trái ngược. “Thật là một sự điều hòa kì diệu của những
cái tương phản nhau: sự điều hòa của mộng với thực, cái ngông cuồng của một kẻ lãng tử, với
cái nề nếp của một nho sinh, và cuối cùng là sự điều hòa của thơ văn với Khổng giáo. Nguyễn
Du muốn là bạn hoàn toàn của thơ văn đã phải lảng Nho mà theo Phật… Nguyễn Công Trứ
vẫn ở trong cái phong khí khắc khổ của Nho mà vẫn khoáng dật thích thảng như một đồ đệ của
Lão - Trang. Tiên sinh vừa hành binh, trị nước, vừa ngâm hoa vịnh nguyệt mà cái này không
hại đến cái kia” (tr.494). Nhà thơ lãng mạn này cảm thấy luyến tiếc một kiểu nhân cách sống
như thế: “Cái thời buổi của những nhà nho tuy vẫn nhọc nhằn cặm cụi với nhân sinh, nhưng
cũng là kẻ “bốc giời”, phung phí mà không tiếc tay, những kho tàng của vũ trụ, những kẻ biết

sống mà cũng biết chơi, biết làm trọn nghĩa vụ và cũng biết vỗ cái đùi non mà dốc hớp rượu
cuối cùng (…). Nguyễn Công Trứ vào đời nghiêm trang như Đức Trọng Ni, ra đời hiền vui
như thầy Trang Tử. Không phải chỉ là một thi nhân đáng lưu truyền hậu thế, mà là một quan
niệm về nhân sinh đáng truyền bá ra giữa một cuộc đời Âu Tây chật vật” (tr.495). Dẫu sao thì
Lưu Trọng Lư đã dùng mô hình Nho gia và Lão Trang để đọc Nguyễn Công Trứ.
Vũ Đình Trác - qua một luận văn Tiến sĩ - chủ trương mở rộng tìm trong các mẫu hình
ứng xử của triết gia Trung Hoa những cội nguồn dẫn đến quan niệm sống khác thường của
Nguyễn Công Trứ. Trong luận án của ông, ta gặp nhiều học thuyết, nhiều tên tuổi các nhân vật
văn hóa trong lịch sử Trung Quốc, ví dụ: “một đàng ông đóng vai trò một nhà Nho đạo mạo
với đủ phần trí thức và minh triết, đàng khác ông lại sống đầy đủ nếp sống của một con người
tình cảm. Ông không chủ trương khắc khổ như Hàn Phi Tử, mà cũng không theo đường lối
phóng tình hay duy tình như Dương Chu. Ông tự phản tỉnh và đi vào đường lối của Tuân Tử
hay đường lối của Trung Dung: phát dục cho trúng tiết” (tr.789). Về đời sống tình cảm của
Nguyễn Công Trứ, Vũ Đình Trác cũng cố gắng liên hệ với một câu trong sách Trung Dung:
“Nhưng đặc biệt là nó khiến ta gợi nhớ tới bầu không khí của sách Trung Dung, khi Thánh
nhân viết:“Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ, cập kì chí giả sát hồ thiên địa” = Đạo quân tử
mở mối từ vợ chồng, hiểu tới cực đỉnh, sẽ thấu hội cái lí của trời đất muôn vật”.
Ông cũng cố gắng liên hệ với phạm trù Lễ của Nho gia: “Tôi cho rằng: Lễ chính là chỗ
tương tham của Tình và Lí, Nguyễn Công Trứ đã giữ trọn Lễ vậy” (tr.795). Theo ông, bản chất
của phong cách Nguyễn Công Trứ là chấp kỳ lưỡng đoan như tinh thần của Trung Dung. Nói
đơn giản, Nguyễn Công Trứ theo triết lý quân bình và triết lý toàn diện, không bao giờ quá
khích, không cực đoan.
Nguyễn Lộc (1978) cũng nhận thấy tính chất mâu thuẫn của con người Nguyễn Công
Trứ qua thơ văn ông, trong đó có sự tồn tại song song cả Nho và Phật: “Thơ văn Nguyễn Công
Trứ bao hàm một nội dung khá phức tạp, kết tinh một trạng thái ý thức của thời đại: vừa ca
tụng con người hoạt động, lại vừa ca tụng lối sống hưởng lạc, cầu nhàn; vừa ca tụng Nho giáo
lại vừa ca tụng Đạo giáo; vừa lạc quan tin tưởng lại vừa bi quan thất vọng; vừa tự khẳng định
mình lại vừa phủ định mình, v.v… Nguyễn Công Trứ là một khối mâu thuẫn lớn” (tr.660).

Dường như Trương Chính lại cho cách bình luận tương tự như trên là không thích

hợp. Ông yêu cầu nên thấy được sự biến động thay đổi trong tư tưởng của Nguyễn Công
Trứ: “Có nhiều người nghiên cứu thơ Nguyễn Công Trứ thấy nội dung khá phức tạp,
vừa lạc quan tin tưởng, lại vừa bi quan thất vọng, vừa ca tụng con người hoạt động, lại
vừa cầu nhàn, vừa đề cao Nho giáo lại vừa ca tụng Đạo giáo, vừa chê những người theo
đạo Phật là “không quân thần phụ tử”, lại vừa ca tụng đạo Phật là trên trời dưới đất
không gì bằng, vừa tự khẳng định mình lại vừa tự phủ định mình, v.v thì cho Nguyễn
Công Trứ là một “khối mâu thuẫn lớn”. Như vậy là tách bài ra mà xét, tách thơ và con
người làm thơ. Chứ nhìn bao quát, sẽ thấy ngay đó là sự diễn biến từ cực nọ sang cực
kia, một sự diễn biến có nguyên nhân rõ ràng, và sự diễn biến ấy là một bằng chứng
đanh thép về sự suy sụp của chế độ phong kiến dưới triều Nguyễn bắt đầu từ nửa thế kỉ
XIX, đến nửa cuối thế kỉ XIX thì không còn cơ khôi phục lại được nữa” (tr.759). Dẫu là
xem xét tư tưởng Nguyễn Công Trứ trong quá trình vận động thì điểm nhìn của Trương
Chính vẫn là từ các hệ thống tư tưởng triết học- đạo đức.

×