Từ "Người con gái viên đại úy" của
Puskin đến "Tarax Bunba" của
Gôgôn, bàn về tính lịch sử và tính thời
sự của tiểu thuyết lịch sử
Từ góc độ thi pháp, bạn đọc có thể tìm thấy nhân vật hư cấu Grinhov được thể
hiện sinh động trong vị trí người thuật truyện qua một vài trường đoạn văn:
“Tôi (Grinhov) sống như một thiếu niên quý tộc Trước mắt tôi là cảnh thảo
nguyên buồn bã, xa tắp. Chênh chếch một bên có mấy nếp nhà gỗ, ngoài đường có mấy
con gà quanh quẩn đi ăn. Một bà già đứng trước thềm, tay cầm cái máng, lớn tiếng gọi
lợn. Bầy lợn có vẻ mừng rỡ, ụt ịt đáp lại. Đấy, cái nơi mà tôi phải qua thời thanh xuân là
thế này đây. Tôi thấy buồn quá!”
(3)
.
Hơn nữa, con người này lại thật sự xúc động khi nghe bài hát vang lên giữa thảo
nguyên mênh mông:
Hãy nín lặng, hỡi rừng xanh yêu mến
Để cho ta, chàng tráng sĩ trầm tư,
Vì ngày mai ta đã phải giã từ
Rừng yêu mến; trước Nga hoàng ta đã tới
Và Nga hoàng uy nghiêm kia sẽ nói
Khá khen ngươi, đứa con đẻ dân cày
Ngươi tài trộm cướp, mà cũng tài đối đáp.
Nên ta ban cho ngươi giữa cánh đồng xa tắp
Một lâu đài cao rộng thênh thang
Một thanh dọc lại bắc một thanh ngang
(4)
.
Grinhov kể rằng: “Tôi không sao tả nổi cái ấn tượng mà bài dân ca này đã gây nên
trong lòng tôi. Những lời ca về cái giá treo cổ đó lại là do những người sẽ làm mồi cho
giá treo cổ hát lên. Những khuôn mặt dữ tợn, những giọng hát hài hoà của họ, cái điệu
nhạc buồn man mác khiến cho lời ca đã có sức gợi cảm lại càng thêm có sức gợi cảm
mạnh hơn, tất cả những cái đó truyền cho tôi một cảm giác kinh hoàng thật huyền bí”.
Thực chất giai cấp quý tộc và Grinhov đều coi Pugasiov là “quân ăn cướp”, “tên
phiến loạn hung ác”, nhưng khi người tráng sĩ này xuất hiện trên chiến trường, thì viên
sĩ quan Nga hoàng lại quan sát thấy một sự thật hiển nhiên khác hẳn: “ khắp thảo
nguyên đã đông nghịt những người cầm giáo và cung tên. Trong đám họ có một người
mặc áo caphơtan đỏ, cưỡi ngựa bạch, tay cầm một thanh gươm tuốt trần: người đó chính
là Pugasiov ”. Mặc dù chàng thanh niên này không bao giờ thừa nhận vị thủ lĩnh nông
dân là một “đức vua”, nhưng vẫn thành thật công nhận đó là một “ân nhân”, có “nét mặt
đều đặn dễ ưa, không lộ vẻ gì hung ác”. Chàng còn ngạc nhiên hơn nữa khi ở người này
“có tiếng cười vui vẻ một cách hồn nhiên”, cũng chính người này tha chết cho mình và
lớn tiếng nói: “đã giết là giết, đã tha là tha. Ngươi hãy đi khắp bốn phương trời, muốn
làm gì thì làm”; hơn thế nữa Pugasiov lại còn cho Grinhov cả áo ấm, tiền, ngựa và cấp
giấy tờ để về chốn cũ, không quên chúc hạnh phúc đôi lứa cho họ.
Hình tượng Pugasiov được tác giả xây dựng theo điểm nhìn của nhân dân: đó là
một người giản dị, dễ mến, gắn bó với đông đảo nông dân và hết lòng thương yêu mọi
người, lại vừa giản dị, bộc trực, đầy khí phách anh hùng hảo hán với đủ nét bình dân vui,
buồn, giận thương được thể hiện rõ nét qua tiếng cười hồn hậu, tiếng thét hiên ngang.
Có chi tiết thú vị là vị thủ lĩnh này không biết chữ, cầm giấy đọc ngược và chỉ ký tên
bằng một dấu chấm đen. Nét nhân từ càng hiện rõ khi biết Grinhov nói về việc đi cứu cô
gái Masa thoát khỏi vòng vây cưỡng ép dưới quyền lực của gã sĩ quan Svabrin đểu cáng,
Pugasiov vội lớn tiếng quát: “Trong quân ta có đứa nào dám bắt nạt một đứa mồ côi. Dù
hắn có ba đầu sáu tay cũng đừng hòng thoát khỏi trừng phạt. Người nói đi, đứa nào dám
làm một việc khốn nạn như vậy. Rồi ta cho thằng Svabrin biết tay. Hắn sẽ biết trong
quân ngũ của ta mà lộng hành và ức hiếp dân thì sẽ ra sao. Ta sẽ treo cổ lên cho mà
xem”
(5)
.
Tính cách Pugasiov được khắc hoạ theo nghệ thuật tiểu thuyết, nhân vật được cá
tính hoá một cách sinh động, cụ thể mà phong phú, tạo nên sức hấp dẫn, chứ không phải
theo dạng ký sự lịch sử, cũng không kiểu ước lệ chỉ vài nét chấm phá với “râu hùm hàm
én mày ngài, – vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” như Từ Hải vẫy vùng, dọc ngang
nào biết trên đầu có ai. Từ vị trí một gã Côdăc “ẩn náu” giữa chốn thảo nguyên mênh
mông, từng nếm trải bao nỗi đắng cay, căm phẫn đối với bọn địa chủ quan lại, từng ôm
ấp khát vọng tự do như mọi người, rồi trở thành thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa, được tôn sùng
như một vị hoàng đế trong truyền thuyết. Hình tượng này được ngòi bút tác giả miêu tả
tập trung vào thời khắc lịch sử hào hùng nhất, đó là hai năm thử thách quyết liệt –
hai năm tung hoành chiến đấu sống mái với quân đội của triều đình, làm lay động cả
nước Nga và được nhân dân suy tôn là hoàng đế Piôt Fêđorovits như “chim đại bàng”
tung cánh trên thảo nguyên bao la cho đến lúc phong trào thất bại, vị lãnh tụ nông dân bị
bắt và đành phải vĩnh biệt cuộc sống dưới giá treo cổ.
Rõ ràng là tác phẩm dồi dào chất tiểu thuyết, yếu tố hiện thực lịch sử đan xen
nhuần nhuyễn với yếu tố trữ tình lãng mạn xuyên qua hàng loạt nhân vật bình thường
tạo nên sức thu hút rộng khắp và bền vững. Đậm đà tính nhân dân, tác phẩm được xếp
vào loại cổ điển, đã góp phần chắc chắn vào việc đặt nền móng cho thể loại tiểu thuyết
nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng trong văn học Nga vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Đến cuối thế kỷ XX, truyện Người con gái viên đại uý đã được dựng thành phim điện
ảnh hiện đại có sức cuốn hút mạnh mẽ, không chỉ đối với nhân dân Nga, mà còn vươn
xa khỏi biên giới, được xem là một bộ phim cổ điển có giá trị trong nền điện ảnh Xô
viết.
*
Bước tiếp truyền thống ưu việt từ Puskin, ít lâu sau, nhà văn Gôgôn (1809-1852)
đã sáng tác thành công cuốn Tarax Bunba (1835). Câu chuyện được bắt nguồn từ quá
trình dựng nước và giữ nước của nhân dân Ukraina, gắn bó mật thiết với một bộ phận
dân Côdắc, thuộc miền Nam nước Nga, chứ không dừng lại ở một sự kiện lịch sử cụ thể.
Đất nước này từng bị quân Mông Cổ thống trị, bọn Tacta tàn phá, đế quốc Thổ dày xéo
và nổi bật là bọn phong kiến Ba Lan xâm chiếm phần lớn đất đai ở thế kỷ XVI; từ năm
1569 chúng cưỡng ép nhân dân bản địa từ bỏ chính giáo để quy thuận Kitô giáo theo toà
thánh Vatican.
Viết tiểu thuyết này, tác giả muốn làm nổi bật sức mạnh bất khuất và ý chí kiên
cường giành độc lập tự do của toàn dân. Cảm hứng về nhân dân kỳ diệu là cơ sở thẩm
mỹ trở thành chủ đề xuyên suốt.
Nội dung truyện là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lịch sử và truyền thuyết. Tuy
phản ánh cuộc sống của quần chúng từ những ngày xa xưa, nhưng tác phẩm vẫn dồi dào
ý nghĩa thời sự trước phong trào khởi nghĩa vũ trang của nông dân đang diễn ra quyết
liệt do Karmeliuc chỉ huy vào những năm 1830 nhằm chống lại chế độ thống trị hà khắc
của Nga hoàng Nikolai II đương thời câu kết với tầng lớp quan lại địa phương. Mặc dù
thất bại, vị tướng thủ lĩnh bị giết, nhưng dư âm cuộc khởi nghĩa còn vang đọng khắp
Ukraina và nước Nga.
Cốt truyện được tập trung trong nhân vật Tarax Bunba với hai người con trai là
Ôxtap và Anđri cùng đồng đội trên một vùng chiến khu Xetri. Từ một gia đình yêu nước
tiêu biểu, truyện được mở rộng ra toàn thể xã hội và dân tộc đối diện với kẻ thù xâm
lược, gắn liền với quá trình lịch sử đầy biến động. Nếu đi sâu vào ngôn ngữ nhân vật
trong những giây phút kịch tính nhất, thì người đọc có thể cảm nhận được yếu tố tiểu
thuyết vừa đậm chất ly kỳ của truyền thuyết, vừa mang nét hiện thực lịch sử, không tách
rời các tính cách riêng tư.