Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tế Hanh – một hồn thơ đằm thắm và trong trẻo _3 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (195.03 KB, 5 trang )

Tế Hanh – một hồn thơ đằm
thắm và trong trẻo





Ở những bài thơ mang đậm phong cách Tế Hanh, người ta luôn thấy ông giãi bày tình
cảm và những rung động qua những lời thơ giản dị. Thơ ông thấm vào lòng người tự nhiên như
một luồng gió nhẹ, một ngụm nước trong. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nhận xét rằng câu
chữ trong thơ Tế Hanh như "nước ta uống hàng ngày, không có gì cả. Nhưng uống lên là có
thơ. Có nhiều bài thơ của Tế Hanh khi đạt là như vậy. Chữ ít mà nghĩa rất nhiều. Không phải
nghĩa nữa, đó là hồn, tâm hồn, cái không thể đo bằng đơn vị chữ nghĩa"
(1)
. Tính tư tưởng trong
thơ Tế Hanh do vậy ít khi là sự tuyên truyền minh họa trực tiếp; nó thấm thía mà khơi gợi
những tình cảm cao đẹp của con người.
Thơ Tế Hanh không mạnh về cấu tứ, về trí tuệ. Tính trữ tình tự nhiên, đằm thắm và
thuần khiết làm nên vẻ đẹp của thơ ông. Ít có nhà thơ nào kể lể trực tiếp, bộc bạch hồn nhiên
đến thật thà như Tế Hanh những gì mà nhà thơ đang cảm nhận và xúc động: Nay xa cách lòng
tôi luôn tưởng nhớ; Tôi thấy tôi thương những chiếc tầu - Ngàn đời không đủ sức đi mau; Có
những trưa tôi đứng dưới hàng cây - Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy; Tôi thấy nhớ cái
mùi nồng mặn quá Nhưng chính cách nói ấy lại như một bàn tay tin cậy dẫn người đọc vào
không khí riêng của những bài thơ Tế Hanh để cùng chia sẻ những cảm xúc của nhà thơ.
Là một nhà thơ thiên về nội cảm, trong xu hướng chung của thơ ca đương thời hướng ra
sự sống, cuộc đời, tăng cường tính chiến đấu và tính tư tưởng của thơ ca, Tế Hanh cũng đã có
những thể nghiệm lối thơ "ở ngoài mình". Ông kể chuyện, tăng cường chất tự sự, để cho sự
việc tự cất lên tiếng nói của nó. Ông chú tâm lập ý, cấu tứ để bài thơ có sức cô đúc một triết
lý. Nhưng khi đi quá xa cái tạng của mình, thơ ông trở thành nôm na dễ dãi hoặc lộ liễu khiên
cưỡng. Một vài bài thơ như Em trả lời, Chị Câm, Thăm quê hương Lỗ Tấn là những thí dụ
tiêu biểu cho nhược điểm này. Có thể khẳng định rằng phần quan trọng nhất làm nên sức hấp


dẫn và thành công của thơ Tế Hanh chính là dòng xúc cảm nội tâm trong trẻo được cuốn theo
những dòng thơ. Bởi thế, không cầu kỳ, ít kỹ xảo, cũng không tài hoa trong câu chữ, Tế Hanh
vẫn có những bài thơ có một vẻ đẹp riêng và không ít những câu thơ thực sự tài hoa theo cách
riêng của ông. Niềm tin yêu tha thiết vào vẻ đẹp của cuộc đời là gốc của những câu thơ bất ngờ
và tài hoa này về cuộc sống và niềm vui của một nông trường:
Chiều nay sẽ có văn công múa
Trời rộng, chiều xanh sắp mở màn
(Đến Mộc Châu)
hoặc khung cảnh một đêm trăng ở nông trường cà phê:
Nông trường ta rộng mênh mông
Trăng lên, trăng lặn cũng không ra ngoài
Bài thơ tình ở Hàng Châu - một bài thơ được xếp vào hàng những bài thơ tình hay nhất
đương thời và có thể cả sau này là một dòng chảy miên man của cảm xúc, ngôn từ và hình
tượng:
Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa
Làn nước qua, ánh mắt ai đưa
Cơn gió đến, bàn tay ai vẫy
Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy
Có núi sông và có trăng sao
Có giận hờn và có chiêm bao
Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến
Nói sao hết em ơi bao kỷ niệm
Thơ Tế Hanh giàu tình hơn là giàu tứ. Và tứ thơ trong những bài thơ hay của Tế Hanh
thường là cái tứ bật ra từ trái tim hơn là khối óc. Khác với bài Mặt quê hương với những ví
von ít nhiều khiên cưỡng Kìa đôi mắt, đôi mắt - Dòng sông yêu trong vắt - Hơi thở em chan
hòa - Như hơi thở quê ta nhằm diễn giải cái tứ mặt em là quê hương, bài thơ Vườn xưa là
bài thơ tình hay một cách tự nhiên trong một cấu trúc thơ chặt chẽ. Bài thơ kết đọng cả nỗi
buồn xa cách của hai người yêu trong nhớ nhung da diết và cả ước vọng xa vời về một ngày
hội ngộ trong mảnh vườn xưa thân thiết, ở đấy có một người mẹ già trông ngóng và biết bao

kỷ niệm. Những câu thơ cặp đôi tương phản xếp kề nhau trên cái nền của một điệp khúc buồn
trong trẻo:
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ, cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim em đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua
Cứ như thế, chủ đề nhớ thương xa cách và hình ảnh quê hương thân thiết khi hiện lên
qua cái giếng đầu làng, mảnh vườn xưa, con sông tuổi nhỏ đan kết vào nhau tạo thành một
nốt nhấn da diết trong thơ Tế Hanh. Và nhớ đến thơ Tế Hanh, người đọc luôn lưu luyến những
vần thơ ấy
Yêu thơ Pháp từ những năm đầu làm thơ, Tế Hanh học nhiều ở những nhà thơ lãng
mạn Pháp như Rimbaud, Musset, Verlaine và cũng với tình yêu ấy, tầm nhìn về thơ của
ông mở rộng ra với những tên tuổi lớn khác như N. Hitmet, B. Brets, H. Hainơ Cảm nhận
những nhà thơ lớn ấy bằng tâm hồn của một thi sĩ Việt Nam, ông còn mong muốn truyền vẻ
đẹp của thơ họ qua công việc dịch thơ, giới thiệu thơ. Tế Hanh dịch nhiều và những bản
dịch thơ của ông thường truyền đạt được cái hồn của nguyên bản thông qua cách cảm nhận
thi sĩ và những câu thơ giàu âm điệu Việt Nam. Thôi em đừng hát - Những khúc hát Grudi -
Vị chua cay nhắc lại - Một đời bên kia, một bờ bên kia - những câu thơ dịch khá thành
công bài thơ Vô đề của Puskin cũng có thể ít nhiều cho thấy chất thơ trong bản dịch và
phong cách dịch thơ của Tế Hanh. Tế Hanh gần như tập trung tất cả tinh lực của ông cho
thơ. Ông cũng có những tác phẩm thơ viết cho thiếu nhi được ưa thích. Tập văn xuôi - tiểu
luận duy nhấtThơ và cuộc sống (1961) cũng là nhằm giãi bày những suy nghĩ, kinh nghiệm
và tâm sự của ông quanh việc làm thơ để người đọc có thể hiểu thêm đời thơ ông, hoàn
cảnh ra đời của nhiều bài thơ đặc sắc.

"Một bài thơ hay như một tấm gương- Mình thấy mình ở đó"- đó là những câu thơ
trong bài Kinh nghiệm làm thơcủa ông. Đấy chính là hồn cốt cơ bản làm nên đời thơ và
phong cách thơ Tế Hanh. Mỗi bài thơ hay của Tế Hanh thực sự là một mảnh đời ông, là tấm
gương phản chiếu tâm hồn ông - một hồn thơ luôn đằm thắm và trong trẻo

×