Những biến đổi nghệ thuật
trên hành trình thơ chữ Hán
của Nguyễn Thượng Hiền
Nhưng vì sao con người ấy vẫn đành tâm khoác chiếc áo vô dụng đó trong suốt bấy
nhiêu năm tháng? Và vì sao từ khi thi đỗ cho đến tận những năm đầu thế kỷ XX, ông tân
khoa Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền vẫn giữ thái độ lặng lẽ, không có một hành động gì?
Điều này hẳn có lý do. Nguyễn Thượng Hiền kém thua Phan Bội Châu (1867-1940) một tuổi
nhưng Phan Bội Châu lại coi ông là người “vừa bạn vừa thầy”. Khi các ông thật sự khôn lớn
thì phong trào Cần vương chống Pháp của tầng lớp sĩ phu nửa cuối thế kỷ XIX cũng đang đi
nhanh vào kết thúc: “Có người quyết chiến với Pháp mà chết; có người bị Pháp nã bắt phải
chết; có người giả làm quan với Pháp để ngầm kết nghĩa đảng, bị người Pháp phát giác ra mà
chết. Có người phẫn nộ quá đầy tâm can, tự tìm cách chết để mà chết. Đáng tiếc anh nhân
nghệ sĩ mấy nghìn năm tinh khí non sông hun đúc nên, gặp phải vận nước không may, như
hoa lan bị khói xông, ngọc quý bị lửa đốt, đều hóa làm ngọc sáng ở biển Nam mà cuốn đi.
Oan uổng thay! Đau đớn thay!” (Việt Nam vong quốc sử)
(9)
. Một ít người còn lại, sau nhiều
năm chèo chống, biết việc lớn khó toàn, đã có ý ngả lòng. Họ vẫn gắng giữ cho tròn phẩm
tiết mặc dù mối mặc cảm “Á khó lòng địch nổi Âu” đã trở nên vô cùng ám ảnh:
Á Âu phất địch cự vô tri,
Sự dĩ đáo đầu thế khả vi.
(Nguyễn Duy Hiệu - Khẩu chiếm trước
khi lâm hình)
(10)
(Á khó đương Âu, vẫn biết rồi,
Đến nơi, sự thế phải làm thôi).
Trớ trêu hơn nữa, nếu như trong dư luận sĩ phu vài chục năm về trước, chuyện “xuất
xử” là điều hệ trọng, ở lại hay ra đi là thước đo của lòng trung nghĩa, thì giờ đây, người ở lại
chưa chắc đã bị lên án mà người ra đi lại nhấp nhổm muốn “quay về”:
- Ngã thường kiến thuyết sỉ quy điền,
Kim nhật quy điền hỷ dục điên!
(Đỗ Huy Liêu - Ngũ sầu ngâm)
(11)
(Trước nói về vườn luống hổ thay,
Ngày nay lại thấy sướng như say!)
- Người về truốt kẻ trông theo,
Răng nấy nhân tình khoác nửa đeo.
Dặm quảng bằng chân con ngựa đá,
Đêm thanh láng bóng áo nhung điều
(12)
Quay về vì nhiều lẽ, trong đó có cái lẽ thường tình là không thể nào chịu nổi cảnh
trường kỳ gối đất nằm sương, như câu thơ truyền khẩu chế giễu đám nho sĩ cuối đời Minh rủ
nhau lên núi bất hợp tác với nhà Thanh:
Nhất đội Di Tề hạ Thú Dương,
Cộng ngôn vi khổ bất kham thường
(13)
.
(Di Tề đành bỏ Thú Dương,
Cùng than: rau đắng, nhai suông khó lòng)
Thực tế ngổn ngang, phức tạp bày hết ra trước mắt, biết chọn con đường nào cho
đúng? Ở chỗ này Nguyễn Thượng Hiền có giống và cũng có khác với Phan Bội Châu. Trong
khi Phan Bội Châu nhìn lớp người Cần vương với cái nhìn của một thế hệ đi sau thì Nguyễn
Thượng Hiền lại nhìn lớp người Cần vương với con mắt của người cùng thế hệ (ít ra ông đã
có danh, đã thi đỗ). Phan Bội Châu tổng duyệt lại mọi tấm gương hy sinh oanh liệt của lớp
người Cần vương để tăng thêm niềm kính trọng, và cũng để càng dứt khoát trong tư tưởng
về sự phân khai giữa họ và mình; còn Nguyễn Thượng Hiền, do nhìn từ đồng đại, có xen lẫn
cả cái “tôi” trăn trở của mình trong đó, nên bên cạnh sự kính trọng, tiếc nuối, ông lại có dịp
nhìn thấu đến những miền ẩn khuất bên trong - một sự phân tích tâm lý thật tinh, sâu. Ông
linh cảm rất rõ vận mệnh của tầng lớp này đã hết. Đấy là những con người đang đứng ở phút
chót trên một vị trí tưởng chừng đầy kiêu hãnh, nhưng thời gian đã quay lưng với họ. Đáng
thương cho họ là không phải ai cũng nhận ra điều ấy hoặc sáng suốt thừa nhận điều ấy, để tìm
được một cách hành xử sao cho dứt khoát mà vẫn trọn tình trọn nghĩa. Vì thế, họ như đứng
giữa một ngã ba đường, với muôn nỗi dùng dắng. Ngay cả khi cái thế của lịch sử đã đẩy họ
tới chỗ phải đóng vai một Kinh Kha, không lùi được nữa, thì sâu trong thâm tâm, sự phân
vân nghi ngại vẫn đè trĩu lên lòng: “Dịch thủy ca chung hoán nại hà?” - Hát xong bài ca
Dịch thủy rồi biết tính thế nào? (Cảm hoài). Rút cục họ chỉ còn biết níu lấy một tấm lòng son
mơ hồ nào đó:
Tồi sơn đảo hải lực tuy cùng,
Nhất phiến đan tâm cự mai một.
(Long biên Tây quách tản bộ hữu cảm)
(Cái sức bạt núi dốc biển cho dù kiệt hết,
Một tấm lòng son há chịu mai một)
Nguyễn Thượng Hiền muốn biện hộ cho lớp người Cần vương, muốn lý giải chỗ tiến
thoái lưỡng nan của lớp người ấy, mà cũng chính là cốt nói cho mình. Tấm lòng son nung
nấu trong ông, cái ơn tri ngộ của Triều đình mà ông và gia đình ông mấy đời mang nặng,
chính là mấu chốt của sự cách biệt trong tư tưởng giữa ông với Phan Bội Châu, nó làm cho
con đường của ông đi đến với chân lý gập ghềnh gian khổ hơn họ Phan rất nhiều. Trong Phan
Bội Châu cũng có một con người trung nghĩa nhưng không thâm căn cố đế như Nguyễn
Thượng Hiền. Với Phan, nước mất là một nỗi đau không thể nào chịu nổi song là nỗi đau có
sức kích thích con người vùng dậy, khiến chàng trai mới 17 tuổi “nửa đêm khêu đèn ngồi
thảo bài hịch Bình Tây thu Bắc bí mật đem dán lên cây to ngoài đường cái mong có thể rung
động lòng người”
(Phan Bội Châu niên biểu). Với Nguyễn, nước mấtcũng là nỗi đau xé lòng
đối với một trang nam tử, nhưng trước hết là nỗi đau về sự sụp đổ cả một thần tượng: cái ngai
vàng tượng trưng cho xã tắc vốn in sâu trong tâm khảm cha truyền con nối từ nay không còn.
Hình ảnh chiếc xe sáu rồng của vua Hàm Nghi như một điểm son đang chạy vào nơi chân
trời gió bụi, cuốn theo tất cả nhớ thương, luyến tiếc và chờ đợi, hy vọng của ông:
Vạn lý ai già bất khả văn,
Lục long thiên ngoại cách yên phân.
(Phan công Đình Phùng vãn từ)
(Tiếng kèn ai oán suốt muôn dặm không thể nghe
được,
Xe sáu rồng của nhà vua chạy trốn nơi chân trời
khói bụi mù mịt)
Không phải chỉ có thế. Nước mất cũng có nghĩa là thành bền vách cứng của oai linh đế
vương từ bao nhiêu đời để lại cho con cháu phút chốc thành ra hư ảo. Tất cả những gì làm
rường cột chống đỡ cho niềm tin của Nguyễn Thượng Hiền bỗng dưng đổ gãy. Trong thơ
ông bật lên một tiếng kêu xé lòng, nó nói lên cái mất mát từ tận trong tâm linh:
Hồi thủ Long Biên dắng kiếp hôi,
Tam triều cung quán mộ già ai.
(Tức sự)
(Ngoảnh đầu nhìn lại, Long Biên chỉ còn là đống
tro tàn,
Nơi cung quán của ba triều đại cũ, chiều hôm tiếng
kèn vẳng lên thật bi ai)
Ta để ý đến cách sử dụng từ ngữ của nhà thơ: đây là những lời thơ rất giàu sức biểu cảm
nhưng cũng rất mơ hồ, không có nét vẽ nào xác thực. Thời gian và không gian đều bị cách
điệu, hiện lên trước mắt ta một bóng tối mờ mờ, một cảnh sa trường mù mịt, một đống tro tàn
vây phủ khắp nơi, và điểm vào đó là tiếng động duy nhất của những hồi kèn lanh lảnh. Hầu hết
những bài thơ của Nguyễn Thượng Hiền nói về thời cuộc đều có cùng một phương thức biểu
hiện như vậy. Nguyễn Thượng Hiền chỉ muốn mượn những hình ảnh phiếm chỉ nhưng có khả
năng đập mạnh vào cảm giác để cực tả một bức tranh tổng thể về cái cơ đồ uy nghi của nhà
nước phong kiến Việt Nam đang lúc tan vỡ. Đấy cũng chính là tiếng nói phản hồi từ bên trong
của vô thức tác giả, là những nỗi vò xé, chống trả về tâm lý, không muốn chấp nhận sự thực
phũ phàng. Trong nỗi niềm đau xé, ông vẫn muốn bám víu vào một niềm tin dù chỉ là mỏng
manh. Nhớ lại những chiến thắng lẫy lừng của các triều vua oai hùng trong lịch sử, ông như
muốn tự trấn an mình:
Văn đạo Chiêu lăng thần mã tại,
Thương mang thiên ý vị trường ta.
(Văn đạo)
(Nghe nói ngựa đá ở Chiêu lăng vẫn còn,
Ý trời thăm thẳm, chớ nên vội than dài)