Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Báo cáo nghiên cứu khoa học " NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG HÀNH TRÌNH THƠ HÀN MẶC TỬ " docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (177.01 KB, 10 trang )



49
NHỮNG BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG
HÀNH TRÌNH THƠ HÀN MẶC TỬ
Đặng Thị Ngọc Phượng
Trường THCS Nguyễn Tri Phương,Huế

"Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi
xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình"
(Chế Lan Viên)

Có thể nói rằng từ năm 1932 đến năm 1945 là thời kỳ hoàng kim, thời kỳ
ánh sáng của văn học Việt Nam nhất là trong lĩnh vực thi ca. Với một thời gian
ngắn ngủi hơn 10 năm, thi ca Việt Nam đã làm trọn một chuyến đi kéo dài 100
năm của thi ca Pháp. Mặc dù ai cũng biết Thơ Mới đã chịu ảnh hưởng của
phương Tây, nhất là nước Pháp rất nhiều.
Các nhà thơ Việt Nam ở thời kỳ này mỗi người một phong cách đều tìm
cho mình một mảnh vườn sáng tạo để gieo trồng và gặt lấy những hoa trái riêng.
Song chỉ một mình Hàn Mặc Tử là hiện tượng duy nhất. Ở giai đoạn cổ điển, ông
có Lệ Thanh thi tập, sang giai đoạn lãng mạn ông có Gái quê, đến tượng trưng
và siêu thực ông có Đau thương và một phần Xuân như ý. Giai đoạn sau cùng,
ông lại quay về cổ điển nhưng là tân cổ điển, ông có Thượng Thanh khí và
Cẩm châu duyên. Có thể nói, thơ ông là một hành trình nghệ thuật khép kín


50
giống như một vòng tròn. Cuối vòng tròn lại gặp điểm xuất phát nhưng nghệ
thuật của ông ở giai đoạn tân cổ điển này có các chiều kích cao hơn, xa hơn, rộng
hơn và sâu hơn.
Cuộc sống của nhà thơ là một cuộc vật lộn suốt đời với bệnh tật hiểm


nghèo, dai dẳng, bất phân thắng bại. Sự đau thương về bệnh tật đã đày đọa nhà
thơ lên đến tột đỉnh, tưởng như tất cả nỗi khổ của thế gian hội tụ đầy đủ để trút
ngập lên một thi mệnh thiên tài mỏng manh yếu ớt và yểu mệnh, nhưng cũng để
từ đó chói sáng những vần thơ quằn quại đớn đau mà biểu tượng rực rỡ nhất là:
Trăng, Hồn và Máu.
Thơ của Hàn Mặc Tử đã và sẽ còn mãi mãi là nỗi ám ảnh sâu sắc đến
người đọc nhiều thế hệ, bởi ma lực của "nghệ thuật ẩn dụ". Hình ảnh thơ độc
đáo, ngôn từ vắt ra từ xương thịt máu huyết và tim óc đưa công chúng chiêm
ngưỡng từ một ngôi đền huyền bí đến một tòa thánh chói lòa siêu thực đầy những
cảm giác đê mê và rùng rợn. Đây là một thế giới tâm linh ngổn ngang giống như
một bản "Đại hợp xướng" có đủ các âm sắc cung bậc tạo nên một phong cách
độc đáo. Đường nét kiến trúc trong thơ ông, tòa bảo tháp của thơ ông xây dựng
bằng những khát vọng từ thân xác, trái tim, trí tuệ. Từ những cảm xúc vô thức
sâu thẳm, tâm linh ông đã đạt đến đỉnh cao nhất của tự do sáng tạo, để lại cho đời
những kiệt tác bất hủ. Người chưa hiểu ông, chưa hiểu thơ ông tưởng là ông điên.
Nếu là ông điên thật thì đây là Người Điên phải được kính trọng. Một- Người-
Điên- Phi- Thường.
Biểu tượng Trăng, Hồn và Máu thường xuyên xuất hiện trong các tập thơ
của ông nhất là Trăng mà ta luôn bắt gặp sự phóng chiếu của nó ở nhiều góc độ.
Ông đã độc chiếm nàng Trăng của thế giới thi ca làm chất liệu không gì thay thế
cho những cảm xúc sáng tạo nghệ thuật ở cấp độ cao nhất.


51
Tất cả các nhà thơ từ cổ chí kim kể cả các nhà Thơ Mới ai chẳng dùng
hình ảnh trăng là đối tượng miêu tả, biến nó thành thi hứng nhưng có lẽ nhiều
nhất là Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Có điều trăng trong thơ Xuân Diệu chỉ là:
"Trăng vừa đủ sáng để gây mơ", để mời gọi: "Hương đêm say dậy với trăng
rằm" và trong những đêm "Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời", gợi cho thi nhân
những hoài niệm "Tầm Dương" có "một vừng trăng trong vắt lòng sông", "lạnh

lẽo suốt xương da". Ngay cả trong bài thơ Trăng mà đương thời Xuân Diệu rất
tự hào coi đó là đỉnh cao của nghệ thuật tu từ mở đầu bằng hai câu:
Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi
Hoặc: Bâng khuâng chân tiếc dậm lên vàng
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang
cũng chỉ gây được một cảm giác bâng khuâng nhẹ nhàng cho người đọc. Hai câu
thơ hay nhất của bài thơ này: "Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá! Hai người
nhưng chẳng bớt bơ vơ" thì hiệu quả được đẩy lên cao hơn. Đúng là trăng trong
thơ Xuân Diệu chỉ là "vừa đủ sáng" để sương gió "nương theo". Dù nó có "lạnh
buốt", dù nó có "nhập vào dây cung nguyệt lạn" hoặc "Sao vàng lẻ một trăng
riêng chiếc" để thi nhân có thể "Hớp bóng trăng đầy miệng nhỏ xinh xinh" nó
cũng không gây được ngạc nhiên hoặc cảm giác mãnh liệt cho người đọc. Biểu
tượng nàng Trăng của Xuân Diệu nặng về phong cách lãng mạn, trực tiếp miêu
tả đối tượng để bày tỏ ý nghĩ nội tâm mang nhiều cảm xúc hơn là cảm giác.
Ngược lại, vị giáo chủ của Thánh đường thơ Trăng Hàn Mặc Tử đưa
chúng ta vào bầu trời đầy ấn tượng bằng "gợi cảm chứ không phải truyền cảm"
[1, 215] với một trường liên tưởng kỳ diệu: lúc sợ sệt, lúc kinh ngạc và choáng


52
ngợp mê man trước những hình ảnh dị thường. Ngay từ giai đoạn đầu tiên mới
làm thơ ở Lệ Thanh thi tập, Hàn Mặc Tử đã loé lên những tia sáng khác lạ
khiến mọi người phải ngỡ ngàng:"Hé cửa nhìn trăng, trăng tái mặt" hay "Bóng
nguyệt leo song sờ sẫm gối" và:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.
(Bẽn lẽn)

Ở đây, thi sĩ đã đưa bản năng rạo rực khát khao của mình ra ngoài vũ trụ
và đã nhận thức mình là một bộ phận của nó. Hàn Mặc Tử đã xây dựng cho ông
một thế giới thơ riêng khi ông hòa tan vào thiên nhiên vui buồn, đau khổ, cuồng
nộ và bạo liệt như tính chất thất thường dữ dội của nó. "Ánh trăng mỏng quá che
không nổi/ Những vẻ xanh xao của mặt hồ" (Huyền ảo), dường như vũ trụ bao la
vẫn còn chật không đủ chỗ cho tiềm thức của ông du ngoạn, không che chở nổi
những trống trải cô đơn ghê sợ của tâm linh. Sau này khi tiến xa hơn thì thơ ông
hoàn toàn là một thế giới siêu thực mênh mông huyền ảo: "Sao bông phượng nở
trong màu huyết /Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu" (Mật đắng) để đến nỗi
"Tiếng hú hồn tôi xô vỡ sóng". Trong các nhà Thơ Mới chỉ mình ông đi liền một
mạch từ lãng mạn đến siêu thực. Sống trong nghèo khổ bệnh tật, ông luôn phân
thân, hoang tưởng mà tư duy nghệ thuật là một trường mộng mị dài dằng dặc đến
cuối cuộc đời. Thơ ông là một thứ Kinh thánh thấm đẫm tinh thần tôn giáo, thăm
thẳm lời cầu nguyện đến vĩnh hằng và thượng đế.


53
Cuộc sống của ông là cuộc sống của Trăng: "Ngả nghiêng đồi cao bọc
trăng ngủ /Đầy mình lốm đốm những hào quang" (Ngủ với trăng) với màu sắc
Liêu trai lúc nào cũng "Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm" để bay lên "Nguyệt
thềm" cùng tôn giáo của riêng ông. Ông chứng kiến "Trăng nằm sóng soãi trên
cành liễu", chứng kiến sự hồi hộp khát khao của chị Hằng hay của chính mình:
"Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe"(Bẽn lẽn)
rồi cùng "Trăng xuân tràn trề say chới với" để lại cái ánh sáng ma quái ghê rợn
"lờn lợt" như kim đâm nhoi nhói vào trái tim người đọc. Mối quan hệ đặc biệt
giữa trăng và nhà thơ nhất là một người mang bệnh phong ác hiểm mà thời bấy
giờ vô phương cứu chữa do trình độ y học hay đó là định mệnh đã đóng đinh lên
số phận nghiệt ngã để chúng ta có một nhà thơ quái kiệt đau thương. "Người
trăng ăn vận toàn trăng cả" dù đói nghèo, dù rách rưới, dù "Gió trăng sẵn có
làm sao ăn?" kể cả nỗi khổ của sinh nhai tưởng chừng đã lên tới đỉnh điểm

nhưng sự nghèo đói của ông không phải là nghèo đói bình thường, nó là một thứ
cao sang thanh khiết ở cõi tinh thần.
"Trăng, ánh trăng đã để lại những cảm giác vật chất lên thân xác Hàn
Mặc Tử" [1, 229]. Đúng vậy,cảm giác vật chất hữu cơ của ánh trăng đè nặng lên
thân xác ông, cuộc đời ông, khác với Xuân Diệu khi nhà thơ này thi vị hóa nó thì
ông trần tục hóa nó vì nó biết "Leo song sờ sẫm gối" nó"sóng soãi "lơi lả mơn
trớn vuốt ve, nó trần truồng để "Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe", dù "mới lớn
lên" nó đã biết "thẹn thò" và "thơm như tình ái". Vầng trăng của thơ ông mang
tính hai mặt: vừa vật chất, vừa tinh thần, vừa trần tục lại vừa thiêng liêng."Hàn
Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra,
và rú lên những tiếng ghê người"[2, 204]. Ông không thể thoát ra khỏi sự ám ảnh
ghê gớm của nó, lúc nó tối tăm, lúc nó chói lòa như hai mặt đối lập của Thiên
đường và Địa ngục. Trong một "Không gian dầy đặc toàn trăng cả/Tôi cũng
trăng mà nàng cũng trăng" (Huyền ảo), ông mặc quần áo bằng một thứ vải


54
trăng, ông ăn trăng, ông uống trăng, ông nuốt trăng, ngậm trăng rồi giao hoan
cùng nó, hóa thân vào nó:
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra
(Say trăng)
Trăng ở đây cũng chính là Hồn và Máu của thi nhân. Hàn Mặc Tử sống
với những cơn đau triền miên khủng khiếp "sượng sần tê điếng", ''Tôi đau vì
rùng rợn đến vô biên", không ai chia sẻ một nỗi đau bệnh hoạn và cô độc kể cả
Thượng đế. Nhiều lúc nhà thơ muốn: "Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng
êm/Cho trăng ngập đần lên tới ngực" (Hồn là ai). Thơ ông là những dòng đầy
máu lệ, đầy tiếng thác gào của một cơn thác nước mắt trong suốt tuôn vào gió

bụi. Bệnh tật đã khiến cơ thể ông hao mòn suy nhược nhưng ngược lại nó cũng
khơi ngòi cho ông một nguồn cảm hứng sáng tạo vô biên. Ở ông, đau thương
đồng nghĩa với sáng tạo. Ông dùng nó làm một phương tiện cứu rỗi, ông đưa nó
lên cung bậc cao nhất của nghệ thuật:
Cứ để ta ngất ngư trên vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.


55
(Rướm máu)
Ngôn từ ông sử dụng nằm cạnh nhau đã đẩy giá trị của chúng thành châu
ngọc vô giá. Hồn và Máu trong thơ ông đã thăng hoa thành hương thơm nghi
ngút linh thiêng kết tụ ở tập Đau thương như là một tập thơ hay nhất trong sự
nghiệp của ông. Cái ước nguyện sáng tạo của ông dữ dội và mãnh liệt: "Ta muốn
hồn trào ra đầu ngọn bút/Mỗi lời thơ đều dính não cân ta/ Bao nét chữ quay
cuồng như máu vọt/Như mê man tê điếng cả làn da" (Rướm máu). Có vẻ như
bệnh hoạn, có vẻ như điên rồ, nhà thơ tràn đầy khoái cảm đến cực độ khi thấy
máu mình chảy, tim óc mình vỡ văng ra khỏi cơ thể để đau thương được tan vào
vũ trụ và tinh tú nhật nguyệt đều chiếu lên không trung cái màu đỏ ghê sợ ấy:
"Bao giờ mặt nhật tan thành máu" để "khối lòng", "niềm yêu", "ý nhớ" cũng
"Hoá thành vũng máu đào trong ác lặn" giữa một vùng không gian bao la toàn
máu!
Càng về cuối đời, thơ ông càng tha thiết, thanh thoát, an nhiên, chấp nhận,
không còn chất gào thét điên cuồng dữ dội như đã trút hết cơn "lâm lụy" nơi trần
thế, dọn sạch mình để chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng viên mãn một vườn Xuân
như ý, Cầu nguyện để lại "ra đời" làm một Á Thánh cưỡi "Phượng hoàng bay
trong một tối trăng sao" (Đêm xuân cầu nguyện), tận hưởng phúc lạc của Mùa
xuân hôn phối:

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
(Thánh nữ đồng trinh Maria)


56
rồi "cảm động rưng rưng hai hàng lệ" vì biết ơn đấng tối cao, Đức mẹ và "các vị
rất thánh" đã "giàu đức, giàu muôn hộc từ bi" để nhà thơ vui vẻ "hớp bao nhiêu
khí vị" bởi "Trong miệng ngậm câu ca thần bí /Và trong tay nắm một nạm hào
quang/Tôi no rồi, ơn võ lộ hòa chan" (Thánh nữ đồng trinh Maria). Thi nhân
đã coi mình là một "Thánh thể kết tinh" đã tìm thấy nơi mình đến nên ông đã
thành kính "Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp/Khói nghiêm trang sẽ dâng lên
tràn ngập/Cả hàn gian, cả màu sắc thiên không" rồi "đê mê nguyền ước":
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
(Thánh nữ đồng trinh Maria)
Như vậy, Trăng, Hồn và Máu đã trở thành biểu tượng nghệ thuật bất
biến, thường trực và xuyên suốt trong thơ Hàn Mặc Tử. Từ lúc bắt đầu làm thơ
cho đến những ngày cuối đời ông, biểu tượng này đã theo ông bay lên "Trên
thiên triều ngời chói vạn hào quang".
Trong cuộc đời 28 năm ngắn ngủi, chỉ 12 năm đi với nàng thơ nhưng Hàn
Mặc Tử đã đưa được nàng thơ lên đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật. So với những
thi sĩ cùng thời, ông đã trở thành ngọn núi khổng lồ cao sừng sững trên bầu trời
rực rỡ của thi ca và để lại cho đời những kiệt tác rung động lòng người. Tiếc
thay! Tài cao không sống lâu! Nhưng sống như ông, sáng tạo như ông thì chỉ có
ông mới có một sự nghiệp phi thường để hậu thế muôn đời sau luôn kinh ngạc,
ngưỡng mộ và kính phục. Hàn Mặc Tử chính là niềm tự hào của nền văn học



57
Việt Nam - một Thánh Thi với cái tên là Bất Tử chói sáng hào quang trên bảng
Phong Trần.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Lai Thúy. Mắt thơ, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội (2000).
2. Hoài Thanh, Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội (TB
2000).
3. Lại Nguyên Ân (tập hợp và biên soạn). Thơ Mới 1932 - 1945 tác giả và
tác phẩm, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội (1998).

THE ARTISTIC SYMBOLS IN THE JOURNEY
OF POEMS OF HAN MAC TU
Dang Thi Ngoc Phuong
The Secondary School of Nguyen Tri Phuong, Hue

SUMMARY
While fighting against the serious disease which caused painful impacts
upon his short but talented poetic fate,Han Mac Tu wrote dazzling painful poems


58
with the most glorious artistic symbols: Moon, Soul and Blood that profoundly
obsess the readers. The disease eroded his body but at the same time created
endless inspiration for him. To him, pain meant creativity.
Moon, Soul and Blood were the permanent and unchangeable artistic
symbols of Han Mac Tu's poems. From the day, he wrote the first poems till the

end of his life, the symbols flew with him up to the peak of art.





×