Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Tìm hiểu Ðặng Dung Quốc sĩ - Anh hùng cứu nước pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (84.23 KB, 7 trang )

Tìm hiểu Ðặng Dung Quốc sĩ - Anh
hùng cứu nước
ND – Ðặng Tất, Ðặng Dung là hai cha con, người làng Tả Hạ, xã Tả Thiên
Lộc, huyện Thiên Lộc; nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.


Nhân Trần Ngỗi, con vua Trần Nghệ Tông, xưng Giản Ðịnh Hoàng đế,
chiêu mộ binh mã nối nghiệp nhà Trần chống quân Minh (1-4-1407),
Ðặng Tất tập hợp quân sĩ đội ngũ chỉnh tề, làm lễ tế trời đất, đánh
trống, phất cờ xuất quân từ Ðại bản doanh (sông Thế Vinh) ra Nghệ An
phò vua Giản Ðịnh chống giặc Minh. Vua phong ông giữ chức Quốc
công, chỉ huy toàn bộ lực lượng nghĩa quân. Với sự phò tá của Ðặng Tất
và đội quân "nhân nghĩa" Hóa Châu mà vùng cai quản của Giản Ðịnh
nhanh chóng được mở rộng thành một dải liên hoàn từ Hải Vân sơn
đến Thanh Hóa. Thế và lực nhà Hậu Trần lúc này đã đủ mạnh, vua sai
Ðặng Quốc công tổng chỉ huy nghĩa quân tiến ra bắc giải phóng Ðông
Ðô.


Ðại Việt sử ký toàn thư ghi: "Khi quân đi qua các xứ Trường Yên, Phúc
Thanh các quân thứ cũ và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi
theo, Tất chọn người có tài bổ cho quan chức" (1).


Khi đã chiếm được Phúc Thanh (thị xã Ninh Bình ngày nay), Ðặng Tất
chủ trương tiến đánh sang tả ngạn sông Ðáy và ở đây đã đánh tan đội
quân 10 vạn người do Tổng binh Mộc Thạnh chỉ huy. Ðây là trận thắng
Bô Cô vang dội, được Ðại Việt sử ký toàn thư ghi: "Tháng 12 năm Mậu
Tý, Quốc công Ðặng Tất phá được quân Minh ở kẻ Bô Cô. Bấy giờ nhà
Minh sai Tổng binh Mộc Thạnh lấy tước Kiếm quốc công mang ấn Chinh
di Tướng quân, đem năm vạn quân lại từ Vân Nam đến Bô Cô. Vừa khi


vua cũng từ Nghệ An đem quân đến, quân dung nghiêm chỉnh, gặp buổi
nước triều lên và gió mạnh, sai các quân thủy, bộ cùng cầm cự. Vua
cầm dùi đánh trống, khiến các quân thừa cơ xông ra đánh từ giờ tỵ đến
giờ thân, quân Minh thua chạy. Chém được Thượng thư binh bộ là Lưu
Tuấn, Ðô đốc Lữ Nghị và quân cũ, quân mới hơn 10 vạn người, chỉ một
mình Mộc Thạnh được thoát chạy lên thành Cổ Lộng" (2).


Chiến thắng Bô Cô là chiến thắng oanh liệt của vua, tôi nhà Trần đánh
bại giặc Minh, gắn liền với tên tuổi vị tổng chỉ huy là Ðặng Tất, là một
mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ðáng tiếc
là sau chiến thắng Bô Cô đã diễn ra sự phân hóa nội bộ. Trước uy thế
của Ðặng Tất, bọn nịnh thần đã xúc xiểm Giản Ðịnh ám hại Ðặng Tất và
Nguyễn Cảnh Chân. Tháng 3-1409, đoàn thuyền của Giản Ðịnh đóng ở
Hoàng Giang, Giản Ðịnh cho triệu Ðặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đến
thuyền ngự và bất ngờ sai tay chân giết chết hai ông. Trước hành động
đó, các tướng lĩnh đã từ bỏ Giản Ðịnh, lực lượng nghĩa quân đã mau
chóng tan rã.


Trước sự kiện này, vào thế kỷ 18, nhà sử học Ngô Thời Sĩ bình luận: "Tất
cũng là trí tướng đấy chứ. Nếu được dùng hết mưu đồ của ông thì giặc
Minh cũng phải một phen khốn đốn, quyết không dám bảo nước ta vô
nhân. Tiếc thay vua Giản Ðịnh tự phá hoại bức tường thành của mình
đó" (3).


Về tấm gương yêu nước và khí phách anh hùng của Ðặng Tất đã được
ghi nhận trong cuốn Lịch sử Hà Tĩnh (quê hương ông): "Ðặng Tất bị giết
hại nhưng tấm lòng yêu nước và những cống hiến của ông đối với sự

nghiệp đánh giặc, cứu nước vẫn được nhân dân tôn kính và sử sách ghi
nhận"(4). Vua Lê Thái Tổ đã truy phong Ðặng Tất tước Ðại vương và ban
tám chữ vàng "Tiết liệt cương trung - Trung thần hiếu tử" (1428).


Đặng Dung (1373 - 1414) là con trưởng của Ðặng Tất, ông giỏi võ nghệ
và văn chương, đã từng cùng cha xông pha trận mạc, là một tướng tài
chống giặc Minh trong thời Giản Ðịnh. Trước sự kiện Giản Ðịnh giết hại
Ðặng Tất cha mình, Ðặng Dung bỏ vua Giản Ðịnh đem quân về Thanh
Hóa rước Trần Quý Khoáng, là cháu của vua Trần Nghệ Tông vào La Sơn
(Hà Tĩnh) tôn lên làm vua, hiệu Trùng Quang (1409 - 1413). Ðặng Dung
được vua Trùng Quang phong chức Bình chương quốc sự. Ông đã cùng
vua và các tướng lĩnh Nguyễn Cảnh Dỵ, Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu dựng
cờ tiếp tục đánh quân Minh. Trước hết, Ðặng Dung đã tìm cách thống
nhất được hai cuộc khởi nghĩa dưới danh nghĩa vua Trùng Quang. Sau
đó đã tiến ra bắc đánh tan bọn xiểm nịnh, bất tài vây quanh Trần Ngỗi,
đưa Trần Ngỗi về tôn làm Thái Thượng hoàng. Như vậy, cuộc khởi nghĩa
của Trần Quý Khoáng thực chất là bước phát triển của cuộc khởi nghĩa
Trần Ngỗi. Hành dinh của vua Trùng Quang đặt ở bờ sông Lam, thuộc xã
Yên Hồ, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.


Xuất phát từ căn cứ này, quân khởi nghĩa đánh chiếm Tân Bình, Thuận
Hóa, Hoan Diễn rồi tiến đánh Tây Ðô, Hàm Tử, Chương Dương, bao vây
Cổ Lộng, thành Ðông Quan. Lực lượng quân khởi nghĩa phát triển
nhanh chóng, thanh thế vang dội. Quân của Mộc Thạnh bại trận, nhà
Minh cử Trương Phụ đem đại binh sang cứu viện.


Với 47 nghìn quân, Trương Phụ đã tổ chức phản công, càn quét với quy

mô lớn. Ðặng Dung cùng vua, tôi, tướng lĩnh và nghĩa quân chiến đấu
rất dũng cảm, nhưng do không cân sức, nên nghĩa quân tạm rút khỏi
Hàm Tử, Hạ Hồng, về Nghệ An, Hà Tĩnh rồi vào Hóa Châu, dựa vào thế
núi sông hiểm trở để chặn giặc. Trương Phụ chia quân làm hai đạo thủy,
bộ đuổi theo đến Giả Cảng rơi vào ổ mai phục của nghĩa quân. Ðêm đó
thuyền của Trương Phụ vừa kéo đến thì Ðặng Dung cùng nghĩa quân
phục đánh. Bình chương quốc sự với thanh kiếm long tuyền nhảy lên
thuyền Trương Phụ định bắt sống y nhưng không rõ mặt, lưỡi kiếm
vung lên giết hết tướng tá hộ vệ, còn Trương Phụ nhảy xuống sông Giả
Cảng tẩu thoát. Sáng mai Trương Phụ hoàn hồn mới nhận ra nghĩa quân
ít, lực lượng mỏng, nên tổ chức phản công. Ðặng Dung phải thu quân
vào rừng Thuận Hóa. Trận đánh trên sông Ái Tử là chiến công oanh liệt
trong cuộc đời binh võ của Ðặng Dung. Trận Ái Tử còn gọi là trận Thái
Gia xảy ra với tương quan lực lượng không ngang sức, bất lợi cho nghĩa
quân, nhưng nghĩa quân đã tiêu diệt hơn một nửa quân số của giặc,
phá hủy nhiều thuyền bè, Trương Phụ suýt bỏ mạng. Do lực lượng quá
ít nên sau một cuộc đọ sức quyết liệt, nghĩa quân phải rút lui. Nói về ý
nghĩa của trận Ái Tử, Lịch sử Hà Tĩnh ghi: "Trận Thái Gia không cứu vãn
được nguy cơ thất bại của cuộc khởi nghĩa, nhưng là một trận đánh gan
góc, biểu thị tinh thần không đội trời chung với quân thù của Ðặng
Dung và quân khởi nghĩa"(5).


Do sự phản bội của cha con Phạm Quý Hữu đã tiết lộ cho giặc nội tình
và nơi ẩn náu của vua Trùng Quang, Trương Phụ, Mộc Thạnh tổ chức
vây hãm, càn quét khu rừng Sách Bố, Thuận Hóa, cuối năm 1413, vua
Trùng Quang, Ðặng Dung, Nguyễn Súy đều rơi vào tay giặc. Vào mùa
xuân 1414, Trương Phụ cho giải bằng thuyền vua Trùng Quang và Ðặng
Dung về Yên Kinh, Trung Quốc. Trên đường đi, Ðặng Dung làm bài thơ
"Cảm hoài" khắc lên mạn thuyền. Ðến gần biên giới, Trùng Quang và

Ðặng Dung nhảy xuống biển tuẫn tiết. Bài thơ "Cảm hoài" do một sứ
thần của vua Lê Thái Tổ khi đi sứ sang nhà Minh biết, đã tìm đọc và
thuộc lòng đưa về nước.


Cảm hoài


Thế sự du du, nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai: đồ điếu thành công dị
Vận khứ: anh hùng ẩm hận đa!
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.


Tấm gương trung liệt của Ðặng Tất, Ðặng Dung, hai vị anh hùng lỗi lạc
của đất Lam Hồng đã được vua Lê Thánh Tông ban tặng câu đối:


"Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng".


Ngày nay, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tôn vinh
hai danh tướng là "Danh nhân lịch sử dân tộc". Nhà thờ hai ông ở xã
Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được xếp hạng "Di tích lịch sử
văn hóa quốc gia". Công lao và khí tiết Ðặng Tất, Ðặng Dung để lại cho

các thế hệ con cháu đời đời ghi nhớ và nêu gương.

×