Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Nhân vật trẻ em trong truyện ngắn cho thiếu nhi thời đổi mới _2 potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (208.83 KB, 7 trang )

Nhân vật trẻ em trong
truyện ngắn cho thiếu nhi
thời đổi mới




Tiếng vạc sành cũng làm người đọc đau đáu về cuộc đời của cu Nhọn - người sở
hữu khuôn mặt xương xương, đen ngòm với hàm răng nhọn một cách lạ kì, đóng bợn
vàng khè khiến Khản liên tưởng đến ma cà rồng. Tuy nhiên, chính Nhọn chứ không ai
khác đã có sự tác động lớn đến Khản - người đàn ông của trải nghiệm, kinh lịch và bằng
cấp. Quan sát động thái của hai nhân vật, chúng ta không ngờ được tại sao Khản - người
vốn vẫn tự hào với học vị tiến sĩ của mình, người đã từng ra lệnh cho người khác lại có
cách hành xử thụ động như vậy. Chính Khản cũng thấy tức cười vì hôm nay, tại nơi thôn
dã này, Khản đã răm rắp nghe theo lệnh một chú nhóc lên mười mà bộ đồ nó mặc chẳng
có hình dáng gì gọi là áo quần, “giẻ lau nhà Khản sạch hơn trăm lần”. Sức mạnh vô hình
mà cậu bé mười tuổi tạo ra chắc chắn không phải từ vẻ đẹp ngoại hình, địa vị xã hội. Sự
trải nghiệm của Nhọn, vốn hiểu biết của nó về cuộc sống nông thôn mới là điều quyết
định. Chính vì thế, “Khản thấy tim mình thắt lại vì sự thiển học ở cuộc sống nông thôn
của mình và bắt đầu thán phục sự am hiểu của Nhọn”. Câu hỏi đặt ra là tại sao đứa trẻ ấy
lại có sự thông hiểu kì lạ vượt quá giới hạn hiểu biết của lứa tuổi như thế? Rất dè dặt,
nhân vật chỉ tâm sự với chúng ta rằng: “Ở đây tụi tui không có tiền nên bắt buộc phải
theo dõi chúng nó để kiếm cái ăn hàng ngày ”. Nhưng nghèo không phải là lí do cốt
yếu. “Ba mẹ cháu thôi nhau bảy năm rồi. Cháu ở với ba, nhưng ba buồn đi rượu chè đôi
ba tháng mới về. Còn mẹ thì đi luôn”. Những mảnh vỡ hạnh phúc mới là căn nguyên
hình thành nên chú bé Nhọn già dặn, hiểu đời. Dấu đời ghi lại trên bàn tay to bè, chai
sần những đốt tay phù to như những đốt tre. Sự trưởng thành sớm thể hiện ở bữa cơm
thết khách, ở “nghệ thuật” bẫy chim Trong hình hài nhỏ bé của nhân vật, dường như
có bóng dáng của người phụ nữ chịu thương chịu khó lẫn vóc dạc của người đàn ông
bản lĩnh, mạnh mẽ. Thì ra, tất cả những nhân vật trải nghiệm đều gặp nhau ở bi kịch
nhân sinh, ở sự khiếm khuyết tình yêu thương, ở nghịch cảnh “suy dinh dưỡng tinh


thần” ngay trong chính môi trường gia đình, xã hội
4. Nhân vật bi kịch
Tiếp cận con người với tư cách là một cá thể chịu sự giới hạn, va đập của hiện
thực là con đường đi của nhiều nhà văn thời mở cửa. Với cách tiếp cận này, nhân vật
không còn “bao bọc trong bầu không khí vô trùng”, tắm gội sạch sẽ để trở thành những
nhân cách hoàn mĩ mà được trả về với vòng đời nhiều đa đoan, tục luỵ, đối mặt với
những bi kịch nhân sinh. Đây là kiểu nhân vật được nhiều nhà văn quan tâm xây dựng
và cũng đem lại nhiều thành công hơn cả (Màu nắng – Đào Hữu Phương, Giấc ngủ nơi
trần thế - Nguyễn Thị Ấm, Sau cơn lũ – Kim Hài, Bài văn ấy – Trần Thiên
Hương, Huyền thoại biển – Nguyễn Trí Thông, Những lá xương sông – Đỗ Tuyết
Nga, Bà mụ của búp bê, Vua lũ đồ chơi, Ápsara hoang dại – Quế Hương, ).
Màu nắng vẽ nên một không gian lấp lánh những tia nắng mặt trời vàng rực – một
thế giới rất đỗi bình thường đối với con người nhưng lại là mơ ước quá lớn đối với
những em bé chưa một lần trong đời được nhìn thấy ánh sáng. Ngoài sự khao khát được
cảm nhận những điều kì diệu từ thiên nhiên ở những em bé mù lòa, truyện còn đề cập
đến niềm khát khao của những trẻ thơ bất hạnh về một cuộc sống ấm áp tình yêu thương.
Trong Giấc ngủ nơi trần thế, đứa trẻ không phải là nhân vật chính nhưng lại là trung tâm
của vở kịch đời. Nó - với bản năng sinh tồn, đã khóc, khóc đến tím tái cả người, khóc
ngằn ngặt vì không nhận được sự quan tâm của người lớn. Mẹ nó đang say sưa với cỗ
bài tam cúc. Nó chỉ im lặng, thực sự im lặng khi người mẹ vô tâm giao nó cho một cô
gái trẻ làm nghề ăn xin, đúng hơn là cho thuê với giá năm nghìn và được cô gái này
“tọng vào họng” viên thuốc ngủ. Khi thuốc ngấm, nó trở thành một chiếc tã rách, một
nhân vật quan trọng trong màn kịch mua lòng thương hại của người đời. Nhưng nhân vật
vô tội của màn kịch phải trả giá quá đắt - trả giá bằng chính sinh mệnh của mình. Năm
giờ sáng hôm sau, khi thành phố tỉnh giấc thì đứa trẻ chỉ vừa hiện diện với cuộc đời hơn
một năm thôi đã mãi mãi ra đi. Linh hồn nó đã lên đến thiên đàng và kể cho các bạn
nghe về một sự thật: “Hơn một năm nó sống ở trần gian, nó toàn được ngủ, giấc ngủ liên
miên nơi trần thế”.
Trong rất nhiều gương mặt gắn bó với văn học thiếu nhi, Quế Hương là cây bút có
những trở trăn đặc biệt đối với bi kịch trẻ thơ. Có những đứa trẻ ngay cả cái tên cũng đã

nghe “mùi” bất hạnh (Lỡ, Quẳng, Sót). Cái âm thanh đi suốt đời người ấy đôi khi lại là
hiện thân cho niềm say mê tội nghiệp của người cha (Mơ, Ngỗ) – nỗi thèm khát “cầy tơ”
của ông đã gián tiếp biến chúng trở thành những đứa trẻ mồ côi mẹ, đói khát cả vật chất
lẫn tinh thần (Ả Ìa âu?). Có những nhân vật còn không có cái tên cụ thể, chúng chỉ được
gọi chung chung theo những khiếm khuyết của đời mình như “con bé câm”, “thằng đầu
to” Người viết đã dừng lại đặc tả ngoại hình cùng những nỗi đau của chúng: con Lỡ
(Bà mụ của búp bê) thì có “đôi chân cong vòng, nhỏ như cây sậy”, nước mắt cứ ri rỉ suốt
ngày; hằng đêm, thằng Cọt với giấc mơ khủng khiếp về cái chết của mẹ, vẫn bị cái lạnh
tận tiềm thức bám riết (Cò gà) Ở Apsara hoang dại, bi kịch cuộc đời in vào hình thể
cô bé: “cánh tay gầy đen đủi, bộ ngực lép kẹp”, một “hình hài còi cọc, khó đoán
tuổi”, đặc biệt là đôi mắt với một ánh nhìn hoang dại, mênh mông buồn. Việc làm đó
không phải để nhẫn tâm xoáy sâu vào vết thương lòng của các em mà quan trọng hơn,
người viết đã dùng chúng làm đòn bẩy để thắp sáng vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật. Bên
trong một con Lỡ xấu xí là tâm hồn trong sáng và thánh thiện; đằng sau một Apsara gầy
đen, đói khát là dòng nhựa sống căng tràn những khát vọng, những niềm say mê được
hóa thân cho nghệ thuật; ẩn dưới thân phận thằng Cọt đáng thương là một tấm lòng nhân
ái bao la… Ngòi bút nặng nợ ân tình của Quế Hương làm người đọc cảm thấy nao lòng
khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh. Với 27 truyện ngắn trong tập Chiếc vé vào
cổng thiên đường xanh, chúng ta được đến gần hơn với những góc khuất của cuộc sống,
nơi ánh sáng của hạnh phúc chưa kịp chiếu rọi cho những mảnh đời thơ ngây, vô tội để
trân trọng và đồng cảm hơn với một cây bút hết lòng vì trẻ thơ.
Bi kịch lớn nhất của đời người xét thấy không gì khác chính là tấn bi kịch tinh
thần, đặc biệt là những bi kịch do chính đồng loại tạo nên. Kịch câm (Phan Thị Vàng
Anh) đã ghi lại những vết rạn tâm hồn của hai con người ở hai thế hệ: cha - con. Mọi thứ
tự, luật lệ đã thay đổi khi đứa con cầm trong tay “bảo bối” là tờ giấy “nhỏ bằng hai bao
diêm, một cạnh xé lam nham, vội vã, một lời hẹn yêu đương của một người già quên
tuổi tác và nghĩa vụ - bố nó - với một người nó không hề có một tí khái niệm nào về
tuổi, đẹp, xấu, nghề nghiệp, hoàn toàn lù mù”. Diễn biến tâm lí của nó diễn ra không hề
đơn giản. Thoạt tiên là mừng vì với tờ giấy này nó sẽ có gan nhìn thẳng vào mắt bố khi
cần thiết. Nó dự định sẽ phá luật lệ gia đình, tự do tiếp đãi bạn bè và đi chơi. Nhưng sau

đó nó nhận ra mình không thể làm điều ấy, nó sợ mình giống một tên “thừa nước đục thả
câu”. Nó cảm thấy tiếc là đã nhặt được tờ giấy đó, vì bây giờ hai bố con càng ít nhìn vào
mắt nhau, nếu có thì “mắt bố con dại đi và nó ngượng”. Còn ông bố - một người chủ gia
đình, phó hiệu trưởng của một trường cấp ba đã cầu khẩn và căm thù nhìn nó - cái đứa
lầm lì, cái đứa ít nhìn vào mắt ông nhất trong nhà. Sau đó, ông cảm thấy như có một cái
án treo lơ lửng trên đầu. Trên con đường đến trường, ông vô tình tập trước cái tư thế sẽ
thay cho tác phong uy quyền xưa nay. “Nước mắt, người và xe nhoè nhoẹt, ông nghĩ đến
đứa con gái lớn: “Mình mất nó thật rồi! Nó có rơi xuống bùn, mình cũng không đủ tư
cách kéo nó lên, thò tay xuống kéo, biết đâu nó sẽ trừng mắt rồi tự nguyện lặn luôn
xuống đáy!”. Rồi tủi thân, ông loạng choạng đạp xe giữa cây cỏ hai bên đường. “Mình
chết đi, nó có khóc không?”. Lẩn thẩn, như mơ, ông tưởng tượng ra một đám tang, một
bà vợ, mấy đứa bé mịt mù khóc lóc cùng nhang khói. Chỉ một đứa con gái lầm lũi và
cương quyết như đang canh gác một phạm nhân”. Câu chuyện kết thúc tại đó, kết thúc
mà không hứa hẹn đến thời điểm kết thúc vở kịch câm. Bi kịch của hai con người ấy
không hẹn ngày hoá giải, thậm chí cả khi có sự xuất hiện của cái chết.
Mạnh dạn nhìn thẳng hiện thực, không né tránh bất cứ mảng hiện thực nào là tinh
thần sáng tạo nghệ thuật sau 1986. Từ dạng thức nhân vật bi kịch, những cái kết không
có hậu xuất hiện như một cuộc đối chứng với văn học trước 1975. Quế Hương đánh lừa
người đọc một cách ngoạn mục khi mở đầu Ngày nắng đầu tiên bằng niềm tin, nụ cười
ngây thơ, trong trẻo của con trẻ. Vậy mà khi ngày nắng đầu tiên mở ra, tươi rói, vàng
rực, đẹp lạ thường như nụ cười làm lành của Trời Đất sau cơn giận nhau thì không khí
mất mát, tiêu điều lại ùa về. Câu chuyện như một giấc mơ hãi hùng và đoạn kết của giấc
mơ là “thằng Được mười một tuổi trở thành chủ hộ của gia đình bốn khẩu”. Sau một
đêm, tuổi thơ của nó đã trôi cùng dòng nước lũ, cùng cái chết của những người thân. Cái
kết thương tâm ấy được đặt vào điểm nhìn của một đứa trẻ (thằng Tí) nên ấn tượng bi
kịch càng sâu đậm hơn: “Tảng núi nhỏ đè nặng lên trái tim nó mấy hôm nay bỗng quẫy
cựa rồi cứ chuyển động dần lên phía họng khiến nó nghèn nghẹn Cục nghẹn bóp chặt
cuống hầu nó bỗng bật ra rồi phăng phăng tuôn thành dòng sông nước mắt. Khi anh
Thiệt gọi thằng Tí về ăn bữa cơm trắng đầu tiên, thấy trong mắt con nước lũ lại dâng
đầy”. Lần thứ hai, hình ảnh cơn lũ được nhắc đến nhưng đây là cơn lũ của lòng người.

Thằng Cò (Đức Huy) cũng khép lại bằng cái chết của một thằng bé “thật thà như
mấy trái ổi xá lị chín cây, thơm đến nổ mũi trong vườn nhà nó nhưng cứ lủng lẳng đưa
ra ngoài rào, chỉ chực cho người ta hái”. Nhà văn lí giải về cái chết ấy bằng môtip lời
đồn. Có ai đó nói rằng thằng Cò té sông trong lúc chèo xuồng ra chơi với con dì nó
ngoài rẫy. Giá như chỉ thế thôi thì bi kịch sẽ nhẹ lòng hơn. Nhưng không, khởi nguồn
của chuyến đò định mệnh ấy lại là nỗi buồn thân phận. Tiếng quát đanh, sắc của người
bạn thân: “Cút ! Cút ngay ! Cút !” đã dội gáo nước lạnh vào nụ cười ngây thơ của
thằng Cò, buộc nó phải nhìn lại tấm thân đen đúa của mình. Những giọt nước mắt tội
nghiệp của nhân vật cùng hình ảnh nó lủi thủi bước đi là lưu ảnh cuối cùng của nhân vật
trong cuộc đời trước khi bước lên chuyến đò định mệnh.
Có thể nói, thành công của người viết khi xây dựng kiểu nhân vật này là đã đưa
vào bức tranh chung của văn học thiếu nhi (vốn được xem là thuần khiết, sáng trong)
một mảng màu xám buồn với những bất hạnh, bi kịch, những mặt trái trong cuộc sống,
nhân cách trẻ em… nhưng vẫn với một tấm lòng yêu thương, đồng cảm và ý thức trách
nhiệm cao. Được sống và viết cho đối tượng này, được tự do ruổi rong trên cuộc hành
trình về với thế giới tuổi thơ thua thiệt ấy, với không ít người viết, là một niềm hạnh phúc,
bởi nhờ thế, “gió phù vân của cõi người đỡ buốt thấu xương” (Quế Hương).
Cảm thông, trân trọng, sẻ chia, đó là điều mà ta luôn thấy trong truyện thiếu nhi
hôm nay. Truyện luôn nhấp nháy ngọn lửa của tinh thần lạc quan như một điều không
thể thiếu cho cuộc sống này. Đánh thức khát vọng, thắp sáng niềm tin trẻ thơ, nhà vănđã
góp phần tạo ra môi trường thuận lợi để thiếu nhi tiếp thu đạo đức bằng cách giữ cho tâm
hồn các em luôn biết nhạy cảm với những xao động tinh vi nhất của cuộc đời, của số phận
đồng loại. Chính vì lí do đó, con người dù hiện lên trong những hoàn cảnh nào cũng thể
hiện rất rõ tính nhân văn, nội lực hướng thiện. Niềm tin mãnh liệt vào “thiên lương” con
trẻ như là một nỗ lực chống lại những tác hại của thời mở cửa đến quá trình hình thành,
phát triển của tính cách trẻ thơ.
*
So với giai đoạn trước, con người trong truyện ngắn cho trẻ em bây giờ được nhìn
nhận một cách toàn diện, mới mẻ hơn. Ngoài những phẩm chất riêng có của thiếu nhi
mọi thời đại, người viết còn tô đậm chất đời thường, phần nhân tính phổ quát ở họ. Gắn

với những cạnh khía muôn mặt của cuộc sống trẻ thơ, thậm chí cả đến những khổ đau,
ngậm ngùi, tổn thương riêng nhỏ, âm thầm trong thế giới muôn màu của chúng, truyện
nhờ thế thường giàu tính chân thực, tự nhiên, giúp người đọc có điều kiện sống trọn một
“cuộc đời thứ hai” cùng trang viết để từ đó gợi mở những suy ngẫm thật sâu xa về cuộc
sống. Khoảng cách giữa nhân vật, đặc biệt là nhân vật thiếu nhi, với độc giả nhỏ tuổi
ngày càng thu hẹp lại như kiểu “một người lạ đã quen biết”. Thông qua những lời nói,
suy nghĩ, hành động, uớc mơ của thế giới nhân vật, trẻ như đang nhận ra một phần chân
ảnh của chính mình. Việc đặt nhân vật vào nhiều môi trường, cảnh đời khác nhau khiến
chân dung con người được nhìn nhận, soi chiếu từ nhiều góc độ, nhờ thế gia tăng biên
độ nhận thức và phong phú hóa đời sống nội tâm của độc giả nhỏ tuổi.
Bốn dạng thức nhân vật trên đây vẫn có những nét giao thoa tất yếu. Trong tương
quan với những phức tạp, phong phú của cuộc sống mới, chúng chưa thể bộc lộ hết sự
đa dạng, mới mẻ trong thế giới hình tượng nhưng cũng đã phần nào cho thấy sự đổi mới
cơ bản về thi pháp của văn học thiếu nhi đương đại. Cũng từ phương diện này, có thể
thấy, tiểu thuyết, với tư cách “siêu thể loại”, đã tạo những áp lực cần thiết cho truyện
ngắn, làm hằn lên một góc nhìn đời tư chân thực, một dòng chảy miệt mài để chạm đến
tính không hoàn kết của cuộc đời

×