Dấu ấn văn xuôi Nga thế kỉ
XIX trong sáng tác của một số
nhà văn Việt Nam
Nam Cao được coi là nhà văn đã tiếp thu rất sáng tạo ảnh hưởng của văn học
Nga, đặc biệt là của Chekhov.
Quả là Nam Cao hay nhắc đến Chekhov, mong viết được như Chekhov. Nhiều
nhà nghiên cứu phát hiện: Nam Cao, người đến sau Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng
Phụng, Ngô Tất Tố, đã tìm cho mình một hướng đi, có phần giống Chekhov, đã tự
vạch lấy đường đi riêng, tìm đến chủ nghĩa hiện thực đời thường, soi chiếu các giá trị
phổ quát của đời sống vào “những chuyện vặt vãnh”. Ở Nam Cao cũng có chất thơ,
chất trữ tình, có nỗi buồn, tình yêu thương xót xa đối với con người như ở Chekhov.
Và, cũng như Chekhov, Nam Cao cảm nhận sâu xa ý nghĩa và bi kịch của cuộc đời
trong những cái tưởng chừng nhỏ nhặt, vô nghĩa hàng ngày.
Người ta thường nhắc đến những truyện không có “truyện” của Chekhov.
Truyện Chekhov không có những biến cố trọng đại mang tính lịch sử toàn nhân loại
như L. Tolstoi, không đi vào những gai góc dữ dội của bi kịch cuộc đời như
Dostoievski. Đề tài hàng trăm truyện ngắn Chekhov có thể thâu tóm bằng nhan đề một
tác phẩm của chính tác giả: Chuyện đời vặt vãnh. Thấy được gương mặt “cái hàng
ngày” tức đã nắm bắt được “mã” quan trọng để “đọc” Chekhov. Từ những điều hoàn
toàn “vặt vãnh” ấy, Chekhov đã tạo nên những kiệt tác văn học.
Cũng như Chekhov, sự kiện trong tác phẩm Nam Cao là những hiện tượng đời
thường mà nhà văn gọi là “Những chuyện không muốn viết”. Chỉ viết về cái vụn vặt
đời thường nhưng ngòi bút Nam Cao thực sự vươn đến những vấn đề nhân bản sâu sắc
về cuộc sống và thân phận. Truyện Lão Hạc sâu lắng những suy ngẫm thấm thía lẽ
đời. Đời thừa không đơn thuần là chuyện vỡ mộng của văn sĩ vì áo cơm "ghì sát đất",
vì những lo toan vặt vãnh hàng ngày. Bi kịch của Đời thừa là bi kịch sự tha hóa tâm
hồn và lí tưởng của tầng lớp trí thức - những khuôn mặt "sáng giá" nhất trong xã hội
bấy giờ. Còn ở Chí Phèo, đâu chỉ là chuyện Chí Phèo say rượu rạch mặt ăn vạ. Cái lớn,
cái đau của tác phẩm là khát vọng muốn làm người, muốn trở lại bộ mặt người của con
người lương thiện mà đành vĩnh - viễn - tuyệt - vọng trong xã hội Vũ Đại. “Phải là một
bản lĩnh kiểu Chekhov, phải xuất phát từ những tư tưởng sâu, tình cảm lớn mới viết
được như thế”
(16)
.
Dưới ngòi bút Chekhov và Nam Cao, không gian, thời gian nghệ thuật đã trở
thành những nhân tố giữ vai trò đặc biệt trong tác phẩm. Phản ánh cuộc sống ngột ngạt,
tù túng của nước Nga buổi giao thời, Chekhov kiến tạo một không gian hẹp, khép kín,
cách biệt với bên ngoài bởi những bức tường đá, những hàng rào có chấn song sắt,
những cánh cửa luôn đóng… Ngay khi tác giả đưa đến không gian rộng hơn, người đọc
cũng không tránh khỏi cảm giác ngột ngạt: ngôi làng nằm sâu trong hẻm núi như bị cắt
lìa khỏi thế giới xung quanh (Trong khe núi); “thành phố nhỏ xíu, ảm đạm hơn một
ngôi làng” (Cây hồ cầm của Rothshild). Đến thảo nguyên cũng bức bối, nhỏ hẹp bởi
hình ảnh chiếc cối xay gió, cái chòi quanh quẩn trong tầm mắt (Thảo nguyên).
Nhưng hình thức phổ biến nhất của không gian hẹp, khép kín trong tác phẩm
Chekhov là những căn phòng. Mọi sự kiện, mọi biến cố quan trọng hay những chuỗi
ngày vô vị của nhân vật đều chôn chặt trong đó. Đáng ngạc nhiên là các nhân vật của
Chekhov không mấy bận tâm về trạng thái tồn tại của mình. Trong không gian tù hãm,
họ hoặc kéo lê cuộc đời vô nghĩa, hoặc buông xuôi, tuyệt vọng. Nước Nga cuối thế kỉ
XIX trong tác phẩm Chekhov thực sự là nhà tù khổng lồ, khắp nơi trên đất Nga
là Phòng số 6.
Trong tác phẩm Nam Cao, cũng gặp kiểu không gian tù đọng khép kín như vậy.
Tương tự Chekhov, Nam Cao thường chú ý tả ngôi nhà, căn phòng, nhân vật đi đâu,
làm gì, cuối cùng cũng trở về nơi riêng tư gánh bao lo toan vặt vãnh. Cái không gian
gọi là “nhà” trong tác phẩm Nam Cao đều rất ẩm thấp, tối tăm, thường lùi sâu vào ngõ
hẻm và đóng cửa. Đặt nhân vật vào không gian mà ánh sáng, không khí đều phải dè
xẻn, Nam Cao khắc họa đậm nét cuộc sống bế tắc cùng cực của xã hội ViệtNam đêm
trước Cách mạng tháng Tám.
Đọc Nam Cao và Chekhov, người ta cùng chung cảm giác như đang chứng
kiến dòng thời gian không vận động. Thời gian ngưng đọng, trì trệ ấy phủ lớp váng
đặc quánh lên dòng sông cuộc đời, buộc con người sống bằng những đại lượng thời
gian không đổi, những trạng thái hành động không đổi. Nhân vật của Chekhov để
mặc năm tháng trôi qua “không có việc gì làm và không làm việc gì” (Ngôi nhà có
căn gác nhỏ), hoặc bị nhấn chìm trong cuộc sống đơn điệu, tầm thường. Trong thế
giới đó, các nhân vật đều mòn mỏi, biến dạng về nhân cách. Cuộc sống ấy đem đến
cho con người cái chết trước tuổi - cái chết trong tâm hồn. Họ không có khả năng
nhận biết quá khứ, cũng chẳng nghĩ đến tương lai, mà nếu có thì tương lai “còn xa
lắm mới đến ngày kết cục” (Người đàn bà có con chó nhỏ).
Thể hiện thành công hình thức thời gian không vận động, Chekhov đã “đóng
đinh” vào cỗ quan tài cuộc sống ngột ngạt của những năm trì trệ và phản động nhất
trong lịch sử Nga.
Gần với Chekhov, Nam Cao đã tạo ra một kiểu thời gian hiện thực hàng ngày,
trong đó các nhân vật chìm nghỉm, không ngoi khỏi, không lớn hơn được vòng luẩn
quẩn của miếng cơm, manh áo, “những bận rộn tẹp nhẹp” (Đời thừa). Trong hiện tại tù
đọng, tẻ nhạt, các nhân vật Chekhov phí hoài năm tháng cuộc đời, đánh mất hạnh phúc
một cách vô ích và vô nghĩa, còn các nhân vật của Nam Cao thì luôn phải chống chọi
với thực tại “áo cơm ghì sát đất”, “phải bán dần sự sống đi để giữ cho mình khỏi chết”
(Quên điều độ).
Nhiều người cho rằng truyện Chekhov thường kể về một cái gì đó có thể xảy ra,
nên xảy ra, sắp xảy ra, rồi lại không xảy ra. Tác phẩm Nam Cao cũng có những tình
huống như thế. Ở Dì Hảo, người ta chờ đợi phản ứng của dì Hảo trước người chồng vũ
phu, bội bạc, nhưng điều ấy không bao giờ xảy ra. Trước thực tại tàn nhẫn, dì Hảo chỉ
biết “ngạc nhiên”, “tức tối” và nhẫn nại chịu đựng. Nhu trong Ở hiền cả đời “chỉ biết
cúi đầu cúi cổ làm, nai lưng ra làm…, chỉ biết khóc “đến mòn tất cả người ra thành
nước mắt”. Cả truyện là nỗi buồn, vì phải chờ đợi, vì những điều đáng lí phải xảy ra lại
không xảy ra. Người trần thuật cũng phải thốt lên: “Câu chuyện còn khá dài dòng.
Nhưng kéo dài ra để làm gì? Có kể tường tận cuộc đời làm vợ của Nhu thì cũng chỉ thế
mà thôi”.
Một loạt nhân vật trí thức trong tác phẩm Nam Cao (Thứ, Điền, Hộ…) biết bao
dự định, toan tính, nhưng tất cả, dù rất đời thường, hoặc rất cao đẹp đều chỉ là dự định,
không bao giờ chạm được tương lai. Những cái hắn sẽ, y sẽ, y định, hắn định… không
bao giờ xảy ra. Cuộc sống các nhân vật của Nam Cao dẫm chân tại chỗ, không thoát
kiếp “Đời thừa” và “Sống mòn”. Bản thân tên gọi những tác phẩm này của Nam Cao
đã thâm trầm chứa đựng ý nghĩa triết học khái quát về cuộc sống của cả một tầng lớp
xã hội ở Việt Nam lúc ấy.
Bên cạnh việc khai thác, sử dụng chất liệu đời sống với những chuyện bình
thường nhỏ nhặt làm đối tượng nghệ thuật, giữa Chekhov và Nam Cao còn có sự đồng
điệu trong việc phát triển một dòng hiện thực tâm lí. Cách dẫn truyện theo tâm lí là
hiện tượng tương đối ổn định ở Nam Cao. Không phải sự kiện mà tâm trạng con người
mới là chỗ dựa cho mạch tự sự. Trong Mua nhà, Nam Cao không tập trung miêu tả sự
việc mua nhà, mà xoáy vào những trăn trở, dằn vặt của nhân vật người kể chuyện về
tình trạng “hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người này co thì người kia bị
hở”. Chí Phèo bất hủ không phải vì những hành động phá phách của nhân vật mà bởi
tài năng bậc thầy đã diễn tả thật sinh động, ám ảnh quá trình chông chênh tỉnh -
say, say -tỉnh, người - thú, thú - người trong cõi nhân gian Vũ Đại lênh láng trăng
suông, lênh láng mưu mô và lênh láng đói nghèo.
Tính bi hài là một trong những cảm hứng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ sáng tác
Chekhov. Hầu như tác phẩm của ông đều được xây dựng trên chất trữ tình, trên tiếng
cười và nỗi buồn. Cái đáng cười, đáng lên án trong tác phẩm Chekhov không chỉ là
những tình huống trớ trêu, đối lập tương phản… mà còn là thái độ, lối sống tầm
thường, dung tục, rữa ra về tinh thần. Tiếng cười trào phúng vang lên từ mỗi trang viết
của ông vừa trầm buồn, xót xa, vừa mạnh mẽ quyết liệt, phủ định sự méo mó nhân
cách, sự què quặt của tâm hồn, nhằm mục đích “chắt lọc, loại bỏ từng giọt nô lệ ra khỏi
con người”.
Tiếng cười Nam Cao gần với tiếng cười Chekhov. Nam Cao hay viết về sự
“sống mòn”, song đối tượng tiếng cười của ông không chỉ ở bản thân sự “sống mòn”
mà còn là sự không cưỡng lại được tình trạng “sống mòn”. Tiếng cười Nam Cao đượm
vẻ bi thương, chua chát, phản tỉnh để con người nhận ra thói hư tật xấu, cái hèn, cái dối
trá, sống xứng đáng với danh hiệu người. Sự gặp gỡ giữa Nam Cao và Chekhov ở đây
là cảm hứng phê phán và chủ nghĩa nhân đạo muốn phục sinh tâm hồn người trong
mỗi con người.
Nền văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX khởi đầu rực rỡ bởi thiên tài chói lọi
Puskin và kết thúc hoàn mĩ bởi nhà văn bậc thầy mà những cách tân sáng tạo hết sức
mãnh liệt, sâu sắc – đó là Anton Chekhov. Văn học Việt Nam trong sự phát triển dồn
nén, tăng tốc hướng vào quĩ đạo văn học hiện đại thế giới tìm thấy thành tựu kết tinh ở
Nam Cao, người đã lựa chọn cho mình chủ nghĩa hiện thực mới có nhiều nét tương
đồng với chủ nghĩa hiện thực của Chekhov.
Trong giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hoá văn học ở thế kỉ XX, sự tiếp
nhận văn học Nga của văn học Việt Nam được hình thành, phát triển trên cơ sở
những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hoá với nhiều biến động sâu sắc. Ở giai đoạn này,
văn học Việt Nam đã thực hiện vẻ vang “một cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử
Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ”. Góp nên sự kiện đó, có vai trò không nhỏ của văn học
Nga thế kỉ XIX.
Không phong phú và mạnh mẽ như ảnh hưởng của văn học Pháp, song ảnh
hưởng của văn học Nga đối với văn học Việt Nam giai đoạn này cũng khá đa dạng,
sâu sắc. Trên thực tế, qua phát biểu của các nhà văn, văn học Nga đã trở thành người
bạn tri âm lớn của văn học Việt Nam, tác động rõ rệt đến các nhà văn Việt Nam từ
quan niệm về văn học, tư duy nghệ thuật, tầm tư tưởng của tác phẩm đến cách chọn
đề tài, xây dựng nhân vật, sử dụng chi tiết, v.v… Mỗi nhà văn Việt Nam có điều kiện
tiếp xúc với văn học Nga qua bản dịch tiếng Pháp hoặc tiếng Việt đều đã học tập
được ở đây những điều bổ ích và vận dụng vào sáng tác của mình. Có người dựa vào
văn học Nga để mô phỏng, phóng tác như Hồ Biểu Chánh, Vũ Bằng. Có người học ở
văn học Nga đề tài, cốt truyện, nhân vật như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Bùi
Hiển, Nam Cao. Nhà văn này say mê chú ý đến tính toàn nhân loại của văn học Nga.
Nhà văn khác chú ý đến tầm khái quát của những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt, v.v…
Nếu ví văn xuôi Nga thế kỉ XIX như tấm gương thì ảnh hưởng của nó đến các nhà
văn Việt Nam giai đoạn trước năm 1954 là những tia khúc xạ của tấm gương ấy, đậm
- nhạt, xa - gần khác nhau. Mức độ thành công của các nhà văn Việt Namkhi tiếp cận
văn học Nga thế kỷ XIX phụ thuộc vào điều kiện tiếp cận và tài năng của mỗi nhà
văn.
Ảnh hưởng của văn xuôi Nga thế kỉ XIX tiếp tục được phát huy
trên hành trình hiện đại hoá văn học Việt Nam những giai đoạn tiếp theo.
Nhưng đó là nội dung bài báo khác mà chúng tôi hy vọng sẽ có dịp được trình bày