Đặc trưng thơ viết cho
thiếu nhi sau 1986
Dù chưa nhiều như trong văn xuôi, nhưng tính giả tưởng cũng mang lại những dư
vị riêng của các sáng tác thơ cho thiếu nhi thời kì này. Đây là một đặc trưng tuy không xa
lạ nhưng luôn mang lại những cảm nhận mới mẻ. Nhà thơ Trương Hữu Lợi từng trả lời
câu hỏi về quan niệm sáng tác văn thơ cho các em: “Phải bay bổng, không nệ thực, có tính
ước lệ cao, dí dỏm và có trí tuệ”. Tính giả tưởng không ít lần được các nhà phê bình đặt ra
như là một tiêu chí đánh giá thơ thiếu nhi đương đại. Tại diễn đàn “Sáng tác văn học thiếu
nhi”, ý tưởng này một lần nữa được khẳng định: “Văn học giả tưởng nuôi dưỡng trí tưởng
tượng phong phú của các em, mở ra một chân trời mới hấp dẫn, rất cần được chú ý”. Mặc
dù vậy, tính kì ảo trong thơ thời kì này không phải là yếu tố chủ đạo. Thơ nghiêng về xu
hướng mô tả những biến điệu tinh tế trong đời thường, những góc đời, những mảnh hiện
thực cuộc sống lấm láp và bụi bặm Thảng hoặc người đọc mới bắt gặp những vần điệu
mang bóng dáng truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa:
Mèo con sắm tết chợ xa
Đêm nằm thấp thỏm, canh ba dậy rồi
Mèo đi, sương lộp độp rơi
Nghêu ngao hát gọi mặt trời thức mau
Mèo mua tặng mẹ vải màu
Mèo mua một rổ trầu cau tặng bà
(Niềm vui của mèo con - Lê Mạnh Tiến)
Hơi thở cuộc sống đương đại cũng đã làm biến đổi hình tượng, ngôn ngữ thơ thiếu
nhi hôm nay. Trong Làng em có điện, Lê Bính mang đến một lớp từ ngữ lấp láy, rúng
động như cái nhịp đập rộn rã của cuộc sống mới, của làng quê thay da đổi thịt khi có ánh
sáng điện tràn về. Chú cún con thì “loăng quăng”, đuôi “ngoe nguẩy” múa, đàn gà mới nở
trông như nắm bông “xinh xinh” cứ “lích tích”, “động đà động đậy”, quạt rủ nhau “xoay
tít”, còn chú chích chòe thì dậy sớm, ngẩng cổ lên trời, “dập dình” cái đuôi Có thể nói,
người làm thơ cho thiếu nhi rất say sưa với lớp từ tượng hình, tượng thanh và phép so
sánh, nhân hóa. Từ láy là lớp từ ngữ tạo nên điểm nhấn và sức cuốn hút mạnh mẽ cho thơ.
Từ Phạm Đình Ân với Đất đi chơi biển, Nguyễn Văn Chương với Hoa cúc quỳ đến
Nguyễn Đức Hậu trong Làng em buổi sáng, Mèo con chơi bóng rổ, Cao Thúy Hưng
trong Bé tập đi xe đạp đều thấy sự xuất hiện với mật độ khá dày các từ láy, tạo dáng cho
thơ và làm nên một nét đặc trưng của ngôn từ thi ca cho thiếu nhi hôm nay. Trẻ rất hứng
thú và dễ bị hấp dẫn bởi màu sắc, hình tượng và cũng đặc biệt thích tìm tòi, khám phá.
Văn học viết cho thiếu nhi đã lấp đầy những “cơn khát huyền diệu” đó bằng những từ ngữ
giàu hình ảnh, màu sắc, lấp láy, tươi vui
Ngôn ngữ thơ luôn căng tràn sức sống. Sau lớp vỏ ngôn từ là những hình tượng,
những thông điệp nghệ thuật lạ lẫm, độc đáo khẳng định sự sáng tạo, nghiêm túc của
những người – phu – chữ: “Tim lồng như chợ vỡ - Ve vào tai thổi kèn” (Bố cũng đi thi -
Nguyễn Hoàng Sơn), “Sẽ “cận thị” suốt đời - Những ai không đọc sách!” (Mở mắt ra là
thấy - Cao Xuân Sơn), “Trăng non đầu tháng - Chiếc thuyền câu bơi - Bố đi quăng lưới -
Kéo đàn sao trôi” (Trăng non đầu tháng - Minh Nguyệt), “Thương mẹ con bận rộn - Chưa
kịp giật đường kim - Bố vá màn lúng túng - Khâu luồn vào bóng đêm” (Với con - Nguyễn
Công Dương) Lời thơ trong trẻo. Ý thơ cũng tràn ngập yêu thương. Và ngôn từ nghệ
thuật, với “sứ mệnh” của nó đã chuyển tải những giai điệu đẹp từ cuộc sống vào tác phẩm.
Giọng điệu trong ngôn ngữ thơ hôm nay cũng có sự khu biệt đáng kể so với trước
1986. Ngoài chất giọng hồn nhiên, trong trẻo rất trẻ thơ vẫn thường thấy trong giai đoạn
trước, nét mới của thơ cho thiếu nhi hôm nay là sự gia tăng của giọng kể chuyện – tâm
tình. Điều này làm cho thơ bớt tính chất “véo von”, “ca hát” mà gân guốc hơn, áp sát cuộc
sống hơn. Đây là một trong những lí do kéo thơ lại gần với văn xuôi, thể hiện rất rõ nhãn
quan đời thường, thời sự của văn học thiếu nhi thời Đổi mới.
Việc đi vào mảng đề tài về những số phận hẩm hiu, những mảnh vỡ không hàn gắn
được mà hậu quả là những đứa bé lang thang như những con mèo hoang đói lạnh bị nắng
mưa, bão gió làm tê buốt cả thể xác lẫn tâm hồn đã làm xuất hiện những tác phẩm in đậm
dấu ấn tự sự. Không xâm lấn về thể loại từ câu chữ bởi thơ thiếu nhi thường gọn ghẽ, cô
đọng, chất tự sự bồi đắp cho thơ những khoảng trống về chiều dài hành trình số phận con
người. Thơ bắt đầu pha lối kể nhưng là lối kể rất “thơ”, rất đời.Chia chữ là một ví dụ điển
hình cho sự đổi mới này của thơ:
Lần theo em bé bán vé số
Tôi đi tìm số may đời em
Hẻm chéo chồng nhau, số đè lên số
Cái vỏ hộp cuối cùng sao gọi đấy nhà em?
Tôi nát lòng, nước mắt trào rơi
Em nụ búp sao đời nhiều giông bão
Lớp học ban đêm, tôi là thầy giáo
Chia chữ cho người không chia được áo cơm
Chất tự sự thể hiện rõ trong cách kể, giọng điệu kể. Nó cho phép nhà văn có thể
“thơ hóa” những gì gần gụi, quen thuộc với trẻ em để đưa họ vào cuộc hành trình khám
phá thú vị những bài học cuộc đời bình dị khuất sau con chữ. Chỉ với một buổi chiều
“cháu dắt tay ông dạo chơi” cũng làm nên một bài học nhẹ nhàng về “luật giao thông”
trong thơ Nguyễn Phan Khuê, nét phác thảo về thằng nhóc lang thang không cửa nhà cũng
mang đến một không khí “tiểu thuyết” trong trang viết của Cao Xuân Sơn, hay với Hổ con
trong vườn thú, Nguyễn Văn Chương đã tô đậm tâm trạng của nhân vật trữ tình “hổ con”
trong cái nhìn về tự do và nỗi nhớ ngàn già
4. Kết cấu đối thoại và con đường khám phá thế giới trẻ thơ
Là những tác phẩm thuộc thể loại trữ tình, thơ cho các em ít có sự chuyển biến
mạnh mẽ về mặt kết cấu như truyện. Mặc dù vậy, quan sát những sáng tác thơ cho thiếu
nhi những năm qua, có thể thấy hai đặc điểm nổi bật về kĩ thuật tổ chức tác phẩm như là
sự tiếp nối và bổ sung thành tựu thơ giai đoạn trước: Sự trùng điệp và tính chất đối thoại
trong kết cấu của văn bản thơ.
Kết cấu trùng điệp được sử dụng khá nhiều như chính một đặc điểm tâm lí của trẻ:
thích nghe mãi một câu chuyện mà không biết chán, đố nhau một câu dù ai cũng biết tỏng
đáp án là gì Sự lặp lại, điệp trùng trong việc tổ chức từ và cụm từ giúp trẻ khắc sâu
những ấn tượng thẩm mĩ về nhân vật trữ tình, về lời thơ, ý thơ Trong thơ thiếu nhi hôm
nay, ta bắt gặp rất nhiều những phương thức vận hành ngôn từ như thế (Cùng đi, Cầu
vồng - Phạm Thanh Quang, Cuộc hành quân của thời gian – Phi Tuyết Ba, Chim gõ
kiến – Nguyễn Như Mai,…).
Đối với trẻ, hình thức đối thoại hình thành sớm hơn độc thoại. Trong thơ thiếu nhi
thời kì trước 1986, ta bắt gặp một Xuân Quỳnh dịu dàng, đằm thắm trong từng lời ru, từng
lời kể, từng nhịp điệu tâm tình, một Trần Đăng Khoa với tiếng gọi của trẻ thơ đáng yêu,
một Phạm Hổ với lối đối - đáp nũng nịu và ngộ nghĩnh Từ 1986 đến nay, thơ vẫn tiếp
tục cuộc hành trình với những câu chuyện rất thú vị “mẹ kể con nghe” về cuộc sống, với
những câu hỏi líu lo luôn chứa đựng những điều bất ngờ và không bao giờ vơi cạn của trẻ
thơ. Trong hai tuyển tập Tắc kè hoa và Đất đi chơi biển của Phạm Đình Ân, có 13 bài sử
dụng kết cấu đối đáp. Những câu chuyện như bung nở, mở ra một thế giới thần tiên trước
mắt bé thơ với bao điều cần khám phá và lí giải (Qủa chín và thơm, Tết nhà có khách,
Người đi đường, Nhờ chú, Có kẻ lách vào vườn,…). Lắng tai nghe âm thanh rộn rã của
vạn vật cũng là dịp để nhà thơ khắc chạm trong tác phẩm bức tranh sinh động về cuộc
sống của trẻ thơ (Trung thu của trống Choai – Nguyễn Văn Chương). Với Cột
mốc (Nguyễn Châu), kiểu kết cấu này lại nêu bật sự trân trọng những người lặng thầm
làm việc. Ở Niềm vui (Đặng Hấn), sự đối đáp giữa các sự vật trước những câu hỏi ngây
thơ của bé là cơ sở để người viết nêu bật triết lí sống rất cần cho trẻ thơ: Hạnh phúc của
mỗi người chỉ có được nhờ ở sự lao động chân chính, ở những thành công bằng chính nỗ
lực của mình.
Trẻ rất thích được vỗ về, được trò chuyện (và thậm chí được nghe chính tiếng nói
của riêng mình). Luôn luôn gặp trong thế giới của bé những khát khao giãi bày, tìm tòi,
khám phá những chân trời mới lạ. Bé “hỏi mẹ” xem “ai quạt thành gió - Thổi mây ngang
trời?”, muốn tìm hiểu bầu trời “ai nhuộm” mà xanh đến thế Với bé, bầu trời với muôn
ngàn vì sao lấp lánh, với ông trăng rằm và chú Cuội là cả một khoảng không bao la, kì
bí: “Mẹ ơi, có phải - Cuội buồn lắm không - Nên chú phi công - Bay lên thăm Cuội?”
(Hỏi mẹ - Nguyễn Xuân Bồi). Kết cấu đối - đáp hình thành xuất phát từ chính những câu
hỏi hồn nhiên, trong trẻo ấy. Và bởi, viết cho thiếu nhi cũng là viết cho chính tuổi thơ của
mình, viết cho những đứa con yêu thương, cho những đứa trẻ thánh thiện xung quanh
mình nên các nhà thơ đã sử dụng kết cấu này như một gợi dẫn để đi dần vào thế giới
tâm hồn trẻ thơ. Mỗi tác phẩm, hơn thế, còn là tấm vé về lại tuổi ấu thơ trên con tàu mang
tên nỗi nhớ. Kí ức và tình yêu, quá khứ và những câu hỏi ngây thơ, khát vọng sống và sự
sẻ chia của tấm lòng người sáng tạo đã đẩy nhà thơ vào cuộc hành trình đi tìm những câu
trả lời để từ đó mở ra cho con trẻ những chân trời mới lạ. Thi sĩ dành một quãng thơ của
mình để ngân nga khúc nhạc yêu thương, và trong đó, người đọc bắt gặp những cuộc trò
chuyện tâm tình giữa người hỏi - người đang “sở hữu” một tuổi thơ thánh thiện và người
trả lời - người đang nhìn ngày hôm qua bằng đôi mắt rất đỗi nhớ thương và đang dang
rộng vòng tay ấp ủ những bé thơ. Bỏ qua cách cắt nghĩa mang những “triết lí hồn nhiên
của sự sống, thứ triết lí mà ở mỗi lứa tuổi có thể hấp thụ một cách riêng”, những câu hỏi
và trả lời bình dị như được lẩy ra từ những cung bậc dịu dàng trong cuộc đời này là lấp
lánh sắc màu của sự đồng điệu hai thế giới: thế giới trẻ thơ - thế giới của những con người
đã bước qua thời vụng dại.
*
Nếu trong văn học 30 năm chiến tranh, thơ thiếu nhi đã lên đến đỉnh gắn liền với
tên tuổi của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, những năm gần đây, do nhiều lí do, cả chủ
quan lẫn khách quan, mảng sáng tác này chững lại, nhường chỗ cho sự lên ngôi của các
thể loại văn xuôi.
Trong nhiều sản phẩm văn học cho trẻ em hôm nay, thơ xem ra có lẽ là bộ phận bị
tác động theo chiều hướng tiêu cực của cơ chế thị trường nhiều hơn cả. Đây là hệ quả,
mặt trái của thời kinh tế thị trường: Thơ in cho các em không bán được, các nhà thơ viết
cho các em không còn khí thế như giai đoạn trước, ít làm thơ hơn. Thế hệ trẻ bây giờ
quá bận học, lại bị cuốn hút vào nhiều hoạt động khác trong một xã hội đang phát triển
mạnh mẽ, với nhịp sống ồn ã và gấp gáp. Nhưng không phải vì thế mà thiếu vắng những
tác giả, tập thơ tạo được ấn tượng. Từ những năm 90 trở lại đây, vẫn có những tác giả,
tập thơ tạo được phong cách riêng trong sân chơi kém phần sôi động này như Cưỡi ngựa
đi săn của Dương Thuấn (Giải thưởng Văn học thiếu nhi 1990), May áo cho mèo của
Phùng Ngọc Hùng (1991), Bờ ve ran của Mai Văn Hai (Giải thưởng Văn học thiếu nhi
1992),Dắt mùa thu vào phố của Nguyễn Hoàng Sơn (Giải thưởng Văn học thiếu nhi
1993), Cái sân chơi biết đi của Hoàng Tá (Giải thưởng văn học thiếu nhi 1994), Trứng
treo trứng nằm của Lê Hồng Thiện (1994), Tắc kè hoa (1996) và Đất đi chơi biển(2007)
của Phạm Đình Ân, Tí tách mưa rơi (2009) của Nguyễn Ngọc Quế, Bữa tiệc của loài
vật (2009) của Trần Quốc Toàn, v.v…
Thơ cho thiếu nhi hôm nay đã có những chuyển biến đáng kể, cả ở phương diện
tiếp cận cuộc sống mới sôi động từ nhiều hướng, quan tâm một cách toàn diện mọi mặt
của cuộc sống trẻ em đến một quan niệm mới mẻ về đối tượng tiếp nhận chủ yếu của bộ
phận văn học này, về các phương thức biểu đạt của thơ: Ngắn gọn về dung lượng, gần gũi
với đời sống trẻ em, mang nhiều âm hưởng của đồng dao, sử dụng nhiều chi tiết kì ảo,
hoang đường, tăng cường tính chất đối thoại, giảm rõ rệt sự phán xét và dạy bảo khô
cứng Tất cả những phương diện đó là nỗ lực lớn của đội ngũ tác giả trên con đường đưa
thơ đến gần hơn với tuổi thơ. Bên cạnh những đặc điểm kế thừa truyền thống, thơ thiếu
nhi hơn hai mươi năm qua đã có những bước chạy vượt rào ngoạn mục. Người viết đã cho
thấy sự mới mẻ, hiện đại trong quan niệm, cách nhìn, cách tái hiện hình tượng trẻ em -
trung tâm của văn học thiếu nhi, thể hiện sự trăn trở đầy tâm huyết và tinh thần trách
nhiệm với độc giả nhỏ tuổi. Ở đó, nhà thơ vừa là người bạn, người anh, người đồng hành
với trẻ em để thấu hiểu những nỗi ấm ức và tâm sự thầm kín của trẻ. Rõ ràng, bước ngoặt
chuyển mình của lịch sử – xã hội đã cung cấp cho thơ thiếu nhi nguồn năng lượng mới để
vận động theo một quy luật khá thuận chiều, thể hiện rõ đặc trưng của văn học Đổi mới
nói chung. Thơ thiếu nhi sau 1986 đã kinh qua nhiều cái “trở về”: Trở về với văn học, trở
về với cá tính nghệ thuật của nhà văn và sự trở trăn tìm con đường ngắn nhất để đến với
trẻ em, làm sao để văn học thâm nhập thế giới tinh thần của thiếu niên nhi đồng hôm nay
một cách hiệu quả. Nhìn chung, dẫu chưa có một địa vị tương xứng với thơ cho người lớn,
nhưng quá trình đổi mới cũng đã đem đến cho các em không ít những sáng tác giàu tính
nhân văn và giá trị thẩm mĩ