Đặc điểm truyện ngắn Trần
Quang Nghiệp (1907-1983)
Yếu tố truyền thống còn thể hiện ở kết thúc truyện có hậu hay quan niệm của dân gian
“ác giả ác báo”. Ở những truyệnTấm hình của ai?, Hai bó giấy, Xâu chìa khóa, người kể
chuyện tác động vào cốt truyện làm thay đổi số phận nhân vật. Chẳng hạn trong truyện Xâu
chìa khóa, ông Ngũ Nguyên - chủ nhà máy xay xát Nam Hiệp - đã làm một “phép thử” tính
trung thực của nhân viên mình. Chính phép thử ấy đã giúp ông xác định được sự chuyển biến
tích cực của người nhân viên dưới quyền là thầy Hai Thông, tạo cơ hội cho thầy ta quay trở
lại với đức tính trung thực vốn đã bị tiền tài dục vọng xói mòn. Hay quan niệm“nhân -
quả” được thể hiện trong truyện Trời Phật công bình: Hai vợ chồng Hai Môn “giựt của, giết
người chẳng gớm tay” đã giết lầm ngay đứa con của mình để cướp của và đứa con ấy - thằng
Lành - cũng vừa mới giết người cướp của trên chuyến tàu đêm. Đây là nội dung khá phổ biến
không chỉ trong truyện Trần Quang Nghiệp mà còn trong tác phẩm của Sơn Vương - một nhà
văn khá nổi tiếng đương thời. Trong truyện ngắn Sơn Vương cũng xuất hiện những motif “ở
hiền gặp lành”: Ai kén chồng, Chén cơm lành… Trong truyện Ai kén chồng, nhân vật Thị
Lành đi ở mướn bị vu oan giá họa, chịu bao đày đoạn cực khổ nhưng cuối cùng cũng gặp
được duyên may và sau đó trả được thù xưa. Còn quan niệm “ác giả ác báo” khi ông đề cập
đến loại người thích tự do yêu đương, buông thả trong tình cảm, sống vô trách nhiệm và có tư
tưởng lợi dụng tình duyên nhằm trục lợi, kết cục phải chịu quả báo trong các truyện Lỗi hẹn
quên thề, Cưới vợ ăn Tết, Lạp Phật cầu chồng… Như vậy, quan niệm“văn dĩ tải đạo” trong
văn chương truyền thống vẫn còn trong sáng tác của các nhà văn như Trần Quang Nghiệp,
Sơn Vương… nhưng đã mang âm hưởng của thời đại.
Sự đổi mới của nhà văn thể hiện ở việc sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất đã
cho thấy những cách tân so với nhiều nhà văn cùng thời ở Nam Bộ và nhất là so với các tác
giả ở miền Bắc. Về người kể chuyện ngôi thứ nhất - nhân vật xưng “tôi” - các nhà trần thuật
học Genette và Stanzel cho rằng ở “những tình huống trần thuật” thì ngôi “tôi” chỉ được tính
là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và đồng thời là nhân vật khi anh ta kể về những “trải
nghiệm cá nhân”, và là người hiện diện trong hành động (dẫn theo Đào Duy Hiệp)
(7)
.
Với việc trần thuật ở ngôi thứ nhất, tác giả viết về những điều mình đã trải qua, đã
chứng kiến và nếm trải, chiêm nghiệm. Và tất nhiên, với tính chất hư cấu của tiểu thuyết (và
cả truyện ngắn), “tôi” không hẳn là tác giả mà chỉ là một nhân vật của truyện. Lời trần thuật ở
đây vừa là ngôn ngữ kể chuyện của tác giả vừa là ngôn ngữ kể chuyện của nhân vật, tức vừa
là lời trực tiếp, vừa là lời gián tiếp (của nhân vật). Nếu xét như vậy, ở truyện ngắn Trần
Quang Nghiệp có 2 dạng: Dạng 1- Người kể chuyện xưng “tôi” là tác giả trong truyện Ai
đành phụ nghĩa, Hồng Hoa, Trên lầm dưới lỗi, Gặp người gái đẹp…; Dạng 2- Người kể
chuyện xưng “tôi” là một nhân vật trong truyện như ở “đoản thiên” Tủi phận thuyền quyên,
Ông tơ cắt cơ, Gương can đảm, Gặp người bạn cũ Về người kể chuyện ở ngôi thứ nhất đã
có từ trước Trần Quang Nghiệp khá lâu (trên dưới 40 năm), ông chỉ là người kế thừa và phát
huy những bước đổi mới có từ trước của văn học quốc ngữ Nam Bộ. Tác phẩm Truyện Thầy
Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản có thể coi là truyện ngắn đầu tiên có hình thức
kể chuyện ở ngôi thứ nhất với kết cấu “lồng ghép”
(8)
. Người kể chuyện thứ nhất xưng “tôi”
nghe câu chuyện thầy Phiền thú nhận tội giết vợ, giết bạn - người kể chuyện thứ hai - lúc này
là người bạn đồng hành của người kể chuyện thứ nhất. Cũng có lối kết cấu lồng ghép như
vậy, truyện Ai đành phụ nghĩa cũng sử dụng người kể chuyện xưng “tôi” nhưng lại thông qua
ba lần kể chuyện: Người kể chuyện thứ nhất xưng “tôi” nghe kể lại câu chuyện của người kể
chuyện thứ hai - cô Tấn Mỹ Hồng - được nhân vật chính, người kể chuyện thứ ba: cô Hồng
Vân, kể lại mối tình ngang trái với chàng Tống Văn. Sự lồng ghép phức hợp này có thể
không phải chủ ý của nhà văn mà do được nghe/chứng kiến câu chuyện có thật và sau đó
thuật lại. Đây là tác phẩm duy nhất của Trần Quang Nghiệp có lối kể chuyện như vậy. Khảo
sát trên các tờ Nam phong, Phụ nữ tân văn, Đông Pháp thời báo, Thần chung, chúng tôi chưa
tìm thấy hình thức kể chuyện nào như truyện Ai đành phụ nghĩa. Còn trong truyện Gặp
người bạn cũ, nhân vật chính xưng “tôi” tự thuật lại câu chuyện về mình. Truyện mang đậm
màu sắc hiện thực pha chút bi hài qua giọng điệu kể chuyện “lạnh lùng” khá lạ của Trần
Quang Nghiệp. Nhân vật chính - người kể chuyện - kể về thời buổi khó khăn, không tiền nên
phải mò mẫm lết bộ hàng chục cây số tìm bạn mượn đỡ nhưng hình như bạn bè “biết ý” đều
đi vắng hết thảy. Đi bộ từ sáng cho đến tận chiều, bụng đói, bỗng nhiên gặp “bạn cũ” đến
mức không nhớ rõ được mặt bạn. Anh ta kể nay đã giàu có vì lấy được vợ giàu ngỏ ý nếu
muốn lấy em vợ anh ta giới thiệu cho. Sau đó, hai người vào nhà hàng vừa “tâm sự”, vừa chè
chén no say đến khi thanh toán anh bạn bảo quên ví tiền ở khách sạn nên xin phép về lấy.
Nhân vật “tôi” chờ đến nửa đêm không thấy bạn quay lại, túng quá phải lấy giấy thuế thân
các lại mới về được. Trên đường về “tôi” vẫn không tin bạn lừa mà chỉ sợ bạn chẳng may
“gặp chuyện rủi ro”. Cả truyện mảy may không có từ nào ca thán vì bị bạn lừa, tác giả để cho
người đọc tự lí giải căn nguyên mọi chuyện. Có thể nói cách kể chuyện của Trần Quang
Nghiệp rất có duyên và hóm hỉnh. Mỗi truyện chỉ chừng khoảng 2 - 5 trang nhưng đã tái hiện
được những hiện tượng điển hình của cuộc sống xã hội thành thị miền Nam. Vì vậy, đọc
truyện của Trần Quang Nghiệp nhiều người yêu thích không phải ở ngôn ngữ trau chuốt,
mượt mà mà ở cách hành văn đặc biệt có duyên ấy.
Trong 33 truyện ngắn chúng tôi khảo sát có 9 truyện người kể chuyện ngôi thứ nhất,
chiếm 27,3% - một con số chưa thật nhiều nhưng bước đầu đã cho thấy Trần Quang Nghiệp
đã có ý thức đổi mới cách viết truyện của mình. Với thao tác tương tự, qua 21 truyện ngắn
của Nguyễn Công Hoan viết từ 1929-1933 trong cuốn Nguyễn Công Hoan truyện ngắn chọn
lọc
(9)
thì có 4 truyện sử dụng người trần thuật ở ngôi thứ nhất xưng tôi: Ông chủ báo chẳng
bằng lòng, Xin chữ cụ Nghè, Gói đồ nữ trang và Samandji, chiếm 19%, cũng không nhiều.
Điều đáng chú ý là các truyện này chỉ được Nguyễn Công Hoan viết từ 1932 trở đi (theo ghi
chú ở cuối mỗi truyện).
Khi kể chuyện ở ngôi thứ nhất, Trần Quang Nghiệp có giọng điệu cảm thông với số
phận những nhân vật. Trong truyện Tủi phận thuyền quyên, nhân vật tôi chứng kiến cảnh
đời của cô Thể Phụng bị chồng phụ bạc hắt hủi hai mẹ con với niềm cảm thông thầm lặng.
Hay truyện Hồng Hoa là câu chuyện bi thương của chàng trai khi vô tình đẩy người mình
yêu vào chỗ chết. Truyện đề cao sự thức tỉnh và lòng chung thủy của Hồng Hoa, nhân vật
chính của truyện. Việc sử dụng ngôi thứ nhất kể chuyện đã tạo nên sự gần gũi trong mối
quan hệ giữa người kể chuyện và người đọc. Nó cũng tạo nên độ tin cậy và gia tăng sức lan
tỏa của truyện, dẫn người đọc đến mục đích của nhà văn là sự cảm thông, là bài học cảnh
tỉnh được rút ra đằng sau đó. Đây là nét nổi bật trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp.
2.2. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại về hình thức kết cấu. Ngay từ cuối thế
kỉ XIX đầu thế kỉ XX cùng với sự biến đổi dần dần của hình thái kinh tế - xã hội, văn học
đang trên hành trình quá độ đi vào quỹ đạo hiện đại. Từ những cốt truyện kịch tính kiểu
truyền thống, truyện ngắn đầu thế kỉ XX đã học tập, sáng tạo những cốt truyện kịch tính kiểu
văn học phương Tây - vốn là điều mới mẻ với văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Sáng tác ở giai
đoạn thập niên 20 của thế kỉ XX khi mà các thể loại văn học đang định hình và có sự đan
xen, thâm nhập giữa cái cũ và cái mới nên truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp in đậm dấu
vết của buổi giao thời này. Theo chúng tôi, truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp là sự kế thừa
sáng tạo kết cấu tác phẩm theo quan điểm truyền thống bên cạnh những tiếp thu cách thức
sắp xếp tình huống truyện theo hướng hiện đại. Thật vậy, ở những truyện kể theo thời gian
tuyến tính của câu chuyện, Trần Quang Nghiệp đã tỏ ra dụng công trong cách tạo dựng tình
huống cho câu chuyện khá đặc sắc ở cách kết thúc truyện bất ngờ mang màu sắc bi - hài.
Những kiểu kết thúc này ta sẽ còn gặp nhiều ở các nhà văn miền Bắc sau này như Vũ Trọng
Phụng, Nguyễn Tuân (ở các truyện mang màu sắc hiện thực) và nhất là Nguyễn Công Hoan.
Sự kết hợp các sắc thái bi - hài trong câu chuyện tạo nên tác động cộng hưởng của truyện. Ở
truyện Gặp người gái đẹp, nhà văn đả kích những kẻ hay đi mượn danh người khác để làm
sang mình. Thầy Mười Trương thấy cô gái có màu áo xanh xinh xắn nhận nhầm mình là nhà
báo Bùi Thế Ngươn thì ra chiều đắc ý lắm vì phen này “hưởng đặng chút phấn hương” nhưng
đến khi những cái cán dù đập loạn xạ vào thầy kèm theo lời sỉ mắng: “Thầy ỷ có ngòi bút sắt
mà tưởng rằng tôi chẳng có cán cây dù hay sao?” thì thầy mới hiểu tác hại của việc nhận
quàng người khác. Còn ở Lỗi bù lỗi là câu chuyện bi hài về thân phận con sen thằng hầu
trong đời sống thành thị đầu thế kỉ XX. Con vú nuôi trông ưa nhìn mắc cái lỗi hay ăn cắp vặt
tiền trong túi áo ông Huyện để ông rình bắt được, phải vào phòng bù lỗi. Con ở dùng dằng
mãi, ông vừa bắt vào phòng vừa dọa dẫm sẽ bỏ tù. Những kiểu kết thúc như vậy ta còn gặp
trong các truyện: Nông nỗi vì đâu, Giả thiệt là ai?, Bài Hành Vân, Cái áo màu xanh… Mỗi
câu chuyện là một tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng đối với những thói hư tật xấu ở đời. Đây
là đặc điểm nổi bật trong giọng văn của Trần Quang Nghiệp. Cũng chính vì thế, nhiều nhà
nghiên cứu cho rằng mỗi truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp như một “bài học cảnh giác”
đối với mọi người. Có lẽ vì lí do này mà truyện ngắn của ông được người dân Nam Bộ
đương thời rất ái mộ, thể hiện ở tần suất xuất hiện dày đặc các truyện của ông trên các
tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung, Công luận, Trung lập…
Nhìn chung, truyện ngắn Trần Quang Nghiệp đều có cốt truyện nhưng thường đơn
giản. Dường như đối với ông, cốt truyện chỉ là cái “font” để nhà văn trình diễn kỹ thuật sắp
xếp tình huống truyện. Về tình huống truyện, nếu đặt Trần Quang Nghiệp bên cạnh Nguyễn
Công Hoan ta thấy hai nhà văn này rất gần nhau. Truyện ngắn Lòng người khó biết của Trần
Quang Nghiệp có tình huống truyện khá giống với truyện Oẳn tà rroằn của Nguyễn Công
Hoan. Cùng motif “nhận lầm con” nhưng truyện của Nguyễn Công Hoan được đẩy lên một
mức cao hơn, tình huống truyện kịch tính, lớp lang chặt chẽ. Mặt khác, văn phong trong
truyện cũng được nhà văn trau chuốt, mượt mà hơn văn phong truyện của Trần Quang
Nghiệp nhưng điểm hấp dẫn người đọc ở nhà văn miền Nam này là dù câu chuyện đơn giản,
ông vẫn tạo được ấn tượng mạnh mẽ với người đọc nhờ ngôn ngữ linh hoạt và tình huống
truyện đầy biến hóa. Có thể thấy hai câu chuyện cùng một kiểu kết thúc: bất ngờ, đầy tính
kịch ám ảnh người đọc
(10)
.