CHUYỂN HƯỚNG XÂY DỰNG
MIỀN BẮC, ĐÁNH THẮNG CHIẾN
LƯỢC "CHIẾN TRANH CỤC BỘ"
(1965-1968)
Trên mặt trận phá "bình định", kết hợp chặt chẽ "ba mũi giáp công"
(quân sự, chính trị, binh vận), quân và dân ta đã phá vỡ kế hoạch lập
900 ấp và củng cố 19.000 ấp trong năm 1966 của địch.
Không "tìm - diệt" được chủ lực Quân giải phóng, lại bị Quân giải phóng
tiêu diệt, tiêu hao, không đạt được chỉ tiêu "bình định" vùng nông thôn
đồng bằng, tháng 4-1966, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ buộc phải kết thúc
cuộc phản công sớm hơn dự định.
Thất bại đó khiến cho một số quan chức cao cấp của Mỹ từ chỗ hoài
nghi đi tới chỗ nhận ra rằng: sức mạnh quân sự Mỹ không thể kết thúc
cuộc chiến tranh và giành phần thắng cho Mỹ như dự tính ban đầu.
Song với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ vẫn tăng quân và trang bị
vũ khí vào miền Nam. Đến giữa năm 1967, số quân Mỹ đã lên tới
469.000 tên. Với binh lực lớn, Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần
thứ hai vào mùa khô 1966 - 1967.
Để phân tán lực lượng địch, tháng 4-1966, Bộ Chính trị quyết định tách
hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên khỏi Khu V, để thành lập Khu uỷ và Quân
khu Trị - Thiên - Huế. Tháng 6-1966, Quân uỷ Trung ương quyết định
thành lập Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị.
Cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của địch được thực hiện với một
lực lượng lớn gồm 20 sư đoàn và 10 lữ đoàn chủ lực (trong đó có 7 sư
đoàn và 6 lữ đoàn quân Mỹ), 4.000 máy bay, 2.500 xe tăng, xe bọc
thép, nhằm đánh phá các căn cứ của ta ở phía Bắc Sài Gòn. Trong vòng
6 tháng, địch liên tiếp mở 3 cuộc hành quân quy mô lớn, nhằm "tìm -
diệt" chủ lực và cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam.
Phán đoán đúng ý đồ và thủ đoạn của địch, Trung ương Cục cùng Bộ chỉ
huy Miền đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cho các đơn vị, các địa phương
bố trí lực lượng, hình thành thế trận liên hoàn giữa phía trước với phía
sau, giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân, du kích.
Quân và dân vùng căn cứ và các địa phương miền Đông Nam Bộ đã trụ
bám địa bàn, liên tục tiến công đánh bại các cuộc hành quân
Attơnborơ, Xiđaphôn, Gianxơn Xiti, làm thất bại mục tiêu "tìm - diệt"
của địch. Phối hợp với quân dân miền Đông Nam Bộ, trên các hướng
Nam Bộ, Khu V, Tây Nguyên, Trị - Thiên, quân và dân ta đẩy mạnh các
hoạt động, mở một số chiến dịch tiến công.
Trên mặt trận "bình định", quân và dân các vùng nông thôn đã kiên trì
phương châm "ba bám", đẩy mạnh "ba mũi giáp công", chặn đánh
quyết liệt các cuộc hành quân càn quét và bình định của Mỹ - nguỵ;
trừng trị bọn tay sai, ác ôn; phá vỡ chính quyền cơ sở địch ở nhiều nơi;
giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, xây dựng các ấp, xã chiến đấu
liên hoàn, làng giải phóng, vành đai diệt Mỹ, bao vây, uy hiếp hoặc cắt
đứt các tuyến giao thông huyết mạch của địch. Trong mùa khô 1966-
1967 ta đã giành thêm 390 xã, ấp; nâng tổng số xã, ấp được giải phóng
lên 700 xã và 6.750 ấp. Phong trào đấu tranh chính trị phát triển, từ đòi
quyền dân sinh, dân chủ đến đấu tranh chống nguỵ quyền Thiệu - Kỳ.
Bị thất bại nặng, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ buộc phải chấm dứt cuộc phản
công chiến lược lần thứ hai vào giữa tháng 5-1967.
Thắng lợi của ta đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của quân viễn
chinh Mỹ đã tạo ra cục diện mới trên chiến trường miền Nam.
3. Chuyển hướng xây dựng miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh
phá hoại lần thứ nhất của không quân, hải quân Mỹ
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của Mỹ
là một bộ phận hữu cơ của chiến lược "chiến tranh cục bộ". Máy bay,
tàu chiến Mỹ đánh phá ác liệt hầu hết các vị trí quân sự và dân sự quan
trọng, thả mìn phong toả các cửa biển, lạch sông hòng ngăn chặn sự
tiếp tế bên ngoài vào miền Bắc. Đến năm 1967, khối lượng bom đạn Mỹ
dội xuống miền Bắc lớn gấp 7 lần năm 1965, gây nên nhiều tổn thất về
người và của cho nhân dân ta.
Chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, nhưng nhân dân miền Bắc cũng
như nhân dân cả nước không hề nao núng.
Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả
nước: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn
nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn
phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc
lập, tự do!".
Ngay từ đầu và trong suốt quá trình chống chiến tranh phá hoại lần thứ
nhất, quân và dân miền Bắc đã đánh trả mãnh liệt không quân, hải
quân Mỹ, bắn hạ hàng nghìn máy bay, bắn cháy hàng chục tàu chiến
Mỹ, tiêu diệt hoặc bắt sống nhiều giặc lái. Bảo đảm giao thông, vận tải
thông suốt liên tục trở thành một công tác trọng tâm của kháng chiến.
Đảng và Nhà nước đã phát động và tổ chức phong trào toàn dân làm
công tác giao thông, vận tải, trong đó lực lượng giao thông, vận tải
chuyên nghiệp là nòng cốt và bộ đội công binh, hậu cần, vận tải, phòng
không là lực lượng xung kích.
Dưới bom đạn ác liệt, sản xuất nông nghiệp miền Bắc vẫn có bước phát
triển. Sản lượng lương thực hàng năm trong những năm 1965 - 1968
vẫn đạt xấp xỉ năm 1961; hàng nghìn hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ha.
Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp được duy trì, các nhà máy đã
được sơ tán, bảo vệ để tiếp tục sản xuất. Việc xây dựng và phát triển
công nghiệp địa phương được đặc biệt chú trọng. Nếu năm 1965 toàn
miền Bắc có 205 xí nghiệp trung ương và 927 xí nghiệp địa phương thì
đến năm 1969 con số tương ứng là 277 và 1.075. Một trong những
thành tựu nổi bật là các mặt văn hoá, giáo dục, đào tạo cán bộ, y tế
phát triển, góp phần bảo đảm cho miền Bắc càng đánh càng mạnh. Đời
sống các tầng lớp nhân dân nói chung ổn định. Nhiều gia đình neo đơn,
gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội được tổ chức Đảng, chính quyền,
đoàn thể chăm nom giúp đỡ. Vừa chiến đấu và sản xuất, miền Bắc vừa
nỗ lực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Trong
khoảng thời gian 1965-1968, gần 89 vạn thanh niên miền Bắc được
động viên vào lực lượng vũ trang. Hơn nửa lực lượng bộ đội chủ lực và
gần 80% vũ khí đạn dược được sử dụng ở miền Nam là do Đảng, Nhà
nước ta động viên từ miền Bắc đưa vào.
Tháng 1-1967, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khoá III) quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao nhằm tranh thủ
hơn nữa sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới và nhân
dân tiến bộ Mỹ, khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ địch, cô lập cao độ
phái hiếu chiến trong giới cầm quyền Mỹ, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị
và quân sự của quân và dân ta.
4. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân
Mỹ đã tiến hành chiến tranh cục bộ với mọi thủ đoạn và biện pháp,
song âm mưu giành thắng lợi quyết định ở miền Nam Việt Nam trong
hai năm của Mỹ đã bị phá vỡ. Thất bại ở Việt Nam làm cho tình hình
nước Mỹ trở nên không ổn định. Nước Mỹ đang đến gần năm vận động
tranh cử Tổng thống. Dù là Tổng thống hiếu chiến, Giônxơn buộc phải
thận trọng trong việc tính toán bước đi của Mỹ sao cho vừa tránh mọi
sự đảo lộn bất ngờ trên chiến trường vừa xoa dịu được dư luận trong
nước để bước vào năm tranh cử (1968) một cách thuận lợi.