CHUYỂN HƯỚNG XÂY DỰNG
MIỀN BẮC, ĐÁNH THẮNG CHIẾN
LƯỢC "CHIẾN TRANH CỤC BỘ"
(1965-1968)
1. Chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ và Nghị quyết lần
thứ 11, 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III)
Đầu năm 1965, Mỹ chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", đưa
quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam và ném bom miền Bắc. Mục tiêu của
Mỹ là tiêu diệt chủ lực quân giải phóng, bình định miền Nam, buộc phía
Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện của Mỹ. Để tránh
gây ảnh hưởng xấu tới thế bố trí chiến lược toàn cầu, cũng như tới tình
hình kinh tế, chính trị, xã hội của Mỹ, tránh lôi kéo các nước lớn như
Trung Quốc, Liên Xô trực tiếp tham chiến, chính quyền Giônxơn chủ
trương đưa quân Mỹ vào nhanh và rút ra nhanh, nghĩa là muốngiành
thắng lợi trong một thời gian ngắn.
Từ mùa hè năm 1965, quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ (Nam Triều
Tiên, Úc, Niu Dilân ) ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam. Đến cuối năm
1965 đội quân đó lên tới hơn 20 vạn, trong đó có nhiều sư đoàn, lữ
đoàn tinh nhuệ của Mỹ.
Tháng 7-1965, Giônxơn chấp thuận kế hoạch chiến lược "tìm và diệt"
của đại tướng Oétmolen, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam
Việt Nam. Mỹ dự tính đạt các mục tiêu chiến lược trên đây trong
khoảng hai năm đến hai năm sáu tháng (từ tháng 7-1965 đến giữa hoặc
cuối năm 1967).
Để có một chính quyền tay sai đắc lực hơn, ngày 18-6-1965, Mỹ đạo
diễn cho Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính lật đổ
Nguyễn Khánh, lập chính phủ quân sự. Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh
phá hoại của không quân và hải quân Mỹ từng bước được mở rộng về
quy mô và cường độ. Mỹ đồng thời đẩy mạnh "chiến tranh đặc biệt" ở
Lào; gây sức ép nhằm buộc chính phủ Vương quốc Campuchia từ bỏ
chính sách trung lập. Trên trường quốc tế, Mỹ triệt để lợi dụng mâu
thuẫn Xô - Trung và mở "chiến dịch hoà bình" hòng cô lập Việt Nam.
Trong nước, chính quyền Mỹ thi hành các biện pháp bưng bít tin tức,
không gọi lính trù bị, không tăng thuế, với hy vọng duy trì được sự ổn
định nội bộ, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của Quốc hội và nhân
dân Mỹ đối với chiến tranh Việt Nam.
Việc Mỹ đổ quân vào miền Nam và "leo thang" đánh phá miền Bắc đặt
ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta câu hỏi lớn: Việt Nam có
đánh được Mỹ không, đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào? Sự nghiệp
xây dựng miền Bắc vẫn tiếp tục hay phải dừng lại?
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) tháng 3-
1965 đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc từ thời
bình sang thời chiến, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong
điều kiện có chiến tranh, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không
quân, hải quân Mỹ, phát huy vai trò của hậu phương lớn đối với tiền
tuyến miền Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng hai nước
Lào, Campuchia.
Mọi hoạt động ở miền Bắc nhanh chóng chuyển hướng. Các cơ quan,
nhà máy, trường học và một bộ phận dân cư khẩn trương phân tán, sơ
tán khỏi những vùng trọng điểm đánh phá của địch. Các phong trào thi
đua dấy lên mạnh mẽ, rộng khắp, liên tục, với khẩu hiệu "Tất cả cho
tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Chỉ một thời gian
ngắn, gần 27 vạn thanh niên được động viên vào quân đội. Đến cuối
năm 1965 quân chủ lực miền Bắc tăng gấp 2 lần, dân quân, tự vệ tăng
nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Được miền Bắc tăng sức chi viện, chủ lực Quân giải phóng miền Nam
phát triển từ 10 trung đoàn (1964) lên tới 5 sư đoàn, 11 trung đoàn và
một số trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật. Toàn bộ lực lượng
này được bố trí trên các địa bàn chiến lược rừng núi, nông thôn, đồng
bằng, vùng ven và đô thị. Dựa trên thế trận đó, khi quân Mỹ vừa triển
khai lực lượng, quân và dân miền Nam tổ chức một số trận đánh phủ
đầu: Núi Thành (3-1965), Vạn Tường (8-1965), Plâyme (11-1965), Đất
Cuốc, Bầu Bàng (11-1965), đánh thắng một số đơn vị tinh nhuệ lính
thuỷ đánh bộ, kỵ binh không vận của Mỹ.
Từ thực tiễn đó,Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khoá III) tháng 12-1965 kết luận: mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền
Nam hàng chục vạn quân đội viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và
địch vẫn không thay đổi lớn, cuộc chiến tranh trở nên gay go, ác liệt,
nhưng nhân dân ta đã có cơ sở chắc chắn để giữ vững thế chủ động
trên chiến trường, có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước
mắt và lâu dài của địch.
Hội nghị hạ quyết tâm chiến lược: động viên lực lượng cả nước, kiên
quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ
tình huống nào. Phương châm chiến lược chung vẫn làđánh lâu dài, dựa
vào sức mình là chính.Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó, Hội
nghị cũng dự báo một khả năng khác: trên cơ sở quán triệt và vận dụng
phương châm đánh lâu dài, cần phải cố gắng cao độ, tập trung lực
lượng của cả hai miền đểtranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định
trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam. Hội
nghị nhấn mạnh việc tăng cường công tác tư tưởng và tổ chức của
Đảng.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 và 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khoá III) có tầm quan trọng trong việc đánh bại chiến lược "chiến tranh
cục bộ" của Mỹ.
2. Đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ - nguỵ trên chiến
trường miền Nam
Trước mùa khô 1965-1966, Bộ Chính trị chỉ thị cho quân và dân ta ở
miền Nam ra sức chuẩn bị thế trận và lực lượng, kiên quyết giữ vững
thế chủ động tiến công, dùng hình thức phản công chiến dịch, phản
công chiến đấu để tiêu diệt quân Mỹ và quân nguỵ, làm thất bại các
mục tiêu cơ bản của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô
1965 - 1966. Trung ương Cục, các Khu uỷ và Quân khu uỷ, các cấp Đảng
uỷ địa phương miền Nam khẩn trương mở các cuộc hội nghị bàn biện
pháp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, gấp rút chuẩn
bị mọi mặt, sẵn sàng chủ động đối phó với địch.
Những ngày đầu tháng 1-1966, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ đã sử dụng 72
vạn quân với khối lượng vũ khí lớn mở cuộc phản công chiến lược lần
thứ nhất, đánh vào miền Đông Nam Bộ và Khu V. Mục tiêu là "tìm -
diệt" quân giải phóng, giành lại quyền chủ động chiến trường, "bình
định" các vùng nông thôn đồng bằng quan trọng.
Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng và phát triển
trên ba vùng chiến lược, kết hợp chặt chẽ các hình thức tác chiến của
bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích, lực lượng vũ
trang ta đã liên tục chặn đánh, kìm chân, phản công và tiến công, làm
thất bại nhiều cuộc hành quân "tìm - diệt" của quân Mỹ và chư hầu ở
Củ Chi, Nhà Đỏ - Bông Trang - Bình Mỹ, chiến khu D, chiến khu Dương
Minh Châu, Bắc Bình Định, Nam Phú Yên, Tây Sơn Tịnh Các đơn vị đặc
công biệt động, pháo cối luồn sâu, các lực lượng du kích "vành đai diệt
Mỹ" đã tổ chức các trận tập kích, phục kích, đánh vào hậu phương, hậu
cứ của địch.