Mấy suy nghĩ về nhà thơ Xuân Sách
Trong những thăng trầm mỗi nhà văn nếm trải mỗi người mỗi vẻ ấy,
tôi luôn có suy nghĩ rằng, nhà thơ Xuân Sách đã nếm trải nỗi buồn,
có những lúc như là sự cơ hàn và cả sự thất vọng ở một tình thế khác
người. Và ông đã tự vượt qua. Và ông cầm bút viết ra những bài thơ,
những trang văn, theo tôi không ít trang sâu sắc và bình dị. Để rồi,
khi sau này dành thời gian viết những bài thơ chân dung các nhà
văn, chất lượng và tâm huyết ở thời kỳ mới, đã dường như gây ra
những nỗi buồn cho người viết chăng? Tôi vẫn nghĩ chưa có sự công
bằng cho các bài thơ chân dung của ông và về phía cá nhân, tư cách
người viết văn, tôi mong muốn các tác phẩm ấy được hiểu một cách
bình đẳng. Chúng ta nên tự nâng mình trong sự hiểu và cho phép
hiểu mọi tác phẩm văn học nghệ thuật, miễn là phục vụ sự tiến bộ
của xã hội loài người, trong đó có những văn nghệ sĩ, để chúng ta, khi
viết về nhau một cách bình thường, cũng là chuyện bình thường.
Những khuyết điểm, kể cả sự non yếu, ấu trĩ về chính trị của người
viết, đương nhiên nó sẽ tự đào thải, thời gian và sự tinh tường của
độc giả đích thực sẽ biết giải quyết êm thấm một cách công bằng
những điều ấy.
Mấy năm trước, trong đợt công tác tại thành phố Vũng Tàu làm phim
tài liệu, nhà văn Hoàng Quốc Hải giới thiệu tôi với giám đốc Nhà sáng
tác Vũng Tàu - nghệ sĩ Đỗ Mão. Rằng là cứ vào đấy, khó khăn gì thì
gặp Đỗ Mão, cứ như thế, như thế. Với cá tính ham chơi, đương nhiên
tôi đến chào Đỗ Mão. Ông là một nghệ sĩ về bè bạn học. Chơi rất bền
và chơi rất hay với giới văn nghệ sĩ. Khi biết công việc của tôi là làm
phim chân dung các văn nghệ sĩ lão thành, đặc biệt các văn nghệ sĩ
từng tham gia các cuộc chiến tranh, viết về các cuộc chiến tranh, Đỗ
Mão bảo: Hay là chúng ta làm phim chân dung về nhà thơ Xuân
Sách? Với trực giác của mình, tôi đồng ý ngay còn hăng hái gọi điện
ra báo cáo Tổng biên tập, một nhà báo dày dặn kinh nghiệm và luôn
tạo điều kiện cho anh chị em Biên tập viên trẻ làm việc, sáng tạo.
Anh luôn rất tin tôi ở sự thẩm định những đóng góp của các văn
nghệ sĩ trong các cuộc kháng chiến. Tôi trò truyện với anh, trình bày
cách làm phim qua điện thoại. Như mọi bận, anh ủng hộ tôi và nhắc
nhở một số điều. Anh cũng hào hứng như tôi, như Đỗ Mão. Ai chứ
nhà thơ Xuân Sách, biên tập viên thơ có hạng ở tạp chí Văn nghệ
quân đội, tác giả của những bài thơ nổi tiếng đã được phổ nhạc như
Việt Nam trên đường chúng ta đi, Cùng anh tiến quân trên đường
dài… tác giả của rất nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ và là người rất cá
tính trong biên tập, từng thẳng thừng không cho đăng những bài thơ
yếu kém của các cây đa, cây đề trong làng văn nghệ ở những thời
gian ông làm biên tập thơ VNQĐ. Ngay bản thân ông, khi cảm nhận
về nghề viết, đã viết ra những dòng về mình cũng thật là riêng: “Tôi
nghiệm ra rằng viết văn, viết cho hay, là cực khó. Nghề văn so với các
nghề khác trong xã hội có tỉ lệ người làm nghề rất thấp. Người tài, có
tác phẩm xuất sắc càng ít, cả một thời đếm không hết mười đầu ngón
tay. Vậy là hiếm là quý? Trớ trêu thay, những văn tài bao giờ cũng
lận đận, làm nghề văn ít thấy người không trải chìm nổi, truân
chuyên… Nhưng những sáng tạo của các văn tài bao giờ cũng thuộc
về nhân dân và là tinh hoa của dân tộc. Đó phải chăng là một quy luật
đặc thù của nghề văn?”.
Được Tổng biên tập đồng ý, lại được Đỗ Mão khích lệ, chúng tôi đến
nhà nhà thơ Xuân Sách, vừa là xin phép, vừa là bàn bạc cách làm
luôn. Khi ấy, máy móc quay phim tôi đã chuẩn bị, chỉ đợi nhà thơ ừ là
tiến hành. Ngày ấy, chúng tôi làm phim chân dung cũng không cầu kỳ
lắm, thường khoảng 20 đến 25 phút, khi phát sóng cũng có dư luận.
Tôi đã thực hiện phim chân dung về các nhà văn nhà thơ Nguyễn
Thi, Hoàng Cầm, Tạ Hữu Yên, Hồ Phương, Học Phi, Xuân Thiêm, Vũ
Cao, Ngân Giang, Thanh Giang… các họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, Huỳnh
Phương Đông, Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Văn Đa, Huy Oánh, Quang
Thọ… các nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp,
Huy Du, Huy Thục, Hoàng Tạo… ở cơ quan, nhìn chung thời gian ấy
tôi đặc trách mảng phim chân dung các văn nghệ sỹ nên làm cũng có
mảng có miếng, biết cách khơi lên, dựng lại khá thành công chân
dung các văn nghệ sỹ. Có phim đã đoạt giải trong các kỳ thi, kỳ liên
hoan ở các cấp độ khác nhau.
Hôm ấy, thông qua sự liên lạc của Đỗ Mão, tôi xin phép đến thăm và
làm việc với ông. Đúng hẹn, chúng tôi đến căn nhà nhỏ nơi ông sống.
Những cành phong lan được trồng từ lâu và chăm sóc cẩn thận đang
đua nhau thả ra những chùm hoa rất đẹp. Tôi nắm bàn tay gầy nhỏ
nhưng rất ấm của nhà thơ bây giờ mới gặp. Bên ấm trà, có cả rượu,
tôi, người lần đầu tiên gặp mặt sao mà cảm thấy thoải mái quá. Tôi
thấy ông có một trí nhớ và sự thông minh tuyệt vời. Tuy thỉnh
thoảng mới nói ra những điều đang nghĩ, nhưng bằng một trực cảm
riêng, tôi biết ông đang suy nghĩ nhiều đến những vấn đề văn nghệ,
hay nói cách khác, văn chương ăm ắp trong con người ông vẫn luôn
sôi réo, cựa quậy trong mặt biển chiều mênh mông im lặng. Tôi như
thấy biết bao nhiêu sóng ngầm ở dưới cái đại dương im lìm ấy.
Và thật bất ngờ, ông từ chối tôi thực hiện bộ phim chân dung về ông.
Ông là người thứ hai từ chối làm phim chân dung khi tôi đề nghị.
Người trước đó là nhà văn Nguyên Ngọc.
Khi thực hiện phim tài liệu chân dung về nhà văn Nguyễn Thi, nhà
văn Nguyên Ngọc đã nhiệt tình giúp đỡ tôi rất nhiều về tư liệu, đặc
biệt những tư liệu khi ông và Nguyễn Thi cùng nhau hành quân bộ
vào chiến trường Khu 5 rồi sau đó Nguyễn Thi vào Đông Nam bộ còn
Nguyên Ngọc vào chiến đấu với bà con ở Tây Nguyên. Cuộc ấy, tôi có
phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc về cá tính cũng như các sáng tác
của Nguyễn Thi. Nguyên Ngọc nói rất hay, tôi đặc biệt nhớ câu khi
hai người chia tay nhau ở ngã ba đường rừng Khu 5 đêm Nguyễn Thi
vào Nam, Nguyễn Thi ôm siết Nguyên Ngọc bảo: Ngọc ơi! Nhất định
anh em mình chỉ về Bắc bằng con đường số một đã giải phóng!
Tôi thấy hình như Nguyên Ngọc khóc.
Tôi đã làm phim ấy bằng hết khả năng của mình.
Thế mà sau đó, nói thế nào ông cũng không đồng ý.
Và hôm nay, người thứ hai là Xuân Sách.
Tôi nghĩ rằng, Xuân Sách có lý do riêng xác đáng của mình. Đối với
những người làm văn chương, lý do ấy đôi khi chẳng cần phải nói ra.
Những ngày ấy, từ trường của tập thơ chép tay Chân dung nhà văn
vẫn đang âm ỉ cháy lan trong giới văn nghệ toàn quốc. Bản thân ông,
dường như bao chiêm nghiệm, tuổi tác, cả những thị phi, cá tính, vui
buồn…đã cho ông luôn luôn biết tự quyết định làm điều gì và không
nên làm điều gì. Tôi lờ mờ hiểu rằng, đằng sau tảng trán gồ vát đang
bóng loáng lên kia là bao nhiêu suy tư chưa nói được, thậm chí có
những suy nghĩ ông quyết định giữ lại chẳng bao giờ nói thì ý nghĩa
gì cái sự xuất hiện bằng phim ảnh. Tôi lặng lẽ nhấm nháp từng ly
rượu và trả lời nhà thơ với cái vốn hiểu biết của mình về các văn
nghệ sỹ lớn tuổi, các đàn anh và bè bạn của ông ở Hà Nội mà tôi may
mắn được biết và cũng tuyệt nhiên không nhắc gì đến phim ảnh nữa.
Buổi gặp đầu tiên ấy, đã cho tôi nhiều ấn tượng về ông khác hẳn
những đồn đại, kể cả những bài viết về ông một cách thái quá theo
chiều này hoặc chiều kia mà người đời gọi là dấm ớt. Nhìn một văn
nghệ sỹ mà xuất phát và căn cứ vào những lệ thuộc ngoài văn
chương thì đời sống cá nhân cũng như tác phẩm của nghệ sỹ ấy dễ bị
hiểu lệch lạc mà nhiều khi càng cải chính càng xa rời sự thật. Tôi
hiểu, chắc là đã từ lâu, ông cần một sự tĩnh tại tuyệt đối để biết đâu
chiêm nghiệm ra một điều gì hoặc có khi ông đã ngộ ra sự im lặng
mới là cái đích hướng tới của mình. Tập thơ Chân dung nhà văn khi
có đời sống riêng biệt của nó đã cho ông một suy nghĩ như thế? Hay
rốt cuộc, những tác phẩm văn chương gan ruột mà ông theo đuổi,
thực ra cũng chẳng giải quyết được gì trong cuộc sống đang ngày
càng tù túng và cạn cợt? Văn chương gì mà đi mãi, đi mãi cũng chỉ
gặp rặt những thứ mà mình muốn tránh nó đi, tốn bao mồ hôi công
sức đấu với nó, cả đoàn thể cũng đấu với nó mà sao nó vẫn cứ nhăn
nhở chiếm hữu và tuồng như đang thắng thế trong đời sống này. Tôi
thấy những suy nghĩ miên man, đứt nối, trùng điệp của ông mà bỗng
tưởng như cá nhân mình cũng đang ngày càng phù phiếm và dớ dẩn.
Công cuộc mưu sinh như cơn lốc cuốn đi.
Vài năm sau, tôi tình cờ gặp nhà thơ trong một hoàn cảnh khác.
Hôm ấy tôi vừa ở Tây Nguyên về Sài Gòn sau một tháng triền miên đi
hơn 20 đồn biên phòng của các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai thì
nhận được thông tin từ cơ quan VNQĐ ( lúc này tôi đã chuyển công
tác về đó) là cố gắng đi tàu cánh ngầm xuống Vũng Tàu dự đám cưới
con nhà thơ Xuân Sách. Quẳng ba lô xuống, tôi hồ hởi bắt xe ôm ra
bến tàu cánh ngầm ngay. Đến nơi, đám cưới đang bắt đầu. Các anh
chị văn nghệ sỹ, trong đó có Đỗ Mão đón tiếp rất niềm nở. Và tôi đã
vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến cảnh vợ chồng nhà thơ cùng thông
gia và cô dâu chú rể sang trọng lướt một chiếc băng chuyền từ dưới
cuối khán phòng trong tiếng nhạc và hoa và sâm panh và tiếng vỗ tay
như sấm của những người dự tiệc. Ngạc nhiên hơn nữa, khi đến chỗ
chúng tôi chúc rượu, ông đã nhận ra tôi ngay và hóm hỉnh bảo:
Không giận mình vụ làm phim chứ hả? Biết cậu về Tạp chí rồi, lại làm
đúng chân của tớ, khỏe văn xuôi nhưng làm biên tập viên thơ, thú vị
nhỉ. Cả mâm cười vang chúc tụng và thầm phục trí nhớ tuyệt vời của
nhà thơ ở một cái việc mà chắc hiếm người nhớ thế để làm gì.
Hôm ấy, qua mọi người, qua xâu chuỗi những suy nghĩ không liền
mạch của tôi về ông mới thấy ông vẫn là người luôn nhập cuộc. Nhập
cuộc một cách đầy chủ động. Có điều, cái cách nhập cuộc, nhập vào
đời sống của Xuân Sách rất khác người ra. Ông lặng lẽ và nghiền
ngẫm, đưa ra những ứng xử với văn chương, với thời cuộc theo một
cách riêng. Đã bao nhiêu năm ông ưa náo hoạt thì mấy chục năm
cuối ông trở về im lặng mà mặc kệ người đời. Trong khoảng thời
gian không gặp ông, tôi nhiều lần gặp nhà thơ Vũ Cao, một người
hiểu Xuân Sách hơn ai hết, và tôi hỏi về ông, và Vũ Cao chỉ tủm tỉm
cười. Mãi sau này, trong những đêm đông mưa rét bố mẹ vợ con tôi
ốm triền miên ở các bệnh viện, bản thân bị vướng vào những chuyện
thị phi, khi ấy tôi mới thấy sự hữu hạn, nhỏ bé biết nhường nào của
văn chương trước cuộc đời và đột nhiên loé sáng về những sự im
lặng, những cái mỉm cười ý nhị của những người đi trước.
Cuộc sống qủa là có những lý lẽ riêng của mình.
Văn chương so với cuộc sống nhỏ bé xiết bao.
Nhưng càng thế tôi càng yêu những người nghệ sĩ.
Kể ra đây những chuyện rất nhỏ trong văn nghệ và đời sống ấy, tôi
muốn nói một điều rằng, các văn nghệ sỹ nhìn nhau, bao giờ chẳng
mỗi người một góc cạnh. Có điều, dù khác nhau về cách nhìn đến
mấy những mỗi khi chúng ta viết về nhau, lại là viết về những người
lớn tuổi, người đi trước, đặc biệt là những người đã khuất nên hết
sức thận trọng. Vừa qua, nhà phê bình Vương Trí Nhàn, một người
cùng cơ quan, đàn em của nhà thơ Xuân Sách trong bài viết rất công
phu Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương từng trích in trên một
tạp chí văn học và các trang báo mạng đã bằng vào một điểm nhìn và
cách thể hiện theo tôi là chưa ấm áp, còn nhiều áp đặt và thiên kiến
cá nhân khiến tôi có nhiều suy nghĩ. Tôi không thân thiết với nhà thơ
Xuân Sách, lại càng ít gặp gỡ nhà thơ mặc dù tôi luôn là người ưa
thích và dành nhiều thời gian trong việc giao tiếp, gặp gỡ các văn
nghệ sĩ đàn anh, những người lớn tuổi, các bậc cha chú trong làng
văn. Tôi gặp ông vẻn vẹn có hai lần, và trong những lần ấy lại gần
như không nói gì nhiều về văn chương, nghệ thuật. Tôi đọc ông cũng
ít, ngoại trừ Đội thiếu niên du kích Đình Bảng đọc từ tấm bé và khi
ấy chẳng thể nào thẩm định văn chương. Sau này cũng thế, so với
việc hiếm gặp ông do địa lý và cơ duyên, thì việc đọc các sáng tác của
ông, kể cả Chân dung nhà văn chắc gì đã là kỹ lưỡng. Nhưng tại sao
tôi vẫn cầm bút viết về ông, cho dù ở một góc nhìn rất nhỏ? Điều này
cho tôi giải thích luôn: Đó là một trực giác văn nghệ. Trực giác xưa
nay vẫn giúp tôi vượt qua nhiều bẫy giập ở đời, kể cả những bẫy giập
nguỵ trang bằng danh vọng, tiền tài, nhung lụa. Khi nhà thơ Xuân
Sách mất, thật tình cờ, tôi lại ở Tây Nguyên. Nhận điện thoại là ông
đã ra đi, lúc ấy tôi chỉ thoáng chạnh lòng đôi chút, thoáng đó đi qua
rất nhanh. ấy vậy mà, khi đọc bài báo về chân dung ông, của một đàn
em của ông viết về ông tôi bỗng không hiểu tại sao như là mình rơi
vào một tình huống khó xử? Đọc bài viết ấy, tôi rất buồn và thoạt
tiên chỉ biết im lặng. Không hẳn vì mình là lớp hậu sinh chẳng mấy
liên quan. Cũng không hẳn tôi không có khả năng viết những bài hay
hơn thế nhưng khác thế. Tôi buồn vì một lý do gần như không giải
thích được. Và cũng chẳng muốn giải thích để làm gì. Tôi chưa có đức
tính im lặng lâu bền hay từ chối tức thì một điều gì đó như một số
nhà văn nhà thơ lớn tuổi khi tôi đề nghị làm phim chẳng hạn? Ở tuổi
tôi không nên có những hành vi ấy. Bởi vậy, cũng như một cách im
lặng, tôi cầm bút viết mấy điều vụn vặt, bé nhỏ mà nếu không có bài
viết kia chắc chắn chẳng bao giờ tôi viết. Hay đó là cá tính của tôi
chăng?