Một số đặc điểm phong cách nghệ thuật
Nguyễn Tuân qua truyện ngắn "Khoa thi
cuối cùng"
Trong tiến trình văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân là một cây bút có sức
viết dồi dào. Cả trước và sau cách mạng tháng Tám ông đều để lại rất
nhiều tác phẩm có giá trị. Đến với tác phẩm của nhà văn tài hoa này, mỗi
người đọc đều nhận ra một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ gia tài văn học
của ông từ Vang bóng một thời, Tuỳ bút I, Thiếu quê hương, Chiếc lư
đồng mắt cua, Tóc chị Hoài đến Đường vui, Tình chiến dịch, Sông Đà,
Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi: Đó là phong cách nghệ thuật của ông. Chính
những trang văn “như có dấu triện đóng vào” được Nguyễn Tuân viết ra
trong sự nghiệp văn chương của mình đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng
người đọc bởi nó mang phong cách uyên bác, tài hoa, độc đáo và một
giọng văn rất riêng không ai bắt chước được. Trong tiểu luận này, người
viết sẽ đi vào tìm hiểu một số đặc điểm phong cách nghệ thuật Nguyễn
Tuân qua truyện ngắn Khoa thi cuối cùng (trích trong tập Vang bóng
một thời của ông).
Như chúng ta đã biết cho đến nay có rất nhiều cách hiểu, cách định
nghĩa về phong cách nghệ thuật của một nhà văn hay một trường phái
văn học. Tuy nhiên ta có thể hiểu về phong cách theo cách có nhiều
điểm chung được nhiều người đề cập đến, trong đó: “Phong cách là kiểu
nhận thức của nhà văn về cuộc sống, biểu hiện những đặc điểm cá tính
sáng tạo của nhà văn; đó là cách nhìn và sự cảm thụ thẩm mĩ của nhà
văn đối với cuộc sống, đối với thế giới, là sự tổng hợp các đặc điểm của
hình thức nghệ thuật trong sự thống nhất với nội dung”. Phong cách
nghệ thuật của Nguyễn Tuân được người viết hiểu theo hướng đó. Người
viết, qua truyện ngắn Khoa thi cuối cùng, không có tham vọng tìm hiểu
một cách đầy đủ các nét phong cách của Nguyễn Tuân mà chỉ nhằm tìm
hiểu một số nét phong cách của nhà văn thể hiện trong tác phẩm này.
Trước cách mạng, Nguyễn Tuân là một người viết nhiều về đề tài truỵ
lạc, xê dịch và hoài cổ. Đây là mảng đề tài đã góp phần tạo nên phong
cách Nguyễn Tuân. Trên thực tế, đề tài hoài cổ cũng là một biến thể của
cảm hứng xê dịch và tập truyện ngắn Vang bóng một thời (trong đó có
Khoa thi cuối cùng) là sự kết tinh của cảm hứng đó với lao động nghệ
thuật của nhà văn. Khoa thi cuối cùng, như các truyện khác trong Vang
bóng một thời, nói về một đoạn quá khứ chưa xa lắm với thời tác giả, nó
thuộc về giai đoạn giao thời. Khoa thi năm Mậu Ngọ, khoa thi mà cả
những ông đồ già, râu tóc bạc màu vì sự đùa nhả của công danh cũng cố
chen ra vớt lấy một chút phấn hương cuối mùa của triều đình, là khoa thi
của buổi giao thời, được Tú Xương nói đến trong cảnh “Trường Nam thi
lẫn với trường Hà” trong thơ mình. Cái quá khứ còn chưa xa nhưng lại
rất xa đó là mảnh đất chỉ Nguyễn Tuân độc diễn mới thành công. Khoa
thi cuối cùng nói riêng và Vang bóng một thời nói chung là nơi mà
những người, những cảnh của buổi giao thời đua nhau hiện về trong
từng trang viết.
Nguyễn Tuân nhìn con người từ góc nhìn của cái đẹp nên ông trân trọng
cái đẹp, cái tài, cái thanh sắc của những con người tài hoa nghệ sĩ. Khoa
thi cuối cùng là nơi những con người tài hoa nương náu và sống nốt
phần thời gian quý báu mà thời cuộc dành cho bởi sau đó “ở cái buổi
giao thời ( ) chữ Hán chỉ còn là một thứ xa xỉ phẩm trong cõi học vấn
của một lớp người ( ) còn sống thêm một ngày là càng chỉ thêm một
ngày bỡ ngỡ với phong hội mới”. Trong tác phẩm này, Nguyễn Tuân
dùng thủ pháp “soi gương” để dẫn dắt mạch truyện về những kẻ tài hoa
bất đắc chí và những kẻ “tài tình mà không được gặp gỡ” (chữ dùng của
Mộng Liên đường chủ nhân). Ông đầu xứ anh và đầu xứ em người làng
Ngoạt, giống nhau như đúc và cùng chịu sự báo oán của một hồn ma. Sự
báo oán dai dẳng và khủng khiếp đó đã vùi giập cả hai anh em không
cho họ tranh đua tài hoa được với đời. Cô Phương hàng sách cũng là một
con người tài hoa, tài tình và có nhan sắc. Với thủ pháp soi gương,
Nguyễn Tuân để ông đầu xứ anh nhận ra “khuôn mặt cô Phương cũng
hao hao tợ như người đàn bà ẵm con xoã tóc ngồi rú kêu than nơi đầu
chiếc chõng tre trong trường thi năm nọ”. Ở đây, cái Đẹp, trong cách
nhìn của Nguyễn Tuân, còn là cái Đẹp ma quái, sắc đẹp là âm oán. Cô
Phương chính là cái bóng, là di ảnh của một âm hồn chết trong tủi hờn,
oan ức. Cái đẹp như gần mà như xa, như đáng yêu, quyến rũ nhưng cũng
đáng sợ.
Nguyễn Tuân viết về quá khứ là để xê dịch ngược dòng thời gian mà
sống với những vẻ đẹp xưa. Ông nói đến những con người tài hoa, nổi
tiếng một thời là để phản ứng lại, để phá ngang với những gì phản giá
trị, phản tài hoa. Ở đây, gần như không có một thế lực xã hội nào thể
hiện rõ thái độ phản lại những giá trị tài hoa (ngoài việc nhà nước bắt
đám sĩ tử chụp ảnh dán vào quyển nộp hay thêm mục thi tân thư và toán
pháp hoặc đám lính thanh khoá đội nón đĩa nai nịt súng ống gọn ghẽ ( )
vào trường giữ trật tự) nên Nguyễn Tuân hướng vào vận mệnh và số
phận của tài hoa. Chính số phận đã dìm những con người tài hoa xuống
đáy sâu của sự tàn lụi (mưa thu dầm dề, trời thu ảm đạm và âm hồn của
người đàn bà báo oán). Tất cả được xây dựng trong một ám ảnh văn hoá
của tâm thức tài mệnh tương đố, tạo vật đố toàn xa xưa và ám ảnh về sự
cùng đường mạt vận của một lớp người bị lịch sử dồn vào một góc, trở
thành một đám tài hoa bất hạnh. Nguyễn Tuân lên án buổi giao thời đã
làm cho những giá trị xưa cũ không còn đất sống, không chốn nương
thân sau những lựa chọn sinh tử cho một cơ hội nhỏ nhoi cuối cùng.
Buổi giao thời với những kim tiền, ông Tây An nam sẽ thay thế các giá
trị cũ, đạp lên những nhúm tài hoa cũ mà khoa thi Mậu Ngọ, khoa thi
cuối cùng, chỉ là một khoảnh khắc ồn ào, một sự hỗn loạn mà sau nó là
sự im lặng đến đáng sợ của “con người hỏng thi uống hết ba bình rượu
cúc trong một đêm dài nhất trong một đời người”, buông xuôi theo “một
cảnh thu muộn”, theo một “chén trà trong sương sớm”, hay những cuộc
“đánh thơ”, “thả thơ”. Sự ồn ào không khoả lấp được nỗi buồn do sự im
lặng mà nó gây ra. Khoa thi Mậu Ngọ ấy chỉ làm hằn sâu thêm nỗi đau
trong lòng hai anh em ông đầu xứ, “hai cái tài hoa cộng lại không được
bốn mươi nhăm tuổi đầu” mà “tài hoa đã làm trội một vùng tỉnh Nam”.
Khoa thi cuối cùng là truyện ngắn mang hơi thở của truyền kỳ và “yêu
ngôn”. Tuy không cùng một dòng với đa số truyện khác trong Vang
bóng một thời nhưng ở tác phẩm này vẫn thể hiện những nét phong cách
độc đáo của Nguyễn Tuân. Nhà văn viết về những con người tài hoa,
những con người cũ và thực chất ông cũng là một cây bút tài hoa, uyên
bác. Ông đã mở đầu truyện bằng một màu vàng của bìa cuốn lịch toà
Khâm Thiên Giám nhoè nét son dấu kim ấn, màu vàng của hoa hoè nở
vàng khè bên đường cái quan, hoa hoè rầu cánh màu vàng úa tối mãi
xuống, màu vàng của một tấm giấy cáo trục phong tặng hoặc là phần
hoàng mai sau cho đấng sinh thành, rồi chuyển sang không gian âm u
của mưa của gió của khói hương và không gian đêm của bữa rượu dài
nhất trong một đời người sĩ tử hỏng thi (vừa thi xong đã biết là mình thi
hỏng). Không gian của giấc mơ, của những ân oán u hiển cứ trộn hoà
vào nhau dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn. Có lẽ cũng chỉ có Nguyễn
Tuân mới viết về quá khứ sâu sắc và uyên bác đến thế. Những đoạn viết
của ông về chọn giấy, chọn mực, về ngày thi, về khung cảnh trường thi
thực sự là những tờ hoa, trang hoa. Người đọc thấy hấp dẫn bởi những
sắc màu của trí tuệ toả ra từ trang văn với sắc vàng của “Hoè hoa hoàng,
cử tử mang”, từ những chiếc bút Song Lan, Thanh Chi, Nhất Chi, Tảo
Thiên Quân, từ những trang giấy lệnh đóng quyển thi, của mực Kiêu Kị,
mực Hoàng Tam Sương cùng những phong tục trường ốc cầu kì, bí
hiểm.
Nguyễn Tuân là một con người tài hoa, phóng túng và các nhân vật của
ông cũng in bóng cái Tôi của ông. Ông đầu xứ anh tài hoa và đa tình
không may trượt kỳ thi Ất Mão và nhận mình chỉ là thí sinh của một kỳ
thi duy nhất dù cho thầy học, bạn bè và quan đốc trên tỉnh gửi gắm rất
nhiều tin tưởng ở ông. Sự cực đoan trong cách nghĩ của nhân vật là nét
tâm lý chung của kiểu người tài hoa bất đắc chí và cũng là của Nguyễn
Tuân. Hình ảnh ông đầu xứ anh xét cho cùng là cái bóng của con người
nhà văn và là hình mẫu mà ông đầu xứ em rồi sẽ trải qua. Ông đầu xứ
em cũng hội đủ những nét tài hoa, bất đắc chí để trở thành nghệ sĩ bất
mãn với thời cuộc. Đây cũng là đặc điểm chung của kiểu nhân vật lãng
mạn. Dù là thí sinh của kỳ thi duy nhất hay thí sinh của khoa thi cuối
cùng thì những con người đó (với cái nhìn “vận vào”) vẫn coi mình là
người của thời cũ, thuộc về cái cũ dù trong hiện thực họ phải đối diện
với cái mới (chụp ảnh và học tân thư toán pháp trước khi thi). Con người
tài hoa bất đắc chí đó kiêu bạc, mỉa mai trong cái nhìn với phong hội
mới và với chính hành trang văn hoá mang nặng trên mình.
Nguyễn Tuân đã sống và viết “khổ hạnh” suốt cả một đời văn và chính
sự khổ hạnh ấy của đã giúp ông viết nên những trang văn ấn tượng, đầy
phong cách. Nói như vậy không có nghĩa là bất cứ trang viết nào của nhà
văn cũng mang đậm và mang đầy đủ tất cả các đặc trưng, phong cách
của Nguyễn Tuân. Truyện ngắn Khoa thi cuối cùng cũng vậy, đó chỉ là
một mẫu để người viết xem xét và tìm ra một số nét phong cách được
nhà văn thể hiện trong đó. Truyện kể về những con người tài hoa bất đắc
chí chịu sự vùi dập của số phận được viết bởi một cây bút phóng
khoáng, tài hoa, uyên bác, độc đáo, một cái Tôi cao ngạo, tôn thờ cái đẹp
duy mỹ. Khoa thi cuối cùng là những trang văn đẹp theo kiểu Nguyễn
Tuân và chỉ Nguyễn Tuân mới viết được như thế.