Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Lý Thường Kiệt - Dấu chân trên đất Tống phần 2 doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (144.49 KB, 15 trang )

Lý Thường Kiệt - Dấu chân trên đất Tống
II. Những chính sách biên thuỳ của Tống.

Tống lúc đó dưới thời của Tống Thần Tông ( 1068-
1085) và tể tướng Vương An Thạch, vua thì chí cao
quật cường, tôi có cao tài kinh tế. Địa giới Tống về
phía Bắc kề Vạn Lý trường thành có Liêu và Hạ là
hai nước mạnh, nên chính sách bành trướng ban đầu
của Tống chủ yếu hướng về phía Nam và phía Tây.
Mấy trăm năm trước Tống Thái Tông đã đem quân
đánh nước ta và đã bị bại về tay Lê Đại Hành (981),
sau này Liêu và Hạ quá hung hăng quấy nhiễu biên
thuỳ, nên vua tôi Tống bắt buộc phải dồn toàn bộ tâm
trí cho mặt Bắc thuỳ, ít để ý đến phương Nam, vì vậy
quân ở phía Bắc là chủ lực và rất thiện chiến, ngay cả
cuộc xâm chiếm của Quách Quỳ sau này vào Đại
Việt cũng lấy quân tướng từ mặt trận Liêu Hạ cả.

Khi Tống Thần Tông lên ngôi, Vương An Thạch
chấp chính đưa ra cuộc cách mạng Tân pháp (1) rất
lợi hại, bấy giờ mới muốn đem quân về phía Nam
xâm chiếm Đại Việt, mục tiêu là mở rộng bờ cõi và
gây thanh thế với các nước Liêu, Hạ ở phía Bắc. Tuy
nhiên khi đó chính sách mới không được lòng quan
lại thủ cựu trong triều, lắm người oán thán, binh lực
lại chưa sẵn sàng. Vì phải đối chọi mặt trong, đối với
phương Nam, vua tôi Tống thực hiện một số chính
sách kiềm chế, hoà hoãn, khiêu khích…được thể hiện
qua một loạt các hành động như sau :

1. Chính sách kiềm chế.



Trong khi chờ đợi thời cơ thuận tiện để mở mang bờ
cõi miền nam, vua tôi Tống đều muốn lợi dụng man
dân ở các miền khê động châu Ung, vừa là để giữ
biên thuỳ công hiệu, vừa có thể trở thành quân tiền
phong uy hiếp ta khi hữu sự. Tuy nhiên hiệu quả lại
tuỳ thuộc vào những viên chức Tống ở Quế Châu và
Ung Châu, vì thế quân khê động lúc có lợi, khi lại
gây hại cho biên thuỳ phía nam.

Nguyên khi xưa chức quan cai quản việc quân ở
Quảng Tây là kinh lược an phủ sứ được đóng ở Quế
Châu. Sau này Tống Thần Tông muốn dời ti kinh
lược này từ Quế Châu xuống Ung Châu để tiện việc
áp sát Đại Việt. Tuy nhiên trong thời gian này, vua
tôi Tống cũng chưa dám lộ rõ ý định xâm lăng Lý,
mà chỉ dừng lại ở những đợt tăng quân nhỏ và thu
phục nhân tâm trong lẫn ngoài triều.

2. Chính sách hoà hoãn.

Những quan lại Tống ở biên thuỳ vẫn dâng thư về
hiến kế đánh ta. Đại loại đều nói rằng “ Giao Chỉ bị
thua ở Chiêm Thành, quân không có nổi một vạn. Có
thể tính ngày đánh lấy được…”. Quan coi Ung Châu
là Tiêu Chú trước bị cắt chức (vì đã khiêu khích nước
ta ) chỉ vì tâu : “ …Giao Chỉ có thể lấy được…” mà
sau này được phục chức, lại bổ coi Quế Châu và
kiêm luôn Kinh lược an phủ sứ Quảng Tây. Tuy
nhiên khi về đến Quý Châu, Tiêu Chú ra sức hỏi han

tình thế núi sông, lực lượng của Đại Việt, thấy rằng
trong 10 năm nước ta đã giàu mạnh lên nhiều. Chú
biết rằng chưa thể đánh ta, nên mỗi lần có kẻ dâng kế
đánh Giao Châu, y đều đốt thư đi.

Tống Thần Tông cũng làm ra vẻ không để ý lắm đến
biên thuỳ phía Nam. Khi quân của tù trưởng khê
động là Lưu Kỷ dẫn quân Lý vào Quy Hoá (đất của
Nùng Tôn Đán (2) mới nộp cho Tống ), Tống Thần
Tông bảo Tiêu Chú đừng làm thành chuyện lớn
(1071).

3. Chính sách khiêu khích.

Tiêu Chú biết rằng thế lực nước ta bấy giờ rất mạnh
nên mới chù chừ không dám quyết mưu sự đánh ta,
vua tôi Tống cũng dị đồng trong vấn đề này. Tuy
nhiên khi vua Lý Thánh Tông mất (1072), Nhân
Tông còn bé, hai thái hậu Thượng Dương và Ỷ Lan
tranh quyền, trong triều Lý Thường Kiệt và Lý Đạo
Thành hiềm khích nhau. Tống Thần Tông và Vương
An Thạch bắt đầu quyết tâm sửa soạn cuộc Nam
chinh.

Tống Thần Tông bấy giờ triệu Tiêu Chú về hỏi tình
hình Giao Chỉ, Chú lại bảo khó đánh. Vua Tống gặng
hỏi, Tiêu Chú đáp : “ Xưa tôi cũng có ý đấy ( chỉ việc
đồ Giao Chỉ). Bấy giờ quân khê động một người ta có
thể địch được mười, khí giới sắc và cứng; người thân
tín thì tay chỉ, miệng bảo là điều khiển được. Nay hai

điều ấy không như trước; binh giáp không sẵn sàng,
người tin chết quá nửa. Mà người Giao Chỉ lại sinh
tụ, giáo hối đã mười lăm năm rồi. Bây giờ, nói quân
Giao Chỉ chưa đầy một vạn thì sợ sai”.

Lúc đó quan hình bộ lang trung là Thẩm Khỉ ( Khởi)
nói quả quyết : “ Giao Chỉ là đồ hèn mọn, không lý gì
không lấy được”. Vậy là vua Tống cho Khỉ thay Chú
làm Quảng Tây kinh lược sứ ( 1073). Từ khi Thẩm
Khỉ nhậm chức, y ra sức lôi kéo các tù trưởng khê
động về phía mình. Tháng 4 ( 1073) Khỉ xin lấy động
đinh (dân trong các động) trong các động thuộc Ung
Châu để kết thành bảo giáp ( tức là dân binh) và sai
quan dạy kiểm tra, vua Tống bằng lòng. Lại bắt các
thuyền dọc bờ biển chuyên chở muối để tập thuỷ
chiến. Thẩm Khỉ lại cấm người nước ta sang buôn
bán ở đất Tống vì sợ lộ những hành động ấy.

Cũng tháng 4 ( 1073) tăng chức cho Nùng Tôn Đán
và Nùng Trí Hội (tù trưởng đã từng bỏ Lý theo Tống,
Trí Hội lại là con Nùng Trí Cao năm xưa), Tôn Đán
làm đô giám Quế Châu và Trí Hội coi châu Qui Hoá.
Thẩm Khí lại sai người đến dụ Lưu Kỷ ở Quảng
Nguyên ( một tù trưởng lớn, đang theo Đại Việt ).
Cuối 1073 lại có bọn Nùng Thiện Mỹ ở châu Ân
Tình (thuộc Bắc Cạn ngày nay) đem mấy trăm bộ hạ
xin theo Tống.


4. Chính sách do dự


Tống Thần Tông đã quyết định đánh ta, nhưng biên
thuỳ phía Bắc còn lôi thôi, việc đánh Thổ Phồn còn
dai dẳng, Liêu lại đòi nhường đất. Cho nên bề ngoài
đối với ta, Tống còn dè dặt.
Bấy giờ vua Tống trách Thẩm Khỉ vì tội tự tiện nhận
bọn Nùng Thiện Mỹ mà không hỏi, lại không đồng ý
cho Lưu Kỷ nhập Tống vì sợ vua tôi Lý giành lại (
những việc đã kể ở trên). Chính vì vua Tống sợ Thẩm
Khỉ gây sự với ta không đúng lúc bèn phế Khỉ, cho
Lưu Di lên thay, tiếp tục ước kết khê động.

Như vậy ta thấy rằng tuy bên ngoài có nhiều chính
sách khác nhau, nhưng thực ra vua tôi Tống đã quyết
ý đánh Đại Việt, và việc chuẩn bị hay gây sự cũng
đều phải kín đáo, đúng thời cờ vì sợ ta biết được ý
đó. Công việc quan trọng nhất của Tống trong giai
đoạn này là cố gắng lôi kéo các tù trưởng khê động,
nhưng về vấn đề này Lý có lợi thế hơn nhiều.

5. Tình hình nghiêm trọng.

Về phần Đại Việt, Lý Thường Kiệt rất lo lắng vì
chính sách khiêu khích của Vương An Thạch. Lại
thêm năm Tống Hi Ninh 6 (1073) có người Tống là
Từ Bá Tường viết thư báo tin Tống sửa soạn đánh ta
và xui ta nên đánh Tống trước. Thường Kiệt đã tập
nhiều quân ở biên giới, lộ vẻ đánh vào đất Tống.

Vua Tống được tin ta tụ binh, báo gấp cho Tô Giàm

là viên coi Ung Châu dặn rằng nếu Giao Chỉ phạm
đến Ung Châu thì phải kiểm quân cố thủ, không được
khinh địch (1074).
Đầu năm 1075, Vương An Thạch cắt đất cho Liêu,
Bắc thuỳ Tống tạm yên, vua tôi Tống quay sang Đại
Việt, lệnh cho Lưu Di tăng cường binh lực. Lưu Di
theo y như chính sách của Thẩm Khỉ xưa, sai các
quan lại vào các khê động bắt thổ dân tập trận. Đóng
chiến hạm, dùng thuyền muối để tập thuỷ binh…y
cũng cấm người nước ta sang buôn bán để tránh sự
thám thính.

An phủ đô giám ở Ung Châu là Tô Giàm thấy thế rất
lo, khuyên Di không nên vọng động, khiêu khích
giặc, nhưng Lưu Di trách Giàm bàn nhảm và cấm
không cho nói đến biên sự nữa.

Tình hình đang găng, Lý Thường Kiệt lại gửi biểu tới
triều Tống đòi lại bọn Nùng Thiện Mỹ (thủ lãnh châu
Ân Tình đã theo Tống) và bộ thuộc. Vua Tống bảo
xét việc ấy, ta lại dâng biểu đòi, Lưu Di không chịu
chuyển biểu, cuối cùng Tống vẫn không trả bọn
Thiện Mỹ cho ta. Ý định chiến tranh bên Tống ngày
càng rõ, quân ta ở biên thuỳ cũng sẵn sàng chống lại.

Châu Quảng Nguyên bấy giờ do tù trưởng Lưu Kỷ
chiếm giữ, là nơi yếu địa. Ngày trước Quảng Nguyên
là do Nùng Trí Cao giữ, sau khi Trí Cao nổi loạn thất
bại, bộ hạ của y đều về theo Lưu Kỷ. Thanh thế Kỷ
rất lớn, bình thường vẫn theo Đại Việt, tuy nhiên

cũng có lần bị Thẩm Khỉ dụ nhưng lúc đó Tống Thần
Tông lại không đồng ý cho Kỷ nhập Tống. Ta sẽ thấy
sau này Lưu Kỷ là một lực lượng rất lớn khi Lý
Thường Kiệt tấn công phủ đầu vào đất Tống.

Nguyên Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên thường qua các
khê động mua ngựa, một lần bị con của Trí Cao là
Nùng Trí Hội ở châu Qui Hoá (đã theo Tống) ra cản
đường, Kỷ phục thù đem 3000 quân sang đánh đất
Ung. Trí Hội chống lại, Kỷ lui quân về. Lưu Di được
tin Kỷ và Hội đánh nhau lập tức tâu về triều, đại ý nói
rằng Trí Hội chưa chắc đã theo Tống, nên để Hội và
Kỷ đánh nhau, bên nào thua thì Tống cũng có lợi.

Tống muốn lợi dụng việc này để gây thanh thế ở
Nam thuỳ nên không đồng ý với Lưu Di, Vương An
Thạch nói rằng : “ Nếu Trí Hội chưa hẳn theo ta thì
nhân cơ hội này mà mua chuộc nó. Vả lại, Càn Đức
(chỉ Lý Nhân Tông) còn bé, nếu Lưu Kỷ đánh được
Trí Hội, rồi lấy Giao Chỉ, thì đó sẽ là cái hoạ cho ta.
Ta nên giúp Trí Hội để chế lại Lưu Kỷ, làm cho nó
không rỗi tay đánh Giao Chỉ. Thế thì mới lợi cho ta ”.
Tống lại chiếu cho ti Kinh lược Quảng Tây sai sứ
thần vào các khê động mộ đinh tráng để làm thanh
viện cho Trí Hội. Lưu Kỷ phải dựa vào Đại Việt để
chống lại, khi Lý tấn công Tống, Kỷ mang quân cả
châu Quảng Nguyên đi theo.

Lúc đó Lưu Di càng được dịp sửa soạn chiến tranh,
Lý Thường Kiệt bức thế đem quân đánh trước.


Chú thích : (1)Tân pháp của Vương An Thạch : Làm
tiện lợi cho dân thì có phép mộ dịch, quân thâu, nông
điều, thuỷ lợi. Mộ dịch là bỏ lệ bắt làm sưu, mà tuỳ
theo nghèo giàu nạp tiền để thuê người làm thay.
Quân thâu là trong việc thuế cống, có thể lấy chỗ gần
thay chỗ xa, lấy cái đắt thay cái rẻ, để thâu cho đều.
Nông điền, thuỷ lợi là phép mở mang ruộng cày, lấy
nước vào ruộng. Phép mộ dịch cũng gọi là miễn dịch
hay trợ dịch.

Làm lợi cho dân và cho công quỹ thì có các phép :
Thanh miêu, thị dịch, phương quân điền. Thanh miêu
là lúc lúa còn xanh, nhà nước cho dân vay tiền trước,
đến lúc gặt phải trả vốn và lời 2 hoặc 3 phần mười.
Thị dịch là lập công vụ mua hàng khi rẻ, rồi phát cho
các nhà buôn, bán lấy lãi, hoặc để cho dân gian lúc
cần tiền có thể tới cầm cố đồ vật, với một lợi tức phải
chăng. Phương quân điền hay phương điền là đo đạc
ruộng đất theo từng khoảnh vuông để định thể lệ.

Làm mạnh cho nước thì có phép bảo giáp và bảo mã.
Bảo giáp là bỏ bớt cấm binh, tức là lính mộ phải trả
tiền rất tốn, mà dùng dân binh. Họp mười nhà thành
một bảo, có bảo trưởng coi, năm bảo thành một đại
bảo có đại bảo trưởng coi. Nhà nào hai đinh, thì bắt
một để vào bảo; mười đại bảo thành một đô bảo, có
đô bảo trưởng coi. Nhà nào hai đinh, thì bắt một để
vào bảo. Không cấm khí giới như trước, trái lại sai
các bảo tập vũ nghệ. Phép bảo mã là phát ngựa cho

các bảo và tư gia tình nguyện nuôi, hoặc nhận cấp
tiền để tự mua lấy. Mỗi nhà được một hay hai con.
Hàng năm có quan khám nghiệm. Lúc hữu sự thì bảo
đinh phải ra lính và các ngựa phải nộp quan.

(2)Nùng Tôn Đán : Sử sách Tống viết Nùng Tôn Đán
là người Nùng khá hiệt liệt, đã từng vào cướp đất
Tống, sau theo Tống làm đến trung vũ tướng quân ở
Ung Châu. Y từng bỏ Tống rồi theo Tống nhiều lần.
Sử ta thì có nhắc đến Tôn Đản lãnh đạo quân khê
động theo Lý Thường Kiệt đánh sang Tống (hiện nay
còn có phố Tôn Đản ở Hà Nội), nhưng rất sơ sài. Hai
âm Đản và Đán lại gần như nhau, không biết hai
người có phải là một không ?.

Sách Tống còn nói các con của Tôn Đán đều theo
Lưu Kỷ, phải chăng Tôn Đản là một trong những
người con của Tôn Đán ?.

Thêm nữa, sử Việt như Toàn Thư đều viết lãnh đạo
quân khê động có Tôn Đản, Lưu Kỷ, Hoàng Kim
Mãn, Thân Cảnh Phúc (phò mã)… tức là đều đưa
Tôn Đản lên đầu. Nhưng Tôn Đản cuối cùng là ai ?
sử đều không nói rõ. Theo thiển ý của người chép thì
người lãnh đạo quân khê động chính là Lưu Kỷ,
nhưng sau này bọn Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn lại bỏ
Lý theo Tống, nên sử gia Việt đời sau đưa Tôn Đản
lên cho đẹp đoạn sử này chăng ?

(còn tiếp)

×