Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Điều trị vô sinh nam với tinh trùng phân lập docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (98.74 KB, 4 trang )

Điều trị vô sinh nam với tinh trùng phân lập

Mở đầu
Điều trị vô sinh nam với phương pháp phẫu thuật lấy tinh trùng và tiêm tinh trùng
vào bào tương trứng (ICSI) thành công ở Việt nam từ năm 2002. Với những
trường hợp không có tinh trùng do tắc, việc lấy tinh trùng thường thực hiện với kỹ
thuật PESA (hút tinh trùng từ mào tinh xuyên da) hoặc MESA (bộc lộ mào tinh và
hút tinh trùng từ mào tinh).
Đối với những trường hợp không có tinh trùng không do tắc hoặc do tắc mà không
thể hút tinh trùng ở mào tinh (PESA hoặc MESA), bắt buộc phải phân lập tinh
trùng từ mô tinh hoàn (TESE). Ngoài ra, ở một số trường hợp khác, cần phải áp
dụng kỹ thuật TESE để lấy tinh trùng: tinh trùng ít, yếu dị dạng rất nặng, không
xuất tinh.
Mục tiêu
Mô tả bước đầu về hiệu quả và kinh nghiệm áp dụng kỹ thuật TESE và ICSI để
điều trị vô sinh nam.
Phương pháp
Bệnh nhân sẽ đến khám và đánh giá ban đầu tại Khoa Hiếm muộn hoặc Đơn vị
Nam khoa (Bệnh viện Bình Dân). Sinh thiết tinh hoàn hoặc các khám nghiệm
đánh giá về tình trạng sinh tinh được thực hiện tại Đơn vị Nam khoa. Tóm tắt kết
quả khám Nam khoa sẽ được Đơn vị Nam Khoa gửi sang Khoa Hiếm muộn để
hoàn tất hồ sơ hội chẩn.
Khi bắt đầu điều trị, người vợ được kích thích buồng trứng và theo dõi đến ngày
chọc hút trứng. Vào ngày chọc hút trứng, người chồng sẽ đến Khoa Hiếm muộn để
thực hiện thủ thuật lấy tinh trùng. Bác sĩ Đơn vị Nam khoa sẽ chịu trách nhiệm
thực hiện thủ thuật. Mô tinh hoàn sẽ được xử lý, phân lập tinh trùng tại lab Hỗ trợ
sinh sản. Tinh trùng sẽ được nuôi cấy và tiêm trực tiếp vào tê bào trứng cùng ngày.
Phôi có được sẽ được nuôi cấy trong 2 ngày trước khi cấy vào buồng tử cung
người vợ.
Các trường hợp TESE kết hợp ICSI từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 7 năm 2006,
có đầy đủ hồ sơ và số liệu theo dõi, được chúng tôi ghi nhận xử lý.


Kết quả
Từ tháng 10/2002 đến 7/2006, chúng tôi thực hiện 97 trường hợp TESE+ICSI.
Trong đó, có 74 hồ sơ theo dõi được ghi nhận. Trong 74 chu kỳ điều trị trên, có 27
trường hợp không có tinh trùng do tắc, 40 trường hợp không có tinh trùng không
do tắc, 7 trường hợp tinh dịch đồ bất thường nặng. Hầu hết các trường hợp trên
đều có chẩn đoán mô học tinh hoàn xác định là có tinh trùng trưởng thành trong
tinh hoàn, trừ một số trường hợp có bằng chứng khác cho thấy tinh hoàn sản xuất
được tinh trùng trưởng thành (OAT nặng…).
Trong 74 trường hợp trên, có 63 trường hợp (85,1%) phân lập đủ tinh trùng để
ICSI từ mô tinh hoàn. Tất cả 27 trường hợp không có tinh trùng do tắc, thất bại khi
hút tinh trùng từ mào tinh (PESA hoặc MESA), đều phân lập đủ tinh trùng từ tinh
hoàn để thực hiện ICSI. Trong 40 trường hợp không có tinh trùng không do tắc, có
10 trường hợp (25%) không phân lập tinh trùng được hoặc tinh trùng phân lập
được quá ít, kém không đủ để thực hiện ICSI. Trong 7 trường hợp tinh dịch đồ bất
thường nặng có 1 trường hợp (14,3%) không phân lập đủ tinh trùng để thực hiện
ICSI.
Trong 10 trường hợp không tìm đủ tinh trùng, có 7 trường hợp (70%) FSH trên
20mIU/ml và 9 (90%) trường hợp có ít nhất 1 trong 2 tinh hoàn có kích thước nhỏ
hơn bình thường. Thể tích tinh hoàn nhỏ nhất vẫn phân lập được tinh trùng di
động từ mô tinh hoàn là 6cc. Trường hợp nồng độ FSH cao nhất vẫn phân lập đủ
tinh trùng là 24,7mIU/ml.
trong 63 các trường hợp phân lập đủ tinh trùng và thực hiện ICSI, đều có trứng thụ
tinh và phôi. Tỉ lệ thụ tinh trứng chung là 75,4%. Trong số phôi có được, 40,8%
phôi có chất lượng khá, tốt. Trong 63 trường hợp phân lập đủ tinh trùng để thực
hiện ICSI, có 23 trường hợp có thai lâm sàng (36,5%).
Kết luận
TESE kết hợp ICSI là phương pháp hiệu quả để điều trị vô sinh nam khi có chỉ
định. Tỉ lệ thất bại, không tìm được tinh trùng chủ yếu xảy ra ở các trường hợp
không có tinh trùng không do tắc. Yếu tố nguy cơ cao của không lấy được tinh
trùng có thể là thể tích tinh hoàn nhỏ và nồng độ FSH huyết thanh cao. Tuy nhiên,

ý nghĩa tiên lượng là không tuyệt đối. Chẩn đoán mô học tinh hoàn cần được thực
hiện như một xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán vô sinh nam do không có tinh
trùng.

×