Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (103.9 KB, 8 trang )

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tôn
giáo
Đối với Hồ Chí Minh, tôn giáo là một lĩnh vực văn hóa, xem tôn
giáo vừa là một bộ phận cấu thành văn hóa vừa là di sản văn hóa
của nhân loại. Người trân trọng và chắt lọc những giá trị tốt đẹp
của văn hóa trong đó có các yếu tố của tôn giáo để kế thừa, bổ
sung, làm giàu thêm nền văn hóa của nước nhà. Một nhà báo
phương Tây đã viết: “ Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn
chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của
chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình
cảm của người chủ gia tộc. Tất cả bao bọc trong một dáng dấp
rất tự nhiên” (1).

Hồ Chí Minh luôn tôn trọng những giá trị đạo đức của Nho
giáo. Người đã từng nói: “Chúa Giêsu dạy: đạo đức là bác ái;
Phật Thích ca dạy: đạo đức là từ bi; khổng tử dạy: Đạo đức là
nhân nghĩa” (2). Hồ Chí Minh đã kế thừa những quan điểm, tư
tưởng về đạo đức của các tôn giáo để xây dựng hình ảnh người
cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”.

Vượt lên trên các nhà tư tưởng phương Tây, Hồ Chí Minh
đã nhận thức sâu sắc và toàn diện về ý nghĩa quan trọng của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vấn đề đoàn kết đồng
bào các tôn giáo là nhiệm vụ xuyên suốt của công tác tôn giáo.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm đặc sắc của Người chính là
việc chấp nhận những khác biệt về nhận thức, tư tưởng để khai
thác điểm tương đồng nhằm thu hút, tập hợp quần chúng có tôn
giáo cùng tiến hành sự nghiệp cách mạng. Người sử dụng
phương pháp độc đáo là gắn nhiệm vụ của cách mạng với lý
tưởng của những người sáng lập ra các tôn giáo nhằm động viên
tín đồ và các chức sắc các tôn giáo tham gia vào cuộc đấu tranh


cách mạng. Trong công tác vận động đồng bào công giáo,
Người viết: “Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia
sản xuất, tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có
ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và
nhân dân ta làm để phù hợp với tinh thần phúc âm. Cho nên tôi
chúc đồng bào Công giáo làm tròn chính sách của chính phủ
cũng là làm tròn tinh thần của Chúa cơ đốc” (3).

Hồ Chí Minh đã khai thác triệt để mục tiêu chung của đức
Phật, của Chúa và những người XHCN, đó chính là tiến tới xây
dựng cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và công bằng cho con người.
Người khẳng định: “Mục đích của Chính phủ ta theo đuổi là
chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Song để đạt tới hạnh phúc đó cho mọi người cần phải xây dựng
CNXH. Nếu đức Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt
mình vào nỗi khổ đau của người đương thời, chắc ngài sẽ là một
người XHCN đi tìm đường cứu khổ loài người” (4).

Chủ tịch Hồ chí Minh tôn trọng quyền tự quyết của các tổ
chức tôn giáo, nhận thấy rõ sự tác động và ảnh hưởng rất mạnh
mẽ của các vị chức sắc trong cộng đồng tôn giáo. Do đó Người
đặt rất cao vai trò vận động chức sắc tôn giáo, hướng “tôn giáo
đồng hành cùng dân tộc”. Tuy nhiên, Người cũng phân tích kỹ
những điểm hạn chế của tôn giáo, nhất là niềm tin tôn giáo.
Người nhận thấy đây là một vấn đề nhạy cảm cần tôn trọng,
những tín lý giáo điều phải được nhận thức bởi bộ óc có trí tuệ
mới tránh được sự tin tưởng mù quáng. Đặc biệt, Người cũng
yêu cầu phải sớm ngăn chặn những âm mưu lợi dụng tôn giáo
của kẻ địch, “kiên quyết trừng trị những kẻ mượn đạo làm nhục
Chúa, làm hại dân” (5).


Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo
và công tác vận động tôn giáo, chúng ta có thể tiếp thu và vận
dụng trong công tác vận động tôn giáo trong tình hình hiện nay
ở nước ta:

Thứ nhất, cần thấu hiểu, tôn trọng đức tin của tín đồ tôn
giáo mà tuyên truyền, vận động cách mạng cho đồng bào có
đạo. Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, cách nhìn về cái thiện,
cái đẹp trong tín ngưỡng tôn giáo với điểm chung của tư tưởng
cách mạng, của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Luôn tin tưởng và làm
cho đồng bào có đạo thấy được niềm tin đối với Đảng và vai trò
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng
CNXH.
Thứ hai, chúng ta là những người cộng sản, những người
trực tiếp làm công tác vận động quần chúng có đạo nên chúng ta
phải thừa nhận sự khác biệt về quan niệm, lấy thực tiễn cách
mạng để giác ngộ quần chúng có đạo. Công tác vận động các tín
đồ tôn giáo của Đảng sẽ đưa lại nhận thức mới cho đồng bào tôn
giáo, chế độ xã hội mới hiện nay đặt con người vào vị trí chủ
nhân đất nước.

Công cuộc xây dựng đất nước với những mục đích chung
sẽ gắn kết những thành viên của cộng đồng thành khối đại đoàn
kết toàn dân tộc. Quần chúng tích cực sẽ trở thành những chiến
sĩ cách mạng, người giác ngộ sẽ thành cán bộ, được kết nạp vào
Đảng làm những tấm gương lôi cuốn đồng bào có đạo.

Thứ ba, đấu tranh vạch rõ kẻ thù, phê phán thẳng thắn
những hành động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng làm

hại lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Cán bộ cách mạng phải
kiên trì sống sát dân, hiểu dân để vận động nhân dân. Làm công
tác vận động tôn giáo cũng chính là vận động quần chúng nhân
dân. Phải làm thế nào giúp cho đồng bào tín đồ tôn giáo hiểu
rằng xây dựng CNXH là con đường đưa cả dân tộc thoát khỏi
đau khổ, nghèo nàn tiến tới hạnh phúc, tự do thật sự.

Thứ tư, phải xác định công tác vận động chức sắc tôn giáo
cũng góp phần làm cho vai trò và uy tín của họ trong cộng đồng
tôn giáo tăng lên. Do đó cần kiên trì vận động và hết sức tranh
thủ các chức sắc tôn giáo vì họ được tín đồ thừa nhận thay mặt
cho đấng tối cao. Khi chủ trương của cách mạng được họ ủng
hộ, họ sẽ không ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân. Mặt
khác, việc làm của chức sắc tôn giáo có sức ảnh hưởng rộng và
làm gương cho tín đồ noi theo.

Tóm lại, công tác vận động tôn giáo theo chủ tịch Hồ Chí
Minh chung quy lại chính là việc giác ngộ đồng bào các tôn giáo
và đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ
quốc. Tư tưởng đoàn kết lương giáo, mối quan hệ giữa chủ tịch
Hồ Chí Minh với các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo là
một mẫu mực của việc thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc.
Việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động
tôn giáo và vận dụng tư tưởng của Người là một vấn đề hết sức
cần thiết cho công tác tôn giáo của chúng ta hiện nay.



TRỊNH HỒNG CÔNG




(1) Trích theo Phạm văn Đồng, Hồ Chí Minh một con người,
một dân tộc, một thời đại, HN.1991, Tr.19
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, T.9, Tr.272
(3) Trích theo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng.
NXB KHXH, H.1998, Tr.266
(4) Thư gửi Trần Tam Tĩnh, NXB H.1995, Tr.79
(5) Trắng đen đã rõ ràng, NXB ST, H.1952, Tr.25


×