TÓM TẮT ĐỀ TÀI
1. Lý do chọn đề tài
Sau gần ba mươi năm thực hiện chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh
tế định hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt kể từ khi chính thức
trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vị thế của Việt Nam
ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập này, Tài
chính – Ngân hàng trở thành một trong những lĩnh vực được quan tâm nhất, đòi hỏi
những đổi mới mang tính toàn diện trong bối cảnh thách thức cạnh tranh ngày càng
gia tăng. Đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM), tín dụng đóng
vai trò quan trọng nhất, phản ánh hoạt động đặc trưng, mang lại lợi nhuận lớn nhất
song cũng là hoạt động có rủi ro cao nhất. Bên cạnh đó, nợ xấu chính là yếu tố luôn
song hành với hoạt động tín dụng như là một thước đo phản ảnh rủi ro của hoạt động
này.
Trong những năm vừa qua do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
2007 - 2008 kéo theo sự suy giảm kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu
những ảnh hưởng nhất định. Cụ thể, thị trường bất động sản gần như đóng băng, hàng
loạt doanh nghiệp phá sản hoặc gặp khó khăn trong hoạt động. Trong khi đó, các
ngân hàng đã xem việc mở rộng tín dụng như là giải pháp để thu hút khách hàng,
chiếm lĩnh thị phần trong bối cảnh các ngân hàng vừa phải đối mặt với những yếu
kém như chất lượng tài sản kém, vấn đề thanh khoản, yếu kém về quản trị hay khả
năng quản lý rủi ro…cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng
trong nước và nước ngoài. Chính điều này đã góp phần làm cho tỷ lệ nợ xấu trong
hoạt động của các NHTM ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) tốc độ tăng trưởng nợ xấu lên
mức báo động vào năm 2012, khi tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống lên đến 8,82% trên tổng
dư nợ, gấp khoảng 3 lần tỷ lệ trung bình trong giai đoạn 2008-2011. Như vậy, có thể
thấy rằng nợ xấu đang trở thành mối đe dọa đối với hệ thống NHTM Việt Nam nói
riêng cũng như nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu hiện nay vẫn
chưa đạt hiệu quả cao và trở thành bài toán khó có lời giải đối với các ngân hàng, các
chuyên gia kinh tế hay các nhà hoạch định chính sách…
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của các NHTM tại Việt Nam, đề tài: “Ứng dụng
mô hình hồi quy FE và GMM vào nghiên cứu nợ xấu của các ngân hàng thương mại
Việt Nam” được lựa chọn nhằm đánh giá tổng quát thực trạng, các phương pháp xử lý
cũng như tìm ra các nhân tố tác động đến tình hình nợ xấu cho các ngân hàng, từ đó
có những đề xuất nhằm hoàn thiện công tác xử lý nợ xấu của các NHTM.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu chung của bài nghiên cứu là phân tích và đánh giá thực trạng nợ xấu của
các NHTM Việt Nam trong giai đoạn từ 2008-2012, đồng thời nghiên cứu các nhân
tố ảnh hưởng đến nợ xấu, để từ đó đề ra giải pháp khắc phục góp phần làm cho công
tác xử lý nợ xấu ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn. Cụ thể, bài nghiên cứu nhắm
đến các mục tiêu sau:
Tìm hiểu các vấn đề cơ bản về NHTM, nợ xấu và kinh nghiệm xử lý nợ xấu
của các nước trên thế giới.
Phân tích thực trạng hoạt động, tình hình nợ xấu và công tác xử lý nợ xấu của
các NHTM Việt Nam.
Xác định những nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu của các NHTM Việt Nam.
Đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện công tác xử lý nợ xấu của các
NHTM Việt Nam.
3. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu
3.1. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng thống kê mô tả, phương pháp so sánh nhằm tìm hiểu tình hình hoạt
động của hệ thống NHTM, đồng thời kết hợp với phương pháp so sánh, tổng hợp để
phân tích thực trạng và công tác xử lý nợ xấu của các NHTM Việt Nam.
Để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu, bài nghiên cứu sử dụng mô hình
hồi quy dữ liệu bảng (Panel Data Regression), được ước lượng bằng mô hình Fixed
Effects (FEM), mô hình Random Effects (REM) đồng thời sử dụng kiểm định
Hausman để kiểm định xem FEM hay REM phù hợp hơn trong nghiên cứu. Tuy
nhiên, trong mô hình FEM và REM ước lượng có thể bị chệch và không phù hợp nếu
xảy ra hiện tượng nội sinh tức là biến độc lập tương quan với phần dư. Để loại bỏ
hiện tượng nội sinh này, phương pháp hồi quy biến công cụ Generalized Method of
Moments (GMM) được sử dụng. Ngoài ra, phương pháp GMM cũng cho ra các hệ số
ước lượng vững, phân phối chuẩn và hiệu quả. Phần mềm Stata phiên bản 11 được sử
dụng để xác định các kết quả nghiên cứu này.
3.2. Dữ liệu nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng 2 nhóm dữ liệu là: nhân tố vĩ mô và đặc tính ngân hàng, được
thu thập trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2012. Trong đó, dữ liệu vĩ mô được thu
thập từ tổ chức Thống kê tài chính quốc tế (IFS) của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), cơ sở
dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Các dữ liệu đặc tính ngân hàng tổng
hợp từ các cơ quan chuyên trách như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục
thống kê, Bộ tài chính,…cũng như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên từ các ngân
hàng trong mẫu nghiên cứu. Ngoài ra, đề tài còn tham khảo các bài báo, tiểu luận,
công trình nghiên cứu, bài viết chuyên đề, các website… trong và ngoài nước có liên
quan đến nội dung nghiên cứu.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Để tìm hiểu về hoạt động cũng như tình hình nợ xấu của các NHTM Việt Nam, đề
tài nghiên cứu tình hình chung của hệ thống các NHTM trong giai đoạn 2008 – 2012.
Bên cạnh đó, để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu của các NHTM, đề tài
nghiên cứu chủ yếu vào 10 NHTM với 3 ngân hàng thương mại nhà nước
(NHTMNN) và 7 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP). Cụ thể, 3 NHTMNN
gồm: Ngân hàng Đầu Tư Và Phát Triển Việt Nam (BID), NHTMCP Công Thương
Việt Nam (CTG), NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) và 7 NHTMCP là:
NHTMCP Á Châu (ACB), NHTMCP Đông Á (DAB), NHTMCP Xuất Nhập Khẩu
Việt Nam (EIB), NHTMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB), NHTMCP
Quân Đội (MBB), NHTMCP Phương Nam (PNB), NHTMCP Sài Gòn Thương Tín
(STB). Các ngân hàng được lựa chọn vì đây là các ngân hàng có quy mô tài sản tương
đối lớn trong hệ thống các NHTM tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2012, tổng tài sản
của 10 NHTM này chiếm 45% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đồng thời dữ liệu
từ các ngân hàng này tương đối đầy đủ.
4. Nội dung nghiên cứu
Chương I. Giới thiệu tổng quan về công trình nghiên cứu. Chương đầu tiên
nhằm giới thiệu tổng quát về đề tài nghiên cứu với các nội dung như: lý do chọn đề
tài, mục tiêu và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu,
đóng góp của đề tài cũng như hướng phát triển của đề tài.
Chương II. Cơ sở lý luận về NHTM, nợ xấu và kinh nghiệm xử lý nợ xấu.
Nội dung phần này khái quát các khái niệm của NHTM và nợ xấu, qua đó làm nổi bật
ảnh hưởng của nợ xấu đến hoạt động kinh doanh của các NHTM. Các nghiên cứu
trước đây được tổng hợp làm cơ sở cho việc nghiên cứu và xác định các nhân tố ảnh
hưởng đến nợ xấu. Bên cạnh đó, các bài học kinh nghiệm xử lý nợ xấu ở các nước
như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia được tìm hiểu với mục đích rút
ra bài học kinh nghiệm áp dụng vào thực tế Việt Nam.
Chương III. Thực trạng nợ xấu và xử lý nợ xấu của các NHTM Việt Nam.
Chương này đi vào phân tích tổng quan hoạt động của các NHTM và thực trạng nợ
xấu hiện nay cũng như các hoạt động xử lý nợ xấu.
Chương IV. Mô hình hồi quy các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu của các
NHTM Việt Nam. Bằng việc sử dụng mô hình hồi quy dữ liệu bảng, nghiên cứu tiến
hành kiểm định và phân tích sự ảnh hưởng của 2 nhóm nhân tố: vĩ mô và đặc tính
ngân hàng đối với nợ xấu của các NHTM Việt Nam.
Chương V. Đề xuất giải pháp xử lý nợ xấu của các NHTM Việt Nam. Trên cơ
sở các bài học rút ra từ kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới, thực
trạng cũng như hoạt động xử lý nợ xấu và sự ảnh hưởng của các nhân tố tìm ra trong
mô hình hồi quy nhóm đề xuất một số giải pháp xử lý nợ xấu.
5. Đóng góp của đề tài
Với mục tiêu nghiên cứu thực trạng nợ xấu và công tác xử lý nợ xấu của hệ thống
NHTM Việt Nam; đồng thời xác định các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu tại các
NHTM Việt Nam, đề tài có những ý nghĩa nhất định đối với các cơ quan quản lý, các
NHTM, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và các sinh viên quan
tâm đến lĩnh vực này. Cụ thể
- Đề tài tiến hành hệ thống hóa các kiến thức cơ bản về nợ xấu, đồng thời tìm
hiểu về hoạt động xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM ở các nước trên thế giới
trong thời gian qua như …. . Kết quả thu được góp phần gia tăng kiến thức
nền tảng về nợ xấu và các vấn đền liên quan đến nợ xấu.
- Nội dung về thực trạng hoạt động, tình hình nợ xấu và công tác xử lý nợ xấu
của các NTHM Việt Nam được thực hiện trên cơ sở phân tích và tổng hợp các
thông tin được công bố trên thị trường của các cơ quan quản lý thị trường, các
NHTM có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, hỗ trợ cho công tác nghiên cứu,
giảng dạy trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
- Kết quả nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu thu
được từ đề tài góp phần giúp cho các cơ quan quản lý thị trường, các NHTM
có thể thấy rõ bản chất của nợ xấu trong hoạt động của các ngân hàng để từ đó
giúp cho việc quản lý nợ xấu của được thực hiện thấu đáo và hiệu quả hơn.
6. Hướng phát triển của đề tài
Đề tài đã tìm thấy những kết quả nhất định về thực trang nợ xấu cũng như các
nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu của các NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, do các nhân tố
khách quan, đề tài vẫn còn có những hạn chế nhất định. Do vậy, dựa vào kết quả
nghiên cứu của đề tài, các bài nghiên cứu tiếp theo có thể tập trung làm rõ tác động
của nhóm nhân tố chính sách vĩ mô hoặc các quy định được ban hành để xử lý nợ xấu
nhằm kiểm soát tác động của sự thay đổi chính sách và pháp lý đối với nợ xấu một
cách định lượng hơn. Đề tài cũng có thể được mở rộng thêm dữ liệu nghiên cứu cả về
thời gian lẫn số lượng ngân hàng cũng như thêm các biến kiểm soát khác (khả năng
quản trị của mỗi ngân hàng, tính thanh khoản,…) để có thể đánh giá tổng quát hơn về
tình hình nợ xấu. Ngoài ra, các nghiên cứu trong tương lai có thể tiến hành nghiên
cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu trong mối quan hệ với hiệu quả hoạt động
của ngân hàng.