Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

HẠNH PHÚC – PHẢI LỰA CHỌN (Tủ sách tuổi trẻ) – Phần 3 pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.99 MB, 8 trang )

KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ
Đó là một điều có thật trong xã hội ta hiện nay nhưng tính chất và mức độ của vấn đề trên
thế giới ngày nay tùy thuộc vào trường hợp cụ thể, thời điểm và nhất là bối cảnh xã hội.
Khoảng cách này hoàn toàn có thể rút ngắn hay thậm chí xóa bỏ khi người ta đối xử với
nhau với sự hiểu biết. Nhưng không phải lên lớp kêu gọi sự hi sinh của các bên mà thực
hiện điều đó được.
Đọc qua một số tham luận tại diễn đàn liên quan đến vấn đề do Nhà văn hóa Thanh niên
TP.HCM tổ chức, tôi thấy có những cách suy nghĩ không giúp ta giải quyết vấn đề. Đầu
tiên là lẫn lộn hiện tượng và bản chất. Có người đo khoảng cách bằng số tuổi. Có người
nghĩ rằng ba, bốn thế hệ ở chung một nhà là rút ngắn khoảng cách và thề quyết sẽ đem
cha mẹ về nuôi khi lập gia đình riêng. Đó thường là ước muốn đầy thiện chí (nhưng có
thực tế không?) của các bạn gái. Còn có bạn trai thì bức xúc với chuyện mỗi thành viên
trong gia đình lại thích một chương trình tivi khác nhau. Rồi cũng có bậc đàn anh quơ
đũa cả nắm rằng thế hệ trẻ chạy theo lối sống thực dụng của kinh tế thị trường (tội
nghiệp, cứ trăm dâu đổ đầu tằm), còn đàn anh thì giữ đạo đức cách mạng. Và điều này
tạo ra khoảng cách (thật ra nếu sống thực dụng thì người trẻ đâu có tham gia diễn đàn).
Nên nhớ khoảng cách đây là khoảng cách tâm lý và khi sự bất đồng trở thành một vấn đề
nan giải, chứ sự khác biệt về tư tưởng giữa các cá nhân, nhóm hay thế hệ là bình thường.
Chỉ khi nào một tầng lớp bên trên như cha anh cậy quyền lực của mình để ép buộc, áp đặt
ý kiến của mình, đặc biệt với suy nghĩ rằng chỉ có mình là đúng và sẽ phản ứng mạnh khi
người khác không nghe mình. Và cấp dưới chịu hết nổi phản ứng lại mạnh mẽ hoặc tránh
xa. Đây là biểu hiện của sự ít hiểu biết và thiếu cơ hội tiếp xúc với điều mới lạ.
Cách đây 12 năm, nhân dịp sang Mỹ tôi có thăm một gia đình bà con. Đây là một gia
đình ghép theo kiểu VN. Chủ hộ là cặp vợ chồng độ tuổi 40 với một con trai 12-13, một
gái 7 tuổi, cộng thêm bà nội các cháu lúc ấy vừa ngoài 70 và bác trai các cháu là một
người đàn ông độc thân. Cú sốc đầu tiên của tôi là sáu chiếc tivi cho năm người: bà nội
một chiếc, vợ chồng chủ hộ một là dĩ nhiên rồi, nhưng hai đứa nhỏ cũng mỗi đứa một
chiếc vì ở phòng riêng. Bé gái thì mê truyện cổ tích và bị anh chê là quá con nít. Cậu ta
thì chơi game và thích chương trình của tuổi choai choai. Thật ra khoảng cách tâm lý
giữa hai cháu được anh chàng choai choai này xem là không nhỏ. Nhớ tới cảnh gia đình
sum họp dưới ánh đèn trong Quốc văn giáo khoa thư (với câu đầu mà tôi nhớ mãi: Cơm


nước xong trời vừa tối ) tôi tự nhủ "thế này còn đâu là gia đình VN?". Thật ra gia đình
này rất hạnh phúc. Bà chị bà con tôi hồi ở VN rất khó tính. Các con chị thường than
phiền về điều này, nhưng nay thì hiểu biết hơn, họ chỉ cười và cả nàng dâu cũng chăm
sóc chị rất tốt. Bé gái thì nũng nịu với bà nội bằng một ngôn ngữ lai căng. Anh chàng
choai choai thì mới bước vào tuổi khủng hoảng, vào bàn ăn lầm lầm lì lì không nói
chuyện, ăn thật nhanh rồi rút về phòng riêng. Nhưng có sao đâu, mọi người mỉm cười
thông cảm. Cháu rất thương nội mà không nói ra. Giờ đây đang học đại học ở xa, tuần
nào cháu cũng điện về thăm bà nội bằng thứ tiếng Việt lưu loát. Đáng để ý nhất là sự thay
đổi của bà chị già trong môi trường mà người ta biết tương đối hóa ý kiến riêng của mình
và nhất là đối xử với nhau bằng sự hiểu biết. Đó là chấp nhận người khác là khác với
mình.
Riêng tôi cũng ngộ ra rằng đoàn kết thương yêu nhau không phải lúc nào cũng sống
chùm nhum với nhau, và xem tivi chung không nhất thiết biểu hiện sự đoàn kết. Giờ đây
chiếc tivi giống như một đồ dùng riêng như chiếc đồng hồ chẳng hạn.
Đối xử với nhau với sự hiểu biết, là biết cái gì đây?
Đó là biết tâm lý con người nói chung và đặc điểm tâm lý và nhu cầu của từng lứa tuổi
nói riêng. Trẻ thích sôi nổi ồn ào, già thì cần sự trầm tĩnh. Thôi thì ta tạo cho nhau điều
kiện để thỏa mãn nhu cầu. Ta thông cảm lắng nghe ông bà kể chuyện xưa. Tuy nhiên, có
hai xu hướng tự nhiên khiến cho khoảng cách có thể nới rộng. Đó là người trẻ thì luôn dễ
tìm đến cái mới, còn người già thì bảo vệ cái hiện có và đã qua nhiều hơn. Với hai môi
trường sống khác nhau, sự tiếp nhận thông tin khác nhau với tốc độ chuyển biến cực
nhanh của xã hội, nhịp sống của đôi bên càng cách biệt. Ở đây người già phải cố gắng
luôn ý thức về xu hướng bảo thủ của mình, luôn học hỏi để thích nghi với một xã hội
không ngừng đổi mới. Mà thật vậy, trong một xã hội "học mãi học hoài", nhất là trong
những ngành khoa học để làm việc với con người, người ta phải luôn ý thức về bản thân
để cư xử đúng mức. Các phương pháp giúp đỡ rất nhiều. Biết rằng người lớn hay áp đặt ý
kiến của mình mà quên rằng trẻ em thì khác ta, trong các khóa học người ta bắt mình sắm
vai trẻ em thì nhớ xu hướng chủ quan của mình ngay. "Thấu cảm" nghĩa là khả năng đặt
mình vào vị trí của người khác, là một kỹ năng sống quan trọng mà người lớn cũng phải
học chứ không riêng gì trẻ em. Phương Tây có câu: "Phải biết đặt chân mình vào đôi giày

của người khác".
Tâm lý và nhu cầu của người già cũng được nghiên cứu nhiều hơn nếu họ được giúp đỡ
để sống vui, sống tích cực, nhờ đó cũng bớt "trở tính" hơn. Có bạn nói phương Tây
không có tinh thần gia đình và đem bỏ cha mẹ ở viện dưỡng lão. Bạn nên tìm hiểu sâu
hơn để tránh những khẳng định hồ đồ. Người già phương Tây ngày nay, với các chính
sách xã hội hỗ trợ, còn hoạt động, thích sống riêng, độc lập. Ở VN cũng có những người
già như vậy rồi. Thăm hỏi, luôn sẵn sàng có nhau cũng là cách biểu hiện tình gia đình của
một số người. Người già có khi thích sống với bạn bè hơn.
Để kết luận, với sự hiểu biết ngày nay, khoảng cách thế hệ không là một vấn đề nếu như
một bạn đã kêu gọi ở diễn đàn: mọi người đều phải học. Đúng vậy, hồi ở trường tôi gặp
nhiều người lớn bỏ tiền để học các khóa về truyền thông giao tiếp, hôn nhân gia đình
Nhờ vậy có người lớn tuổi mà rất "trẻ", có người ít tuổi mà đã già.
Ở phương Tây, nơi mà khái niệm "khoảng cách thế hệ" ra đời, cuộc cách mạng giới trẻ
1968 đã xóa bỏ khoảng cách. Mà ngày nay đề cao giá trị của tuổi trẻ mới là "sành điệu"
cơ mà! Được biết không ít lãnh tụ quốc gia tiến bộ của họ ngày nay trưởng thành từ giới
trẻ này. Xã hội dân chủ, không phong kiến góp phần rút ngắn khoảng cách.

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )
HẠNH PHÚC – PHẢI LỰA CHỌN
Hạnh phúc đến hay không đến, sao lại chọn? Hạnh phúc thật sự không từ trên trời rơi
xuống mà phụ thuộc vào những giá trị sống mà ta chọn. Ta phải chọn vì trong xã hội ta
hiện nay có quá nhiều thứ bị nhầm lẫn là hạnh phúc hay nguồn hạnh phúc. Đó là tiền bạc,
của cải, quyền lực… mà thiên hạ đổ xô đi tìm kiếm.
Nhưng sự ham mê vật chất không bao giờ có điểm dừng và hậu quả tất yếu là căng thẳng,
stress, các bệnh tim mạch… Đó là chưa nói đến tội ác, sự tuyệt vọng của con người; dẫn
đến tự tử, những cuộc giết chóc lẫn nhau. Sau nhiều thập niên quay cuồng theo hướng
này phương Tây quay về với nếp sống phương Đông để tập thiền, yoga, tĩnh tâm, chiêm
niệm…
Xã hội VN mới bước vào kinh tế thị trường mà các biểu hiện tâm lý xã hội tiêu cực của
nó đã bắt đầu tác động mạnh mẽ đến cuộc sống hằng ngày. Giới trẻ ngoài tác động của

các phương tiện truyền thông, quảng cáo, nếp sống ăn chơi đua đòi, còn phải chịu một áp
lực từ phía gia đình buộc phải chọn những nghề hái ra tiền và một sự thành đạt dựa trên
những giá trị vật chất.
Điều đáng lưu ý và đáng tiếc là thành đạt bị nhầm lẫn với hạnh phúc, bởi lẽ lắm kẻ giàu
có, quyền thế, nhà cao cửa rộng mà không hạnh phúc; lắm gia đình thành đạt về nghề
nghiệp, vị trí xã hội mà rạn nứt.
Do đó cần xác định lại hạnh phúc là gì? Đó là làm được điều ta ước mơ, ưa thích, nhất là
phù hợp với bản tính, năng khiếu. Có người làm bác sĩ, kỹ sư nhưng cũng có người yêu
nghệ thuật. Cũng có người thích làm y tá, giáo viên, bảo mẫu, công nhân… Thế giới cần
đủ loại người để tạo hạnh phúc cho các thành viên của nó. Đem lại hạnh phúc cho tha
nhân cũng là tạo hạnh phúc riêng cho mình.
Tiền là rất cần, thời trang rất đẹp, nhưng chết vì nó thì quá uổng. Hạnh phúc là những
niềm vui nho nhỏ đến với ta ngày hôm nay, vào giờ phút này, như một cảnh đẹp, một bản
nhạc hay, một người bạn mới và trên hết là một việc làm có ích cho người khác. Cao nhất
là đạt tới mục đích sống đẹp mà ta đề ra.
Hạnh phúc đòi hỏi phải dám nói “không” với những gì không phù hợp, kể cả công việc
khi nó khiến ta quay cuồng, căng thẳng, mất sáng suốt, bệnh hoạn. Phải dừng lại, nhìn
vào bản thân, để có một ý thức cao nhất về mình, để làm chủ những cảm xúc và tư tưởng
của mình. Mà đó chính là những điều kiện để đạt đến ý thức về giá trị bản thân.
Hạnh phúc là một sự lựa chọn, mà đó là điều không dễ. Hạnh phúc và sự quí trọng bản
thân là hai mặt của một vấn đề. Chúng gắn liền với nhau và tương tác lẫn nhau.
Chúc bạn sáng suốt để tìm được hạnh phúc thật!

===================================

Cô gái đi ngược dòng chảy
Giữa thập niên 80, Bangkok là một thành phố tiêu xài, các cô gái ăn diện rất đúng mốt, có
khi đi làm mà giống như đi dạ hội.
Giữa thập niên 90, các cô có đơn giản hơn, nhưng lần này tôi về tỉnh Chiang Mai và đi
thăm làng mạc. Hơn thế nữa đây là một Thái Lan đang trải qua cơn khủng hoảng kinh tế

và đại dịch AIDS. Tôi đã phát hiện một Thái Lan khác, ít nhất là đối với tôi.
Trung tuần tháng sáu vừa qua, tôi tham gia một đoàn các nhà nghiên cứu và hoạt động về
HIV/AIDS để đi thăm một số dự án cộng đồng. Một trong số dự án đó là nhóm thanh
niên phòng chống AIDS ở quận San Kampaeng thuộc tỉnh Chiang Mai, cách thành phố
Chiang Mai chừng một tiếng rưỡi xe hơi.
Năm 1994, một cô gái địa phương sau nửa đời người sống và lao động ở Bangkok đã
quyết định trở về quê để làm cái gì đó cho xã hội, nhất là cho và thông qua giới trẻ. Cô
gái tập hợp 20 người tình nguyện và đề nghị họ nêu ra những vấn đề bức bách nhất của
cộng đồng, tìm những giải pháp trong tầm tay. Các bạn đưa ra nào là thiếu sân chơi, nào
là nạn ma túy và HIV/AIDS Ở quận này nhiều thanh niên di dân đi làm xây dựng và
một số nghề khác ở các thành phố lớn. Họ bị nhiễm HIV, lây qua cho vợ và khi hết làm
việc được thì trở về gia đình chờ chết. Giờ đây họ đã chết gần hết, để lại những người vợ
trẻ ở độ tuổi 30-40 cũng bị nhiễm và những đứa con có đứa bị nhiễm có đứa không.
Từ 20 người ban đầu nay nhóm đã có 30 người tình nguyện nòng cốt, qui tụ được 300
thanh niên từ bản làng gồm độ 6.000 dân. Họ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể
thao, làm vệ sinh môi trường, giúp người già, các hội thảo về ma túy, HIV/AIDS, kỹ
năng sống. Qua câu chuyện, người nữ thủ lĩnh cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Chúng tôi
không thuyết giảng theo kiểu từ trên xuống hay cho những lời khuyên đạo đức mà để
thanh niên tự thảo luận một cách thoải mái, tự do. Chỉ đưa ra một điều kiện là khi tới trụ
sở (một phòng họp đơn sơ bằng nhà tiền chế) không hút ma túy”.
Hoạt động của nhóm nhấn mạnh đến ba kỹ năng sống: rèn luyện sự tự tin, phân tích xã
hội và sự tự trọng. Các kỹ năng này giúp thanh niên biết tự chọn lựa và tự quyết định
trước cái xấu.
Họ nhấn mạnh đến cái gọi là “phê bình văn hóa” - nghĩa là nhìn thẳng vào các giá trị văn
hóa tiêu cực của xã hội để tự điều chỉnh. Chẳng hạn như tệ trọng nam khinh nữ trong lĩnh
vực HIV. Khi người đàn ông ngã bệnh, cả gia đình gồm cha mẹ và vợ con họ dồn hết tiền
của, sức lực để chăm sóc họ.
Khi người vợ ngã bệnh thì nguồn lực gia đình đã cạn kiệt. Tệ hại hơn khi người vợ (do
chồng lây qua) đau trước thì người chồng trốn mất.
Hoạt động của nhóm thanh niên đã từng bước tác động tới cộng đồng. Phụ huynh lúc đầu

e ngại khi nghe rằng con em họ tham gia các lớp giáo dục giới tính
Được thăm viếng thường xuyên và giải thích rõ, giờ đây họ không những yên tâm mà còn
ủng hộ triệt để. Chính quyền địa phương ban đầu cũng không tin là nhóm thanh niên sẽ
thành công, nay đã tích cực tạo mọi điều kiện và còn hỗ trợ kinh phí.
Quận có một lớp mẫu giáo. Có vài em thuộc gia đình nhiễm HIV. Cha mẹ các em khác
không cho con mình đi học nữa. Thường thì nhà trường cho các nạn nhân nghỉ học và
giảm học sinh là không đủ kinh phí hoạt động. Nhưng nhóm thanh niên đã làm ngược lại.
Họ chạy vạy tìm nguồn tài trợ để lớp học tiếp tục với sĩ số học sinh thấp. Sau cùng được
giải thích kỹ, cha mẹ các trẻ bình thường đã cho con mình đi học lại.
Ở Thái Lan hiện nay, các đối tượng được giáo dục HIV gồm cả các em nhỏ. Khía cạnh
lây lan được trình bày một cách nhẹ nhàng và khía cạnh không cô lập mà yêu thương,
đùm bọc trẻ có cha mẹ bị lây nhiễm được nhấn mạnh.
Điều làm tôi thắc mắc là người nữ thủ lĩnh này là ai mà rành rẽ về các vấn đề phát triển
xã hội và giáo dục thanh niên? Cô ta là ai mà trở về làng làm việc khi nói tiếng Anh lưu
loát và trả lời các câu hỏi của đoàn tham quan (gồm các nhà khoa học và nhà hoạt động
đầy kinh nghiệm) một cách thuyết phục và tự tin? Tôi tự hỏi hay đây là một chuyên gia
“giả dạng thường dân”?
Đáng lưu ý nhất là trang phục của cô. Chiếc áo rộng lùng thùng, chiếc quần nông dân
bằng vải ú rộng thênh thang (một thứ chỉ còn thấy ở vùng sâu, vùng xa). Thêm vào đó là
chiếc khăn rằn quấn cổ. Tôi biết ở một quận thuộc Chiang Mai, thành phố thứ hai của
Thái Lan, đây là một chuyện không bình thường mà là có chủ đích. Mà thật vậy, cô nữ
thủ lĩnh cứ thường nhấn mạnh đến bản sắc dân tộc, tiềm năng văn hóa bản xứ trong giải
quyết các vấn đề xã hội ngày nay.
Sau buổi họp, tôi nói đùa: “Cô giống như một du kích quân cách mạng!”. Cô cười: “Hiện
nay chúng tôi đang tổ chức nhiều khóa tập huấn cho thanh niên Thái và tôi mong sẽ có
ngày họp mặt với thanh niên các nước châu Á khác. Niềm tin lớn nhất của tôi là sức
mạnh của tuổi trẻ để đổi mới xã hội”.
Được biết nữ thủ lĩnh này của tôi 33 tuổi, chỉ tốt nghiệp cấp III rồi đi làm ở Bangkok. Cô
nói: “Dù mình có năng lực, xin việc ở đâu họ cũng đòi bằng cử nhân. Tôi về quê giúp
thanh niên và theo học truyền thông đại chúng với Đại học Mở trong chương trình giáo

dục từ xa”.
Trong đó có người hỏi: “Thường thì người ta rời nông thôn ra thành phố, còn cô sao làm
ngược lại?”. Cô cho biết tình thương yêu gắn bó với xóm giếng đồng ruộng hiện nay là
sức mạnh thúc đẩy cô hoạt động. Tìm về dân tộc phải xuất phát từ xác tín của từng cá
nhân, nếu không những nỗ lực hình thức rùm beng không có hiệu quả.
Mừng cho đất nước Thái Lan có được sức mạnh mới từ trong nhân dân, từ người trẻ.
NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

×