Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Phát hiện sớm chứng sa sút trí tuệ ở người già potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (104.34 KB, 3 trang )

Phát hiện sớm chứng sa sút trí tuệ ở
người già
Dù do nguyên nhân nào thì người mắc bệnh này
cũng sẽ trải qua sự suy giảm không thay đổi được cả
về chức năng và trí tuệ, kéo dài từ 2 đến 10 năm.
Cuối cùng, bệnh nhân trở thành người lệ thuộc hoàn
toàn và thường tử vong do các bệnh nhiễm trùng.
Sa sút trí tuệ là sự suy giảm chức năng trí tuệ và
những lĩnh vực khác về nhận thức, dẫn đến giảm khả
năng hoạt động sống hàng ngày. Đây là một trong
những rối loạn ảnh hưởng trầm trọng nhất đến người
cao tuổi. Đặc trưng của bệnh là sự suy giảm nhận thức
xảy ra trong tình trạng ý thức vẫn bình thường. Đó
không phải là loại rối loạn nhận thức có thể hồi phục như mê sảng hay trầm cảm.
Tần suất mắc bệnh sa sút trí tuệ tăng nhanh theo tuổi. Ở tuổi sau 60, tỷ lệ này tăng
gấp đôi mỗi 5 năm. Ở tuổi 60-64, chỉ có 1% bị sa sút trí tuệ, nhưng đến tuổi trên
85 thì tỷ lệ này là 30-50%.
Cần phân biệt sa sút trí tuệ và quên lành tính do tuổi. Quên lành tính do tuổi là tình
trạng giảm trí nhớ do tuổi cao, là kết quả của tiến trình hoạt động thần kinh chậm
dần do tuổi tác. Khởi đầu của quên lành tính là tình trạng khó nhớ thông tin mới và
chậm nhớ lại thông tin cũ do suy giảm khả năng tập trung và chú ý. Tuy nhiên, khi
cho bệnh nhân thời gian và có biện pháp động viên thì việc sinh hoạt hằng ngày
của họ vẫn bình thường

Ở người già, các cơ quan
đều bị suy giảm chức
năng.

Biểu hiện thường gặp nhất của sa sút trí tuệ giai đoạn sớm là giảm trí nhớ
gần. Bệnh nhân có thể quên điều mình vừa nói và lặp đi lặp lại câu này nhiều lần
trong vài phút. Họ thường xuyên quên nơi để những vật dụng cá nhân. Tình trạng


quên kéo dài và dẫn đến tâm lý hoang tưởng là bị mất trộm.

Trong giai đoạn sớm này, bệnh nhân cũng gặp khó khăn khi tìm từ diễn đạt ý mình
muốn nói hoặc giải thích một điều gì đó. Họ thường phải nói vòng vo, chẳng hạn
như không nhớ từ cà vạt nên phải mô tả nó là một vật quấn quanh cổ áo. Ngoài ra,
bệnh nhân cũng có thể quên hay khó khăn trong việc sử dụng hoặc làm những
công việc hằng ngày như lái xe, giữ tiền, nấu ăn
Những biểu hiện khác của sa sút trí tuệ giai đoạn sớm là thay đổi cá tính, rối loạn
cảm xúc và giảm sự phán đoán. Người bệnh có những hành động không giống như
họ đã từng làm, chẳng hạn như một người keo kiệt đột nhiên tặng cho hội từ thiện
vài chục triệu đồng. Những thay đổi tính khí khác như trầm cảm hay hoang tưởng
cũng thường xảy ra. Cần lưu ý trong giai đoạn sớm này, hoạt động xã hội của
người sa sút trí tuệ vẫn không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ thường có những thay
đổi về tính khí như cáu gắt, tàn nhẫn, kích động

Sự ổn định trí tuệ của bệnh nhân cũng khá mỏng manh. Trong những tình huống
khó khăn hay bức xúc thì sự suy giảm trí tuệ có thể biểu lộ rõ rệt, chẳng hạn như
khi phải đi một quãng đường xa để thăm con cháu thì họ có thể đi lạc hay mất định
hướng, đi vòng vo.

Ở mức độ trung bình, bệnh nhân bị giảm khả năng thực hiện các công việc
thường ngày như tắm rửa, mặc đồ, vệ sinh cá nhân. Họ không thể nhớ được
thông tin mới, mất định hướng về không gian và thời gia, có thể quên những sự
vật xung quanh mình như quên nhà vệ sinh, phòng ngủ ở đâu. Người bệnh cũng dễ
bị ngã hoặc có tai biến do sự nhầm lẫn và giảm phán đoán. Những rối loạn hành vi
có từ giai đoạn sớm vẫn kéo dài đến giai đoạn trung bình và nặng. Hoang tưởng và
ảo giác xuất hiện ở khoảng 25% bệnh nhân. Ví dụ: Khi bệnh nhân mất khả năng
nhận ra chính bản thân mình trong gương thì họ lại nghi ngờ là có người lạ vào
nhà. Sự lệch lạc này có thể ngày càng nặng và kéo dài. Bệnh nhân cũng có những
biểu hiện rối loạn hành vi và trở nên kích động.


Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân không thể thực hiện những sinh hoạt hàng ngày
như ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại và lệ thuộc hoàn toàn vào người thân. Trí
nhớ ngắn hạn, dài hạn bị mất hoàn toàn. Bệnh nhân không nhận biết được kể cả
những người rất thân của mình, mất đi những khả năng vận động phản xạ khác
như nuốt (nên dễ bị rối loạn dinh dưỡng và sặc thức ăn). Kết hợp với tình trạng
kém dinh dưỡng và ít vận động, nằm liệt giường, bệnh nhân có thể bị loét da.
Ở giai đoạn muộn của sa sút trí tuệ, bệnh nhân sẽ bị tăng tần suất các tai biến;
chẳng hạn như biến chứng của việc mất nước, kém dinh dưỡng, viêm phổi hít, loét
da. Sự lệ thuộc hoàn toàn vào người khác có khi đưa bệnh nhân đến tình huống
phải vào nhà dưỡng lão. Nếu tiếp tục ở tại nhà, người chăm sóc và bệnh nhân phải
được trang bị những thiết bị cần thiết khác.

Khi nghi ngờ người thân bị sa sút trí tuệ, bạn hãy đưa họ đến khám tại các phòng
khám chuyên khoa tâm thần, thần kinh hoặc lão khoa.

×