Tải bản đầy đủ (.pdf) (17 trang)

Chẩn đoán & điều trị ung thư pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (167.58 KB, 17 trang )

Chẩn đoán & điều trị ung thư tế
bào gan nguyên phát
Ung thư tế bào gan nguyên phát là gì?
Ung thư tế bào gan nguyên phát, thường được gọi tắt là ung thư
gan, là ung thư xuất phát từ tế bào gan. Ung thư gan là loại tổn
thương thường gặp nhất trong các loại u gan, nằm trong sáu loại
ung thư phổ biến nhất trên thế giới và nằm trong ba loại ung thư
phổ biến nhất tại Việt Nam. Ung thư gan đứng hàng thứ ba trong
các nguyên nhân tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế
giới.
Những ai có nguy cơ bị ung thư gan?
Ung thư gan có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng nhiễm vi-rút
viêm gan siêu vi B (HBV), vi-rút viêm gan siêu vi C (HCV) cũng
như với bệnh lý xơ gan do rượu. Ngoài ra còn có một số yếu tố
nguy cơ khác như nhiễm độc tố alfatoxin, dioxin… Nên tầm soát
ung thư gan bằng cách làm siêu âm bụng mỗi 3-6 tháng cho
những người có các yếu tố nguy cơ nói trên.
Làm gì khi được phát hiện có khối u ở gan?
Khi được phát hiện có khối u ở gan, chúng ta nên đến các cơ sở
y tế chuyên khoa (thường là các bệnh viện lớn) để được chẩn
đoán chính xác vì khi một khối u xuất hiện ở gan thì chưa chắc nó
là ung thư gan.
Những loại u nào khác có thể xuất hiện ở gan ?
Khi phát hiện gan có khối u thì ngoài ung thư thì gan còn có thể
có các khối u khác nữa như:
- Các u lành ở gan: u máu (hemangioma), u tuyến
(adenoma), tăng sinh dạng nốt, áp-xe gan, nốt vôi hóa ở
gan…
- Ung thư đường mật trong gan
- Khối u từ các ung thư khác (ung thư dạ dày, ung thư đại
trực tràng, ung thư phổi, ung thư vú…) di chuyển vào gan,


gọi là di căn gan hay ung thư gan thứ phát.
Xác định ung thư gan bằng cách nào?
Khi phát hiện gan có khối u, bệnh nhân sẽ được hỏi để tìm hiểu
các yếu tố nguy cơ như: tình trạnh nhiễm HBV hoặc HCV, sử
dụng rượu, bia, từng được truyền máu hay từng sử dụng kim
tiêm chung với người khác, từng tiếp xúc với các loại độc tố hay
hóa chất (loại, thời gian tiếp xúc…), lý do đến khám (đau bụng,
vàng da, bụng to, hay chỉ là kiểm tra sức khỏe) và các bệnh lý
khác đi kèm. Tìm hiểu những yếu tố nguy cơ này sẽ góp phần
giúp bác sĩ tìm nguyên nhân cũng như cách điều trị thích hợp.
Sau khi tìm các yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ khám bệnh nhân, đánh
giá tổng trạng, mạch, huyết áp, tình trạng vàng da vàng mắt,
khám tổng quát, khám bụng xem có sờ thấy gan to hay không.
Để xác định chính xác có phải ung thư gan hay không bệnh nhân
cần được làm một số xét nghiệm cần thiết như: công thức máu,
chức năng đông máu, chức năng gan thận, dấu chứng của nhiễm
HBV hoặc HCV, dấu chứng ung thư gan (AFP), Chụp X-quang
phổi thẳng và siêu âm Doppler mạch máu gan, CT scan bụng có
cản quang hay cộng hưởng từ (MRI) bụng có cản từ.

Khi nào thì khối u gan được xác định là ung thư gan?
Khi có một trong ba tiêu chuẩn sau thì khối u gan được xác định
là ung thư gan:
- Có bằng chứng giải phẫu bệnh lý là ung thư tế bào gan
nguyên phát
- Hình ảnh điển hình trên CT scan bụng có cản quang
hoặc MRI bụng có cản từ cùng với lượng AFP lớn hơn 400
ng/ml
- Hình ảnh điển hình trên CT scan bụng có cản quang
hoặc MRI bụng có cản từ cùng với lượng AFP tăng cao hơn

bình thường (nhưng chưa đến 400 ng/ml) và có nhiễm HBV
hoặc HCV.
Những trường hợp không đủ các tiêu chuẩn nói trên đều phải làm
sinh thiết gan để chẩn đoán xác định.
Sinh thiết gan là gì?
Đó là một thủ thuật mà bác sĩ sẽ dùng siêu âm xác định vị trí khối
u, tiêm thuốc tê dưới da vị trí sẽ chọc kim, sau đó dùng một cây
kim đặc biệt xuyên vào để lấy ra một phần của khối u. Phần của
khối u này sẽ được xem dưới kính hiển vi để xác định có phải là
mô ung thư hay không. Kết quả đó gọi là kết quả giải phẫu bệnh
lý.
Ung thư gan có điều trị được không?
Ung thư gan có thể điều trị được. Việc điều trị nhằm hai mục tiêu:
- Điều trị (các) khối ung thư gan đã phát hiện
- Điều trị bệnh lý nền tảng như: viêm gan siêu vi B hoặc
C, xơ gan…
Ung thư gan có thể xếp thành giai đoạn. Tuy nhiên trên thực tế,
các bác sĩ lại ít quan tâm đến giai đoạn mà thường xem xét dưới
khía cạnh khác: khối u còn điều trị được không và điều trị bằng
phương pháp nào.
Những phương pháp nào hiện nay điều trị ung thư gan?
Có ba phương pháp chính để điều trị ung thư gan:
- Phẫu thuật cắt bỏ phần gan có mang khối u hoặc phẫu
thuật ghép gan
- Phá hủy khối u tại chỗ bằng cách truyền sóng cao tần
(RFA) hay vi sóng (microwave) hoặc tiêm chất đông lạnh
(cryotherapy), tiêm cồn (PEI) hay chất phóng xạ vào khối u
- Cắt nguồn máu nuôi khối u phối hợp với diệt tế bào ung
thư bằng hóa chất hay chất phóng xạ (TACE hay TOCE).
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp

điều trị triệt để nhất và phù hợp nhất với từng bệnh nhân. Trong
một số trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể phối hợp các phương
pháp trên với nhau.
Khi nào bác sĩ đề nghị phẫu thuật cắt gan hay ghép gan?
Bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần
gan có mang khối u khi:
- Khối u dự kiến cắt bỏ được, thể tích gan còn lại lớn hơn
hay bằng 50% thể tích ban đầu
- Tình trạng toàn thân cho phép chịu đựng cuộc mổ,
không có di căn xa.
Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật ghép gan khi :
- Gan chỉ có 1 khối u, kích thước khối u không quá 5cm
- Gan có không quá 3 khối u, kích thước mỗi u không quá
3cm.
Phẫu thuật cắt gan hay ghép gan là cách điều trị triệt để nhất hiện
nay. Sau phẫu thuật cắt gan, bệnh nhân có thể hồi phục và xuất
viện sau khoảng 01 tuần. Còn sau ghép gan thì bệnh nhân phải
chờ đến khi hoàn toàn ổn định mới được xuất viện.
Bác sĩ chọn biện pháp phá hủy khối u tại chỗ khi nào?
Bác sĩ có thể chọn biện pháp phá hủy khối u tại chỗ khi:
- Số lượng khối u không quá 3, kích thước u không quá
4cm và khối u dễ tiếp cận bằng siêu âm
- Tình trạng toàn thân cho phép, không có di căn xa hoặc
bệnh lý đi kèm.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ xác định vị trí các khối u bằng
siêu âm, tiêm thuốc tê vào dưới da vị trí chọc kim, sau đó xuyên
một cây kim đặc biệt vào khối u rồi truyền sóng cao tần hay vi
sóng, hoặc tiêm chất đông lạnh, tiêm cồn hay chất phóng xạ qua
kim vào khối u để phá hủy khối u. Sau thủ thuật, bác sĩ có thể yêu
cầu bệnh nhân chụp lại CT scan để xác định đã phá hủy hoàn

toàn các khối u trong gan hay chưa, nếu cần thì có thể làm thủ
thuật bổ sung. Với phương pháp này, bệnh nhân có thể chỉ thấy
đau ít, hồi phục trong ngày và xuất viện sau 1-2 ngày
Trường hợp nào bác sĩ đề nghị phương pháp TACE (hay
TOCE) để điều trị ung thư gan?
TACE (Trans-Arterial Chemo-Embolization) hay TOCE
(Transarterial Oily Chemo-Embolization) là một kỹ thuật làm tắc
các nhánh mạch máu nuôi khối u kết hợp với bơm hóa chất hoặc
chất phóng xạ tiêu diệt tế bào ung thư vào khối u để hủy diệt khối
u. Phương pháp này được áp dụng khi:
- Khối u không cắt được, hoặc có nhiều u ở cả hai thùy
- Tình trạng toàn thân của bệnh nhân không cho phép và
không có di căn xa.
Phương pháp này được tiến hành như sau: bác sĩ tiêm thuốc tê
vào dưới da vùng bẹn (háng), dùng một kim đặc biệt chọc vào
động mạch đùi, qua kim này bác sĩ sẽ luồn một ống thông nhỏ và
dài qua động mạch đùi vào động mạch chủ bụng rồi vào động
mạch gan, sau đó luồn ống này vào các nhánh động mạch nuôi
khối u, bơm hóa chất chống ung thư hay chất phóng xạ vào khối
u rồi bơm thuốc làm tắc các nhánh động mạch nuôi khối u. Hóa
chất hay chất phóng xạ sẽ diệt một phần khối u, đồng thời khối bị
thiếu máu nuôi sẽ chết đi (gọi là hoại tử đông).
Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể bị ói, mệt mỏi, sốt, đau, rụng tóc.
Mức độ và thời gian của các tác dụng phụ này tùy thuộc vào từng
người. Kết quả của TACE (hay TOCE) chỉ có thể đánh giá sau 4-
6 tuần và tùy kết quả đó mà bác sĩ sẽ quyết định bệnh nhân có
nên làm một lần nữa hay không.
Xạ trị, hóa trị có điều trị được ung thư gan hay không?
Xạ trị ít có hiệu quả trong điều trị ung thư gan và dễ gây tổn
thương mô gan lành xung quanh khối u. Một số phương pháp xạ

mới có thể có hiệu quả phần nào nhưng vẫn còn đang được
nghiên cứu.
Hóa trị toàn thân (truyền hóa chất qua đường tĩnh mạch) ít có giá
trị, và chỉ áp dụng cho các trường hợp ung thư gan đã quá chỉ
định điều trị (với điều kiện chức năng gan còn khá). Các phác đồ
hóa trị hiện nay có thuốc chủ yếu là Doxorubicin. Hóa chất được
xem là có hiệu quả làm chậm phần nào sự phát triển của khối u là
Sorafenib, một loại thuốc viên uống liên tục hàng ngày, hiện được
chỉ định dùng cho các trường hợp đã quá chỉ định điều trị.
Thế nào là ung thư gan quá chỉ định điều trị?
Ung thư gan quá chỉ định điều trị là tình trạng:
- Tổng thể tích các khối u vượt quá 50% thể tích gan
- Có huyết khối tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan, tĩnh mạch
chủ dưới, … (tức là tế bào ung thư đã vào trong các mạch
máu chính của gan hoặc của cơ thể)
- Có di căn hạch trong ổ bụng hay di căn xa (phổi, xương)
- Tình trạng toàn thân kém.
Đối với các trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị triệu
chứng: cho thuốc giảm đau, thuốc hỗ trợ chức năng gan, thuốc
bổ, truyền dịch nuôi dưỡng.
Theo dõi và tái khám như thế nào?
Bệnh nhân sẽ được yêu cầu theo dõi định kỳ cho đến khi không
thể tiếp tục được theo dõi nữa (tử vong, đi xa, mất liên lạc…). Và
tùy phương pháp điều trị, hiệu quả điều trị, thời gian bệnh ổn định
hay tiến triển mà bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân tái khám mỗi tháng,
mỗi hai tháng, mỗi ba tháng hay mỗi sáu tháng.
Ngoài việc giải quyết khối u, bác sĩ sẽ tư vấn và điều trị bệnh nền
tảng (hay là các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan) của bệnh
nhân như: viêm gan siêu vi B hay C, xơ gan… Bên cạnh đó, bệnh
nhân cần ăn uống đầy đủ, tập vận động, tránh tuyệt đối việc sử

dụng bia, rượu và hạn chế các thức ăn quá béo.
Tóm lại, ung thư gan có thể điều trị được với sự phát triển của các
phương pháp điều trị hiện nay. Phát hiện bệnh càng sớm thì khả
năng điều trị khỏi bệnh càng cao. Và trong quá trình điều trị, bệnh
nhân nên tuân thủ theo lời khuyên và lịch tái khám của các bác sĩ
chuyên khoa.

×