Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG TRẦN NHÂN TÔNG 5 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.97 KB, 6 trang )

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG TRẦN NHÂN TÔNG
5

Phương pháp thiền khác nhau là vì dùng cho những căn cơ khác nhau, nhưng chân
lý là một. Nếu chúng ta chưa giác ngộ được thì vì bản thân mình chưa đạt tới chứ
không phải vì các phương pháp Phật tổ bày ra mà không thực hiện được. Tất nhiên
vua Trần Nhân Tông cũng giống như các thiền sư trước thời mình đều biết rõ thiền
không phải dễ giác ngộ gì. Cho nên trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca vua đã
nói tới tình trạng:

Phô người học đạo
Vô số nhiều thay
Trúc hóa nên rồng
Một hai là họa

Thực tế này không phải là mới. Một thiền sư Trung Quốc là Vĩnh Minh Diên Thọ
(904 -975) cũng từng nói đến việc tu thiền “muôn người tu thì một người được”.
Còn bản thân vua Trần Nhân Tông cũng thấy là vô số người tu thiền, nhưng chứng
được thiền thì họa may có được một hai. Và chính ngay vua Trần Thái Tông cũng
nói đến tình trạng những vị sư tu thiền là “bàn thiền tợ thánh, đối cảnh như ngu”.
Lý do cho tình trạng này, vua Trần Nhân Tông đã chỉ ra cũng ở Đắc thú lâm tuyền
thành đạo ca:

Bởi lòng vờ vịt
Trỏ bắc làm nam

Chỉ ra như thế này ta thấy đâu đây như vang bóng câu trả lời của Pháp Minh cho
hoàng đế Lý Miễu cách thời vua Trần Nhân Tông đã gần ngàn năm: “Ôm lấy
chuyện bậy để hy vọng điều phải, giữ chặt việc giả để chờ đợi sự chân, chần chờ
hai lòng, trù trừ đôi ngả thì Phật dù có phóng quang động địa, ai mà có thể thấy
cho ư?”.1 Rõ ràng, lòng vờ vịt của vua Trần Nhân Tông chính là lối “chần chờ hai


lòng, trù trừ đôi ngả” của những người muốn thấy Phật vào thời Lý Miễu. Một khi
lòng dạ đã vậy, thì chắc chắn chỉ “ôm chuyện bậy mà mong điều phải, giữ việc giả
để chờ sự chân”, bảo đi về hướng bắc nhưng lại theo phương nam mà rảo bước.
Thế thì làm sao mà hy vọng giác ngộ được.

Tuy nhiên, khi đã giác ngộ rồi, thì đâu có phân biệt gì sự khác nhau giữa sơn lâm
và thành thị, giữa đạo và đời, giữa cuộc sống tĩnh lặng trong rừng núi và công việc
xô bồ ở phố phường. Nội dung của tư tưởng Cư trần lạc đạo là thế.
Nó được hình thành để thỏa mãn yêu cầu lý luận cho một giai đoạn Phật giáo mới,
giai đoạn người Phật tử phải thực hiện nhiệm vụ dân tộc của mình, đồng thời phải
tạo cho Phật giáo một sức sống mới bằng cách đưa giáo lý vào trong việc thực
hiện nhiệm vụ dân tộc đó, mà bản thân vua Trần Nhân Tông là một điển hình nổi
bật.

Ta đã thấy sau khi xuất gia “mặc cà sa, nằm trướng giấy” với “cà một vò, tương
một hũ” ở tại núi Yên Tử, vua Trần Nhân Tông đã không bao giờ sao nhãng đối
với các vấn đề đất nước, đặc biệt là vấn đề Chiêm Thành. Hai châu Ô, Lý đã trở
thành đất đai Đại Việt trong thời gian vua đã xuất gia. Đây phải nói là một điểm
sáng lạ kỳ trong đời sống của một người xuất gia như vua Trần Nhân Tông. Chưa
bao giờ trong lịch sử Phật giáo ở nước ta hay ở bất cứ một nước nào khác, mà một
người xuất gia lại có thể mở mang bờ cõi, và mở mang bờ cõi một cách hòa bình.
Căn cứ vào giới luật của hàng Phật tử bình thường sống ở các chùa chiền, mà ta
hay gặp, thì một người xuất gia không bao giờ được phép đi làm mai mối cho việc
dựng vợ gả chồng. Thế mà Hương Vân Đại Đầu Đà đã làm việc đó và đã làm một
cách thành công. Tất nhiên, Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo thiền tông,
có những quy định giới luật của riêng mình, mà họ gọi là “quy ước thiền đường”,
như nhan đề một cuốn sách của thiền sư Minh Giác Kỳ Phương (1682-1744) đã có
và thường không liên hệ nhiều với loại giới luật bình thường của nó.

Điểm đặc biệt thứ hai là sau khi đã làm mai mối thành công như thế, vua Trần

Nhân Tông trở về Đại Việt gặp sự chống đối của hầu hết triều đình, đặc biệt là
tầng lớp trí thức thời bấy giờ. Họ đã viết văn làm thơ để chê cười việc Hương Vân
Đại Đầu Đà đem cô con gái cành vàng lá ngọc của mình gả cho vua Chiêm mà họ
cho là tên mọi, một giống người hạ cấp. Quan điểm kỳ thị này hơn một trăm năm
sau, những trí thức như Ngô Sĩ Liên vẫn tiếp tục bám lấy và lên tiếng bình luận:

“Xưa Hán Cao Hoàng vì Hung Nô nhiều lần làm khổ biên giới, đem con gái nhà
dân làm công chúa để gả cho thiền vu. Kết hôn với người không phải giống, tiên
nho đã từng chê, song có ý muốn việc binh đao được chấm dứt và dân được yên.
Điều đó còn có thể nói được. Nguyên Đế nhà Hán, nhân Hô Hàn đến, chầu xin làm
rể nhà Hán, nhà Hán đem Vương Tường gả cho, cũng là có cớ. Còn Nhân Tông
đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa gì? Nếu nói nhân đi chơi, trót hứa,
sợ thất tín, thì sao không đổi mệnh được ư? Vua giữ ngôi trời, còn Thượng hoàng
thì đã xuất gia, vua đổi mệnh có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải
giống cho đúng lời hứa trước, rồi lại dùng mưu gian đánh cướp lại về sau, thế thì
tín ở đâu?”.

Phải là một người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Phật giáo như vua Trần Nhân
Tông mới có một cái nhìn bình đẳng về con người. Từ thời Mâu Tử, người Phật
giáo đã sử dụng lý luận mọi người đều có tính Phật để bác bỏ tư tưởng kỳ thị của
Đại Hán cùng sự hùa theo của đám nhà Nho để coi dân tộc ta là mọi rợ và người
Hán là Hoa Hạ. Nghe lời bình luận vừa nêu của Ngô Sĩ Liên, ta vẫn còn thấy
phảng phất thứ tư tưởng kỳ thị a dua ấy. May mắn cho dân tộc là vào lúc đó còn có
các nhà lãnh đạo đất nước có trách nhiệm đã thấm nhuần sâu sắc giáo lý Phật giáo
như Văn Túc Vương Trần Đạo Tải và Trần Khắc Chung đã quyết định việc này,
và đưa đến một kết thúc êm đẹp. Công chúa Huyền Trân đã đi về nhà chồng và
nhân dân Đại Việt không tốn một mũi tên, một người lính mà có thêm một dãi đất
trên 200 cây số.

Hệ tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập, như thế

đã giải quyết một loạt các vấn đề đặt ra cho Phật giáo Việt Nam vào thời đó nhằm
cơ bản thỏa mãn được các đòi hỏi của dân tộc, mà trước đó chưa được thỏa mãn.
Ta đã thấy không phải vô cớ mà tư tưởng Cư trần lạc đạo đã được đề ra và xác
định nội dung. Một lần nữa, hệ tư tưởng này đã được chứng minh là xuất phát từ
thực tiễn của Đại Việt và có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề do thực tiễn này
phát sinh.

Trên đây chúng tôi chỉ nêu một số vấn đề cơ bản mà tư liệu hiện nay cho phép.
Chúng tôi chưa bàn đến những vấn đề thuần túy chuyên môn liên hệ về thiền.
Chẳng hạn vấn đề có không, mà trong buổi giảng cuối đông năm Giáp Thìn (1304)
tại chùa Sùng Nghiêm, vua Trần Nhân Tông đã có một bài thơ dài thuyết giảng.
Tất nhiên về vấn đề này cuối cùng Trần Nhân Tông cũng nói nó là “như thế như
thế”, nghĩa là, đòi hỏi người đối thoại tham học tự mình giải quyết lấy thông qua
những gợi mở của người hướng đạo mình. Thực tế này, như vua Trần Nhân Tông
đã trình bày trong Cư trần lạc đạo phú, chỉ để cho những “thượng sĩ thực chứng
mà nên”. Những vị thượng sĩ này trong dòng thiền Trúc Lâm có thể thuộc nhiều
thành phần xã hội khác nhau, không nhất thiết giới hạn chủ yếu trong các viên
chức nhà nước.

Sau thời Trần Nhân Tông, Phật giáo đã phát triển theo hướng tư tưởng Cư trần lạc
đạo này. Phật giáo không còn dành riêng cho bất cứ một bộ phận nào của xã hội,
dù bộ phận đó có ưu tú tới đâu. Nó lan khắp mọi tầng lớp nhân dân, đúng như văn
bia do Lê Quát viết cho chùa Thiệu Phúc ở Bái thôn thuộc lộ Bắc Giang vào năm
1270 và Ngô Sĩ Liên đã chép lại trong ĐVSKTT 7 tờ 36a3-b4 như sau: “Nhà Phật
lấy họa phúc để cảm động lòng người, sau được người ta tin sâu bền như thế. Trên
từ vương công cho đến dân thường, hễ bố thí vào việc Phật thì tuy đổ hết tiền của
cũng không sẻn tiếc, ví như ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì trong lòng hớn hở
như cầm được khoán ước để hưởng được sự báo ứng này về sau. Cho nên trong từ
kinh thành ngoài đến châu phủ, cho đến thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà theo,
không thề mà tin. Chỗ nào có nhà người ở, tất chỗ đó có chùa Phật, hỏng rồi lại

xây, hư rồi lại sửa. Lâu đài chuông trống so với dân cư chiếm đến nửa phần. Đạo
Phật thịnh rất dễ dàng, mà sự tôn sùng lại rất lớn. Ta tuổi trẻ đọc sách, khảo xét
xưa nay cũng hiểu sơ được đạo Thánh hiền để giáo hóa dân này, mà rốt cuộc chưa
thể làm cho một làng tin theo, từng dạo xem núi sông, dấu chân in đến nửa thiên
hạ, mà tìm cái gọi là nhà học văn miếu, thì chưa từng có thấy một nơi. Ta do thế
rất lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật, bèn viết ra đây để tỏ lòng”. Sự hưng thịnh
của Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ 14, khi nhà Trần đã suy vong, chắc chắn đã
xuất phát từ hệ tư tưởng Cư trần lạc đạo vừa nói. Phật giáo không dành riêng cho
một bộ phận những người tu hành, cũng chẳng phải riêng một bộ phận quý tộc hay
viên chức nhà nước. Phật giáo là của mọi người, khắp hang cùng ngõ hẻm, ở đâu
có nhà dân thì ở đó có chùa Phật, như Lê Quát đã nói. Sự hưng thịnh này có sự
đóng góp không nhỏ của vua Trần Nhân Tông và hệ tư tưởng của dòng thiền do
vua sáng lập. Sự thật như thế, với minh văn như thế. Vậy mà vẫn có những người
cứ bảo Phật giáo suy tàn vào cuối thời Trần. Đặc biệt sau cái chết của thiền sư
Huyền Quang (1254-1334) thì Phật giáo “thời hưng thịnh chấm dứt”.

Không những không hết một thời thịnh vượng, Phật giáo thiền phái Trúc Lâm còn
phát triển mạnh mẻ, để chuẩn bị gánh vác trước dân tộc và đạo pháp những nhiệm
vụ mới mà lịch sử đã giao phó. Lợi dụng lúc đất nước ta có vấn đề, bọn xâm lược
Minh đã tràn qua. Thế là cả một dân tộc đứng lên cầm vũ khí, từ nhà sư như Phạm
Ngọc, cho đến những Phật tử như Trần Trùng Quang, Lê Lợi, Nguyễn Trãi để
đánh đuổi quân thù với kết cục là những chiến thắng Chi Lăng, Xương Giang vang
dội đem lại nền độc lập cho tổ quốc và sự ra đời của nhà Lê. Phật giáo thiền Trúc
Lâm Yên Tử do thế, đã tiếp tục sự nghiệp vì đạo vì dân của mình vào các triều đại
sau với các nhân vật nổi bật như thiền sư Đạo Khiêm (? - 1445?), thiền sư Viên
Thái (1400 - 1460?), trạng nguyên Lê Ích Mộc (1459 - ?), thiền sư Pháp Tính
(1470 - 1550?), thiền sư Thọ Tiên Diễn Khánh (1550 -1620?), thiền sư Chân An
Tuệ Tĩnh (?-1711), thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1648 - 1726) và đặc biệt
thiền sư Hải Lượng Ngô Thời Nhiệm (1746 - 1803). Nhưng đây sẽ là chủ đề cho
một nghiên cứu khác

×