Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Bệnh tả: không để Việt Nam thành Bangladesh thứ hai pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (221.63 KB, 10 trang )

Bệnh tả: không để Việt Nam thành Bangladesh
thứ hai
Nguyễn Văn Tuấn
Thế là chỉ trong vòng 6 tháng các địa phương phía Bắc đã và đang kinh qua 3 lần
bộc phát bệnh tả. Có thể qui mô bệnh chưa đến nỗi phải dùng thuật ngữ “dịch tả”,
nhưng chúng ta cần định danh bệnh cho đúng với thực tế. Sự phát sinh và tái phát
sinh của bệnh tả làm chúng ta phải suy nghĩ đến các biện pháp lâu dài để phòng
chống bệnh, và nhất là không để các địa phương phía Bắc nước ta thành một
Bangladesh thứ hai. Bài viết này đề nghị một số biện pháp thực tế để phòng chống
bệnh tả.

Các bác sĩ đang khẩn trương cấp cứu người bệnh tại BV Truyền nhiễm và Nhi
ệt
đới
Quốc gia (Ảnh VietNamNet)
Định danh bệnh
Chỉ trong vòng trên dưới 6 tháng qua bệnh tả bộc phát 3 lần tại một số các địa
phương phía Bắc nước ta. Tháng 10 năm ngoái bệnh tả xảy ra và gây ra nhiều chú
ý của giới truyền thông và công chúng. Đến cuối năm các giới chức y tế tuyên bố
rằng bệnh đã được khống chế, nhưng đến đầu năm 2008, bệnh tả lại bộc phát lần
thứ hai! Và, mới đây nhất một “làn sóng” bệnh tả lại bộc phát với hàng trăm bệnh
nhân đã nhập viện. Điều này cũng phù hợp với những dự đoán của các chuyên gia
rằng bệnh tả sẽ tái phát khi thời tiết bắt đầu ấm lên như hiện nay.
Tuy nhiên điều đáng chú ý lần này là số ca bị nhiễm vi khuẩn tả (V. cholera) cao
hơn hai lần trước. Cần nhắc lại rằng năm ngoái tỉ lệ bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tả
chỉ khoảng 13% (tính trên ~1800 bệnh nhân). Theo thống kê chưa đầy đủ, lần này
có đến 70-80% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính nhiễm vi khuẩn tả.
Mặc dù các quan chức y tế vẫn sử dụng cụm từ "tiêu chảy cấp nguy hiểm”, nhưng
theo tôi, với một tỉ lệ nhiễm khuẩn tả cao như ghi nhận hiện nay, chúng ta nên
định danh bệnh cho đúng với thực tế khoa học: “bệnh tả”.
Chúng ta cần định danh bệnh cho đúng để phòng ngừa. Không có gì phải mặc cảm


về sự hiện diện của bệnh.
Bệnh tả, lị và thương hàn không phải những bệnh gì mới ở nước ta. Theo y văn
quốc tế (do người Pháp ghi lại), năm 1850, một trận dịch tả xảy ra ở miền Trung
và Nam nước ta làm cho hơn 2 triệu người mắc bệnh. Năm 1885, một trận dịch lớn
khác bộc phát làm cho nhiều lính Pháp mắc bệnh; và trong số lính mắc bệnh tỉ lệ
tử vong lên đến 50%! Toàn quyền Paul Doumer cũng từng bị chết vì tiêu chảy, có
nghi ngờ là bệnh tả. Từ năm 1910 đến 1930, trung bình mỗi năm có khoảng 5000
đến 30.000 trường hợp dịch tả được ghi nhận. Năm 1961, một nạn dịch tả lớn bộc
phát ở Nam Dương, và vi khuẩn V. cholerae O1 lan truyền sang đến miền Nam
nước ta làm cho 20.009 người mắc bệnh và 821 người chết. Từ năm 1979 đến
1996, trung bình mỗi năm có khoảng 3000 trường hợp dịch tả được báo cáo (xem
Bảng 1). Phần lớn những trường hợp này xảy ra ở miền Trung và Nam, đặc biệt là
các tỉnh phía nam Trung phần như Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang, v.v… Các
yếu tố nguy cơ được ghi nhận qua các trường hợp này liên quan đến nguồn nước:
lượng mưa nhiều, nước uống thiếu vệ sinh hay bị nhiễm trùng, và thiếu cầu tiêu,
cầu tiểu.
Bảng 1. Số trường hợp dịch tả ở Việt Nam từ 1979
đến 1996 phân chia theo vùng
Số trường hợp mắc bệnh theo vùng Năm
Bắc Trung Nam Cao
Nguyên
Tỉ lệ
tử
vong
(%)
1979 0 0 2017 0 9,6
1980 1685 0 6501 0 5,2
1981 442 1613 708 0 3,2
1982 0 126 1686 0 3,1
1983 78 3571 3750 0 2,0

1984 0 114 149 0 1,1
1985 381 3271 702 0 1,8
1986 1622 3147 832 0 1,2
1987 1018 218 833 0 1,1
1988 1389 916 224 12 1,6
1989 1 0 129 0 0,0
1990 0 798 1161 0 0,8
1991 3 142 0 0 2,1
1992 12 1849 649 0 0,5
1993 0 2684 776 0 0,3
1994 216 1822 626 1459 1,4
1995 814 3494 1327 453 0,7
1996 149 324 149 8 0,2
Nguồn: Daksgaard A, et al. J Clin Microbiol
1999;37(3):734-741.
Yếu tố nguy cơ
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để phòng bệnh ở qui mô cộng đồng. Quan
sát phản ứng và phương cách đối phó của giới y tế trung ương cho thấy xu hướng
“nước đến chân mới nhảy”. Thật ra, phần lớn các biện pháp ứng phó của Bộ Y tế
vẫn chỉ giới hạn trong việc tuyên truyền, giáo dục, và kiểm tra vệ sinh. Nhưng sự
hữu hiệu của các biện pháp này còn tùy thuộc vào kiến thức và nhận thức của
người dân, mà trong thực tế phải nói là chưa được cao.
Chúng ta biết rằng bệnh tả xảy ra là do bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tả (V. cholerae).
Vi khuẩn này có mặt trong nước và một số thực phẩm. Do đó, muốn phòng bệnh
có hiệu quả thì chúng ta phải biết qua các yếu tố nguy cơ của bệnh. Rất tiếc thời
gian qua, vì chúng ta thiếu những nghiên cứu dịch tễ học có hệ thống nên vẫn chưa
biết rõ yếu tố nguy cơ bệnh tả ở Việt Nam.
Điểm qua y văn và kinh nghiệm từ nước ngoài cung cấp cho chúng ta vài thông tin
có ích. Trong thời gian 2001 đến 2004, bệnh dịch tả bộc phát ở tỉnh Sistan-va-
Baluchestan, và các nhà nghiên cứu Iran đã làm một việc có ý nghĩa: họ tiến hành

nghiên cứu dịch tễ học để hệ thống hóa đặc điểm vùng bị nhiễm vi khuẩn và nhận
dạng các yếu tố nguy cơ. Kết quả phân tích trên cho thấy các yếu tố nguy cơ nguy
hiểm nhất là không làm vệ sinh tay sau khi đi tiêu/tiểu và trước khi ăn uống. Uống
nước sông hay nước giếng cũng là một yếu tố quan trọng. Ngoài ra, kết quả của họ
còn cho thấy đàn ông có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ đến 3,7 lần.
Bảng 2. Yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tả qua kết quả
nghiên cứu ở Iran
Yếu tố nguy cơ Tỉ số nguy cơ
Uống nước và bia từ các hàng quán bên lề
đường
10,2
Không rửa tay sau khi đi tiêu hay đi tiểu 22,1
Không rửa tay trước khi ăn uống 3,6
Ăn thức ăn còn dư lại từ hôm trước 4,0
Uống nước giếng / sông 2,8
Chú thích diễn dịch: Tỉ số nguy cơ liên quan đến một yếu tố
nguy cơ có thể diễn dịch qua một ví dụ như sau: những
người đi tiêu/tiểu mà không rửa tay có nguy cơ mắc bệnh
dịch tả, tính trung bình, cao hơn 22,1 lần so với những
người có rửa tay sau khi đi tiêu hay đi tiểu. Nguồn: Izadi S,
et al. Cholera outbreak in southeast of iran: routes of
transmission in the situation of good primary health care
services and poor individual hygienic practices. Jpn J Infect
Dis. 2006 Jun;59(3):174-8.
Năm 1997, bệnh dịch tả bộc phát ở vài vùng ở Tanzania. Các nhà nghiên cứu tận
dụng “cơ hội” này để tiến hành một nghiên cứu dịch tễ học và kết quả cung cấp
cho chúng ta một số yếu tố nguy cơ có vẻ “gần” với những đặc điểm sinh sống ở
nước ta (xem Bảng 3). Kết quả trên một lần nữa cho thấy các yếu tố như nguồn
nước uống, nhà xí, tắm sông (và ngạc nhiên thay, ăn cá khô) là những yếu tố rất
quan trọng có liên quan đến bệnh dịch tả.

Bảng 3. Yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tả qua kết
quả nghiên cứu ở Tanzania
Yếu tố nguy cơ Tỉ số nguy cơ
Dự đám tang gần đây 2,7
Nhà có vách làm bằng bùn 1,7
Trần nhà không có tole hay ngói 2,0
Không có cầu tiêu / nhà xí trong
nhà
11,4
Uống nước không đun sôi 1,9
Tắm sông 11,4
Ăn cá khô 13,0
Ăn tôm và tôm khô 3,1
Ăn rau cải sống (không nấu chín) 1,3
Nguồn: Acosta CJ, et al. Cholera outbreak in southern
Tanzania: risk factors and patterns of transmission.
Emerg Infect Dis. 2001;7(3 Suppl):583-7.
Chiến lược phòng ngừa
Chúng ta cần một chiến lược lâu dài phòng chống bệnh hơn là ứng phó tạm thời.
Từ các yếu tố nguy cơ trên và xem qua các kinh nghiệm phòng chống bệnh từ các
nước khác chúng ta có thể điểm qua một số biện pháp hữu hiệu như sau:
Thứ nhất là vệ sinh và an toàn thực phẩm. Như trình bày trong hai bảng phân
tích các yếu tố nguy cơ trên, bệnh tả và tiêu chảy có liên quan chặt chẽ với nguồn
thực phẩm và vệ sinh. Mà, vệ sinh thực phẩm là một vấn đề lớn ở nước ta.
Người nước ngoài mới đến nước ta lần đầu rất ngạc nhiên khi thấy vệ sinh thực
phẩm ở nước ta quá lỏng lẻo. Hàng quán vỉa hè bày bán đủ thứ thức ăn mặc cho
phơi nhiễm bởi bụi bậm và khói xe. Người dân xì xụp ăn uống, và khi xong thì vô
tư vứt rác ra lề đường, và người “chủ quán” cũng vô tư vứt thức ăn thừa ra lề
đường. Nước rửa chén đĩa được “tái sinh” không biết bao nhiêu lần.
Đó là những cảnh cực kì hiếm thấy ở các nước mà dịch tả không còn là vấn đề y tế

nữa. Do đó, biện pháp hàng đầu và số 1 trong việc phòng chống bệnh tả (và nhiều
bệnh truyền nhiễm khác) phải là kiểm tra vệ sinh và an toàn thực phẩm. Thật ra,
chúng ta có những qui định về vệ sinh thực phẩm, nhưng ít khi nào được áp dụng
một cách nghiêm chỉnh. Đã đến lúc kĩ nghệ thực phẩm, kể cả giới buôn bán vỉa hè
và các nhà hàng, có hệ thống tự kiểm tra vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay trong việc kiểm tra vệ sinh an toàn
thực phẩm là sự chồng chéo về chức năng giữa các cơ quan. Thật là ngạc nhiên
khi công an, hải quan, quản lí thị trường, y tế, v.v… đều có chức năng kiểm tra vệ
sinh thực phẩm. Do đó, khi bệnh tả xảy ra, các giới chức y tế chỉ giới hạn trong
tuyên truyền mà không có hành động thực tế để phòng chống bệnh về lâu về dài,
bởi vì có quá nhiều cơ quan dính dáng mà chẳng cơ quan nào chịu trách nhiệm!
Và khi kiểm tra ra tay thì sự cố lại xảy ra vì phương pháp làm việc không minh
bạch dẫn đến phản đối của nhà hàng. Thật ra, ngay cả chức năng phát ngôn viên
mà trong Bộ Y tế người vẫn có sự đùn đẩy cho nhau!
Thứ hai là làm sạch nguồn nước. Theo một nghiên cứu gần đây có hơn 80%
nông dân phía Bắc không có nguồn nước sạch. Nghiên cứu từ Iran và Tanzania
(những nơi từng kinh qua nạn dịch tả gần đây) cho thấy người người tắm sông
nước bẩn và uống nước bị nhiễm trùng có nguy cơ mắc bệnh tả cao gấp 10 lần
những người không tắm sông và sử dụng nước không bị nhiễm trùng. Dựa vào kết
quả này, có thể nói rằng nếu can thiệp làm sạch nguồn nước uống và nước cho
sinh hoạt hàng ngày sẽ ngăn ngừa được ít nhất là 90% bệnh tả. Làm sạch nguồn
nước ở đây bao gồm việc đun sôi trước khi uống và tẩy trùng bằng chlorine hay
các hóa chất khử trùng. Đối với các nông dân không có nước máy, nên khuyến
khích sử dụng chlorine để làm sạch nước. Kinh nghiệm ở các nước vùng châu Mĩ
Latin trong thập niên 1980 và 1990 cho thấy chỉ đơn giản triển khai phong trào sử
dụng chlorine làm sạch nước trong từng hộ có thể giảm sự phát sinh của bệnh tả
đến 80%. Chi phí sử dụng chlorine theo tính toán của các chuyên gia y tế Mĩ chỉ
tốn khoảng 2 USD mỗi hộ hàng năm. Do đó, làm sạch nguồn nước uống và sinh
hoạt có thể đem lại hiệu quả y tế và kinh tế rất cao.
Thứ ba là vấn đề vệ sinh cá nhân. Ăn uống hay đi vệ sinh không rửa tay là một

yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tả, vì tỉ số nguy cơ lên đến 22! Thật vậy, phần
lớn các yếu tố nguy cơ của bệnh tả thường liên quan đến tình trạng kinh tế và thậm
chí văn hóa sinh hoạt của người dân. Phải thú nhận một thực tế là rất nhiều người
chưa có thói quen rửa tay trước bữa ăn hay sau khi đi tiêu / tiểu, và cũng chưa xem
nhà xí là một phương tiện phòng chống bệnh tật. Rất nhiều nhà hàng, nhà ở được
xây dựng mới toanh và hoành tráng, nhưng cầu xí thì rất ư là tồi tệ. Ở vùng quê,
nhiều nhà không có cầu tiêu, và nhiều người vẫn còn đi tiêu ở trên sông, ruộng, ao,
hồ, và gây ô nhiễm nguồn nước. Do đó, có lẽ chúng ta không ngạc nhiên khi thấy
E. coli tìm thấy trong rau cải và nước. Chúng ta cần phát động một phong trào xây
dựng nhà xí ở thôn quê và xây dựng nhiều nhà xí công cộng ở thành phố. Phải
khuyến khích, nếu cần dùng ngân sách y tế hỗ trợ cho người dân nghèo, để mỗi
nhà đều có một nhà xí tốt. Chúng ta đã có nhà khoa học nghiên cứu về mô hình
nhà vệ sinh thích hợp cho nông thôn. Có lẽ Nhà nước cần xem mô hình của tác giả
Lê Anh Tuấn trình bày để tiến tới một chiến dịch xây nhà vệ sinh cho dân.
Nhưng nhà vệ sinh đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc phòng chống bệnh.
Hơn một thế kỉ trước đây, nhà vệ sinh giúp thực hiện một cuộc cách mạng về y tế
công cộng ở New York, London và Paris. Ngày nay, các quan chức y tế Liên hiệp
quốc mới nhận thức rằng cầu xí là một phương tiện phòng chống bệnh rất quan
trọng ở các nước đang phát triển.
Thứ tư là vắcxin. Hiện nay, chúng ta có thể sản xuất vắcxin với hiệu quả khá cao
để phòng ngừa bệnh tả. Theo kết quả thử nghiệm tại Huế trên gần 52.000 người
được công bố trên Tập san Lancet năm 1997, hai liều lượng vắcxin WB cho uống
cách nhau từ 10-14 ngày, hiệu quả là 66% (ở trẻ em hiệu quả là 68%) sau 6-8
tháng theo dõi. Ngoài ra, nghiên cứu hiệu quả của vắcxin ở Nam Dương trong đợt
sóng thần Tsunami vào năm 2005 cho thấy hiệu quả của vắc-xin WC/rBS và
CVD103 Hg-R lên đến 90% trong vòng 6 tháng. Một số nghiên cứu gần đây ở
Bangladesh và Peru cho thấy vắc-xin WC/rBS có hiệu quả chống dịch tả lên đến
85-90% trong vòng 6 tháng cho tất cả đối tượng bất kể độ tuổi nào.
Nói tóm lại, bằng chứng nghiên cứu khoa học trong 10 năm qua cho thấy hiệu quả
trung bình của vắcxin phòng chống bệnh tả dao động trong khoảng 66% đến 90%.

Theo tôi đó là một hiệu quả rất đáng khích lệ. Thật vậy, một nghiên cứu mới công
bố vào tháng 11 năm ngoái cho thấy rằng chỉ cần 50-70% dân số trong những
vùng bị dịch tả (hay có nguy cơ cao, như các tỉnh phía Bắc hiện nay) uống vắcxin
2 lần một năm, và với hiệu quả như vừa mô tả, số ca bệnh tả có thể giảm đến 90%.
Do đó, các bằng chứng khoa học trên chỉ ra rằng cần phải có một chiến dịch cho
uống vắcxin 2 lần / năm để phòng ngừa sự bộc phát của bệnh tả trong tương lai.
Đừng để Việt Nam thành Bangladesh!
Bệnh tả cho đến nay vẫn là một vấn đề y tế công cộng có qui mô toàn cầu, và cũng
là cũng một chỉ tiêu để đo lường sự phát triển xã hội. Hàng năm, có khoảng 5-7
triệu người trên thế giới mắc bệnh tả, và số tử vong vì bệnh này khoảng 100.000
người. Chỉ riêng năm 2005, Tổ chức y tế thế giới (WHO) ghi nhận gần 132.000
trường hợp bệnh dịch tả và 2272 trường hợp tử vong (tỉ lệ tử vong 1,72%) trên thế
giới; trong đó, 98% trường hợp xảy ra ở Phi châu.
Nói đến bệnh tả người ta nghĩ ngay đến Bangladesh (150 triệu dân), nơi mà bệnh
tả bộc phát liên tục từ năm này sang năm khác, do nguồn nước ở đây bị ô nhiễm
nặng nề và do vệ sinh thực phẩm vẫn còn chưa đảm bảo. Bất cứ du khách nào từ
phương Tây đi du lịch ở Bangladesh đều được cảnh báo về tình trạng nguồn nước,
về nguy cơ mắc bệnh tả và bệnh tiêu chảy.
Trong bối cảnh bệnh tả “đến hẹn lại lên” như hiện nay, tôi nghĩ nước ta có nguy cơ
thành một Bangladesh thứ hai, nếu chúng ta không quyết liệt trong chiến dịch
phòng chống bệnh tả như vệ sinh thực phẩm, làm sạch nguồn nước, và nhà vệ
sinh. Có lẽ trong chúng ta không ai muốn thấy một viễn cảnh như thế vì nó sẽ ảnh
hưởng rất lớn đến ngành du lịch và uy tín nước ta trên trường quốc tế.
Đây là thời điểm lí tưởng để Bộ Y tế cần phát động một chiến dịch làm sạch
nguồn nước và xây nhà vệ sinh trên toàn quốc để một mặt nâng cao nhận thức của
cộng đồng về bệnh dịch tả và mặt khác cải thiện tình trạng vệ sinh ở nước. Đây là
một sự đầu tư y tế công cộng mà chúng ta chắc chắn sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho
xã hội và kinh tế.


×