Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Bàn về vấn đề dịch thuật và đánh giá năng suất khoa học ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (200.94 KB, 8 trang )

Bàn về vấn đề dịch thuật và đánh giá năng suất
khoa học
Nguyễn Văn Tuấn
Câu chuyện bắt đầu từ bài báo do kí giả Hoàng Lê viết trên tờ báo điện tử
VietNamNet ca ngợi thành tích vượt bực của Phan Thị Hà Dương: “Ở tuổi 26,
ngay khi vừa bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ, chị đứng đầu trong kỳ thi tuyển vào
vị trí Phó Giáo sư của ĐH Paris 7. Đến nay, chị vẫn là người phụ nữ Việt trẻ nhất
đạt thành tích này.” Thật ra cũng chẳng ai dám chắc chắn đây là phụ nữ Việt trẻ
nhất có chức danh giáo sư, nhưng bài báo đã được nhiều báo giấy khác in lại với
những cái tít ấn tượng. Chẳng hạn như Tiền Phong chạy cái tít “Người phụ nữ Việt
trẻ nhất đoạt học hàm Phó giáo sư” (Tiền Phong, 21/11/2005) và nhiều lời ca ngợi
nồng thắm
Mới 26 tuổi mà được phong làm phó giáo sư tại một đại học có tầm cỡ, vượt qua
hàng trăm ứng viên khác, thì quả là quá tài giỏi. Nhưng bản chất của người trí thức
là hoài nghi. Có quả thật thông tin mà bài báo cung cấp là đúng với thực tế, hay lại
là một ca ngợi vẽ chim thành phượng như bao nhiêu bài báo khác? Tiến sĩ Nguyễn
Đình Đăng, hiện đang công tác ở Nhật, tò mò kiểm tra thì thấy bài báo của Hoàng
Lê có nhiều thông tin không đúng với sự thật, như chức danh thật của Hà Dương
là Maitre de Conferences, tương đương với chức danh Assistant Professor (theo
hệ thống khoa bảng bên Mĩ) như trên trang nhà của bộ môn mà Hà Dương đang
công tác ghi rõ ràng. Nguyễn Đình Đăng viết: “Là một người Việt Nam, tôi rất
mừng vì dòng giống con rồng cháu tiên của chúng ta có nhiều người học cao và
tài giỏi như TS Phan Thị Hà Dương, Ngô Bảo Châu, v.v. Nhưng chụp cho “maître
de conférences” cái mũ “phó giáo sư” là một sự tùy tiện có lẽ chỉ nước Nam ta
mới có. Việc đánh tráo khái niệm này có thể làm độc giả hiểu sai thực chất của
một nhà khoa học trẻ, bảo vệ tiến sỹ tháng 1 năm 1999, và sau đó 8 tháng nhận
biên chế maître de conférences (giảng viên). Cần lưu ý rằng khi nhận vị trí này cô
chưa có một công trình nào được công bố trên tạp chí chuyên ngành vì bài báo
đầu tiên của cô đăng tại tạp chí chuyên ngành là vào năm 2001 [ ]. Sau khi bảo
vệ tiến sỹ, cô đã đăng 8 công trình nghiên cứu trên tạp chí quốc tế trong vòng 4
năm (từ năm 2001 đến 2004). Đó là một thành tích đáng khen. Tuy nhiên, không


biết ở Việt Nam ta thế nào, chứ ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ngày nay không thể có
chuyện một người mới 26 tuổi và chỉ với số lượng (chưa nói đến chất lượng) 8 bài
báo được đăng (hoặc đang chờ được đăng) lại có thể trở thành phó giáo sư tại
một đại học danh tiếng.”
Với giọng văn tương đối gay gắt, bài viết của Nguyễn Đình Đăng đã gây ra một
cuộc tranh luận khá căng thẳng trên internet chung quanh những vấn đề được nêu
lên. Một số người bày tỏ ý kiến ngầm ủng hộ nội dung bài báo của Hoàng Lê và
quay sang tố cáo Nguyễn Đình Đăng đã từ chuyện bé xé thành chuyện to; một số
thì xoay quanh những khó khăn trong việc chuyển ngữ các chức danh khoa bảng
từ tiếng Pháp sang tiếng Anh và về lại tiếng Việt; một số khác thì chỉ ra đây cũng
chỉ là một trong số hàng loạt những bài đánh đồng cá nhân quá trớn.
Những tranh luận này xảy ra ngay sau khi Nhà nước vừa ra quyết định công nhận
chức danh giáo sư và phó giáo sư cho 339 nhà khoa học (VietNamNet
10/11/2004); và cũng như các lần trước, việc xét phong chức danh lần này cũng
gây ra vài tranh luận, nghi ngờ. Có ý kiến cho rằng một số vị được tiến phong
chức danh này chưa xứng đáng với khả năng thật trong hoạt động khoa học, và
cũng có người đặt vấn đề tiêu chuẩn được được công nhận chức danh giáo sư. Bàn
về vấn đề tiêu chuẩn, Giáo sư Đỗ Trần Cát, Tổng thư kí Hội đồng Chức danh Giáo
sư Nhà nước cho biết Việt Nam phải hạ tiêu chuẩn thấp xuống mới có giáo sư!
Thành ra, người viết bài này cảm thấy câu chuyện chung quanh bài báo của Hoàng
Lê và Nguyễn Đình Đăng còn đặt ra một số vấn đề khá thời sự ở nước ta liên quan
đến chức danh khoa bảng và các tiêu chuẩn đánh giá công trình nghiên cứu khoa
học cũng như đề bạt nhà khoa học.
Thứ nhất là sự khác biệt của hệ thống chức danh khoa bảng giữa Mĩ, Pháp và
Việt Nam. Ở Mĩ, thông thường, sau khi sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ và sau ít nhất
là 2 năm nghiên cứu hậu tiến sĩ, họ có thể xin được đề bạt vào ngạch giáo sư. Có
ba bậc giáo sư xếp theo thứ tự thấp nhất đến cao nhất: Assistant Professor,
Associate Professor, và Professor. Còn ở Pháp, cán bộ giảng dạy hay nghiên cứu
trong các trường đại học chỉ có 2 bậc: Maître de Conférences và Professeur de
Université. Ở Việt Nam, hệ thống tuy phức tạp hơn hệ thống của Mĩ và Pháp,

nhưng nói chung cũng có thể chia thành 3 bậc: giảng viên, phó giáo sư và giáo sư.
Nếu cần nói thêm, tôi muốn nói rằng hệ thống ở Anh và Úc có đến 4 chức vụ
chính: Lecturer, Senior Lecturer, Associate Professor, và Professor.
Đến đây thì có vấn đề tương đương giữa các chức vụ trên đây. (Ở đây, tôi chỉ nói
“tương đương” trên danh xưng mà thôi, chứ chưa nói đến tương đương về chức vụ
và trách nhiệm). Nếu so sánh giữa Việt Nam và Mĩ thì chúng ta có thể phân cấp
khá dễ dàng: Giảng viên = Assistant Professor, Phó giáo sư = Associate
Professor, và Giáo sư = Professor.
Nhưng nếu so giữa hệ thống của Pháp với Việt Nam (hay Mĩ) thì sao? Vì Pháp chỉ
có 2 bậc mà Việt Nam và Mĩ có đến 3 bậc, thành ra có thể lí giải rằng Maître de
Conférences của Pháp có thể tương đương với Assistant Professor hay Associate
Professor. Và, cũng dùng theo cách phân cấp đó, người ta vẫn có thể nói một
Professeur của Pháp có thể tương đương với Associate Professor hay Professor
của Mĩ!
Ở Anh và Úc, các trường đại học vẫn khẳng định rằng chức Lecturer của họ tương
đương với Assistant Professor của Mĩ và Maître de Conférences của Pháp; còn
Senior Lecturer của Úc thì tương đương với Associate Professor của Mĩ. Thế thì
sự tương đương giữa hai chức danh Associate Professor / Professor của Anh và
Associate Professor / Professor của Mĩ thì sao? Không có câu trả lời chính thức,
bởi vì còn tùy thuộc vào … lí lịch khoa học.
Thứ hai là những khó khăn về dịch thuật. Ngày nay, chúng ta đều nhất trí dịch
chữ Professor (hay tiếng Pháp, Professeur) là Giáo sư. Chúng ta cũng nhất trí rằng
Associate Professor dịch là Phó giáo sư. Thực ra, đây cũng chỉ là một cách dịch
tương đối mà thôi, chứ như tôi đã từng phát biểu trước đây tuy mang danh là
“phó” nhưng trong thực tế những người mang chức danh Associate Professor
chẳng làm phó cho giáo sư nào cả.
Nhưng khó khăn nhất vẫn là chức danh Assistant Professor (Mĩ) nên dịch sang
tiếng Việt là gì ? Có người đề nghị Assistant Professor nên dịch là trợ lí giáo sư,
nhưng tôi e rằng cách dịch này không mấy chính xác, bởi hai lẽ: (i) trợ lí giáo sư
là một chức vụ ngoài khoa bảng tương đương với tiếng Anh Professorial

Assistant; và (ii) tuy mang danh là Assistant (phụ tá), nhưng trong thực tế những
người mang chức danh Assistant Professor chẳng phụ tá cho giáo sư nào cả, mà là
những nhà nghiên cứu độc lập, hoàn toàn có tư cách chủ trì các công trình nghiên
cứu. Như nói trên, Assistant Professor là một chức vụ khoa bảng thấp nhất trong
ba bậc giáo sư, và những người mang chức danh này là những nhà khoa bảng đang
trong giai đoạn củng cố địa vị chuyên môn để chuyển tiếp lên một cấp bậc cao
hơn. Do đó, có lẽ Assistant Professor nên dịch là “Giáo sư dự khuyết”. Thú thật,
ngay cả tôi cũng không cảm thấy hài lòng với cụm từ này (cũng như chưa hài lòng
với chức danh Phó giáo sư, nhưng thiết nghĩ tất cả chuyển ngữ về chức danh chỉ là
… tương đối.
Càng khó hơn nữa là chức danh Maitre de Conferences (Pháp). Nếu xét trên danh
xưng thì chức danh này không có chữ Professeur và do đó không thể dịch là giáo
sư được. Nhưng xét trên thứ bậc đẳng cấp thì chức vụ này chỉ thấp hơn Professeur
một bậc (bởi vì đại học Pháp chỉ có 2 bậc "giáo sư"), vậy có nên dịch Maitre de
Conferences là Phó giáo sư không ? Như đã đề cập trên, chức danh Maitre de
Conferences tương đương với Assistant Professor, mà cũng có thể tương đương
với Associate Professor, cho nên cả giảng viên và Phó giáo sư đều có thể thích
hợp ! Như vậy, vấn đề dịch các chức danh khoa bảng có khi cần phải xét đến chức
vụ và thành tích khoa học của nhà khoa học.
Những khó khăn trên dẫn đến vấn đề thứ ba là tiêu chuẩn để đánh giá khả năng
của một nhà khoa học và chất lượng công trình nghiên cứu khoa học. Các
chức danh và chức vụ khoa bảng như giảng viên và giáo sư thường thường do hội
đồng khoa bảng của trường đại học phê chuẩn và bổ nhiệm. Hội đồng khoa bảng
dựa vào 4 tiêu chuẩn chính đề làm cơ sở cho việc phê chuẩn và bổ nhiệm : thành
tích hoạt động khoa học, giảng dạy và cống hiến vào việc quản trị phân khoa đại
học, khả năng thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hoạt động cộng đồng. Trong 4 tiêu
chuẩn này, thành tích hoạt động khoa học được xem là tiêu chuẩn quan trọng nhất.
Thành tích hoạt động khoa học được đánh giá bằng các tiêu chí như số lượng và
chất lượng bài báo khoa học đã công bố, số lượng bằng phát minh (patents of
invention), uy danh và sự công nhận của giới chuyên môn trong ngành. Không có

trường nào có qui định cụ thể ứng viên phải có bao nhiêu bài báo khoa học để
được đề bạt, nhưng thông thường, những con số được "hiểu ngầm" là giáo sư dự
khuyết phải có từ 5 bài báo trở lên, phó giáo sư thì ít nhất là 20, và giáo sư thì ít
nhất là 50.
Nhưng số lượng công trình không nói lên được chất lượng của công trình nghiên
cứu. Hội đồng khoa bảng thường dựa vào hệ số ảnh hưởng (còn gọi là impact
factor) của tập san mà bài báo khoa học được đăng. Hệ số này thực chất là số lần
trích dẫn (citation), tính trung bình, cho những bài báo đã đăng trên tập san trong
vòng 2 năm trước. Chẳng hạn như năm 2003 và 2004 tập san đăng 200 bài báo
khoa học, và năm 2005 có 400 lần trích dẫn các bài báo trong hai năm qua, thì hệ
số ảnh hưởng được ước tính là 400/200 = 2. Nói chung, tập san nào có hệ số ảnh
hưởng cao hơn 5 được xem là có uy tín cao.
Tuy nhiên, hệ số ảnh hưởng của tập san cũng tùy thuộc vào bộ môn khoa học
(chẳng hạn như các tập san thuộc bộ môn khoa học thực nghiệm thường có hệ số
ảnh hưởng cao hơn các tập san trong các ngành khoa học tự nhiên và toán học).
Vả lại, hệ số ảnh hưởng chỉ phản ánh uy tín của tập san chứ không hẳn phản ánh
ảnh hưởng của bài báo trên tập san. Trong lịch sử khoa học, không ít công trình có
ảnh hưởng lớn (hiểu theo nghĩa được nhiều người trích dẫn và tham khảo) nhưng
chỉ xuất hiện trên các tập san với hệ số ảnh hưởng thấp, hay thậm chí chưa bao giờ
công bố chính thức trên một tập san ! Cho nên một cách đánh giá chất lượng khác
là tính số lần các nhà khoa học khác trích dẫn bài báo (citations) mà nhà khoa học
đã công bố. Số lần trích dẫn nhiều cũng có nghĩa là công trình nghiên cứu có ảnh
hưởng lớn trong chuyên ngành. Ngược lại, nếu nhà khoa học dù có hàng trăm bài
báo, nhưng không ai trích dẫn thì những bài báo này cũng chỉ là một đống rác chữ
nghĩa vô dụng.
Bài học
Qua những tranh luận chung quanh bài báo về Phan Thị Hà Dương trên
VietNamNet, chúng ta cũng có thể rút ra một vài kinh nghiệm về việc đánh giá độ
tin cậy và tính chính xác của thông tin. Một bài học hiển nhiên cho những người
viết báo là cần phải kiểm tra thông tin cẩn thận để tránh nhầm lẫn. Internet là một

phương tiện quan trọng trong việc kiểm tra thông tin. Với hệ thống truy tìm thông
tin của Google, việc rà soát chức danh và chức vụ cũng như quá trình hoạt động
nghiên cứu của một nhà khoa học trong các đại học Tây phương thật là dễ dàng.
Có thể nói bất cứ đại học nào ở các nước Tây phương cũng đều có một trang web,
và trong trang web đó có danh sách giáo sư với những chức vụ khá rõ ràng. Muốn
biết chuyên môn của một giáo sư là gì, hay bao nhiêu công trình khoa học gắn liền
với tên của vị giáo sư cũng chỉ cần năm ba phút là cũng có được.
Tuy nhiên không phải thông tin nào trên internet, nhất là các trang web mang tính
phi chính thức (unofficial), đều có độ chính xác cao. Rất nhiều thông tin trong các
trang web như Wipipedia, tuy mang danh là từ điển bách khoa cho đại chúng, chưa
nhiều sai sót nghiêm trọng. Thành ra, không bao giờ phụ thuộc vào thông tin của
một trang web, cho dù trang web đó là của trường đại học ! Nếu cần thiết, nhà báo
vẫn có thể liên lạc với những chuyên gia có thẩm quyền để rà soát thông tin và
kiểm tra lại các thông tin trên internet.
Người Tây phương có câu “Đừng bao giờ đánh giá cuốn sách qua bìa sách” (never
judge a book by its cover), cũng giông giống như chúng ta hay nói “không nên
xem mặt đặt tên”. Dùng cách nói đó, thiết tưởng tôi cũng có thể nói không nên
đánh giá một nhà khoa học qua trường đại học hay viện nghiên cứu mà nhà khoa
học công tác hay tốt nghiệp. Trong thực tế, không ít giáo sư trong các đại học nổi
tiếng ở Tây phương, kể cả giáo sư gốc Việt, cũng rất xoàng xĩnh, chứ chẳng phải
là giáo sư hạng "đẳng cấp quốc tế" gì cả.
Ở Việt Nam ta, tiêu chuẩn để tiến phong giáo sư đang là một vấn đề thời sự. Có ý
kiến cho rằng tiêu chuẩn còn quá thấp, nhưng cũng có ý kiến tiêu chuẩn quá cao.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đăng trên VietNamNet ngày 11/3/2004
( Thư kí hội đồng chức danh
giáo sư nhà nước (Giáo sư Đỗ Trần Cát) cho biết : « Mỗi ứng viên cho chức danh
giáo sư phải có 2 điểm - tương đương với hai công trình - đăng trong các tạp chí
uy tín », và mỗi ngành chỉ có hai « tạp chí uy tín » ở trong nước, hiểu theo nghĩa «
nếu đăng ở đấy thì nó khó, chất lượng cao hơn. Còn việc chọn đâu là hai tạp chí
uy tín của mỗi ngành thì do hội đồng ngành đề xuất, hội đồng thường trực sẽ

thông qua. Còn các bài báo đăng ở tạp chí khoa học ngoài nước tất nhiên là
không hạn chế rồi ». Nói cách khác, theo qui định này, để đề bạt chức vụ giáo sư,
ứng viên chỉ cần có 2 bài báo khoa học ! Tôi nghĩ những tiêu chuẩn này chẳng
những quá thấp, mà còn chưa đủ vì, như đã nói trên, con số bài báo không thể
phản ánh chất lượng nghiên cứu.
Bất cứ thời nào, bất cứ ở đâu, bất cứ ngành nào đều có những rác rưởi được đánh
bóng và xuất hiện dưới danh nghĩa "công trình nghiên cứu khoa học". Ngày nay,
trên thế giới có khoảng 108.000 tập san gọi là “khoa học”, và con số vẫn còn tăng
hàng năm. Thành ra, một công trình nghiên cứu dù cho có chất lượng thấp cỡ nào
đi nữa, và nếu tác giả kiên trì theo đuổi, thì nó cũng được in trong một tập san nào
đó. Herbert Simon (giải Nobel kinh tế học) từng nói một câu chí lí: Sự dồi dào
thông tin tạo nên tình trạng thiếu tập trung (“A wealth of information creates a
poverty of attention”). Theo phân tích của Viện thông tin khoa học (Institute of
Scientific Information, ISI) có khoảng 55% các bài báo khoa học trên thế giới
không bao giờ được ai trích dẫn, không bao giờ được ai (kể các chính tác giả)
tham khảo sau 5 năm công bố ! Ngay cả trong số được trích dẫn, cũng chỉ rất …
lèo tèo. Chỉ có trên dưới 1% bài báo khoa học được trích dẫn hơn 6 lần mà thôi
(trong vòng 5 năm). Điều này có nghĩa là không không thể nào đánh giá khả năng
của nhà khoa học qua con số lượng bài báo, và càng không đánh giá công trình
khoa học chỉ vì công trình đã được công bố, mà phải xét đến số lần trích dẫn.
Xã hội có quyền đặt kì vọng cao vào những người mang chức danh "giáo sư", bởi
vì họ là một phần của bộ mặt của khoa học Việt Nam. Người dân muốn thấy
những người mang chức danh giáo sư phải có khả năng tương xứng với đồng
nghiệp quốc tế. Trong chiều hướng hội nhập quốc tế có lẽ đã đến lúc chúng ta xem
xét lại các tiêu chuẩn chất lượng trong việc xem xét đề bạt giáo sư ở nước ta. Đành
rằng cũng cần phải xem xét đến các điều kiện mang tính địa phương trong khi đề
bạt giáo sư, nhưng các hoạt động khoa học thì lại mang tính quốc tế, và không có
lí do gì các thước đo khách quan mà đa số nước trên thế giới đang sử dụng không
áp dụng cho nước ta.


×