Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Nhà Nguyễn - lịch sử thăng trầm của một dòng họ - 6 ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (210.63 KB, 6 trang )

Nhà Nguyễn - lịch sử thăng trầm của một dòng họ
Kỳ 6: “Kinh đô kháng chiến”
Hơn 300 năm sau, khi Ái Tử hay Trà Bát không còn là thủ phủ như buổi đầu khởi
nghiệp, nhưng hậu duệ của Nguyễn Hoàng - vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước
của vương triều Nguyễn, đã về Quảng Trị lập “kinh đô kháng chiến” chống Pháp.
Đó chính là thành Tân Sở ở Cam Lộ.
Dài theo đường thiên di của lịch sử, của dân tộc, nhiều chứng tích đã bị phôi pha,
quên lãng rồi tan vào cát bụi. Và Tân Sở cũng không ngoài số phận đó.
“Kinh thành dự bị, kinh đô kháng chiến”
Từ huyện lỵ Cam Lộ nằm ở km 12 trên quốc lộ 9 từ Đông Hà đi Lao Bảo, rẽ về
phía hướng nam theo đường vào Cùa chừng 7km sẽ gặp một bình nguyên đất
badan màu mỡ được vây bọc những đồi núi bát úp khá kín đáo và hiểm yếu. Đó là
thành Tân Sở.
Sau khi Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng
bước nhượng bộ chủ hòa, tuy nhiên trong triều đình vẫn nổi lên phái chủ chiến do
thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết và phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường
đứng đầu. Kinh thành ngày càng bị uy hiếp, từ năm 1883 Tôn Thất Thuyết và
Nguyễn Văn Tường đã chủ trương xây dựng một “kinh đô dự phòng” để di đô khi
Huế lâm nguy. Và vùng Cùa với Tân Sở là trung tâm được chọn.
Khi người Pháp đánh chiếm cửa Thuận An (tháng 8-1883) thì Tân Sở được đẩy
nhanh tốc độ xây dựng. Một “kinh đô kháng chiến” được xây bằng tre, gạch, gỗ,
đá… của nhân dân Quảng Trị đóng góp. Đến đầu năm 1885 thì Tân Sở hoàn
thành. Một trong những tư liệu đầu tiên tìm hiểu về căn cứ Tân Sở này là của giáo
sĩ A.Delvaux, từng đến truyền giáo ở xứ đạo Phước Tuyền (Cam Lộ), đăng trên
tập san Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H - “Le camp de Tan So”) với những miêu tả
chi tiết kèm theo bản đồ thành Tân Sở.
Tân Sở được xây với mục đích làm căn cứ kháng chiến nên thành có diện tích
rộng gần bằng kinh thành Huế. Với chiều dài 548m, rộng 418m, ngoài thành có
hàng rào cọc nhọn và hào sâu bao bọc, tiếp là thành đắp bằng đất nện, mở bốn cửa
tiền - hậu - tả - hữu theo hướng tương ứng nam - bắc - đông - tây, tiếp theo là tre
gai được trồng thành bốn lớp lũy dày, giữa các lũy tre là thành đất, tiếp giáp với


thành nội là trại lính, kho hậu cần, bãi tập voi, ngựa. Chính giữa trung tâm là khu
vực thành nội được xây bằng gạch vồ với chiều dài 165m, rộng 100m, ngoài bốn
cửa tiền - hậu - tả - hữu còn có thêm Ngọ Môn. Bên trong thành nội là hành cung
với các ngôi nhà kiên cố được tháo dỡ từ Huế rồi mang ra dựng lại để vua và các
quan làm việc như dinh lãnh binh, chánh sứ, phó sứ, bang tá
Lần giở những trang tài liệu cũ về căn cứ Tân Sở lúc bấy giờ có thể hình dung cả
một “công trường kháng chiến” khi hàng vạn dân đinh trong vùng tụ hội về đây
xây dựng thành lũy, binh lính tập trung luyện tập. Lương thực chuẩn bị cho cuộc
kháng chiến được vận chuyển từ đồng bằng sông Hồng vào đây qua cảng Cửa
Việt. Súng thần công, đạn dược được chuyển từ kinh thành Huế ra, lò rèn nổi lửa
đúc súng ống. Tiền bạc ngân lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến cũng được Tôn
Thất Thuyết cho chuyển ra đây với ba trăm ngàn lượng, bằng một phần ba kho nội
phủ.
Những trù liệu của triều đình khi xây dựng căn cứ Tân Sở đã thành sự thật khi sự
biến đêm 23-5 năm Ất Dậu (1885) xảy ra. Cuộc tập kích đồn Mang Cá và Tòa
khâm sứ Pháp không thành, kinh đô chìm ngập trong biển máu. Tôn Thất Thuyết
và triều thần phò giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến
đánh Pháp. Tại đây vua Hàm Nghi đã xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân
cả nước phò vua đánh giặc.
Cuộc kháng chiến của phong trào Cần Vương với sự tham gia của nhân dân và
nhiều sĩ phu yêu nước kéo dài đến những năm đầu thế kỷ 20. Tân Sở thành xưa
sau này bị quân Pháp đốt phá, nhưng theo A.Delvaux, khi ông lên đây lần đầu vào
năm 1906 cho biết những thành lũy trong và ngoài Tân Sở vẫn còn khá nguyên
vẹn.
Hoang tàn dấu tích
Hơn 120 năm đã qua khi chúng tôi về lại thành xưa Tân Sở chỉ thấy một bình
nguyên mênh mông phủ kín bạt ngàn cao su. Những lũy tre ken dày mấy lớp xưa
kia nay chỉ còn vài khóm lưa thưa nhưng vẫn mọc thẳng hàng, đủ cho chúng tôi
nhận ra dấu vết của vòng thành ngoại. Trên lô cao su chưa khép tán, mấy người
dân vùng Cùa tranh thủ gặt lúa. Chị Trần Thị Cúc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam

Chính kể hồi xưa chị còn nhỏ lên đây vẫn thấy bờ tre ken dày. Hồi những năm
1970-1980, người ta mưu sinh bằng việc tìm phế liệu, trong khu vực thành Tân Sở
xưa này đã tìm thấy khá nhiều đạn của súng thần công, những viên đạn hình cầu
đúc bằng gang hay sắt, đồng, kích cỡ đường kính lớn nhỏ khác nhau.
Còn theo A.Delvaux, sau khi Tân Sở bị Pháp chiếm và đốt phá, công sứ Quảng Trị
là Hamelin đã sai chuyển bốn khẩu thần công có khắc chữ Hán từ Tân Sở về đặt
trước hành cung ở thành cổ Quảng Trị, trong đó hai cỗ súng dài đến 2,57m. Hỏi
thăm những người dân quanh vùng để tìm đến chủ một vựa thu mua phế liệu thời
đó, chúng tôi gặp anh Trần Xuân Hòa, năm nay 54 tuổi, người thôn Đốc Kỉnh,
Cam Chính. Theo anh Hòa, số đạn thần công hồi đó anh mua nhiều vô kể nhưng
đều cân sắt phế liệu, anh có giữ lại một vài viên bằng đồng nhưng rồi thất lạc mất.
Lũy tre không còn, những chứng tích súng đạn của kinh thành kháng chiến cũng
không. May sao trong vườn nhà anh Hòa vẫn còn một số viên gạch vồ, vốn xưa
kia là gạch xây thành nội Tân Sở. Hồi đó, dân trong vùng vào Tân Sở kiếm hết phế
liệu thì nhặt những viên gạch còn lành lặn về lát sân, lát nền giếng. Những viên
gạch vồ với kích thước không lẫn vào đâu được, đã xanh sắc rêu im lặng trong góc
vườn nhà anh Hòa.
Một “kinh đô kháng chiến” được nhắc nhiều trong sử sách mà nay chỉ còn lại vài
viên gạch lẻ loi như thế này thôi ư? Một chương bi tráng trong lịch sử chống ngoại
xâm của dân tộc lẽ nào không còn ai biết? Nhìn ra mênh mông bình nguyên, chập
chùng đồi núi vây bọc bốn bề, chốn hiểm địa chở che cho Tổ quốc buổi sơn hà
nguy biến nay không một tấm bia biển để nhắc nhở hậu thế.
Quảng Trị ba lần làm kinh đô và thủ phủ
Lần thứ nhất: Khi chọn đất đứng chân cho hành trình mở cõi, từ năm 1558
Nguyễn Hoàng đã chọn Ái Tử của Quảng Trị.
Lần thứ hai: Khi Pháp nổ súng xâm lược (1858), lo ngại trước thế quân Pháp,
năm 1883 để phòng khi Huế thất thủ, nhà Nguyễn chọn Quảng Trị để lập “kinh đô
kháng chiến”, xây dựng căn cứ Tân Sở (nay thuộc vùng Cùa, huyện Cam Lộ,
Quảng Trị).
Lần thứ ba: Năm 1973, khi đặt “thủ đô” cho Cộng hòa miền Nam Việt Nam giữa

lúc cuộc đấu tranh đòi thống nhất đất nước diễn ra ác liệt nhất, Cam Lộ được
chọn đặt trụ sở của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,
nơi đây đã diễn ra những lễ trình quốc thư, tiếp kiến ngoại giao với sự có mặt của
các chính khách trong chính phủ kháng chiến Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ,
Nguyễn Thị Bình

×